Mục lục
Quyền con người sống trong môi trường trong lành và việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992
TÓM TẮT
Quyền sống trong môi trường trong lành là một khía cạnh của quyền được sống. Con người không thể sống trong một môi trường mà những thảm họa môi trường liên tiếp đe dọa sự tồn tại của mình. Những chuẩn mực về sức khỏe và phúc lợi sẽ không thể bền vững khi chính con người đã vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên và tàn phá khốc liệt các yếu tố môi trường. Quyền sống đó phải được pháp luật công nhận và tôn trọng. Quyền sống trong môi trường trong lành là quyền con người cần được ghi nhận và bảo đảm thực thi trong đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất – hiến pháp. Qua phân tích sự cần thiết của quyền con người sống trong môi trường lành mạnh, các quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về việc ghi nhận quyền này, tác giả mong muốn đóng góp một vài ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về vấn đề này.
Xem thêm:
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân”
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân
- Sửa đổi BLTTHS bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn
TỪ KHÓA: Quyền con người, Hiến pháp 1992,
1. Sự cần thiết ghi nhận quyền sống trong môi trường trong lành là quyền con người trong Hiến pháp
Quyền con người là một giá trị cơ bản của mỗi quốc gia – dân tộc, của mọi chế độ xã hội. Cốt lõi khái niệm quyền con người là sự tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, không phân biệt đối xử với tất cả mọi người, đồng thời đề cao tinh thần nhân đạo, khoan dung[1]. Nói một cách khác quyền con người là những quyền bẩm sinh, tự nhiên và không thể bị tước đoạt. Mặc dù quyền con người được xem là quyền tự nhiên, nhưng nó phải được xây dựng trong mối quan hệ giữa con người với con người và được xã hội thừa nhận. S.L.Montesquieu đã khẳng định trong Tinh thần pháp luật: “Muốn có quyền phải có một quy chế pháp lý dưới một hình thức nào đó xác lập và bảo vệ nó”. Như vậy, để thực hiện quyền con người ở nghĩa tự nhiên cần phải thể chế các quyền đó thành các quyền pháp lý tức là các chuẩn mực pháp lý về quyền, chẳng hạn như quyền sống, quyền tự do đi lại…; đồng thời phải thiết lập cơ chế pháp lý để bảo đảm, thực hiện và bảo vệ quyền con người. Việc thể chế hóa quyền con người được tiến hành ở những mức độ (phạm vi) khác nhau. Đó là ở các mức độ: quốc tế (toàn thế giới); khu vực (châu lục); và quốc gia.
Ở mức độ quốc tế các quyền con người được thể chế hóa khái quát nhất, tập trung nhất trong các văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản về quyền con người, chẳng hạn như Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966) và các Công ước quốc tế khác về quyền con người. Ở mức độ khu vực các quyền con người được thể chế hóa khái quát nhất, tập trung nhất trong các văn kiện pháp lý khu vực cơ bản về quyền con người, chẳng hạn nhưHiến chương Châu Âu về quyền con người… Ở mức độ từng quốc gia các quyền con người được thể chế khái quát nhất, tập trung nhất trong các văn kiện pháp lý quốc gia cơ bản, chẳng hạn như: hiến pháp và các đạo luật[2]. Nói cách khác, các bản Tuyên ngôn nhân quyền có tính chất cương lĩnh, xác định những nguyên tắc chung, không mang tính quy phạm, không mang tính pháp lý. Trong khi đó, hiến pháp – với tư cách là một đạo luật cơ bản của nhà nước có hiệu lực pháp lý tối cao- ghi nhận quyền con người còn mang một ý nghĩa quan trọng hơn ở chỗ sẽ đảm bảo cho các quyền này được thực thi trên thực tế bằng các biện pháp pháp lý. Vì bảo đảm quyềncon người là mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của hiến pháp cho nên hiến pháp phải là một văn kiện ghi nhận quyền con người[3].
Mặc khác, quyền con người sống trong môi trường trong lành là một quyền con người đã được các quốc gia thống nhất khẳng định trong các Tuyên bố quốc tế về vấn đề môi trường,Như Tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và con người năm 1972 (Tuyên bố Stockholm) đã ghi nhận ở nguyên tắc đầu tiên: “Con người có quyền cơ bản được tự do, bình đẳng và đầy đủ các điều kiện sống, trong một môi trường chất lượng cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm long trọng bảo vệ và cải thiện môi trường cho các thế hệ hôm nay và mai sau”[4]. 20 năm sau, Tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển năm 1992 (Tuyên bố Rio De Janeiro) cũng tiếp tục khẳng định trong nguyên tắc đầu tiên: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích và lành mạnh hài hòa với thiên nhiên”.[5]
Cho dù quyền về môi trường sống chất lượng, lành mạnh, hài hòa được các Tuyên bố quốc tế trên ghi nhận, nhưng trong chừng mực nào đó nó chỉ mang tính khuyến cáo, chưa phải là một quyền pháp lý đầy đủ và chỉ được coi là nguyên tắc chỉ đạo trong các tuyên bố hay nghị quyết không bắt buộc với tất cả các nước.[6] Nhưng cũng không phải vì lẽ đó mà quyền sống trong môi trường trong lành là vấn đề cần phải cân nhắc có nên hay không nên quy định như là một quyền cơ bản của con người. Thiết nghĩ, phải khẳng định đây là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, quyền sống trong môi trường trong lành là một khía cạnh của quyền sống. Con người không thể sống trong một môi trường mà những thảm họa môi trường liên tiếp đe dọa sự tồn tại của mình. Những chuẩn mực về sức khỏe và phúc lợi sẽ không thể bền vững trong một môi trường mà chính con người đã vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên và tàn phá khốc liệt các yếu tố môi trường. Không dừng lại ở đó, hậu quả kéo theo đó là cả những giá trị đạo đức, văn hóa, tình yêu và cả nền văn mình nhân loại bị xói mòn.
Thứ hai, quyền sống trong môi trường trong lành là một quyền cơ bản và bất khả xâm phạm. Bất cứ ai cũng không thể vì bất cứ lý do gì có thể bị tước đoạt quyền này. Quyền này thuộc về tất cả mọi người, quyền làm chủ cuộc sống của chính mình, khát vọng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mặt khác, quyền sống trong môi trường trong lành còn phản ánh kết quả của sự tiến hóa không ngừng của xã hội loài người gắn bó hết sức chặt chẽ, hài hòa với thế giới tự nhiên, các yếu tố môi trường. Con người đang đứng trước tình trạng báo động về môi trường khắp nơi trên thế giới, phải chăng con người không phải đang tiến mà đang đẩy mình vào bóng tối của tham vọng và chôn mình bằng “lời nguyền tài nguyên”.
Như vậy, con người không thể có quyền con người thật sự khi chưa có quyền hạt nhân đó là quyền sống, quyền sống như thế nào? Phải là sống có chất lượng, lành mạnh, hài hòa với tự nhiên, đây còn là mục tiêu phát triển của con người. Quyền sống đó phải được pháp luật công nhận và tôn trọng. Quyền sống trong môi trường trong lành là quyền con người cần được ghi nhận và bảo đảm thực thi trong đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất – hiến pháp.
2. Quyền con người sống trong môi trường trong lành trong Hiến pháp Việt Nam
Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc, được xây dựng trong bối cảnh đất nước vừa mới được độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Trong bối cảnh đó, Hiến pháp năm 1946 là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên xác lập quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tự do cá nhân. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các công dân, quy chế pháp lý công dân thể hiện quan điểm loại bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử, đặc quyền, đặc lợi giữa những cá nhân trong xã hội. Mặc dù lần đầu tiên ghi nhận, quy chế pháp lý công dân đã thể hiện sâu sắc quan điểm về tự do, dân chủ, về vấn đề quyền con người[7]. Hiến pháp 1946 đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm quyền lợi dân chủ cho nhân dân, quyền thiêng liêng của con người, của dân tộc sau gần một thế kỷ là dân nô lệ, mất hết tự do. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm làm nô lệ, người dân Việt Nam mới được sống tự do và có quyền công dân của mình, Hiến pháp 1946 ghi nhận ở Chương II nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, tại Điều 6: “Tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”.
Vì lẽ đó, quyền con người được sống trong môi trường trong lành chưa được Hiến pháp 1946 đề cập đến, điều này đã phản ánh trung thực tình hình chính trị và bối cảnh đất nước lúc bấy giờ.
Không bao lâu, sau khi thông qua Hiến pháp 1946. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc đi lên xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc, dân chủ. Trong tình hình mới, Hiến pháp năm 1959 được xây dựng theo mô hình Hiến pháp XHCN. Xuất phát từ bản chất dân chủ, mục tiêu phát triển của Nhà nước là vì con người, Hiến pháp năm 1959 không chỉ kế thừa các quyền tự do dân chủ mà còn quy định thêm những quyền mới, sửa đổi một số quyền cơ bản của công dân, quyền lợi công dân nói riêng và nhân dân nói chung được quan tâm cụ thể hơn, mở rộng hơn như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 27), quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 29),… Liên quan đến các yếu tố môi trường, Hiến pháp năm 1959 quy định tạimột và chỉ một điều khoản duy nhất, đó là Điều 12 Chương II Chế độ kinh tế xã hội: “…Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Nhà nước CHXHCN Việt Nam bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.Hiến pháp năm 1980 ra đời trong hoàn cảnh đó. Mặc khác, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa dẫn đến mức hủy hoại môi trường sinh thái, sự ô nhiễm các vùng thành thị, nông thôn chưa đến mức báo động.Điều đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là việc coi bảo vệ môi trường là đòi hỏi hiến định. Điều 36 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cải tạo môi trường sống”. Hiến pháp năm 1980 khẳng định bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, là đòi hỏi các chủ thể bắt buộc phải thực hiện vì lợi ích của quốc gia, tuy nhiên không có điều nào đề cập đến quyền con người về môi trường.
Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Tại Điều 29 – Chương II – Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: “Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”. Đây là một cơ sở quan trọng bậc nhất, nền tảng cho các quy định pháp luật về môi trường sau này. Hiến pháp quy định đây là nghĩa vụ mà “Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện”, về mặt ý nghĩa của quy định này là chính xác, để Nhà nước đạt được mục tiêu sử dụng tài nguyên hợp lý và bảo vệ môi trường.
Như vậy, xuyên suốt các bản Hiến pháp của Việt Nam, quyền con người sống trong môi trường trong lành chưa được ghi nhận, chưa được thể chế hóa thành một nguyên tắc hiến định.
3. Kinh nghiệm trong Hiến pháp của một số quốc gia
Một số quốc gia trên thế giới thừa nhận quyền được bảo đảm về chất lượng môi trường sống là một trong những quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Hiến pháp của một số quốc gia trên thế giới đều ghi nhận quyền về môi trường trong chế định quyền và nghĩa vụ của công dân hoặc trong nguyên tắc chung.
Trước hết, chúng tôi chọn nghiên cứu Hiến pháp của Liên bang Nga và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vì có những nét tương đồng về mô hình Hiến pháp XHCN chuyển đổi.
Hiến pháp Liên bang Nga 1993 (sửa đổi năm 2008)[8] quy định tại Điều 42 “Mỗi người đều có quyền về một môi trường trong lành, thông tin xác đáng về tình trạng môi trường, về quyền được bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản do việc vi phạm môi trường gây ra”. Điều này cũng được ghi nhận trong Chương II Các quyền và tự do của con người và công dân. Hiến pháp Liên bang Nga quy định vấn đề bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản do việc vi phạm môi trường gây ra được xem là quyền của người dân; một quyền mà nhà nước sẽ tạo cơ chế đảm bảo thực hiện và các chủ thể xâm phạm quyền này của người dân bắt buộc phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Quyền con người về vấn đề môi trường được ghi nhận một cách súc tích, cụ thể và vô cùng thiết thực, giá trị thực tiễn rất cao. Thiết nghĩ, điều này hết sức có ý nghĩa đối với người dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một trong những quốc gia tự nhận là có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới[9], đồng thời cũng là một nước XHCN là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Không như đa số các nước, vấn đề môi trường không được quy định ở chế định quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp, mà quy định trong Chương I Nguyên tắc chung. Điều 26 Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1982 (sửa đổi vào các năm 1988, 1993, 1999, 2004)[10] quy định: “Nhà nước bảo vệ và cải thiện cuộc sống và môi trường sống, phòng chống ô nhiễm và các hoạt động công ích khác.Nhà nước tổ chức và động viên việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng”. Quy định này mang tính khái quát, làm tiêu chuẩn xử sự căn bản cho hoạt động của các cá nhân, tổ chức. Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và cải thiện cuộc sống và môi trường sống, việc phòng chống ô nhiễm cũng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức và động viên trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Rõ ràng, Nhà nước phải thừa nhận và bảo đảm quyền con người về môi trường, tạo cơ chế và thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền này của con người.
Tóm lại, quyền con người về môi trường sống trong lành đều ghi nhận một cách trân trọng trong chế định quan trọng nhất của một hiến pháp hiện đại là Các quyền và tự do của con người và công dân (Hiến pháp Liên bang Nga) và trong Nguyên tắc chung, phần đầu tiên của hiến pháp (Hiến pháp Cộng hòa Trung Hoa).
Ngoài ra, một số quốc gia khác như Cộng hòa Ba Lan, Nhật Bản, Cộng hòa Hàn Quốc đã quy định tương tự. Chẳng hạn như trong Chế định Quyền tự do, các quyền và nghĩa vụ của con người và công dân (Chương II) trong Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan năm 1997[11] . Điều 74 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan quy định:
“1- Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực thi các chính sách bảo đảm sự an toàn sinh thái của các thế hệ hiện tại và tương lai.
2- Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
3- Mọi người đều có quyền được thông tin về chất lượng của môi trường và việc bảo vệ môi trường.
4- Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động của công dân để bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường”.
Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan đã xác định chủ thểcó nghĩa vụ thực thi các chính sách bảo đảm sự an toàn sinh thái, cung cấp thông tin và hỗ trợ hoạt động của công dân để bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường là các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước phải thực hiện trách nhiệm đã được hiến định và điều này có nghĩa là bảo đảm quyền người dân sống trong môi trường an toàn sinh thái ở hiện tại và tương lai. Mặt khác, ý nghĩa của điều luật này còn thể hiện được quan điểm phát triển bền vững của nhà lập pháp Cộng hòa Ba Lan. Điều 86 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan quy định: “Mọi người có trách nhiệm quan tâm đến chất lượng môi trường và chịu trách nhiệm về việc làm suy giảm môi trường. Nguyên tắc của việc quy trách nhiệm này sẽ do luật định”. Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan cũng quy định nghĩa vụ của mọi người đối với chất lượng môi trường, khẳng định chủ thể nào làm suy giảm môi trường phải gánh chịu trách nhiệm.
Như vậy, vấn đề môi trường được Hiến pháp quy định vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của con người, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan Nhà nước bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.
Khác với Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan, Hiến pháp Nhật Bản và Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc đều ghi nhận quyền sống trong môi trường lành mạnh là quyền của công dân. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946[12]ở Chương III Quyền và nghĩa vụ công dân, Điều 25 quy định: “Mọi công dân đều có quyền hưởng mức sống tối thiểu lành mạnh và có giáo dục”.
Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc năm 1948 (sửa đổi vào các năm 1952, 1954, 1960, 1962, 1969, 1972, 1980, 1987)[13] ở Chương II Các quyền và nghĩa vụ công dân, Điều 34 quy định:
“1- Mọi công dân có quyền được một cuộc sống xứng đáng của con người.
2- Nhà nước có nhiệm vụ nỗ lực thúc đẩy an sinh và phúc lợi xã hội.
3- Nhà nước nỗ lực thúc đẩy phúc lợi và quyền của phụ nữ.
4- Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi của người cao tuổi và trẻ em.
5- Công dân không có khả năng kiếm kế sinh nhai do khuyết tật về thể chất, bệnh tật, tuổi già, hoặc các lý do khác được Nhà nước bảo hộ theo các điều kiện luật định.
6- Nhà nước nỗ lực ngăn chặn thiên tai và bảo vệ công dân khỏi tác hại của thiên tai.”
Tiếp theo, Điều 35 Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc quy định:
“1- Mọi công dân có quyền được hưởng một môi trường lành mạnh và thoải mái.
2- Nội dung của các quyền về môi trường được xác định bởi pháp luật.
3- Nhà nước nỗ lực để đảm bảo nhà ở đầy đủ cho tất cả công dân thông qua các chính sách phát triển nhà ở và chính sách tương tự.”.
Có thể thấy rằng, các quốc gia nêu trên đều ghi nhận quyền con người sống trong môi trường trong lành trong Hiến pháp, mặc dù có thể ghi nhận ở các chế định khác nhau, nhưng quyền đó vẫn được coi là quyền quan trọng của con người hay của công dân ngang với các quyền và tự do khác như quyền bình đẳng, quyền sở hữu, quyền tự do, quyền được pháp luật bảo vệ, quyến bất khả xâm phạm …
4. Một số ý kiến đề xuất đóng góp sửa đổi Hiến pháp
Trong xu thế chung của thế giới và Việt Nam, vấn đề môi trường ngày càng trở nên bức thiết, quyền con người sống trong môi trường trong lành cần được bảo đảm. Vì vậy, chúng tôi đề xuất một vài ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp như sau:
Thứ nhất, quyền sống trong môi trường trong lành phải được xem là quyền con người, không phải là quyền công dân và trên thực tế, khái niệm quyền con người và quyền công dân không đồng nhất với nhau. Chủ thể của quyền con người có phạm vi rộng và bao quát hơn chủ thể của quyền công dân. Quyền con người là do “tạo hóa sinh ra”, là tự nhiên; quyền công dân là do Nhà nước quy định.
Thứ hai,quyền con người sống trong môi trường trong lành phải là một nguyên tắc hiến định, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân có thể tự mình hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khi có sự xâm phạm đến quyền cơ bản này của con người. Do đó, về kỹ thuật lập pháp nên quy định quyền này một cách khái quát, khẳng định mang tính nguyên tắc cơ bản và ghi nhận trong chế định Quyền và nghĩa vụ con người và công dân.
Thứ ba, Hiến pháp sửa đổi cần quy định Nhà nước có trách nhiệm cam kết thực thi các chính sách bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững và để bảo đảm việc thực thi một nguyên tắc của pháp luật môi trường, đó là nguyên tắc Nhà nước ghi nhận và bảo đảm quyền con người sống trong môi trường trong lành./.
CHÚ THÍCH
[1] GS.TS.Võ Khánh Vinh (chủ biên), Giáo dục quyền con người – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, 2010, tr. 21.
[2] GS.TS.Võ Khánh Vinh (chủ biên), tlđd
[3] GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, PGS.TS Trương Đắc Linh, ThS. Nguyễn Mạnh Hùng , Lưu Đức Quang, ThS. Nguyễn Văn Trí, Xây dựng và bảo vệ Hiến pháp kinh nghiệm thế giới và Viêt Nam (sách chuyên khảo), Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 43, 44, 45
[4] Các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr. 11
[5] Các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, tlđd, tr. 31
[6] Quyền con người ở Trung Quốc và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 462
[7] PGS, TS. Nguyễn Minh Đoan, Quy chế pháp lý của công dân Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 78.
[8] Bản dịch của Văn phòng Quốc hội (có hiệu đính) đã được xuất bản trong cuốn: Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, 2009.
[9] Lời nói đầu, Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
[10] Bản dịch của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (có hiệu đính theo bản Tiếng Anh tại http://english.peopledaily.com.cn) đã được xuất bản trong cuốn: Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, 2009.
[11] Bản dịch của Văn phòng Quốc hội từ bản Tiếng Anh đăng tải tại trang web của Quốc hội Ba Lan. http://www.sejm.gov.pl/prawo/konst/angielski/kon 1.htm
[12] Bản dịch của Viện nghiên cứu Nhật Bản (có hiệu đính theo bản Tiếng Anh) đã được xuất bản trong cuốn: Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, 2009.
[13] Bản dịch của Đại học Quốc gia Hà Nội từ bản gốc Tiếng Anh trên trang tin điện tử của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc: http://english.ccourt.go.kr.
Tác giả: ThS. Trần Thị Trúc Minh – Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2013 – 2013, Trang 34-38