Hành nghề luật sư một số nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh)
Tác giả: Ngô Hoàng Oanh [1]
TÓM TẮT
Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng về kinh tế, thương mại của các nước trên thế giới, đặc biệt sự phát triển kinh tế mang tính toàn cầu hiện nay, các nghề nghiệp mang tính hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng được phát triển theo, trong đó phải kể đến nghề luật. Tuy mỗi nước có một hệ thống pháp luật điều chỉnh riêng làm nên tính chất địa phương cao, nhưng việc hình thành và phát triển nghề luật của các nước lại có những đặc điểm mang tính khá tương đồng. Bài viết mô tả việc hành nghề luật sư của một số nước trên thế giới, trong đó nhấn mạnh các yếu tố như điều kiện để hành nghề luật, các hình thức hành nghề luật, luật điều chỉnh và các xu hướng phát triển nghề luật hiện nay tại một số nước.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia vào ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do2, trong đó phần lớn là các Hiệp định thương mại Tự do khu vực. Việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại góp phần thúc đầy sự phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước và do đó nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư giữa các nước của các tổ chức và cá nhân tăng lên đáng kể. Việc xem xét và tham khảo kinh nghiệm của các nước trong công tác đào tạo luật sư, hình thức tổ chức hành nghề luật sư, các quy tắc nghề nghiệp phải tuân thủ và các quy tắc đạo đức phải thực hiện trong quá trình hành nghề luật sư cũng như việc điều chỉnh các hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài trên lãnh thổ các nước là những vấn đề các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần nắm bắt để thực hiện công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ các hoạt động kinh doanh, thương mại trên các lãnh thổ và vùng địa lý khác nhau. Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, phân tích, liệt kê để cung cấp các thông tin về hành nghề luật sư tại một số nước.
1. Nghề luật sư ở Mỹ
Điều kiện trở thành luật sư.
Ở Mỹ muốn trở thành luật sư phải qua một kỳ thi do Hiệp hội luật sư tổ chức để công nhận là luật sư (Bar examination). Người muốn tham gia kỳ thi này phải tốt nghiệp trường luật (law school). Những cử nhân muốn được vào học tại một trường luật phải có một bằng cử nhân có nghĩa là phải tốt nghiệp một trường đại học nào đó trước đó. Bằng luật sư là bằng thứ hai và được gọi là Jurist Doctor. Các cử nhân luật ở Mỹ, trong quá trình đào tạo tại trường đại học, đã được trang bị khá đầy đủ những kỹ năng cần thiết đối với nghề luật thông qua nhiều chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo luôn luôn được cập nhập theo nhu cầu của xã hội. Đặc biệt việc đào tạo trong các “Trung tâm hành nghề luật” (Legal Clinic) đã cung cấp cho các luật sư những kỹ năng cơ bản và quan trọng của nghề luật và cho các sinh viên cơ hội được thực hành các kỹ năng này với các vụ việc có thật đã làm cho các luật sư có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Ngày nay người ta biết đến mô hình đào tạo này như một phương pháp đào tạo thành công của Mỹ mặc dù nó được người Đức sáng lập ra và áp dụng vào dạy luật đầu tiên.
Thường thì điều kiện trở thành luật sư do các thẩm phán quy định. Các Toà án tối cao tại các bang dựa vào các quy định của Hiến pháp, các đạo luật và tham khảo các quy định của Hiệp hội luật gia Hoa Kỳ (ABA) để quy định điều kiện trở thành luật sư của bang mình. Toà án của từng tiểu bang là cơ quan có thẩm quyền công nhận luật sư và cho phép hành nghề. Cơ quan này sẽ chứng nhận lời tuyên thệ của người xin công nhận luật sư và ghi tên người đó vào danh sách luật sư. Danh sách này được đăng ký tại phòng hành chính của Toà án.
Giấy công nhận luật sư và cho phép hành nghề có giá trị vĩnh viễn trừ khi nó bị thu hồi hoặc đình chỉ. Luật sư có trách nhiệm hàng năm gửi báo cáo về tài chính, công việc, đạo đức nghề nghiệp, khóa học đã tham dự… về Uỷ ban về khiếu nại và kỷ luật luật sư trực thuộc Toà án tối cao Bang. Việc tham gia các khoá bồi dưỡng kiến thức đối với luật sư là bắt buộc. Hàng năm luật sư phải tham gia một số khoá học gọi là chương trình đào tạo liên tục.
Ở Mỹ được công nhận luật sư của bang nào thì chỉ được hành nghề tại bang đó. Tuy nhiên luật sư đã hành nghề tại một bang có thể xin công nhận và cho phép hành nghề tại bang khác nhưng phải đáp ứng các điều kiện do bang đó quy định. Luật sư hành nghề tại Toà án tiểu bang cũng có thể xin công nhận và cho phép hành nghề tại Toà án liên bang.
Luật điều chỉnh hoạt động hành nghề luật.
Việc ban hành các điều luật điều chỉnh việc hành nghề luật, bao gồm ban hành các luật điều chỉnh đạo đức nghề nghiệp của luật sư và luật cấm hành nghề trái phép, phần lớn là chức năng chính phủ. Các hiệp hội luật sư và các hội nghề nghiệp khác, các hiệp hội thương mại, thường là những thành phần tham gia quan trọng trong quá trình thực thi, họ có quyền đưa ra hoặc đe dọa đưa các vụ kiện chống lại những người vi phạm. Các đoàn luật sư, đặc biệt là các đoàn luật sư tiểu bang, được quyền thực hiện việc điều tra, xét xử và xử phạt luật sư vi phạm Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư.
Hình thức hành nghề.
Luật sư Mỹ có thể hành nghề trong các Công ty hợp danh, Văn phòng hoặc các nghề tự do. Ngoài ra luật sư có thể làm công ăn lương cho chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động phi lợi nhuận… Luật sư được phép đòi thù lao theo giờ, theo kết quả công việc v.v… Các luật sư danh tiếng có thể yêu cầu khách hàng trả cho mình hàng nghìn đô la cho mỗi giờ. Đối với các vụ tranh chấp về tài sản, đòi bồi thường thiệt hại luật sư có thể thoả thuận với khách hàng trả thù lao theo kết quả công việc và nhiều khi thù lao nhận được tới 50% giá trị tranh chấp.
Hình thức tổ chức công ty Luật (Law firm) chủ yếu là Công ty luật hợp danh bao gồm hợp danh thông thường và hợp danh hữu hạn. Luật sư cũng có thể mở Văn phòng luật sư do cá nhân mình làm chủ, tự quản lý điều hành và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Luật sư có thể hành nghề tự do có nghĩa là luật sư ký kết hợp đồng làm việc cho một văn phòng luật sư hay một công ty luật.
Thông thường theo truyền thống, các luật sư làm việc tại các công ty, hãng luật với tư cách là làm thuê, sau một thời gian, khi đã trở thành luật sư có kinh nghiệm, uy tín, họ được mời trở thành luật sư hợp danh và trở thành các luật sư thành viên cố định của các công ty luật này. Ở Mỹ có nhiều công ty luật rất lớn có tới hàng ngàn luật sư. Các công ty này hiện nay có xu hướng sáp nhập với nhau thành những công ty khổng lồ không chỉ ở phạm vi một quốc gia mà còn mang tính toàn cầu3.
Cùng với việc hình thành và thay đổi quy mô trở thành các công ty luật lớn xuyên quốc gia như đã nêu trên, giới luật sư xuất hiện hình thức Luật sư “làm thuê” (“temporary lawyer” hoặc “staff- lawyer”) và hình thức làm việc này trở nên rất phổ biến trong thời đại ngày nay tại Mỹ. Ngoài các loại công việc như thư ký, giúp việc, họ còn đại diện cho công ty, đại diện trước tòa án, tranh tụng4. Các công ty có thể thuê luật sư để thực hiện một công việc nhất định nào đó, họ cũng có thể thuê luật sư làm việc trong một thời gian nhất định cho công ty luật. Công việc cho các luật sư này có thể kéo dài từ vài giờ cho đến hàng năm, tùy vào công việc cụ thể.
Trợ lý pháp lý (Paralegals) thực hiện một loạt các công việc dịch vụ pháp lý, bao gồm nghiên cứu pháp luật, soạn thảo một số văn bản pháp lý, điều tra thực tế và thậm chí tham vấn với khách hàng. Ủy ban thường trực ABA về trợ lý pháp lý đã định nghĩa hoạt động trợ lý pháp lý như sau: “Trợ lý pháp lý là một người có trình độ học vấn, được đào tạo hoặc có kinh nghiệm làm việc, được một luật sư, văn phòng luật, công ty tuyển dụng, cơ quan chính phủ hoặc pháp nhân khác giao cho thực hiện những công việc cụ thể mà luật sư là người chịu trách nhiệm”5.
Cung cấp dịch vụ pháp lý bởi những người không phải là luật sư.
Mọi người đều biết những người không phải luật sư bị cấm hành nghề luật. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Một ngoại lệ lịch sử vẫn tiếp tục có hiệu lực trong tất cả các khu vực pháp lý của Hoa Kỳ là một cá nhân có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý cho chính mình, và những hoạt động tự phục vụ như vậy không phải là hành vi trái pháp luật.
Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tăng nhanh do sự phức tạp của nền kinh tế phát triển giữa các nước, các cá nhân cần sự hỗ trợ pháp lý trong việc mua nhà, khai báo thuế cá nhân, hoặc hỗ trợ pháp lý về việc họ có đáp ứng các quy định của pháp luật trong việc di chuyển từ vùng địa lý này đến vùng khác… Điều này dẫn đến việc pháp luật cho phép những người không phải luật sư được phép thực hiện các dịch vụ không phải là dịch vụ luật nhưng thông thường rất có liên quan đến pháp luật. Các công ty này được gọi là hành nghề đa ngành (viết tắt là “MDP”). Trong số các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý đó có các công ty kế toán; các công ty môi giới bất động sản; công ty bảo hiểm quyền sở hữu; các công ty khai thuế và tư vấn thuế, ngân hàng thương mại, tiết kiệm và cho vay; ngân hàng đầu tư; cơ quan thu phí; các công ty kiến trúc; tổ chức công đoàn; công ty tư vấn kinh doanh, kế toán sử dụng các luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý của công ty một cách có hiệu quả cho khách hàng; những người tham gia vào công tác xét xử trong các thủ tục giải quyết tranh chấp thay thế…
Tư vấn luật nước ngoài. Các nhà tư vấn pháp lý nước ngoài là các luật sư nước ngoài, với sự cho phép của một tiểu bang ở Hoa Kỳ, được phép cung cấp dịch vụ tư vấn trong tiểu bang về luật của quốc gia nơi họ đủ điều kiện làm luật sư. Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), một hiệp định quốc tế mà Hoa Kỳ là thành viên, cho phép việc cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư nước ngoài tại Hoa Kỳ.
Dịch vụ pháp luật miễn phí (Probono work). Một thực trạng quan trọng và rắc rối là nhu cầu của người nghèo không thể chi trả cho các dịch vụ pháp lý cần thiết. Nói đến nghề luật không thể bỏ qua hoạt động cung cấp cấp dịch pháp lý miễn phí được thực hiện bởi các công ty luật. Các hoạt động này rất phong phú, bao gồm từ việc hỗ trợ các cá nhân không đủ khả năng chi trả từ tư vấn đến tranh tụng, cung cấp các hoạt động nghiên cứu cho các tổ chức, kể cả các tổ chức nhà nước. Các hoạt động này được thực hiện bởi các công ty luật có phạm vi hoạt động khác nhau, từ những công ty nhỏ đến công ty lớn, bao gồm cả những công ty hoạt động chuyên nghiệp hoặc một bộ phận chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong một công ty luật. Các dịch vụ này tuy được cung cấp miễn phí nhưng chất lượng phải bảo đảm như dịch vụ có thu phí. Nguồn kinh phí cho các hoạt động này cũng rất phong phú, bao gồm các quỹ do Chính phủ cung cấp, các quỹ do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoặc do chính các công ty luật chi trả.
Hiệp hội nghề nghiệp. Một số bang quy định việc gia nhập đoàn luật sự là không bắt buộc, hoàn toàn do ý nguyện của luật sư (18 bang). Nhưng có bang quy định muốn hành nghề luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư. Ở cấp liên bang có Hiệp Hội luật sư Mỹ (ABA) được thành lập năm 1878 tại New York. Thành viên Hội luật gia Mỹ bao gồm luật sư, thẩm phán, công tố viên, giáo sư luật, công chức chính phủ có liên quan đến hoạt động pháp luật.
2. Hành nghề luật sư ở Pháp6
Điều kiện để trở thành luật sư.
Khi tốt nghiệp đại học, sinh viên luật tại Pháp được trang bị những kiến thức cơ bản và quan trọng về luật pháp, tuy nhiên những kiến thức này là chưa đủ để có thể hành nghề luật. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân luật phải tiếp tục tham gia các khóa đào tạo chuyên biệt dành cho các ngành nghề cụ thể. Để trở thành luật sư cần phải vượt qua kỳ thi để vào Trường Luật (EDA) – trường đại học được tổ chức như một phần của Viện Nghiên cứu Tư pháp (IEJ). Đây là điều kiện bắt buộc để tiếp cận với nghề nghiệp.
Theo Nghị định thi hành ngày 21 tháng 12 năm 2004, thời gian đào tạo luật sư bao gồm: Sáu tháng đào tạo các kiến thức cơ bản, đặc biệt nhấn mạnh vào quy chế, đạo đức nghề nghiệp và các khía cạnh thực tế của hành nghề luật sư. Sáu đến tám tháng tiếp theo sinh viên luật xác định các lựa chọn cá nhân của họ và chuẩn bị cho việc hòa nhập vào cuộc sống nghề nghiệp. Trong học kỳ thứ ba, sinh viên luật thực tập tại một văn phòng luật. Khi hoàn thành khóa đào tạo này, sinh viên luật phải vượt qua kỳ thi Chứng chỉ Năng khiếu về Nghề Pháp lý (gọi tắt là “CAPA”). Sau đó, họ tuyên thệ trước Tòa án và đăng ký vào đoàn luật sư mà họ lựa chọn. Chỉ khi đó họ mới có danh hiệu avocat (luật sư đầy đủ năng lực). Conseil national des barreaux (Hội đồng các Hiệp hội luật sư Quốc gia) hiện đang xem xét một cải cách sâu rộng về đào tạo, chủ yếu tập trung vào việc đào tạo dưới hình thức thực tập. Các khóa bồi dưỡng chuyên môn hàng năm có số lượng khoảng 20 giờ/năm…
Các miễn trừ để được trở thành luật sư.
Các giáo sư đại học và những người đã hành nghề pháp lý, (như thẩm phán) được miễn các yêu cầu về bằng cấp, đào tạo lý thuyết và thực hành, CAPA và thực tập. Cố vấn pháp lý cho các công ty hoặc liên đoàn lao động, nhân viên văn phòng luật và một số chuyên gia tư pháp khác được miễn đào tạo lý thuyết, thực hành và CAPA, nếu họ có ít nhất tám năm kinh nghiệm trong nghề. Những người này phải thi đánh giá kiến thức về đạo đức nghề nghiệp. Công dân châu Âu được miễn đào tạo thực hành tuy nhiên họ có thể được yêu cầu tham gia kỳ kiểm tra năng khiếu, nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện hành nghề ở quốc gia của họ thì được hành nghề tại Pháp và đại diện cho khách hàng của họ trước tòa. Sau ba năm hành nghề thực tế thường xuyên ở Pháp, họ có thể đăng ký danh hiệu avocat và được đăng ký vào một hiệp hội luật sư của Pháp.
Hình thức hành nghề.
Trong một thời gian dài, việc hành nghề với tư cách là luật sư độc lập được duy trì. Kể từ Đạo luật 71-1130 ngày 31 tháng 12 năm 1971, cơ quan lập pháp đã thiết lập một số cơ cấu hành nghề nhóm. Tại thời điểm này, nghề luật sư có thể được hành nghề dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng hầu hết các luật sư, 36,4% tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, hành nghề riêng lẻ so với 35,8% năm 2002. Những luật sư làm việc trong công ty hợp danh chỉ chiếm 29,4%.
Số lượng những người hành nghề trong công ty dưới dạng đóng tương đối ổn định, cho dù là công ty luật hợp danh (10% số nhóm), công ty liên doanh (0,7% số nhóm), hay công ty dân sự chuyên nghiệp (37% làm việc trong một tập thể/nhóm).
Theo con số thống kê, vào ngày 31 tháng 12 năm 2012, có 12.685 văn phòng luật sư, với 39.742 nhân viên không là luật sư.
Điều 4 của Đạo luật 71-1130 ngày 31 tháng 12 năm 1971 về cải cách một số ngành nghề tư pháp và luật pháp đưa ra nguyên tắc cơ bản rằng luật sư có độc quyền trong việc hỗ trợ và đại diện cho các bên (đại diện pháp lý đầy đủ và ràng buộc) và biện hộ trước Tòa án của các Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm, các khu vực tài phán hành chính và tư pháp, và tất cả các cơ quan tài phán khác.
Điều 54 của Mục II của Đạo luật 71-1130 ngày 31 tháng 12 năm 1971, được sửa đổi bởi Đạo luật 90-1259 ngày 31 tháng 12 năm 1990, xác định các điều kiện mà theo đó bất kỳ ai, trực tiếp hoặc thông qua một bên trung gian, có thể, thường xuyên hoặc được trả tiền, đưa ra tư vấn pháp lý hoặc soạn thảo các văn bản pháp lý thay mặt cho người khác, soạn thảo hợp đồng, chứng chỉ hoặc giao dịch riêng tư; hoặc soạn thảo bất kỳ tài liệu nào liên quan đến luật doanh nghiệp, chẳng hạn như báo cáo thường niên, đại hội đồng, thỏa thuận sáp nhập, v.v. Tuy nhiên, các văn bản do luật sư soạn thảo có giá trị tranh tụng và đảm bảo tính pháp lý cao nhất.
Các luật sư cũng tham gia vào hoạt động của các trọng tài viên, hoạt động như một thẩm phán hoàn toàn độc lập có thể đưa ra một thỏa thuận có hiệu lực thi hành dựa trên luật của Pháp, hoặc trong một số trường hợp, một thỏa thuận quốc tế hiện hành. Các luật sư cũng có thể tham gia việc vận động hành lang, đóng vai trò là đại diện của khách hàng của họ trước các cơ quan chức năng trong nước hoặc quốc tế.
Quy chế nghề nghiệp – Nghĩa vụ của luật sư. Lời thề của tất cả các luật sư Pháp trước khi hành nghề là cơ sở của đạo đức của luật sư Pháp: “Tôi xin thề, với tư cách là một luật sư, thực hiện nghĩa vụ của mình với phẩm giá, lương tâm, độc lập, liêm chính và nhân văn”.
Luật sư phải tuân theo một số quy tắc pháp lý và đạo đức nhất định trong các mối quan hệ nghề nghiệp và ngoại nghề của họ, bao gồm nguyên tắc độc lập, trung thành, bảo mật và tôn trọng bí mật nghề nghiệp. Đây là quy định mang tính bao trùm, tuyệt đối và không bị giới hạn bởi thời gian; nó áp dụng cho tất cả các vấn đề pháp lý và trong tất cả các lĩnh vực, chẳng hạn như tư vấn, bào chữa, v.v. Ngoài nghĩa vụ đạo đức, tuân thủ bí mật nghề nghiệp là nghĩa vụ pháp lý và vi phạm quy định này là tội hình sự.
Khi luật sư vi phạm nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp thì không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn bị kỷ luật cảnh cáo, tạm đình chỉ quyền hành nghề, tước quyền hành nghề. Đạo luật 2004-130 ngày 11 tháng 2 năm 2004 và Nghị định 2005-531 ngày 24 tháng 5 năm 2005 thiết lập các quy tắc về thủ tục kỷ luật.
3. Nghề luật sư tại Anh7
Điều kiện trở thành luật sư.
Để trở thành luật sư ở Anh, các sinh viên phải thực hiện một quy trình đào tạo lâu năm và cơ bản, bao gồm cả luật thực định và thực tập, bao gồm ba giai đoạn: (1) Giai đoạn học đại học và sau đại học, (2) giai đoạn học nghề (đào tạo chuyên môn trước khi có bằng cấp – thực hiện bằng hợp đồng đào tạo hai năm với một công ty luật) và (3) giai đoạn thực hành (tiếp tục bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp (CPD) sau khi có bằng cấp). Chỉ sau khi hoàn thành hợp đồng đào tạo giai đoạn thứ hai, luật sư mới đủ điều kiện có thể làm việc với tư cách là luật sư ở Anh và xứ Wales.
Các công việc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp luật.
Khung pháp lý để điều chỉnh các dịch vụ pháp lý ở Anh và xứ Wales được quy định trong Đạo luật Dịch vụ Pháp lý 2007 (gọi tắt là “LSA”). Theo LSA, chỉ các cá nhân và công ty được một Cơ quan quản lý có thẩm quyền (gọi là “AR”) chỉ định mới có quyền cung cấp các dịch vụ pháp lý. Các loại dịch vụ pháp lý được thực hiện là: (1) Đại diện cho khách hàng trong các vụ kiên tụng tại Tòa; (2) Trực tiếp tiến hành các vụ kiện tụng và bảo vệ cho khách hàng tại Tòa, (3) Hoạt động liên quan đến pháp lý khác, (4) Hoạt động chứng thực di chúc; (5) Hoạt động công chứng.
Theo LSA, những người được thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý là:
Luật sư tư vấn (Solicitor) là thành viên của Hội Luật sư và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định do một cơ quan độc lập có tên là Cơ quan quản lý luật sư (Solicitors Regulatory Authority- SRA) ban hành. Bên cạnh các quy định về tổ chức hoạt động còn có các quy định điều chỉnh đạo đức nghề luật của các luật sư trong hành nghề luật. Để được là luật sư tư vấn phải có chứng chỉ hành nghề được gia hạn hàng năm và phải nộp lệ phí8. Phần lớn các luật sư làm nghề này. Thông thường luật sư tư vấn không có quyền tranh tụng trước tòa (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Luật sư tư vấn thường tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của họ, cung cấp lời khuyên và hỗ trợ pháp lý về nhiều vấn đề. Họ đại diện cho khách hàng tại các Tòa án. Tuy nhiên họ chỉ đại diện chứ không làm luật sư bào chữa. Thông thường vụ việc do các luật sư tư vấn chuyển cho các luật sư tranh tụng sau khi đã nghiên cứu và xem xét.
Luật sư tranh tụng (Barristers) có số lượng lớn thứ hai trong số những người hành nghề luật sư tại Anh được phép tiến hành các hoạt động pháp lý. Luật sư tranh tụng chỉ được quyền thực hiện một cách hợp pháp hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nếu họ được BSB (LSA) cho phép và cấp Chứng chỉ hành nghề hàng năm. Chứng chỉ này được gia hạn trực tuyến thông qua một quy trình tái cấp phép được trả phí. Luật sư tranh tụng là thành viên của Hội đồng luật sư của Anh và xứ Wales và có quyền bào chữa trước tòa. Những luật sư này được quản lý bởi Hội đồng của Hiệp hội luật sư – Bar Standards Board (BSB). Các luật sư tranh tụng đồng thời cũng phải là thành viên của Inn of Court. Có bốn Inn of court là Inner Temple, Lincoln’s Inn, Middle Temple và Grays Inn. Các luật sư tranh tụng không hoạt động dưới một công ty luật nào mà họ tự đăng ký hoạt động trong các “Chamber” và Hiệp hội luật sư có một danh sách liệt kê tất cả các luật sư đang hoạt động theo tên và ai cũng có thể tìm kiếm họ theo danh mục này. Những người thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý còn kể đến: Nhân viên thực thi pháp luật là những người được đào tạo tại một trường đào tạo nghề luật (Chartered Institute of Legal Executives). Những người này được có thể trở thành luật sư tư vấn trong một hoặc hai năm sau khi học xong các trường luật này và thường được miễn một số khóa đào tạo mà sinh viên tốt nghiệp phải hoàn thành để đủ điều kiện trở thành luật sư tư vấn9; Người được cấp phép thực hiện dịch vụ pháp lý trong các giao dịch chuyển nhượng tài sản/ bất động sản; Luật sư về lĩnh vực sáng chế; Luật sư về nhãn hiệu thương mại; Luật sư về giá; Công chứng viên.
Ngoài ra có những người cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng không do LSA quản lý. Đây là những cá nhân và pháp nhân cung cấp dịch vụ pháp lý như một nghề chính, được khách hàng ủy quyền và được quản lý bởi một cơ quan quản lý không phải là AR theo LSA. Những cơ quan này bao gồm các Công ty Quản lý Khiếu nại được chỉ định bởi Cơ quan Quản lý Khiếu nại, các chuyên gia tư vấn về vấn đề Nhập cư do Văn phòng Ủy viên Dịch vụ Nhập cư quy định. Các luật sư chuyên viết di chúc và quản lý tài sản, các luật sư chuyên về lĩnh vực việc làm…
Hình thức tổ chức hành nghề luật.
Luật sư có thể hành nghề với tư cách là luật sư độc lập, có thể thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn… Khoảng 80% luật sư tranh tụng là lao động tự do. Luật sư có thể tự hành nghề với tư cách là luật sư độc lập với điều kiện là họ đã hành nghề tổng cộng ba năm sau khi hoàn thành chương trình học trong công ty hoặc văn phòng của người có chuyên môn. Luật sư cũng có thể làm việc trong một cơ sở hành nghề đa lĩnh vực (“MDP”). Hầu hết MDP được SRA quy định và được phân biệt với các công ty luật bởi các quy tắc cho phép những người không phải là luật sư nắm giữ quyền sở hữu các công ty này. luật sư có thể trở thành chủ sở hữu hoặc người quản lý MDP.
Các quy định điều chỉnh nguyên tắc hành nghề của luật sư.
Sổ tay SRA đưa ra các tiêu chuẩn và yêu cầu mà các pháp nhân cũng như các luật sư hoạt động riêng lẻ phải tuân thủ thường xuyên. Phiên bản 18 của Sổ tay được xuất bản vào ngày 01 tháng 11 năm 2016, theo đó ba loại quy tắc khác nhau mà luật sư phải tuân thủ, bao gồm: (1) Nguyên tắc SRA – tiêu chuẩn bắt buộc về đạo đức và nghề nghiệp mà tất cả những người hành nghề phải tuân thủ; (2) Bộ Quy tắc Ứng xử SRA 2011 (SRA Code of behavior) – các tiêu chuẩn đạo đức mà SRA khuyến khích đối với luật sư và (3) một tập hợp các yêu cầu và quy tắc liên quan đến các yếu tố cụ thể của việc điều hành một công ty cung cấp dịch vụ pháp lý được quy định trong Quy tắc hoạt động SRA 2011. Phần 2 của Sổ tay luật sư (BSB Handbook) cung cấp quy tắc ứng xử cho luật sư, bao gồm Nhiệm vụ cốt lõi (CD), Kết quả (o), Hướng dẫn (g), Quy tắc và Quy định (r). Ấn bản thứ hai của Sổ tay BSB được xuất bản vào tháng 4 năm 2015./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Danh mục các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam đã ký kết tính đến nay. Truy cập tại: https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018
- Bộ Tư pháp, Nghề luật sư ở Mỹ. Truy cập tại http://www.luattamquang.vn/news.aspx? ID=223&CatID=135# ixzz6cGahp9yE
- Vincent R. Johnson, Virginia Coyle, 1990, Sự chuyển biến của nghề luật, ưu điểm của luật sư “làm thuê”, https://core.ac.uk/download/pdf/228922851.pdf.
- Trung tâm ABA về trách nhiệm của luật sư, hướng dẫn thực hành hỗ trợ pháp lý về trách nhiệm chuyên nghiệp 12 (2d ed. 2004).
- Các quy định về nghề luật sư tại Pháp. Truy cập tại: https://www.cnb.avocat.fr/en/legal-profession-france.
- Suzanne Rab, Serle Court Chambers. Các quy định về hành nghề luật sư tại Anh (England and Wales). Truy cập tại: https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/7-633-7078?transitionType=Default&contextData= (sc.Default)& firstPage=true
- Quy tắc Khung về Thực hành (SRA 2011) và Đạo luật về luật sư 1974. Truy cập tại: https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/7-633-7078?transitionType=Default&contextData= (sc.Default)& firstPage=true
- Truy cập tại https://cilexregulation.org.uk/
Trả lời