Hệ thống và cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân
Tác giả: Nguyễn Thị Phương
1. Hệ thống của viện kiểm sát nhân dân
Hiến pháp năm 2013 đã không sử dụng phương pháp liệt kê khi quy định về hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân như các bản hiến pháp trước đây: “Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các viện kiểm sát khác do luật định” (khoản 2 Điều 107). Vấn đề này được quy định tại Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Theo đó, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm:
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
– Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
– Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).
– Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Thành phần của viện kiểm sát các cấp nói chung gồm các chức danh: Viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên; thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên; công chức, viên chức và người lao động khác. Cụ thể:
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức có nhiệm kì 5 năm. Viện trưởng viện kiểm sát quân sự quân khu và khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
– Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
– Các kiểm sát viên được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
– Điều tra viên chỉ có trong cơ cấu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát quân sự trung ương và được hình thành bằng con đường bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ điều tra tội phạm.
– Kiểm tra viên.
– Công chức, viên chức và người lao động khác.
Tổng biên chế, số lượng kiểm sát viên; cơ cấu tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên tại mỗi cấp viện kiểm sát; số lượng, cơ cấu tỉ lệ ngạch điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi có ý kiến của Chính phủ.
Căn cứ vào tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên đã được UBTVQH quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định biên chế, số lượng kiểm sát viên, công chức, viên chức và người lao động khác của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.
Tổng biên chế, số lượng kiểm sát viên; cơ cấu tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên của mỗi cấp viện kiểm sát quân sự; số lượng, cơ cấu tỉ lệ các ngạch điều tra viên của Viện kiểm sát quân sự trung ương do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Xem thêm bài viết về “Cơ cấu tổ chức”
- Cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Nguyễn Văn Thái
- Cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong các bản Hiến pháp Việt Nam – ThS. Phạm Thị Tình
- Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quốc phòng và an ninh – TS. Phạm Quý Tỵ
- Cơ cấu tổ chức của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Phạm Đức Bảo
- Nghiên cứu so sánh về Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát giữa Việt Nam và Trung Quốc – TS. Ngũ Hồng Quang
2. Cơ cấu tổ chức của viện kiểm sát nhân dân
Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân do Hiến pháp quy định căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cũng như thực tiễn hoạt động của cơ quan kiểm sát, được cụ thể hóa trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các văn bản pháp luật có liên quan.
2.1. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Thành phần của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên; thủ trưởng, các phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên; công chức khác, viên chức và người lao động khác.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu hệ thống cơ quan viện kiểm sát. Các viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương, viện trưởng viện kiểm sát quân sự các cấp đều chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, công tác kiểm sát và xây dựng Viện kiểm sát nhân dân; quyết định các vấn đề về công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị, điều lệ, quy chế, chế độ công tác áp dụng đối với Viện kiểm sát nhân dân (Điều 63 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014). So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trước đây, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành đã bổ sung thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao như quyền kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh; kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Viện trưởng, quyền hạn khác theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Thành phần gồm Viện trưởng, các phó viện trưởng, một số kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ có thẩm quyền “đề nghị một số kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm thành viên Uỷ ban kiểm sát. Quyền quyết định thuộc về UBTVQH.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người chủ trì phiên họp của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Uỷ ban kiểm sát hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ vì với những vấn đề cơ bản, quan trọng như: chương trình, kế hoạch công tác của ngành kiểm sát; dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước… (Điều 43 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014) phải được thảo luận và quyết định theo đa số tại Uỷ ban kiểm sát. Nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.
– Văn phòng.
– Cơ quan điều tra.
– Các cục, vụ, viện và tương đương.
– Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các cơ quan báo chí và các đơn vị sự nghiệp công lập khác.
– Viện kiểm sát quân sự trung ương.
2.2. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
Thành phần Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức và người lao động khác.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, quyết định những vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Viện trưởng chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 65 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014).
– Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:
Thành phần gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, một số kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chủ trì phiên họp của Uỷ ban kiểm sát để thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, như việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo tổng kết công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao… (Điều 45 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014). Cũng giống như Uỷ ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Tuy nhiên, điểm khác nhau ở đây là Viện trưởng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát.
2.3. Cơ cấu tổ chức của viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
Thành phần Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức và người lao động khác.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Viện trưởng là người chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác của viện kiểm sát cấp mình và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của viện kiểm sát cấp mình và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (Điều 66 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014).
– Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh:
Thành phần gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng, một số kiểm sát viên.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chủ trì phiên họp của Uỷ ban kiểm sát để quyết định việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; báo cáo tổng kết công tác với Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, báo cáo công tác trước HĐND cùng cấp… (Điều 47 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014). Nghị quyết của uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí ý kiến của đa số thành viên uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Văn phòng.
– Các phòng và tương đương.
2.4. Cơ cấu tổ chức của viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
Thành phần Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức và người lao động khác.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Viện trưởng là người chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quyết định các vấn đề công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp mình; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; báo cáo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khi có yêu cầu; báo cáo công tác trước HĐND…
Xem thêm bài viết về “Viện kiểm sát”
- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp 2013 – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Khái quát sự hình thành và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Nghiên cứu so sánh về Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát giữa Việt Nam và Trung Quốc – TS. Ngũ Hồng Quang
3. Hệ thống viện kiểm sát quân sự
Hệ thống viện kiểm sát quân sự được thành lập trong quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.
Hệ thống viện kiểm sát quân sự gồm:
– Viện kiểm sát quân sự trung ương.
– Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương.
– Viện kiểm sát quân sự khu vực.
3.1. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự trung ương
– Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thành phần của Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên; thủ trưởng, các phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.
Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
– Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương:
Thành phần gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng, một số kiểm sát viên.
Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là người chủ trì phiên họp của uỷ ban kiểm sát để thảo luận và quyết định những vấn đề như chương trình, kế hoạch công tác của viện kiểm sát quân sự; báo cáo của Viện trưởng trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… (Điều 53 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014).
– Văn phòng.
– Cơ quan điều tra.
– Các phòng và tương đương.
3.2. Cơ cấu tổ chức của viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương
– Thành phần gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.
Viện trưởng viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
– Uỷ ban kiểm sát:
Thành phần gồm Viện trưởng, các phó viện trưởng, một số kiểm sát viên.
– Các ban và bộ máy giúp việc.
3.3. Cơ cấu tổ chức của viện kiểm sát quân sự khu vực
– Thành phần của viện kiểm sát quân sự khu vực gồm có Viện trưởng, các phó viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.
– Tổ chức bộ máy của viện kiểm sát quân sự khu vực gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời