Áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên theo Công ước viên năm 1980
Tác giả: Đinh Thị Tâm [1]
TÓM TẮT
Trong quan hệ hợp đồng nói chung, hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng, các bên bị ràng buộc bởi tập quán mà họ đã thỏa thuận và bởi các thói quen đã được xác lập giữa họ. Nói cách khác, tập quán và thói quen được coi là nguồn luật điều chỉnh các quan hệ đó.Bài viết phân tích hai căn cứ áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 CISG. Thực tiễn áp dụng các quy định này thông qua việc nghiên cứu thực tiễn xét xử trong đó tòa án, trọng tài đưa ra quan điểm của mình về căn cứ áp dụng tập quán, cũng như cách thức xác định thói quen của các bên để trở nên có giá trị ràng buộc.
1. Một số khái niệm liên quan
Tập quán là một thuật ngữ có thể được hiểu theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt, tập quán là: “thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được mọi người công nhận và làm theo”2. Từ điển Luật học định nghĩa tập quán là: “những quy tắc xử sự được hình thành một cách tự phát lâu ngày thành thói quen trong đời sống xã hội hoặc giao lưu quốc tế, đang tồn tại và được các chủ thể thừa nhận như là quy tắc xử sự chung”3. Theo Khoản 1 Điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015: “Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”.
Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tập quán, nhưng các quan điểm đều thống nhất thừa nhận tập quán là thói quen được hình thành và tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội. Một quy tắc xử sự để được thừa nhận là tập quán thì quy tắc đó phải được một cộng đồng dân cư trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực hoạt động xã hội nhất định thừa nhận và áp dụng rộng rãi. Theo đó, một quy tắc xử sự chỉ được coi là tập quán khi thỏa mãn các điều kiện: “(i) Tính lặp đi lặp lại; (ii) Tồn tại trong một thời gian dài; (iii) Được thừa nhận rộng rãi; (iv) Có nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ”4.
Tập quán tồn tại trên thực tế bao gồm nhiều loại, có thể là tập quán trong cộng đồng dân cư của một vùng, miền, dân tộc hoặc trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tập quán có thể là tập quán trong nước hoặc tập quán quốc tế. Tập quán trong nước được hiểu là các tập quán được thừa nhận và áp dụng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Còn tập quán quốc tế là những tập quán được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong các quan hệ giữa các quốc gia. Với tư cách là một loại quy tắc xử sự, tập quán nói chung và tập quán quốc tế nói riêng được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống như chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại… Hiện nay, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, những tập quán được áp dụng rộng rãi làcác điều khoản thương mại quốc tế (viết tắt tên tiếng Anh là Incoterms) do Phòng thương mại quốc tế (ICC) ban hành, các quy tắc và thực hành chung về tín dụng chứng từ (viết tắt tên tiếng Anh là UCP), các điều khoản liên quan đến hợp đồng xây dựng do Liên đoàn Kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC) ban hành.
Trong pháp luật thương mại Việt Nam, thói quen được định nghĩa tại Khoản 3 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 như sau: “Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại”.
Như vậy, “thói quen” là quy tắc xử sự mà các bên đã lặp lại nhiều lần. Một thói quen được xác lập giữa các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế sẽ ràng buộc các bên, trừ trường hợp các bên đã loại trừ rõ ràng việc áp dụng thói quen đó. Trên thực tế, “việc xem xét liệu một thói quen cụ thể có được coi là đã được “xác lập” giữa các bên hay không thường phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng cách xử sự của các bên trong một giao dịch trước đó, nhìn chung không thể được coi là một thói quen”5.
2. Quy định về áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên theo Công ước Viên năm 1980 và thực tiễn áp dụng
2.1. Quy định về áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên theo Công ước Viên năm 1980
Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là CISG) và Công ước này đã chính thức có hiệu lực bắt buộc đối với Việt Nam kể từ ngày 01/01/2017, có nghĩa là CISG sẽ đương nhiên được áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của một nước thành viên khác, chỉ trừ khi hợp đồng của các bên minh thị loại trừ áp dụng. Mặc dù CISG là một quy định thống nhất luật thực chất, tức là một công ước chứa đựng các quy phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng Công ước này không quy định mọi vấn đề liên quan đến loại hợp đồng này, chẳng hạn như năng lực của các bên. Ngoài ra, những người soạn thảo CISG cũng ý thức được rằng các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên cũng không thể đầy đủ, bao quát hết được mọi trường hợp nên cần phải có quy định bổ khuyết. Một trong những quy định đó chính là Điều 9 quy định về áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên.
Cụ thể, Điều 9 CISG quy định:
1/ Các bên bị ràng buộc bởi tập quán mà họ đã thỏa thuận và bởi các thói quen giữa họ.
2/ Trừ trường hợpcác bên thỏa thuận khác, có thể cho rằng các bên ký hợp đồng có ngụ ý áp dụng những tập quán mà họ đã biết hoặc cần phải biết và đó là những tập quán có tính chất phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực buôn bán hữu quan để điều chỉnh hợp đồng của mình hoặc điều chỉnh việc ký kết hợp đồng đó.
Như vậy, Điều 9 quy định trong trường hợp nào các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG bị ràng buộc bởi tập quán cũng như các thói quen giữa họ6. Theo quy định này, tập quán và thói quen được áp dụng trong hai trường hợp khác nhau.
Thứ nhất, tập quán được áp dụng khi các bên lựa chọn (Khoản 1 Điều 9).
Thứ hai, ngay cả khi các bên không rõ ràng lựa chọn tập quán thì tập quán vẫn được áp dụng khi có căn cứ để khẳng định rằng các bên ngầm quy chiếu đến tập quán mà họ biết hoặc phải biết. Đây là hai căn cứ khác nhau nên việc áp dụng cũng phải tuân theo các nguyên tắc khác nhau. Ngoài ra, tập quán và thói quen của các bên rất đa dạng và phức tạp, trong khi CISG chỉ quy định về khả năng áp dụng tập quán7 nhưng không định nghĩa thế nào là tập quán8 nên việc xác định tập quán, cũng như thói quen của các bên đặt ra khá nhiều thách thức đối với cơ quan giải quyết tranh chấp. Phần tiếp sau đây chúng tôi sẽ làm rõ những thách thức này thông qua việc phân tích thực tiễn xét xử.
2.2. Thực tiễn áp dụng quy định về áp dụng tập quán và thói quen giữa các bên theo Công ước Viên năm 1980
Thứ nhất, Áp dụng tập quán mà các bên thỏa thuận và thói quen giữa các bên.
Theo quy định của Khoản 1 Điều 9, các bên bị ràng buộc bởi mọi tập quán mà họ đã lựa chọn. Thực tiễn xét xử cho thấy, các cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án, trọng tài) không yêu cầu thỏa thuận lựa chọn phải minh thị hay bằng văn bản. Thực tế, một tòa án của Áo9 đã kết luận rằng thỏa thuận lựa chọn áp dụng tập quán không nhất thiết phải được thể hiện dưới dạng một điều khoản rõ ràng trong hợp đồng, mà có thể ngầm suy từ các điều khoản trong hợp đồng cũng như các trao đổi và ứng xử của các bên. Cũng theo tòa án này, Khoản 1 Điều 9 – khác với Khoản 2 Điều 9 – không đòi hỏi rằng tập quán phải được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia10. Điều này có nghĩa là khi các bên lựa chọn một tập quán nào đó, dù đó là tập quán địa phương, tập quán vùng hay tập quán quốc tế thì các bên bị ràng buộc bởi tập quán đó, miễn là họ thống nhất lựa chọn. Vẫn theo tòa án trên, nhưng trong một vụ việc khác, đã chỉ ra rằng các tập quán không nhất thiết phải được thừa nhận rộng rãi để trở thành ràng buộc theo Khoản 1 Điều 9, khác với Khoản 2 Điều 911. Tóm lại, khi áp dụng tập quán theo Khoản 1 Điều 9, thì điều kiện duy nhất cần thỏa mãn, đó là sự lựa chọn của các bên.
Theo Khoản 1 Điều 9, các bên cũng bị ràng buộc bởi thói quen mà họ đã thiết lập trong quá trình giao dịch. Bộ nguyên tắc Unidroit, một văn kiện pháp lý không có tính chất ràng buộc, nhưng thường xuyên được trọng tài thương mại cũng như các tòa án quốc gia sử dụng như một nguồn luật để giải thích CISG12, thậm chí còn mở rộng nguyên tắc này sang mọi loại hợp đồng thương mại quốc tế, chứ không chỉ áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Cụ thể, Điều 1.9-1 Bộ nguyên tắc quy định rằng “Các bên trong hợp đồng bị ràng buộc bởi những tập quán mà họ đã thỏa thuận và bởi các thói quen đã được xác lập giữa họ”.
Thực tiễn xét xử ở nhiều quốc gia cho thấy, cơ quan giải quyết tranh chấp thường xuyên phải xác định ý chí thực của các bên thông qua việc xem xét thói quen mà họ đã thiết lập với nhau trong các giao dịch trước13. Ví dụ, một tòa trọng tài đã kết luận rằng người bán có nghĩa vụ giao nhanh chóng các bộ phận thay thế bởi vì điều này đã trở thành một “thói quen” hay “thực tiễn bình thường” giữa các bên14. Trong một vụ việc khác, bên bán Italy đã giao hàng cho bên mua trong vòng nhiều tháng liên tục mà chưa được người mua thanh toán. Sau đó, do nhu cầu tái cơ cấu nên bên bán đã chuyển giao quyền đòi những khoản chưa thanh toán cho một công ty khác. Sau đó, bên bán chấm dứt quan hệ thương mại với bên mua và tranh chấp xảy ra. Tòa phúc thẩm Grenoble (Pháp) đã cho rằng, giữa các bên đã có một thói quen được thiết lập rằng việc chậm thanh toán không trở thành một căn cứ để đơn phương chấm dứt quan hệ thương mại mà không báo trước15. Trong một vụ việc khác, vẫn tòa án đó đã xét rằng người bán không thể viện dẫn nguyên tắc quy định tại Điều 18 CISG theo đó chỉ riêng sự im lặng của người bán chưa đủ để trở thành một chấp nhận bởi các bên đã có một thói quen theo đó người bán trả lời các đơn đặt hàng của người mua mà không chấp nhận chúng một cách minh thị16.
CISG không định nghĩa thời điểm các thói quen trở thành “thói quen được thiết lập giữa các bên”. Theo quan điểm của một số tòa án, một thói quen ràng buộc các bên theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 chỉ khi quan hệ giữa các bên đã kéo dài trong một khoảng thời gian và thói quen này đã được thể hiện rõ trong nhiều hợp đồng. Một tòa án đã nhận định rằng Khoản 1 Điều 9 “đòi hỏi một ứng xử đều đặn giữa các bên […] và kéo dài trong một khoảng thời gian với một tần suất nhất định […]. Các điều kiện về thời gian và tần suất này chưa được đáp ứng khi mà cách ứng xử này giữa các bên mới chỉ xảy ra hai lần. Con số hai lần là quá nhỏ”17. Trong một vụ việc khác, bên bán cho rằng các thông tin về tài khoản ngân hàng trên hóa đơn của bên bán đã thiết lập một thói quen giữa bên bán và bên mua và buộc người mua phải thực hiện việc thanh toán cho ngân hàng của người bán. Lập luận này của bên bán đã không được tòa án chấp nhận. Tòa án đã đánh giá rằng ngay cả khi các hóa đơn tương ứng với các hợp đồng riêng lẻ giữa các bên, thì chúng cũng không đủ để thiết lập một thói quen theo nghĩa của Khoản 1 Điều 9 CISG. Theo quan điểm của tòa án này, để một thói quen được thiết lập, thì phải có một mối quan hệ lâu dài trước đó và phải có nhiều hơn nữa các hợp đồng mua bán giữa các bên18. Một tòa án khác nhận định rằng một vụ việc trước đó giữa các bên chưa đủ để tạo thành thói quen theo nghĩa của Khoản 1 Điều 919.
Về nghĩa vụ chứng minh, các tòa đều thống nhất rằng bên viện dẫn sự tồn tại một thói quen hay một tập quán ràng buộc có nghĩa vụ chứng minh rằng các điều kiện của Khoản 1 Điều 9 được thỏa mãn20.
Thứ hai, Áp dụng tập quán mà các bên biết hoặc phải biết.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9, các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể bị ràng buộc bởi một tập quán thương mại ngay cả khi các bên không có thỏa thuận trong trường hợp các bên “đã biết hoặc phải biết” về tập quán này. Tuy nhiên, khác với tập quán quy định trong Khoản 1, tập quán trong trường hợp này phải làtập quán “có tính chất phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực buôn bán hữu quan để điều chỉnh hợp đồng của mình hoặc điều chỉnh việc ký kết hợp đồng đó”. Thậm chí có Tòa án đã diễn giải Khoản 2 Điều 9 theo nghĩa rất rộng, tới mức “các tập quán và các thói quen giữa các bên hoặc của ngành nghề tự động trở thành một thỏa thuận được điều chỉnh bởi CISG” và các tập quán này chỉ không được áp dụng khi “các bên minh thị loại trừ chúng”21.
Các tập quán ràng buộc các bên theo Khoản 2 Điều 9 sẽ được ưu tiên áp dụng so với các quy định của Công ước22. Điều này có nghĩa là nếu tập quán đủ điều kiện để áp dụng có nội dung khác hoặc trái so với các quy định của CISG thì tập quán đó sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý là tập quán sẽ không được ưu tiên áp dụng so với các quy định trong hợp đồng, ngay cả khi tập quán thỏa mãn các tiêu chí của Khoản 2 Điều 9, bởi vì sự tự do định đoạt của các bên là căn cứ quan trọng nhất làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo CISG23.
Để trở nên ràng buộc theo quy định của Khoản 2 Điều 9, tập quán phải được các bên biết đến (hoặc được suy đoán là các bên cần phải biết đến) và phải được biết rộng rãi và thường xuyên được áp dụng trong thực tiễn thương mại quốc tế. Cần lưu ý rằng tiêu chí “thường xuyên được áp dụng trong thực tiễn thương mại quốc tế” không có nghĩa là tập quán buộc phải là tập quán thương mại quốc tế mới có thể trở thành ràng buộc. Theo một tòa án của Áo, các tập quán được áp dụng tại các sở giao dịch hàng hóa, các hội chợ… có thể trở nên ràng buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 nếu chúng thường xuyên được áp dụng trong các giao dịch giữa các bên không thuộc quốc gia có các sở giao dịch hay hội chợ đó, miễn là họ đã biết và đã áp dụng các tập quán đó24. Vẫn theo Tòa án này, một tập quán địa phương chỉ được áp dụng trong một nước xác định có thể được áp dụng cho một hợp đồng được ký với một bên nước ngoài, nếu bên này đã thường xuyên có các hoạt động kinh doanh tại nước này và đã thực hiện nhiều giao dịch cùng loại với hợp đồng đang tranh chấp.
Điều kiện theo đó các bên biết hoặc phải biết về một tập quán trước khi tập quán đó trở thành ràng buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 được diễn giải theo hướng các bên phải có hoạt động trong khu vực địa lý nơi tập quán này được áp dụng hoặc các bên đã tiến hành các giao dịch thương mại một cách liên tục trong khu vực nơi tập quán này được áp dụng và trong một khoảng thời gian đáng kể25. Theo một quyết định trước đó cũng của Tòa án Áo đã trích ở trên, một bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chỉ phải biết các tập quán thương mại quốc tế được biết rộng rãi và áp dụng thường xuyên bởi các bên tham gia các hợp đồng cùng loại, trong khu vực địa lý cụ thể ở đó bên này có hoạt động26.
Trong thực tiễn cũng đã xảy ra khá nhiều tranh chấp về lãi suất đối với phần tiền chậm trả mà để giải quyết, tòa án đã phải áp dụng Khoản 2 Điều 9 CISG. Ví dụ, một Tòa án của Argentina đã nhận định rằng lãi suất chậm trả tính theo “một lãi suất quốc tế được biết đến và sử dụng như lãi ưu đãi” tạo thành “một tập quán được chấp nhận trong thương mại quốc tế, ngay cả khi các bên không thỏa thuận”27. Trong một vụ việc khác, vẫn Tòa án này đã đưa ra quan điểm đó, nhưng thêm rằng “Công ước [CISG] trao cho các tập quán thương mại một thứ tự ưu tiên áp dụng cao hơn các quy định của Công ước”28.
Trong khá nhiều vụ việc, cơ quan giải quyết tranh chấp viện dẫn Điều 9 để giải quyết vấn đề không trả lời một thư xác nhận có đồng nghĩa với việc chấp nhận các điều kiện nêu trong thư này hay không? Được yêu cầu xác định sự im lặng của một bên khi nhận được thư khẳng định (letter of confirmation) có đồng nghĩa với sự đồng ý của bên đó với nội dung của bức thư đó không, một tòa án đã kết luận rằng để ràng buộc các bên, thì phải tồn tại tại tất cả các nước hữu quan tập quán sự im lặng là đồng ý29. Trong vụ việc mà Tòa án được yêu cầu giải quyết, tập quán về sự im lặng đối với thư xác nhận không có nghĩa là đồng ý, tòa án đã kết luận rằng các điều kiện quy định trong thư xác nhận không trở thành một bộ phận của hợp đồng. Một Tòa án khác đã nhận định rằng một thư xác nhận chỉ ràng buộc các bên “nếu cách thức giao kết hợp đồng này được coi là tập quán thương mại theo nghĩa của Điều 9 CISG”30.
Một vấn đề nữa mà các cơ quan giải quyết tranh chấp thường phải giải quyết đó là mối quan hệ giữa Khoản 2 Điều 9 và Incortemrs31. Một Tòa án của Thụy Sỹ cho rằng Khoản 2 Điều 9 CISG cho phép áp dụng Incotermsđối với hợp đồng, ngay cả khi hợp đồng không có quy định rõ ràng nào về áp dụng Incoterms. Trong hợp đồng gây tranh chấp, các bên có thỏa thuận về điều kiện giao hàng “CIF” (mà không quy định rõ điều kiện CIF trong Incoterms). Theo tòa án này, có thể suy đoán rằng các bên mong muốn quy dẫn đến định nghĩa của Incoterms vềđiều kiện giao hàng này32. Trong một vụ việc khác, một Tòa án của Italy kết luận rằng khi các bên quy định trong hợp đồng điều kiện giao hàng FOB thì có nghĩa là các bên muốn sử dụng điều kiện giao hàng FOB trong Incoterms33. Liên quan đến Bộ nguyên tắc Unidroit, nhiều cơ quan xét xử đã khẳng định rằng Bộ nguyên tắc này “là các tập quán thuộc loại được quy định tại Khoản 2 Điều 9 của CISG”34.
3. Kết luận và khuyến nghị
Các phân tích ở trên về Điều 9 CISG liên quan đến áp dụng tập quán thương mại quốc tế và thói quen giữa các bên, cũng như thực tiễn áp dụng quy định này bởi các tòa án quốc gia cũng như các hội đồng trọng tài thương mại cho thấy tập quán và thói quen giữa các bên đóng vai trò rất quan trọng trong thương mại quốc tế. Đây là một căn cứ rất quan trọng để xác định ý chí, cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
Cần lưu ý rằng, khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 9, tập quán được ưu tiên áp dụng so với các quy định của Công ước. Nói cách khác, nếu các quy định của Công ước mà khác hoặc trái so với nội dung của tập quán thì tập quán vẫn được ưu tiên áp dụng.
Một điểm nữa cần lưu ý là căn cứ áp dụng tập quán quy định tại Điều 9 CISG có một số khác biệt so với căn cứ áp dụng tập quán đối với quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả thương mại quốc tế) trong pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 666 BLDS năm 2015, tập quán được áp dụng khi các bên được quyền chọn và đã chọn tập quán. Như vậy, để được áp dụng, tập quán phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là pháp luật cho phép các bên trong một quan hệ cụ thể lựa chọn tập quán. Ví dụ, pháp luật Việt Nam cho phép các bên tham gia các quan hệ thương mại lựa chọn áp dụng tập quán (Điều 5 Luật thương mại năm 2005). Điều kiện đủ là các bên đã lựa chọn tập quán để áp dụng đối với quan hệ của mình. Ví dụ, trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên lựa chọn điều kiện giao hàng FOB Incoterms 2020. Như vậy, căn cứ áp dụng tập quán theo CISG và pháp luật Việt Nam giống nhau ở điểm là phải được các bên lựa chọn. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 9 CISG còn cho phép áp dụng tập quán ngay khi các bên không lựa chọn tập quán. Đây là một điểm khác biệt rất quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được. Trong pháp luật Việt Nam, khi các bên không lựa chọn tập quán thì cơ quan giải quyết sẽ không có nghĩa vụ áp dụng tập quán.
Khi tham gia hợp đồng kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp không chỉ cần phải hiểu luật mà còn phải biết đến các tập quán có liên quan. Về tính chất quốc tế của tập quán, các đạo luật của Việt Nam thường sử dụng khái niệm “tập quán quốc tế” mà không có định nghĩa thế nào là tập quán quốc tế. Chính từ “quốc tế” khiến cho người đọc có thể hiểu nhầm rằng đó phải là tập quán tồn tại và được biết đến bởi các chủ thể của nhiều nước. Tuy nhiên, thực tế xét xử các tranh chấp liên quan đến áp dụng tập quán theo Điều 9 CISG cho thấy tập quán không nhất thiết phải là tập quán quốc tế. Các tập quán địa phương vốn chỉ tồn tại và được áp dụng ở một nước (ví dụ các tập quán trong một sở giao dịch chứng khoán của một nước, các tập quán trong một hội chợ của một nước…) vẫn có thể được áp dụng miễn là các bên trong quan hệ biết đến hoặc được suy đoán phải biết tập quán đó.
Cuối cùng, thói quen giữa các bên cũng là một căn cứ quan trọng để xác định xem hợp đồng đã được giao kết chưa, cũng như để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Sở dĩ như vậy là vì hợp đồng của các bên có thể không đầy đủ, ngôn từ của các bên không rõ ràng… Khi đó các ứng xử trước đó cần được sử dụng để xác định ý định thực sự của các bên. Cần lưu ý rằng không có một định nghĩa nào về thói quen, về độ lặp lại của các ứng xử để được coi là “thói quen được thiết lập giữa các bên”. Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ dựa vào các tình tiết cụ thể để xác định sự lặp lại bao nhiêu lần, trong bao nhiêu thời gian thì được coi là “thói quen được thiết lập giữa các bên” để trở nên ràng buộc tùy theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các án lệ trong khuôn khổ áp dụng CISG là rất cần thiết đối với doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh quốc tế./.
CHÚ THÍCH
- Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.
- Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, tr.901.
- Bộ Tư Pháp, Viện Khoa học Pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Nxb. Tư pháp, tr.693.
- Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng – Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân trí, tr. 113.
- Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế 2004, bản tiếng Việt do Nguyễn Minh Hằng (trưởng nhóm) dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 65.
- Về áp dụng CISG, xem thêm: Conférence des Nations Unies sur les contrats de vente internationale de marchandises, Vienne, 10 mars-1er avril 1980, Documents officiels, Documents de la Conférence et comptes rendus analytiques des séances plénières et des séances des commissions principales, tr. 20.
- UNCITRAL, Decision 425 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 21 mars 2000]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.at/10_34499g,htm. truy cập ngày 11/9/2020.
- Và vì vậy, hiệu lực của các tập quán được điều chỉnh bởi luật quốc gia. Xem: UNCITRAL, Decision 425[Oberster Gerichtshof, Autriche, 21 mars 2000]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.at/10_34499g.htm, truy cập ngày 11/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 425 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 21 mars 2000]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.at/10_34499g.htm, truy cập ngày 11/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 425 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 21 mars 2000]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.at/10_34499g.htm, truy cập ngày 11/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 240 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 15 octobre 1998]. Có thể xem được tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/981015a3.html, truy cập ngày 11/9/2020.
- UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 Edition, tr. 63 và tiếp theo.
- Về giải thích hợp đồng dựa trên thói quen của các bên, xem thêm: Ngô Quốc Chiến và Đinh Cao Thanh, 2016, “Giải thích hợp đồng theo CISG và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 85 tháng 10/2016, tr. 104-120.
- Tòa trọng tài CCI, phán quyết số 8611/HV/JK. Xem trích dẫn và bình luận tại: UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 Edition, tr. 63 và tiếp theo.
- UNCITRAL, Decision 202, France [Cour d’appel, Grenoble, France, 13 septembre 1995]. Có thể xem tại: https://cisgw3.law.pace.edu/cases/950913f1.html, truy cập ngày 11/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 313 [Cour d’appel, Grenoble, France, 21 octobre 1999]. Có thể xem tại: http://www.cisg.fr/cgi-bin/createpdf.cgi?id=120, truy cập ngày 11/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 360 [Amtsgericht Duisburg, Allemagne, 13 avril 2000. Có thể xem được tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/000413g1.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 221 [Zivilgericht des Kantons Basel-Stadt, Suisse, 3 décembre 1997]. Có thể xem được tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/971203s2.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- Landgericht Zwickau, Allemagne, 19 mars 1999. Có thể xem được tại: http://www.jura.uni- freiburg.de/ipr1/cisg/urteile/text/519.htm, truy cập ngày 12/9/2020.
- Xem chẳng hạn: UNCITRAL, Decision 360 [Amtsgericht Duisburg, Allemagne, 13 avril 2000]. http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960206a3.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 579 [U.S. [Federal District Court, Southern District of New York, 10 mai 2002]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/wais/db/cases2/020510u1.html#vi, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 425 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 21 mars 2000]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.at/10_34499g.htm, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 292 [Oberlandesgericht Saarbrücken, Allemagne, 13 janvier 1993]. Có thể xem được tại: https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/fr/cisg-digest-2012-f.pdf, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 175 [Oberlandesgericht Graz, Autriche, 9 novembre 1995]. Có thể xem được tại: https://cisgw3.law.pace.edu/cases/951109a3.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 425 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 21 mars 2000]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.at/10_34499g.htm, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 240 [Oberster Gerichtshof, Autriche, 15 octobre 1998]. Có thể xem được tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/981015a3.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- Juzgado Nacional de Primera Instancia en lo Comercial n° 10, Argentine, 23 octobre 1991. Xem trích dẫn và bình luận tại: UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 Edition, tr. 63 và tiếp theo.
- Juzgado Nacional de Primera Instancia en lo Comercial n° 10, Argentine, 6/10/1994. Xem trích dẫn và bình luận trong: UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 edition.
- UNCITRAL, Decision 276 [Oberlandesgericht Frankfurt am main, Allemagne, 5 juillet 1995]. Có thể xem trích dẫn và bình luận tại: https://www.uncitral.org/pdf/french/clout/Second_edition_french.pdf [truy cập ngày 12/9/2020].
- UNCITRAL, Decision 95 [Zivilgericht Basel-Stadt, Suisse, 21 décembre 1992]. Có thể xem được tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/921221s1.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 447 [ Federal District Court, Southern District of New York, États-Unis d’Amérique, 26 mars 2002]. Có thể xem được tại: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/wais/db/cases2/020326u1.html, truy cập ngày 12/9/2020.
- UNCITRAL, Decision 447 Federal District Court, Southern District of New York, États-Unis d’Amérique, 26 mars 2002. Có thể xem được tại: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/wais/db/cases2/020326u1, html. truy cập ngày 12/9/2020.
- Corte d’appello Genova, Italy, 24/3/1995. Được trích dẫn và bình luận trong: UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 Edition.
- Xem chẳng hạn: Tòa trọng tài thương mại thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Liên bang Nga, phán quyết số 229/1996 ngày 5/6/ 1997. Bản tóm tắt bằng tiếng Anh có thể xem được tại: http://www.unilex.info/case.cfm?pid=1&do=case&id=669&step=Abstract, truy cập ngày 12/9/2020; Tòa trọng tài CCI, phán quyết trọng tài số 9333, được trích dẫn và bình luận trong: UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 Edition.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Tư Pháp, Viện Khoa học Pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Nxb Tư pháp.
- Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế 2004, bản tiếng Việt do Nguyễn Minh Hằng (trưởng nhóm) dịch, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.
- Ngô Quốc Chiến và Đinh Cao Thanh (2016), “Giải thích hợp đồng theo CISG và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Số 85 – Tháng 10/2016.
- Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng – Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân trí.
- Trường Đại học Ngoại thương – VIAC, 101 Câu hỏi-đáp về Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), tài liệu cung cấp online: https://drive.google. com/file/d/0B7zHg8isURzVbXdhb UU0Q1JfaHc/view.
- Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học.
- Marie-Claude Rigaud, Guy Lefebvre (2010), “Les usages du commerce international: Où en sommes-nous? Où en sont-ils?”,La Revue Du Barreau canadien, Vol.89/2010.
- UNCITRAL, Decision 425, Oberster Gerichtshof, Autriche, 21/3/2000.
- UNCITRAL, Decision 240, Oberster Gerichtshof, Autriche, 15/10/1998.
- UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 2016 edition.
- UNCITRAL, Decision 202, France,Cour d’appel, Grenoble, France, 13/9/1995.
- UNCITRAL, Decision 313,Cour d’appel, Grenoble, France, 21/10/1999.
- UNCITRAL, Decision 360, Amtsgericht Duisburg, Allemagne, 13/4/2000.
- UNCITRAL, Decision 221, Zivilgericht des Kantons Basel-Stadt, Suisse, 3/12/1997.
- UNCITRAL, Decision 360, Amtsgericht Duisburg, Allemagne, 13/4/2000.
- UNCITRAL, Decision 579, U.S. Federal District Court, Southern District of New York, 10/5/2002.
- UNCITRAL, Decision 292, Oberlandesgericht Saarbrücken, Allemagne, 13/1/1993.
- UNCITRAL, Decision 276, Oberlandesgericht Frankfurt am main, Allemagne, 5/7/1995.
- UNCITRAL, Decision 95, Zivilgericht Basel-Stadt, Suisse, 21/12/1992.
- UNCITRAL, Decision 447, Federal District Court, Southern District of New York, United States of America, 26/3/2002.
Trả lời