Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân
Tác giả: Nguyễn Thị Phương
Kế thừa nguyên tắc cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp năm 1992 nhưng được thể hiện theo tinh thần tăng cường yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước, Hiến pháp mới đã hoàn thiện nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Cụ thể hóa nguyên tắc này, nhất là phải đảm bảo sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước, những quy định về bộ máy nhà nước đã có sự xác định rõ ràng: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng việc xác định Tòa án thực hiện quyền tư pháp không có nghĩa là phủ định việc thực hiện quyền tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Chức năng của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân về cơ bản là sự kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013).
1. Chức năng thực hành quyền công tố
Chức năng thực hành quyền công tố được Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định, là sự kế thừa Sắc lệnh số 33-A ngày 03/9/1945, các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 cũng như thực tiễn hơn 40 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân. Thực tiễn đó khẳng định học thuyết của Lênin về nhà nước và pháp luật trong việc tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được trình bày trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về song trùng trực thuộc và pháp chế” là hoàn toàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Qua đó bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
Về khái niệm thực hành quyền công tố, khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Thực hành quyền công tố là hoạt động của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự”. Đây là chức năng đặc thù của Viện kiểm sát nhân dân được Hiến pháp trao cho mà các cơ quan khác không thể thay thế nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng pháp luật; không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để ai bị khởi tố, bắt giữ, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật. Như vậy, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành đã làm rõ khái niệm thực hành quyền công tố của viện kiểm sát so với các văn bản pháp luật trước đây. Điều này có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Vừa cụ thể hóa và mở rộng thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực này đồng thời đảm bảo tính pháp chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Xem thêm bài viết về “Viện kiểm sát”
- Khái quát sự hình thành và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân – ThS. Nguyễn Thị Phương
- Nghiên cứu so sánh về Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát giữa Việt Nam và Trung Quốc – TS. Ngũ Hồng Quang
- Vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hành chính của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay – ThS. Lê Ngọc Duy
- Các bước để trở thành Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp 2013 – Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
2. Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp
Theo Hiến pháp năm 2013, chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là sự kế thừa Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001. Tuy nhiên, so với các bản hiến pháp trước thì đó lại là sự thay đổi theo hướng thu hẹp phạm vi chức năng. Nếu như theo quy định của Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, phạm vi chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân rất rộng, liên quan đến việc chấp hành pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân. Hậu quả là việc chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước (Viện kiểm sát nhân dân, thanh tra nhà nước). Điều này dẫn đến gây phiền hà không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các tổ chức kinh tế. Hoàn thiện bộ máy nhà nước là yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001. Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đã xóa bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân. Thực tiễn 13 năm (từ năm 2001 đến năm 2014) thực hiện quy định của Hiến pháp về chức năng của viện kiểm sát cho thấy việc sửa đổi này là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Với tinh thần đó, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Theo quy định của khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì các Viện kiểm sát nhân dân:
– Kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự.
– Trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
– Việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
– Các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Mục đích của chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, việc giải quyết các vụ án, việc thi hành án… đúng quy định của pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực phải được thi hành nghiêm chỉnh. Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Theo pháp luật hiện hành thì kiểm tra và giám sát việc tuân theo pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội. Cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện chức năng giám sát. Cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra ngành thì thanh tra. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên mặt trận thì giám sát, phản biện xã hội… Tuy nhiên, để phân biệt chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân với hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức nói trên có thể căn cứ vào những tiêu chí sau:
– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động tư pháp là một trong hai chức năng của Viện kiểm sát nhân dân. Khi thực hiện chức năng này, Viện kiểm sát nhân dân chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước, độc lập (trong khuôn khổ pháp luật) khi thực hiện chức năng đó.
– Viện kiểm sát nhân dân chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, trong khi đó, phạm vi đối tượng kiểm tra và giám sát của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội rộng hơn. Ví dụ, cơ quan quyền lực nhà nước có chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (kể cả đối với cơ quan kiểm sát).
– Khi thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân chủ yếu chỉ xem xét khi có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật, đã xác định nguyên nhân và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân không có thẩm quyền trực tiếp xử lý về hành chính mà chỉ dừng lại ở quyền yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị để các cơ quan quản lý xử lý về hành chính theo thẩm quyền. Khi phát hiện có yếu tố cấu thành tội phạm thì có quyền khởi tố, truy tố và luận tội trước tòa án.
– Là cơ quan nhà nước duy nhất có quyền truy tố kẻ phạm pháp ra trước Tòa án và giữ ghế uỷ viên công tố nhà nước tại phiên tòa./.
Xem thêm bài viết về “Hiến pháp 2013”
- Các nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp 2013 về hoạt động của Tòa án nhân dân – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Nguyễn Văn Thái
- Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp 2013 – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Nguyễn Văn Thái
- Các hình thức hoạt động của Chính phủ theo Hiến pháp 2013 – ThS. Phạm Thị Tình
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo Hiến pháp 2013 – ThS. Phạm Thị Tình
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013 – TS. Phạm Quý Tỵ
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời