Mục lục
Bài viết: Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của BLHS năm 2015 theo tinh thần của các công ước quốc tế về quyền con người
- Hình phạt là gì? Đặc điểm, mục đích và hệ thống các hình phạt?
- Hoàn thiện quy định về hình phạt chính không tước tự do
- Về giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân
- Quy định của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do
- Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của BLHS năm 2015
TỪ KHÓA: Hình phạt, , Quyền con người, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2017
TÓM TẮT
Chính sách hình phạt là một trong những nội dung quan trọng nhất của chính sách hình sự, hoàn thiện chính sách hình phạt là yêu cầu và mục tiêu của pháp luật hình sự các nước. Trong xu thế chung nhằm tăng cường bảo đảm quyền con người, phong trào cải cách chính sách hình phạt hay phong trào cải cách hình phạt (penal policy reform/ penal reform) bắt đầu từ châu Âu và ngày càng lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới. Quá trình cải cách hình phạt đã đặt ra những chuẩn mực quốc tế cho chính sách hình phạt trên cơ sở các công ước quốc tế về bảo đảm quyền con người. Trong bài viết, tác giả đưa ra các đánh giá về chính sách hình phạt thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, đồng thời đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam theo hướng tăng cường bảo đảm quyền con người.
1. Khái niệm chính sách hình phạt
Hiện nay có nhiều quan niệm về chính sách hình sự với các mức độ rộng hẹp khác nhau. Quan niệm được nhiều nhà khoa học ủng hộ cho rằng: “chính sách hình sự là bộ phận của chính sách pháp luật, là những định hướng, chủ trương trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm (bao gồm chính sách về tội phạm và chính sách về đấu tranh phòng chống tội phạm)”. Trong đó chính sách về tội phạm gồm có chính sách về vấn đề tội phạm và chính sách về hình phạt.[1] Chính sách hình sự về vấn đề tội phạm gắn liền với chính sách hình sự về trách nhiệm hình sự và hình phạt, hay còn gọi là “chính sách hình phạt”.[2] Chính sách hình phạt là chính sách sử dụng hình phạt và các biện pháp cưỡng chế hình sự vào việc đấu tranh có hiệu quả với tội phạm được thể hiện ở dung lượng của tác động cưỡng chế hình sự bằng các hình thức của trách nhiệm hình sự. Chính sách hình phạt là hệ quả của chính sách về tội phạm: đánh giá như thế nào về tội phạm, có mức độ tội phạm hóa như thế nào thì sẽ có mức độ xử lý trách nhiệm hình sự như vậy.[3] Chính sách về tội phạm tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách hình phạt. Tuy nhiên, bản thân chính sách hình phạt cũng có đời sống riêng bị chi phối bởi các yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Việc hoạch định chính sách hình sự nói chung và chính sách hình phạt nói riêng phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, bao gồm: các tư tưởng pháp lý tiến bộ được thừa nhận chung của nền văn minh; các cơ chế dân chủ và công khai để đảm bảo sự thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất ý chí của nhân dân; sự phân tích khách quan các quan hệ xã hội đang tồn tại và sẽ phát triển trong xã hội Việt Nam; sự kết hợp hài hòa các luận điểm khoa học pháp lý về tư pháp hình sự của Việt Nam với những thành tựu tiên tiến về khoa học pháp lý tư pháp hình sự trên thế giới; đánh giá khách quan hiệu quả xã hội của các quy phạm và các chế định pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự được áp dụng trong thực tiễn. Chính sách hình phạt được thể hiện trên cả ba lĩnh vực, bao gồm: (i). Chính sách hình phạt trong lĩnh vực lập pháp thể hiện ở hoạt động sáng tạo luật thông qua quá trình hình sự hóa và phi hình sự hóa; (ii). Chính sách hình phạt trong lĩnh vực áp dụng pháp luật thông qua hoạt động thực tiễn của các cơ quan tư pháp hình sự đặc biệt là hoạt động xét xử và thi hành án, đồng thời thông qua hoạt động giải thích pháp luật; (iii). Chính sách hình phạt trong lĩnh vực ý thức pháp luật bao gồm cả sự nhận thức về chính sách hình phạt của nhà lập pháp, chủ thể áp dụng pháp luật hình sự và của người dân. Khi nghiên cứu, đánh giá chính sách hình phạt cần được thực hiện trên cả ba lĩnh vực mới có thể đưa ra các kết luận, đánh giá và đề xuất các giải pháp một cách toàn diện.
2. Các chuẩn mực pháp lý quốc tế về chính sách hình phạt nhằm đảm bảo quyền con người
Xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự bảo đảm quyền con người là một mục tiêu không dễ đạt được trong pháp luật hình sự của các quốc gia. Hệ thống tư pháp hình sự trong một xã hội dân chủ tuân thủ triệt để chế độ pháp quyền cần phải cân bằng một cách cẩn trọng những lợi ích khác nhau và đôi khi là xung đột nhau: một là, lợi ích hợp pháp của nhà nước trong sự tuân thủ pháp luật quốc gia, cuộc chiến chống tội phạm và duy trì an ninh nội địa; hai là quyền lợi của các nạn nhân của tội phạm; ba là các quyền của người bị buộc tội và bị kết án.[4] Từ mục tiêu bảo đảm quyền con người của người phạm tội, Liên hợp quốc đã xây dựng các chuẩn mực quốc tế trong việc xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự nhằm đảm bảo quyền con người của người bị kết án. Mức độ cam kết của một xã hội đối với nền pháp quyền và các quyền cơ bản có thể được tính bằng cách xã hội đó tôn trọng và đảm bảo các quyền của những người bị cáo buộc hay bị kết án vì vi phạm luật hình sự.[5]
Các công ước nhân quyền thế giới và khu vực có nhiều điều khoản liên quan đến vấn đề bảo vệ các quyền con người trong tư pháp hình sự. Một trong những nội dung nhằm đảm bảo quyền con người của người phạm tội mà Liên hợp quốc và nhiều quốc gia quan tâm là xây dựng một hệ thống hình phạt tuy đảm bảo được lợi ích của nhà nước, của xã hội, đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo quyền con người của người phạm tội.
Cộng đồng quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo quyền con người. Khung pháp lý nhằm đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự được quy định trong các văn bản pháp luật quốc tế cụ thể.[6] Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người.[7] Điều này thể hiện sự tiến bộ, hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế nhưng đồng thời cũng đặt ra nghĩa vụ nội luật hóa các cam kết quốc tế nhằm đảm bảo quyền con người trong tư pháp hình sự nói chung và trong chính sách hình phạt nói riêng. Trong các Công ước quốc tế về quyền con người nêu trên, các công ước quốc tế có liên quan trực tiếp đến chính sách hình phạt như Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc (HRC), Công ước về các Quyền chính trị, dân sự (ICCPR), Công ước Chống tra tấn và đối xử hoặc hình phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác (CAT), Công ước về Quyền trẻ em (CRC). Bên cạnh các điều ước, Liên hợp quốc còn ban hành hàng loạt các tiêu chuẩn mềm áp dụng đối với quá trình tư pháp hình sự liên quan đến chính sách hình phạt.[8]
Trên cơ sở các điều ước quốc tế, pháp luật hình sự quốc tế đặt ra các giới hạn pháp lý về hình phạt nhằm khuyến nghị các quốc gia thành viên tuân thủ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách hình phạt của hệ thống tư pháp hình sự quốc gia.
2.1. Về vấn đề nhục hình[9]
Quy định cấm dùng nhục hình là yêu cầu đầu tiên của chính sách hình phạt. Quan niệm của pháp luật hình sự quốc tế cho rằng quy định cấm dùng nhục hình trong Điều 7 của ICCPR phải “mở rộng đến cả hình thức nhục hình, bao gồm sự đánh đập quá mức được yêu cầu thực hiện như hình phạt cho tội phạm hoặc như một biện pháp giáo dục hay kỷ luật.”[10] Trong một số trường hợp, yêu cầu của pháp luật quốc tế cho rằng việc áp dụng nhục hình vi phạm Điều 7 của ICCPR và thậm chí nếu bản án không được thực hiện thì cũng vẫn là một sự vi phạm Công ước.[11] Tương tự, CAT cấm áp đặt hình phạt nhục hình.[12]
2.2. Về hình phạt tử hình[13]
Theo những điều kiện nhất định, hình phạt tử hình không được xem là vi phạm đến quyền được sống. Điều 6(2) của ICCPR chỉ cho phép áp dụng án tử hình đối với những tội nghiêm trọng nhất, phải thực hiện theo phán quyết cuối cùng của một tòa án có thẩm quyền phù hợp với luật pháp. Ngoài ra, tử hình không được áp dụng đối với người chưa thành niên hay phụ nữ có thai. Mặc dù HRC chưa đưa ra một danh sách các tội nghiêm trọng để áp dụng hình phạt tử hình song nhấn mạnh rằng án tử hình phải là một “biện pháp ngoại lệ”.[14] Việc áp dụng hình phạt tử hình yêu cầu xác định sự thích hợp với vụ án cụ thể. Do vậy, khi quốc gia áp dụng hình phạt tử hình bắt buộc cho một trường hợp phạm tội mà không xét đến những hoàn cảnh cá nhân của người phạm tội cũng như những hoàn cảnh phạm tội, thì điều này bị xem như là sự tước đoạt tùy tiện quyền được sống.[15]
Điều 6 của ICCPR khuyến nghị mạnh mẽ việc hủy bỏ hình phạt tử hình và những quốc gia đã bãi bỏ án tử hình bị cấm khôi phục lại hình phạt này.[16] Ngoài ra, vào tháng 12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia đang duy trì án tử hình thiết lập một lệnh đình hoãn thi hành án tử hình hướng tới mục tiêu hủy bỏ án tử hình.[17] Trong trường hợp các quốc gia duy trì hình phạt tử hình thì Bình luận chung số 20 về Điều 7 của ICCPR chỉ ra rằng, khi áp dụng hình phạt tử hình, việc thi hành án phải được thực hiện theo cách gây ra đau đớn về thể chất và tinh thần ở mức ít nhất có thể. Năm 1947, có 7 quốc gia trên thế giới bỏ án tử hình thì đến năm 2008 là 141 quốc gia[18] đã phản ánh xu hướng hủy bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự các nước.
2.3. Về các hình phạt hoặc biện pháp không giam giữ[19]
Hiện nay, hình phạt tù và các biện pháp giam giữ đang bị lạm dụng tại nhiều nước trên thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở giam giữ.[20] Điều kiện nhà tù tồi tàn có tác động không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống gia đình của người bị giam, đồng thời cũng ảnh hưởng lâu dài lên khả năng tái hòa nhập và đóng góp của tù nhân cho xã hội. Năm 1990, Đại hội đồng đã thông qua Quy tắc của Liên hợp quốc về tiêu chuẩn tối thiểu về những biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo) nhằm khuyến khích các quốc gia cân nhắc các lựa chọn khác khi tước tự do đối với người phạm tội. Quy tắc Tokyo cho rằng các quốc gia nên có sẵn các biện pháp không giam giữ để “đưa ra tính linh động tốt hơn thích hợp với bản chất và tính nghiêm trọng của tội danh, với nhân cách và hoàn cảnh của phạm nhân và với sự bảo vệ xã hội và nhằm tránh việc sử dụng không cần thiết hình thức phạt tù”.[21] Quy tắc Tokyo xác định rất nhiều biện pháp không giam giữ có thể sử dụng tại giai đoạn kết án, có thể bao gồm: (a) trừng phạt bằng lời nói, như nhắc nhở, khiển trách và cảnh cáo; (b) tha tù có điều kiện; (c) các hình phạt về địa vị xã hội; (d) phạt kinh tế và phạt tiền như tiền phạt một lần và tiền phạt tính theo ngày; (e) tịch thu tài sản hay yêu cầu sung công; (f) bồi thường cho nạn nhân hay yêu cầu đền bù; (g) án treo hay án được trì hoãn; (h) chế độ án treo hay giám sát pháp lý; (i) yêu cầu phục vụ cộng đồng; (j) chuyển đến trung tâm quản giáo; (k) giam tại nhà; (l) hoặc bất kỳ hình thức đối xử không theo thể chế nào.[22]
3. Quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện chính sách hình phạt và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện
Chính sách hình phạt thể hiện trong quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thể hiện tinh thần và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 chủ trương “Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”. BLHS năm 2015 quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm, theo đó xây dựng chính sách hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội trên cơ sở chính sách hình phạt cho người phạm tội. BLHS năm 2015 tiếp tục kế thừa chính sách hình phạt phản ánh trong BLHS năm 1999, đồng thời có những quy định mới nhằm hoàn thiện các hạn chế trong quy định của BLHS năm 1999. Quy định của BLHS năm 2015 về chính sách hình phạt bao gồm rất nhiều nội dung. Trong bài viết, chúng tôi chỉ trình bày một số định hướng lớn về chính sách hình phạt đối với người phạm tội.
Thứ nhất, quá trình phi hình sự hóa và hình sự hóa được tiến hành song song xuất phát từ hoạt động phi tội phạm hóa và tội phạm hóa các hành vi phạm tội cụ thể. BLHS năm 2015 xóa bỏ 8 tội danh quy định trong BLHS năm 1999 gồm: tội hoạt động phỉ; tội tảo hôn; tội đăng ký kết hôn trái pháp luật; tội kinh doanh trái phép; tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các hành vi hoạt động phỉ, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật, hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vẫn bị quy định là tội phạm nhưng được xử lý trong các điều luật tương ứng khác của BLHS năm 2015 (điểm e Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13). Đồng thời, BLHS năm 2015 đã tội phạm hóa các tội phạm quy định tại 34 điều luật của BLHS năm 2015[23] và tội phạm hóa thông qua việc bổ sung các hành vi phạm tội mới trong các điều luật (điểm c Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13);
Thứ hai, BLHS năm 2015 hoàn thiện quy định về mục đích hình phạt trên cơ sở kế thừa quy định của BLHS năm 1999. Điều 31 BLHS năm 2015 quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”, BLHS năm 2015 chỉ bổ sung thêm pháp nhân thương mại và có một số thay đổi về thuật ngữ như thay cụm từ “các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa” thành “các quy tắc của cuộc sống”. Theo đó, hình phạt bao gồm các mục đích phòng ngừa riêng (gồm răn đe, trừng trị người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội; giáo dục ý thức pháp luật cho họ; ngăn ngừa họ phạm tội mới) và mục đích phòng ngừa chung (gồm giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm). Trong khoa học hình sự, việc xác định mục đích của hình phạt luôn có sự tranh luận và có các học thuyết khác nhau về hình phạt để lý giải cho điều này. Quan niệm cổ điển xác định có hai học thuyết chính về hình phạt là trừng trị và vị lợi. Học thuyết trừng trị về cơ bản là lạc hậu khi cho rằng hình phạt được biện minh vì sự phạm pháp, không cần thiết phải có lý do nào khác. Trái lại, học thuyết vị lợi là tiến bộ và được ủng hộ[24] khi cho rằng hình phạt được biện hộ vì nó ngăn ngừa người phạm tội tái phạm tội và ngăn ngừa ngay từ ban đầu những người khác có ý định phạm tội. Do đó, khi người phạm tội bị áp dụng hình phạt sẽ hỗ trợ cho việc cải tạo. Trong khi luận thuyết trừng phạt nổi trội hơn tại một vài quốc gia trên thế giới, thì phần lớn các nền tài phán không áp dụng chỉ thuần túy một học thuyết nào đó mà có một số kết hợp của cả hai.[25] Tuy nhiên, quan niệm hiện đại về học thuyết hình phạt xác định có bốn học thuyết gồm: học thuyết trừng trị, học thuyết ngăn ngừa, học thuyết phòng ngừa và học thuyết cải tạo.[264] Các quốc gia hiện nay vẫn sử dụng kết hợp nhiều học thuyết để xác định mục đích của hình phạt nhưng có sự nhấn mạnh mục đích ưu tiên là cải tạo, giáo dục người phạm tội.[27]
BLHS năm 2015 bộc lộ hạn chế khi quy định mục đích của hình phạt cho người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội giống nhau. Trong khi hai chủ thể này khác nhau về bản chất, liệu rằng hình phạt có khả năng đạt được mục đích giáo dục, cải tạo pháp nhân thương mại phạm tội và giáo dục ý thức pháp luật cho pháp nhân thương mại khác hay không? Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 chưa xác định một cách rõ ràng mục đích ưu tiên của hình phạt là trừng trị, giáo dục, mục đích ngăn ngừa hay mục đích phòng ngừa. Việc xác định rõ thứ tự ưu tiên các mục đích cần được nhất quán từ tư tưởng lập pháp đến sự thể hiện bằng quy định cụ thể của BLHS.
Thứ ba, BLHS năm 2015 tiếp tục kế thừa và có một số sửa đổi trong quy định chính sách hình phạt phản ánh thông qua nguyên tắc chung về xử lý tội phạm. Điều 3 BLHS năm 2015 kế thừa quy định của BLHS năm 1999 và có một số bổ sung, sửa đổi, bao gồm: bổ sung đường lối xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại khoản 2 Điều 3; sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong chính sách xử lý xử lý cho người phạm tội. Chính sách xử lý tội phạm tập trung ở hai khía cạnh là: bảo đảm công bằng và nghiêm minh trong xử lý tội phạm và chính sách nghiêm trị kết hợp với khoan hồng, cưỡng chế với thuyết phục giáo dục. BLHS năm 2015 sửa đổi quy định “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt trong trại giam” thành “Đối với người bị chấp hành hình phạt tù thì buộc họ phải chấp hành tại các cơ sở giam giữ”. Sửa đổi này có thể phù hợp với điều kiện thi hành án phạt tù tại Việt Nam, đặc biệt đối với các bản án áp dụng hình phạt tù với thời gian ngắn. Tuy nhiên, cần phải giải thích các cơ sở giam giữ gồm các hình thức nào, với cách thức tổ thức cụ thể vì các quy định về chống tra tấn luôn yêu cầu quy định cụ thể cho chế độ giam giữ các phạm nhân. Các chính sách xử lý tội phạm được quy định tại Điều 3 đã được thể hiện xuyên suốt các quy định cụ thể của BLHS năm 2015.
Thứ tư, BLHS năm 2015 đã thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần nguyên tắc nhân đạo và hội nhập quốc tế. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, việc dần loại bỏ hình phạt tử hình đã trở thành một xu thế chung của thế giới và phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Khoản 1 Điều 40 BLHS năm 2015 đã xác định phạm vi áp dụng cho hình phạt tử hình là “phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”. BLHS năm 1999 có 22 điều luật quy định hình phạt tử hình thì BLHS năm 2015 chỉ còn 17 điều luật quy định, tập trung ở các tội xâm phạm an ninh quốc gia (6 điều luật); các tội phạm ma túy (3 điều luật); các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (3 điều luật); các tội xâm phạm tính mạng, danh dự nhân phẩm (2 điều luật); các tội phạm tham nhũng (2 điều luật) và các tội xâm phạm an toàn công cộng (1 điều luật). Điều 40 BLHS năm 2015 bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên, không thi hành án tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên phạm tội, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Cơ sở của quy định này là người phạm tội vì động cơ vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội ngoài việc nộp lại tài sản tham ô, nhận hối lộ thì còn phải có đủ những điều kiện nhất định mang yếu tố tích cực như trên mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Các sửa đổi, bổ sung liên quan đến hình phạt tử hình thể hiện sự nhất quán trong chính sách hình phạt của nước ta và phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và xu hướng chung hiện nay. Theo chúng tôi, nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu để ngày càng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình kể cả nhóm tội phạm và người phạm tội, như quy định không áp dụng, không thi hành hình phạt đối với người khuyết tật nhằm phù hợp với Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006.
Thứ năm, BLHS năm 2015 thu hẹp phạm vi áp dụng của hình phạt tù, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt chính không tước tự do. Đây là các quy định mang tính tiến bộ của BLHS năm 2015 thể hiện tinh thần nội luật hóa các cam kết quốc tế và bắt nhịp cùng các xu hướng về chính sách hình phạt trên thế giới. Xu hướng giảm hình phạt tù và gia tăng các biện pháp thay thế hình phạt tù đang là một nội dung quan trọng trong chính sách hình phạt của các quốc gia và cũng là một trong các mục tiêu của phong trào cải cách hình phạt mà Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia thực hiện.[28] Khoản 2 Điều 38 BLHS năm 2015 quy định “Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng” nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tù trong thực tiễn xét xử. BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính cho cả trường hợp người phạm tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng (Điều 35), hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (Điều 100). Về nguyên tắc việc nâng cao vai trò và hiệu quả của các hình phạt chính không tước tự do là đúng đắn và phù hợp với chính sách hình phạt trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quá trình quy định cần dựa trên các cơ sở khoa học và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Một số quy định của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do còn hạn chế như chưa đa dạng hóa các hình phạt chính không tước tự do. Một số hình phạt không chứng minh tính hiệu quả như hình phạt cảnh cáo, hình phạt trục xuất hay quy định phạm vi áp dụng của hình phạt tiền quá rộng không phù hợp về lý luận.
Thứ sáu, BLHS năm 2015 đã bổ sung và hoàn thiện hơn các quy định về hệ thống các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự nhằm thực hiện nguyên tắc nhân đạo và cụ thể hóa nguyên tắc xử lý khoan hồng đối với người phạm tội. Cụ thể, BLHS năm 2015 đã bổ sung mới quy định về Tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) trong chế định về miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Quy định này nhằm tạo một cơ chế mới, hết sức đặc biệt được áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù, mà thực chất là thay đổi biện pháp chấp hành hình phạt tù có điều kiện để người bị kết án được tiếp tục giáo dục, cải tạo ở môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan thi hành án hình sự. Đây là một giải pháp hợp lý theo tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần khắc phục những bất cập hiện nay trong việc áp dụng án treo, đặc xá. Tuy nhiên, các quy định này cần được hướng dẫn áp dụng cụ thể hơn.
Thứ bảy, BLHS 2015 có nhiều bổ sung, sửa đổi trong chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể như bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi là “phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 91); bổ sung trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục, giáo dục (khoản 2 Điều 91, Điều 96, Điều 97); hoàn thiện quy định về tổng hợp hình phạt, các biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Các bổ sung, sửa đổi trên đã thể hiện tư tưởng tiến bộ và tăng cường bảo đảm quyền cho người dưới 18 tuổi.
Kết luận
Trên cơ sở đối chiếu với các chuẩn mực pháp lý quốc tế, có thể thấy rằng chính sách hình phạt của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các giới hạn pháp lý nhằm đảm bảo quyền con người. Chính sách hình phạt thể hiện trong quy định của BLHS năm 2015 về cơ bản thể hiện sự tiến bộ trong tư tưởng và qúa trình lập pháp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng một chính sách hình phạt cân bằng được nhiều lợi ích, tăng cường bảo đảm quyền con người và bắt kịp các xu hướng tiến bộ của khoa học pháp lý hình sự, theo chúng tôi, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề sau:
– Về lý luận, cần xác định rõ sự ưu tiên các mục đích của hình phạt. Sự ưu tiên các mục đích phải thống nhất từ nhận thức đến thể hiện trong việc xây dựng các chính sách hình phạt cụ thể trong BLHS và quá trình áp dụng trong thực tiễn. Theo xu hướng hiện nay, các quốc gia dần chuyển hướng ưu tiên cho mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội hơn là mục đích trừng trị hoặc ngăn ngừa. Bên cạnh đó, luật hình sự Việt Nam cần quy định riêng mục đích của hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội bởi đây là một chủ thể đặc biệt.
– Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy định về các hình phạt đặc biệt nghiêm khắc như hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân theo định hướng thu hẹp và hạn chế áp dụng cả trên phương diện loại tội phạm và người phạm tội.
– Nghiên cứu và hoàn thiện quy định của BLHS về các hình phạt chính không tước tự do nhằm tăng cường hiệu quả của các hình phạt này, giảm thiểu sự quy định và áp dụng hình phạt tù. Cần hoàn thiện theo hướng đa dạng hóa các hình phạt chính không tước tự do, sử dụng các hình phạt thực sự hiệu quả và sử dụng các biện pháp thay thế hình phạt tù một cách linh hoạt.
– Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách hình phạt cho người dưới 18 tuổi theo các xu hướng tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế theo các văn bản pháp luật quốc tế quy định các nguyên tắc của chính sách hình sự cho người chưa thành niên phạm tội và người chưa thành niên là nạn nhân hoặc người làm chứng.[29] Quá trình xây dựng chính sách hình phạt cho người dưới 18 tuổi cần cân bằng được các mục tiêu bảo vệ lợi ích nhà nước, xã hội, bảo vệ quyền của người chưa thành niên và phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Các xu hướng chính trong chính sách hình phạt trong pháp luật hình sự quốc tế và các nước là áp dụng tư pháp phục hồi, xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên phạm tội. Đây là những chính sách được áp dụng ngày càng rộng rãi ở nhiều quốc gia và đã chứng minh được hiệu quả trong việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội.[30] Tư pháp phục hồi có thể được cho là “một biện pháp thay thế trong hệ thống tư pháp hình sự về bản chất không nhằm trừng phạt mà là nhằm đem lại sự công bằng cho người phạm tội cũng như người bị hại, thay vì làm mất sự cân bằng một cách nặng nề trong việc trợ giúp một trong các bên liên quan gây khó khăn cho bên khác. Nó nhằm vào việc thiết lập lại các mối quan hệ xã hội là điểm cuối của phục hồi công lý và nhằm giải quyết những sai trái trong việc làm và sự chịu đựng điều sai trái cũng là mục đích của phục hồi công lý”.[31].
CHÚ THÍCH
[1]* NCS.ThS, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí MinhĐào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 1 (Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học xã hội, 2000, tr. 182 – 192.
[2] Đào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 1 (Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học xã hội, 2000, tr.192.
[3] Đào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 1 (Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học xã hội, 2000, tr. 192.
[4] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, “Human Rights in Criminal Justice Systems” Seminal Report of 9TH INFORMAL ASIA-EUROPE MEETING (ASEM) SEMINAR ON HUMAN RIGHTS, Strasbourg, France, 18-20 February 2009, p. 2.
[5] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 2.
[6] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 17.
- Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về Quyền con người năm 1948.
- Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966.
- Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1966.
- Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức đối xử phân biệt với phụ nữ năm 1979.
- Công ước Chống tra tấn và đối xử hoặc hình phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác năm 1984.
- Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989.
- Công ước quốc tế về Bảo vệ tất cả mọi người khỏi sự mất tích cưỡng bức năm 2006.
- Công ước về Quyền của người khuyết tật năm 2006.
[7] Hồng Nguyên, “Việt Nam tham gia hầu hết các Công ước về quyền con người”, http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Viet-Nam-tham-gia-hau-het-cac-Cong-uoc-ve-quyen-con-nguoi/184765.vgp. 2013, truy cập vào lúc 7h20 phút ngày 28/9/2016.
[8] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 2. Bao gồm:
- Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955.
- Tuyên ngôn về Bảo vệ tất cả mọi người khỏi sự tra tấn và đối xử hoặc hình phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác năm 1975.
- Quy tắc ứng xử cho nhân viên thi hành án năm 1979.
- Nguyên tắc đạo đức y khoa liên quan đến vai trò của nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ, trong việc bảo vệ tù nhân và những người tạm giam khỏi sự đối xử hoặc hình phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1982.
- Biện pháp an toàn bảo vệ quyền cho những người đối mặt với án tử hình năm 1984.
- Nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của ngành tư pháp năm 1985.
- Quy tắc của Liên hợp quốc về tiêu chuẩn tối thiểu về quản lý tư pháp người chưa thành niên (quy tắc Bắc Kinh) năm 1985.
- Quy tắc pháp lý cơ bản dành cho nạn nhân của tội ác và lạm dụng quyền lực năm 1985.
- Nguyên tắc cơ bản bảo vệ tất cả mọi người dưới bất kỳ hình thức giam giữ hay bỏ tù nào năm 1988.
- Nguyên tắc ngăn chặn và điều tra hiệu quả về thi hành án tử hình tùy tiện, ngoài pháp luật và sơ sài năm 1989.
- Nguyên tắc cơ bản về sử dụng vũ lực và vũ khí của nhân viên thi hành án năm 1990.
- Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư năm 1990.
- Hướng dẫn về vai trò của công tố viên năm 1990.
- Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ trẻ vị thành niên bị tước đoạt quyền tự do năm 1990.
- Hướng dẫn của Liên hợp quốc về ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội (Hướng dẫn Riyadh) năm 1990.
- Quy tắc của Liên hợp quốc về tiêu chuẩn tối thiểu về các biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo) năm 1990.
- Tuyên ngôn Bảo vệ tất cả mọi người khỏi mất tích cưỡng bức năm 1992.
- Tuyên ngôn về Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ năm 1993.
- Những nguyên tắc điều tra và lưu trữ có hiệu quả tư liệu về tra tấn và đối xử hoặc hình phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác năm 2000. (nguyên tắc Istanbul).
[9] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 54.
[10] HCR, General Comment No.20 (Art 7), para 5.
[11] HRC, Higginson v Jamaica, Communication No. 792/1998, 28 March 2002, para 6 HRC.
[12] See Concluding Observations of the Committee Against Torture on Saudi Arabia, UN Doc. CAT/C/CR/28/5,2002, para 8(b).
[13] Dato’ Param Cumaraswamy and, tlđd, p. 55.
[14] HRC, Bình Luận Chung, số 6, 1982, đoạn 7.
[15] HRC, Thompson v. Saint Vincent and the Grenadines, Communication No. 806/1998, at para. 8.2. See also IACommHR, Baptiste v Grenada, Case 11743, Report No. 38/00, 13 April 2000, at para. 89.
[16] Xem thêm HRC, Judge v Canada, Communication No. 829/1998, 5 August 2003, at paras. 10.2- 10.6.
[17] Tư liệu Liên hợp quốc A/Res/62/149 ngày 18 tháng 12 năm 2007. 104 quốc gia đã bỏ phiếu thuận với nghị quyết này, 54 quốc gia bỏ phiếu chống và 29 quốc gia bỏ phiếu trắng.
[18] Xem báo cáo năm 2008 của Tổng thư ký Liên hợp quốc “Tạm ngừng sử dụng án tử hình”, Tư liệu Liên hợp quốc, A/63/293, ngày 15/8/2008, đoạn 12.
[19] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 57.
[20] UNODC, Handbook of basic principles and promising practices on Alternatives to Imprisonment, Publish online, 2007, p. 6.
[21] Quy tắc của Liên hợp quốc về tiêu chuẩn tối thiểu về những biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo) 1990, mục 2.3
[22] Quy tắc của Liên hợp quốc về tiêu chuẩn tối thiểu về những biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo), 1990, mục 8.2. Xem thêm UNODC, Handbook of basic principles and promising practices on Alternatives to Imprisonment, 2007, Publish online.
[23] Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 BLHS năm 2015 (điểm c khoản 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13).
[24] Kevin Murtagh, Theory of punishment, http://www.iep.utm.edu/p/punishme.htm, truy cập vào lúc 15h ngày 5/2/2014
[25] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 2.
[26] A. Krishna Kumari, “Role of theories of punishment on the policy of sentencing”, ICFAI University, Hyderabad, A.P India, 2007, (Electronic copy of this paper is available at: http://ssrn.com/abstract=956234)
[27] A. Krishna Kumari, “Role of theories of punishment on the policy of sentencing”, ICFAI University, Hyderabad, A.P India, 2007, (Electronic copy of this paper is available at: http://ssrn.com/abstract=956234)
[28] UNODC, Handbook on strategies to reduce overcrowding in prison, 2013, Publish online; UNODC, Handbook of basic principles and promising practices on Alternatives to Imprisonment, 2013, Publish online.
[29] Nguyễn Thị Ánh Hồng, “Quy định của pháp luật hình sự quốc tế về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” được tổ chức tại Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 1-15.
[30] UNODC, Custodial and Non-Custodial measures social Reintegration, 2006, Publish online; UNODC, Handbook on Restorative Justice Programmes, 2006, Publish online.
[31] Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, tlđd, p. 2.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Dato’ Param Cumaraswamy and Manfred Nowak, “Human Rights in Criminal Justice Systems” Seminal Report of 9TH INFORMAL ASIA-EUROPE MEETING (ASEM) SEMINAR ON HUMAN RIGHTS, Strasbourg, France, 18-20 February 2009
- Nguyễn Thị Ánh Hồng, “Quy định của pháp luật hình sự quốc tế về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên được tổ chức tại Trường ĐH Luật TP. Hồ CHí Minh, 2017
- HRC, General Commentary No 20 (Art 7)
- HRC, Higginson v Jamaica, Communication No. 792/1998, 28 March 2002
- HRC, Thompson v. Saint Vincent and the Grenadines, Communication No. 806/1998
- HRC, Judge v Canada, Communication No. 829/1998, 5 August 2003
- IACommHR, Baptiste v Grenada, Case 11743, Report No. 38/00, 13 April 2000
- Krishna Kumari, “Role of theories of punishment on the policy of sentencing”, ICFAI University, Hyderabad, A.P India, 2007, Electronic copy available at: http://ssrn.com/abstract=956234
- Kevin Murtagh, Theory of punishment, http://www.iep.utm.edu/p/punishme.htm, accessed on the 5/2/2014
- Hồng Nguyên, Việt Nam tham gia hầu hết các Công ước về quyền con người, 2013, truy cập 28/9/2016 [trans: Hong Nguyen, Vietnam joins almost all human rights conventions]. http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Viet-Nam-tham-gia-hau-het-cac-Cong-uoc-ve-quyen-con-nguoi/184765.vgp. accessed on the 28/9/2016.
- Đào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 1 (Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học xã hội, 2000. [trans: Dao Tri Uc, Vietnamese Criminal Law, Book 1 (The General Matters), Social Science Publication, 2000]
- UN, Concluding Observations of the Committee Against Torture on Saudi Arabia, UN Doc. CAT/C/CR/28/5, 2002
- UNODC, Custodial and Non-Custodial measures social Reintegration, 2006, Publish online
- UNODC, Handbook on Restorative Justice Programmes, 2006, Publish online
- UNODC, Handbook of basic principles and promising practices on Alternatives to Imprisonment, 2007, Publish online
- UNODC, Handbook on strategies to reduce overcrowding in prison, 2013, Publish online
- United Nations Standard Minimum Rules for Non-custodial Measures (The Tokyo)
Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Hồng* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2017 (109)/2017 – 2017, Trang 28-36
Trả lời