Mục lục
Quyền con người về an sinh xã hội trong pháp luật quốc tế và Việt Nam: Bài viết đề cập những vấn đề cơ bản, nhận diện nội dung, nêu lên những hạn chế và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật an sinh xã hội Việt Nam trên phương diện đảm bảo quyền con người…
- Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người ở Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Hiến pháp 2013 và nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong TTHS – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – TS. Phan Nhật Thanh
- Vai trò của Tòa án quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người – ThS. Đặng Công Cường
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – Steven D. Schwinn
- Quyền con người sống trong môi trường trong lành – ThS. Trần Thị Trúc Minh
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo
- Sửa đổi các quy định của BLTTHS theo Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn – PGS.TS. Trần Ngọc Đức
- [TUYỂN TẬP] Đề thi môn An sinh xã hội
- Đề cương ôn tập môn An sinh xã hội – CÓ ĐÁP ÁN
TỪ KHÓA: Quyền con người,
TÓM TẮT
Quyền được hưởng an sinh xã hội là một quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Mặc dù còn nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc xác định nội dung, song nhìn chung, những nghiên cứu về quyền con người trong pháp luật an sinh xã hội đều thể hiện qua các bộ phận cấu thành cơ bản của hệ thống an sinh xã hội quốc gia như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội… Với sự phát triển về nhận thức quyền an sinh xã hội và những cải cách mạnh mẽ đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay, quyền con người trong pháp luật an sinh xã hội lại có những điểm mới trong tiếp cận về quan điểm, về nội dung cũng như mở rộng các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền. Bài viết đề cập những vấn đề cơ bản, nhận diện nội dung, nêu lên những hạn chế và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật an sinh xã hội Việt Nam trên phương diện đảm bảo quyền con người.
1. Quyền được hưởng an sinh xã hội – một quyền cơ bản của con người
Quyền con người là mối quan tâm lớn của thế giới ngày nay và có nội hàm rộng lớn, đa dạng, từ các quyền trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, cho đến các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa. Trên bình diện quốc tế, quyền được hưởng an sinh xã hội(ASXH) đã được ghi nhận tại Điều 22 Tuyên ngôn Nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 như sau: “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng an sinh xã hội. Quyền đó đặt cơ sở trên sự thỏa mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá cần cho nhân cách và sự tự do phát triển con người”.Theo đó, từng cơ quan chuyên biệt của Liên hợp quốc cũng đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau về quyền con người trong ASXH. Chẳng hạnnhư Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiếp cận chủ yếu dưới góc độ bảo vệ việc làm – thu nhập, còn Tổ chức y tế thế giới (WHO) lại nhìn nhận quyền con người trong ASXH chủ yếu dưới góc độ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Cao ủy Liên hợp quốc về Quyền con người (OHCHR) lại xem xét ASXH dưới góc độ an ninh con người.[1]
Tuy nhiên về cơ bản, có thể hiểu ASXH chính là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình trước các khó khăn, rủi ro về kinh tế, xã hội thông qua các cơ chế bảo vệ thu nhập, sức khỏe và các điều kiện sống nhằm khắc phục, giảm thiểu rủi ro, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Chính vì vậy, để đánh giá việc đảm bảo quyền con người ở các quốc gia, người ta thường thông qua các cơ chế bảo vệ của hệ thống ASXH. Tùy phạm vi tiếp cận rộng hẹp khác nhau mà nội dung của ASXH cũng có nội hàm khác nhau. Ở phạm vi rộng, ASXH được hiểu là hệ thống bảo vệ bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Ở phạm vi hẹp, cũng là cách tiếp cận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia, nội dung cơ bản của ASXH bao gồm: cơ chế bảo vệ thu nhập, bảo vệ sức khỏe, các chế độ trợ giúp và phúc lợi xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội… Từ nhận thức về quyền con người và nội dung của pháp luật ASXH, ở góc độ cơ bản nhất có thể đưa ra một định nghĩa khái quát về quyền con người trong pháp luật ASXH. Theo đó, quyền con người trong pháp luật ASXH có thể hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có, khách quan của con người trong lĩnh vực an sinh, được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế, bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung bảo vệ thu nhập, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Quyền hưởng ASXH được thừa nhận là quyền thuộc thế hệ thứ hai của quyền con người vềkinh tế – văn hóa – xã hội.[2] Tương tự như quyền con người trong các lĩnh vực khác, quyền con người trong ASXH là một quyền phổ quát, tự nhiên, vốn có và khách quan của con người, không có sự phân biệt đối xử hay kỳ thị vì những nguyên nhân về dân tộc, tôn giáo, giới tính,độ tuổi… Mặc dù để được hưởng các quyền lợi về an sinh, chủ thể phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, songđó không phải là sự giới hạn quyền tham gia mà nhằm “đảm bảo công bằng, trên cơ sở nhu cầu của đối tượng trong hoàn cảnh thực tế của họ, hoặc sự đóng góp của nhóm đối tượng đó, phù hợp với trình độ quản lý rủi ro của Nhà nước”.[3] Mỗi thành viên trong xã hội đều có thể tham gia một hoặc nhiều nhóm trong quan hệ pháp luật ASXH phù hợp với điều kiện của họ. Cũng theo khái niệm trên, nội hàm của quyền con người trong pháp luật ASXH thể hiện qua các nội dung quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), trợ giúp xã hội, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ về y tế cơ bản, giáo dục, nước sạch, thông tin… và đặc biệt chú trọng tới đối tượng “yếu thế” trong xã hội.
Ngày nay, việc quy định và đảm bảo quyền con người trong pháp luật ASXH không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia với mục tiêu con người là trung tâm mà còn là một vấn đề có tính quốc tế, là sự thể hiện thái độ của nhà nước với công dân của mình. Sự phát triển của hệ thống ASXH có thể coi là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá sự văn minh của mỗi quốc gia. Thể chế hóa pháp luật quốc tế trong mối tương quan với pháp luật quốc gia hướng tới mục tiêu cuối cùng là thiết lập các “lưới an sinh” nâng đỡ cuộc sống của cộng đồng dân chúng, là yêu cầu của mỗi quốc gia nhằm đảm bảo quyền con người trong pháp luật ASXH.
2. Quyền con người về an sinh xã hội trong pháp luật quốc tế
Công ước 102 năm 1952 của ILO quy định những quy chuẩn tối thiểu về ASXH đã đưa ra 09 chế độ trợ cấp và khuyến cáo các quốc gia lựa chọn các chế độ để tổ chức thực hiện. Có thể nhận thấy ngay từ giai đoạn ban đầu của quá trình ghi nhận quyền ASXH, ILO đã chú trọng đến hai vấn đề trọng tâm là sức khỏe và thu nhập của con người.Cùng với quá trình phát triển của xã hội, nội hàm của ASXH cũng như quyền con người trong ASXH đã được mở rộng hơn. Năm 2012, ILO đã đưa ra Khuyến nghị về Sàn ASXH số 202[4] -một sáng kiến mới về mô hình ASXH đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầuvớisự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế. Hệ thống ASXH theo Khuyến nghị này gồm 3 tầng cơ bản. Tầng thứ nhất của sàn an sinh hướng đến việc đảm bảo thu nhập cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như: trẻ em, người già, người khuyết tật, người nghèo, người thất nghiệp, đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên của xã hội. Tầng thứ hai của sàn an sinh bao gồm BHXH bắt buộc và các hình thức bảo vệ khác có đóng góp của người dân, chú trọng đến nhóm người có thu nhập. So với tầng thứ nhất, mức độ bảo vệ cũng ở cấp độ thấp hơn, đối tượng hưởng phải đóng góp một phần tài chính từ thu nhập cùng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và nhà nước để vận hành cơ chế bảo vệ. Tầng thứ ba của sàn an sinh là BHXH tự nguyện đáp ứng nhu cầu của một số đối tượng nhất định. Nguồn tài chính đảm bảo thực hiện tầng thứ ba được mở rộng tới đối tượng hưởng và các chủ thể khác theo cơ chế tự nguyện. Trong khuyến nghị này, bên cạnh vấn đề bảo vệ sức khỏe và thu nhập của con người, ILO cũng đưa ra mô hình ASXH hiện đại hơn với những gợi ý về đảm bảo tiếp cận bình đẳng cho người dân trong các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin… Đây là những dịch vụ xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người gắn với trách nhiệm của nhà nước. Bên cạnh đó, Khuyến nghị về Sàn ASXH số 202 còn chú trọng đến phòng ngừa rủi ro thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào những biện pháp khắc phục rủi ro như trước đây.[5]
Tiếp cận quyền con người trong mô hình Sàn ASXH của Liên hợp quốc có thể thấy rằng mô hình này hướng đến việc đảm bảo quyền con người ở mức tối thiểu, có tính phổ quát cho cộng đồng dân cư (tầng thứ nhất), ở tầng này, vai trò của nhà nước là quan trọng nhằm đảm bảo cho những thụ hưởng cơ bản, nhấn mạnh đến tài chính công và trách nhiệm của nhà nước. Trên cơ sở đảm bảo quyền cơ bản đó, Sàn an sinh cũng thiết lập cơ chế bảo vệ dựa trên thu nhập và sự tự nguyện đóng góp theo nhu cầu của những nhóm đối tượng (tầng thứ hai và tầng thứ ba). Đây là một mô hình an sinh hiện đại và tiến bộ, vừa đảm bảo quyền bình đẳng trong việc cung cấp an sinh theo nhu cầu và khả năng của các đối tượng, vừa đảm bảo rằng mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng những quyền con người trong an sinh từ tối thiểu nhất.
Ở cấp độ khu vực, hầu hết các khu vực trên thế giới đều đưa ra những ràng buộc pháp lý về quyền con người; trong đó ghi nhận quyền được hưởng ASXH là quyền phổ quát, cơ bản của loài người. Chẳng hạn như: Công ước châu Âu về Quyền con người năm 1950, Công ước châu Mỹ về Quyền con người năm 1969. Trong phạm vi ASEAN, năm 2012, ASEAN cũng đã đưa ra Tuyên bố ASEAN về Quyền con người, trong đó, quyền được hưởng ASXH được ghi nhận từ Điều 27 đến Điều 31. Chẳng hạn, Điều 28 quy định: “Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng mức sống phù hợp, bao gồm …quyền được có thức ăn phù hợp và trong khả năng chi trả, quyền tiếp cận thức ăn sạch và đủ dinh dưỡng;… quyền được chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội cần thiết khác; quyền được sử dụng nước sạch; quyền được sống trong một môi trường an toàn, sạch sẽ và bền vững”. Có thể thấy rằng, việc ghi nhận quyền con người trong lĩnh vực ASXH đã được các quốc gia ASEAN đặc biệt chú trọng, và nội dung các quyền này ở mức tương đối đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy vậy, Tuyên bố ASEAN về quyền con người năm 2012 không được các tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động nhân quyền đánh giá cao, bởi tính chất không bắt buộc thực thi, và không có cơ chế giám sát thực hiện.[6]
Cùng với sự nâng cao nhận thức về nhân quyền, hiện nay, ở cả góc độ quốc tế và góc độ quốc gia, quyền con người trong lĩnh vực ASXH đã được tiếp cận theo hướng hiện đại hơn. Theo đó, quyền con người trong lĩnh vực ASXH không chỉ bao gồm vấn đề bảo vệ thu nhập hay sức khỏe – thể chất hay giáo dục cơ bản, mà còn bao gồm cả việc đảm bảo tiếp cận nước sạch, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững cũng được chú trọng hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra những cuộc cải cách mạnh mẽ của hệ thống ASXH ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, từ các quốc gia phương Tây có nền ASXH phát triển lâu đời cho đến những quốc gia châu Á đang rất nỗ lực xây dựng một nền an sinh phù hợp như Việt Nam. Bên cạnh việc mở rộng nội hàm của ASXH, các quốc gia này nhìn chung đều đang phải đối mặt với những thách thức về tính ổn định và bền vững của hệ thống an sinh, do tình trạng già hóa dân số và vấn đề chi tiêu công thiếu hiệu quả, bất bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng… Đối với nước Đức, cái nôi của nền ASXH thế giới, gần đây, vào năm 2007 cũng phải đưa ra một cuộc cải cách lớn về BHYT, do nhu cầu sử dụng dịch vụ và chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng, tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh ở mức thấp. Chương trình cải cách BHYT của Đức có trọng tâm là tập hợp tài chính đóng góp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) vào quỹ BHYT. Nhà nước ấn định một mức đóng BHYT thống nhất đối với toàn liên bang và xác định “gói dịch vụ” trọn gói cơ bản cho người tham gia và phân bổ cho cơ sở y tế thay vì phân tán tài chính và thiết lập mức hưởng khác nhau trước đây. Những cơ sở y tế có nhiều người tham gia bảo hiểm là người già, người ốm hoặc người có thu nhập thấp đều được hỗ trợ từ quỹ.[7] Trên cơ sở gói cơ bản này, nhà nước khuyến khích những đóng góp để tăng mức hưởng bằng hình thức tham gia bổ sung thông qua mô hình tài khoản cá nhân. Gần đây, ngày 06/04/2015, chương trình cải cách lương hưu ở Anh cũng bắt đầu có hiệu lực.[8] Nội dung cải cách chủ yếu nhắm tới chế độ hưu trí bằng cơ chế mở đảm bảo NLĐ có quyền lựa chọn hưởng thụ với tiền lương hưu theo tài khoản cá nhân của mình. NLĐ về hưu có 04 lựa chọn bao gồm: (i) rút toàn bộ tiền lương hưu trong tài khoản để phục vụ mục đích chi tiêu riêng (chịu thuế cao cho khoản rút); (ii) rút một phần trong tổng tiền lương hưu, phần còn lại sẽ được trả định kỳ theo tháng (chỉ tính thuế với phần rút); (iii) rút toàn bộ tiền trong tài khoản cá nhân đầu tư vào quỹ bảo hiểm hưu trí quốc gia; (iv) giữ nguyên tiền trong tài khoản cá nhân và chi trả định kỳ cho chủ tài khoản. Bảo hiểm tuổi già ở Anhmang đậm dấu ấn của mô hình tiết kiệm cá nhân, vì vậy khuyến khích được sự đóng góp trong quá trình lao động để đảm bảo thụ hưởng cao khi nghỉ hưu. Tuy vậy, tính chia sẻ cộng đồng không cao nên mô hình này thường được thiết lập song song với các điều kiện hưởng thụ và đóng góp cơ bản của tầng thứ nhất trong sàn an sinh.
Tóm lại, để đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực an sinh, hệ thống ASXH trên thế giới hiện nay đang được cải cách theo xu hướng mở rộng đối tượng được hưởng; đa dạng hóa các hình thức hưởng và mở rộng nội hàm của quyền hưởng ASXH – thực chất là làm dày thêm “tấm lưới” an sinh. Các biện pháp đảm bảo tài chính được áp dụng hướng đến sự ổn định, bền vững của cả hệ thống. Tiếp cận giáo dục cơ bản, nước sạch vệ sinh, y tế dự phòng… ngày càng được chú trọng. Điều này cũng thể hiện quan điểm mục tiêu của ASXH không chỉ dừng lại ở việc khắc phục và bảo vệ con người trước rủi ro, mà còn tập trung vào việc phòng ngừa rủi ro.
3. Những tiến bộ của quyền con người trong pháp luật an sinh xã hội Việt Nam và nhu cầu tiếp tục hoàn thiện
Pháp luật Việt Nam trong một thập niên trở lại đây đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong vấn đề ghi nhận quyền con người. Lần đầu tiên, quyền hưởng ASXH được ghi nhận trong văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất của nước ta – Hiến pháp năm 2013, trong đó Điều 34 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Từ việc ghi nhận quyền hưởng ASXH của công dân là một quyền hiến định, pháp luật ASXH Việt Nam cũng đã có nhiều đổi mới về nội dung và đảm bảo thực hiện, phù hợp với xu thế cải cách ASXH trên thế giới. Trên cơ sở khung ASXH được thiết lập, mới đây một loạt các văn bản pháp luật trọng tâm của hệ thống ASXH đã được ban hành như: Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13, Luật Việc làm số 38/2013/QH13, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13…và hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thực thi pháp luật ASXH nói chung, cũng như quyền con người trong ASXH nói riêng.
Những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi an sinh mới manh nha xuất hiện và phạm vi bao phủ còn hạn hẹp. Đến nay, nước ta đã có một hệ thống các chế độ ASXH pháp luậttương đối hoàn thiện, tiếp cận và có nhiều điểm tương đồng với các mô hình ASXH tiến bộtrên thế giới. Thực tế hiện nay, phạm vi bao quát của ASXH đã từng bước được mở rộng đến toàn bộ người dân trong xã hội, thông qua các chính sách pháp luật như BHXH bắt buộc, BHYT toàn dân… Bên cạnh những trụ cột chính là BHXH, BHTN, BHYT, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội thì hiện nay, chiến lược phát triển ASXH quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 đã nhấn mạnh tới việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, giáo dục, nhà ở, thông tin và cả đảm bảo việc làm, giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, quyền con người trong pháp luật ASXH Việt Nam hiện nay cũng được tiếp cận theo hướng tiến bộ với việc bổ sung các chế độ hưởng, đảm bảo tính toàn diện, hiện đại trong tương quan chung với quan điểm tiến bộ về ASXH trên thế giới. Theo đó nội dung quyền con người trong pháp luật ASXH bao gồm:
– Quyền con người trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp
Nhằm bảo vệ thu nhập của toàn bộ lực lượng lao động xã hội trong các trường hợp rủi ro, BHXH Việt Nam quy định hai hình thức tham gia bắt buộc và tự nguyện với hệ thống các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Có thể nhận thấy với hệ thống các chế độ BHXH hiện nay, việc mở rộng phạm vi áp dụng BHXH bắt buộc (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) và hướng tới bao quát NLĐ thuộc khu vực phi chính thức của BHXH tự nguyện đã đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng quyền con người so với những tiêu chuẩn chung của ILO. Điều này thể hiện rõ trong nội dung quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm2014. BHTN sau nhiều năm thí điểm và chính thức thực hiện ở Việt Nam từ năm 2009 với mục đích bù đắp thu nhập và tạo cơ hội quay trở lại thị trường lao động cho NLĐ mất việc làm được đánh giá là một nỗ lực của Việt Nam trên bản đồ ASXH thế giới. Đây là một chế độ bảo hiểm khó thực hiện, song, sự linh hoạt trong thực hiện ở Việt Nam với trách nhiệm đóng góp một phần của nhà nước đã khiến BHTN thực sự có ý nghĩa đối với NLĐ khi rơi vào rủi ro mất việc làm. Trong định hướng phát triển thị trường lao động, BHTN được quy định cùng với các chính sách khác về việc làm và đảm bảo việc làm trong Luật Việc làm năm 2013 thiết lập được một cơ chế bảo vệ NLĐ.
– Quyền con người trong lĩnh vực bảo hiểm y tế
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật ASXH, thiết thực nhất với mỗi người dân. Chính sách BHYT là một chính sách luôn được ưu tiên trong hệ thống pháp luật ASXH Việt Nam hướng tới mục tiêu phổ quát toàn dân, đảm bảo công bằng trong tham gia và thụ hưởng. Bằng việc thiết lập quỹ tiền tệ tập trung đảm bảo thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT khi gặp rủi ro về sức khoẻ, BHYT hướng tới thực hiện cho toàn bộ dân chúng, không phân biệt theo tiêu chí nào. Những năm gần đây, mục tiêu BHYT toàn dân đã trở thành một chính sách quốc gia, đảm bảo thực hiện bằng các quy định của pháp luật và sự nỗ lực thực hiện của tất cả các chủ thể liên quan. Sau một thời gian dài thực hiện với hai hình thức tham gia bắt buộc và tự nguyện, hiện nay, chúng ta chỉ ghi nhận một hình thức tham gia bắt buộc. Việc tham gia BHYT không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân. Để đảm bảo cho việc tham gia và thụ hưởng quyền, tùy từng nhóm đối tượng khác nhau mà Nhà nước xác định cơ chế hỗ trợ phù hợp về phí, quyền lợi hưởng nhằm bao quát toàn bộ các thành viên của xã hội (trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí, học sinh sinh viên được hỗ trợ phí tham gia, đối tượng chính sách được hỗ trợ).[9] Từ góc độ quyền con người, BHYT toàn dân trong quy định của pháp luật hiện hành bao phủ được tất cả mọi đối tượng.Với những cải cách chung của hệ thống y tế quốc gia, quyền thụ hưởng của người tham gia BHYT đang được từng bước cải thiện, nâng cao.
– Quyền con người trong lĩnh vực trợ giúp xã hội
Trợ giúp xã hội là biện pháp tương trợ cộng đồng đầu tiên mà con người tìm đến để giúp nhau vượt qua những tình huống khó khăn. Đây là hình thức tương trợ cộng đồng đơn giản, phổ biến được thực hiện ở hầu hết các quốc gia. Ở Việt Nam, nghiên cứu về quyền con người trong trợ giúp xã hội (TGXH) tập trung vào hai nội dung chính là chế độ trợ cấp thường xuyên có tính ổn định, lâu dài và chế độ trợ cấp đột xuấtcó tính nhất thời. Nếu như trợ giúp thường xuyên hướng tới các nhóm đối tượng “yếu thế” gặp khó khăn về kinh tế, sức khoẻ, hoàn cảnh sống cần trợ giúp lâu dài, ổn định để đảm bảo sự tồn tại như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người mắc HIV sức khỏe yếu… thì trợ giúp đột xuất lại nhắm tới các đối tượng gặp khó khăn tức thời như cá nhân và hộ gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, rủi ro ngoài nơi cư trú… Bằng các hình thức trợ giúp về vật chất (tiền trợ cấp), phương tiện sinh sống, chăm sóc y tế và chữa bệnh… quyền lợi hưởng của đối tượng còn bao gồm cả những cơ hội việc làm, học nghề, ưu đãi trong giáo dục nhằm giúp đối tượng nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.[10] Có thể nói đây là nội dung thể hiện quyền con người cơ bản và sâu sắc nhất với những quyền lợi thiết thân của thành viên trong xã hội khi gặp phải những rủi ro, khốn khó ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của họ.
– Quyền con người trong lĩnh vực tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản
Dịch vụ xã hội cơ bản mặc dù không phải là một điểm mới trong những quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người, song những năm gần đây, vấn đề này được chú trọng nhiều hơn trong pháp luật ASXH Việt Nam, đặc biệt khi quan điểm mới về sàn ASXH đã dần trở nên phổ biến ở các quốc gia. Ở Việt Nam, dịch vụ xã hội cơ bản được đề cập như một nội dung quan trọng trong Chiến lược Phát triển ASXH giai đoạn 2011 – 2020 của quốc gia với các nội dung đảm bảo tiếp cận về y tế, giáo dục, môi trường sống, xóa đói giảm nghèo… Với một hệ thống văn bản quy định ở nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia… quyền con người trong tiếp cận các dịch vụ ASXH được thực hiện gắn với những tiêu chí cơ bản của cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay xóa đói giảm nghèo không chỉ là yêu cầu cấp thiết với cuộc sống của mỗi người dân, mà còn là định hướng phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.
– Quyền con người trong pháp luật an sinh xã hội của một số đối tượng đặc biệt
Quyền con người đối với những đối tượng đặc biệt, những nhóm yếu thế trong xã hội luôn dành được nhiều sự quan tâm của pháp luật và chính sách ASXH, đây cũng là nhóm đối tượng được tính đến đầu tiên trong mỗi cơ chế bảo vệ của hệ thống. Những đối tượng đặc biệt ở Việt Nam được xác định bao gồm những đối tượng bị hạn chế về thể chất, tinh thần, dễ bị tổn thương như: người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người nhiễm HIV/AIDS, NLĐ di cư, người có công với cách mạng… Do những đặc điểm riêng của mình, họ thường rơi vào vị thế yếu hơn các thành viên khác trong xã hội, chịu tác động đầu tiên của những khó khăn bất lợi về kinh tế, tự nhiên, môi trường. Vì vậy, bằng quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, họ được bảo vệ với sự đa dạng về nội dung, phong phú về phương thức và chú trọng tới xã hội hóa trong thực hiện. Tùy từng nhóm đối tượng khác nhau, cơ chế bảo vệ họ được thiết lập bằng hệ thống trợ cấp, hỗ trợ sinh kế, phòng ngừa rủi ro… Từ góc độ tiếp cận với những tiêu chí cơ bản của sàn an sinh, sự bảo vệ quyền con người đối với những nhóm đối tượng yếu thế ở Việt Nam từng bước mở rộng phạm vi đối tượng bảo vệ, hướng tới cơ hội bình đẳng và phát triển cho từng nhóm đối tượng trong điều kiện kinh tế – xã hội cho phép.
Về tổng quan, có thể nhận thấy quyền con người đã được ghi nhận và định hướng rất tiến bộ trong từng lĩnh vực của hệ thống chính sách, pháp luật ASXHở nước ta hiện nay. Mặc dù vậy, quá trình thực thi vẫn còn những rào cản, hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền, thể hiện ở một số điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, trong lĩnh vực BHXH và BHTN, pháp luật hiện hành mới chủ yếu chú trọng đến nhóm đối tượng có quan hệ lao động tương đối ổn định tham gia BHXH bắt buộc. BHXH tự nguyện hướng tới nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự do, lao động có thu nhập thấp, lao động có việc làm không ổn định, dù được quy định từ lâu nhưng việc thực thi còn chưa hiệu quả, chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia.[11] Bên cạnh đó, nước ta chưa có nhiều cơ chế bổ sung để đảm bảo và nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Gần đây, Luật Bảo hiểm xã hội năm2014 đã đề cập chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung (khoản 7, Điều 3), song việc tổ chức thực hiện cần có những lộ trình thí điểm. Cùng với trợ cấp hưu trí, bảo hiểm hưu trí bổ sunghỗ trợ, nâng cao quyền lợi hưởng cho người tham gia khi về già và được hi vọng là cơ chế bảo vệ hữu hiệu cuộc sống của NLĐ khi hết tuổi lao động ở Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những giải pháp mà rất nhiều quốc gia thực hiện nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số, giảm tải gánh nặng tài chính cho hệ thống BHXH cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do những khó khăn trong tổ chức thực hiện, chế độ BHTN ở Việt Nam còn chưa bao phủ tất cả NLĐ.[12] Quyền lợi hưởng mới chủ yếu dừng lại ở các nội dung trợ cấp mà chưa chú trọng tới triển khai thực hiện các chế độ hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường như: cơ hội việc làm, đào tạo nghề…
Thứ hai, BHYT ở Việt Nam mặc dù đã có những cải cách mạnh mẽ trong quy định pháp luật hiện hành bằng mục tiêu BHYT toàn dân với hình thức tham gia bắt buộc, song tổ chức thực hiện cũng như quyền lợi hưởng của đối tượng còn có những hạn chế. Có thể nhận thấy mục tiêu BHYT toàn dân cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội như: NLĐ ở khu vực phi chính thức, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình… chưa tiếp cận được cơ chế bảo vệ sức khỏe này. Cũng do đặc thù lệ thuộc vào chủ thể cung cấp dịch vụ y tế là hệ thống y tế quốc gia nên quyền lợi hưởng của người tham gia bảo hiểm chưa được đảm bảo công bằng ở cấp cơ sở. Nguyên do là bởi mạng lưới y tế cấp cơ sở chưa được phát triển đồng đều, còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền, khu vực. Gói quyền lợi hưởng BHYT theo luật chưa được mở rộng tới các cơ chế phòng bệnh, phục hồi chức năng… mà chủ yếu dừng lại ở thanh toán các chi phí khám chữa bệnh thông thường.
Thứ ba, trong lĩnh vực TGXH, do đặc thù riêng về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội nước ta có số lượng đối tượng trợ giúp quá lớn. Một phần không nhỏ những đối tượng này còn chưa tiếp cận được cơ chế bảo vệ vì những quy định khắt khe về điều kiện, phạm vi hưởng. Mức trợ cấp còn thấp, chưa đảm bảo được vai trò đối với đời sống của đối tượng khó khăn. Những cơ chế hỗ trợ bổ sung như hỗ trợ sinh kế, việc làm, học nghề, phương tiện lao động… cũng như xã hội hóa thực hiện trợ giúp xã hội chưa được chú trọng và phát huy hiệu quả.
Thứ tư, trong lĩnh vực tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bên cạnh những thành công đạt được trong tiếp cận giáo dục cơ bản, đảm bảo nơi cư trú, sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh, trong việc tiếp cận thông tin, nước ta vẫn còn những hạn chế trong chăm sóc y tế cơ bản. Hiện nay, hoạt động chăm sóc y tế cơ bản còn phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ nước ngoài.
Thứ năm, một điểm cần khắc phục khi thực thi các chế độ ASXH ở Việt Nam đó là cần xây dựng cơ chế bảo vệ bổ sung, đa tầng cho những trụ cột của an sinh. Đây là một điểm được pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và thực hiện rất hiệu quả. Trong khi đó, ở Việt Nam, những cơ chế bổ trợ cho hệ thống vận hành còn thiếu và yếu. Việc đa dạng hóa các chế độ bảo hiểm bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu vì mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.
Nhìn chung, độ bao phủ và tính phổ quát của hệ thống chính sách pháp luật ASXH Việt Nam còn chưa cao, phạm vi bảo vệ quyền con người trong an sinh mới dừng ở những bộ phận cơ bản mà chưa mở rộng tới các biện pháp bổ sung, các chính sách mang tính chất phòng ngừa rủi ro. Chất lượng và mức độ thụ hưởng quyền về an sinh có những giới hạn nhất định, phụ thuộc không nhỏ vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật ASXH đảm bảo quyền con người, trước tiên cần mở rộng phạm vi bao quát đối tượng của an sinh, xây dựng một mô hình hệ thống ASXH hướng tới bao phủ toàn dân, phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi “con người là trung tâm của sự phát triển”. Cần có quy định đảm bảo quyền lợi của các nhóm đối tượng hưởng an sinh phù hợp với tương quan rủi ro và mức độ đóng góp (nếu có) của đối tượng đó. Ngoài ra, hệ thống ASXH phải đa dạng, đa tầng, toàn diện, linh hoạt, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ đảm bảo quyền con người nói chung, cũng như quyền hưởng ASXH nói riêng, hệ thống pháp luật ASXH Việt Nam cần khắc phục những hạn chế trong quy định và thực hiện, hướng tới đảm bảo và nâng cao hiệu quả thực thi quyền con người.
CHÚ THÍCH
[1] Bộ công cụ về quyền an sinh xã hội,http://www.ohchr.org/EN/Issues/RightSocialSecurity/Pages/SocialSecurity.aspx,cập nhật 05/2015.
[2] Học giả Karel Vasak (1929 – 2015), Cộng hòa Séc, đã phân chia các quyền con người thành ba thế hệ như sau:
Thế hệ 1:Các quyền cá nhân trong lĩnh vực dân sự, chính trị, các quyền bình đẳng và tự do cá nhân.
Thế hệ 2:Các quyền cá nhân trong lĩnh vực kinh tế – xã hội – văn hóa.
Thế hệ 3:Các quyền tập thể như quyền dân tộc cơ bản, tự quyết, bình đẳng giữa các dân tộc và quốc gia, quyền phát triển, quyền thông tin, quyền được sống trong hòa bình, trong môi trường lành mạnh.
Ba thế hệ quyền con người, http://www.globalization101.org/three-generations-of-rights/, cập nhật 05/2015.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật An sinh xã hội, Nxb. CAND, 2013, tr. 67.
[4] ILO, Tổng quan về Sàn an sinh xã hội,
http://www.ilo.org/secsoc/areas-of-work/policy-development-and-applied-research/social-protection-floor/lang–en/index.htm, cập nhật tháng 5/2013.
[5] ILO, Báo cáo về sàn an sinh xã hội, 2012.
[6] Tuyên bố ASEAN về Quyền con người – Một bước tiến lên phía trước hay một bước lùi lại phía sau?
http://theconversation.com/asean-human-rights-declaration-a-step-forward-or-a-slide-backwards-10895, cập nhật tháng 11/2012.
[7] Nước Đức quá khứ và hiện tại – Chăm sóc y tế cho tất cả mọi người, http://www.tatsachen-ueber-deutschland.de/vn/society/main-content-08/medical-care-for-everyone.html, cập nhật tháng 05/2015.
[8] Đạo luật Lương hưu linh hoạt 2015, https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/385065/TIIN_8130_2140.pdf, cập nhật tháng 05/2015.
[9] Điều 12, 13, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.
[10] Nghị định số 136/2013/NĐ – CP ngày 21/10/2013 quy định về Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
[11] Tính đến hết ngày 31/12/2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Báo cáo Tình hình thực hiện công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hà Nội, 22/01/2015
[12] Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực từ 01/01/2015).
Tác giả: Nguyễn Hiền Phương – TS, Phó Bộ môn Luật Lao động và An sinh Xã hội, Trường ĐH Luật Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(96)/2016 – 2016, Trang 61-68
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời