Vai trò của Tòa án quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người: Trong luật nhân quyền quốc tế, tòa án quốc gia là thiết chế giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người….
- Vai trò của Tòa án trong việc xem xét Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ – TS. Cao Vũ Minh
- Một niềm tin, bốn triển vọng và năm thách thức trong tiến trình thừa nhận quyền giải thích pháp luật của Tòa án – TS. Cao Vũ Minh
- Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân – ThS Mai Thị Lâm
- Chức năng bảo hiến của Tòa án nhân dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 – PGS.TS. Trần Văn Độ
- Hiến pháp 2013 và định hướng sửa đổi Luật Tổ chức TAND và VKSND – TS. Phan Nhật Thanh
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – TS. Phan Nhật Thanh
- Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
- Nguyên tắc Paris 1993 và vấn đề thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người ở Việt Nam hiện nay – ThS. Trần Quang Trung
- Hiến pháp 2013 và nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự – GS.TSKH. Đào Trí Úc
TỪ KHÓA: Quyền con người, Tòa án
TÓM TẮT
Trong luật nhân quyền quốc tế, tòa án quốc gia là thiết chế giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Tòa án là chủ thể duy nhất có quyền trừng trị và loại trừ hành vi phạm tội xâm hại đến quyền con người; đồng thời là thiết chế giữ vai trò tối cao trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của cá nhân, như: quyền tư do và an toàn cá nhân, quyền tiếp cận tư pháp và đặc biệt là quyền được xét xử công bằng.
Đặt vấn đề
Mặc dù việc khát vọng bảo đảm quyền con người và hệ thống pháp luật về quyền con người đã có từ lâu đời và không ngừng phát triển, tình trạng xâm hại quyền con người vẫn diễn ra phổ biến và dai dẳng trong xã hội. Những giá trị tốt đẹp của con người luôn bị đe dọa bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm hẹp hòi. Lịch sử xã hội đã chỉ ra rằng, một khi không được bảo vệ thì quyền con người chỉ là những tuyên ngôn mang tính ước lệ hình thức. Nhằm bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn, xã hội cần xây dựng những cơ chế xã hội bảo vệ quyền con người hữu hiệu trước những hành vi xâm hại quyền con người.
Kế thừa những thành tựu của khoa học về quyền con người và kinh nghiệm bảo vệ quyền con người trong lịch sử, xã hội ngày nay thừa nhận chế độ pháp quyền là chế độ xã hội dân chủ và có khả năng bảo vệ quyền con người, quyền công dân hiệu quả. Điều này đã được Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền khẳng định: “Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bởi một chế độ pháp quyền để cho con người không buộc phải nổi dậy chống lại sự tàn bạo và áp bức, như là phương sách cuối cùng,”[1] . Tòa án vừa là trụ cột của chế độ pháp quyền vừa là thiết chế quan trọng có chức năng bảo vệ nguyên tắc pháp quyền[2] nên tòa án được luật nhân quyền quốc tế cũng như hiến pháp của đa số các nhà nước trao cho quyền tối cao trong việc bảo vệ quyền con người.
Luật nhân quyền quốc tế thừa nhận pháp luật quốc gia và tòa án quốc gia là những trụ cột cơ bản mà các quốc gia phải xây dựng và hoàn thiện nhằm bảo vệ quyền con người[3] . Cùng với việc quy định nghĩa vụ cung cấp các cơ chế khắc phục có hiệu quả và kịp thời cho các quyền con người bị xâm hại, luật nhân quyền quốc tế ghi nhận “Mọi người đều có quyền được các tòa án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định”[4] . Việc tòa án được thành lập để bảo vệ công lý là phù hợp với ý chí và nguyện vọng của người dân. Tòa án không có quyền từ chối một khi người dân có nhu cầu cần được khắc phục những quyền bị xâm hại bằng hoạt động xét xử. Chính vì thế, các quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người phải có nghĩa vụ hoàn thiện cơ sở pháp luật nhằm bảo đảm quyền này của người dân không bị hạn chế, bị tước bỏ khi họ cần được bảo vệ một phiên tòa. Tinh thần đề cao vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người không chỉ thể hiện ở phương diện ghi nhận quyền được xét xử là một quyền con người cơ bản mà còn được thể hiện trong nhiều nội dung khác của luật nhân quyền quốc tế vềnhững quyền con người cụ thể.
1. Vai trò của tòa án trong việc trừng phạt người có hành vi phạm tội xâm hại quyền con người và bảo vệ người vô tội
Tội phạm là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho quyền con người cho nên nhà nước và xã hội đặc biệt đề cao hoạt động ngăn chặn, trừng trị và loại trừ hành vi phạm tội nhằm bảo vệ quyền con người. Pháp luật hình sự bao gồm các quy phạm pháp luật về tội phạm và hình phạt là công cụ cơ bản được nhà nước sử dụng để trừng trị những hành vi phạm tội. Hình phạt trừng trị tội phạm bằng việc tước đoạt hoặc hạn chế những quyền cơ bản và quan trọng nhất của người phạm tội như: quyền sống (hình phạt tử hình), quyền tự do (hình phạt tù), quyền sở hữu (hình phạt tiền). Việc tước đoạt và hạn chế quyền và lợi ích đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là một trong những cách thức hữu hiệu hạn chế hành vi phạm tội xảy ra. Sự trừng trị nghiêm khắc của hình phạt sẽ khiến cho những người có ý định thực hiện hành vi phạm tội lo sợ bị tước đoạt quyền lợi mà từ bỏ quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội. Hình phạt chỉ phát huy được vai trò xã hội khi được áp dụng đúng đắn và tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong khi đó thực tiễn cho thấy không phải lúc nào hoạt động áp dụng hình phạt cũng bảo đảm được công bằng và đúng với quy định pháp luật. Chính vì thế việc xây dựng cơ chế áp dụng hình phạt công bằng, khách quan và bảo đảm công lý là cần thiết để loại trừ những nguy cơ hình phạt bị áp dụng sai hoặc bị lợi dụng để xâm hại quyền của người khác. Cũng như pháp luật của đa số các quốc gia, luật nhân quyền quốc tế chỉ thừa nhận tòa án quốc gia và quốc tế thông qua hoạt động xét xử mới có quyền định tội và áp dụng hình phạt đối với tội phạm “Mọi người bị buộc tội có hành vi phạm tội được coi là vô tội cho đến khi sự phạm tội của người đó được xác định một cách hợp pháp trong một vụ xét xử công khai, trong đó có sự bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa của người đó”[5] .
Bên cạnh việc trao quyền được xét xử và áp dụng hình phạt cho tòa án, luật nhân quyền quốc tế còn thừa nhận quyền được xét xử kịp thời, công bằng và khách quan cho những người bị buộc tội”mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra bởi pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự “[6] . Yêu cầu pháp lý này nhằm mục đích bảo đảm cho những giá trị công bằng, bình đẳng của pháp luật về quyền con người được hiện thực hóa vào đời sống xã hội, đồng thời tránh tình trạng các cơ quan nhà nước mà trực tiếp là những cơ quan áp dụng pháp luật lạm dụng hình phạt để hạn chế, tước đoạt quyền của các cá nhân vô tội. Hoạt động xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền độc lập, không thiên vị sẽ hạn chế được những sai sót, bất cẩn trong quá trình xác định sự thật của hành vi có đủ hay không các yếu tố cấu thành tội phạm. Như vậy, xét xử không chỉ là hoạt động trừng phạt tội phạm mà còn là phương thức bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội. Điều này cho thấy theo luật nhân quyền quốc tế tòa án quốc gia không chỉ bảo vệ quyền con người bằng việc áp dụng hình phạt trừng trị người thực hiện hành vi phạm tội nhằm ngăn ngừa và loại trừ nguy cơ hành vi tội phạm xâm hại đến quyền con người mà còn được thừa nhận là chủ thể đóng vai trò không thể thiếu nhằm bảo vệ quyền của những người bị các cơ quan điều tra và cơ quan công tố buộc tội nhưng trên thực tế họ là người vô tội.
2. Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền tự do và an toàn cá nhân
Quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân là một trong những quyền cơ bản của con người. Nhằm bảo đảm các cá nhân được hưởng tự do, luật nhân quyền quốc tế yêu cầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do và an toàn cá nhân. Mọi hành vi tước quyền tự do của cá nhân đều bị nghiêm cấm trừ trường hợp có lý do luật định. Khoản 1, Điều 9 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966 quy định “Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà pháp luật đã quy định” [7] . Cùng với việc pháp luật phải nghiêm cấm những hành vi đe dọa, xâm hại đến quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân, luật nhân quyền quốc tế còn yêu cầu các quốc gia phải xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa những người có thẩm quyền lợi dụng “lý do luật định” để “bắt” hoặc “giam giữ” người trái pháp luật, xâm hại quyền tự do và an toàn của cá nhân. Theo khoản 4 Điều 9 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 thì “Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước tòa án, nhằm mục đích để tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp”[8] . Nội dung của quy định này cho thấy những người bị tước tự do do bị “bắt” và “giam giữ” có quyền được yêu cầu tòa án kiểm tra và xác định tính hợp pháp của việc bắt và giam giữ nhằm bảo đảm việc họ bị “bắt” và “giam giữ” đúng quy định của pháp luật cũng như hạn chế tình trạng họ bị hạn chế quyền tự do một cách bất hợp pháp. Như vậy, theo luật nhân quyền quốc tế thì tòa án là thiết chế được trao quyền kiểm tra, thẩm định và ra phán quyết về tính hợp pháp của hành vi bắt và giam giữ khi người bị bắt và giam giữ yêu cầu nhằm hạn chế, ngăn chặn những hành vì lợi dụng quyền “bắt”, “giam giữ” xâm hại nghiêm trọng quyền tự do và an toàn cá nhân và quyết định bãi bỏ ngay tức khắc việc giam giữ và trả tự do cho người bị bắt và giam giữ trong trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất hợp pháp của việc bắt và giam giữ. Bắt và giam giữ là những hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do của cá nhân cho nên khi bình luận về quyền tự do và an ninh cá nhân, Ủy ban công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cho rằng: “Khoản 1 Điều 9 được áp dụng cho tất cả những người bị tước tự do, kể cả trong các trường hợp phạm tội hay các trường hợp khác như tâm thần, lang thang, nghiện ma túy, bị tước tự do vì các mục đích giáo dục, kiểm soát nhập cư..”[9] đồng thời yêu cầu các chủ thể bắt và giam giữ mang tính ngăn chặn vì các lý do an toàn công cộng cung cấp lý do phải áp dụng biện pháp đó cho tòa án[10] .
Cùng với quy định quyền của cơ quan tòa án xét xử và áp dụng hình phạt để bảo vệ quyền con người, nói chung, quyền tự do của con người, nói riêng, khoản 1 Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền quy định người “bị bắt” và “ bị giam giữ” có quyền yêu cầu Tòa án kiểm tra, xác định tính hợp pháp của hành vi bắt và giam giữ. Điều này đã củng cố thêm cơ sở pháp lý, bảo đảm vai trò toàn diện của tòa án trong việc bảo vệ quyền tự do và an toàn cá nhân. Tòa án không chỉ trừng trị hành vi phạm tội xâm hại đến quyền tự do và an toàn cá nhân bằng áp dụng hình phạt mà còn có quyền xác định tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi hạn chế quyền tự do và an toàn cá nhân của cơ quan cảnh sát, cơ quan điều tra khi “bắt” và “giam giữ” nhằm hạn chế tình trạng người có thẩm quyền lợi dụng quyền “bắt” và “giam giữ” mà xâm hại đến quyền tự do và an toàn cá nhân.
3. Vai trò của tòa án trong việc giáo dục ý thức pháp luật về quyền con người
Nhận thức về quyền con người của cá nhân và xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển quyền con người. Quyền con người là những quyền cụ thể của một cá nhân, là những giá trị thiên bẩm của thể nhân cho nên việc thụ hưởng và bảo vệ các quyền như thế nào trước tiên phụ thuộc vào sự nhận thức của chính cá nhân đó đối với các quyền của mình. Nếu cá nhân không nhận thức được quyền của mình thì các quyền của họ dễ bị tổn thương cho dù có sự hiện diện của các cơ chế bảo vệ quyền của nhà nước và xã hội. Điều này đã được Shulamith Koenig khẳng định “có hàng triệu người sinh ra và mất đi mà không hề biết rằng họ là những chủ nhân của quyền con người, và do đó, không thể kêu gọi các chính phủ của họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. Đúng hơn là chúng ta muốn nói rằng lạm dụng sự không hiểu biết là một vi phạm quyền con người.”[11] Chính vì thế, một trong những ưu tiên hàng đầu của cuộc chiến chống lại những hành vi vi phạm quyền con người, các nguy cơ tước đoạt và hạn chế quyền con người chính là giáo dục nhận thức về quyền con người cho các cá nhân trong xã hội. Vì quyền con người, văn hóa quyền con người phát triển như thế nào phụ thuộc lớn vào sự hiểu biết, tôn trọng và mong muốn về quyền của mỗi cá nhân “Văn hóa quyền con người có được sức mạnh lớn nhất từ những mong muốn hiểu biết của mỗi cá nhân. Trách nhiệm bảo vệ quyền con người là thuộc về các nhà nước. Nhưng chính những hiểu biết,tôn trọng và mong muốn về quyền con người của mỗi cá nhân là điều mang lại kết cấu và sức bật hàng ngày cho quyền con người”[12] .
Giáo dục ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một vấn đề xã hội phức tạp đòi hỏi có sự kiên trì và ủng hộ toàn thể xã hội. Vì quyền con người có nội hàm tuy không phức tạp nhưng được nhận thức khác nhau ở các môi trường văn hóa, chính trị khác nhau. Trong khi đó đối tượng cần được giáo dục quyền con người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, có truyền thống văn hóa dân tộc khác nhau và trình độ học vấn khác nhau. Chính sự đa dạng này dẫn đến giáo dục quyền con người không thể giới hạn trong những không gian, thời gian của giáo dục truyền thống (giáo dục học đường). Giáo dục quyền con người phải có sự phổ quát, bao trùm toàn bộ các cá nhân trong xã hội dù đó là người già, phụ nữ hay trẻ em; dù đó là nông dân, công nhân hay là trí thức; dù là người có trình độ cao hay là người thất học, không biết chữ. Những đặc điểm và yêu cầu của giáo dục quyền con người cho thấy hoạt động xét xử có nhiều tiềm năng góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục quyền con người cho xã hội.
Trong tâm lý xã hội, tòa án đã được đa số các nền văn hóa thừa nhận như là biểu tượng của công bằng và công lý. Dù là ở phương Đông hay phương Tây; dù là đang bị sự cai trị của một chế độ độc tài hay là một chế độ pháp quyền thì niềm hy vọng về sự công minh, công bằng và công lý của hoạt động xét xử chưa bao giờ mất đi trong tiềm thức của người dân. Điều này được thể hiện rõ qua các biểu tượng công lý được các nền văn minh tôn thờ trong lịch sử. Ví dụ, người Trung Hoa, người Việt Nam tôn thờ và ngưỡng mộ “Hình ảnh Thanh Thiên Bao Công – mặt sắt đen sì tượng trưng cho nền công lý thuở xa xưa của nhà nước phong kiến đời Tống Trung Quốc.”[13] Ở nền văn minh La Mã thì nữ thần công lý (La Justice) là biểu tượng thiêng liêng của hoạt động xét xử của Tòa án: Một vị nữ thần có hình thức xinh đẹp,một tay cầm thanh gươm biểu tượng cho quyền uy của tòa án; một tay cầm một chiếc cân để phân định sự công bằng, không thiên vị; và một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý không bị chi phối bởi những áp lực và ảnh hưởng từ bên ngoài. Sự thần thánh hóa và tôn thờ các vị thần hiện thân cho công lý đã thể hiện rõ ước muốn của người dân là hoạt động xét xử luôn công bằng, bình đẳng và bảo vệ công lý[14] . Chính vì đã trở thành biểu tượng công lý trong tiềm thức của người dân nên phán quyết của tòa án có sự ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ, tình cảm và niềm tin vào công bằng, bình đẳng của pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đây chính là một trong những cơ sở xã hội thuận lợi để tòa án góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, quyền con người nói riêng.
Hoạt động xét xử là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước có tính dân chủ rộng rãi. Trong quá trình xét xử, bị cáo, đương sự, người bào chữa, người làm chứng, người bị hại có quyền tham gia trực tiếp vào hoạt động xét xử cho nên họ dễ dàng nắm bắt được các quy định của pháp luật về quyền con người được áp dụng để giải quyết vụ án, đồng thời họ được trực tiếp thực hành các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Chính vì thế, hoạt động xét xử là phương thức giáo dục pháp luật hiệu quả, sinh động và thiết thực đối với bị cáo, đương sự, người làm chứng và những người tham gia khác. Thông qua việc tham gia hoạt động xét xử, hiểu biết pháp luật, tri thức về quyền và nghĩa vụ của bị cáo, người tham gia xét xử khác sẽ được nâng lên. Đồng thời, thái độ, tình cảm và sự nhìn nhận của những người này đối với hành vi vi phạm pháp luật, quyền và nghĩa vụ pháp lý sẽ có những thay đổi nhất định theo chiều hướng tích cực. Hoạt động xét xử không đơn thuần là sự lựa chọn quy phạm mà việc áp dụng pháp luật phải trên cơ sở quá trình phân tích làm rõ ý nghĩa, nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật trong mối quan hệ với hành vi vi phạm pháp luật cá biệt cho nên những người tham gia xét xử không chỉ nắm bắt được nội dung của quy phạm mà còn thấu hiểu được ý nghĩa xã hội, mục đích hướng đến của quy phạm. Những tri thức này sẽ tác động mạnh mẽ đến tình cảm, thái độ và ý thức pháp luật của người tham gia xét xử. Chính vì tác động một cách toàn diện và sâu sắc đến các cấp độ và các phương diện ý thức của người tham gia xét xử nên hoạt động xét xử được thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật, tuân thủ nghiêm minh quyền con người và phán xử vô tư, khách quan sẽ nâng cao ý thức pháp luật, ý thức tôn trọng và đề cao quyền con người của bị cáo, đương sự (nguyên đơn và bị đơn trong các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động), người làm chứng và những người tham gia trực tiếp hoạt động xét xử.
Bản án, quyết định của tòa án là sự khẳng định của pháp luật về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi pháp lý và các biện pháp trừng trị hành vi vi phạm pháp luật, phục hồi công lý, khôi phục các quyền đã bị xâm hại bởi hành vi vi phạm pháp luật. Bản án, quyết định của tòa án không phải là những quy phạm pháp luật mô phỏng có tính trừu tượng cao mà là những quyền và nghĩa vụ gắn với hành vi pháp lý cụ thể cho nên người tiếp xúc với bản án, quyết định sẽ dễ dàng nhận biết được hành vi như thế nào là vi phạm pháp luật, hành vi như thế nào là bị pháp luật trừng trị, mức độ trừng trị ra sao. Các quy phạm pháp luật được cá biệt hóa với hành vi vi phạm nên việc tìm hiểu pháp luật thông qua các bản án sinh động, dễ nhớ và có tính thực tiễn thi hành cao, vì thế bản án, quyết định của tòa án trở thành nguồn tư liệu quan trọng phục vụ cho hoạt động đào tạo nghề luật. Điều này cho thấy hoạt động xét xử không chỉ tác động đến người tham gia xét xử, người dân mà còn tác động đến tri thức, tâm lý và ý thức của những người hành nghề luật, những chuyên gia pháp lý.
Bên cạnh những ưu điểm đã được thể hiện trong quá trình xét xử, trong nội dung của các phán quyết thì hoạt động xét xử còn được thực hiện một cách công khai rộng rãi. Chính vì thế, phạm vi không gian tác động của hoạt động xét xử không chỉ bó hẹp trong phòng xử án mà có thể được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho nên bản án, quyết định của tòa án và cả nội dung của hoạt động xét xử có thể tác động đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội. Chính vì thế, bản án, quyết định tòa án có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ và niềm tin của người dân một cách rộng rãi trong đời sống xã hội. Sự lên án, bất bình hay đồng tình, ủng hộ phán quyết của tòa án không chỉ dừng lại ở tâm lý của bị can, bị cáo, người tham gia xét xử mà đó có thể là thái độ, tình cảm của cả một cộng đồng xã hội. Bản án, quyết định hợp tình, hợp lý sẽ cũng cố mạnh mẽ thái độ tôn trọng pháp luật, niềm tin của xã hội vào công lý. Ngược lại bản án, quyết định bất công sẽ tạo ra hệ lụy lớn cho quyền con người vì lúc đó nhiều người trong xã hội không tin tưởng vào công lý, công bằng và bình đẳng của pháp luật của chế độ nhà nước.
Như vậy, tòa án thông qua hoạt động xét xử không chỉ đưa ra phán quyết mà còn gián tiếp cung cấp tri thức pháp luật cho những người tham gia xét xử, hướng dẫn họ cách thức thực hành pháp luật. Sự kết hợp hài hòa giữa việc đưa ra phán quyết trên cơ sở pháp luật, thông qua đó đồng thời cung cấp tri thức pháp luật và thực tiễn thi hành luật là phương thức giáo dục pháp luật về quyền con người hiệu quả, thu hút được sự tham gia tích cực của người được giáo dục. Chính vì thế, hoạt động xét xử không chỉ là hoạt động áp dụng pháp luật mà trở thành một trong những hình thức tuyên truyền và giáo dục pháp luật hữu hiệu trong đời sống xã hội. Tòa án áp dụng pháp luật nghiêm minh, xét xử đúng người, đúng tội và phù hợp với lẽ phải, công bằng xã hội sự tác động sâu sắc đến tri thức và tình cảm, niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Tri thức pháp luật nói chung, tri thức về quyền con người trong pháp luật nói riêng chính là cơ sở tiền đề đặc biệt quan trọng hình thành nên ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền con người của cá nhân và đồng thời là nền tảng xã hội củng cố và phát triển văn hóa quyền con người.
CHÚ THÍCH
[1] Viện Thông tin khoa học xã hội (1998), Quyền con người các văn kiện quan trọng, Hà Nội, tr. 142.
[2] Tô Văn Hòa (2007), Tính độc lập của Tòa án – Nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở Đức, Mỹ, Pháp, Việt Nam và các kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Lao động xã hội, tr. 37.
[3] Xem thêm Lời nói đầu của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.
[4] Điều 8, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.
[5] Tldd, Khoản1 Điều 11 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, trang 148.
[6] Khoản 1, Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, 1966.
[7] Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Luật nhân quyền quốc tế – Những vấn đề cơ bản, Nxb. Lao động-xã hội, Hà Nội, năm 2011, tr. 248.
[8] Xem khoản 4, Điều 9 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966
[9] Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Quyền con người – Tập hợp những bình luận/khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên hợp quốc, Nxb. Công an nhân dân, năm 2010, trích bình luận chung số 8, tr. 258;
[10] Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Quyền con người – Tập hợp những bình luận/khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên hợp quốc, Nxb. Công an nhân dân, năm 2010, trích bình luận chung số 8, tr. 259;
[11] Shulamith Koenig, “Tiếp thu kiến thức về quyền con người là một hành trình mà chúng ta phải đi theo”, (Trích trong sách Wolfgang Benedek (2008), Tìm hiểu về quyền con người, Nxb. Tư pháp), tr. 27.
[12] Sérgio Vieira De Mello, Cao ủy của Liên hợp quốc về quyền con người Liên hợp quốc. 2003.
[13] Nguyễn Đăng Dung (2011), Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 315.
[14] www.wikipedia.org/wiki/ la justice.
Tác giả: Đặng Công Cường – ThS Luật học, giảng viên Khoa Luật – Đại học Huế
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2014 (80)/2014 – 2014, Trang 06-11
Like Fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời