Mục lục
Nghiên cứu so sánh về Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát giữa Việt Nam và Trung Quốc
Tác giả: Ngũ Quang Hồng
Tóm tắt
Bài viết nghiên cứu cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân của Việt Nam và Trung Quốc để từ đó rút ra những nhận xét bước đầu về cơ cấu tổ chức và thể chế lãnh đạo, góp phần có thêm tư liệu so sánh về vấn đề này cho học viên, sinh viên và giáo viên, các nhà nghiên cứu.
Trong bộ máy nhà nước của Việt Nam cũng như Trung Quốc, Viện Kiểm sát đều là cơ quan tư pháp rất quan trọng. Viện Kiểm sát của hai nước đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chính quyền nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân tại nước mình. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nghiên cứu so sánh về vấn đề cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Xem thêm bài viết về “Cơ cấu tổ chức”
1. Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát Việt Nam [1]
Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân của Việt Nam thì Viện Kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan bao gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện Kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Viện Kiểm sát quân sự.
1.1. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
– Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gồm có: a) Uỷ ban kiểm sát, các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát; b) Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các Kiểm sát viên và các Điều tra viên.
– Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có: a) Viện trưởng; b) Các Phó Viện trưởng; c) Một số Kiểm sát viên do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng.
Nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước.
1.2. Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
– Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Uỷ ban kiểm sát, các phòng và Văn phòng.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên.
– Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có: a) Viện trưởng; b) Các Phó Viện trưởng; c) Một số Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng.
Nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên Uỷ ban kiểm sát biểu quyết tán thành; trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban kiểm sát.
1.3. Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
– Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách.
– Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên.
1.4. Viện Kiểm sát quân sự
Các Viện kiểm sát quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Các Viện kiểm sát quân sự gồm có Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; Viện kiểm sát quân sự khu vực.
Căn cứ vào nhiệm vụ của quân đội trong từng thời kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ trưởng Bộ quốc phòng và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.
Viện kiểm sát quân sự Trung ương thuộc cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của Viện kiểm sát quân sự các cấp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác kiểm sát trong Quân đội trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quân nhân, công chức và công nhân quốc phòng làm việc ở Viện kiểm sát quân sự có các quyền và nghĩa vụ theo chế độ của Quân đội; được hưởng chế độ phụ cấp đối với ngành kiểm sát.
Tổ chức và hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự, việc giám sát đối với hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Xem thêm bài viết về “Viện kiểm sát”
- Vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hành chính của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay – ThS. Lê Ngọc Duy
- Các bước để trở thành Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp 2013 – Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Hiến pháp 2013 và định hướng sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 – TS. Phan Nhật Thanh
2. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát Trung Quốc [2]
2.1. Hệ thống tổ chức
Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân của Trung Quốc thì Viện Kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan bao gồm 3 loại như sau: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát nhân dân địa phương; các Viện kiểm sát nhân dân chuyên môn chẳng hạn như Viện Kiểm sát quân sự.
2.1.1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan kiểm sát cao nhất của Nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có 1 Viện trưởng, vài Phó viện trưởng và các kiểm sát viên; có thể thiết lập các sở kiểm sát và cơ cấu dịch vụ khác theo nhu cầu, hiện nay gồm có 15 bộ môn chức năng, bộ chính trị, đảng uỷ cơ quan và 5 đơn vị sư nghiệp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ yếu gồm có những thẩm quyền như sau: a) Lãnh đạo công tác của các cấp viện kiểm sát địa phương và viện kiểm sát chuyên môn; b) Thực hiện quyền kiểm sát với vụ án hình sự quan trọng mà có tính cả nước; c) Nếu phát hiện ra sai lầm trong phán quyết, quyết định của các cấp Tòa án đã có hiệu lực, thì có quyền đề ra kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm; d) Giám sát những hoạt động của nơi cải tạo, trại giam theo pháp luật, giám sát tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo pháp luật; e) Giải thích những vấn đề về ứng dụng phát luật trong thực tiễn công việc kiểm sát cụ thể; f) Chế định các điều lệ, quy tắc chi tiết, quy định về công tác kiểm sát; g) Quản lí và quy định biên chế nhân viên của các cấp Viện kiểm sát.
2.1.2. Các cấp Viện kiểm sát địa phương
Các cấp Viện kiểm sát địa phương bao gồm: a) Viện kiểm sát cấp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương; b) Các phân viện của Viện kiểm sát tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương; viện kiểm sát cấp châu tự trị, thành phố trực thuộc tỉnh; c) Các Viện kiểm sát cấp huyện, quận, thành phố cấp huyện. Viện kiểm sát cấp tỉnh và cấp huyện có thể theo nhu cầu đề ra ý kiến thiết lập Viện kiểm sát nhân dân tại khu công nghiệp và khai thác mỏ, khu khai khẩn, khu lâm nghiệp, v.v… coi như cơ sở của mình. Ý kiến này phải do Uỷ ban thường vụ Hội đồng Nhân dân cùng cấp phê chuẩn và chấp nhận.
2.1.3. Viện kiểm sát chuyên môn
Viện kiểm sát chuyên môn là cơ quan kiểm sát thiết lập trong hệ thống tổ chức đặc thù dưới sự lãnh đạo của Viện kiểm sát tối cao. Hiện nay chủ yếu gồm có Viện kiểm sát quân sự và Viện kiểm sát vận chuyển đường sắt.
Viện kiểm sát quân sự là cơ quan giám sát thiết lập tại Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, thực hiện quyền kiểm sát với quân nhân đang thi hành nghĩa vụ quân sự phạm tội về quân chức (đồng phạm có thể là phi quân nhân) và tội hình sự khác. Viện kiểm sát quân sự gồm có 3 cấp: (1) Viện kiểm sát quân sự của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc; (2) Viện kiểm sát quân sự của đại quân khu, Viện kiểm sát quân sự của hải quân, Viện kiểm sát quân sự của không quân;(3) Viện kiểm sát quân sự của khu vực.
Viện kiểm sát vận chuyển đường sắt gồm có 2 cấp: (1) Viện kiểm sát vận chuyển đường sắt thiết lập tại nơi của các Cục đường sắt; (2) Viện kiểm sát vận chuyển đường sắt thiết lập tại nơi của các Phân cục đường sắt. Viện kiểm sát vận chuyển đường sắt thực hiện quyền kiểm sát với vụ án hình sự về tổn hại và phá hoại vận chuyển và sản xuất của đường sắt, phá hoại phương tiện và thiết bị giao thông, phạm tội trong xe lửa.
2.2. Thể chế lãnh đạo của Viện kiểm sát
Hiến pháp Trung Quốc quy định, Viện kiểm sát tối cao chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, viện kiểm sát địa phương chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên. Viện kiểm sát tối cao lãnh đạo công tác của Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp và các Viện kiểm sát nhân dân chuyên môn. Viện kiểm sát nhân dân cấp trên lãnh đạo công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.
Các Viện kiểm sát nhân dân đều gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và các kiểm sát viên. Những công việc của viện kiểm sát do Viện trưởng thống nhất lãnh đạo.
Viện kiểm sát nhân dân thiết lập Uỷ ban kiểm sát, Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì có thể thỉnh thị Uỷ ban thường vụ Hội đồng Nhân dân cùng cấp để làm quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát phải chấp nhận quyết định của Hội đồng Nhân dân cùng cấp; nếu Viện trưởng vẫn không nhất trí với ý kiến này, thì có thể lúc thi hành quyết định này thỉnh thị Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên thẩm tra và xử lí.
Xem thêm bài viết về “Trung Quốc”
- Tư tố trong tố tụng hình sự của Trung Quốc – TS. Ngũ Hồng Quang
- Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc – TS. Nguyễn Tiến Vinh
- Học thuyết pháp trị Trung Hoa cổ đại: Giá trị lịch sử và ý nghĩa đương đại – TS. Đỗ Đức Minh
- Văn minh Trung Quốc – ThS. LS. Phạm Quang Thanh & LS. Hoàng Minh Hùng
- Giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty – một công cụ để thực hiện hành vi thao túng dưới dạng thâu tóm hoặc trợ giúp và kinh nghiệm từ Trung Quốc – ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
3. Sự khác biệt và những đánh giá
3.1. Sự khác biệt
Tổng kết những nội dung nêu trên, chúng ta có thể đưa ra 2 điểm khác biệt rõ ràng giữa cơ cấu tổ chức VKS của 2 nước như sau:
a) Về hề thống tổ chức Viện kiểm sát. Hệ thống Viện kiểm sát Trung Quốc chia thành 4 cấp, trong khi của Việt Nam chỉ là 3 cấp. Trong hệ thống Viện kiểm sát, Trung Quốc thiết lập VKS chuyên môn, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân vận chuyển đường sắt, ở Việt Nam thì không như vậy.
b) Về thể chế lãnh đạo. Trong đó có khác biệt chủ yếu là chức quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát trong Uỷ ban kiểm sát. Ở Trung Quốc, nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì có thể thỉnh thị Uỷ ban thường vụ Hội đồng Nhân dân cùng cấp làm quyết định; nếu Viện trưởng vẫn không nhất trí với ý kiến này, thì có thể lúc thi hành quyết định này thỉnh thị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên thẩm tra và xử lí. Nhưng ở Việt Nam, nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, Viện trưởng chỉ có quyền báo cáo với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3.2. Đánh giá
Một là, sự khác biệt điểm a chủ yếu là vì tình hình đất nước khác nhau, Trung Quốc có diện tích rộng lớn và dân số nhiều hơn, Viện kiểm sát chia thành 4 cấp là hợp lí; Viện kiểm sát Việt Nam chia thành 3 cấp cũng hợp với tình hình đất nước Việt Nam. Về mặt Trung Quốc thiết lập Viện kiểm sát nhân dân vận chuyển đường sắt thì có ưu điểm riêng của nó, vì nó có thể giải quyết vấn đề chuyên nghiệp của một số vụ án hình sự tương ứng, tăng cường lực lượng để bảo vệ sự vận chuyển đường sắt, với lại có thể phân biệt thẩm quyền về vụ án phạm tội xẩy ra trong xe lửa chạy qua nhiều nơi một cách rõ ràng.
Hai là, sự khác biệt điểm b thực ra là vấn đề về Nhà nước coi trọng hiệu suất hay là sự thực trong tố tụng hình sự. Theo kiểu Việt Nam thì xử lí vấn đề nhanh hơn, hiệu suất cao hơn; mà theo kiểu Trung Quốc thì thời gian xử lí vấn đề kéo dài hơn, nhưng cơ hội xẩy ra sai lầm sẽ ít hơn.
Ba là, việc tiếp tục nghiên cứu so sánh về cơ cấu tổ chức, hoạt động và việc cải cách hệ thống cơ quan Viện kiểm sát hai nước (Việt Nam và Trung Quốc) có ý nghĩa quan trọng, làm tài liệu tham khảo trong quá trình cải cách tư pháp ở hai quốc gia, đồng thời còn có ý nghĩa thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm việc tiến hành tố tụng theo đúng pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập trong những nghiên cứu tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
[1] Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam. [2] Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân Trung Quốc.
ơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát giữa Việt Nam và Trung Quốc
Trả lời