Nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư hiện nay – Một số vấn đề cần chú trọng từ góc độ thực tiễn
Tác giả: Lê Quang Y [1]
TÓM TẮT
Đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam được chính thức ghi nhận tại Pháp lệnh luật sư năm 2001, với quy định về điều kiện để trở thành luật sư là phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư. Tuy nhiên, phải đến khi Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/2/2004, việc đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam mới được thực hiện một cách chính quy, bài bản. Học viện Tư pháp cũng là nơi duy nhất trong cả nước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực luật sư phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp và nhu cầu về luật sư của xã hội. Bài viết thể hiện quan điểm về một số khía cạnh đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay từ góc nhìn của người hành nghề thực tiễn.
Đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam gần như bị quên lãng trong suốt một thời gian khá dài, giống như chính số phận của nghề nghiệp này. Mặc dù, trong những sắc lệnh đầu tiên về lĩnh vực tư pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành, vai trò của luật sư đã luôn được ghi nhận như một phần không thể thiếu được của một nền tư pháp dân chủ. Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 là sắc lệnh đầu tiên ghi nhận về chế định luật sư của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa2 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký rất sớm ngay sau ngày giành được độc lập… Thế nhưng, ngay sau những dấu ấn pháp lý đó nghề luật sư đã tồn tại rất mờ nhạt trong suốt một thời gian khá dài. Vấn đề đào tạo nghề luật sư càng không được đặt ra để thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản theo yêu cầu của nghề nghiệp. Đến năm 2001, vấn đề đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam mới được chính thức ghi nhận với quy định cụ thể “một trong những điều kiện để trở thành luật sư là phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư”3. Với qui định này, khóa đào tạo nghề luật sư đầu tiên trong cả nước đã được tổ chức vào năm 2000 tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp 3, với số lượng 125 học viên, có thời gian đào tạo là 4 tháng. Ngày 25/2/2004, Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg mở đầu cho thời kỳ hoạt động đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam được thực hiện một cách chính quy, bài bản và cho đến nay đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực luật sư phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, việc đào tạo, bồi dưỡng hướng đến việc phát triển số lượng luật sư, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế khi gia nhập WTO và các định chế pháp lý quốc tế khác mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia; cũng như để đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp, một trong những trọng tâm của quá trình thực hiện chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền… việc đào tạo luật sư đã được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”4; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đặc biệt định hướng chiến lược“Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn…”5, qua đó khẳng định phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn là những nội dung nền tảng tạo nên chất lượng của đội ngũ luật sư và đào tạo luật sư chính là yếu tố then chốt để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Như vậy, có thể khẳng định đào tạo nghề luật sư đã được luật hóa từng bước và đã được cụ thể hóa trong Luật luật sư ngày 29/06/2006, trong đó quy định rõ về việc phải được đào tạo nghề nghiệp luật sư là một trong những yêu cầu có tính bắt buộc để có thể trở thành luật sư.
Trên cơ sở các tiền đề pháp lý và nhu cầu của xã hội, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, với mục tiêu tổng quát: “… từng bước xây dựng nghề luật sư ở Việt Nam thành một nghề với đội ngũ luật sư, tổ chức luật sư chuyên nghiệp, bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, công bằng, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước”6 đã được Thủ tướng Chính phủ kí phê duyệt theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011. Quan điểm có tính định hướng và cũng là mục tiêu của Chiến lược là phát triển về số lượng đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 luật sư; về chất lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, đáp ứng được nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao, thực hiện chức năng xã hội và trách nhiệm của luật sư đối với cộng đồng đã được đề cao, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả. Mặt khác, với định hướng lấy bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề là gốc của nghề luật sư ở Việt Nam, kết hợp với tính “độc lập tương đối, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư Việt Nam”, đề cao vai trò tự chủ của luật sư và tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đòi hỏi càng phải phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu bổ sung nguồn lực cho các chức danh tư pháp và chức danh quản lý nhà nước từ đội ngũ luật sư giỏi, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức phải tiến hành tốt việc quản lý luật sư và đánh giá chất lượng luật sư. Với mục tiêu đó đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác đào tạo luật sư nhằm để có thể xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội; bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế. Thực tiễn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đã mang lại những kết quả hết sức tích cực và có ý nghĩa đối với sự phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam, cụ thể:
(i) Sự phát triển số lượng luật sư khá ấn tượng: Sau Pháp lệnh luật sư năm 1987 cho đến năm 1989 cả nước chỉ có 186 luật sư, tính đến 30/9/2001 số lượng luật sư cả nước là 2.100 luật sư. Khi thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam (tháng 5/2009), tổng số luật sư Việt Nam là 5.300 người. Sau 10 năm thực hiện chiến lược, số lượng luật sư của cả nước là: 14.178 người7. Như vậy, trong 10 năm thực hiện Chiến lược, số lương luật sư tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng hơn 700 luật sư, mặc dù vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nghề luật sư là đến năm 2020 số lượng luật sư đạt 18.000 đến 20.000 luật sư;
(ii) Sự phân bố nhân lực luật sư không đồng đều: Sự phát triển về số lượng luật sư nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số 14.178 luật sư của cả nước thì Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có 4.077 luật sư, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có 5.751 luật sư, chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư của cả nước. Còn lại 61 Đoàn luật sư có số lượng luật sư là 4.350 luật sư, chiếm 30,7%8;
(iii) Sự phát triển chất lượng đội ngũ luật sư và khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội chưa ngang tầm: Nếu chia bình quân đầu người theo dân số của Việt Nam (gần 100 triệu dân/14.178 luật sư) tỷ lệ xấp xỉ là 01 luật sư/7.050 người dân. Tỷ lệ này cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân, đồng thời sự phát triển của nghề luật sư, đội ngũ luật sư còn mất cân đối giữa các vùng miền trong cả nước nhưng đã nói lên một xu thế phát triển nghề luật sư đang theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường. Cụ thể: theo báo cáo chưa đầy đủ của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, trong 10 năm qua (từ năm 2009 đến 31/12/2019), đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia vào các lĩnh vực hành nghề như sau: Tham gia vào 146.081 vụ án hình sự trong đó có 74.240 vụ án hình sự chỉ định và 72.028 vụ án hình sự được khách hàng mời; Tham gia vào 121.744 vụ việc dân sự, 54.170 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại, 9.149 vụ án hành chính, 2.576 vụ án lao động; Tham gia tư vấn pháp luật: 705.876 vụ việc; Tham gia đại diện ngoài tố tụng: 25.932 vụ việc; Tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác: 112.130 vụ việc; Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí: 181.946 vụ việc9… Các con số trên chỉ ra số lượng dịch vụ pháp lý của luật sư nhìn chung năm sau tăng hơn năm trước, nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ đòi hỏi của xã hội trong các lĩnh vực dịch vụ pháp lý, đặc biệt là tỉ lệ tham gia của luật sư trong các vụ án hình sự là rất thấp chỉ có 146.000 vụ án hình sự có luật sư tham gia (trong đó khoảng 50% là án chỉ định);
(iv) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực của luật sư và đào tạo nghề luật sư chưa thực sự tương xứng với nhu cầu xã hội: Thực tế cho thấy, nguồn để đào tạo đội ngũ luật sư rất đa dạng, tiêu chuẩn trở thành luật sư chỉ là cử nhân luật của bất kỳ loại hình đào tạo nào (Điều 10, 12 Luật luật sư) đã mở cánh cửa rộng rãi cho đầu vào đào tạo luật sư, cùng với sự gia tăng ồ ạt các loại hình đào tạo cử nhân luật của các trường đại học (từ xa, tại chức, liên thông…), cộng thêm sự kiểm soát, kiểm định chất lượng của các loại hình đào tạo cử nhân luật nói trên chưa thực sự chuẩn mực… đã góp phần ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ luật sư.
Cho đến hiện nay, Học viện Tư pháp là đơn vị duy nhất đảm trách công tác đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam kể từ khi việc đào tạo luật sư được chính thức ghi nhận trong Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Kết quả công tác đào tạo luật sư do Học viện Tư pháp thực hiện đã đáp ứng được về cơ bản đối với sự phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp và phục vụ nhu cầu xã hội trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, vấn đề đạo tạo nghề luật sư vẫn đang đặt ra những thách thức, yêu cầu và đòi hỏi thực sự cấp thiết để có thể xây dựng và phát triển một đội ngũ luật sư ngang tầm với chức năng, vai trò mà xã hội giao phó, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu xã hội cả về kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp, cũng như sánh vai được với khu vực và quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải xây dựng Chiến lược đào tạo nghề luật sư ở tầm vĩ mô, huy động các nguồn lực xã hội, quán triệt và thực hiện quyết liệt các quan điểm, đường lối, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề luật sư. Hơn ai hết, đội ngũ luật sư Việt Nam phải là một chủ thể có trách nhiệm tích cực để tham gia vào quá trình đạo tạo cho chính sự phát triển của chính mình. Những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những vướng mắc, khó khăn, tồn tại trong việc đào tạo nghề luật sư hiện nay cần phải được tháo gỡ, cụ thể là:
(i) Về chủ quan: Việc tuyển chọn giảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp vững vàng, tâm huyết với sự nghiêp đào tạo nghề luật sư… để làm hành nghề của mình hoặc nơi mình tham gia hành nghề, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ luật sư.
(ii) Về khách quan: Môi trường hành nghề và cơ chế tố tụng vẫn chưa thực sự thuận lợi cho luật sư phát huy vai trò trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng; hoạt động hành nghề của luật sư còn gặp khó khăn do nhận thức của một số cá nhân, cơ quan trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; Thể chế pháp luật trong lĩnh vực luật sư đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bộc lộ một số nội dung chưa theo kịp với yêu cầu xây dựng phát triển đội ngũ luật sư, yêu cầu quản lý luật sư và yêu cầu hội nhập quốc tế; Đầu vào để tuyển chọn đào tạo đội ngũ luật sư vẫn bị buông lỏng nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ luật sư tương lai… Từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan đó, cần phải chú trọng định hướng, bổ sung xây dựng chương trình, nội dung công tác đào tạo nghề luật sư tập trung vào một số mục tiêu định hướng sau:
Một là, hướng đến đào tạo tính chuyên nghiệp cho luật sư: Đào tạo nghề luật sư đòi hỏi phải tính đến việc tạo ra sản phẩm có tính chuyên nghiệp của nghề luật sư, bởi chính những cá nhân luật sư phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng khi thực hành nghề nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp. Cần có sự hoạch định về kế hoạch, chương trình, mục tiêu đào tạo để tạo ra những sản phẩm có thể thích ứng ngay với các yêu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu xã hội mà không phải mất một thời gian dài lúng túng, ngỡ ngàng trước đòi hỏi của thực tiễn, kể cả việc để xã hội phải định hướng hoặc đào tạo lại về nghề nghiệp.
Hai là, hướng đến việc đào tạo để nâng tầm hoạt động của tổ chức nghề nghiệp: Tổ chức hành nghề luật sư buộc phải nâng tầm trình độ quản lý, chuyên môn hóa các bộ phận quản trị văn phòng, tài chính, kế toán… Việc đào tạo các kĩ năng quản trị tổ chức hành nghề cần phải được chú trọng để nâng tầm nhận thức, khả năng quản lý, điều hành của các luật sư đối với các tổ chức cán bộ, giảng viên cơ hữu gặp nhiều khó khăn; Nội dung chương trình đào tạo vẫn nghiêng nhiều về lý thuyết với nhiều giờ nghe giảng (độc thoại) hoặc làm bài tình huống trên lớp… vẫn giữ thời lượng quá lớn trong đào tạo nghề…;
Ba là, công tác đào tạo cần chú trọng hình thành những phẩm chất đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư: Đây là một vấn đề khá cấp thiết đặt ra từ góc độ thực tiễn, đòi hỏi công tác đào tạo luật sư phải đặc biệt quan tâm khi đặt vấn đề định hướng đào tạo phát triển đội ngũ luật sư. Bởi lẽ, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp là một đòi hỏi tất yếu và cơ bản nhất về các phẩm chất và kĩ năng cần có của một luật sư chuyên nghiệp. Một luật sư giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thạo nghề nhưng không có ý thức tôn trọng, tuân thủ qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, thì có thể sẽ dễ dàng bị cuốn vào những rủi ro tiềm ẩn, dễ bị vấp ngã, tha hóa trước những cám dỗ của vật chất, cạm bẫy, dẫn đến những hệ lụy xấu cho xã hội và cho thanh danh của giới luật sư.
Từ góc độ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp luật sư có thể khẳng định rằng, để trở thành một luật sư thực thụ và xứng đáng với danh xưng cao quý đó, đòi hỏi một cá nhân phải được đào tạo bài bản và được tôi luyện trong môi trường nghề nghiệp. Đào tạo nghề luật sư đóng vai trò tiền đề đặc biệt quan trọng có tính quyết định trong việc hình thành bước đầu những kỹ năng chuyên môn và đạo đức ứng xử nghề nghiệp cho luật sư. Để chấm dứt tình trạng chỉ lấy chứng chỉ hành nghề, thẻ luật sư về mặt hình thức, mang tính danh xưng nhưng không thực chất, không đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp cũng như yêu cầu xã hội… việc đào tạo nghề luật sư phải được hoạch định một cách căn cơ trên cơ sở của một chính sách tổng thể về phát triển nguồn nhân lực đội ngũ luật sư. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ sâu sắc các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhà nước về tổ chức, hoạt động luật sư, đặc biệt là Nghị quyết số 08 và 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, đồng thời thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý của Chính phủ đối với tổ chức hoạt động luật sư… trong toàn bộ công tác quản lý, điều hành hoạt động của đội ngũ luật sư và từng cá nhân luật sư, đặc biệt là trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực luật sư Việt Nam.
Thứ hai, đào tạo nghề luật sư phải được thực hiện trên nền tảng của một chiến lược tổng thể về chính sách phát triển nguồn nhân lực luật sư Việt Nam, có chú trọng đến tính đặc thù nghề nghiệp, cơ cấu vùng miền, tính nổi trội của hoạt động chuyên sâu (như tư vấn, tranh tụng, yếu tố quốc tế trong nghề nghiệp …), trên có sở đó định hướng và xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp để phát triển mạnh mẽ đội ngũ luật sư Việt Nam, không chỉ đáp ứng tốt cho nhu cầu của xã hội mà từng bước ngang tầm với khu vực và thế giới.
Thứ ba, mục tiêu của hoạt động đào tạo nghề luật sư là hướng đến xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam trong sạch về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, trên cơ sở đó để có thể phát huy được ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết hợp tác, khai thác được tiềm năng to lớn của đội ngũ luật sư, góp phần xây dựng và phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
Thứ tư, cần chú trọng đẩy mạnh việc mở rộng và phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, ngoại ngữ,… nhằm tranh thủ học tập kinh nghiệm tổ chức, quản lý của tổ chức luật sư các nước phát triển, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về tài chính kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các nước khác trong việc đào tạo phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam./.
CHÚ THÍCH
- Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, Giảng viên thỉnh giảng Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp.
- Sắc Lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945.
- Điểm c Khoản 1 Điều 8 “Điều kiện gia nhập đoàn luật sư” Pháp lệnh luật sư năm 2001.
- Nghị Quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002.
- Nghị Quyết số 49-NQ/BCT ngày 02/06/2005.
- Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển nghề Luật sư – LĐLSVN, ngày 04/05/2020.
- Số liệu tính đến ngày 30/4/2020 (BCTKCL PTNLS – LĐLSVN, ngày 04/05/2020). 8 Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển nghề luật sư – LĐLSVN, ngày 04/05/2020. 9 Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển nghề luật sư – LĐLSVN, ngày 04/05/2020.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Minh (2003), Những điều cần biết về Luật pháp Hoa Kỳ, Nxb. Lao động.
- Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (1999), Chuyên đề về: Tư pháp hình sự so sánh.
- Mai Thoa (2020), Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC: Luật sư bắt buộc phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, Công Lý Online, https://congly.vn/ hoat-dong-toa-an/tieu-diem/luat-su-pham-cong- hung-nguyen-tham-phan-tandtc-luat-su-bat- buoc-phai-tuan-theo-su-dieu-hanh-cua-chu-toa-phien-toa-334500.html.
- Luật sư Trần Văn An, Đoàn luật sư Bắc Giang, Tình đồng nghiệp luật sư Việt Nam quyết định vị thế của luật sư, http://luatsudanan.com.vn/tinh-dong-nghiep-luat-su-viet-nam-quyet-dinh- vi-the-nghe-luat-su/.
- Luật sư Lê Quang Y, Đoàn luật sư Đồng Nai, Sự tác động của Nghị định số 82/NĐ-CP đến sự lựa chọn hình thức hành nghề, quan hệ lao động của Luật sư và nguồn nhân lực đội ngũ Luật sư, https://lsvn.vn/su-tac-dong-cua-nghi- dinh-82-nd-cp-den-su-lua-chon-hinh-thuc-hanh- nghe-quan-he-lao-dong-cua-luat-su-va-nguon- nhan-luc-doi-ngu-luat-su.html.
Trả lời