Mục lục
Bài viết: Cơ sở đạo đức của pháp luật – nhận thức và thực hành
- Tác giả: Hoàng Thị Kim Quế
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 09(112)/2017 – 2017, Trang 3-8
TÓM TẮT
Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Ngày càng nhiều giá trị của đạo đức như: tự do, bình đẳng, công bằng, danh dự, nhân phẩm, nhân đạo và nhiều giá trị khác được ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Bài viết phân tích về cơ sở đạo đức của pháp luật.
ABSTRACT:
The relationship between the law and the ethical position is of particular importance in the development of modern society. More values of ethics such as freedom, equality, justice, honor, dignity, humanity and many other values are recognized in legal documents. The article analyzes the ethical basis of the law.
TỪ KHÓA: pháp luật, bình đẳng, đạo đức,
KEYWORDS: equality, ethical, law,
1. Cách tiếp cận và bối cảnh của vấn đề đạo đức và pháp luật
Pháp luật và đạo đức là những vấn đề không mới kể từ khi xuất hiện cũng như trong suốt hành trình lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại. Tuy nhiên, chưa bao giờ vấn đề pháp luật và đạo đức lại được đặt ra một cách bức xúc như hiện nay. Trong bối cảnh mới của xã hội hiện đại, pháp luật, đạo đức ngày càng có nhiều thay đổi mạnh mẽ, phức tạp trên mọi phương diện. Chính vì vậy, tính chất của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức cũng có nhiều vấn đề đang đặt ra cần có sự nhận thức mới, bổ sung, đánh giá và thực hành cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.
BÀI VIẾT CÙNG SỐ TẠP CHÍ
- [BÀI ĐANG XEM] Cơ sở đạo đức của pháp luật – Nhận thức và thực hành
- Bàn về hiệu lực thời gian của Án lệ
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực Đất đai
- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực thể thao – Nhìn từ góc độ môn bóng đá
- Những vấn đề pháp lý về kiểm soát nhập khẩu loài ngoại lai ở Việt Nam
- Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường bằng hòa giải tại một số quốc gia – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án theo pháp luật Việt Nam và các nước
- Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường ở Việt Nam
- Thực thi nguyên tắc tiếp cận thị trường trong thương mại dịch vụ ở Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO
Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại, ngày càng nhiều giá trị của đạo đức như: tự do, bình đẳng, công bằng, danh dự, nhân phẩm, nhân đạo và nhiều giá trị khác được ghi nhận trong các văn bản pháp luật.
Đi tìm một triết lý phát triển đúng đắn trong quá trình giải quyết các mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật chính là lời giải tối ưu để xây dựng nhà nước pháp quyền, hiện thực hóa các quyền con người. Cái chân lý tạo ra động lực phát triển đồng thời là triết lý phát triển không phải ở một bên đạo đức hay pháp luật mà chính là ở mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và pháp luật.[1]
Bên cạnh cách tiếp cận mới, nghiên cứu mới về pháp luật và đạo đức trong những năm gần đây, ở nước ta, trên cả phương diện lý luận, thực tiễn pháp luật, nhà nước và cuộc sống vẫn còn những khoảng trống, những hạn chế trong cách quan niệm, tư duy về pháp luật, về đạo đức và về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật. Tuy đã và đang được đẩy lùi, song đâu đó vẫn còn ảnh hưởng của quan niệm coi pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước, nhấn mạnh đến sự trừng phạt là chính, coi pháp luật là công cụ vạn năng “phải luật hóa” tất cả mọi vấn đề nảy sinh… Còn về đạo đức, hoặc là còn coi đạo đức chỉ là vấn đề lý tưởng, chỉ có thể cố gắng để đạt được mà thôi, đạo đức chỉ thuần túy là tình yêu thương, giúp đỡ, vị tha, đoàn kết của con người… Sự đánh giá đạo đức con người còn chung chung, trừu tượng, chủ yếu là định tính, cảm tính, thiếu đi những công cụ đo lường, kiểm soát. Một khi không “đo lường”, “kiểm soát” được thì đừng nói đến tính hiện thực, thực chất của vấn đề đạo đức và pháp luật, bởi “cái gì đo lường được thì mới thực hiện được” (What is measured gets done).
Lĩnh vực nào cũng vậy, đạo đức, pháp luật không là ngoại lệ, đã là công cụ điều chỉnh hành vi, quan hệ xã hội thì cần phải được đo lường, đánh giá theo các tiêu chí nhất định, từ đạo đức công vụ, công chức, đạo đức nghề luật, đến đạo đức thầy thuốc, đạo đức trong công nghệ, thông tin, ngân hàng, kiểm toán…
Các công việc về giáo dục đạo đức vẫn được thực hiện song còn ít được gắn với pháp luật, với quyền, nghĩa vụ của con người… Hiện nay, vẫn còn quan niệm cho rằng, đã là thượng tôn pháp luật thì pháp luật là trên hết, đạo đức rơi xuống hàng thứ yếu, đạo đức chỉ là yếu tố bổ sung cho pháp luật, và rằng quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng, có chế tài xử lý vi phạm mà còn chưa được thực thi huống hồ gì đạo đức – trừu tượng, vô hình, lý tưởng… Đối với những yếu kém về đạo đức, về đời sống đạo đức, nhiều quan điểm chủ yếu vẫn đổ lỗi cho công tác giáo dục đạo đức chưa tốt… Trong khi đó, cần phải thấy rằng: một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của pháp luật nằm chính ngay trong đạo đức. Ngược lại, sự thiếu vắng các quy định pháp luật lẫn việc thực thi pháp luật không hiệu quả cùng những kẽ hở, bất cập của pháp luật là một trong những nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội, suy thoái về đạo đức.
Trong nhận thức, tư duy, bàn thảo về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức thì cũng chủ yếu khai thác những vấn đề như so sánh điểm chung, sự khác biệt, sự tác động biện chứng giữa chúng… Từ đó, tạo nên một quan niệm: kết hợp pháp luật và đạo đức theo kiểu lắp ghép cơ học pháp luật và đạo đức, đôi khi có phần áp đặt mang tính hình thức, phong trào. Do đó, trong thực tế, cách quan niệm, cách tổ chức giáo dục đạo đức chủ yếu vẫn làm theo lối cũ, đề cập đến những lý tưởng phấn đấu, còn rất ít gắn kết với yêu cầu tôn trọng, tuân thủ pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc, trong từng hành vi, quyết định của cá nhân, tổ chức.
Ở chiều ngược lại – giáo dục pháp luật, tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, song theo nhận xét chung vẫn còn nhiều hạn chế. Cả hai công tác – hai “mặt trận” này: giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật vẫn được thực hiện song thiếu sự gắn kết, tích hợp, lồng ghép các yếu tố pháp luật và đạo đức. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng và hiệu quả thấp của giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay. Chẳng hạn, vẫn chưa tích hợp yếu tố đạo đức, giá trị, yêu cầu về phương diện đạo đức trong phổ biến, giáo dục, kiểm soát việc thực hiện pháp luật giao thông hay pháp luật vệ sinh, an toàn thực phẩm… Ngược lại, các bài giảng, công tác thuyết phục, giáo dục về đạo đức vẫn chưa gắn kết với việc tôn trọng, tuân thủ pháp luật, với quyền, lợi ích, trách nhiệm, với việc sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của con người…
2. Đạo đức là cơ sở của pháp luật – cơ sở đạo đức của pháp luật
Bản chất đích thực của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức suy cho cùng chính là vấn đề mang tính nguyên tắc: đạo đức là cơ sở của pháp luật. Nói cách khác, cần nhận thức và thực hành trong cuộc sống về cơ sở đạo đức của pháp luật. Vậy, tại sao đạo đức lại có được vai trò, vị thế là cơ sở của pháp luật, là cơ sở của nhà nước pháp quyền, pháp luật phải phù hợp với đạo đức?
Đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn, cho dù ở thời đại nào, pháp luật và đạo đức cũng là một thể thống nhất biện chứng, nội dung, hình thức của pháp luật và đạo đức ít nhiều thay đổi nhưng căn nguyên thì vẫn như thế. Cái căn nguyên đó chính là sự công bằng, là tính nhân bản của đạo đức và pháp luật.[2] Đạo đức là yếu tố không thể thiếu được trong đời sống của con người. Nói đến con người, đến giá trị con người, đến quyền con người thực chất là nói đến vấn đề đạo đức vì đạo đức là một lĩnh vực thực sự người.[3]
Cơ sở đạo đức của pháp luật được thể hiện chủ yếu ở những điểm như sau:
Thứ nhất, pháp luật về nguyên tắc phải phù hợp với đạo đức. Thứ hai, trong trường hợp thiếu quy định pháp luật cụ thể thì cần vận dụng đạo đức để giải quyết. Thứ ba, trong trường hợp có mâu thuẫn giữa pháp luật với đạo đức thì về nguyên tắc phải lấy đạo đức để áp dụng. Tất nhiên, ngoài đạo đức ra, còn phải vận dụng các loại quy tắc, nguyên tắc, quan điểm khác trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý.
Đạo đức là cơ sở của pháp luật, có nghĩa là một mặt đạo đức có chức năng làm căn cứ cho sự đánh giá của pháp luật, trong các quy định pháp luật có sự thể hiện các quan niệm về đánh giá của đạo đức, có tính đạo đức chẳng hạn như hành vi không xứng đáng, danh dự… Ngoài ra, sự vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội trong nhiều trường hợp là căn cứ xác định các hậu quả pháp lý. Công thức chung của sự tác động giữa pháp luật và đạo đức là: đạo đức không được yêu cầu vi phạm pháp luật, pháp luật cũng không được có những quy định trái đạo đức về nguyên tắc. Cái chân lý tạo ra động lực phát triển đồng thời là triết lý phát triển không phải ở một bên đạo đức hay pháp luật mà chính là ở mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và pháp luật.[4] Các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức luôn là tiêu chí tác động đến nội dung của các quy phạm pháp luật, được tính đến khi xem xét các vấn đề pháp lý và ngược lại: trong mỗi một vấn đề của đạo đức đều phải xem xét cả về phương diện pháp lý.
Pháp luật cần phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với cơ sở đạo đức. Các yếu tố đạo đức phải được thể hiện trong xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật, thi hành pháp luật, giải thích, dịch vụ pháp luật, trong mọi hoạt động của nhà nước và xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta là phải thường xuyên quan tâm đến việc củng cố cơ sở đạo đức của pháp luật, gia tăng uy tín, giá trị đạo đức của pháp luật trong đời sống xã hội. Đây chính là một trong những điều kiện cơ bản đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật trong đời sống xã hội hiện đại.
Đạo đức là phạm trù rộng lớn, được thể hiện ở hai mức độ, hai phương diện, hai ngưỡng chủ yếu: đạo đức tối thiểu và đạo đức lý tưởng. Điều quan trọng trước tiên, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi quan hệ, hoạt động xã hội của con người đó là thực hành cho được đạo đức ở mức độ tối thiểu. Còn đạo đức lý tưởng thì cố gắng phấn đấu đạt được càng nhiều càng tốt. Pháp luật, với nghĩa đó thường được quan niệm là “pháp luật là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức là pháp luật tối đa”. Quan niệm pháp luật là đạo đức tối thiểu vẫn đúng, cần thiết, song trong nhà nước pháp quyền, dân chủ, cần có sự bổ sung nhất định, bởi xu hướng là ngày càng gia tăng giá trị đạo đức của pháp luật, một nền pháp luật vì con người, các yếu tố đạo đức nhân văn được thể hiện nhiều hơn, sâu sắc hơn trong pháp luật.
Đạo đức tối thiểu, đạo đức ở mức độ, ở ngưỡng tối thiểu chính là sự tôn trọng, yêu thương con người, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp hiến, hợp pháp của con người, là sự tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Đạo đức “tối thiểu” này được ghi nhận trong hiến pháp, pháp luật thành các nguyên tắc, quy định cụ thể. Đó cũng chính là công cụ, tiêu chí đo lường, đánh giá ý thức và hành vi đạo đức, hành vi pháp luật của con người, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhận thức cơ bản này cần được thể hiện, thực hành ngay trong cách thức đánh giá, kiểm soát hành vi, hoạt động của con người nói chung, của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, trong cách thức giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật hiện nay.
Ngày nay, khi nói con người có đạo đức, thì trước hết là con người biết tôn trọng, tuân thủ pháp luật tức là có đạo đức ở mức độ tối thiểu. Đồng thời ở mức độ nhất định, cũng có cả ở trên mức đạo đức tối thiểu, bởi vì các yêu cầu của pháp luật cũng ngày càng nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi ở con người sự tôn trọng, tuân thủ, sự kiềm chế trước những lợi ích riêng tư bất chính… Đó cũng là thước đo, công cụ đo lường đạo đức của con người trong xã hội hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực đạo đức nghề nghiệp. Sự tận tâm, mẫn cán trong công việc là thuộc phạm trù đạo đức, lương tâm, nhưng cũng cần được đo lường, đánh giá công bằng, khách quan, thiết thực theo những tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định, chứ không còn chỉ dừng lại ở sự cảm nhận, đánh giá định tính một chiều. Sự đánh giá này phải được thực hiện, đo lường từ hai phía: bên được phục vụ và bên có thẩm quyền cung cấp dịch vụ nhà nước và xã hội.
Một người tốt, có phẩm chất đạo đức tốt thì do nhiều lý do, vẫn có thể để xảy ra hoặc bị rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Một người luôn tuân thủ pháp luật, nhưng cũng có thể có những hạn chế nhất định về phương diện đạo đức xét trên quan niệm đạo đức rộng lớn hơn, giao thoa cả ở ngưỡng đạo đức tối thiểu và ngưỡng đạo đức lý tưởng. Giữa đạo đức và pháp luật có sự thống nhất bao hàm sự khác biệt, không đồng nhất, không thay thế nhau và loại trừ nhau mà luôn tồn tại trong một thể thống nhất.
Đạo đức nói một cách ngắn gọn, đời thường nhất chính là sự tôn trọng, yêu thương, bảo vệ con người, các quyền, lợi ích của con người trong cuộc sống. Đối với cán bộ, công chức nói riêng, đạo đức chính là sự công tâm, sự tôn trọng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, giải quyết công việc. Phẩm chất đạo đức nhân văn của cán bộ, công chức được đánh giá theo tiêu chí tôn trọng, tuân thủ pháp luật, trình độ của văn hóa pháp luật trong hoạt động công vụ… chứ không chỉ ở những điều lý tưởng, cao siêu, khó lòng thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc.
Đạo đức và pháp luật hỗ trợ, bổ sung cho nhau để hạn chế cái ác, hướng tới cái thiện. Nếu thiếu luật nhưng con người có đạo đức thì họ sẽ không hoặc biết kiềm chế tối đa sự vi phạm. Có luật pháp điều chỉnh, nhưng nếu không có đạo đức, không có lương tâm thì sẽ bất chấp pháp luật, sẽ xuyên tạc luật, lợi dụng luật. Liên hệ vào lĩnh vực an toàn giao thông, có thể nhận định rằng: để giảm thiểu hành vi đua xe máy trái phép gây tai nạn, điều quan trọng nhất không phải là tăng nặng hình phạt mà là giáo dục đạo đức, thức tỉnh lương tâm của những người vi phạm trước tính mạng, sức khỏe của người khác cùng với những biển cảnh báo treo ở nhiều địa điểm trên đường.
Phấn đấu không vi phạm pháp luật là điều cần thiết nhưng chưa đủ mà còn phải giáo dục đạo đức và kiểm soát về phương diện đạo đức ở mọi nơi mọi lúc. Có như vậy mới giúp con người ta kiềm chế cái ác, mới khuyến thiện.[5] Pháp luật chỉ quy định một số ngưỡng mà rơi vào là phạm pháp còn lại không quy định. Như vậy, con người có thể không rơi vào miền tội phạm, miền vi phạm pháp luật nhưng cũng có thể về phương diện đạo đức chưa phù hợp, chưa có tình thương người, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Luật pháp chỉ quy định xử lý người ra bản án oan sai so với quy định của pháp luật, nhưng lại không thể đo được sự gây khó khăn bên trong của vị quan tòa nọ.
Pháp luật một mặt phải được xây dựng, thực hiện trên cơ sở đạo đức và công bằng, mặt khác là hình thức đưa công bằng vào pháp luật. Trong lịch sử và mãi mãi, pháp luật chưa bao giờ lấn át được đạo đức. Về nguyên tắc, không phải pháp luật phán xét đạo đức mà ngược lại, đạo đức mới có quyền phán xét pháp luật.
Giá trị đạo đức của pháp luật, nghĩa vụ, bổn phận đạo đức của pháp luật được thể hiện ở sự ghi nhận và đưa vào cuộc sống các yêu cầu của công lý. Đồng thời nó là sự đảm bảo các quyền, tự do, là công cụ xác định ưu thế và giá trị của cá nhân. Giá trị đạo đức của pháp luật thể hiện ở chỗ các quy phạm pháp luật phải có vai trò là phương tiện xác lập và cơ chế bảo đảm tính hiện thực của các quyền, tự do của cá nhân, đảm bảo khả năng sử dụng chúng, loại trừ những hành vi độc đoán, vi phạm các quyền và tự do của cá nhân.
Sự tác động ảnh hưởng của đạo đức đối với pháp luật sẽ làm tăng uy tín của pháp luật, tăng khả năng điều chỉnh, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật, đặc biệt trong những trường hợp mà các quy phạm đạo đức hay nguyên tắc đạo đức đã được ghi nhận trong pháp luật. Chẳng hạn như một nguyên tắc nền tảng của pháp luật là Pacta sunt servanda – sự tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ đã được đưa vào hệ thống pháp luật, xuất phát từ đạo đức cổ xưa để nói lên sự trung thành với lời nói. Các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức luôn là tiêu chí tác động đến nội dung của các quy phạm pháp luật, được tính đến khi xem xét các vấn đề pháp lý và ngược lại: trong mỗi một vấn đề của đạo đức đều phải xem xét cả về phương diện pháp lý.
3. Tiếp cận quyền con người về pháp luật và đạo đức
Ngày nay, cần tiếp cận pháp luật, đạo đức từ lăng kính, từ phương diện quyền con người, lợi ích và sự phát triển của con người, từ yêu cầu, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của con người, lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách, pháp luật, hoạt động xã hội. Cơ sở đạo đức của pháp luật, của nhà nước pháp quyền có trọng tâm là tôn trọng, bảo vệ danh dự, phẩm giá, quyền, lợi ích của con người. Nhà nước pháp quyền có nhiều đặc trưng cơ bản trong đó có vấn đề then chốt là cơ sở đạo đức của nhà nước pháp quyền như là thước đo, là tiêu chí để xây dựng, vận hành, đánh giá và kiểm soát trong thực tiễn.[6]
Nhiệm vụ, sứ mệnh và cũng là giá trị, vai trò của pháp luật hiện nay là ghi nhận, có cơ chế hữu hiệu bảo đảm các yêu cầu, chuẩn mực tối thiểu của đạo đức và tạo lập điều kiện khuyến khích, bảo vệ để đạt được nhiều hơn đạo đức lý tưởng trong cuộc sống. Giá trị to lớn nhất của đạo đức là các quyền con người – sự quy định về pháp lý tự do và nhân phẩm con người. Nếu không có pháp luật thì cũng không thể có quyền con người xét theo nghĩa là cơ sở pháp lý ghi nhận và bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền con người. Quyền con người xác định các nền tảng để con người được tồn tại đúng như con người, dù ở nơi đâu.
Sự thực hiện thực tế các quyền này là điều kiện đạt được hạnh phúc cho con người, bởi vì quyền con người về bản chất là nguyện vọng khát khao về hạnh phúc được pháp luật ghi nhận, bảo vệ. Pháp luật càng phù hợp với đạo đức bao nhiêu, phù hợp với lợi ích con người bao nhiêu thì càng được con người tự giác tuân thủ bấy nhiêu. Khi nghĩa vụ thực thi pháp luật được coi là một nghĩa vụ đạo đức thì pháp luật sẽ được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí và có văn hóa. Một khi những quy tắc, quan niệm đạo đức đã được luật hóa thì cũng được nội tâm hóa thành lẽ sống, thành tiêu chí đánh giá của con người. Bên ngoài mối quan hệ biện chứng này, pháp luật và đạo đức sẽ không có ý nghĩa gì hết.
Trong tương quan với pháp luật, đạo đức là cơ sở của pháp luật. Trong xã hội hiện đại, pháp luật, đạo đức và quyền con người ngày càng trở nên cấp thiết, phức tạp hơn bao giờ hết. Sự gia tăng tầm quan trọng của quyền con người kéo theo sự gia tăng các vấn đề pháp luật và đạo đức. Đồng thời, sự gia tăng các vấn đề pháp luật, đạo đức cũng gia tăng những vấn đề, những thách thức đối với quyền con người.
Thước đo trình độ phát triển của nhà nước pháp quyền chính là mức độ hài hòa giữa đạo đức và pháp luật, là quyền con người. Quyền con người là tiêu chí căn bản để nhận diện nhà nước pháp quyền, không chỉ trong văn bản pháp luật mà cả ở thực thi pháp luật, nhận thức pháp quyền và đạo đức, ở văn hóa pháp quyền của cá nhân và xã hội.
Quyền con người là cầu nối liên kết giữa đạo đức và pháp luật. Trong các quy định về quyền con người chúng ta luôn tìm thấy sự gắn kết lẫn nhau giữa đạo đức và pháp luật, không phải là sự gắn kết cơ học hay tách bạch riêng lẻ các quy định, nguyên tắc đạo đức và pháp luật mà là một nhất thể. Quyền con người xét theo đúng nghĩa chính là sự cụ thể hóa các yêu cầu đạo đức, quy định các cơ hội như nhau cho mọi cá nhân. Tự do của con người muốn thành hiện thực phải được xác lập và bảo vệ bằng pháp luật và đạo đức. Người ta không thể bàn về đạo đức và pháp quyền mà lại không nói đến vấn đề gọi là tự do ý chí, lương tri của con người, quan hệ giữa tất yếu và tự do.[7]
Mọi sự lắp ghép cơ học giữa pháp luật và đạo đức đều là không hợp lý và không đem lại hiệu quả khai thác ưu thế của pháp luật và đạo đức cũng như không góp phần tích cực vào việc khắc phục những hạn chế tất yếu vốn có của mỗi một phương tiện điều chỉnh: pháp luật và đạo đức. Do đó, tách rời hoàn toàn việc giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật là một việc làm không khoa học.
So với các xã hội cổ truyền và thời kỳ bao cấp, trong xã hội hiện nay, nhu cầu về pháp luật, về an toàn pháp lý, tài phán giải quyết các tranh chấp của người dân ngày càng gia tăng. Cùng với sự gia tăng về pháp luật là sự gia tăng về nhu cầu giáo dục, nâng cao đạo đức. Sự quan tâm đến đạo đức hiện nay không chỉ thuần túy vì đạo đức đang bị xuống cấp mà còn là để khai thác sức mạnh, ưu thế của đạo đức, bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật, hạn chế những nhược điểm vốn có của pháp luật và đạo đức nếu như tách rời nhau trong quản lý xã hội. Giáo dục pháp luật cũng phải coi trọng giáo dục việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, giáo dục phương diện đạo đức của pháp luật, phương diện “con người” trong cuộc sống đời thường của con người..
CHÚ THÍCH
[1] Vũ Khiêu, Thành Duy, Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
[2] Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa thông tin Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2001, tr. 334.
[3] Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Giáo trình đạo đức học Mác – Lênin dùng cho các trường đại học và cao đẳng, Hà Nội, 1983, tr. 10.
[4] Vũ Khiêu, Thành Duy, Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
[5] Hoàng Thị Kim Quế, “Tính con người và những vấn đề của đạo đức, pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 3/2004.
[6] Gerhard Robbers, “Nhà nước pháp quyền và cơ sở đạo đức của nó”, trong sách Kondrad Adenaer Sfiftung (KAS), Josef Thesing (biên tập), Nhà nước pháp quyền, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002.
[7] C. Mác và Ph. Ănghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 162.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Giáo trình đạo đức học Mác – Lênin dùng cho các trường đại học và cao đẳng, Hà Nội, 1983 [trans: Bộ Đại học và ztrung học chuyên nghiệp, Marxist-Leninist ethics curriculum for universities and colleges, Ha Noi, 1983]
- Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa thông tin Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2001 [trans: Vu Dinh Hoe, The rule of law of Ho Chi Minh, Pub. Cultural Information, Ha Noi, 2001]
- Vũ Khiêu, Thành Duy, Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000 [trans: Vu Khieu, Thanh Duy, Ethics and law in development philosophy in Vietnam, Pub. Social science, Ha Noi, 2000]
- Mác và Ph. Ănghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1980 [trans: Mark – Enghen, Collection, Episode 1, Pub. Sự Thật, 1980]
- Hoàng Thị Kim Quế, “Tính con người và những vấn đề của đạo đức, pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 3, 2004 [trans: Hoang Thi Kim Que, “Human beings and the problems of morality and law”, Legislative Studies, No. 3, 2004]
- Gerhard Robbers, “Nhà nước pháp quyền và cơ sở đạo đức của nó”, trong sách Kondrad Adenaer Sfiftung (KAS), Josef Thesing (biên tập), Nhà nước pháp quyền, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002
Trả lời