Mục lục
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngành Kiểm sát nhân dân
Tác giả: Nguyễn Thị Phương
1. Kiểm sát viên
Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Kiểm sát viên là một chức danh nghề nghiệp. Do vậy, việc quy định tiêu chuẩn kiểm sát viên là cần thiết. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định cụ thể về ngạch kiểm sát viên, tiêu chuẩn của kiểm sát viên, hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hội đồng thi tuyển kiểm sát viên địa phương. So với các văn bản pháp luật trước đây về vấn đề này, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành có nhiều thay đổi nhằm hoàn thiện quy chế kiểm sát viên.
Xem thêm bài viết về “Kiểm sát viên“
- Vai trò của Kiểm sát viên Việt Nam và Công tố viên Nhật Bản trong tố tụng hình sự – ThS. Nguyễn Hải Yến
- Các bước để trở thành Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Một số vấn đề Kiểm sát viên lưu ý khi tham gia xét hỏi bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự về Tội Giết người – ThS. Vũ Đức Hạnh
1.1. Ngạch kiểm sát viên
Ngạch kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có:
– Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm sát viên cao cấp;
– Kiểm sát viên trung cấp;
– Kiểm sát viên sơ cấp.
Điểm đáng lưu ý ở đây là:
Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được bố trí 04 ngạch kiểm sát viên.
Ở Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng là kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
Các viện kiểm sát khác có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
1.2. Tiêu chuẩn của kiểm sát viên
– Tiêu chuẩn chung
Để được bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nói chung phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
+ Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;
+ Có trình độ cử nhân luật trở lên;
+ Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát;
+ Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật;
+ Có sức khoẻ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
– Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
+ Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên sơ cấp (đây là tiêu chuẩn được bổ sung so với trước đây).
– Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên trung cấp:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Đã là kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm;
+ Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với kiểm sát viên sơ cấp;
+ Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên trung cấp (đây là tiêu chuẩn được bổ sung so với trước đây).
Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiểm sát viên trung cấp nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên trung cấp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Đã là kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm;
+ Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với kiểm sát viên cấp dưới;
+ Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên cao cấp.
Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiểm sát viên cao cấp nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên cao cấp.
– Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Đã là kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm;
+ Có năng lực chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 20 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt:
Bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng khi: Người được điều động đến để làm lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Tuy chưa đủ thời gian làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên và các tiêu chuẩn năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1.3. Nhiệm kì kiểm sát viên
– Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm. – Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.
1.4. Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Thành phần của hội đồng tuyển chọn gồm:
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Chủ tịch.
+ Các uỷ viên: đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam.
– Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn:
+ Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm;
+ Xem xét những trường hợp kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được miễn nhiệm chức danh kiểm sát viên;
+ Xem xét những trường hợp kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể bị cách chức chức danh kiểm sát viên.
1.5. Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp
– Thành phần của hội đồng thi tuyển gồm:
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Chủ tịch.
+ Các uỷ viên: một Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Nhiệm vụ của hội đồng thi tuyển:
+ Tổ chức các kì thi tuyển kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp;
+ Công bố danh sách những người trúng tuyển;
+ Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm người đã trúng tuyển làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp.
Xem thêm bài viết về “Kiểm sát viên”
2. Kiểm tra viên
Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Các ngạch kiểm tra viên:
– Kiểm tra viên;
– Kiểm tra viên chính;
– Kiểm tra viên cao cấp./.
Xem thêm bài viết về “Viện kiểm sát”
- Hệ thống và cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp 2013 – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Khái quát sự hình thành và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời