Mục lục
Áp dụng án lệ – Nhu cầu tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Tác giả: Bùi Tiến Đạt
Tóm tắt
Ở nước ta, án lệ chưa được coi là một nguồn pháp luật chính thức. Tuy nhiên, theo xu thế chung trên thế giới và từ nhu cầu của thực tiễn, đã đến lúc cần áp dụng án lệ một cách chính thức. Bài viết phân tích nhu cầu, dấu hiệu và vai trò của án lệ trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Xem thêm bài viết về “Án lệ”
- Hệ thống pháp luật án lệ Anh – Mỹ và việc áp dụng cho Việt Nam – GS.TS. Nguyễn Đăng Dung & ThS. Nguyễn Đăng Duy
- Một số vấn đề lý luận về án lệ trong hệ thống thông luật – ThS. Đỗ Thanh Trung
- Án lệ là gì? Phân tích khái niệm tiền lệ pháp (Án lệ) – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Án lệ trong tình hình mới – Nhìn lại định hướng phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao – ThS. Châu Hoàng Thân
- Từ định hướng về Án lệ tại Việt Nam: Đề xuất cách viết án lệ theo kinh nghiệm của các quốc gia thông luật – TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, án lệ chưa được coi là một nguồn pháp luật. Việc áp dụng án lệ đã manh nha trong thực tiễn xét xử nhưng chưa được chính thức hóa. Về chính sách áp dụng án lệ tại Việt Nam, cần lưu ý điểm mốc 02/6/2005, Nghị
quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Trong thực tế những năm qua, các báo cáo tổng kết xét xử và các tuyển tập quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) nhằm hướng dẫn hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp được nhiều nhà khoa học cho rằng mang dáng dấp của án lệ. Cơ sở pháp lý của hoạt động hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đã được quy định trong Hiến pháp và luật.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002, tại Điều 19 quy định:
“Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án;
2- Giám đốc việc xét xử của các Tòa án các cấp; giám đốc việc xét xử của Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác, trừ trường hợp có quy định khác khi thành lập các Tòa án đó”;
Và tại Điều 22:
“1. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: A) Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; B) Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật; C) Tổng kết kinh nghiệm xét xử”;
Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định tại Điều 21: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định tại Điều 18: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Tòa án các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Với nhiệm vụ, quyền hạn mà luật quy định, TANDTC phải thường xuyên tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Đó chính là yêu cầu khách quan của thực tiễn.
Như vậy, từ chính sách của Đảng, quy định của luật và thực tiễn xét xử, đã rất cần thiết phải nghiêm túc nghiên cứu và triển khai áp dụng chính thức án lệ.
Xem thêm bài viết về “Cải cách tư pháp”
- Chức năng của Tòa án trong Tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp – PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí
- Một số vấn đề chung về quyền con người của người chấp hành án phạt tù theo yêu cầu cải cách tư pháp – TS. Lê Hữu Trí
- Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 theo yêu cầu cải cách tư pháp và thi hành Hiến pháp 2013 – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp 2013 – Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
2. Việc áp dụng án lệ ở các nước trên thế giới
Ở các nước trên thế giới, cho dù thuộc hệ thống pháp luật nào, ở các mức độ khác nhau, việc xét xử cũng đều tuân theo án lệ hoặc sử dụng các bản án trước đó làm tài liệu tham khảo.
Ở các nước thuộc hệ thống thông luật (Common Law) thừa nhận một cách chính thức án lệ (precedent) là một nguồn chủ yếu và quan trọng pháp luật. Án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án đã được tuyên bởi tòa án có giá trị như là nguồn luật áp dụng cho các vụ việc nảy sinh sau này. Nguồn luật án lệ gắn với các nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi thẩm phán trong hệ thống các cơ quan tòa án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án của các vụ việc trước đó. Trong thế kỷ 19, một quan tòa Anh định nghĩa thông luật là một hệ thống mà mỗi khi áp dụng cho sự kết hợp các bối cảnh mới sẽ chứa đựng các luật lệ chúng ta rút ra được từ các nguyên tắc pháp lý và các tiền lệ tư pháp (Lời của Lord Wensleydale trong vụ Mirehouse kiện Mennell, 131 Eng. Rep. 482, 8 Bing, 490) [1]. Thông qua quá trình tranh biện và xét xử liên tục, thông luật trở thành không chỉ là một tập hợp các phán quyết có hiệu lực của cá nhân, mà là một tập hợp các nguyên tắc và khái niệm về chính sách công được đưa ra và lặp đi lặp lại bởi các quan tòa từ thế hệ này sang thế hệ khác [1].
Oliver Wendell Holmes, Jr. – thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, đã khẳng định trong tác phẩm “Thông luật” (“The Common Law” – xuất bản năm 1881) rằng: “Đời sống của [thông] luật không phải là logic mà là kinh nghiệm” [2].
Ở các nước thuộc hệ thống pháp luật dân sự (Civil Law), án lệ cũng được coi là những căn cứ pháp luật mà thẩm phán được quyền sử dụng trong trường hợp không có luật thành văn hoặc luật tục. Trong thực tiễn xét xử tại các quốc gia này, án lệ đã được thừa nhận là nguồn pháp luật, nhưng chỉ trong những trường hợp riêng biệt mà không được tuyên bố chính thức. Mặc dù án lệ được viện dẫn với mục đích xác định pháp luật, nhưng nguồn thực sự của pháp luật vẫn là các quy phạm hoặc nguyên tắc pháp luật phát sinh từ những văn bản pháp luật.
Trong thực tế, có nhiều tình huống mà thẩm phán ở các nước theo truyền thống pháp luật dân sự phải tuân theo quan điểm tư pháp thống nhất đã được thể hiện ở một loạt các phán quyết do tòa án cấp trên đặt ra. Cách thức này tuy chưa được đánh giá và xác nhận là việc áp dụng án lệ, nhưng cách thức toà án cấp dưới dựa theo phán quyết của tòa án cấp trên giống như áp dụng án lệ. Lý do chính cho việc áp dụng án lệ là [3]:
– Các đạo luật được ban hành vào thế kỷ 19 không thể dự đoán được sự phát triển của thế kỷ 20. Vì vậy, đối với những khoảng trống không được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật, thẩm phán phải tính đến việc tự cho phép thực hiện lập pháp hoặc tiến hành một trình tự sáng kiến pháp luật – đó chính con đường hình thành án lệ.
– Việc áp dụng án lệ thúc đẩy sự ổn định, chắc chắn và có thể dự đoán của pháp luật. – Áp dụng án lệ rất thuận tiện và có hiệu quả. – Thúc đẩy sự công bằng của thẩm phán. – Thẩm phán không muốn xét xử lại hoặc bị bãi bỏ khi bản án bị kháng án.
– Việc thực hành án lệ sau sẽ làm rõ cấu trúc của sự hợp tác trong tư pháp.
Ở các nước chịu ảnh hưởng của truyền thống Xô Viết, việc tổng kết xét xử cũng được tiến hành thường xuyên và các thẩm phán rất coi trọng các tổng kết đó. Do đó, có thể cho rằng, án lệ (hoặc những dạng tương tự án lệ) cũng có vai trò nhất định trong hệ thống pháp luật các nước này.
Như vậy, việc áp dụng án lệ là một điều tất yếu ở tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới. Sự khác nhau ở đây chỉ là mức độ áp dụng.
Án lệ có những đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm cơ bản sau: [4]
Đặc điểm của án lệ
– Án lệ do thẩm phán tạo ra theo những thủ tục nhất định và để giải quyết các vụ việc cụ thể. – Án lệ là khuôn mẫu cho các vụ việc có tính chất tương tự và được sử dụng nhiều lần. – Án lệ có tính bắt buộc đối với các vụ án tương tự.
Ưu điểm của án lệ
– Tạo sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp tòa án.
– Bổ sung cho sự thiếu hụt của luật thành văn. – Làm cho pháp luật ngày càng dễ hiểu, gắn liền với thực tiễn.
– Góp phần nâng cao trình độ của các thẩm phán, luật sư… bởi vì họ phải tìm hiểu rất nhiều về án lệ để đáp ứng yêu cầu của việc xét xử và tranh tụng.
Nhược điểm của án lệ
– Pháp luật thành văn không được hoàn thiện nếu quá lệ thuộc án lệ.
– Khối lượng án lệ lớn gây khó khăn khi tìm hiểu.
Xem thêm bài viết về “Nhà nước pháp quyền”
- Cơ chế kiểm soát quyền lập pháp ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam – GS.TS. Lê Cảm
- Chất lượng của pháp luật trong nhà nước pháp quyền – ThS. Nguyễn Văn Quân
- Phân tích các đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền – CTV. Linh Trang
- Phân tích các giá trị của nhà nước pháp quyền – CTV. Linh Trang
- Hiến pháp 2013 – Hiến pháp của tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền – GS.TSKH. Đào Trí Úc
3. Sự xuất hiện án lệ tại Việt Nam
Những dấu hiệu của án lệ
Trong một số năm gần đây, TANDTC ban hành báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm. Đó được coi là sự đúc kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn những điểm chưa rõ ràng nhằm hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật trong hệ thống tòa án. Việc tổng kết xét xử là một yêu cầu tất yếu khách quan, một đòi hỏi thường xuyên của thực tiễn xét xử [5]. Các báo cáo tổng kết rất hữu ích trong công tác xét xử nhưng chưa hội đủ các đặc tính của án lệ vì nó không chuyển tải được toàn bộ nhận định và phân tích pháp lý của các phán quyết về từng vấn đề pháp lý của mỗi vụ án, vụ kiện. Nhưng dù sao, báo cáo tổng kết cũng hướng tới một số mục đích giống như án lệ, đó là: giải thích những điểm chưa rõ ràng của pháp luật, thống nhất áp dụng pháp luật trong hệ thống tòa án. Chính các báo cáo tổng kết đã đặt nền móng cho những bước phát triển sau của án lệ [6]. Ví dụ: Bộ luật Lao động 1994 quy định: “Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm” (Điều 167). Trong thực tiễn xét xử có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao thông qua Báo cáo công tác ngành tòa án năm 2001 và phương hướng nhiệm vụ công tác tòa án năm 2002 đã hướng dẫn áp dụng thống nhất: thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện là thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý mà mỗi bên tranh chấp cho rằng sự kiện đó vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thời điểm mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm là thời điểm họ biết được sự kiện pháp lý đã xảy ra (ví dụ: thời điểm nhận được văn bản về việc bị kỷ luật sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động, đòi bồi thường thiệt hại…) [7].
Bên cạnh các báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm, các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng mang những dấu hiệu của án lệ.
Theo tinh thần của Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị, các quy định pháp luật hiện hành và thực tế nghiệp vụ xét xử hiện nay cho thấy các quan điểm pháp lý thể hiện trong các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng tương tự như trong các bản án của các nước khác được coi là án lệ.
Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2005/HC-GDT ngày 27/3/2005 về việc vụ án tịch thu hành chính của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã đưa ra một nhận định, có thể tóm tắt là: Theo Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2002, có quyền tịch thu đối với phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, ngay cả trường hợp phương tiện đó thuộc sở hữu của người không vi phạm [6]. Quyết định giám đốc thẩm này đã giải thích rõ hơn Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. “1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là việc sung vào quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính. 2. Không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp”.
Lý giải sự xuất hiện án lệ
Theo quy luật chung ở mọi quốc gia trên thế giới, các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành luôn có vị trí tối cao trong hệ thống pháp luật nhưng có hai đặc tính cố hữu là đôi khi không rõ ràng và không thể dự đoán hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Để khắc phục đặc tính cố hữu thứ nhất thì cần cơ chế giải thích pháp luật. Để khắc phục đặc tính cố hữu thứ hai thì cần cơ chế sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề thực tiễn mới. Và hầu hết các quốc gia đã thử nghiệm và tìm ra phương thức tốt nhất để khắc phục những nhược điểm cố hữu của đạo luật là áp dụng án lệ.
Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng tuân theo quy luật đó. Đặc biệt, khi nền lập pháp của chúng ta còn yếu thì việc áp dụng án lệ là vấn đề cấp thiết. Và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta cũng cần “làm quen” “văn hóa án lệ” để không bỡ ngỡ khi tham gia vào các vụ kiện có yếu tố nước ngoài.
4. Vai trò của việc áp dụng án lệ trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, án lệ góp phần hoàn thiện pháp luật
Một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền là có một hệ thống pháp luật hoàn bị. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đôi khi không rõ ràng và không thể dự đoán hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Các VBQPPL được công bố nhằm áp dụng thống nhất pháp luật, nhưng nếu chỉ như thế thì không thể đáp ứng được một cách đầy đủ và kịp thời cũng như không thể làm rõ được phương pháp áp dụng luật cho từng vụ việc cụ thể. Đặc tính cố hữu đó của VBQPPL tạo nên tình trạng “lỗi thời” của pháp luật so với đời sống. Do đó, rất cần một cơ chế sáng tạo, linh hoạt nhằm bổ khuyết cho VBQPPL. Và chính án lệ giúp thổi một luồng sinh khí vào “thân xác” khô khan và bất động của những văn bản pháp lý, nhờ đó các đạo luật có được cuộc sống sinh động gắn liền với thực tiễn.
Một ưu điểm nữa, khi xây dựng án lệ, tòa án góp phần vào việc hoạch định đường hướng phát triển tương lai của nền lập pháp. Bằng hoạt động xét xử, tòa án mặc nhiên mở rộng việc áp dụng các đạo luật ra ngoài phạm vi hoặc ý định ban đầu của nhà lập pháp, và chuẩn bị trước điều kiện cho việc điều chỉnh các đạo luật hiện hữu và thiết lập chương trình lập pháp cho tương lai. Chính các án lệ sau khi đã trải qua quá trình tổng kết lâu dài sẽ được “chuyển hóa” vào các VBQPPL.
Án lệ không bao giờ làm mất vai trò của đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành vì khi áp dụng án lệ phải tuân thủ nguyên tắc: ưu tiên áp dụng đạo luật nếu án lệ mâu thuẫn đạo luật.
Ngay cả nước Anh, theo truyền thống coi trọng án lệ, cũng tuân thủ nguyên tắc này [8].
Thứ hai, án lệ góp phần thực hiện nguyên tắc thống nhất trong áp dụng pháp luật và bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật
Nhà nước duy trì trật tự xã hội bằng luật pháp. Nếu pháp luật được áp dụng một cách khác nhau tùy thuộc vào các tòa án và địa phương thì không thể đảm bảo công lý, quyền con người. Nó còn tạo cơ hội cho sự tùy tiện của các toà án.
Pháp luật cũng cần phải được áp dụng một cách bình đẳng đối với mọi chủ thể trong xã hội. Nếu đối với các vụ việc tương tự nhau nhưng mỗi tòa án áp dụng pháp luật khác nhau dẫn đến các kết luận khác nhau, thì sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.
Thứ ba, án lệ góp phần phát huy vai trò thực sự của tòa án trong giải thích pháp luật Tòa án là cơ quan xét xử – tức là căn cứ vào pháp luật để đưa ra bản án, quyết định đối với những vi phạm pháp luật hoặc tranh chấp giữa các chủ thể. Như vậy, tòa án chỉ như một cơ quan áp dụng pháp luật đơn thuần. Nhưng trên thực tế, để tòa án phát huy vai trò của mình, cần trao cho tòa án quyền giải thích pháp luật. Chính tòa án – cơ quan phải “va chạm” thường xuyên với những vụ việc cụ thể – chứ không phải Ủy ban thường vụ Quốc hội, mới có cơ chế hữu hiệu để giải thích pháp luật hiệu quả nhất. Áp dụng án lệ cũng chính là phương thức để giải thích pháp luật.
Thứ tư, án lệ góp phần nâng cao năng lực xét xử và tính độc lập của thẩm phán Trong công cuộc cải cách tư pháp, vấn đề chất lượng của thẩm phán là mấu chốt. Chúng ta đang rất lo lắng rằng liệu thẩm phán của chúng ta có đủ năng lực, đạo đức để được bổ nhiệm suốt đời như một số nước có nền tư pháp phát triển hay không. Chúng ta cũng lo ngại rằng thẩm phán có thể thực sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật hay không. Những vấn đề này có vẻ khó thực hiện nhưng có thể dần khắc phục bằng những cơ chế hữu hiệu. Và một trong những cơ chế rất hiểu quả là áp dụng án lệ – cơ chế tạo động lực từ bên trong chứ không tạo áp lực từ bên ngoài. Cơ chế đó như sau: – Khi tiến hành xét xử một vụ án cụ thể được giao, thẩm phán sẽ nghiên cứu các bản án tiền lệ của các vụ án tương tự. Trong trường hợp cho rằng bản án tiền lệ đó phù hợp với vụ án mình đảm nhận, thẩm phán sẽ lấy quan điểm pháp lý rút ra từ bản án tiền lệ đó làm đường lối xét xử. Kết quả là thẩm phán có thể yên tâm xét xử một cách chính xác đối với vụ án do mình đảm nhận. Án lệ giúp cho thẩm phán dễ dàng hơn trong việc giải quyết các vụ án vì họ sẽ không phải tự tìm giải pháp cho từng vụ. Đó là cách hữu hiệu để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức của thẩm phán, đương sự và những người có liên quan. Và để có thể ra được một quyết định chính xác và hợp lý thì các thẩm phán phải chú ý nghiên cứu các tuyển tập án lệ [9].
– Việc phải tuân theo án lệ hạn chế sự tùy tiện và tiêu cực trong quá trình xét xử, làm tăng uy tín của thẩm phán và tòa án các cấp, tăng sự tôn nghiêm của bản án hay quyết định đã có hiệu lực thi hành, thúc đẩy sự công bằng của thẩm phán.
– Thẩm phán có động lực để thực sự nâng cao trình độ: khi phải tìm hiểu, nghiên cứu các bản án tiền lệ; phải nghiên cứu khoa học pháp lý như một vị “giáo sư” để có thể nhận định và giải quyết những bản án có nhiều yếu tố mới.
– Án lệ sẽ làm cho quá trình tranh tụng tại tòa án trở nên có hiệu quả và hấp dẫn hơn. Thứ năm, án lệ góp phần bảo đảm khả năng dự đoán của người dân và sự phát triển của nền kinh tế thị trường
Án lệ giúp tạo ra sự an toàn pháp lý cho công dân và sự ổn định của xã hội khi mọi hành vi của các thành viên trong xã hội đều được thực hiện trong khuôn khổ ứng xử đã được xác lập như một tiền lệ. Nếu luật pháp được áp dụng thống nhất, người dân có khả năng dự đoán được luật pháp sẽ được áp dụng như thế nào đối với các hành vi của họ. Do đó, người dân sẽ tránh vi phạm pháp luật và yên tâm tiến hành các hoạt động trong đời sống. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, cần đảm bảo để người dân có quyền tự do và mạnh dạn thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật. Chúng ta cần tiếp thu kinh nghiệm cải cách tư pháp của Trung Quốc ở việc thực hiện nguyên tắc “chính pháp vì đại cục”, trong đó đại cục là phát triển xã hội hài hòa, phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cải cách tư pháp góp phần cung cấp một môi trường đầu tư tốt, phục vụ nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế [10]. Và án lệ sẽ góp phần thực hiện một nền tư pháp phục vụ nền kinh tế thị trường.
Tài liệu tham khảo
[1] Khoa Luật – Trường Đại học NewYork, Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ, NXB Chính trị Quốc gia, 2007.
[2] Wales, Heathcote W. “Common Law.” Microsoft® Student 2009 [DVD]. Redmond, WA: Microsoft Corporation, 2008.
[3] Triệu Quang Khánh, Việc sử dụng án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp 7 (2006) 50.
[4] Dương Bích Ngọc, Nguyễn Thị Thúy, Vấn đề áp dụng án lệ ở Việt Nam, Tạp chí Luật học 5 (2009) 37.
[5] Tưởng Duy Lượng, Vài suy nghĩ về việc tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp 9 (2007) 11.
[6] Toà án nhân dân tối cao – JICA (2007), Nghiên cứu chung Việt – Nhật về việc phát triển án lệ tại Việt Nam.
[7] Tòa án nhân dân tối cao (2002), Báo cáo công tác ngành tòa án năm 2001 và phương hướng nhiệm vụ công tác tòa án năm 2002.
[8] Nguyễn Văn Nam, Nghiên cứu so sánh nguồn luật án lệ trong hệ thống pháp luật nước Anh, Tạp chí Nhà nước và pháp luật 5 (2007) 36.
[9] Nguyễn Văn Nam, Tư duy án lệ góp phần hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – Chuyên đề Hiến kế lập pháp 9 (2005) 53.
[10] Nguyễn Hải Ninh, Cải cách tư pháp ở Ca-na-đa, Trung Quốc và Nhật Bản, Tạp chí Nhà nước và pháp luật 1 (2008) 67.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời