Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Tác giả: Đặng Văn Thực [1]
TÓM TẮT
Kiểm sát viên (KSV) là một chủ thể quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tranh tụng, một yêu cầu quan trọng là phải tăng cường vai trò của KSV tại phiên tòa xét xử. Bài viết đi sâu phân tích các hoạt động của KSV tại phiên tòa, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của KSV tại phiên tòa.
Tăng cường yếu tố tranh tụng trong quá trình xét xử vụ án hình sự là một trong những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, phải đảm bảo để bản án, quyết định của Tòa án là hiện thân của công lý, công bằng xã hội. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận tranh tụng thành một nguyên tắc, cụ thể: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”2. Do vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tranh tụng tại phiên tòa. Để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tranh tụng, một yêu cầu quan trọng là phải tăng cường vai trò của KSV tại phiên tòa xét xử. “Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Khi xét xử, các Tòa án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan, thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn luật định…”3; “KSV phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án liên tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa4. Bài viết sau đây phân tích về vai trò của KSV tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015”5.
Trong tố tụng hình sự, KSV là một trong những người tiến hành tố tụng được quy định tại Khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự. KSV là người đại diện cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Do đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, KSV thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
1. Hoạt động của kiểm sát viên trong thủ tục bắt đầu phiên tòa
Căn cứ vào thời gian ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án, KSV phải có mặt tại phòng xử án trước khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án làm việc để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thư ký Tòa án và Hội đồng xét xử. Cụ thể KSV chú ý các nội dung: Kiểm sát hoạt động của Thư ký Tòa án: Nội quy mà Thư ký đọc, phổ biến có thống nhất với bản nội quy niêm yết tại trụ sở Tòa án không? Có tuân thủ các quy định tại Điều 300 Bộ luật tố tụng hình sự hay không, cũng như việc kiểm tra sự có mặt và vắng mặt của những người đã được triệu tập đến phiên tòa. Nếu có người vắng mặt cần làm rõ lý do để khi phiên tòa diễn ra thì KSV phát biểu quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử hay hoãn phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát hoạt động của thẩm phán chủ tọa phiên Tòa: Khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên bố khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trước khi đọc, thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu mọi người đứng dậy như khi tuyên án. KSV phải chú ý lắng nghe, theo dõi và đối chiếu với quyết định đưa vụ án ra xét xử mà Tòa án đã gửi cho Viện kiểm sát xem có thống nhất với nhau không? Nếu có điểm, mục nào mâu thuẫn thì cần đánh dấu hoặc ghi lại để lưu ý Hội đồng xét xử làm rõ tại phiên tòa hoặc kiến nghị khắc phục; Kiểm sát việc thực hiện quyền đề nghị, thay đổi người tiến hành tố tụng; Kiểm sát việc giải quyết yêu cầu, quyết định của Hội đồng xét xử: Kiểm sát yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét tại phiên tòa; yêu cầu hoãn phiên tòa: Quyết định của Hội đồng xét xử về việc cách ly người làm chứng và những người có liên quan, cách ly bị cáo với người làm chứng theo quy định tại Khoản 2, Điều 304 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).
2. Hoạt động của kiểm sát viên trong thủ tục tranh tụng tại phiên tòa
2.1. Kiểm sát việc xét hỏi tại phiên tòa
Hội đồng xét xử tiến hành việc xét hỏi theo đúng trình tự quy định tại Điều 307 BLTTHS. Tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, số lượng bị cáo, Hội đồng xét xử tiến hành hỏi bị cáo trước hay hỏi nhân chứng, người bị hại trước. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để thẩm phán, Hội thẩm, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. KSV phải kiểm sát việc xét hỏi của Hội đồng xét xử. Một điểm khác biệt cơ bản giữa mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam là tại phiên tòa xét xử, Hội đồng xét xử vẫn tham gia vào việc xét hỏi, trong đó chủ tọa phiên tòa là người có vai trò chính trong việc xét hỏi, KSV ngoài hoạt động kiểm sát việc xét hỏi của Hội đồng xét xử, còn thực hiện việc xét hỏi để làm rõ các vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa làm rõ. Ngoài ra, KSV cũng kiểm sát việc hỏi của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đường sự6.
2.2. Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và xét hỏi tại phiên tòa
Theo quy định tại Điều 306 BLTTHS thì trước khi tiến hành xét hỏi, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải đề nghị KSV công bố bản cáo trạng. Bản cáo trạng truy tố bị can ra trước Tòa án do Viện trưởng Viện kiểm sát ký, KSV chỉ là người được uỷ quyền tham gia phiên tòa để bảo vệ cáo trạng. Vì vậy, KSV phải đọc nguyên văn và toàn bộ bản cáo trạng, không được tự ý bớt xén lời văn hoặc sửa chữa từ, ngữ… Sau khi công bố cáo trạng, KSV có thể trình bày ý kiến bổ sung để làm rõ thêm nội dung của bản cáo trạng, đó không phải là ý kiến mới, bổ sung làm thay đổi nội dung bản cáo trạng (trừ trường hợp được Viện trưởng đồng ý). Việc thay đổi, bổ sung hoặc rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố được thực hiện theo quy định của Điều 285 BLTTHS.
Theo quy định tại Điều 307 BLTTHS thì trình tự xét hỏi bắt đầu từ thẩm phán chủ tọa phiên tòa, sau đó chủ tọa phiên tòa quyết định để thẩm phán, Hội thẩm, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Thông qua xét hỏi tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án, làm cơ sở cho việc xác định tội danh, quyết định hình phạt và áp dụng các biện pháp tư pháp. Theo quy định tại Điều 24 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thì việc tham gia xét hỏi tại phiên tòa là bắt buộc đối với KSV. KSV tham gia xét hỏi tại phiên tòa là để kiểm tra lại các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, để khẳng định kết quả điều tra. Đồng thời, việc xét hỏi để làm rõ những tình tiết mới, chứng cứ mới mà những người tham gia tố tụng bổ sung tại phiên tòa. Thông qua việc hỏi để khẳng định, chứng minh các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình và tại phiên tòa đã đảm bảo tính hợp pháp về mặt nội dung cũng như về mặt hình thức và để bảo vệ quan điểm truy tố đã thể hiện trong bản cáo trạng.
2.3. Trình bày luận tội và tranh luận tại phiên tòa
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của KSV khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự là thực hiện việc luận tội đối với bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 320 BLTTHS, sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, KSV trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng, hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội. Để có cơ sở tranh luận dân chủ tại phiên tòa, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định nội dung luận tội của KSV phải “phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức độ bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng. Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật (Khoản 2, 3, 4 Điều 321)”. Luận tội của KSV phải căn cứ vào cáo trạng, những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Như vậy, tại phiên tòa, KSV trình bày lời luận tội chứ không phải đọc lời luận tội đã chuẩn bị sẵn hoặc chỉ có lời buộc tội mà không có sự phân tích, lập luận, đánh giá.
Sau lời luận tội của KSV, Chủ tọa phiên tòa sẽ điều hành việc tranh luận theo trình tự của Điều 320 và Điều 321 BLTTHS. Trong suốt quá trình tranh luận, đối đáp, KSV phải có trách nhiệm bảo vệ quan điểm luận tội của mình, bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo tại phiên tòa. Để bảo đảm cho việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa được chủ động, tự tin đòi hỏi KSV khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cần phải chuẩn bị dự thảo đề cương tranh luận, đối đáp, dự kiến những vấn đề mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có thể đưa ra ý kiến và đề nghị đối đáp. Tại phiên tòa, KSV lưu ý cần phải đối đáp lại toàn bộ các ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Do đó, KSV chú ý theo dõi, ghi chép những nội dung xét hỏi của Hội đồng xét xử đối với bị cáo, những người tham gia tố tụng khác, các câu hỏi của người bào chữa và nội dung trả lời của từng người được xét hỏi để nắm được cơ sở lập luận của từng người cũng như tâm lý của họ sẽ được thể hiện trong phần tranh luận để kịp thời bổ sung cho đề cương tranh luận, đối đáp.
2.4. Kiểm sát việc tuyên án và kiểm sát biên bản phiên tòa
Để bảo đảm kiểm sát việc tuyên án của Hội đồng xét xử theo đúng quy định của pháp luật, KSV cần nắm vững nhiệm vụ của Hội đồng xét xử trong khi tuyên án theo các Điều 327, 263, 2567. KSV phải xem xét việc trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án theo đúng quy định tại các Điều 328, 329 BLTTHS. KSV chú ý lắng nghe, ghi lại những nhận định quan trọng, nội dung quyết định của bản án sơ thẩm để làm căn cứ kiểm tra đối chiếu với biên bản phiên tòa và báo cáo Lãnh đạo Viện8.
Sau phiên tòa, KSV cần đối chiếu bút ký của mình tại phiên tòa với biên bản phiên tòa xem biên bản đó có ghi đầy đủ không, có gì mâu thuẫn không. Nếu phát hiện sai sót thì yêu cầu sửa chữa, bổ sung (không được sửa chữa, tẩy xoá vào những phần đã ghi mà phải ghi xuống phía sau những phần đó, KSV và Thư ký tòa án cùng ký vào phần bổ sung).
3. Một số yêu cầu nâng cao hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa tranh tụng
3.1. Nâng cao kỹ năng công tác chuẩn bị tham gia phiên tòa của kiểm sát viên
Để chất lượng tranh tụng đạt hiệu quả cao, thì công tác chuẩn bị tham gia phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng, KSV phải thực hiện, nghiêm túc đầy đủ các quy định theo Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Quy chế số 505), các yêu cầu của Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 06/04/2016 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa. Theo đó, KSV được phân công tham gia phiên tòa phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phải có sự chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, dự thảo kết luận, dự kiến nội dung đối đáp làm tiền đề cho hoạt động xét hỏi tại phiên tòa, để làm cơ sở đối đáp, tranh luận làm sáng tỏ hành vi phạm tội của bị cáo, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, bồi thường Trách nhiệm dân sự, góp phần làm cho Tòa án ra những phán quyết đúng người, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, công bằng trong quyết định hình phạt, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
– Về lập hồ sơ kiểm sát.
Phải thực hiện đúng Quyết định số 590/QĐ- VKSTC-V3 ngày 05/12/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về lập hồ sơ kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ phải có hệ thống, khoa học, đảm bảo đầy đủ tài liệu, chứng cứ về nội dung, và phải được sắp xếp theo trình tự như: Tập dự thảo kết luận, báo cáo án; tập tố tụng; tập chứng cứ, tập lời khai, tự khai, biên bản hỏi cung… đối với vụ án kêu oan, vụ án phức tạ, vụ án tham nhũng có sự chỉ đạo của Trung ương, KSV cần thiết phải lập thêm bản hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội, kịch bản phiên tòa. Qua đó tăng cường trách nhiệm của KSV trong việc nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát.
– Về xây dựng đề cương xét hỏi.
Thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ban hành kèm theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, KSV bắt buộc phải xây dựng đề cương xét hỏi” (Điều 24) để chuẩn bị tham gia phiên tòa. Yêu cầu bản đề cương xét hỏi bao gồm những nội dung cơ bản như: xét hỏi bị cáo có phải là người đã thực hiện hành vi phạm tội, năng lực trách nhiệm hình sự, tuổi (Chủ thể của tội phạm); Có lỗi (cố ý, vô ý) hay không có lỗi (mặt chủ quan); Hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, nguyên nhân, điều kiện phạm tội (mặt khách quan của tội phạm), mối quan hệ xã hội được Bộ luật hình sự bảo vệ bị các hành vi phạm tội xâm hại đến (khách thể của tội phạm), các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trác nhiệm hình sự, đồng phạm, vai trò của đồng phạm; Trác nhiệm dân sự…
– Về dự kiến chuẩn bị tình huống xét hỏi để tranh luận, đối đáp.
Khi nghiên cứu hồ sơ, KSV phải dự kiến tình huống phát sinh có thể xảy ra tại phiên tòa, như bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng tại phiên tòa bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo kêu oan hay im lặng từ chối khai báo, khai báo gian dối, dự kiến tình uống xét hỏi về tình huống Luật sư bào chữa vụ án theo hướng bị cáo không phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên mà phạm tội khác nhẹ hơn, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, giảm mức bồi thường, vụ án còn có đồng phạm khác, hủy án điều tra lại…
3.2. Về kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên
Để nâng cao kỹ năng tranh tụng của KSV tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, BLTTHS năm 2015 cần thực hiện những giải pháp như sau:
Một là, mỗi KSV phải tích cực nghiên cứu, học tập để nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, các văn bản luật có liên quan, các hướng dẫn áp dụng pháp luật. Thường xuyên rèn luyện kỹ năng diễn đạt, kỹ năng trình bày bản kết luận giải quyết vụ án tại phiên tòa, kỹ năng đối đáp, khả năng phản xạ linh hoạt trước các nội dung mới phát sinh tại phiên tòa, kỹ năng ứng xử tại phiên tòa phù hợp theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ứng xử có văn hóa, bảo đảm tôn trọng sự điều khiển của chủ tọa, tôn trọng của những người tham gia tố tụng phiên tòa.
Hai là, nâng cao kỹ năng xét hỏi cho KSV về phương pháp, cách đặt câu hỏi, chiến thuật xét hỏi đối với bị cáo (bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo im lặng từ chối khai báo, bị cáo khai báo gian dối); đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người địa diện hợp pháp của họ, xét hỏi người làm chứng, người giám định. Khi xét hỏi KSV phải biết cách đặt câu hỏi, sử dụng ngôn từ xét hỏi dễ hiểu, rõ ràng không đa nghĩa, không sử dụng tiếng lóng, không đặt câu hỏi mớm cung, dụ cung. Về phạm vi xét hỏi, KSV hỏi về những nội dung Hội đồng xét xử chưa hỏi hoặc hỏi rồi nhưng còn thiếu hoặc chưa rõ, hỏi về những nội dung còn mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho đối đáp tranh tụng (hỏi để nhấn mạnh một lần nữa các chứng cứ đã có trong hồ sơ để khẳng định giá trị của chứng cứ đó, phục vụ cho hoạt động đối đáp, tranh luận sau đó…). Nâng cao kỹ năng xét hỏi cho KSV theo từng nhóm, loại tội phạm như: Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, cố ý gây thương tích…
Ba là, tăng cường vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của ngành trong duyệt xây dựng đề cương nội dung dự thảo kế hoạch xét hỏi, để nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa đối với từng loại tội, nhóm tội cụ thể là yêu cầu quan trọng đầu tiên. Sắp xếp, bố trí KSV trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa, nhất là vụ án lớn, phức tạp, vụ án có nhiều bị cáo, vụ án tham những có sự chỉ đạo của Trung ương.
Quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ KSV, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lương tâm, trách nhiệm, tận tụy và tự giác cao với công việc. Thường xuyên tập huấn, rèn luyện kỹ năng xét hỏi, đối đáp, tranh tụng tại phiên tòa theo hướng chuyên sâu. Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tổ chức hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng cho KSV.
Bốn là, tăng cường trách nhiệm cho KSV đáp ứng nhiệm vụ trong tiến trình cải cách tư pháp theo BLTTHS năm 2015, khi làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Tòa án tại phiên tòa hình sự, đồng thời Viện kiểm sát cần tăng cường tính độc lập của KSV tại phiên tòa nhiều hơn nữa, tính độc lập của KSV tại phiên tòa trên nguyên tắc tập trung thống nhất và chỉ tuân theo pháp luật, KSV phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
- Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
- Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 01/01/2002 của Bộ Chính trị “Về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
- Nghị quyết số 37/NQ-QH ngày 23/11/2012 của Quốc Hội về “Công tác Phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013”.
- Phiên tòa tranh tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất trong phiên tòa xét xử sơ thẩm. Do đó, bài viết tập trung đi sâu phân tích về vai trò của KSV trong phiên tòa tranh tụng là phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
- Hội đồng xét xử thực hiện đúng trình tự theo Điều 307 BLTTHS, Khi hỏi bị cáo, Hội đồng xét xử phải thực hiện câu hỏi theo Khoản 2, Điều 309 BLTTHS sau đó mới hỏi từng tình tiết của sự việc, hỏi từng bị cáo theo quy định tại Khoản 1, của Điều 307 và Khoản 1, của Điều 309 đã nêu trên. Chỉ được công bố lời khai tại Cơ quan điều tra khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 308 BLTTHS. Do vậy, tuỳ theo trình tự xét hỏi và căn cứ vào Khoản 2, Điều 308 BLTTHS, Hội đồng xét xử hoặc KSV công bố lời khai hoặc tài liệu. Kiểm sát việc xét hỏi của Hội đồng xét xử, nhằm bảo đảm việc xét hỏi bị cáo, bị hại, đương sự, người làm chứng, người đại diện của họ, người giám định, người định giá tài sản được thực hiện theo quy định tại các Điều 309, 310, 311, 316 BLTTHS. Khi xét hỏi, những câu hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu. Không được đặt các câu hỏi có tính chất khẳng định, câu hỏi mớm cung hoặc xúc phạm danh dự nhân phẩm của người được hỏi. KSV cần hết sức lưu ý những câu hỏi của người bào chữa vì thực tế người bào chữa hay hỏi mớm cung, dụ cung đối với bị cáo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bào chữa, nếu phát hiện KSV phải kịp thời lưu ý Hội đồng xét xử để khắc phục ngay.
- Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo. Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phái đứng dậy. Sau khi tuyên án, người phiên dịch có trách nhiệm dịch lại cho bị cáo nghe trong trường hợp bị cáo, bị hại, đương sự, người làm chứng không biết tiếng Việt, là người câm, người điếc.
- Cần lưu ý cả phần lý lịch bị cáo, nhất là các bị cáo có nhiều tiền án thì phải ghi cụ thể các số bản án, ngày bắt đầu thi hành bản án đó, ngày thi hành xong bản án… Đối với phần quyết định hình phạt, cần chú ý việc khấu trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù cho hưởng án treo, các biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo là người chưa thành niên… Tất cả những tình tiết này có ý nghĩa dùng để đối chiếu giữa bản án Tòa án tuyên tại tòa với bản án ban hành sau này để thực hiện kiểm sát bản án.
Trả lời