Sử dụng án lệ trong đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Tác giả: Lê Thị Thúy Nga [1]
TÓM TẮT
Sự ra đời của án lệ đã tác động tích cực đến hoạt động giải quyết vụ án và việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật nói chung, đào tạo nghề luật nói riêng, đã được đặc biệt quan tâm. Dù còn những quan điểm khác nhau song việc sử dụng án lệ trong đào tạo các chức danh tư pháp đặc biệt là đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã đươc khẳng định và coi là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bài viết đề cập tới thực trạng và một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng án lệ trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp.
Trong lịch sử lập pháp thế giới, án lệ là nguồn chủ yếu và quan trọng trong hệ thống thông luật (common law) song chỉ là nguồn thứ yếu trong hệ thống dân luật (civil law). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, pháp luật…án lệ đang dần tăng cường vai trò, sự ảnh hưởng ở các nước theo truyền thống luật dân sự và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hơn lúc nào, chúng ta nhận thấy được những ưu điểm của việc sử dụng án lệ trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết, chưa bao quát được hết các quan hệ xã hội, các tình huống pháp lý đang hàng ngày phát sinh trong đời sống xã hội.. Sự ra đời của án lệ đã tác động tích cực đến hoạt động giải quyết vụ án và việc sử dụng án lệ trong đào tạo luật nói chung, đào tạo nghề luật nói riêng, đã được đặc biệt quan tâm. Dù còn những quan điểm khác nhau song việc sử dụng án lệ trong đào tạo các chức danh tư pháp đặc biệt là đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã được khẳng định và được coi là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
1. Thực trạng sử dụng án lệ trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp
Trong hoạt động đào tạo tại Học viện Tư pháp, án lệ được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp với tư cách là một loại học liệu trong quá trình đào tạo bên cạnh hồ sơ tình huống nhằm trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng cần thiết. Sử dụng án lệ trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể là:
– Tăng cường tính thực tiễn của chương trình đào tạo. Tính chất của hoạt động đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là đào tạo nghề, học viên tham gia chương trình đào tạo với mục tiêu học hỏi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng điều kiện về đào tạo theo quy định pháp luật để có thể hành nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Tính chất đào tạo nghề – chú trọng kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn hành nghề của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư – là đặc trưng, điểm nhấn của chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Việc sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo thể hiện tính cập nhật qua đó gia tăng tính thực tiễn của hoạt động đào tạo. Với việc được tiếp cận với án lệ, thực hành bước đầu kỹ năng sử dụng, áp dụng án lệ, học viên được làm quen với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp sau này ngay từ khi còn ở trong môi trường đào tạo, học nghề.
– Tăng cường hiệu quả của phương pháp tình huống – phương pháp nổi bật trong đào tạo luật học. “Dạy học tình huống là một phương pháp dạy học được tổ chức theo những tình huống có thực của cuộc sống, trong đó người học được kiến tạo tri thức qua việc giải quyết các vấn đề có tính xã hội của việc học tập”2. Bản chất của phương pháp dạy học này là thông qua việc giải quyết các tình huống có thực người học có được khả năng thích ứng tốt nhất với môi trường xã hội biến động3. Với nhiều ưu điểm, phương pháp tình huống là một trong các phương pháp giảng dạy tốt nhất được áp dụng nhằm giúp người học phát huy tính chủ động, được khích lệ tư duy, được tự do đưa ra quan điểm của mình, tự thực hiện các kỹ năng này, tự trải nghiệm và tự đưa ra các kết luận cho mình4. Với việc sử dụng án lệ như một học liệu bên cạnh hồ sơ tình huống, bản án… người học có điều kiện tiếp cận, thực hành phương pháp nghiên cứu theo tình huống. Qua việc sử dụng án lệ trong đào tạo, học viên một mặt được trang bị kiến thức, hiểu biết về án lệ đồng thời được rèn luyện kỹ năng tra cứu, áp dụng, viện dẫn án lệ, củng cố các kỹ năng cần thiết khác của nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư (kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng phân biệt và nhận biết các tình tiết pháp lý của vụ việc, kỹ năng phân tích, tư duy lập luận để đưa ra cách giải quyết hợp lý, đúng đắn nhất cho một vụ việc, kỹ năng tìm và áp dụng các điều luật, các quy định pháp luật vào thực tế của cuộc sống).
– Góp phần hiện đại hóa chương trình đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế. Ở nhiều nước, việc nghiên cứu án lệ là một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên và những người làm công tác pháp luật. Trong hệ thống các giáo trình và tài liệu nghiên cứu của nhiều nước, các án lệ luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể và sự thành công trong việc nghiên cứu các vấn đề pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm hiểu và vận dụng các án lệ. Trong bối cảnh Việt Nam, tạo điều kiện để học viên được làm quen với án lệ, rèn luyện kỹ năng tra cứu, áp dụng, viện dẫn án lệ là nhu cầu tất yếu, đặc biệt với các chương trình đào tạo mang tính hội nhập cao như đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Học viện Tư pháp.
Liên quan tới đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát và đào tạo nghề luật sư, hiện tại Học viện Tư pháp đang triển khai 04 chương trình đào tạo, cụ thể là Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; Chương trình đào tạo nghề luật sư; Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; Chương trình đào tạo luật sư chất lượng cao. Qua khảo sát việc triển khai 04 chương trình đào tạo nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc đào tạo về án lệ và sử dụng án lệ trong đào tạo đã được quan tâm ở mức độ nhất định. Cụ thể là:
Thứ nhất, nội dung đào tạo về án lệ chưa được xác định là một môn học độc lập song đã có một số bài học riêng biệt về án lệ trong một số chương trình đào tạo. Trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có 01 bài về Nguyên tắc tra cứu, viện dẫn và áp dụng án lệ (03 tiết), tập trung vào giới thiệu lý thuyết kỹ năng tra cứu, viện dẫn và áp dụng án lệ, chưa có buổi học tình huống (thực hành) các kỹ năng này. Trong bài học này, các án lệ đã công bố chủ yếu được sử dụng để minh họa cho nội dung thuyết trình của giảng viên. Trong chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, có 02 bài học về án lệ trong môn học Kỹ năng hành nghề cơ bản của luật sư về thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp quốc tế gồm Kỹ năng nghiên cứu, viện dẫn án lệ (10 tiết lý thuyết, 10 tiết thực hành) Kỹ năng tra cứu và áp dụng các loại nguồn của luật thương mại, đầu tư quốc tế (10 tiết lý thuyết, 5 tiết thực hành). Với đặc thù của môn học về thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp quốc tế (lĩnh vực mà án lệ được sử dụng phổ biến), thời lượng học lý thuyết và thực hành tương đối nhiều, các án lệ về thương mại, đầu tư quốc tế đã được sử dụng trong môn học này cả ở phần lý thuyết và phần thực hành để học viên làm quen, rèn luyện các kỹ năng liên quan.
Thứ hai, án lệ đã được giảng viên sử dụng trong nhiều bài học của các chương trình đào tạo với những cách thức, mức độ khác nhau. Trong các chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp, việc đào tạo kỹ năng thường thông qua các nhóm bài học bao gồm: modul bài học lý thuyết kỹ năng (mỗi modul gồm bài lý thuyết và một hoặc một số bài tình huống), diễn án, bình luận án, trao đổi kinh nghiệm. Trong tất cả các bài học này, thực tế án lệ đã được sử dụng ở mức độ nhất định nhưng chủ yếu mang tính chất đơn lẻ, xuất phát từ sự chủ động của giảng viên mà chưa được thể hiện trong chương trình môn học, chưa có sự hướng dẫn thống nhất của Khoa, bộ môn. Cụ thể như sau:
– Đối với bài học lý thuyết kỹ năng.
Đối với những bài học lý thuyết, giảng viên chủ yếu sử dụng án lệ thông qua việc lấy án lệ làm ví dụ minh họa cho một số kỹ năng được đề cập trong bài giảng; rút gọn án lệ thành các tình huống nhỏ để học viên giải quyết trong buổi học từ đó tổng kết thành lý thuyết kỹ năng liên quan
– Đối với bài học tình huống.
Trong các bài học tình huống tại Học viện Tư pháp, học viên sẽ được thông báo trước và có thời gian nghiên cứu hồ sơ tình huống được lựa chọn cho bài học đó. Hồ sơ tình huống là những hồ sơ vụ án thực tế do các bộ môn lựa chọn, khai thác, biên tập, xác định sử dụng cho bài học nào trong chương trình và được Học viện Tư pháp nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hồ sơ tình huống được coi là học liệu đặc thù của Học viện Tư pháp và đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn đào tạo. Đối với các bài học tình huống, trên cơ sở học liệu cơ bản là hồ sơ tình huống, giảng viên sử dụng một số án lệ phù hợp để minh họa trong quá trình hướng dẫn học viên rèn luyện các kỹ năng có liên quan theo hồ sơ tình huống. Tùy thuộc vào từng buổi học, giảng viên đã sử dụng án lệ theo hướng xây dựng tình huống nhỏ trên cơ sở án lệ để học viên nghiên cứu, giải quyết hoặc lấy án lệ để bình luận, mở rộng tình huống trong hồ sơ tình huống. Việc lựa chọn, phân tích án lệ phù hợp với phạm vi của bài học và hồ sơ tình huống sử dụng trong bài học đã giúp học viên tiếp cận được với nội dung án lệ, cách vận dụng án lệ và rèn luyện kỹ năng tra cứu, áp dụng án lệ trong quá trình tham gia giải quyết các vụ án.
– Đối với các bài diễn án.
Tại Học viện Tư pháp, trong tất cả các chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đều có các buổi diễn án. Đây là buổi học mà học viên nghiên cứu, chuẩn bị đóng vai theo hồ sơ tình huống và diễn một phiên tòa hoàn chỉnh dưới sự theo dõi, hướng dẫn, nhận xét của giảng viên. Diễn án là hình thức thực tập tại chỗ, một phương pháp học nghề hiệu quả, hấp dẫn đối với học viên. Thông qua diễn án, học viên được chủ động xây dựng đề cương cho vai diễn của mình, viết bản thu hoạch, nhận xét các vai diễn khác…, có thể tự đánh giá trình độ hiểu biết pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp của chính mình trong quá trình học tập, đồng thời giảng viên có thể đánh giá được chất lượng học tập của học viên. Trong buổi diễn án, giảng viên có thể sử dụng án lệ khi nhận xét diễn án, chủ yếu để nhận định về phương án giải quyết vụ án của mỗi chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư qua đó tổng hợp thành kỹ năng viện dẫn, áp dụng án lệ cho học viên.
– Đối với bài trao đổi kinh nghiệm.
Các buổi trao đổi kinh nghiệm được bố trí trong phần đào tạo chuyên sâu của chương trình đào tạo nghề luật sư và chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Đây là cơ hội để giảng viên cũng là những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giàu kinh nghiệm chia sẻ với học viên về kinh nghiệm hành nghề, những sai sót nên tránh trong thực tiễn tố tụng…Nhìn chung, trong các buổi học này, giảng viên thường chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề trên cơ sở những vụ việc điển hình mà giảng viên đã trực tiếp tham gia giải quyết từ đó khái quát thành các kỹ năng, bài học cho học viên. Trong đó, một số giảng viên là luật sư đã chia sẻ những vụ án mà luật sư viện dẫn án lệ để bảo vệ cho thân chủ, việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận việc viện dẫn, áp dụng án lệ của luật sư. Đây là những vấn đề mới nên nội dung liên quan đến viện dẫn, áp dụng án lệ thường rất được học viên quan tâm, trao đổi, thảo luận. Các luật sư khi chia sẻ kinh nghiệm viện dẫn án lệ thường nhấn mạnh kinh nghiệm, kỹ năng đánh giá sự tương tự giữa vấn đề cần giải quyết trong vụ án với tình huống của án lệ, là cơ sở để quyết định sự phù hợp, chính xác khi viện dẫn án lệ.
– Đối với bài bình luận án.
Trong một số buổi bình luận án, giảng viên đã đưa nội dung bình luận về án lệ vào nội dung buổi học song không nhiều, chủ yếu mang tính chất minh họa cho bản án chính được bình luận.
Từ kết quả khảo sát nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét về việc sử dụng án lệ trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư như sau:
– Vấn đề đào tạo về án lệ và sử dụng án lệ trong đào tạo ngày càng được quan tâm tại Học viện Tư pháp.
Dù chưa có môn học độc lập về án lệ nhưng một số chương trình đào tạo như chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế đã có bài học riêng về án lệ và ngày càng tăng cường việc sử dụng án lệ với tính chất là học liệu để nghiên cứu, thực hành tình huống ứng với các kỹ năng nghiệp vụ của thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên trong các lĩnh vực của hoạt động tố tụng, xét xử ở tòa án Việt Nam và có thể cả tòa án quốc tế/nước ngoài5. Về chất lượng và hiệu quả sử dụng, án lệ cơ bản đã được sử dụng phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học, có dung lượng, cách tiếp cận hợp lý giúp làm tăng hiệu quả sư phạm, tạo sức hút đối với học viên.
– Việc sử dụng án lệ thời gian qua mới chỉ là bước tiếp cận ban đầu, phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi giảng viên mà chưa được quy định, hướng dẫn thống nhất ở cấp độ Học viện, Khoa hay bộ môn.
Ví dụ: tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc sử dụng án lệ trong đào tạo…đều trên cơ sở đánh giá riêng của giảng viên trong khi nếu tiếp cận án lệ là một học liệu/nguồn học liệu bắt buộc sử dụng trong đào tạo thì nên có quy trình, hướng dẫn thống nhất về những vấn đề lớn (tương tự như quy trình lựa chọn, nghiệm thu, hướng dẫn sử dụng hồ sơ tình huống). Thực trạng này cũng là dễ hiểu bởi lẽ án lệ là vấn đề mới trong thực tiễn tố tụng nước ta, số lượng án lệ chưa nhiều, nội dung án lệ chưa đa dạng nên không nhiều cơ hội để khai thác, sử dụng trong các bài học về rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp, với nhiều loại vụ án, vụ việc khác nhau ở tất cả các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính. Mặt khác, trong bối cảnh chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể thì việc khai thác, sử dụng án lệ cho giảng dạy chưa trở thành nhu cầu cấp thiết bắt buộc đối với giảng viên.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư
Trên cơ sở nhận thức đúng về vai trò của việc sử dụng án lệ trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng án lệ, theo chúng tôi có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, tăng cường nội dung đào tạo về án lệ trong các chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Trong giai đoạn hiện tại, việc thiết kế một môn học bắt buộc về án lệ khó có thể triển khai được nhưng cần dành thời lượng nhất định trong mỗi chương trình đào tạo cho nội dung đào tạo riêng về án lệ gồm các nội dung tổng quan về án lệ (để học viên hiểu án lệ là gì, quy định về án lệ như thế nào) và kỹ năng tra cứu, viện dẫn án lệ. Trong bài học này, bên cạnh phần lý thuyết nên có thời gian để học viên thực hành kỹ năng tra cứu, viện dẫn án lệ. Các nội dung khác sâu hơn về án lệ có thể xây dựng thành một “gói” tự chọn trong phần đào tạo chuyên sâu của mỗi chương trình đào tạo. Việc thiết kế nội dung bài học, môn học này sẽ giúp học viên có kiến thức chung về án lệ, làm cơ sở cho việc sử dụng, khai thác án lệ trong quá trình học kỹ năng đồng thời cũng thể hiện rõ nét “án lệ” là nội dung được quan tâm trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo.
Thứ hai, cần xác định án lệ là một loại học liệu/nguồn học liệu chính thức trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư từ đó có những quy định, hướng dẫn sử dụng án lệ ở cấp độ Học viện hoặc mỗi khoa, mỗi bộ môn.
Ở cấp độ chung, có thể xây dựng các nguyên tắc lựa chọn, áp dụng án lệ trong đào tạo như: lựa chọn án lệ phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học; cần có yêu cầu cụ thể đối với học viên khi sử dụng án lệ (học viên cần chuẩn bị gì trước khi lên lớp; công việc của học viên trên lớp liên quan tới việc nghiên cứu án lệ/tình huống xây dựng trên cơ sở án lệ như thế nào); cần thống nhất “đáp án” đối với việc viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết một số hồ sơ tình huống có liên quan trong chương trình đào tạo.
Ở cấp độ cụ thể, mỗi bộ môn cần thảo luận nhằm xây dựng được danh mục án lệ được lựa chọn một cách hệ thống cho mỗi bài giảng hay môn học, yêu cầu chung đối với việc sử dụng án lệ/tình huống xây dựng trên cơ sở án lệ và thể hiện cụ thể danh mục, yêu cầu đó trong chương trình môn học để giảng viên, học viên chủ động trong quá trình chuẩn bị và giảng dạy, học tập trên lớp. Các yêu cầu sử dụng án lệ/tình huống xây dựng trên cơ sở án lệ tương tự như yêu cầu đối với việc sử dụng hồ sơ tình huống, gồm hai nhóm yêu cầu: (1) yêu cầu chung bắt buộc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của bài học được bộ môn xác định trước, gắn kèm với hồ sơ/tài liệu về án lệ, tình huống; và (2) yêu cầu riêng dành chỗ cho sự sáng tạo, chủ động của giảng viên khi lên lớp. Trong đó, nhóm yêu cầu chung (1) cần được các bộ môn thảo luận, thống nhất để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng án lệ/tình huống xây dựng trên cơ sở án lệ. Ngoài ra, khi lựa chọn, khai thác biên tập hồ sơ tình huống, các bộ môn cần chú ý lựa chọn một số hồ sơ có khả năng áp dụng án lệ (có tính tương tự với tình huống trong các án lệ đã công bố) để học viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng viện dẫn, áp dụng án lệ khi học tập theo các hồ sơ tình huống này.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động thảo luận, trao đổi, nghiên cứu, tập huấn về kỹ năng sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo. Sử dụng án lệ trong đào tạo là vấn đề mới vì vậy việc tăng cường trao đồi, thảo luận trong quá trình họp chuyên môn của bộ môn để lựa chọn án lệ, xác định cách thức sử dụng án lệ tối ưu là hết sức cần thiết. Ngoài ra, việc học hỏi kinh nghiệm qua các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài đặc biệt là chuyên gia từ các nước theo hệ thống thông luật sẽ giúp giảng viên trau dồi, tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi sử dụng án lệ trong hoạt động giảng dạy./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Giảng viên chính, Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Học viện Tư pháp.
- Xem Trinh Văn Biều (2010), Các phương pháp dạy học tích cực, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phan Trọng Ngọ, Dạy học và phương pháp dạy học, 2005, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- TS. Ngô Hoàng Oanh (2014), Tham luận Những vấn đề lý luận về phương pháp tình huống trong giảng dạy luật và nghề luật, Tài liệu Hội thảo khoa học Xây dựng tình huống trong đào tạo chung các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp – Lý luận và thực tiễn do Học viện Tư pháp tổ chức ngày 25/9/2014.
- TS.Trần Thăng Long, Vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và sự cần thiết của việc sử dụng án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy luật quốc tế ở Việt Nam Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4/2012 (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trịnh Văn Biều (2010), Các phương pháp dạy học tích cực, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phan Trọng Ngọ, (2005), Dạy học và phương pháp dạy học, Nxb Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Ngô Hoàng Oanh (2014), “Tham luận Những vấn đề lý luận về phương pháp tình huống trong giảng dạy luật và nghề luật”, Tài liệu Hội thảo khoa học Xây dựng tình huống trong đào tạo chung các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp – Lý luận và thực tiễn do Học viện Tư pháp tổ chức ngày 25/9/2014.
- Trần Thăng Long (2012), “Vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và sự cần thiết của việc sử dụng án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy luật quốc tế ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4/2012 (Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh).
- Đồng Thị Kim Thoa (2018), Chuyên đề “Giải pháp đối với việc sử dụng án lệ trong chương trình đào tạo cán bộ tư pháp tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”, Đề tài NCKH cấp Bộ Sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp ở Việt Nam hiện nay, trường Đại học Luật Hà Nội.
- Đồng Thị Kim Thoa (2018), Chuyên đề Giải pháp đối với việc sử dụng án lệ trong chương trình đào tạo cán bộ tư pháp tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ Sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp ở Việt Nam hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trả lời