Mục lục
Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước theo Hiến pháp năm 2013
- Hội đồng bầu cử Thái Lan và góp ý quy định về hội đồng bầu cử quốc gia trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Vai trò của cơ quan quản lý bầu cử trong nhà nước pháp quyền – ThS. Trần Thị Thu Hà
- Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước – ThS. Lưu Đức Quang
- [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
TÓM TẮT
Bài viết này tập trung giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước mới được quy định trong Chương X Hiến pháp sửa đổi 2013 – một chương hoàn toàn mới trong lịch sử lập hiến Việt Nam như: sự cần thiết phải nâng tầm hiến định, mô hình và cách thức quy định trong Hiến pháp trên cơ sở so sánh, đối chiếu với Hiến pháp các quốc gia trên thế giới.
TỪ KHÓA: Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, Hiến pháp 2013, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2014
Chương X Hiến pháp sửa đổi 2013 là một chương hoàn toàn mới trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quy định về hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
1. Hội đồng bầu cử quốc gia
1.1. Sự cần thiết phải quy định Hội đồng bầu cử quốc gia ở tầm hiến định
Nhằm thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, thể chế hóa một trong những chủ trương của Đảng là “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…”, Hiến pháp sửa đổi 2013 đã quy định một cách tổng quát về Hội đồng bầu cử quốc gia ở Điều 117 như sau:
“1- Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụtổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2- Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
3- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định”.
Hiến pháp sửa đổi 2013 đã nâng tầm hiến định đối với Hội đồng bầu cử quốc gia với tư cách là một thiết chế hiến định độc lập là phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Năm 1994, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khuyến nghị các Nhà nước thiết lập một “cơ chế quản lý bầu cử trung lập, không thiên lệch và bình đẳng”, bảo đảm sự có mặt của các quan sát viên, đại diện của các đảng phái chính trị, bảo đảm khiếu nại được xem xét, giải quyết có hiệu quả bởi một cơ quan độc lập, không thiên vị như Tòa án hoặc Hội đồng bầu cử. Đặc biệt, vào năm 1998, việc tổ chức, điều hành bầu cử được tiến thêm một bước với việc khuyến khích các quốc gia nên cho phép những nhân viên trong các tổ chức dân sự trong nước và quốc tế quan sát bầu cử[1] . Vì vậy mà vấn đề bầu cử và quan sát bầu cử hiện nay được quy định trong nhiều văn kiện quốc tế hoặc pháp luật bầu cử một số nước. Việc thành lập và hoạt động của tổ chức phụ trách bầu cử sẽ quyết định tính chính xác, khách quan, công bằng, trung thực, phản ánh đúng ý chí của nhân dân và đảm bảo cho các nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử được quán triệt trong thực tế mà không bị vô hiệu hóa hoặc chí ít bị giảm ý nghĩa. Đạt được mục đích này là điều không đơn giản bởi vì bầu cử là hoạt động hợp thức hóa quyền lực chính trị thành quyền lực nhà nước nên sẽ có rất nhiều thủ đoạn nhằm tác động làm sai lệch kết quả bầu cử, nhất là sự can thiệp của đảng phái chính trị đang cầm quyền. Vì tầm quan trọng của cơ quan này hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nâng tầm hiến định cơ quan này. Theo khảo sát của Viện quốc tế về hỗ trợ bầu cử và dân chủ (IDEA) vào năm 2006, trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ thì có đến 96% các quốc gia thiết kế cơ quan bầu cử quốc gia ở tầm hiến định (chỉ còn 4% các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa tổ chức bầu cử ở cấp quốc gia)[2] . Trong số 11 quốc gia ở Đông Nam Á thì có 4 quốc gia quy định về Ủy ban bầu cử trong Hiến pháp: Malaysia, Mianma, Philippin và Thái Lan[3] .
1.2. Về mô hình cơ quan bầu cử quốc gia:hiện nay, trên thế giớicó 3 mô hình tổ chức cơ quan phụ trách bầu cử cơ bản sau đây:
– Mô hình độc lập:cơ quan bầu cử không chịu trách nhiệm trước chính phủ nhưng có thể chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp, tư pháp. Cơ quan này thường có ngân quỹ độc lập. Thành viên của cơ quan bầu cử không phải là công chức của chính phủ, thường là thành viên của các tổ chức xã hội, dân sự. Mô hình độc lập được áp dụng ở các nước : Ácmênia, Ôxtrâylia, Bôxnia và Hécxêgôvina, Buốckina Phaxô, Canađa, Côxta Rica, Êxtônia, Grudia, Ấn Độ, Inđônêxia, Libêria, Môritani, Nigiêria, Ba Lan, Ảrập Xêút, Thái Lan và Urugoay. Theo khảo sát của Viện quốc tế về hỗ trợ bầu cử và dân chủ (IDEA) vào năm 2006, trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ thì có đến 55% các quốc gia thiết kế cơ quan bầu cử quốc gia ở tầm hiến định theo mô hình độc lập.
– Mô hình chính phủ:là mô hình tổ chức và điều hành bầu cử thường do chính phủ và hệ thống cơ quan hành pháp, hoặc thông qua một bộ, hoặc kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện. Ngân quỹ do hà nước, hoặc chính quyền địa phương đài thọ. Những nước áp dụng mô hình này bao gồm Đan Mạch, Niu Dilân, Hoa Kỳ, Anh… Theo khảo sát của Viện quốc tế về hỗ trợ bầu cử và dân chủ (IDEA) vào năm 2006, trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ thì có đến 26% các quốc gia thiết kế cơ quan bầu cử quốc gia ở tầm hiến định theo mô hình chính phủ.
– Mô hình hỗn hợp, thông thường có hai hệ thống: một hệ thống có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và một hệ thống trực tiếp tổ chức thực hiện do chính phủ hoặc do chính quyền địa phương đảm trách. Mô hình hỗn hợp được áp dụng ở Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và một số nước trước đây là thuộc địa của Pháp. Theo khảo sát của Viện quốc tế về hỗ trợ bầu cử và dân chủ (IDEA) vào năm 2006, trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ thì có đến 15% các quốc gia thiết kế cơ quan bầu cử quốc gia ở tầm hiến định theo mô hình hỗn hợp[4] .
Khoản 1 Điều 117 Hiến pháp sửa đổi 2013 quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụtổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”. Quy định này chứng tỏHội đồng bầu cử quốc gia theo Hiến pháp sửa đổi 2013 được xây dựng theo mô hình độc lập. Mô hình này đảm bảo tính chính xác, vô tư, khách quan, công bằng, không gian lận trong bầu cử. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng để đáp ứng được tinh thần độc lập, xác thực và không bị ảnh hưởng trong bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia không nên là một cơ quan do Quốc hội thành lập vì suy cho cùng cơ quan này vẫn là một tổ chức thuộc Quốc hội[5] . Tác giả cho rằng việc quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập thật ra không ảnh hưởng nhiều đến tính độc lập của cơ quan này, bởi lẽ Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội đương nhiệm thành lập để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới. Vì vậy, nên chăng cần bổ sung vào Hiến pháp hoặc Luật quy định“Thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia không thể tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”nhằm mục đích đảm bảo tính khách quan và hiệu quả của Hội đồng bầu cử quốc gia.
1.3. Về tên gọi và cách quy định trong Hiến pháp
Hiến pháp sửa đổi 2013 chính thức gọi cơ quan này là Hội đồng bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, trên thế giới, tùy theo quy mô và tính chất, tổ chức phụ trách bầu cử sẽ có tên gọi khá phong phú: Ủy ban bầu cử (Election Commission), Bộ phụ trách bầu cử (Department of Elections),Hội đồng bầu cử (Electoral Council), Bộ phận bầu cử (Election Unit), Ban phụ trách bầu cử (Electoral Board) hoặc Cơ quan bầu cử (Electoral Management Body(EMB) hay Electoral Management Administration) có thể coi là tên chung dùng để chỉ cơ quan hoặc một số cơ quan có chức năng tổ chức, điều hành bầu cử trong từng quốc gia[6] .
Đa số các nước đều quy định cơ quan bầu cử quốc gia trong một chương riêng hoặc một mục riêng như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin… Nhưng cũng có nước quy định trong một điều như Indonesia (Điều 22E Hiến pháp Indonesia 1945 quy định: “Các cuộc tổng tuyển cử được tổ chức bởi Ủy ban tổng tuyển cử mang tính quốc gia, hoạt động lâu dài và độc lập… Các quy định cụ thể về các cuộc tổng tuyển cử được ghi nhận trong luật”). Hiến pháp các nước thường quy định về các vấn đề sau đây:
– Một là,xác định các nguyên tắc nền tảng chi phối tổ chức và hoạt động của cơ quan bầu cử quốc gia như: 1. tôn trọng pháp luật; 2. không thiên vị và trung lập; 3. phải minh bạch; 4. phải chính xác; 5. cần được thiết kế theo hướng phục vụ cử tri[7] . Hiến pháp 2013 không quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động rất đặc thù của Hội đồng bầu cử quốc gia. Vì vậy, tác giả đề nghị nên quy định các nguyên tắc này trong luật và cần bổ sung ở tầm hiến định trong lần sửa đổi Hiến pháp tiếp theo.
– Hai là, khi đề cập cơ quan bầu cử quốc gia, Hiến pháp các nước cũng thường quy định về thành phần và điều kiện, tiêu chuẩn của các thành viên. Ví dụ, Hiến pháp 1986 của Philippin quy định Ủy ban bầu cử gồm Chủ tịch và 6 thành viên đều do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng thuận của Ủy ban về các vấn đề bổ nhiệm của Nghị viện. Để được bổ nhiệm, ứng cử viên phải có đủ các điều kiện sau: 1. là những người có quốc tịch Philippin do sinh ra; 2. có tuổi đời ít nhất 35 tuổi vào thời điểm được bổ nhiệm; 3. tối thiểu có bằng cử nhân; 4. không phải là ứng cử viên cho bất kỳ vị trí nào; 5. phải là thành viên đoàn luật sư Philippin và hành nghề luật ít nhất 10 năm kể từ khi được bổ nhiệm và không được tái bổ nhiệm. Hội đồng bầu cử của Malaysia, Myanmar và Thái Lan đều có 5 thành viên. Cả 5 thành viên của Hội đồng bầu cử Thái Lan đều do Quốc vương bổ nhiệm theo sự chấp thuận trước của Thượng nghị viện. Tiêu chuẩn để được bầu chọn làm Ủy viên Hội đồng bầu cử Thái Lan được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Trước tiên người được chọn phải có quan điểm và lập trường trung gian rõ ràng về chính trị. Đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để có thể được Thượng nghị viện đề cử lên Quốc vương bổ nhiệm. Ngoài ra, các ứng cử viên cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1. có quốc tịch Thái Lan; 2. từ 40 tuổi trở lên; 3. có bằng cử nhân hoặc tương trở lên; 4. không phải là thành viên đảng chính trị hoặc nắm chức vụ trong đảng chính trị trong thời gian ít nhất 3 năm trước khi được bổ nhiệm; 5. không đồng thời nắm giữ bất kỳ chức vụ, vị trí nào trong bộ máy nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Các thành viên Hội đồng bầu cử của Thái Lan có nhiệm kỳ 7 năm kể từ ngày được bổ nhiệm và chỉ được làm một nhiệm kỳ[8] . Hiến pháp Hàn Quốc 1987 quy định: Ủy ban bầu cử Trung ương gồm có ba thành viên do Tổng thống bổ nhiệm, ba thành viên do Quốc hội lựa chọn và ba thành viên do Chánh án Tòa án tối cao lựa chọn. Chủ tịch của Ủy ban được chọn trong số các thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban là 6 năm. Các thành viên Ủy ban không thể tham gia các chính đảng hoặc tham gia các hoạt động chính trị[9] . Hiến pháp 2013 Hội đồng bầu cử của Việt Nam chỉ quy định thành phần và cách thành lập (gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Quốc hội thành lập), còn số lượng thành viên cụ thể là bao nhiêu người và điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên sẽ do luật quy định.
– Ba là,Hiến pháp một số nước cũng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bầu cử trong Hiến pháp. Ví dụ Hiến pháp 1986 của Philippin quy định 9 loại thẩm quyền của Ủy ban bầu cử, Hiến pháp 1987 của Hàn Quốc thì quy định thẩm quyền của Ủy ban bầu cử ở Điều 115. Điều 117 Hiến pháp sửa đổi 2013 của Việt Nam thì chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử sẽ do luật định.
2. Kiểm toán nhà nước
2.1. Sự cần thiết phải quy định Kiểm toán nhà nước ở tầm hiến định
Tuyên bố Lima về những chuẩn mực của kiểm tra tài chính 1977 và Tuyên bố Mexicovề sự độc lập của các cơ quan kiểm toán 2007 của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán (INTOSAI) đã đề cập rất rõ ràng sự cần thiết và những nội dung cần quy định về Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp. Theo đó, “cơ quan kiểm toán tối cao cần phải có sự độc lập về tổ chức và chức năng đủ để hoàn thành các nhiệm vụ của mình”; “việc thành lập cơ quan kiểm toán tối cao và mức độ cần thiết của nó cần được quy định trong Hiến pháp, các chi tiết cụ thể do luật quy định”; đặc biệt, kiểm toán tối cao cần phải “có sự bảo vệ đầy đủ về mặt pháp luật nhằm chống lại các tác động từ bên ngoài đối với sự độc lập và thẩm quyền kiểm toán của cơ quan này”; “tính độc lập của Kiểm toán viên cũng phải được quy định trong Hiến pháp”[10] . Tuy không có sự ràng buộc về mặt pháp lý trong phạm vi của từng quốc gia, lãnh thổ nhưng Tuyên bố Lima 1977 và Tuyên bố Mexico 2007 có ảnh hưởng rõ nét đối với sự phát triển của cơ quan kiểm toán ở mỗi quốc gia. Hiện nay, đa số các nước, lãnh thổ trên thế giới đều có quy định trong hiến pháp về cơ quan Kiểm toán nhà nước. Theo thống kê sơ bộ, trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, có 75 quốc gia ghi nhận Kiểm toán nhà nước là thiết chế hiến định. Trong đó, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc Quốc hội; có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc Chính phủ; có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc tòa án; có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc Tổng thống; có 2 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc nhà vua; có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận cơ quan Kiểm toán nhà nước hoàn toàn độc lập với các thiết chế khác của nhà nước[11] . Có 4 quốc gia Asean quy định về cơ quan kiểm toán độc lập trong Hiến pháp bao gồm: Inđônêxia, Xingapo, Philippin và Thái Lan. Hiến pháp sửa đổi 2013 của Việt Nam quy định về Kiểm toán nhà nước tại Điều 118là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế:
“1- Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2- Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định.
Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định”.
Như vậy, mô hình Kiểm toán nhà nước của nước ta theo Hiến pháp sửa đổi 2013 là trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội thành lập. Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2.2. Cách quy định về Kiểm toán nhà nước trong hiến pháp
Hiến pháp các quốc gia và vùng lãnh thổ có mức độ quy định cụ thể rất khác nhau đối với thiết chế Kiểm toán nhà nước: Hiến pháp các quốc gia như Cộng hòa Liên bang Đức, Xurinam, Xlôvenia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Aixơlen, Mêhicô thì chỉ quy định Kiểm toán nhà nước hết sức cơ bản, khái quát, còn các nội dung khác sẽ do luật chuyên ngành quy định; trong khi đó Hiến pháp của Philippin, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Ba Lan, Áo, Braxin thì quy định rất chi tiết về tất cả các nội dung từ chức năng, thẩm quyền đến tổ chức, thành lập và các quyền được bảo đảm để cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ của mình.
Các quy định về Kiểm toán nhà nước có thể xếp vào một chương, mục riêng như: Áo, Cộng hòa Séc, Ixraen, Ấn Độ, Thái Lan,…; hoặc xếp vào chương, mục chung về các thiết chế độc lập hay các thiết chế thực hiện chức năng theo dõi và kiểm soát như: Ba Lan, Philippin, Inđônêxia, Nam Phi, Xuđăng,…; cũng có thể xếp vào chương, mục tài chính, ngân sách như Cộng hòa Liên bang Đức, Malaysia, Tây Ban Nha, Xlôvenia,…; hoặc nằm trong chương, mục với cơ quan thuộc nhánh quyền lực tương ứng mà Kiểm toán nhà nước trực thuộc như: Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Braxin, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Thụy Điển[12] .
Hiến pháp sửa đổi 2013 của Việt Nam quy định Kiểm toán nhà nước cùng chương với thiết chế hiến định độc lập khác là Hội đồng bầu cử quốc gia và chỉ quy định những vấn đề cơ bản, ở tầm khái quát còntổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước sẽ do luật định.
CHÚ THÍCH
[1] Dẫn theo Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 294, 295.
[2] Dẫn theo Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992,Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 297.
[3] Tô Văn Hòa, Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật , Hà Nội, 2012, tr. 328.
[4] Dẫn theo Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 296, 297.
[5] Phan Nhật Thanh, Hội đồng bầu cử Thái Lan và góp ý quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5, năm 2013.
[6] Dẫn theo Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 298.
[7] Dẫn theo Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới,Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 298, 299.
[8] Tô Văn Hòa, Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật Hà Nội, 2012, tr. 330, 331, 332.
[9] Xem Điều 114 Hiến pháp Hàn Quốc năm 1987.
[10] Xem Điều 5 và Điều 6 Mục II Tuyên bố Lima năm 1977.
[11] Dẫn theo Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới,Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 274, 275, 276.
[12] Nguồn Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới,Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật Hà Nội, 2013, tr. 276, 277./.
Tác giả: TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng khoa Luật Hành chính, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2014, Trang 57-61