Mục lục
Bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên trong tố tụng hình sự hiện nay ở các nước trên thế giới
Tác giả: Liêu Chí Trung [1]
TÓM TẮT
Trải qua hàng nghìn năm phát triển của lịch sử, đến nay luật pháp ở hầu hết các nước đều quy định về sự tham gia của người dân vào hoạt động xét xử đối với các vụ án hình sự. Tùy theo quan điểm, điều kiện và mô hình tổ chức ở mỗi nước mà vai trò đại diện của người dân trong hoạt động tố tụng hình sự được gọi là bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên với việc tổ chức, hoạt động có được thể hiện khác nhau. Bài viết giới thiệu về những nét cơ bản về điều kiện, vai trò, hoạt động đại diện nhân dân trong tố tụng hình sự ở các nước hiện nay trên thế giới.
1. Điều kiện để trở thành bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên
Về cơ bản, tuy tên gọi có khác nhau, nhưng điều kiện để trở thành bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyênở các nước hiện nay đều có những yêu cầu khá tương đồng. Cụ thể, các nước đều quy định đối tượng được lựa chọn trước hết phải là công dân (cử tri) của nước đó, thậm chí là công dân ở phạm vi địa bàn tòa án xét xử.
Về tiêu chuẩn độ tuổi, thông thường người được chọn phải là người trưởng thành, có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ (ở Mỹ, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ 18 tuổi trở lên; Hàn Quốc từ 20 tuổi trở lên; Cộng hòa Pháp, Đài Loan từ 23 tuổi trở lên; Nhật Bản là người có quyền bỏ phiếu bầu vào hạ nghị viện; Liên bang Nga từ 25 tuổi trở lên,…). Cùng với đó, hầu hết ở các nước không quy định về kiến thức pháp lý và đòi hỏi quá cao về trình độ chuyên môn, sự hiểu biết về xã hội (ở Mỹ chỉ cần biết đọc và viết tiếng Anh; Nhật Bản chỉ cần học xong chương trình phổ thông bắt buộc (lớp 9); Trung Quốc phải có trình độ từ cao đẳng trở lên; Liên bang Nga quy định là người có năng lực hành vi pháp lý). Ngoài ra, ở các nước cũng quy định người được chọn làm bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên cần phải có sức khỏe bảo đảm và không có nhược điểm về thể chất, tinh thần. Mặt khác, những trường hợp sẽ không được làm bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên khi họ đang đảm nhận các vị trí trong các cơ quan tư pháp, đang là luật sư, có quan hệ với bị cáo, đã bị kết án hình sự,… và có cơ sở cho thấy sự tham gia của họ có thể khiến việc xét xử không khách quan2.
Về quy trình lựa chọn, tại Mỹ hay Úc, bồi thẩm đoàn được thực hiện ngẫu nhiên, thường là từ hồ sơ đăng ký cử tri. Tại Cộng hòa Italia, các thẩm phán nghiệp dư được lựa chọn từ một danh sách do chính quyền thành phố bất kỳ lập ra và xem xét thông qua một cơ chế phức tạp. Giống như bồi thẩm đoàn ở các nước có hệ thống luật Anh – Mỹ, bồi thẩm đoàn ở Nga có 12 thành viên được lựa chọn ngẫu nhiên từ một ủy ban. Trong khi đó, ở một số ít các nước khác như Trung Quốc, việc này được tiến hành theo hình thức bầu theo nhiệm kỳ.
2. Vai trò, nhiệm vụ của bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên trong xét xử hình sự
Ở các nước, pháp luật quy định khá rõ về vai trò, nhiệm vụ của bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên. Những người sau khi được lựa chọn để tham gia xét xử phải có mặt và tích cực tham gia vào hoạt động xét xử tại phiên tòa một cách khách quan, vô tư và phải tuyên thệ.
Theo quy định của hầu hết các nước thì đại diện công dân với tư cách bồi thẩm, hội thẩm sẽ phải tham gia xét xử ở các vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, như: giết người, hãm hiếp, ma túy,… Tại Liên bang Nga, xét xử có bồi thẩm đoàn đã được sử dụng từ năm 1864 và trong thời kỳ của nhà nước Xô viết được thay thế bằng hệ thống tòa án kiểu mới với sự tồn tại của hội thẩm nhân dân. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhất là trong những năm gần đây, việc thay đổi mô hình tố tụng với sự hình thành của chế độ bồi thẩm đoàn được coi là một trong những điểm nhấn lớn trong cải cách tư pháp của nước này. Các bồi thẩm ở Nga nghị án độc lập với thẩm phán, điều này có phần khác hơn so với các tòa án có tính chất pha trộn như trong thời kỳ Xô viết trước đây hay ở châu Âu lục địa. Nói cách khác, vai trò của hội thẩm được thể hiện một cách rõ nét và độc lập hơn trong quá trình tố tụng và xét xử đối với các vụ án hình sự.
Trong khi đó, tại Cộng hòa Pháp, bồi thẩm được quy định tham gia xét xử trong các vụ án hình sự nghiêm trọng. Theo đó, đối với những loại trọng tội (có thể phạt tù từ 10 năm trở lên) sẽ do Tòa đại hình xét xử. Tòa đại hình (“cour d’assises”) bao gồm các bồi thẩm, trong đó 9 bồi thẩm cho phiên tòa sơ thẩm và 12 bồi thẩm cho phiên tòa phúc thẩm. Tại Cộng hòa Italia, đối với những vụ án nguy hiểm, mà bị cáo có thể bị kết án chung thân hoặc lên tới 24 năm tù giam và một số loại tội phạm cụ thể khác, thẩm quyền xét xử sẽ thuộc về một tòa án đặc biệt gọi là Tòa đại hình (Corte d’Assise). Tòa này gồm 2 thẩm phán chuyên nghiệp và 6 thẩm phán nghiệp dư. Bên cạnh đó, các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án vị thành niên cũng được xét xử bởi một hội đồng gồm hai thẩm phán chuyên nghiệp và hai thẩm phán nghiệp dư. Các vụ vi cảnh, tức là những vụ hình sự nhỏ chỉ có thể bị truy tố sau khi có khiếu nại của người bị hại, lại được xét xử bởi một thẩm phán sơ thẩm nghiệp dư của tòa hòa giải. Nhiệm vụ chính của vị thẩm phán nghiệp dư này là nhằm thúc đẩy hòa giải giữa các bên để thiết lập lại trật tự xã hội mà không cần áp dụng các biện pháp hình sự.
Ở Mỹ, một bồi thẩm đoàn có 12 người và các thành viên dự khuyết.Khi xét xử, bồi thẩm đoàn thường phải ngồi bị động và không được hỏi ai bất cứ câu hỏi nào (dẫu có một số nơi có thí điểm khác). Cũng theo quy định, ở Mỹ, tòa án không có quyền ra lệnh cho bồi thẩm đoàn xem xét một tội danh lớn hơn với tội danh mà công tố viên và đại bồi thẩm đoàn đã buộc tội cho bị cáo. Đối với Úc, cách thức tổ chức và hoạt động tố tụng của bồi thẩm đoàn cũng giống ở Mỹ, đó được coi là “nghĩa vụ” của mỗi công dân và mang tính bắt buộc khi ngẫu nhiên được chọn để tham gia xét xử các vụ án hình sự nghiêm trọng.
Tại Trung Quốc, xét xử vụ án hình sự có hội thẩm tham gia được quy định và áp dụng từ lâu. Theo đó, ở tòa án cấp địa phương, phần lớn các vụ án hình sự được xét xử bởi một hội đồng xét xử bao gồm ba thẩm phán chuyên nghiệp hoặc kết hợp giữa thẩm phán chuyên nghiệp và hội thẩm nhân dân. Ở cấp thứ ba là tòa án cao cấp, “hội đồng xét xử có thể bao gồm từ 3 đến 7 thẩm phán chuyên nghiệp hoặc kết hợp với hội thẩm nhân dân”.
3. Xét xử và phán quyết
Ở Nhật Bản, các phiên xét xử của thẩm phán không chuyên thường được tiến hành theo hình thức một hội đồng xét xử hỗn hợp có 3 thẩm phán chuyên trách và 6 thẩm phán không chuyên, hoặc trong trường hợp ít phức tạp sẽ gồm 1 thẩm phán chuyên trách và 3 thẩm phán không chuyên. Hội đồng hỗn hợp này sẽ quyết định đồng thời cả phần nội dung tuyên án và hình phạt. Các thẩm phán chuyên trách sẽ quyết định những vấn đề về luật pháp và các thẩm phán không chuyên có thể cho ý kiến về các vấn đề đó. Quyết định của hội đồng hỗn hợp được thông qua theo nguyên tắc đa số có sửa đổi, tức là phải có ít nhất một thẩm phán chuyên trách đồng ý với ý kiến đa số. Điều đáng lưu ý là, khi xét xử, về lý thuyết thẩm phán không chuyên có quyền hạn giống thẩm phán chuyên trách.
Tại Hàn Quốc, trong các vụ án liên quan đến hình phạt tử hình, tù chung thân, đòi hỏi phải có 9 bồi thẩm, trong khi hầu hết các trường hợp khác có 7 bồi thẩm, trừ khi bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội thì chỉ cần 5 bồi thẩm. Trong quá trình xét xử, sự can dự của bồi thẩm liên quan đến việc chấp nhận xét xử tại tòa đều bị cấm. Sau lời biện hộ, bồi thẩm tranh luận về có tội hay vô tội của bị cáo mà không có sự can thiệp của thẩm phán và đưa ra một phán quyết thống nhất. Đại diện của bồi thẩm được chỉ định sẽ thực hiện vai trò chủ trì nghị án, yêu cầu thẩm phán đưa ra ý kiến và tổng hợp kết quả bản án. Điều đặc biệt của sự tham gia của các bồi thẩm ở Hàn Quốc là phán quyết và ý kiến kết án của họ không có tính ràng buộc đối với tòa án.
Ở Mỹ, khi xét xử, sau khi kết thúc phần lập luận và thẩm phán chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn, bồi thẩm đoàn sẽ rời phòng xử án để đến phòng nghị án bàn bạc và ra phán quyết kín riêng. Quyết định của bồi thẩm đoàn được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu, trong phiếu có các câu hỏi về từng vấn đề và mỗi bồi thẩm chỉ cần trả lời “có” hoặc “không” và được giữ bí mật tới khi phiên tòa kết thúc, sau đó gửi lại phiếu cho thẩm phán. Thẩm phán tiến hành kiểm phiếu trước mặt các bồi thẩm.Những phiếu trắng hoặc phiếu vô hiệu được tính là phiếu có lợi cho người bị kết án.Trong quá trình nghị án, sau khi giải quyết tất cả các tranh cãi về tình tiết vụ án, bồi thẩm đoàn sẽ áp dụng luật theo chỉ dẫn của thẩm phán đối với các tình tiết đó và ra “phán quyết” là quyết định của mình. Bồi thẩm đoàn tuyên án trước tòa bằng cách trở lại phòng xử án và báo cáo cho thẩm phán về phán quyết của mình. Với mỗi tội danh theo cáo buộc, bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra phán quyết “có tội” hoặc “không có tội”. Nếu phán quyết tuyên bị cáo “không có tội” hoặc “vô tội chỉ vì bị can tâm thần”, công tố viên sẽ không có quyền kháng cáo, bồi thẩm đoàn được giải tán, vụ án kết thúc, bị can được thả. Nếu phán quyết “có tội”, bồi thẩm đoàn giải tán và phần quyết định bản án, tuyên án thuộc về thẩm phán.
Tại Cộng hòa Pháp, thẩm phán cùng các bồi thẩm sẽ thẩm vấn bị cáo và đưa ra phán quyết. Kết quả bỏ phiếu của bồi thẩm cũng được thực hiện theo nguyên tắc đa số với tỷ lệ 2/3 (tức 8/12 ở cấp sơ thẩm và 10/15 ở cấp phúc thẩm). Việc bỏ phiếu này được tiến hành bằng hình thức viết, qua nhiều lượt bỏ phiếu riêng về từng vấn đề, như “có tội” hay “không có tội”, tình tiết tăng nặng, miễn giảm hình phạt,… Trong trường hợp có hai hoặc nhiều câu trả lời mâu thuẫn nhau thì thẩm phán có thể tiến hành đợt bỏ phiếu mới3.
Giống như ở Mỹ và Pháp, tại Úc và Nhật Bản phán quyết của bồi thẩm đoàn cũng được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu và kết quả bỏ phiếu được quyết định theo đa số. Đối với quyết định về hình phạt, nếu các ý kiến quá khác biệt đến mức không chiếm được tỷ lệ đa số thì số phiếu của ý kiến bất lợi nhất cho bị cáo được cộng dồn vào số phiếu của ý kiến bất lợi liền kề cho đến khi đạt được đa số.
Ở Nga, các bồi thẩm nghị án độc lập với thẩm phán, điều này có phần khác hơn so với các tòa án có tính chất pha trộn như trong thời kỳ Xô viết trước đây hay ở châu Âu lục địa. Các bồi thẩm đoàn tiến hành họp kín, việc biểu quyết diễn ra công khai và bắt buộc, chủ tịch bồi thẩm đoàn là người biểu quyết cuối cùng.Nếu bồi thẩm đoàn biểu quyết thống nhất với từng vấn đề được nêu ra thì bị cáo bị coi như có tội. Nếu có từ 6 bồi thẩm viên trở lên (trong tổng số 12 thành viên) ủng hộ câu trả lời phủ định đối với bất kỳ vấn đề nào trong các vấn đề được nêu ra thì bị cáo được tuyên vô tội. Trường hợp bị cáo bị kết luận có tội thì bồi thẩm đoàn có quyền nêu ý kiến bị cáo có đáng được hay không được hưởng khoan hồng. Thẩm phán xét xử phải xem xét ý kiến của bồi thẩm đoàn khi quyết định hình phạt. Trường hợp bồi thẩm đoàn kết luận một bị cáo có tội, nhưng thẩm phán có đủ cơ sở cho rằng bị cáo vô tội, thì thẩm phán có quyền quyết định giải tán bồi thẩm đoàn và chuyển vụ án để xét xử sơ bộ lại với hội đồng xét xử mới.
Ở Đài Loan, đoàn hội thẩm nhân dân sẽ cùng xét xử với thẩm phán đối với vụ án mà bị cáo có khung hình phạt từ 10 năm trở lên, tù chung thân hoặc tội cố ý gây chết người. HĐXX sẽ gồm 3 thẩm phán và 6 hội thẩm nhân dân. Bản án cuối cùng phải nhận được từ 2/3 trở lên số phiếu đồng ý từ hội đồng xét xử4.
Tại Trung Quốc, trừ trường hợp xét xử rút gọn sẽ gồm một thẩm phán, còn phần lớn các vụ án hình sự sơ thẩm được xét xử bởi hội đồng xét xử gồm các thẩm phán chuyên nghiệp và hội thẩm nhân dân. Theo quy định, thẩm phán và hội thẩm nhân dân cùng xét xử, việc nghị án được quyết định theo đa số, ý kiến thiểu số phải được ghi vào biên bản. Trong trường hợp quá khó khăn để ra quyết định, hội đồng xét xử có thể đề nghị chánh án trình vụ án lên ủy ban thẩm phán để bàn bạc thêm và ban hành quyết định.
4. Chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động của bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên
Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, bồi thẩm, bồi thẩm dự khuyết và ứng viên bồi thẩm có mặt tại tòa được hưởng công tác phí. Bồi thẩm tương lai có mặt tại tòa vào ngày được chỉ định được trả 50.000 Won Hàn Quốc (tương đương 40 USD), trong khi đó những người thực hiện nhiệm vụ tham gia vào phiên tòa sau khi được chỉ định với tư cách là bồi thẩm viên và bồi thẩm dự khuyết được hưởng 100.000 Won (tương đương 80 USD). Tại Đài Loan, HTND sẽ chi trả chi phí đi lại và những chi phí có liên quan khác, được nhận lĩnh 3.00 Đài tệ/1 ngày, được đảm bảo nghỉ phép không bị trừ lương. Trong khi đó, tại Cộng hòa Pháp, bồi thẩm được hưởng phụ cấp phiên tòa, phụ cấp đi lại và phụ cấp lưu trú. Tại Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc,… cũng đều quy định các bồi thẩm, hội thẩm đều được chi trả thù lao khi làm công tác xét xử.
Cùng với đó, ở nhiều quốc gia còn có các quy định nhằm bảo vệ về thân thể, thu nhập, việc làm và tạo điều kiện để bồi thẩm, hội thẩm, thẩm phán không chuyên khi làm nhiệm vụ. Tại Mỹ, bồi thẩm khi làm nhiệm vụ được bảo vệ về việc làm. Pháp luật nước này quy định, chủ lao động không được đuổi, dọa đuổi hoặc ép buộc người lao động dài hạn do người đó làm bồi thẩm, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường tiền lương và các lợi ích khác, phục hồi quyền lợi cho họ và có thể bị phạt tới 5.000 USD. Tại Nhật Bản, pháp luật nước này quy định cấm đối xử bất lợi đối với người lao động đã và đang làm bồi thẩm; không được tiết lộ thông tin cá nhân của bồi thẩm, và người nào vi phạm quy định này có thể bị phạt tới 500.000 Yên hoặc bị phạt tù đến 01 năm, hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt.
Ngoài ra, luật pháp các nước cũng quy định rất rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bồi thẩm viên, hội thẩm, thẩm phán không chuyên và biện pháp chế tài khi có các sai phạm liên quan. Tại Úc, nếu không có lý do chính đáng thì việc từ chối tham dự bồi thẩm viên có thể bị phạt tiền lên đến vài ngàn đôla Úc (tùy bang). Ở Nhật Bản, người xúi giục bồi thẩm, người ghi lại và đưa ra thông tin về quyết định của bồi thẩm với mục đích làm ảnh hưởng đến quyết định trong vụ án, người đe dọa bồi thẩm hoặc người thân của họ có thể bị phạt tới 200.000 Yên hoặc bị phạt tù đến 02 năm, hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt này. Thậm chí, tại Đài Loan, nếu người hiện đang đảm nhận hoặc đã từng đảm nhận vai trò HTND hoặc HTND dự bị tiết lộ bí mật đánh giá và xét xử mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tù dưới 1 năm, bị giam giữ hoặc kèm theo phạt tiền không quá 100.000 Đài tệ; nếu HTND hoặc HTND dự bị yêu cầu, thỏa thuận, nhận hối lộ hoặc các lợi ích bất hợp pháp khác thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, kèm theo phạt tiền dưới 2 triệu Đài tệ; người gợi ý, thỏa thuận, đưa hối lộ hoặc các lợi ích bất hợp pháp khác cho HTND hoặc HTND dự bị sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm, kèm theo phạt tiền dưới 1 triệu Đài tệ.
Từ việc xem xét một số mô hình TTHS có thể thấy, hầu hết pháp luật các nước đều quy định có đại diện nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự. Sự tham gia của đại diện nhân dân trong quá trình xét xử theo mô hình bồi thẩm đoàn hoặc thẩm phán không chuyên thường chiếm số đông, họ là những công dân bình thường, không đòi hỏi trình độ pháp luật cao, với mục đích chính là căn cứ vào những chuẩn mực chung của xã hội để đưa ra các quyết định và quyết định mang tính tập thể của các bồi thẩm viên chỉ xác định một người có tội hay không còn việc xác định hình phạt thuộc về thẩm phán chuyên nghiệp. Theo đánh giá, bên cạnh những ưu điểm đó, thì mô hình này cũng biểu hiện không ít điều cần xem xét, đó là sự nhiêu khê, phức tạp trong quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn và kéo theo sự lãng phí, tốn kém, làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người mỗi khi có vụ án hình sự cần các bồi thẩm viên tham gia, thậm chí nhiều vụ án phải kéo dài do quy trình lựa chọn bồi thẩm đoàn.
Chế định hội thẩm nhân dân ở Việt Nam hiện nay được kế thừa, phát triển trên cơ sở nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trải qua hàng chục năm qua, kể từ khi giành được chính quyền và thiết lập nên chế độ mới vào năm 1945 đến nay, chế định hội thẩm nhân dân ở nước ta là nguyên tắc hiến định. Sự tham gia của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự đã mang lại nhiều kết quả, ý nghĩa quan trọng. Nhờ có chế định này mà nhiều vụ án phức tạp đã được giải quyết “tâm phục, khẩu phục”, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động của hội thẩm trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Nhiều hội thẩm đã có những đóng góp quan trọng vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm; là cầu nối vững chắc giữa quần chúng nhân dân với tòa án, giúp cho quá trình tố tụng được thực thi. Tuy nhiên, từ lý luận và thực tiễn hoạt động cũng cho thấy, đến nay, các văn bản quy định về chế định hội thẩm nhân dân vẫn chưa đầy đủ, thiếu tập trung, vai trò hoạt động của đội ngũ hội thẩm nói chung và hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự tiếp tục bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Điều này không những làm cho mục đích, ý nghĩa của việc đại diện nhân dân trong quản lý nhà nước, trong hoạt động tư pháp, xét xử chưa được phát huy như mong muốn. Việc hoàn thiện chế định hội thẩm nhân dân nói chung và hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự nói riêng trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được cùng với việc tiếp thu kinh nghiệm từ mô hình tổ chức, hoạt động tiêu biểu trên thế giới, phù hợp với đặc thù chính trị – xã hội nước ta sẽ giúp cho ngành tòa án thực hiện tốt hơn quyền tư pháp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và mục tiêu cải cách tư pháp và hội nhập hiện nay./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam.
- Chương trình đối tác tư pháp (Bộ Tư pháp – Liên minh Châu Âu) (2012), Những mô hình tố tụng hình sự điển hình trên thế giới, NXB Hồng Đức, Hà Nội
- Trần Thị Thu Hằng, Địa vị pháp lý của hội thẩm ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội, tr.65, 66.
- Tường Vy (2020), Viện Lập pháp thông qua vòng 3 “Luật Hội thẩm nhân dân (https://vn.rti.org.tw/news/view/id/2003716), ngày 22/4/2020.
Trả lời