• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

03/11/2021 03/11/2021 CTV. Nguyễn Thị Thanh Hân Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Hoạt động quảng cáo và đạo đức của luật sư trong hoạt động  quảng  cáo  trên  thế giới
  • 2. Đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tác giả: Phạm Quỳnh Lan [1]

TÓM TẮT

Trong quá trình hành nghề, luật sư có thể thực hiện hoạt động quảng cáo về dịch vụ pháp lý mà mình cung cấp để thu hút thêm khách hàng, xây dựng thương hiệu cho cá nhân, tổ chức thực hành nghề luật. Do đặc thù của nghề nghiệp, luật sư không những phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, mà còn phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Từ những phân tích về hoạt động quảng cáo và quy tắc đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo của một số quốc gia trên thế giới, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc áp dụng và thi hành Quy tắc đạo đức về quảng cáođược quy định tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành năm 2019.

Đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

1. Hoạt động quảng cáo và đạo đức của luật sư trong hoạt động  quảng  cáo  trên  thế giới

Nghề luật sư là ngành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý, và hiện nay cũng giống như mọi hoạt động cung ứng dịch vụ khác, luật sư được phép quảng cáo về các dịch vụ mà mình có thể cung cấp. Tuy nhiên trước đây việc quảng cáo của luật sư là không được phép, do những lo ngại rằng việc này sẽ làm giảm sự tôn trọng đối với nghề luật sư và ảnh hưởng tới hình ảnh người luật sư trong mắt công chúng, hơn nữa nhiều ý kiến cho rằng khi một luật sư quảng cáo nghĩa là anh ta phải chi trả nhiều hơn và do đó phải tăng giá dịch vụ pháp lý, đây là hành động gây tổn hại cho khách hàng và được liên hệ với hành vi thiếu chuyên nghiệp2.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Đạo đức công vụ và mối quan hệ giữa đạo đức công vụ và pháp luật công vụ - Một số khía cạnh lí luận
  • Hành nghề luật sư một số nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh)
  • Đổi mới việc tổ chức triển khai đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
  • Cơ sở đạo đức của pháp luật - Nhận thức và thực hành
  • Pháp luật và đạo đức xã hội
  • [SO SÁNH] Phân biệt Pháp luật với Đạo đức
  • Phân tích mối quan hệ giữa Pháp luật và Đạo đức
  • Nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư hiện nay - Một số vấn đề cần chú trọng từ góc độ thực tiễn
  • Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng marketing cho Luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư - Nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam
  • Sử dụng án lệ trong đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp

Xuất phát từ quan điểm như đã phân tích ở trên, các quốc gia có nghề luật sư và nền tư pháp phát triển từ lâu đời hầu hết đều có quy định về việc cấm/hạn chế quảng cáo của luật sư. Các luật sư Mỹ vào những năm 1900 cho tới thập kỷ 1970 được phép in danh thiếp và dùng thư có tiêu đề, nhưng những hình thức quảng cáo khác bị cấm một cách chặt chẽ. Các hiệp hội luật sư và hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng lo ngại rằng số đông dân chúng không có khả năng tự bảo vệ mình trước những quảng cáo dẫn đến sai lệch hoặc gây hiểu lầm của luật sư. Trong quá khứ, luật sư ở Anh là đối tượng chịu sự hạn chế rất nghiêm ngặt về quảng cáo. Các luật sư không thể quảng cáo trên báo và đài. Tiêu đề của văn bản cũng phải theo một mẫu xác định. Bất cứ quảng cáo nào cũng chịu sự điều chỉnh rất nghiêm ngặt và thậm chí các ký tự trên tên của các văn phòng luật sư cũng phải theo một kích cỡ do Hiệp hội luật sư thông qua3.

Năm 1977, vụ kiện của Tòa án tối cao Hoa Kỳ về vụ kiện Bates kiện Arizona, 433 US 3504, đã thay đổi truyền thống này và cho rằng quảng cáo liên quan đến dịch vụ luật sư là “phát ngôn thương mại được bảo vệ” theo Tu chính án thứ nhất và quảng cáo trung thực phải được phép. Tòa án cho rằng luật sư phục vụ xã hội và việc cho phép họ quảng cáo dịch vụ của mình sẽ cung cấp cho người tiêu dùng thông tin có giá trị về các phương tiện trợ giúp pháp lý sẵn có. Sau vụ án mang tính bước ngoặt này, các luật sư có thể quảng cáo để có được khách hàng. Các bang của Mỹ đã nhanh chóng ban hành quy định cho phép các luật sư được quảng cáo, tuy nhiên việc quảng cáo cần thể hiện phẩm giá và tính chuyên nghiệp vốn có của cộng đồng luật sư và tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề nghiệp, cách thức quảng cáo do luật sư quyết định. Tiếp theo làn sóng dỡ bỏ các lệnh cấm về quảng cáo của Hoa Kỳ, ở Anh vào năm 1986, Hiệp hội luật sư Anh và xứ Wales cho phép các luật sư có thể quảng cáo và thiết kế các nội dung liên quan đến hãng luật theo cách tự do hơn. Hiện nay, việc hạn chế chỉ áp dụng đối với luật sư ở Anh là quảng cáo không được sai sự thật hoặc vi phạm quy định pháp luật chung và không làm mất uy tín nghề nghiệp.

Ở Đức, trước năm 1990, việc tiếp thị công ty luật được coi là không phù hợp về mặt nghề nghiệp, việc sử dụng biểu tượng ở bất cứ đâu đều bị cấm, và thậm chí danh bạ điện thoại cũng bị giám sát. Công ty luật không được phép cung cấp bất kỳ loại thông tin chi tiết nào về lĩnh vực hành nghề hoặc chuyên môn của công ty ở bất kỳ đâu, ngay cả trong danh bạ điện thoại, các thông tin được cho phép chỉ bao gồm tên của công ty, địa chỉ thực và số điện thoại. Các công ty luật bắt đầu đặt câu hỏi về tính công bằng của việc cấm này trong nghề nghiệp của họ.Trong ấn bản thường niên 1990/1991 về danh bạ điện thoại (Yellow Pages) cho Nürnberg-Fürth, được xuất bản bởi Deutsche Bundespost Telekom, thông tin về Dr Kreuzer & Coll, Nürnberg, Đức, đã phá vỡ quy định này. Danh sách không chỉ bao gồm địa chỉ, số điện thoại, số fax và telex của công ty mà còn có tên của người sáng lập công ty, Dr Günther Kreuzer, đối tác của ông Felix Müller, và tên của hai luật sư cũng như tất cả các lĩnh vực chuyên môn trọng tâm của họ; Fachanwalt für Sozialrecht (Chuyên gia về Luật dân sự), Fachanwalt für Arbeitsrecht (Chuyên về Luật việc làm), Rechtsanwältin für Verkehrssachen (Luật sư về Luật giao thông) và Rechtsanwalt für Familiensachen (Luật sư về Luật gia đình). Ngay sau khi ấn bản đó được xuất bản, một thành viên của Hiệp hội luật sư đã đưa đơn phản đối, phàn nàn rằng Dr Kreuzer & Coll đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp và yêu cầu một phiên điều trần kỷ luật, tuyên bố vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Tòa án về kỷ luật, một Tòa phúc thẩm và cuối cùng, Tòa án Tư pháp Liên bang của Thượng viện Đức về các vấn đề pháp luật đã ra quyết định có lợi cho các bị đơn và phán quyết rằng không có vi phạm nào về nghề nghiệp xảy ra vì thông tin được đăng là đúng sự thật và không có lý do gì mà các công ty không thể cung cấp thông tin chi tiết như vậy trong danh bạ của họ5. Cơ quan lập pháp của Đức đã sửa đổi Đạo luật Luật sư Liên bang (Bundesrechtsanwaltsordnung, BRAO) và bao gồm một phần quy định về quảng cáo luật sư. Ngày nay, Đạo luật Luật sư liên bang quy định rằng “luật sư chỉ có thể quảng cáo dịch vụ của mình miễn là quảng cáo cung cấp thông tin hoàn toàn thực tế về các dịch vụ chuyên nghiệp và không hướng đến hoặc nhắm mục tiêu đến một người nhận hoặc nhóm người nhận cụ thể”. (BRAO, § 43b). Quy tắc hành nghề luật sư (Berufsordnung für Rechtsanwälte, BORA) bổ sung rằng một luật sư có thể “thông báo cho công chúng về con người và dịch vụ của mình, miễn là thông tin đó khách quan và liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của anh ta”. (BORA, § 6).

Việc dỡ bỏ các hạn chế về quảng cáo của luật sư tiếp tục được nhiều quốc gia áp dụng trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 20 cho đến những năm đầu thế kỷ 21. Cho dù những hạn chế đã được dỡ bỏ, các luật sư vẫn được nhắc nhở về tinh thần và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh cao quý và danh dự của nghề, Điều 3.08.03 Bộ luật về đạo đức nghề nghiệp Quebec, Canada quy định “Luật sư phải tránh tất cả những cách thức hay thái độ có thể khiến nghề luật sư mang dáng dấp thương mại hay vì lợi lộc”. Luật sư là một công dân trong xã hội và có những lợi ích kinh tế phải theo đuổi để duy trì cuộc sống, tuy nhiên quảng cáo của luật sư phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Đoàn luật sư, tuân thủ lợi ích công cộng và không được xâm phạm các nguyên tắc bảo toàn hình ảnh nghề nghiệp, tính độc lập và hiệu quả của nghề luật sư. Quảng cáo không được phép khiến cho khách hàng vốn thiếu thông tin, bị nhầm lẫn hoặc bị ảo tưởng về kết quả tư vấn của luật sư. Quảng cáo không được phép ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ pháp lý, không được gây bất nhã hay xúc phạm đến lợi ích công cộng và uy tín của nghề luật6.

Trong năm 2000, Hiệp hội Luật sư Nhật Bản (JFBA)cũng đã sửa đổi Quy tắc quảng cáo của mình. Trước đây, luật sư thường bị cấm quảng cáo, nhưng với sự sửa đổi này lệnh cấm này đã được thay đổi để cho phép luật sư được tự do quảng cáo, ngoại trừ một số trường hợp. JFBA và nhiều đoàn luật sư đã thiết lập trang chủ của họ trên Internet, liệt kê hồ sơ của luật sư thành viên. Bộ luật quảng cáo sửa đổi năm 2000 nghiêm cấm hành vi sau:Các quảng cáo so sánh với các luật sư cụ thể; Các quảng cáo có thể làm hỏng phẩm giá hoặc uy tín của luật sư; Quảng cáo thông qua thăm hỏi hoặc điện thoại cho người mà luật sư không quen biết.

Quảng cáo và tiếp thị luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về thương hiệu của một công ty và giúp họ có được khách hàng mới để đạt được các mục tiêu tài chính của công ty. Các công ty luật cũng không ngoại lệ, và như đã khẳng định ở trên, nghề luật sư là một ngành nghề cung cấp dịch vụ, để thu hút được nhiều khách hàng hơn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư được phép quảng cáo và khi quảng cáo phải tuân theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về các cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ. Trên thực tế, việc phổ biến thông tin thông qua quảng cáo sẽ làm giảm chi phí của một số dịch vụ pháp lý và do đó sẽ giúp đáp ứng một số nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý cho người có thu nhập trung bình và thấp. Với sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0, luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư ngày nay có thể quảng cáo dưới nhiều hình thức như bản in ấn (tờ rơi/báo in), truyền hình, radio, và quảng cáo qua internet trên các nền tảng trực tuyến.Tuy nhiên, Hiệp hội luật sư mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về quảng cáo và hình thức quảng cáo, ví dụ Hiệp hội Luật sư Singapore quy định luật sư không được quảng cáo bằng hình thức phát tờ rơi ở nơi công cộng do địa điểm này phù hợp với các hoạt động bán lẻ, không chuyên nghiệp và “không phù hợp với phẩm giá của nghề luật”. Các luật sư, tổ chức hành nghề luật có thể để tờ rơi tại trụ sở/văn phòng công ty mình cho các khách hàng tiềm năng hoặc cho bên thứ ba khi họ ghé qua hoặc đăng tờ rơi đó lên trang web của công ty7.

2. Đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong hoạt động quảng cáo ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới

Ngày 05/8/2002 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 356b/2002/QĐ-BT ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư, đây được coi là văn bản đầu tiên quy định về đạo đức hành nghề cho luật sư. Tuy nhiên trong văn bản này không có quy định về quảng cáo của luật sư, lần đầu tiên các quy định này được đề cập tại Bộ Quy tắc về đạo đức ứng xử nghề luật sư do Liên đoàn Luật sư ban hành năm 2011, cho đến nay Bộ Quy tắc này đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn.

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật quảng cáo năm 2012 quy định “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”. Luật sư khi quảng cáo về dịch vụ của mình, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, được quy đinh chi tiết tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành năm 2019:

“Quy tắc 32. Quảng cáo

32.1. Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề luật sư, luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm. Luật sư phải chịu trách nhiệm khi cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ luật sư.

32.2. Luật sư không được thực hiện việc quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư, nghề luật sư”.

Nếu như các quốc gia trong giới thiệu ở phần 1 bài viết này có các hướng dẫn tương đối chi tiết, cụ thể về hoạt động quảng cáo và quy tắc đạo đức trong hoạt động quảng cáo của luật sư thì cho đến nay, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư, cơ quan có vai trò giải thích, hướng dẫn thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức vẫn chưa ban hành một văn bản nào cụ thể hơn để thể hiện vai trò trên. Theo quy định của pháp luật quảng cáo, ngoài các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo năm 2012, những nội dung quảng cáo bao gồm các cụm từ như “số một”, “rất tốt”, “cực kỳ tốt”, “tốt nhất” trong quảng cáo sẽ là vi phạm nếu không có các giấy tờ chứng minh. Đồng thời, luật sư cần lưu ý quy định của pháp luật cạnh tranh về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm như: a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung”8. Trong tài liệu hướng dẫn học tập Bộ Quy tắc do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành cho Bộ quy tắc 2011 ghi nhận, luật sư khi quảng cáo không được (a) Sử dụng các phương tiện hay công cụ có tính chất đe dọa, cưỡng bức; (b) Không được lợi dụng tình huống mà luật sư biết được rằng một số hạn chế về tình trạng thể chất hoặc tinh thần của khách hàng không cho phép khách hàng có được các nhận định hợp lý về dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Đồng thời khi quảng cáo, Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cần nêu rõ tên và có thể sử dụng các danh hiệu, giải thưởng trong quảng cáo dịch vụ pháp lý, tuy nhiên cần nêu rõ tên tổ chức cấp giải thưởng hoặc các danh hiệu đó.

Trong Quy tắc 32.1 có nêu rằng “luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm”, tuy nhiên như thế nào là thông tin gây hiểu nhầm thì chưa có một hướng dẫn cụ thể. Tham khảo từ hướng dẫn của Hiệp hội Luật sư Singapore về một quảng cáo có thể bị coi là gây hiểu nhầm nếu:

(a) Chứa một thông tin sai lệch (ví dụ, tuyên bố rằng luật sư hay tổ chức hành nghề này là luật gia hàng đầu khi không có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về Luật hôn nhân &gia đình);

(b) Chứa bất kỳ thông tin nào không thể xác minh được (ví dụ: chỉ cung cấp số điện thoại liên lạc mà không nêu tên của luật sư/tổ chức hành nghề luật sư);

(c) có thể tạo ra một kỳ vọng không chính đáng về kết quả có thể đạt được bởi luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư của anh ta (ví dụ, nói rằng người hành nghề luật sư có thể thu hồi được khoản nợ cho khách hàng).

Một vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay, khi việc quảng cáo không chỉ được thực hiện trên phương tiện quảng cáo truyền thống, mà nhiều luật sư còn sử dụng mạng xã hội như một phương tiện quảng bá hình ảnh. Quy định của Quy tắc 32 không đề cập đến các hình thức quảng cáo mà luật sư được sử dụng/không được sử dụng, do đó chúng ta có thể hiểu rằng luật sư được sử dụng tất cả các loại phương tiện quảng cáo có thể, miễn là không vi phạm các quy định pháp luật. Các trang mạng xã hội cho phép bất kỳ ai – hay chính xác hơn là tất cả mọi người – giao tiếp và chia sẻ ý tưởng và quan điểm với nhiều đối tượng khác nhau. Các trang web như Facebook, Twitter, YouTube và LinkedIn cung cấp phương tiện đặc biệt để kết nối các mạng lưới làm việc chuyên nghiệp và tự quảng cáo, cũng như để tìm kiếm các mối liên hệ cá nhân và phục vụ cho nghề nghiệp. Từ đó, nguy cơ luật sư vi phạm các quy tắc đạo đức chi phối việc quảng cáo luật sư bằng cách sử dụng mạng xã hội để tự quảng cáo. Để hỗ trợ luật sư hiểu được những thách thức đạo đức của mạng xã hội, Bộ phận tranh tụng liên bang và thương mại của Hiệp hội luật sư bang New York (NYSBA) đã ban hành Hướng dẫn đạo đức khi sử dụng mạng xã hội cho luật sư New York. NYSBA thừa nhận rằng đây chỉ là “hướng dẫn”và nhắc nhở các luật sư rằng thế giới mạng xã hội là một lĩnh vực non trẻ đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh để bắt kịp với sự phát triển như vậy. Trong khi mạng xã hội tiếp tục phát triển, để tránh vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp, các luật sư ở New York sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp của họ nên xem xét các Nguyên tắc sau:

(i) Quy tắc quảng cáo áp dụng cho các bài đăng trên mạng xã hội. Theo hướng dẫn, các quy tắc quảng cáo áp dụng cho các tài khoản mạng xã hội được sử dụng chủ yếu cho các mục đích pháp lý hoặc tiếp thị. Các bình luận trong bài hướng dẫn này cũng chỉ rõ rằng một luật sư “thận trọng” nên coi một tài khoản được sử dụng cho cả mục đích cá nhân và nghề nghiệp – cũng phải tuân theo các quy tắc này. Do đó, các luật sư sử dụng mạng xã hội để quảng bá các dịch vụ pháp lý của họ nên sử dụng những tuyên bố từ chối trách nhiệm mà họ sử dụng để phổ biến thông tin trên báo in. Phần bình luận cho Nguyên tắc số 1.A nêu rằng ngay cả một bài đăng được sử dụng để quảng bá dịch vụ của luật sư – có thể dài không quá 140 ký tự – phải chứa thông tin cần thiết trong quảng cáo luật sư, và có thể bao gồm: “Bài đăng này chứa quảng cáo luật sư. Các kết quả đạt đã được trước đây không đảm bảo cho một hệ quả tương tự”.

(ii) Về mặt đạo đức, một luật sư không được phép tự mô tả mình là một “chuyên gia” hoặc tuyên bố rằng mình “chuyên sâu” trong một lĩnh vực luật cụ thể trừ khi được chứng nhận bởi một cơ quan kiểm định được Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ chấp thuận. Về những danh mục được “Liệt kê trên mạng xã hội”, Ủy ban Đạo đức nghề nghiệp NYSBA đã kết luận rằng các công ty luật có thể xác định các lĩnh vực hành nghề luật của họ trên các trang mạng xã hội nhưng không được liệt kê các dịch vụ của họ dưới tiêu đề “chuyên sâu”. Như vậy, các luật sư cá nhân không thể tự nhận trên các trang web truyền thông xã hội dưới tiêu đề sử dụng thuật ngữ “chuyên gia” hoặc “chuyên sâu”. Tuy nhiên hướng dẫn này không đề cập đến việc liệu luật sư có thể liệt kê các lĩnh vực hành nghề trong tiêu đề “Sản phẩm & Dịch vụ” hoặc “Kỹ năng và chuyên môn” hay không. Tuy nhiên, các ý kiến đạo đức được ban hành ở các tiểu bang khác đã cấm các luật sư liệt kê các lĩnh vực hành nghề dưới các tiêu đề như “chuyên gia”. Hơn nữa, hướng dẫn cũng quy định rằng luật sư phải theo dõi thông tin mạng xã hội của mình để đảm bảo rằng các nhận xét và đề xuất của người khác tuân thủ các quy tắc đạo đức. Ví dụ: nếu một khách hàng đăng đề xuất trên trang mạng xã hội của luật sư và gọi luật sư đó là luật sư bất động sản “tốt nhất” trong tiểu bang, luật sư nên đánh giá xem mô tả đó có vi phạm các quy tắc ứng xử trong khu vực hay không. Theo Nguyên tắc của NYSBA, nếu luật sư xác định rằng bài đăng đó vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp thì phải xóa nội dung vi phạm nếu nội dung đó nằm trong tầm kiểm soát của luật sư. Nếu việc này không nằm trong tầm kiểm soát của luật sư, hãy yêu cầu người đã đăng nó loại bỏ nội dung. Do đó, các luật sư không nên tạo tài khoản trên các trang mạng chuyên nghiệp như LinkedIn, trừ khi họ có ý định sử dụng, theo dõi và giám sát chặt chẽ tài khoản này.

Nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay vẫn là một nghề non trẻ và đang trong quá trình phát triển để bắt kịp với trình độ của luật sư trong khu vực và quốc tế. Để thực hiện được việc này, trước hết cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ về nghề và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ứng xử cho luật sư, đây là một nghề của những người am hiểu về luật pháp, do đó khách hàng của họ bị đặt vào thế yếu trong quan hệ giữa luật sư – khách hàng. Việc làm rõ các quy định của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp không những giúp các luật sư hiểu rõ về những việc mình nên làm/không nên làm mà còn giúp khách hàng có thể theo dõi, giám sát được quá trình hành nghề và từ đó xây dựng hình ảnh đẹp của nghề trong lòng công chúng. Mong rằng trong tương lại gần, Liên đoàn luật sư có thể xây dựng được sổ tay hướng dẫn chi tiết để giúp cho các luật sư hành xử đúng đắn khi quảng cáo, làm cơ sở để xử lý các vi phạm, bảo vệ phẩm giá của nghề./.

CHÚ THÍCH

  1. Thạc sỹ, Giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp.
  2. Geoffrey C. Hazard Jr., Russell G. Pearce, and Jeffrey W. Stempel, Why Lawyers Should be Allowed to Advertise: A Market Analysis of Legal Services, 58 N.Y.U. L. Rev 1084 (1983) Available at: http://ir.lawnet. fordham.edu/faculty_scholarship/465.
  3. EdwardNally, Thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp luật sư – Những vấn đề phát sinh và bài học kinh nghiệm, Kỷ yếu Hội thảo Chương trình Hợp tác pháp luật Việt Nam – Châu Âu về Đạo đức nghề luật sư, Nxb Tư pháp 2007, tr. 44.
  4. https://en.wikipedia.org/wiki/Bates_v._State_Bar_of_Arizona.
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/Legal_advertising.
  6. Tham khảo Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư Canada; Sách Đạo đức nghề luật tr. 346-347, Nxb Tư pháp 2011.
  7. Hiệp hội Luật sư Singapore, Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp, Hướng dẫn số 6.2.2 https://www.lawsociety.org.sg/wp-content/uploads/2020/03/74.-Distribution-of-Flyers-or-Leaflets-PD-6.2.2.pdf
  8. Điều 45 Luật cạnh tranh năm 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Singapore.
  2. Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Nhật Bản.
  3. Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Canada.
  4. Bộ Tiêu chuẩn Luật sư tư vấn Anh và xứ Wales (SRA 2019).
  5. Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Bang New York (Hoa Kỳ).
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội khi luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Thực tiễn và kiến nghị
Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội khi luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – Thực tiễn và kiến nghị
Kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư
Kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực hành nghề luật sư
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư hiện nay - Một số vấn đề cần chú trọng từ góc độ thực tiễn
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư hiện nay – Một số vấn đề cần chú trọng từ góc độ thực tiễn
Kỹ năng của Luật sư tham gia giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
Kỹ năng của Luật sư tham gia giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
Hành nghề luật sư một số nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh)
Hành nghề luật sư một số nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh)
Chức năng xã hội và nguyên tắc hành nghề luật sư ở Việt Nam
Chức năng xã hội và nguyên tắc hành nghề luật sư ở Việt Nam

Chuyên mục: Luật sư Từ khóa: Đạo đức/ Luật sư/ Nghề luật sư/ Quảng cáo

Previous Post: « Áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên theo Công ước viên năm 1980
Next Post: Đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và một số kiến nghị đề xuất »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng