Mục lục
Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
- Ưu điểm của pháp luật so với công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác
- [SO SÁNH] Phân biệt “Pháp luật” với “Tập quán”
- [SO SÁNH] Phân biệt “Pháp luật” với “Đạo đức”
- [SO SÁNH] Phân biệt pháp luật và công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác
- Phân tích khái niệm điều chỉnh quan hệ xã hội
- Chủ nghĩa Mác – Lênin về sự ra đời của pháp luật
- Pháp luật là gì? Đặc trưng của pháp luật?
- Vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị
- Hình thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Chế độ chính trị là gì? Phân biệt chế độ dân chủ với phản dân chủ
Mối quan hệ giữa “Pháp luật” và “Đạo đức” bao gồm sự tác động của pháp luật đến đạo đức và ngược lại. Trong đó:
1 – Sự tác động của pháp luật đến đạo đức
Sự tác động của pháp luật đến đạo đức, được thể hiện qua các điểm sau:
– Pháp luật là công cụ để truyền bá những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức chính thống hay của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền. Nhờ được luật hóa, những tư tưởng, quan điểm đạo đức chính thống của giai cấp thống trị được truyền bá một cách nhanh chóng và rộng khắp trên toàn xã hội, trở thành những chuẩn mực mang tính bắt buộc chung đối với tất cả mọi người.
– Bằng việc ghi nhận những quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức trong pháp luật, pháp luật góp phần củng cố, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức xã hội, hỗ trợ, bố sung cho đạo đức, đảm bảo cho chúng được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế.
– Pháp luật loại trừ những quan niệm, tư tưởng, đạo đức lạc hậu, trái với ý chí nhà nước, lợi ích của lực lượng cầm quyền, lợi ích chung của cộng đồng cũng như tiến bộ xã hội (pháp luật nghiêm cấm việc tuyên truyền những tư tưởng đạo đức đó, cấm những hành vi thể hiện các quan niệm, chuấn mực đạo đức đó; bắt buộc thực hiện những hành vi thể hiện quan niệm đạo đức mới, tiến bộ; quy định các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ thể vi phạm những quy định trên).
– Pháp luật góp phần ngăn chặn sự thoái hoá, xuống cấp của đạo đức; ngăn chặn việc hình thành những quan niệm đạo đức trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và tiến bộ xã hội; góp phần làm hình thành những quan niệm đạo đức mới, do vậy, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để diệt trừ cái ác, ngăn chặn sự băng hoại của đạo đức.
2 – Sự tác động của đạo đức đến pháp luật
a – Đạo đức tác động đến sự hình thành pháp luật
Bất kỳ hệ thống pháp luật nào cũng ra đời, tồn tại và phát triển trên một nền tảng đạo đức nhất định. Đạo đức là chất liệu góp phần tạo nên các quy định của pháp luật. Những quan điểm, quan niệm, chuẩn mực đạo đức chính thống đóng vai trò là tiền đề tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng pháp luật.
Nhiều quan niệm đạo đức được thể chế hoá trong pháp luật, nhiều quy tắc đạo đức phù hợp với ý chí của nhà nước được thừa nhận trong pháp luật, góp phần tạo nên pháp luật. Nhà nước có thể thừa nhận một tập quán đạo đức, biến chúng thành tập quán pháp hoặc thừa nhận cách giải quyết một vụ việc cụ the dựa trên các quan niệm đạo đức, biến chúng thành tiền lệ pháp. Tuy nhiên, những quy tắc đạo đức trái với ý chí của nhà nước sẽ trở thành tiền đề để hình thành nên những quy phạm thay thế chúng nên cũng góp phần làm hình thành nên pháp luật.
b – Đạo đức tác động đến việc thực hiện pháp luật của các chủ thể
Những quy tắc đạo đức được thừa nhận trong pháp luật và các quy định pháp luật được xây dựng phù hợp với các quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ phản ánh được ý chí, nhu cầu, lợi ích của các thành viên trong xã hội, chúng sẽ được mọi người thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự giác hơn vì họ thực hiện bằng lương tâm và niềm tin của họ, nhờ vậy, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật sẽ cao hơn. Ngược lại, những quan niệm, quy tắc đạo đức trái với ý chí của nhà nước sẽ cản trở việc thực hiện pháp luật trong thực tế. Đồng thời, những quy định pháp luật trái với đạo đức xã hội chắc chắn sẽ rất khó đi vào đời sống, hiệu quả điều chỉnh quan hệ xã hội sẽ không cao, có khi còn phản tác dụng.
Ý thức đạo đức của cá nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện pháp luật. Người có ý thức đạo đức tốt thường là người có thái độ tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Trong trường hợp vì vô ý dẫn đến vi phạm pháp luật thì họ thường có ý thức ăn năn, hối hận, thành khẩn, lập công, sửa chữa vi phạm. Ngược lại, chủ thể có ý thức đạo đức kém thì thường việc thực hiện pháp luật sẽ không nghiêm, dẫn tới sự coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật vì thế sẽ gia tăng.
Đạo đức của nhà chức trách có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến hoạt động áp dụng pháp luật. Nếu là người có phẩm chất đạo đức tốt thì khi đưa ra các quyết định áp dụng pháp luật bao giờ cũng phải tính đến các quan niệm đạo đức xã hội sao cho “đạt lí” nhưng cũng “thấu tình”. Ngược lại, nếu họ là người có ý thức đạo đức kém thì thường dễ mắc sai lầm, thậm chí vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ, làm ngơ trước cái ác, xử lí oan sai người ngay, tha bổng kẻ phạm pháp… Đạo đức của người áp dụng pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong trường hợp phải áp dụng tương tự pháp luật. Khi đó, nhà chức trách không có các quy phạm pháp luật để làm căn cứ, họ phải dựa vào các quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội, dựa vào những lẽ phải trong cuộc sống, dựa vào ý thức pháp luật của bản thân để ban hành quyết định.
Nguồn: Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu
Trả lời