Mục lục
Lịch sử về chống tra tấn và cơ chế bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi bị tra tấn trong các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người
TÓM TẮT
Việt Nam đang thực hiện xây dựng Báo cáo quốc gia (lần thứ nhất) về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Trong bối cảnh đó, việc đối chiếu và đánh giá mức độ nội luật hóa Công ước trong pháp luật quốc gia là cần thiết và cấp bách. Bài viết nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử chống tra tấn, chỉ ra cơ chế bảo đảm người bị buộc tội khỏi tra tấn trong các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người, thông qua đó khẳng định bảo đảm quyền con người là điều kiện tiên quyết và là cơ sở pháp lý để bảo vệ người bị buộc tội trong tố tụng hình sự khỏi tra tấn.
Xem thêm bài viết về “Người bị buộc tội”
- Trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong lĩnh vực tố tụng hình sự – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
1. Lịch sử về tra tấn và chống tra tấn
Ở khía cạnh lịch sử, tra tấn đã xuất hiện từ rất lâu và là một phần của hệ thống tư pháp ở nhiều quốc gia với nhiều truyền thống pháp luật khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy, tra tấn xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử La Mã cổ đại. Thời kỳ này, tra tấn được xem là hình thức hiệu quả nhất để tìm kiếm sự thật (“the highest form of truth”), được áp dụng đối với nô lệ trong các tranh chấp pháp lý và được các luật gia tán thành áp dụng.[1] Ở những xã hội trong các thời kỳ khác nhau, những hình thức tra tấn như đóng đinh người vào cột của người La Mã, ném đá đến chết của người Do Thái, hay phơi nắng trên sa mạc của người Ai Cập được coi là cần thiết để nhằm ngăn chặn hay trừng phạt người khác vì cho rằng họ vô đạo đức.[2]
Các tòa án châu Âu thời trung cổ và cận đại đều sử dụng tra tấn, tùy thuộc vào mức độ phạm tội của bị cáo hoặc địa vị xã hội. Tra tấn đã được coi là một biện pháp hợp pháp để có được sự nhận tội hoặc các thông tin khác về tội phạm. Thông thường, các bị cáo bị kết án tử hình sẽ bị tra tấn để buộc họ phải tiết lộ tên của kẻ đồng lõa.[3] Một mục đích khác của tra tấn cũng phát triển song song trong thời kỳ này được tìm thấy ở những nước có truyền thống pháp luật tôn giáo (Canon Law) vào năm 1252, khi mà Đức giáo hoàng (Pope Innocent IV) được quyền tra tấn những kẻ dám chống lại Đức Chúa trời (những kẻ này bị xem tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hay dị giáo Go).[4] Cách thức của hình thức tra tấn này được tiến hành phổ biến trước phiên tòa nhằm có được lời nhận tội, tiếp theo đó tra tấn để buộc họ phải tuyên bố sẽ từ bỏ ý định chống lại Chúa trời.
Vào thế kỷ thứ IV, đã có những nhìn nhận của một số nhà tư tưởng lớn thời bấy giờ gây nhiều tranh cãi về việc sử dụng tra tấn. Trong đó có quan điểm của Aristotle khi ông cho rằng “Tra tấn là một loại bằng chứng xuất hiện đáng tin cậy vì nó gắn liền với sự ép buộc lên chính sự thật.” (“Torture is a kind of evidence, which appears trust-worthy, because a sort of compulsion is attached to it.”). Tuy nhiên, đồng thời, Aristotle cũng đã chỉ ra rằng “sự ép buộc bằng tra tấn đồng nghĩa với việc cung cấp những chứng cứ sai sự thật, một số người sẵn sàng chấp nhận thay vì nói lên sự thật, số khác sẵn sàng cho một cáo buộc sai trái với người khác với hy vọng sớm được giải thoát vì bị tra tấn.” (“those under compulsion are as likely to give false evidence as true, some being ready to endure everything rather than tell the truth, while others are really ready to make false charges against others, in the hope of being sooner released from torture”).[5]
Dữ liệu trên cho thấy, ngay cả khi con người sử dụng tra tấn như là một cách thức hợp pháp, thì hình thức này đã phản ánh khía cạnh bản chất dã man, vô đạo đức và đáng bị lên án. Năm 1644, một luật sư người Hà Lan là Atonius Matthaeus đã cảnh báo những hiểm nguy vốn có của tra tấn dẫn đến nguy cơ chết người đối với những người vô tội. Ông cho rằng “tra tấn một người vô tội là sự sỉ nhục đối với công lý” (“the affront to natural justice by torturing an innocent”) bởi “khả năng nhận thức của người bị cáo buộc về sự thật sẽ bị mất cân bằng khi bị tra tấn” “the possibility that the accused person’s perception of truth would be skewed under torture”.[6]
Vào năm 1764, Cesare Beccaria[7] đã cho xuất bản quyển On Crimes and Punishments (tạm dịch là “Tội ác và Trừng phạt”), quyển sách này được xem là có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến chính sách tư pháp hình sự lúc bấy giờ. Trong nhiều nội dung, Beccaria đã tố cáo và lên án kịch liệt hành vi tra tấn. Ông cho rằng, tra tấn “chắc chắn là cách thức để tha bổng những kẻ côn đồ và là cách cáo buộc đối với những người vô tội yếu thế” (“is a sure route for the acquittal of robust ruffians and the conviction of weak innocents.”).[8] Điều này có thể lý giải tại sao, mặc dù tra tấn là hình thức được áp dụng hợp pháp trong một thời gian rất dài ở châu Âu.[9] Tuy nhiên, đã từ lâu, tra tấn bị kịch liệt phản đối, đặc biệt bởi các nhà trí thức thời kỳ Khai sáng vào thế kỷ 18. Tuy nhiên, tra tấn đã thực sự được xóa bỏ? Đây là câu hỏi còn gây nhiều sự nghi ngờ khi mà tra tấn vẫn còn xuất hiện trong một số trường hợp ngay trong những quốc gia đã tham gia phê chuẩn Công ước về chống tra tấn, không kể ở cả những quốc gia chưa tham gia Công ước.[10]
Đã từ rất xa xưa, ngay cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, mọi tình huống sử dụng tra tấn để gây đau đớn (về cả tinh thần lẫn thể chất) đối với người khác đều bị lên án.[11] Hiển nhiên, tất cả mọi ý kiến chống đối tra tấn đều dựa trên cách tiếp cận từ vấn đề đạo đức và quyền con người. James Ross, tác giả của bài nghiên cứu “A History of Torture” đã chỉ ra rằng mọi ý kiến chống đối tra tấn dường như được tìm thấy trong nội dung của các văn bản pháp lý về quyền con người.[12] Điều này được ông kết luận sau khi nghiên cứu về cách thức sử dụng tra tấn trong lịch sử tư pháp thế giới để thấy rằng bất cứ hình thức tra tấn nào cũng phản ánh bản chất đi ngược với công lý, vô đạo đức và xâm phạm nhân quyền.[13] Các tác giả của cuốn sách về tra tấn “Does It Make Us Safer? Is It Ever OK? A Human Rights Perspective” (“Tra tấn có khiến chúng ta an toàn? Nó đã bao giờ là hợp lý? Một khía cạnh về nhân quyền”), do Kenneth Roth và Minky Worden, hợp tác xuất bản với Human Rights Watch đã trả lời không với chính câu hỏi mà họ đặt ra.[14] Roth cho rằng “các hình thức ngược đãi thường là kênh để dẫn đến tra tấn”, do đó theo ông, tất cả các hình thức tra tấn hay đối xử độc ác, vô nhân đạo hoặc hành hạ nên bị cấm trong bất kỳ mọi trường hợp.[15] Michael Ignatieff, tác giả quyển Cấm đoán đạo đức bằng mọi giá (Moral Prohibition At a Price) cũng đã kịch liệt phản đối cả tra tấn và thẩm vấn cưỡng chế. Ông thậm chí cho rằng nên cấm tuyệt đối và vô điều kiện không chỉ tra tấn mà cả với “những hình thức thẩm vấn có liên quan đến sự gây căng thẳng và cưỡng ép trong quá trình tố tụng”.[16]
Trong lĩnh vực pháp luật, các văn bản pháp lý về quyền con người từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đều ghi nhận quyền được bảo đảm không phải chịu những hành vi tra tấn và ngược đãi là một trong những quyền cơ bản của con người nói chung và người bị buộc tội nói riêng.[17] Không giống những quyền khác, ví dụ như quyền tự do ngôn luận, quyền được bảo đảm không bị tra tấn được xem là một quyền tuyệt đối. Có nghĩa là, quyền này không thể bị xâm phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) (United Nations Human Rights Committee), việc chống tra tấn được xem là không có giới hạn.[18] Hơn thế, các kết quả nghiên cứu đều cho thấy, những nguy cơ đặc biệt khiến một người phải chịu tra tấn và bị tước quyền tự do hợp pháp luôn dễ dàng xuất hiện trong quá trình giam giữ để thẩm tra trước khi bị xét xử. Và nguy cơ lớn nhất được cho là giai đoạn đầu của quá trình tố tụng khi một người bị bắt và giam giữ, hay trước khi họ được tiếp cận với luật sư.[19]
Ở phạm vi pháp luật quốc tế, xác định khái niệm tra tấn phụ thuộc vào công cụ pháp lý được áp dụng trên cơ sở quốc gia tham gia và phê duyệt Công ước về nhân quyền của LHQ hoặc khu vực.[20] Lịch sử của tra tấn và chống tra tấn bắt đầu với Điều 5 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR).[21] Như một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tra tấn là một trong những vấn đề đầu tiên cần giải quyết của LHQ nhằm mục đích phát triển các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Điều 5 UDHR có nêu: “Không một ai phải bị tra tấn hoặc bị trừng phạt tàn ác và vô nhân đạo”. Trên cơ sở đó, Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) tại Điều 7 tiếp tục nhấn mạnh: “Không ai phải bị tra tấn hoặc bị trừng phạt tàn ác và vô nhân đạo. Đặc biệt, không ai phải bị tước đoạt tự do để làm vật thí nghiệm cho y tế hoặc khoa học”. Chủ trương này cũng được tìm thấy trong hầu hết các văn bản pháp lý quốc tế khu vực về quyền con người.[22]
Vào năm 1984, Công ước chống tra tấn được soạn thảo và công bố với tên gọi Công ước LHQ về Chống tra tấn và các hình thức gây đau khổ, hạ nhục nhân phẩm hoặc trừng trị khác, viết tắt là UNCAT. Khái niệm về tra tấn được ghi nhận tại Điều 1 của Công ước bao gồm những nội dung chính sau: (1) Là hành vi gây đau đớn hoặc đau khổ cho người khác về tinh thần hay thể chất; (2) Thực hiện bởi những mục đích cụ thể, bao gồm: thu thập thông tin hay một lời nhận tội, trừng phạt hay gây đau đớn một người về một hành vi do anh ta thực hiện hoặc bị tình nghi thực hiện, hoặc bất kỳ lý do nào khác do sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử thực hiện theo sự xúi giục hoặc sự cho phép của một quan chức hoặc người khác trong phạm vi công việc cụ thể.
Trước hết, tra tấn hay các hình thức gây đau khổ, hạ nhục và vô nhân đạo đều gây cho cả thể chất và tinh thần.[23] Thực tế cho thấy, có nhiều câu hỏi về sự khác biệt giữa tra tấn với hành vi độc ác, vô nhân đạo và các hình thức trừng trị khác. Đây thực sự là chủ đề đã và đang tiếp tục được bàn luận. Một vài quan điểm cho rằng tra tấn là một hình thức nghiêm trọng hơn các hình thức hạ nhục nhân phẩm khác. Thậm chí, trong một số tài liệu hướng dẫn về UNCAT cũng mô tả rằng, các hành vi đê hèn, hay hạ nhục nhân phẩm khác có thể có mức độ ít nghiêm trọng hơn tra tấn, nhưng nếu nó gây ra những đau đớn về tinh thần lẫn thể chất cho nạn nhân thì rõ ràng, ranh giới để phân biệt giữa tra tấn với các hành vi gây đau đớn là rất khó xác định. Tuy nhiên, cũng theo ý kiến này, nếu những hình thức gây đau đớn khác thỏa mãn các mục đích được mô tả tại Điều 1 của UNCAT và hành động do sự chỉ đạo hoặc xúi giục của công chức nhà nước thì cần phải bị ngăn cấm giống như tra tấn.[24]
Do có những cách hiểu khác nhau về khái niệm trên, Ủy ban chống tra tấn (Committee Against Torture, viết tắt là CAT) đã thừa nhận những hành vi sau đây bị coi là tra tấn như: đánh đập tàn nhẫn, bị điện giật, lạm dụng tình dục và hiếp dâm, giam giữ kéo dài, lao động nặng, nhấn nước chết đuối hoặc gây nghẹt thở, cắt xén và treo người trong thời gian dài.[25]
Ủy ban cũng thừa nhận những cách thức sau là “tàn nhẫn, vô nhân đạo, hoặc đối xử tồi tệ” như: bị buộc phải đứng quay vào tường trong nhiều giờ; chiếu đèn sáng vào mắt hoặc bịt kín mắt; bắt phải chịu tiếng ồn lớn liên tục; bị tước giấc ngủ, không cho ăn uống; buộc phải đứng liên tục hoặc cúi.…[26] Bên cạnh đó, khái niệm về tra tấn cũng không giới hạn đối với hành vi gây đau đớn về thể chất hoặc chấn thương. Nó bao gồm các hành vi gây đau khổ về tinh thần, chẳng hạn như thông qua các mối đe dọa đối với gia đình hoặc những người thân.[27] Thậm chí, tra tấn cũng được hiểu trong trường hợp một người bị sử dụng là vật thí nghiệm trong khoa học được thực hiện bởi chính phủ mà không có sự đồng ý hiểu biết của họ.[28]
Vậy, để chống tra tấn cần có những cơ chế pháp lý nào? Phần tiếp theo là những phân tích của tác giả nhằm chỉ ra những nền tảng pháp lý được ghi nhận trong hệ thống các công ước về quyền con người làm cơ sở cho việc tuân thủ bảo đảm quyền của người bị buộc tội nói chung và quyền được bảo vệ khỏi tra tấn nói riêng.
Xem thêm bài viết về “Quyền con người”
- Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự – TS. Hoàng Anh Tuyên
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – GS. The John
- Sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 theo Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn – PGS.TS. Trần Ngọc Đức
- Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người ở Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Nguyên tắc Paris 1993 và vấn đề thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người ở Việt Nam hiện nay – ThS. Trần Quang Trung & ThS. Vũ Thị Bích Hường
2. Nền tảng cốt lõi về quyền con người – cơ chế bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi tra tấn
Hành trình đấu tranh không mệt mỏi cho quyền con người đã khiến LHQ xây dựng nên những nguyên tắc cốt lõi dựa trên các yếu tố cơ bản của quyền con người (trong đó có quyền của người bị buộc tội). Tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi này là nhiệm vụ của quốc gia thành viên để bảo vệ tất cả các quyền con người và tự do cơ bản nhất trong bất kể lĩnh vực nào.
Các nội dung trong phần này sẽ chỉ ra những nền tảng cốt lõi nhất về quyền con người của người bị buộc tội được ghi nhận trong các văn bản pháp lý về quyền con người của LHQ và khu vực, những quyền được cho là nền tảng pháp lý để đảm bảo tốt nhất quyền được bảo vệ khỏi tra tấn của người bị buộc tội.
2.1. Quyền được xét xử công bằng
Bất cứ người nào bị cáo buộc phạm tội đều có quyền được xét xử công bằng. Đây là quyền cơ bản của người bị buộc tội của mọi quốc gia và là một phần của pháp luật quốc tế. Quyền này được ghi nhận trong Điều 10 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Điều 14(1) ICCPR và trong nhiều Công ước quốc tế khu vực về quyền con người.[29] Bên cạnh đó, quyền này còn được ghi nhận trong một số văn bản như: Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Toà án ban hành bởi Ủy ban về quyền con người của LHQ;[30] Bộ nguyên tắc bảo vệ con người khỏi các hình thức giam giữ và tù đày của Đại hội đồng LHQ;[31] Các nguyên tắc hướng dẫn về trợ giúp pháp lý trong hệ thống Tư pháp hình sự của Đại hội đồng LHQ.[32]
Vậy, việc bảo đảm quyền được xét xử công khai sẽ bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi tra tấn như thế nào?
Quyền được xét xử công bằng bao hàm nội dung bảo đảm rằng bất cứ người nào cũng có quyền được có cơ hội hợp lý để trình bày vụ việc của họ mà không bị đặt vào hoàn cảnh bất lợi. Quyền được xét xử công bằng không tập trung vào một quyền đơn lẻ mà tập hợp một hệ thống nhiều quy tắc và thực tiễn áp dụng. Quyền này được hiểu như là những nguyên tắc bắt buộc thông qua Tòa án để định hướng quá trình tố tụng nhằm bảo vệ quyền của các bên khi tham gia tố tụng ở tất cả các giai đoạn trước, trong và sau khi xét xử. Đối với người bị buộc tội trong vụ án hình sự, nguyên tắc phản ánh quyền được xét xử công bằng bao gồm các quyền cơ bản sau: quyền được biết lý do bị bắt; quyền có người bào chữa; quyền suy đoán vô tội; quyền im lặng; quyền được trình bày trước thẩm phán và được phán xét trong khoảng thời gian hợp lý; quyền được đối xử nhân đạo trong quá trình giam giữ trước khi xét xử; quyền được kiểm tra chéo với các chứng cứ và nhân chứng chống lại họ; quyền kháng cáo.[33] Theo đó, bảo đảm quyền được xét xử công bằng một cách độc lập dựa trên nền tảng chung để đảm bảo các quyền đơn lẻ luôn thể hiện nguyên tắc cơ bản của tư pháp nói chung và tố tụng hình sự nói riêng về bảo đảm quyền con người.
2.2. Quyền được tự do và an toàn của cá nhân
Trong tài liệu tập huấn về quyền con người cho thẩm phán, công tố viên và luật sư được thực hiện bởi Văn phòng Cao ủy LHQ phối hợp với Hiệp hội Luật sư quốc tế có nhấn mạnh mọi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm rằng bất cứ ai cũng có quyền được bảo vệ sự tự do và an toàn.[34] Quyền này được xem là một quyền cơ bản quan trọng trong nghĩa vụ bảo đảm quyền con người trong bất cứ một thể chế hay Nhà nước pháp quyền nào.[35] Quyền này được ghi nhận trong Điều 9(1) ICCPR, Điều 37(b) Công ước về Quyền Trẻ em, Điều 5(1) Công ước châu Âu về Quyền con người, Điều 7(1) Công ước châu Mỹ về Quyền con người, Điều 6 Công ước châu Phi về Quyền con người với nội dung không ai có thể bị tước đoạt tự do trong quá trình giải quyết vụ án bằng một thủ tục tố tụng mà chưa có phán quyết của tòa án (No one shall be deprived of his liberty save in the following cases and in accordance with a procedure pre- scribed by law); và không bị bắt giam tùy tiện và vô căn cứ (The Right to be Free from Arbitrary Arrest and Detention). Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tư pháp hình sự bởi vì đây là căn cứ để bảo đảm quyền của người bị buộc tội tránh khỏi bị tra tấn, đặc biệt trong trường hợp một người bị tước đoạt tự do nhưng không nhận thức được rằng họ có thể không được tuân thủ những biện pháp về thể chất.[36]
Ở một khía cạnh khác, ở phạm vi LHQ, việc giam giữ người nếu cần thiết phải đảm bảo những tiêu chuẩn riêng đối với những đối tượng đặc biệt bao gồm: phụ nữ; người chưa thành niên; người khuyết tật hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần; người có khuynh hướng tình dục khác biệt; người nước ngoài; người có nguy cơ bị lạm dụng và phân biệt đối xử bởi nhân viên trại giam, hoặc chính người bị giam giữ khác.[37]
2.3. Quyền được suy đoán vô tội
Quyền được suy đoán vô tội được xem là chuẩn mực của thực tiễn áp dụng pháp luật quốc tế về quyền con người được áp dụng trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh.[38] Quyền này ghi nhận những người bị cáo buộc về một hành vi phạm tội đều được suy đoán theo hướng không phạm tội cho đến khi bị kết án bằng một bản án đúng pháp luật theo một quy trình tố tụng tuân thủ những nguyên tắc cơ bản tối thiểu về sự công bằng.[39]
Những bất cập ở trên, quyền được suy đoán vô tội là yếu tố cơ bản của quyền được xét xử công bằng và là một quyền mang nguyên tắc bao trùm. Việc suy đoán thể hiện ở việc một người không thể bị ép buộc đưa ra lời nhận tội hoặc cung cấp những chứng cứ chống lại chính mình, đây phải là gánh nặng trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.[40] Nguyên tắc này cũng bảo đảm rằng một người bị cáo buộc phạm tội không thể bị buộc phải chứng minh mình vô tội, đồng thời, họ không thể bị suy đoán phạm tội cho đến khi có phán quyết của Tòa án dựa trên những căn cứ hợp lý về việc cáo buộc.[41]
Việc ngăn cấm sự cáo buộc khi chưa có kết luận của Tòa án sẽ làm củng cố cơ chế bảo đảm quyền của người bị buộc tội không bị tra tấn. Điều này có nghĩa là, mọi cáo buộc sẽ không có giá trị nếu dựa trên những chứng cứ được thu thập do bị tra tấn hay ngược đãi tàn nhẫn, vô nhân đạo.[42] Ở khía cạnh khác, các yếu tố liên quan đến việc giam giữ trước khi xét xử, điều kiện giam giữ phải được tiến hành trên cơ sở nội dung của quyền được suy đoán vô tội.[43] Có nghĩa là, việc giam giữ nếu cần thiết, phải bảo đảm rằng người bị giam giữ không bị coi và đối xử như là một người phạm tội. Lời nhận tội chỉ được xem là chứng cứ khi nó được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và không bị cưỡng chế bằng bất cứ hành vi nào gây đau đớn về thể chất hay tinh thần.[44]
2.4. Quyền được giữ im lặng
Quyền được giữ im lặng mặc dù không được quy định trực tiếp trong bất cứ văn bản pháp lý quốc tế nào về quyền con người, tuy nhiên, được chứa đựng trong nội hàm của quyền cơ bản là quyền suy đoán vô tội ở khía cạnh người bị buộc tội có quyền không phải đưa ra những lời khai chống lại chính mình.[17] Quyền được giữ im lặng không phải là quyền độc lập đơn lẻ mà là tổng hợp các nguyên tắc bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng trước và tại phiên tòa. Nội dung quyền này được diễn đạt rõ tàng tại Điều 14(3) của ICCPR như sau: lời nhận tội chỉ có giá trị khi nó được trình bày tự nguyện và không phải chịu áp lực của bất cứ hình thức cưỡng chế nào. Theo đó, ép buộc người bị buộc tội đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc họ nhận tội bằng bất cứ hình thức cưỡng chế nào đều phải bị ngăn cấm.[45] Đây chính là cơ sở để bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi tra tấn.
2.5. Quyền có người bào chữa
Theo Ủy ban Nhân quyền của LHQ, quyền có người bào chữa của người bị buộc tội được bảo đảm trong cả giai đoạn tố tụng trước và trong khi xét xử, bao gồm: quyền tiếp cận với luật sư; quyền có luật sư tham gia trong các buổi hỏi cung trước khi xét xử. Đối với người bào chữa, các tiêu chuẩn về quyền của họ cũng phải được bảo đảm, như: quyền được có khoảng thời gian hợp lý cho việc bào chữa, quyền được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với thân chủ đang bị giam giữ mà không bị bất cứ một hạn chế nào, quyền được thu thập chứng cứ….[46] Cũng theo Ủy ban Nhân quyền của LHQ, bất cứ ai bị bắt hay giam giữ, hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ đều có quyền được hỗ trợ bởi người bào chữa.[47] Tất cả những quyền này cũng được tìm thấy trong những cơ chế không mang tính công ước với hàm nghĩa việc bảo đảm quyền có người bào chữa là một yêu cầu để bảo đảm quyền được xét xử công bằng.[48] Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn đã phát biểu rằng những lời khai hoặc nhận tội được thu thập trong điều kiện không có sự hiện diện của người bào chữa không nên được xem xét là chứng cứ trước toà án.[49]
Vậy quyền có người bào chữa có bảo đảm người bị buộc tội khỏi sự tra tấn? Câu trả lời hiển nhiên là có. Với các quyền khác, việc tuân thủ các nguyên tắc chỉ yêu cầu sự tuân thủ của cơ quan tiến hành tốt tụng đối với một chủ thể cần bảo đảm, đó là người bị buộc tội. Đối với quyền có người bào chữa, bên cạnh người bị buộc tội, cơ quan tiến hành tốt tụng còn có nghĩa vụ bảo đảm quyền của người bào chữa. Sự hiện diện của người bào chữa, đặc biệt trong việc thực hiện quyền được tiếp cận và hỗ trợ người bị buộc tội không bị giới hạn được cho là điều kiện quan trọng để họ không bị tra tấn hay bất cứ hành vi cưỡng chế bất hợp pháp nào.[50] Hơn nữa, qua người bào chữa, người bị buộc tội có cơ hội được trình bày, thông tin về những nguy cơ và biểu hiện họ bị tra tấn.[51]
Kết luận
Những kiến thức lịch sử về tra tấn và chống tra tấn cho thấy nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật về chống tra tấn là quá trình đấu tranh mang tính quy luật trong lịch sử tồn tại và phát triển của con người. Điều này cũng đã chỉ ra mối nguy cơ to lớn của tra tấn luôn gắn liền với hoạt động tư pháp hình sự. Việc tìm hiểu các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người cũng cho thấy, vấn đề mấu chốt để chống tra tấn được bắt nguồn từ nhu cầu bảo vệ quyền con người, đặc biệt là nhóm người bị buộc tội trong tố tụng hình sự..
CHÚ THÍCH
[1]* TS, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.James Ross, “A History of Torture”, xem trong quyển “Torture -“Does It Make Us Safer? Is It Ever OK? A Human Rights Perspective”, biên tập bởi Kenneth Roth và Minky Worden, Human Rights Watch, 2005. Xem: <https://www.ciaonet.org/attachments/502/uploads>, truy cập ngày 20/12/2016.
[2] James Ross, Tlđd.,
[3] Tlđd.,
[4] Tlđd.,
[5] Tlđd.,
[6] Antonius Matthaeus, “Commentarius de Criminibus”, trích dẫn trong quyển Security, Terrorism and Tortue của Rudolph, Juta (1984), tr. 163. Trích dẫn bởi James Ross, Tlđd,.
[7] Cesare Beccaria (1738-1794) được xem là người có bộ óc vĩ đại nhất thời kỳ Khai sáng vào thế kỷ 18. Các tác phẩm có tầm ảnh hưởng của ông chủ yếu được khai thác lĩnh vực tội phạm học và kinh tế học. Trong quyển Tội ác và Trừng phạt, ông đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết phải cải cách hệ thống tư pháp hình sự của châu Âu vì cho rằng những gì hệ thống này đang vận hành là dã man và cổ hủ. Quyển sách đã chỉ ra 3 nguyên lý tạo nên cơ sở lý thuyết cho quan điểm của Beccaria về tư pháp hình sự, cụ thể trong cách thức ứng xử với tội phạm trong xã hội, đó là: tự do ý chí (free will); cách thức hợp lý (rational manner) và sự thao túng (manipulability). Theo cách diễn giải của ông, ý chí tự do cho phép một người lựa chọn một cách thức hợp lý để cho thỏa mãn sự hài lòng của riêng cá nhân mình. Tuy nhiên, đôi khi lợi ích cá nhân xung đột với lợi ích của xã hội và pháp luật, dẫn đến cá nhân phạm tội. Nguyên lý thao túng đề cập việc dự đoán được cách thức con người hành động theo lý trí tự cho là hợp lý để có thể dẫn đến phạm tội. Theo đó, sự trừng phạt là cần thiết nhưng phải thích đáng đối với từng loại tội phạm, chứ không phải bằng cách thức tra tấn. Trong quyển sách này, Beccaria đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền của người phạm tội cũng như quyền của chính các nạn nhân khi thảo luận đến các nguyên tắc trong tư pháp hình sự về sự trừng phạt. Xem: <http://www.biography.com/people/cesare-beccaria-39630>, truy cập ngày 22/12/2016.
[8] James Ross, Tlđd.,
[9] Tra tấn được áp dụng trong hoạt động thẩm tra của thời kỳ trung cổ và kết thúc vào năm 1816 khi Đức Giáo hoàng tuyên bố cấm sử dụng nó. Xem: Jame Ross, “A History of Torture”, Tlđd.,
[10] Hathaway, Oona A., The Promise and Limits of the International Law of Torture, Sanford Levinson (ed.), Torture: A Collection. New York: Oxford University Press, 2004.
Xem:.<http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1131413>, truy cập ngày 22/12/2016.
[11] Xem chú thích 7 và 8 về quan điểm của Aristotle (James Ross, “A History of Torture”, Torture: A Human Rights Perspective (Human Rights Watch, 2005), tr. 4.
[12] James Ross, Tlđd.
[13] James Ross, Tlđd.
[14] Kenneth Roth and Mindy Worden, Ethic of Torture (Torture: Does It Make Us Safer? Is It Ever OK? A Human Rights Perspective). New York: The New Press, 2005. tr. 201. Xem: <https://www.ciaonet.org/attachments/502/uploads>, truy cập ngày 27/12/2016.
[15] Tlđd.
[16] Tlđd.
[17] Cụ thể là: Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (Điều 5), Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (Điều 7), Công ước châu Mỹ La tinh về Quyền con người (Điều 5), Công ước châu Phi về Quyền con người (Điều 5), Hiến chương các nước Ả Rập (Điều 8), và Công ước về Quyền Trẻ em (Điều 37).
[18] Xem Bình luận chung số 20, đoạn 3.
[19] Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, The United Nation Convention Agains Torture – A Commentary, Oxford University Press (2008), tr. 75.
[20].http://www.ijrcenter.org/thematic-research-guides/torture/ (truy cập ngày 10/2/2016).
[21] UN General Assembly, Universal Declaration of Human Rights, 10/12/1948, 217 A (III) UN.GAOR, 3dSess,UN.Doc.A/810(1948).
[22] Xem chú thích 21.
[23] Điều này đã được Ủy ban nhân quyền của LHQ giải thích chính thức rằng tra tấn hay những hình thức gây đau khổ “là hành vi không chỉ gây đau đớn về thể chất mà còn là nguyên nhân khiến nạn nhân phải gánh chịu về tinh thần” (Bình luận chung số 20, đoạn 5).
[24] Conor Foley, Combating torture: A Manual for Judges and Prosecutors, Human Rights Centre, University of Essex (London), 2003, tr. 12. Xem: https://www.essex.ac.uk/combatingtorturehandbook/english/combating_torture.pdf (truy cập ngày 27/4/2016).
[25] Giải thích của Ủy ban chống tra tấn của LHQ, Bình luận chung 20, đoạn 6. Xem: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, The United Nation Convention Agains Torture – A Commentary, Oxford University Press (2008), tr. 29-49.
[26] Xem: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, Tlđd, Các nghiên cứu được đề cập trong quyển sách này cho rằng, không có một danh sách liệt kê thế nào là tra tấn hay độc ác, vô nhân đạo, hoặc đối xử tồi tệ, mà điều này sẽ cần phải được quyết định trên từng trường hợp cụ thể. Tương tự với giải thích của CAT, các Tòa án Nhân quyền châu Âu, các Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ, Tòa án Nhân quyền liên Mỹ, Ủy ban châu Phi và Tòa án trên Nhân quyền và Ủy ban châu Âu chống tra tấn và các nội dung của các báo cáo viên đặc biệt về tra tấn của LHQ đều đã đưa ra những ví dụ sau và cho rằng là những hành vi sau là độc ác, vô nhân đạo và tồi tệ: biệt giam kéo dài; sử dụng các áp lực thể chất trong khi thẩm vấn, trùm kín vải đen lên đầu người bị giam giữ; gây áp lực với tiếng ồn lớn, thiếu ngủ, thiếu thốn lương thực, buộc tù nhân đứng quay mặt vào tường trong một thời gian dài; sử dụng không khí lạnh …
[27] M. Nowak, Tlđd,.
[28] Đây là hình thức được phát hiện dưới thời Đức quốc xã trong Thế chiến II. CAT trước đó không có quy định này, mặc dù những hành vi này là điều cấm được ghi nhận tại Điều 7 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (CCPR -1966) rằng “không ai phải gánh chịu làm vật thí nghiệm cho y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý của mình.”
[29] Quyền này cũng được ghi nhận trong các công ước quốc tế vùng về nhân quyền bao gồm khu vực châu Âu (Điều 6 ECHR), châu Mỹ La Tinh (Điều 8 AmCHR), châu Phi (Điều 7 AfCHR) và trong hầu hết Hiến pháp của các quốc gia.
[30] UN Commission on Human Rights Independence and impartiality of the judiciary, jurors and assessors and the independence of lawyers, ngày 26 /4/ 1999 (E/CN.4/RES/1999/31).
[31] UN General Assembly: Body of Principles for the Protection of All Persons under Any Form of Detention or Imprisonment: resolution / ban hành bởi Đại hội đồng LHQ ngày 9/12/1988 (A/RES/43/173).
[32] UN General Assembly United Nations: Principles and Guidelines on Access to Legal Aid in Criminal Justice System: resolution / adopted by the General Assembly 28 March 2013 A/RES/67/187.
[33] Tập hợp các quyền này được ghi nhận trong hầu hết các Công ước về quyền con người và một số cơ chế bảo đảm khác, bao gồm: UDHR, ICCPR, ECHR, AmCHR, AfCHR, Công ước về quyền trẻ em, Quy tắc tố tụng và chứng cứ của Tòa hình sự quốc tế (the ICC Rules of Procedure and Evidence). Xem tổng hợp: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, Tlđd,.
[34] Office Of the High Commissioner for Human Rights in cooperation with the International Bar Association Professional training series No. 9, Human rights in the administration of justice: A manual on human rights for Judges, Prosecutors and Lawyers, 2003, tr. 63.
[35] Monica Macovei, Quyền tự do và an toàn của cá nhân: Hướng dẫn thực thi Điều 5 Công ước châu Âu về quyền con người (The right to liberty and security of the persons: A guide on the implementation of article 5 of the European Convention on Human Rights), Human Rights Handbook, số 5 (2003), tr. 17. Xem: <http://www.echr.coe.int/LibraryDocs/DG2/HRHAND/DG2-EN-HRHAND-05(2004).pdf>, truy cập ngày 22/12/2016.
[36] Báo cáo viên này cũng cho rằng, hầu hết các điều kiện giam giữ không nhân đạo đều không phải do việc thiếu ngân sách hay đói nghèo, mà do chính sách trừng phạt của tư pháp hình sự, nạn tham nhũng, hệ thống tư pháp hình sự không hoàn chỉnh, thiếu sự tôn trọng nhân quyền, thiếu những ràng buộc pháp lý minh bạch về quyền con người của người bị giam giữ. Tương tự, các khảo sát khác cũng cho thấy, khi quyền được tự do và an toàn bởi sự bắt bớ và giam giữ tùy tiện, không căn cứ không được tuân thủ, thì một số quyền liên quan khác của người bị buộc tội có thể không được bảo đảm như: quyền được biết lý do bị bắt và giam giữ; quyền được yêu cầu về điều kiện giam giữ đúng tiêu chuẩn; quyền được trình diện trước một phiên tòa kết luận việc giam giữ và trả tự do đúng pháp luật. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được bảo vệ khỏi tra tấn. Xem: Monica Macovei, Tlđd, tr. 163
[37] Đặc biệt đối với đối tượng giam giữ phụ nữ, Ủy ban nhân quyền LHQ đặc biệt quan ngại trường hợp cho phép quản giáo là nam giới được tiến cận với khu giam giữ phụ nữ. Trường hợp này được cảnh báo là nguy cơ của lạm dụng tình dục đối với phụ nữ. Ủy ban đã đề nghị rằng việc tra hỏi và giám sát những người giam giữ là phụ nữ phải được tiến hành bởi cán bộ là nữ. Theo đề xuất của Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, các quốc gia nên cung cấp các khóa tập huấn về giới cho các nhân viên ngành tư pháp và các khu vực nhà nước khác. Bình luận chung số 16 (1988) của Ủy ban nhân quyền LHQ; Tổng bình luận và Tổng đề xuất ban hành bởi Human Rights Treaty Bodies, U.N. Doc. HRI\GEN\1\Rev.1 at 21 (1994), đoạn 8.
Xem:.<https://www1.umn.edu/humanrts/gencomm/hrcomms.htm>, truy cập ngày 22/11/2016.
[38] Ủy ban Nhân quyền LHQ: Bình luận chung số, đoạn 8; Bình luận chung số 29, đoạn 11 và 16; Bình luận chung số 32, đoạn 6 (Human Rights Committee: General Comment 24, para 8, General Comment 29, para 11, 16, General Comment 32, para 6.) Xem tổng hợp: Manfrerd Nowak và Monica Macovei, Tlđd.,
[11] Xem quy định của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (Điều 11 UDHR); Điều 10(2) (a) và Điều 14 ICCPR, Điều 40 (2)(b)(i) Công ước Quyền Trẻ em; Điều 26(AmCHR), Điều 7(c) AfCHR.
[39] Xem mục 2.1.
[40] Bình luận chung số 13 của Ủy ban Nhân quyền LHQ, Tổng bình luận và Tổng đề xuất ban hành bởi Human Rights Treaty Bodies, U.N. Doc. HRI/GEN/1/Rev.6 tr. 135 (2003) đoạn 7. (Xem: Sổ tay hướng dẫn về quyền được trả tự do trước khi xét xử và quyền suy đoán vô tội, ban hành bởi Tổ chức quan sát quyền của luật sư Canada, tháng 3/2013. Truy cập <http://www.lrwc.org/ws/wp-content/uploads/2013/04/Pre-trial-release-and-the-right-to-be-presumed-innocent.pdf> ngày 20/12/2016.
[41] Tlđd.,
[42] Tlđd, Bình luận số 32.
[43] Tlđd,.
[44] Xem mục 2.3.
[45] Tlđd, Bình luận số 13
[46] Bình luận chung số 32, đoạn 34 của của Uỷ ban nhân quyền của LHQ về quyền bình đẳng trước toà án và quyền được xét xử công bằng (Human Rights Committee, General Comment No. 32, Article 14: Right to equality before courts and tribunals and to a fair trial, U.N. Doc. CCPR/C/GC/32 (23/7/2007), para 34. Xem: Sổ tay hướng dẫn về quyền được trả tự do trước khi xét xử và quyền suy đoán vô tội. Tlđd.,
[47] Tlđd.,
[48] Điều 14(3) ICCPR, Điều 37(d) Công ước về quyền trẻ em và trong các công ước khu vực khác về quyền con người. Quyền bào chữa còn được giải thích bởi các văn bản pháp lý quốc tế khác có liên quan, ví dụ như Bộ các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về vai trò của luật sư (United Nations Basic Principles on the Role of Lawyers), Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (Rome Status of the International Criminal Court), và các giải thích của Ủy ban nhân quyền của LHQ.
[49] Special Rapporteur on torture, UN Doc. E/CN.4/2003/68 (2002) para 26(e). (Xem: Manfrerd Nowak, Tlđd., tr.1433.
[50] Báo cáo của Uỷ ban Châu Âu về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt và đối xử tàn ác năm (2012 – 2015). Truy cập <http://www.cpt.coe.int/en/documents/eng-standards.pdf> ngày 20/12/2016.
[51] Bình luận chung số 20 của Ủy ban nhân quyền LHQ về Điều 7, Tổng bình luận và Tổng đề xuất ban hành bởi Human Rights Treaty Bodies, U.N. Doc. HRI/GEN/1/Rev.1 at 30 (1994).para 11 và Bình luận số 2 về việc thực hiện Điều 2 về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, U.N. Doc. CAT/C/GC/2/CRP. 1/Rev.4 (2007) at para 13. Truy cập <http://www2.ohchr.org/english/bodies/cat/docs/CAT.C.GC.2.CRP.1.Rev.4_en.pdf> ngày 20/12/2016.
- Tác giả: TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 05(108)/2017 – 2017, Trang 41-48
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời