Quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp năm 2013 – Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
TÓM TẮT
Ngày 02/06/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu của cải cách tư pháp là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để đạt được mục tiêu này, chiến lược cải cách tư pháp đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, bao gồm Tòa án và Viện kiểm sát. Hiện tại Hiến pháp 2013 đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Có thể nói đây là một sự kiện quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Cùng với sự ra đời của Hiến pháp 2013, các văn bản luật liên quan đã và đang được tiếp tục lấy ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung, bao gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS), Luật tổ chức tòa án nhân dân (TAND), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm … Hiện tại, cơ quan VKSND tối cao đã hoàn tất bản Dự thảo Bộ luật TTHS và Dự thảo lần 2 Luật tổ chức VKSND sửa đổi và chờ ý kiến của Quốc hội và các bộ, ngành. Có thể nói, Hiến pháp 2013 đã tác động rất lớn đến định hướng sửa đổi của các luật trên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến những điểm mới tiến bộ trong các quy định của Hiến pháp 2013 về vị trí, chức năng và nhiệm vụ của VKS từ góc độ xem xét và đánh giá quá trình hình thành và phát triển của các quy định này trong các bản Hiến pháp trước đây. Đồng thời phân tích, đánh giá vai trò của Hiến pháp 2013 đối với định hướng sửa đổi và hoàn thiện Luật tổ chức VKSND và yêu cầu cải cách tư pháp.
Xem thêm:
- Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp và thi hành Hiến pháp 2013 – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Quyền con người của người chấp hành án phạt tù theo cải cách tư pháp – ThS. Lê Hữu Trí
- Quyền tư pháp trong cơ chế quyền lực nhà nước theo Hiến pháp 2013 – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Khái niệm và sự cần thiết kiểm soát của tư pháp đối với quyền hành pháp – ThS. Lê Thị Thu Thảo
TỪ KHÓA: Viện kiểm sát, Hiến pháp 2013, Cải cách tư pháp,
1. Vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992
Ở khía cạnh lịch sử, sự hình thành và phát triển của VKSND ở Việt Nam cũng đã trải qua những bước thay đổi cơ bản theo những thay đổi về bộ máy nhà nước và pháp luật. Quá trình hình thành và hoàn thiện pháp luật thông qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 đã dẫn theo sự hình thành và phát triển của các cơ quan Nhà nước nói chung và VKSND nói riêng. Có thể nói, trải qua nhiều thời kỳ với những biến cố về lịch sử, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của VKSND qua các bản Hiến pháp cũng có những chuyển biến quan trọng và góp phần không nhỏ vào quá trình hoàn thiện pháp luật cũng như tạo những hiệu quả nhất định trong các lĩnh vực áp dụng pháp luật có vai trò của VKSND. Những bước phát triển này thể hiện ở hai giai đoạn đặc thù sau:
Giai đoạn từ năm 1946 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến trước khi ban hành Hiến pháp 1959:
Tiếp tục thừa hưởng mô hình Viện công tố từ thời Pháp thuộc và duy trì đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hiến pháp năm 1946 tuy không đề cập đến Viện công tố nhưng trong cơ cấu của Tòa án có các công tố viên làm nhiệm vụ buộc tội trước phiên tòa nhân danh Nhà nước trong các vụ án hình sự và chịu sự quản lý của Bộ tư pháp. Chức năng chủ yếu của công tố viên trong giai đoạn này là thực hành công tố buộc tội đối với người phạm tội và giám sát hoạt động điều tra. Từ năm 1958, Viện công tố được tách ra khỏi Tòa án nhưng trực thuộc Chính phủ, lúc này một hệ thống cơ quan Nhà nước độc lập với Tòa án từ trung ương tới địa phương đã được hình thành. Hoạt động chủ yếu của Viện công tố vẫn là hoạt động công tố trước Tòa án. Có thể nói, VKSND trong thời kỳ này thực hành chức năng của nhánh quyền lực tư pháp.[1]
Giai đoạn từ năm 1959 đến trước ngày 7/01/2002 (ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 51/2001/QH11 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992):
Hiến pháp 1959 lần đầu tiên quy định hệ thống cơ quan VKSND các cấp và hệ thống Viện kiểm sát quân sự trực thuộc VKSND tối cao (VKSNDTC) thay thế cho mô hình Viện công tố trước đó. Hệ thống cơ quan này ngoài chức năng công tố còn thực hiện chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân. Nội dung về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND cũng đã được cụ thể hóa trong Luật tổ chức VKSND 1960.
Tiếp theo đó, trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992, mặc dù một số quy định về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát đã được sửa đổi, nhưng VKSND vẫn thực hiện chức năng công tố và giám sát việc tuân theo pháp luật. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của VKSND trong việc giám sát việc thi hành pháp luật của các bộ, các ngành, các cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan và cá nhân, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Về cơ cấu tổ chức và thực hiện nhiệm vụ, VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của VKSND cấp trên, VKSND địa phương và VKS quân sự chịu sự lãnh đạo thống nhất của viện trưởng VKSNDTC. Viện trưởng, các phó viện trưởng và kiểm sát viên VKSND địa phương và VKS quân sự các quân khu và khu vực do viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Viện trưởng VKSNDTC chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của viện trưởng VKSNDTC theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Tuy nhiên, kể từ ngày 7/01/2002 khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) có hiệu lực, một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta đã được xác lập. Theo đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2). Cùng với sự sửa đổi này, vai trò, chức năng của VKSND cũng có bước thay đổi cơ bản, đó là việc quy định thu hẹp lại chức năng của VKSND bao gồm thực hành quyền công tố buộc tội và kiểm sát các hoạt động tư pháp, mà không còn là “giám sát hoạt động chấp hành và tuân thủ pháp luật”. Điều này một lần nữa khẳng định, VKSND là hệ thống tổ chức độc lập, thống nhất, nhưng thiên về tính chất của một cơ quan tư pháp.[2]
Nhận xét: trải qua một quá trình hình thành và phát triển, chức năng của VKSND ở Việt Nam luôn gắn liền với thực hành quyền công tố. Nội dung này thể hiện vai trò của VKSND trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, cụ thể là VKSND nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện việc truy tố buộc tội đối với hành vi phạm tội và người phạm tội. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý luận về lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, coi chức năng thực hành quyền công tố là chức năng vốn có của Viện công tố[3] . Trong khi đó, việc gắn chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật, và sau này được giới hạn lại trong phạm vi giám sát các hoạt động tư pháp, đã thể hiện một bước thay đổi cơ bản trong việc nhìn nhận về vai trò và chức năng của cơ quan VKSND trong hệ thống các cơ quan Nhà nước nói chung. Mặc dù, nội dung này vẫn đang là một vấn đề còn nhiều tranh luận hiện nay. Tuy nhiên, định hướng cải cách tư pháp và sự kiện Quốc hội vừa thông qua bản Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ ràng hơn về chức năng của VKS. Nội dung này sẽ được bàn luận cụ thể ở những phần tiếp theo của bài viết.
2. Định hướng cải cách tư pháp về vai trò, chức năng của VKSND
Trải qua một giai đoạn khá dài, việc thực thi Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 đã bộc lộ những thành công và hạn chế nhất định, đặc biệt ở khía cạnh định hướng chung cho việc thực hiện vai trò và chức năng của các cơ quan Nhà nước, trong đó có Tòa án và VKSND. Ngay sau đó, công cuộc cải cách tư pháp được khởi xướng và bắt đầu chính thức được thực hiện một cách có hệ thống từ năm 2005 với việc ban hành Chiến lược cải cách tư pháp tới năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 (Nghị quyết 49) của Bộ chính trị. Đây là một chiến lược cải cách toàn diện bao trùm lên lĩnh vực tư pháp. Theo đó, vấn đề hoàn thiện Hiến pháp và pháp luật được đặt ra cấp thiết. Trên cơ sở xác định quy định của Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 về chức năng của VKSND, Nghị quyết 49 đã tiếp tục tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp. Theo đó, chiến lược cải cách tư pháp vẫn khẳng định: “Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Định hướng này, từ góc độ chức năng của VKSND thể hiện ở một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan VKSND[4] ;
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, trong đó có kiểm sát viên, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý để cán bộ tư pháp thực hiện một cách hiệu quả nhiệm vụ của mình[5] ;
Thứ ba, phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho kiểm sát viên để họ chủ động trong việc thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình;[6]
Thứ tư, nâng cao chất lượng tranh tụng, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp[7] ;
Với định hướng và nhiệm vụ trên, hệ thống VKSND, bên cạnh Tòa án, sẽ đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc cải cách tư pháp, theo đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc để VKSND phát huy tốt vai trò của mình trong hệ thống tư pháp. Chính vì vậy, cải cách tư pháp đối với VKSND tức là cải cách toàn diện từ vị trí, vai trò, chức năng, đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của cơ quan VKSND các cấp sao cho làm tốt đồng thời công tác thực hành quyền công tố và nhiệm vụ kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ở khía cạnh xây dựng và hoàn thiện pháp luật, quan điểm cải cách tư pháp trên của Bộ chính trị còn có giá trị định hướng cho việc hoàn thiện các đạo luật liên quan gồm Bộ luật TTHS, Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh tổ chức VKSQS và Pháp lệnh kiểm sát viên. Chúng tôi cho rằng, tiếp cận từ yêu cầu của cải cách tư pháp đối với việc hoàn thiện pháp luật về vai trò, chức năng của VKSND cho thấy các định hướng của Bộ chính trị đã đủ mạnh và đủ toàn diện để tạo cơ sở cho việc nâng cao và phát huy vai trò và chức năng của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nói chung.
Những quy định của Hiến pháp 2013 về VKSND – đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp
Ngày 28/11/2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 có hiệu lực vào ngày 1/1/2014. Theo đó, chức năng của VKSND không thay đổi so với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001). VKSND vẫn thực hiện hai chức năng là đại diện cho nhà nước thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp (Điều 107). Tuy nhiên, các quy định về nhiệm vụ của VKSND thì đã có những điều chỉnh và thay đổi đáng chú ý. Trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), VKSND và TAND có cùng chung một nhiệm vụ là, trong phạm vi chức năng của mình, bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Như vậy, nhiệm vụ cao nhất của hai cơ quan này khi đó là bảo vệ pháp chế và chế độ XHCN, đây là nhiệm vụ mang tính chính trị nhiều hơn tính pháp lý.
Khác với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), Hiến pháp 2013 phân biệt rõ nhiệm vụ của Tòa án với Viện kiểm sát. Theo đó, về cơ bản hệ thống Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân còn hệ thống Viện kiểm sát có hai nhiệm vụ nổi bật là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Như vậy nhiệm vụ hiến định của VKSND giờ đây nhấn mạnh tới yếu tố bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Quy định này cho thấy, nhiệm vụ của VKSND đã mang tính pháp lý nhiều hơn tính chính trị.
Những ghi nhận đổi mới cơ bản trên của Hiến pháp 2013 đã đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hoàn thiện pháp luật về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của VKSND. Hiện tại, chúng ta đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật tổ chức VKSND 2002 sửa đổi. Theo đó, việc hoàn thiện văn bản luật này phải cụ thể hóa được tinh thần của Hiến pháp 2013 đã ghi nhận về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan VKSND.[8]
Như đã trình bày ở trên, kể từ năm 2002, sau khi Hiến pháp 1992 sửa đổi có hiệu lực pháp luật, bên cạnh chức năng công tố, VKSND được giao thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp. Mặc dù vậy, khái niệm “kiểm sát các hoạt động tư pháp” vẫn không được hiểu và áp dụng thống nhất, ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò và chức năng của cơ quan VKSND. Mặc dù Luật tổ chức VKSND ra đời và có hiệu lực năm 2002, tuy nhiên nội dung này cũng chưa được cụ thể hóa một cách đầy đủ. Cụ thể, tại Điều 1 Luật tổ chức VKSND 2002 chỉ quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” mà không có giải thích gì thêm. So với Hiến pháp 1992 (sửa đổi), nội dung này không thay đổi, mặc dù, các nhiệm vụ cụ thể của VKSND đã được liệt kê rõ ràng hơn trong luật, song cũng vẫn chưa thể hiện trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa của chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp[9] .
Ở khía cạnh lý luận, hiện có nhiều quan niệm khác nhau về “bộ máy tư pháp” hoặc “hệ thống tư pháp” giữa các quốc gia theo truyền thống Thông luật (Common Law) và truyền thống Dân luật (Civil Law). Ở những nước theo truyền thống Thông luật, bộ máy tư pháp (hay còn gọi là bộ máy Tòa án) là hệ thống các tòa án xét xử và áp dụng pháp luật nhân danh nhà nước. Tuy nhiên, một số quốc gia theo truyền thống Dân luật lại quan niệm cơ quan công tố có chức năng tương tự như tòa án, cũng tham gia các hoạt động liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án và hoạt động đưa ra thi hành các bản án đó nhưng ở vai trò giám sát nhà nước, do đó cơ quan công tố (Viện kiểm sát) cũng được gọi là “cơ quan tư pháp”.[10] Lý thuyết này có thể giải thích lý do trước đây Việt Nam coi cơ quan công tố là cơ quan tư pháp. Điều này thể hiện rất rõ trong thời kỳ năm 1959, khi chúng ta tiến hành tách toàn bộ hoạt động công tố ra khỏi sự quản lý của cơ quan hành chính nhà nước là Bộ tư pháp và thành lập hệ thống cơ quan Viện kiểm sát độc lập với Tòa án.
Bên cạnh đó, trong nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng, trên thế giới có ba nhóm quốc gia với ba cách thức điển hình về tổ chức cơ quan Viện kiểm sát:[11]
Nhóm thứ nhất gồm các nước mà Viện kiểm sát hay cơ quan công tố nằm trong cơ cấu của Bộ tư pháp;
Nhóm thứ hai gồm các nước mà cơ quan công tố hoàn toàn nằm trong thành phần của hệ thống tư pháp được đặt tại các Tòa án, nhưng độc lập với Tòa án về mặt chức năng;
Nhóm thứ ba gồm các nước có cơ quan Viện kiểm sát hoặc Công tố là một hệ thống riêng biệt, trực thuộc Quốc hội hoặc trực thuộc Nguyên thủ quốc gia.
Với khái niệm trên, Việt Nam thuộc nhóm thứ ba vì hệ thống cơ quan Viện kiểm sát hoạt độc độc lập với Tòa án và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Cơ quan Viện kiểm sát, bên cạnh thực hành quyền công tố còn tham gia vào kiểm sát các hoạt động tư pháp, là những hoạt động liên quan đến quyền tài phán, xét xử của Tòa án và việc thi hành các phán quyết đó. Điều này cho thấy, cơ quan Viện kiểm sát ở Việt Nam hoạt động với vai trò khá đặc thù, vừa độc lập với hoạt động tư pháp xét xử, vừa thực hiện nhánh quyền lực tư pháp[12] .
Chính vì vậy, một điểm đáng lưu ý trong bản dự thảo Luật tổ chức VKSND sửa đổi lần này là việc làm rõ khái niệm “chức năng công tố” và “kiểm sát các hoạt động tư pháp” trong phạm vi chức năng của VKS[13] . Theo đó, chức năng của cơ quan VKSND trong Dự thảo Luật tổ chức VKSND 2002 sửa đổi được đề xuất như sau:
Thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong việc xác định tội phạm, người phạm tội và buộc tội người đó trước Tòa án.
Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của VKSND, bảo đảm việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.[14]
Chúng tôi cho rằng, với quy mô của văn bản luật điều chỉnh một lĩnh vực pháp luật cụ thể, những ý kiến được đề xuất trong Dự thảo Luật tổ chức VKSND sửa đổi đã truyền tải khá chi tiết về chức năng của VKSND, đồng thời cụ thể hóa được nội dung ghi nhận cơ bản trong Hiến pháp 2013 cũng như đáp ứng tốt yêu cầu của cải cách tư pháp. Chúng tôi cũng đồng tình và chia sẻ với quan điểm cho rằng, để đáp ứng tốt nhất yêu cầu cải cách tư pháp về cơ quan VKSND, trước hết cần chú trọng việc quy định phù hợp vai trò và chức năng của cơ quan này trong hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng. Đồng thời, phải xây dựng được mô hình tổ chức bộ máy gọn nhẹ, nhưng tinh nhuệ, trong đó tập trung vào củng cố đội ngũ cán bộ của cơ quan VKSNDTC, làm cho đội ngũ cán bộ này có đủ “tầm” để hướng dẫn chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND các địa phương. Mặt khác, theo định hướng tăng thẩm quyền cho cấp huyện thì phải tập trung lực lượng cho VKSND cấp huyện để đủ sức xử lý những công việc trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.[15] Theo đó, những quy định của Hiến pháp 2013 đã đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp và tạo cơ sở pháp lý cho nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về VKSND.
CHÚ THÍCH
[1] Đào Trí Úc, Bàn về Viện Kiểm Sát ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7 (192), tháng 4/2011. Tr.5-11.
[2] Nội dung này được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng, Cụ thể: Văn kiện Đại hội X và Đại hội XI của Đảng nhắc đến hai chức năng đó của VKSND khi xác định nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người (xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 127; Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, Báo Nhân Dân, ngày 13/1/2011). Xem thêm: Đào Trí Úc, Tlđd(chú thích 1).
[3] Nguyễn Tất Viễn, Một số suy nghĩ về cơ quan Công tố ở Việt Nam trong thời kỳ cải cách tư pháp,Tạp chí Kiểm sát số 14 (7/2007), tr. 55.
[4] Mục 2.2, Phần các nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP), Nghị quyết 49.
[5] Phần các phương hướng, nhiệm vụ của CCTP, Tlđd.
[6] Mục 2.1, Phần các nhiệm vụ CCTP, Tlđd.
[7] Mục 2.2, Tlđd.
[8] Dự thảo sửa đổi Luật tổ chức VKSND xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, Ngành vào tháng 01/2014. Nguồn:VKSNDTC.
[9] Điều 3 Luật Tổ chức VKSND 2002, cơ quan VKS các cấp có những nhiệm vụ thi hành chức năng kiểm sát những hoạt động tư pháp sau:
“…
- Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự;
- Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù”.
[10] Richard Vogler, Barbara Huber, Criminal Procedure in Europe, tr. 326, Duncker&Humblot, Berlin 2008.
[11] Xem: Đào Trí Úc, Tlđd(chú thích 1)
[12] Xem Đào Trí Úc, Tlđd(chú thích 1)
[13] Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Luật tổ chức VKSND.
[14] Điều 2 Dự thảo sửa đổi Luật tổ chức VKSND về vị trí, chức năng của VKSND. Nguồn: VKSNDTC
[15] Nguyễn Minh Đức (2008), Về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát theo tinh thần cải cách tư pháp,Website Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (http://www.vksndtc.gov.vn/theloai/tuphap/62.aspx), truy cập ngày 26/02/2014.
Tác giả: TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2014, Trang 62-67
Like fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời