Đổi mới việc tổ chức triển khai đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Tác giả: Nguyễn Kim Chi [1]
TÓM TẮT
Kỹ năng mềm là năng lực hay khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc phát sinh trong cuộc sống. Những kỹ năng này tuy không phải là kỹ năng chuyên môn/kỹ thuật trực tiếp để xử lý công việc nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để có thể thành công trong nghề nghiệp, nhất là các nghề nghiệp đòi hỏi sự giao tiếp, tương tác trực tiếp với con người như nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng đào tạo kỹ năng mềm cho học viên trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và đưa ra những định hướng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
1. Thực trạng tổ chức giảng dạy kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp hiện nay không đơn thuần là đào tạo chuyên môn nghiệp vụ pháp luật mà phải chú trọng đào tạo toàn diện cho người hành nghề, trong đó, đào tạo kỹ năng mềm gắn với môi trường hoạt động nghề nghiệp được xác định là một trong số mục tiêu quan trọng để đổi mới chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp hiện nay.
Xuất phát từ nhận thức này, trên cơ sở đánh giá, tổng kết kinh nghiệm đào tạo các chức danh tư pháp trong thời gian vừa qua. Học viện Tư pháp đã xác định một trong các định hướng đổi mới, phát triển chương trình đào tạo là tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm trong các chương trình đào tạo chức danh tư pháp nói chung và đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nói riêng.
Hiện nay, việc triển khai nội dung đào tạo về kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đang được thiết kế theo hướng kết hợp giữa bố trí riêng chuyên đề về kỹ năng mềm, như kỹ năng thuyết trình, tranh luận, lập luận, kỹ năng viết pháp lý với lồng ghép vào nội dung về kỹ năng nghề (kỹ năng cứng) trong các giờ học lý thuyết kỹ năng, thực hành tình huống, toạ đàm hoặc diễn án trên lớp.
Tiếp cận theo hướng các chuyên đề riêng về kỹ năng mềm thì chương trình hiện nay đang có hai nội dung về kỹ năng mềm được đề cập đó là kỹ năng kỹ năng thuyết trình, tranh luận, lập luận và kỹ năng viết pháp lý của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Xuất phát từ sự cần thiết và tầm quan trọng của các kỹ năng này trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hành chính hay quá trình cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng của luật sư thì kỹ năng thuyết trình, tranh luận, lập luận, kỹ năng viết pháp lý đã được giảng dạy thông qua các chuyên đề riêng thuộc phần kiến thức và kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp – Môn học luật và nghề luật sư. Bên cạnh đó, hai kỹ năng này còn được lồng ghép trong các bài học kỹ năng nghề nghiệp. Chẳng hạn, đối với kỹ năng thuyết trình không chỉ giới hạn trong một chuyên đề riêng mà đây còn là nội dung xuyên suốt trong các bài học kỹ năng nghiệp vụ của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đặc biệt là các bài kỹ năng tại phiên tòa.
Kỹ năng viết cũng được lồng ghép giảng dạy trong từng bài kỹ năng nghiệp vụ của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư như bài soạn thảo bản án, soạn thảo bản cáo trạng, soạn thảo luận cứ bào chữa, bảo vệ, soạn thảo thư tư vấn pháp lý của luật sư gửi khách hàng… Trong các bài giảng này, học viên không chỉ được trang bị các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp như các bước soạn thảo văn bản pháp lý như thế nào (xây dựng ý tưởng, tìm kiếm luật áp dụng, kỹ năng viết từng phần…) mà còn được trang bị các kỹ năng mềm khi soạn thảo các văn bản này (việc sử dụng động từ mạnh như thế nào, khi nào nên sử dụng tu từ, sử dụng câu ngắn…)
Một số kỹ năng mềm khác đã được lồng ghép trong nội dung đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, như kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm… Ví dụ trong bài kỹ năng của luật sư tại phiên tòa, giảng viên không chỉ hướng dẫn, chia sẻ cho học viên công việc cần làm tại phiên tòa mà còn giảng dạy cho học viên cách giao tiếp ứng xử với những người tham gia phiên tòa như thế nào.
Mỗi giờ học khác nhau, giảng viên có thể triển khai một hoặc nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Đối với những buổi lý thuyết kỹ năng, thì giảng viên sẽ lồng ghép giảng những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm cho học viên. Với những buổi học thực hành (tình huống, diễn án…), học viên có thể được thực hành một hoặc một số kỹ năng mềm nhất định lồng ghép vào thực hành kỹ năng cứng. Chẳng hạn, trong giờ học tình huống về kỹ năng của thẩm phán tại phiên tòa hình sự sơ thẩm đối với hồ sơ hình sự, giảng viên triển khai bài giảng theo phương pháp làm việc nhóm. Mỗi một nhóm sẽ phân công vai diễn và diễn kỹ năng của thẩm phán tại phần nào đó của phiên tòa hình sự, sau đó, giảng viên có thể yêu cầu các nhóm thay nhau nhận xét về vai diễn của các nhóm khác… Như vậy, thông qua một công việc giảng dạy và học tập cụ thể, người học viên có thể thực hành cùng lúc nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, báo cáo, kỹ năng tranh luận, kỹ năng diễn thuyết, thuyết phục đám đông… cùng với những kỹ năng nghề nghiệp.
Ngoài ra, giảng viên giảng dạy kỹ năng mềm đã sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy như: Powerpoint, Video clip, Internet… để truyền đạt kiến thức sinh động; sử dụng các tình huống thực tế phong phú cùng với cách diễn đạt dễ hiểu, vui nhộn, hấp dẫn nhằm cuốn hút người học tham gia; kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau và đặc biệt chú ý dạy học dựa trên vấn đề cũng như các phương pháp giảng dạy tích cực khác nhằm phát huy tính chủ động của học viên. Tuy nhiên, với phương pháp giảng dạy lồng ghép như trên có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những điểm hạn chế. Học viên không có cơ hội được thực hành kỹ năng mềm riêng biệt mà chỉ thực hành khi thực hành kỹ năng nghề nghiệp và trong thời lượng hạn chế của buổi học thì mà trọng tâm là rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp chứ không phải kỹ năng mềm, điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc rèn luyện kỹ năng mềm của học viên.
2. Đề xuất phương án xây dựng nội dung đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư
Về phương án thiết kế nội dung đào tạo, hiện tại còn có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó 03 phương án sau đây cần được nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện để từ đó lựa chọn phương án phù hợp nhất trong việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng mềm, đó là:
(i) Phương án xây dựng thành môn học độc lập trong chương trình, được tổ chức đào tạo theo hình thức tín chỉ bắt buộc và tự chọn.
Với vị trí là một môn học, nội dung đào tạo kỹ năng mềm sẽ có vị trí ngang bằng, tương xứng với khối kiến thức khác. Từ đó, tăng cơ hội tiếp cận kiến thức và nâng cao nhận thức cho người học về tầm quan trọng của việc tích lũy, rèn luyện kỹ năng mềm trong hoạt động nghề nghiệp. Các kỹ năng mềm cần thiết cho thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư như kỹ năng thuyết trình; kỹ năng viết; kỹ năng quản trị cảm xúc; kỹ năng giao tiếp ứng xử… sẽ được thiết kế thành những chuyên đề độc lập trong một môn học độc lập. Có những kỹ năng sẽ thuộc học phần bắt buộc là những kỹ năng mềm chung cần được đào tạo với cả ba chức danh. Còn những kỹ năng mềm đào tạo riêng phù hợp với từng chức danh sẽ nằm trong học phần tự chọn. Tuy vậy, có những yếu tố khách quan cần phải cần cân nhắc khi lựa chọn phương án xây dựng môn học kỹ năng mềm đó là: Mối tương quan về thời lượng chương trình đào tạo kỹ năng mềm cần phải được “chia sẻ” để phù hợp với khối lượng kiến thức kỹ năng cơ bản, kỹ năng chuyên sâu về nghề nghiệp (trong khi phần kiến thức này đang bị dồn nén, mặc dù đã chiếm thời lượng hơn 70% chương trình đào tạo); điều kiện giảng dạy về cơ sở vật chất (lớp học nên hạn chế về số lượng người học); đội ngũ giảng viên… Vì vậy, phương án này cần được tính toán kỹ lưỡng và nếu triển khai sẽ là phương án đồng bộ, thiết kế môn học về kỹ năng mềm trong tất cả các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp.
(ii) Phương án tích hợp trong các bài học của môn học Nghề luật và môi trường nghề nghiệp và Modul bài học kỹ năng nghề nghiệp của từng chức danh.
Đây là phương án đang được áp dụng thực hiện đối với đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. So với phương án đào tạo kỹ năng mềm theo hình thức môn học độc lập thì phương án này là phù hợp với các điều kiện thực tế thực hiện đào tạo kỹ năng mềm tại Học viện Tư pháp hiện nay. Do chỉ có một số ít bài học về kỹ năng được thiết kế độc lập trong môn học về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nên về nhận thức của người học, người dạy và người quản lý đào tạo còn cho rằng đào tạo kỹ năng mềm là phần kiến thức bổ trợ, không quan trọng nên chưa được đầu tư phù hợp về thời lượng, nội dung, học liệu học tập, kiểm tra đánh giá kết quả học dẫn tới hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa đảm bảo mục tiêu đầu ra của chương trình. Tuy vậy, để đảm bảo mục tiêu rèn luyện kỹ năng mềm cho người học theo phương án hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người dạy biết cách “lồng ghép” kỹ năng mềm trong toàn bộ các bài học về kỹ năng. Theo chúng tôi, những kỹ năng mềm cần phải được thiết kế thành các bài học riêng là kỹ năng giao tiếp ứng xử; kỹ năng nói và viết; kỹ năng quản trị cảm xúc; kỹ năng phối hợp quan hệ công tác. Các kỹ năng này cũng có thể giảng dạy tích hợp trong các buổi giảng về kỹ năng nghề nghiệp. Những kỹ năng mềm, như kỹ năng tranh luận, thuyết trình; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng làm việc nhóm sẽ lồng ghép vào bài giảng kỹ năng nghề nghiệp của từng chức danh.
(iii) Phương án song hành cả tích hợp, cả môn học độc lập theo hình thức tự chọn.
Đây là phương án được thiết lập trên cơ sở chắt lọc những điểm ưu của hai phương án trên. Phương án này xác định rõ nội dung kiến thức về kỹ năng mềm sẽ có một phần là bắt buộc (phương án tích hợp trong môn học về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và môn học kỹ năng nghề nghiệp) và môn học tự chọn. Xuất phát từ nguyên lý đào tạo nghề cho người lớn tại Học viện Tư pháp người học có nhu cầu học môn học với khối lượng kiến thức về kỹ năng mềm, họ có quyền đăng ký học môn học này hoặc môn học khác. Tuy nhiên, khối kiến thức về kỹ năng mềm luôn bắt buộc với tất cả các học viên tham dự khóa đào tạo nên phần kiến thức này đã được tích hợp trong modul bài học về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và modul bài học về kỹ năng nghề nghiệp của từng chức danh. Theo chúng tôi, kỹ năng mềm nằm trong phần bắt buộc được thiết kế thành bài học riêng là là kỹ năng giao tiếp ứng xử; kỹ năng nói và viết; kỹ năng quản trị cảm xúc; kỹ năng phối hợp quan hệ công tác. Các kỹ năng này cũng có thể giảng dạy tích hợp trong các buổi giảng về kỹ năng nghề nghiệp. Những kỹ năng mềm nằm trong phần bắt buộc như kỹ năng tranh luận, thuyết trình; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng làm việc nhóm sẽ lồng ghép vào bài giảng kỹ năng nghề nghiệp của từng chức danh. Còn các kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý hoạt động xét xử của thẩm phán; kỹ năng kiểm sát thực thi pháp luật tại phiên tòa của kiểm sát viên; kỹ năng quản trị tổ chức hành nghề nhằm phát triển khách hàng và thương hiệu nghề nghiệp của luật sư sẽ nằm trong học phần tự chọn khi học viên lựa chọn học phần kỹ năng chuyên sâu của thẩm phán, kỹ năng chuyên sâu của kiểm sát viên hay kỹ năng chuyên sâu của luật sư.
Hiện tại, trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, một số kỹ năng mềm đã được tích hợp trong modul bài học đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ của việc hành nghề. Tuy nhiên, nội dung và dung lượng những kỹ năng mềm lồng ghép trong những modul bài học đã nêu khá khiêm tốn do áp lực về dung lượng và thời gian thực hiện chương trình đạo tạo. Còn nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng kỹ năng quản trị cảm xúc; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng phối hợp trong quan hệ công tác… không có những chuyên đề giảng dạy riêng, mà lồng ghép vào trong các bài học đào tạo kỹ năng cứng, đôi khi nội dung đào tạo các kỹ năng này còn “mờ nhạt” bởi cấu bài giảng, mục tiêu của nhưng bài giảng kỹ năng nghiệp vụ hầu như chỉ chú trọng đến giảng về kỹ năng cứng, kỹ năng mềm chưa được chú trọng nhiều vì vậy rất cần phải thiết kế thành các modul bài học riêng. Phần kỹ năng mềm trong nội dung giảng dạy phần chuyên sâu, đặc thù chưa đáp ứng được yêu cầu trang bị kỹ năng hành nghề cho người học. Vì vậy, nhiều kỹ năng mềm đồng thời là kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu để trang bị cho người đang hành nghề chủ yếu thông qua kênh bồi dưỡng, tập huấn, cặp nhật kiến thức, pháp luật theo chuyên đề. Việc đào tạo các kỹ năng đó thực tế chưa có nhiều và mang tính hệ thống trong chương tình đào tạo của Học viện Tư pháp.
Về lộ trình xây dựng và triển khai đào tạo, theo chúng tôi, nên có hai phương án, trước mắt và lâu dài, trong đó trước mắt, phương án tổ chức đào tạo phần kỹ năng mềm theo phương thức của một số bài học chuyên đề bổ trợ nhưng có tính chất bắt buộc đối với học viên đang tham gia khóa đào tạo chung hiện nay là vô cùng cần thiết. Còn về lâu dài, cần thiết kế tổng thể theo phương án thứ ba, tích hợp vào một số modul bài học hiện tại và xây dựng môn học độc lập.
Để thực hiện được lộ trình đào tạo theo phương án thứ ba thì bên cạnh việc xây dựng hệ thống học liệu (Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật) thì việc phát triển nguồn nhân lực giảng viên đào tạo kỹ năng mềm, xây dựng bộ môn Kỹ năng mềm trong nghề luật rất cần thiết. Hiện nay, tại Học viện Tư pháp, việc giảng dạy một số bài học về kỹ năng mềm vẫn do các thầy cô giáo là giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng đang giảng dạy kiến thức chuyên môn tham gia giảng dạy. Việc phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy kỹ năng mềm trong nghề luật là cần thiết. Vì vậy, để có thể xây dựng bộ môn giảng dạy Kỹ năng mềm trong nghề luật thì cần phải xây đội ngũ giảng viên đào tạo kỹ năng mềm đủ cả số lượng và chất lượng. Học viên Tư pháp cần chọn lọc đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng có kiến thức chuyên môn cao, tâm huyết với đào tạo kỹ năng mềm để tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng mềm nhằm tạo điều kiện cho giảng viên tích lũy kiến thức một cách có hệ thống, bài bản phục vụ cho quá trình giảng dạy kỹ năng mềm tại Học viện./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Giảng viên, Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Học viện Tư pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Học viện Tư pháp, (2017), Tập bài giảng Kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Nxb Tư pháp.
- Đoàn Trung Kiên, (2018), Học viện Tư pháp, 20 năm xây dựng, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển, Tài liệu Hội thảo khoa học Học viện Tư pháp 20 năm xây dựng và phát triển.
- Bộ Tư pháp (2020), Quyết định số 1856/QĐ- BTP ngày 3/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Trả lời