Mục lục
Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người ở Việt Nam: Bài viết nghiên cứu về cơ chế bảo vệ quyền con người trên thế giới nói chung và một số gợi ý nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam…
- Nguyên tắc Paris 1993 và vấn đề thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người ở Việt Nam hiện nay – ThS. Trần Quang Trung & ThS. Vũ Thị Bích Hường
- Hiến pháp 2013 và nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong TTHS – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – TS. Phan Nhật Thanh
- Vai trò của Tòa án quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người – ThS. Đặng Công Cường
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – Steven D. Schwinn
- Quyền con người sống trong môi trường trong lành – ThS. Trần Thị Trúc Minh
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo
- Sửa đổi các quy định của BLTTHS theo Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn – PGS.TS. Trần Ngọc Đức
- Nguyên tắc Paris 1993 và vấn đề thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người ở Việt Nam hiện nay – TS. Trần Quang Trung & ThS. Vũ Thị Bích Hường
- Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người ở Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở và vấn đề bảo đảm quyền con người – GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Tổng quan về quyền con người trong pháp luật lao động – ThS. Đào Mộng Điệp
TỪ KHÓA: Quyền con người,
TÓM TẮT
Bảo đảm quyền con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Hiến pháp 2013 là một dấu ấn quan trọng trong việc quy định các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bên cạnh xác định những quyền cơ bản, Điều 119 của Hiến pháp cũng xác định sự cần thiết có cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Quy định này không chỉ thể hiện nhận thức của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết phải bảo vệ Hiến pháp, mà nó còn mang ý nghĩa tăng cường cơ chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam bởi lẽ bảo vệ Hiến pháp chính là bảo vệ các quyền cơ bản đã được hiến định. Bài viết này nghiên cứu về cơ chế bảo vệ quyền con người trên thế giới nói chung và một số gợi ý nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
I. Dẫn nhập
Trong những năm qua, quyền con người ở Việt Nam luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước về quyền con người cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao việc bảo đảm quyền con người. Gần đây, có thể thấy Hiến pháp 2013 là một dấu ấn đặc biệt liên quan đến quyền con người bởi lẽ Hiến pháp đã đặt một nền tảng hết sức rõ ràng và chắc chắn cho các quyền cơ bản. Quy định của Hiến pháp đã tạo tiền đề để sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật cơ bản mà một trong những mục đích của sửa đổi là nâng cao cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Quyền con người tuy được ghi nhận nhưng cần thiết phải có cơ chế bảo vệ. Sẽ là vô nghĩa nếu quyền con người chỉ là những quy định trên giấy. Giá trị thực tiễn của pháp luật nói chung và pháp luật về quyền con người nói riêng được thể hiện thông qua việc đưa những quy định vào đời sống thực tiễn. Thực tiễn sẽ kiểm nghiệm và đánh giá một cách công bằng nhất về những quy định và khả năng bảo vệ những quy định về quyền con người của Nhà nước. Như vậy, việc xác định các cơ chế bảo đảm quyền cũng nhằm xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực thi các công ước quốc tế về quyền con người cũng như thực thi các quy tắc hiến định mà Nhà nước đã đưa ra là một trong những yêu cầu hết sức cần thiết.
II. Cơ chế bảo đảm quyền con người
“Cơ chế” là một thuật ngữ sử dụng khá phổ biến trong khoa học pháp lý. Tuy nhiên, các học giả vẫn chưa tìm thấy một khái niệm pháp lý mang tính chính thống. Theo cách giải thích của Đại từ điển Tiếng Việt, cơ chế được hiểu là cách thức sắp xếp, tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện”[1].Theo nghĩa tiếng Anh, cơ chế chỉ sự vận hành của một hệ thống mà trong đó, các yếu tố cấu thành có sự tương tác để hệ thống đó hoạt động. Nhìn chung, các khái niệm đều gần như thống nhất cơ chế là cách thức hoạt động của một hệ thống mà theo đó quá trình được thực hiện. Như vậy, theo khái niệm chung về cơ chế, chúng ta có thể hiểu cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người là hoạt động của một hệ thống mà theo đó quy trình đảm bảo quyền con người được thực hiện. Quy trình này nhằm “thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.[2]
Hiện nay, nhìn từ góc độ phạm vi bảo vệ quyền, chúng ta thấy có cơ chế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, cơ chế dựa trên công ước, cơ chế khu vực và cơ chế quốc gia.
1. Cơ chế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc
Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở quan trọng nhất trong cơ chế bảo đảm quyền con người. Thông qua các cơ quan của mình, Liên hợp quốc đã giải quyết nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là quyền con người. Liên hợp quốc có bảy cơ quan chính bao gồm Đại hội đồng; Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội; Hội đồng quản thác; Tòa án quốc tế, Ban Thư ký và Cơ quan phụ trách các vấn đề thực tiễn. Riêng về vấn đề quyền con người có cơ quan Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (UN Human Rights Council – HRC). Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là cơ quan mới được thành lập theo Nghị quyết số 60/251 ngày 03/4/2006 của Đại hội đồng Liên hợp quốc để thay thế cho Ủy ban quyền con người (CHR). Chức năng của Hội đồng là thúc đẩy thực thi, giáo dục nhân quyền, đưa ra khuyến nghị tại Đại hội đồng, đánh giá định kỳ và đánh giá các vấn đề về hợp tác bảo vệ quyền con người.
2. Cơ chế dựa trên công ước
Cơ chế bảo đảm quyền con người phải được thực hiện thông qua hình thức pháp lý đặc thù: bảo vệ thông qua các thỏa thuận chung. Các thỏa thuận chung về quyền con người được xem là sự thống nhất giữa các quốc gia nhằm thiết lập các chuẩn mực chung, bao gồm cả quyền hạn và trách nhiệm của các quốc gia thành viên đối với quyền của cá nhân và quyền của cộng đồng. Các thỏa thuận này có hai loại là thỏa thuận mang tính bắt buộc và thỏa thuận không mang tính bắt buộc. Đối với thỏa thuận mang tính bắt buộc (chẳng hạn như các điều ước quốc tế), các quốc gia thành viên phải thực hiện việc bản vệ quyền như cam kết trong các điều ước quốc tế cũng như nội luật hóa nội dung các điều ước này. Tất nhiên, các quốc gia cũng có điều khoản bảo lưu đối với những điều ước hay nội dung mà họ không muốn ký kết. Khi các quốc gia ký kết các điều ước về quyền con người, quốc gia đã cam kết không vi phạm các quyền con người trong nội dung điều ước và đảm bảo cho cá nhân và nhóm hưởng được các quyền như cam kết. Bên cạnh đó, ngoài trách nhiệm thực hiện, các quốc gia thành viên cũng phải chịu sự giám sát của các cơ quan và tổ chức quốc tế trong vấn đề thực hiện việc bảo đảm quyền con người.
Đối với những điều ước không mang tính bắt buộc, các quốc gia vẫn có thể thực hiện nếu thấy phù hợp. Tuy nhiên, trách nhiệm buộc thực hiện hay không thực hiện không đề cập trong trường hợp này.
Hiện nay, có 9 công ước và 8 ủy ban được xem là hạt nhân của cơ chế bảo đảm quyền con người dựa trên công ước.[3]
3. Cơ chế khu vực
Cơ chế bảo đảm quyền con người khu vực thông qua các tổ chức mang tính khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Ví dụ châu Âu có Ủy ban Quyền con người trực thuộc Hội đồng châu Âu (thành lập năm 1954), Tòa án Quyền con người châu Âu (1959), Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (gồm ngoại trưởng hoặc đại diện của các quốc gia thành viên); châu Mỹ có Ủy ban Liên Mỹ về quyền con người thành lập năm 1959 (IACHR), Tòa án Liên Mỹ về quyền con người; châu Phi có Ủy ban Quyền con người và Quyền các dân tộc châu Phi năm 1981, Tòa án châu Phi về Quyền con người và Quyền các dân tộc. Riêng châu Á vẫn chưa có cơ quan chuyên biệt thực hiện cơ chế bảo đảm quyền con người như các khu vực khác.
4. Cơ chế quốc gia
Đối với quốc gia, chủ thể thực hiện cơ chế bảo đảm quyền con người bao gồm Ủy ban nhân quyền quốc gia (National Commission of Human Rights), Thanh tra nhân quyền (Ombudsman).
Ngoài các cơ chế bảo vệ trên, nhiều nước còn có cơ chế bảo đảm quyền con người thông qua Hội đồng hiến pháp hay Tòa án hiến pháp.
4.1 Cơ chế bảo vệ quyền con người thông qua Hội đồng hiến pháp
Nhìn từ góc độ chuyên biệt, thẩm quyền của Hội đồng hiến pháp có thể chia làm hai góc độ đó là thẩm quyền tư pháp (kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp bầu cử hay trưng cầu dân ý) và thẩm quyền tư vấn. Trong thẩm quyền tư pháp, Hội đồng hiến pháp có chức năng tiền kiểm. Các thỏa ước quốc tế và các đạo luật phải được trình lên Hội đồng hiến pháp xem xét tính hợp hiến trước khi ban hành.[4]Bên cạnh đó, Hội đồng hiến pháp quyết định tính hợp pháp của quá trình bầu cử cũng như việc thực hiện trưng cầu dân ý và công bố kết quả của nó.
Trong thẩm quyền tư vấn, Hội đồng hiến pháp có chức năng tham vấn về các văn bản pháp luật do quốc hội ban hành cũng như những văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bầu cử và trưng cầu dân ý. Ngoài ra, Hội đồng hiến pháp còn giữ chức năng bảo vệ tính tối cao của hiến pháp, giải thích hiến pháp và các đạo luật, xem xét các trường hợp vi hiến mà nhân dân đưa ra.[5]
Hội đồng hiến pháp là thiết chế chính trị độc lập và thường được quy định ngay trong hiến pháp.[6]Hiến pháp sẽ quy định một cách cụ thể cách thức thành lập, thành viên hội đồng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và giá trị các quyết định của hội đồng.
Xét về mặt tích cực, Hội đồng hiến pháp là một tổ chức đặc biệt nhằm giám sát việc thực hiện hiến pháp. Nó phản ảnh tình trạng vi hiến một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, Hội đồng hiến pháp còn mang một sứ mệnh chính trị (đối với các quốc gia có nhiều đảng phái) thể hiện qua việc bảo đảm ổn định chính trị và ngăn ngừa khủng hoảng chính trị.[7]
Tuy nhiên, Hội đồng hiến pháp cũng có những hạn chế nhất định. Thứ nhất,đó là hạn chế trong việc đưa ra các quyết định. Hội đồng hiến pháp hoạt động độc lập và thảo luận các vụ việc chỉ giữa các thành viên hội đồng. Người dân có thể biết được kết quả thông qua các quyết định của hội đồng nhưng không thể biết được quá trình thảo luận và lý do đưa ra những quyết định đó. Trong khi hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản và nhiều khi hình thành trên cơ sở ý kiến của toàn dân nhưng nhân dân chỉ biết được các quyết định liên quan đến việc giám sát nó thông qua quyết định cuối cùng của Hội đồng hiến pháp mà không phải là toàn bộ quá trình cũng như lý do đưa ra quyết định đó thì điều này dường như chưa được hợp lý. Thứ hai, nếu Hội đồng hiến pháp chỉ thực hiện chức năng tiền kiểm, tức là xem xét tính hợp hiến của các đạo luật trước khi ban hành thì với các đạo luật đã ban hành sẽ không đặt ra vấn đề là đạo luật đó trái với hay vi phạm hiến pháp. Tức là “không thể quy cho một đạo luật và vi hiến khi nó đã có hiệu lực”.[8]Thứ ba, về mặt nguyên tắc, Hội đồng không do các cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp thành lập. Bên cạnh đó, thành viên của Hội đồng không thể đồng thời là thành viên chính phủ, nghị viện hay cơ quan tư pháp và trong suốt thời gian đương nhiệm, thành viên của hội đồng không được đảm nhiện các chức vụ công. Tuy nhiên, nếu như nguyên tắc này bị vi phạm thì tính độc lập của Hội đồng hiến pháp cũng sẽ bị ảnh hưởng.[9]
4.2 Cơ chế bảo vệ quyền con người thông qua Tòa án hiến pháp
Tòa án hiến pháp được xem là một thiết chế rất mạnh trong việc bảo vệ tính tối cao của hiến pháp và quyền con người. Căn cứ vào các nguyên tắc luật định, người bị xâm phạm các quyền tự do mang tính hiến định hoặc các quyền khác thì có quyền yêu cầu Tòa án hiến pháp giải quyết.[10]
Tòa án hiến pháp mang tính độc lập và có một vị trí đặc biệt trong hệ thống tòa án. Thẩm quyền chính của nó là giải thích và đưa ra các phán quyết về tính hợp hiến hay không hợp hiến của các đạo luật. Quan trọng hơn là tòa án hiến pháp sẽ xác định những văn bản đó có vi phạm quyền và tự do cơ bản của con người. Bên cạnh đó, Tòa án hiến pháp thường xem xét lại các phán quyết của các tòa án khác trong trường hợp có dấu hiệu vi hiến. Ví dụ, Khoản 3, Điều 167, Hiến pháp Nam Phi quy định: “Tòa án hiến pháp là tòa án cao nhất giải quyết mọi vấn đề liên quan đến hiến pháp, có quyền đưa ra kết luận là đó là vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án hiến pháp hay không”. Một số hiến pháp của các nước còn quy định Tòa án hiến pháp có quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với chính quyền địa phương và giữa các chính quyền địa phương với nhau (ví dụ Điều 11, Hiến pháp Hàn Quốc 1987; Điều 167 Hiến pháp Nam Phi…).
Đóng vai trò là cơ chế bảo vệ quyền con người, Tòa án hiến pháp thực hiện chức năng tư pháp thông qua việc xét xử, giải quyết khiếu nại của nhân dân liên quan đến các quyền cơ bản của họ. Tòa án cũng có thẩm quyền khôi phục những quyền cơ bản của người dân bị vi phạm.
Xét về mặt ưu điểm, thứ nhất,việc thành lập Tòa án hiến pháp một mặt góp phần củng cố tính hợp hiến của bộ máy nhà nước. Mặt khác, nó góp phần nâng cao khả năng bảo vệ sự tự do và những quyền cơ bản của công dân.[11]Thứ hai,với cơ chế bảo hiến bằng tòa án thì việc xét xử được thực hiện theo nguyên tắc của hoạt động tư pháp.[12]Các vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật (các đạo luật, các quy định của các nhánh hành pháp, tư pháp) nếu Tòa án cho là vi hiến thì Tòa án có thẩm quyền tuyên bố không áp dụng chúng. Đây là cơ chế bảo hiến phổ biến trên thế giới và hiện nay có trên 60 nước áp dụng.[13]Thứ ba,vì các vụ việc liên quan đến quyền con người được xét xử thông qua Tòa án nên các bên tranh tụng, luật sư, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan được tham gia phiên tòa, bảo vệ lý lẽ của họ cũng như tranh tụng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, hạn chế của Tòa án hiến pháp là tòa án chỉ xem xét những tính hợp hiến của các đạo luật hay quy định mang tính pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các vụ việc cụ thể chứ không bao quát tất cả các vấn đề. Hơn nữa, Tòa án hiến pháp chỉ có thể từ chối việc thực hiện các quy định mang tính vi hiến đối với quyền con người mà không có thẩm quyền bãi bỏ chúng.
III. Việt Nam và cơ chế bảo đảm quyền con người
1. Nội luật hóa các điều ước quốc tế
Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế chủ chốt và các quy định trong các công ước nhân quyền đã được thể chế hóa trong pháp luật Việt Nam (gần đây nhất là Công ước quốc tế về chống tra tấn, nhục hình vô nhân đạo (CAT) 1984). Các văn bản pháp luật Việt Nam đã thể hiện các quyền dân sự, chính trị được thừa nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới và trong các điều ước khác như Công ước về quyền dân sự và chính trị…Bên cạnh đó, Việt Nam tạo điều kiện để tất cả mọi người dân không phân việt thành phần, tôn giáo hay dân tộc tham gia vào các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội (như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Nghiên cứu quyền con người; Ủy ban dân tộc; Hội đồng tư vấn dân tộc); tham gia quản lý nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện của mình; đồng thời Việt Nam còn tổ chức những lớp tập huấn “Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người” nhằm nâng cao nhận thức cho các cán bộ ở trung ương và địa phương cũng như nhìn nhận lại quá trình gia nhập và thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.[14]
Tuy nhiên, sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực đến nay thì vấn đề cấp bách là phải thay đổi, bổ sung hàng loạt luật cho phù hợp với tinh thần và quy định của Hiến pháp về quyền con người, ví dụ sửa đổi Bộ luật Hình sự (đặc biệt là nhóm các tội phạm phạm các quyền tự do của công dân bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền biểu tình, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, đây là một trong những quyền dân chủ trực tiếp hiến định quan trọng của công dân cần được quy định rõ); sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các luật khác. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý nhằm hiện thực hóa một cách tốt nhất việc bảo đảm quyền con người.
Bên cạnh đó, với các công ước mới tham gia, ví dụ như Công ước quốc tế về chống tra tấn, nhục hình vô nhân đạo, Việt Nam cần làm rõ các khái niệm liên quan đến công ước (như khái niệm tra tấn, nhục hình….) và tổ chức nội luật hóa một cách phù hợp và nhanh chóng nhất, và quan trọng hơn là việc thành lập các tiểu bang (cơ quan) để thực hiện các trọng trách này.
2. Tham gia các tổ chức nhân quyền thế giới và khu vực
Việc bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia dân tộc. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến hoàn cảnh của quốc gia mình để bảo đảm cho người dân được hưởng thụ quyền con người một cách tốt nhất. Thế nhưng, do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hoá… nên cách thực hiện quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Sự hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan.
Hiện nay, so với các châu lục khác thì chỉ riêng châu Á chưa có cơ quan thực thi quyền con người. Riêng ASEAN thì đã thành lập được Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (ASEAN Intergovernmental Commission on Human Rights – AICHR), 2009; Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ASEAN Commission for the Promotion and Protection of the Rights of Women and Children – ACWC) (tháng 4-2010, tại Hà Nội). Việt Nam đều là thành viên của các cơ quan này.
Tuy nhiên, Việt Nam (cũng như các nước thuộc khu vực Châu Á) nên tích cực hơn nữa trong việc thành lập các cơ quan thực thi nhân quyền khu vực.
3. Hiện thực hóa Điều 119 Hiến pháp 2013
Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, thuật ngữ “cơ chế bảo vệ Hiến pháp” được ghi nhận một cách rõ ràng. Theo quy định tại Điều 119, Hiến pháp 2013 đã thể hiện được bốn vấn đề cơ bản là (i) Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp; (ii) Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý; (iii) Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và; (iv) Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp là nguyên tắc hiến định. Quy định này đã thể hiện nhận thức của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết phải bảo vệ Hiến pháp. Nó mang ý nghĩa tăng cường cơ chế bảo vệ quyền con người bởi lẽ bảo vệ Hiến pháp chính là bảo vệ các quyền cơ bản đã được hiến định.
Nhằm hiện thức hóa Điều 119 Hiến pháp, chúng ta cũng nên xây dựng các cơ quan bảo vệ quyền con người của quốc gia. Nhìn bức tranh tổng quát về cơ chế bảo đảm quyền con người, chúng ta có thể thấy được cơ chế bảo vệ quyền con người được thực hiện qua những cơ quan, tổ chức cụ thể. Mỗi một cơ quan hay tổ chức đó đều có mục đích chung là làm sao bảo đảm và nâng cao quyền con người. Tuy nhiên mỗi cơ quan lại có những cách thức riêng trong việc thực hiện chức năng của mình. Chính do sự khác biệt này mà tính chất công việc thực hiện và hiệu quả thực hiện cũng khác nhau. Vấn đề ở đây là chúng ta nên lựa chọn cách thức nào để sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chính trị và xã hội của Việt Nam.
3.1 Thành lập cơ chế bảo vệ quyền con người thông qua cơ quan nhân quyền quốc gia (National Human Rights Institutions – NHRIs)
Cơ quan nhân quyền quốc gia hoặc thanh tra quyền con người nên được quy định trong Hiến pháp. Chúng ta thực sự chưa có những cơ quan nhân quyền theo đúng nghĩa của nó (dù chúng ta có các cơ quan như Ủy ban dân tộc hay Hội đồng dân tộc hoạt động liên quan đến quyền con người nhưng đó chưa phải là cơ quan nhân quyền). Do đó để tăng cường cơ chế bảo hiến thì hiến pháp nên có các cơ quan này.
Các cơ quan nhân quyền quốc gia (ví dụ như Ủy ban quyền con người, Cơ quan thanh tra quyền con người…) là các tổ chức không thể thiếu trong việc bảo đảm quyền con người. Đây là các tổ chức độc lập giám sát việc thực thi trách nhiệm của nhà nước đối với việc thực hiện và bảo vệ quyền con người. Các tổ chức này thường được thành lập thông qua quá trình lập hiến (quy định trong hiến pháp), lập pháp hoặc thông qua quyết định thành lập của nguyên thủ quốc gia nhằm bảo vệ và thực thi các quyền cơ bản của con người đã được quy định trong hiến pháp. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tổ chức và hoạt động thì các cơ quan nhân quyền quốc gia không phải là cơ quan lập pháp vì nó không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, nó cũng không phải là cơ quan tư pháp vì không có chức năng xét xử, không phải là cơ quan hành pháp vì nó hoạt động tương đối độc lập với hệ thống các cơ quan hành pháp, và nó cũng không phải là tổ chức phi chính phủ vì nó hoàn toàn không độc lập với chính phủ.[15]
Chức năng chủ yếu của các cơ quan này là giải quyết những khiếu nại về việc vi phạm những quyền tự do cơ bản của công dân, kiến nghị những chính sách về quyền con người cho nhà nước và góp phần xây dựng pháp luật về quyền con người sao cho phù hợp với những chuẩn mực của pháp luật quốc tế về quyền con người và sự phát triển của cộng đồng.[16]Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan này bao gồm những vấn đề: (i) Đưa ra các kiến nghị về tất các các vấn đề có liên quan đền việc bảo vệ và nâng cao quyền con người; (ii) Bảo đảm sự hài hòa hóa giữa pháp luật về quyền con người của quốc gia với pháp luật về quyền con người theo những điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên; (iii) Tham gia thực hiện các báo cáo về quyền con người và; (iv) Tham gia các chương trình nghiên cứu, giáo dục về quyền con người của nhà nước.
Như vậy, có thể thấy rằng các cơ quan này không chỉ thực hiện chức năng giám sát mà còn thực hiện chức năng giáo dục quyền con người cho tất cả các chủ thể trong xã hội. Chính các cơ quan này trên thực tế đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ và nâng cao ý thức về quyền con người.
3.2 Thành lập cơ chế bảo vệ quyền con người thông qua Thanh tra quyền con người (Ombudsman)
Nhiều nước trên thế giới (như Đan Mạch, Thụy Điển, Áo, Tây Ban Nha …) đều có thanh tra quyền con người và cơ quan này hoạt động rất tốt. Việt Nam cũng chưa có thanh tra quyền con người. Thanh tra quyền con người thật ra cũng là một trong những cơ quan nhân quyền quốc gia. Thanh tra viên thường được bổ nhiệm bởi quốc hội hoặc chính phủ. Cơ quan này chủ yếu giải quyết những khiếu nại của người dân đối với với các cơ quan hành chính nhà nước. Thanh tra quyền con người thường có vai trò giám sát và tiến hành điều tra hành vi của cơ quan nhà nước hay nhà chức trách nếu có sự khiếu kiện của nhân dân để từ đó, yêu cầu cơ quan nhà nước hay nhà chức trách chấm dứt hành vi của mình nếu hành vi đó Thanh tra quyền con người cho rằng đã vi phạm những quyền cơ bản của con người.[17]
Tuy nhiên, về thực chất, thanh tra quyền con người chủ yếu bảo vệ các quyền mà chủ yếu các quyền này thường bị vi phạm trong hoạt động hành pháp. Nhưng nó không phải là cơ quan giám sát nhánh hành pháp. Mục tiêu cơ bản của cơ quan này là bảo đảm tính công bằng trong việc thực thi các quyền tự do cơ bản của công dân.[18]
4. Kết luận
Nhìn tổng quát, Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt vấn đề bảo đảm quyền con người. Với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc và của nhiều điều ước quốc tế, Việt Nam đã thể hiện và chứng minh được vai trò chủ động và năng động trong việc góp phần nâng cao bảo vệ quyền con người ở bình diện quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật hướng đến sự hoàn thiện của con người, vì con người và cho con người.
Tuy nhiên, cơ chế thực thi để bảo đảm quyền con người, nhất là cơ quan bảo vệ quyền con người quốc gia, cũng cần phải hoàn thiện thêm. Đã đến lúc chúng ta phải có những cơ quan này nhằm nâng cao hơn nữa khả năng thực hiện bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
CHÚ THÍCH
[1] Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 464.
[2] Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc 1945.
[3] Chín công ước bao gồm:International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination (ICERD), 1965 (Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc); International Covenant on Civil and Political Rights(ICCPR), 1966; International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights(ICESCR), 1966; Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women (CEDAW), 1979 (Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ); Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment(CAT), 1984 (Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay làm nhục); Convention on the Rights of the Child(CRC), 1989 (Công ước về quyền trẻ em); International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families(ICRMW), 1990 (Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của mọi lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ); International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance, 2006 (Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức); Convention on the Rights of Persons with Disabilities(ICRPD), 2006 (Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật); Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc (thành lập theo Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965).
Tám ủy ban bao gồm: Ủy ban về xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc (thành lập theo Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965); Ủy ban quyền con người (thành lập theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966); Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ (thành lập theo Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979); Ủy ban chống tra tấn (thành lập theo Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác năm 1987); Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (thành lập theo một nghị quyết của ECOSOC); Ủy ban về quyền trẻ em (thành lập theo Công ước về quyền trẻ em năm 1989); Ủy ban bảo vệ quyền của những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ (thành lập theo Công ước về bảo vệ quyền của những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ năm 1990); Ủy ban về quyền của người khuyết tật (thành lập theo Công uớc về quyền của người khuyết tật năm 2007).
[4] Xem thêm Điều 61 Hiến pháp Cộng hòa Pháp 2008.
[5] Điều 117 Hiến Pháp Vương quốc Campuchia, Điều 150 II CC, Điều 38 VII và Điều 39 CC, Điều 32 I CC Hội đồng bảo hiến Campuchia.
[6] Ví dụ Hiến pháp Cộng hòa Pháp 2008.
[7] Wang Wenjing và Wang Xiaorui, “Comparative Analysis on Constitutional Supervison Modes”, Cross-Culturral Communication, vol 8, No. 5 (2012), tr. 116.
[8] François Touret – de Coucy, The evolution of the French constitution towards a better ruled by law state and the constitutional review in France, Bài tham luận tại Hội thảo Chế định kinh tế và chế định văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ trong Hiến pháp Việt Nam 1992 – Những giá trị và nhu cầu sửa đổi, bổ sung ngày 13/10/2012, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[9] Wang Wenjing và Wang Xiaorui, “Comparative Analysis on Constitutional Supervison Modes”, Cross-Culturral Communication, vol 8, No. 5 (2012), tr. 116 – 117.
[10] Điều 79, Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan 1997 quy định: “Căn cứ các nguyên tắc luật định, người bị xâm hại các quyền tự do và các quyền hiến định có quyền yêu cầu Tòa án hiến pháp ra phán quyết về sự phù hợp với Hiến pháp của một đạo luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác mà dựa vào đó mà tòa án hoặc cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra quyết định cuối cùng về tự do vá các quyền của người đó hoặc về nghĩa vụ của người đó được Hiến pháp quy định”.
[11] Irina Umnova, Chuyên gia pháp lý Liên bang Nga nói về Tòa án hiến pháp http://m.nguoiduatin.vn/mo-hinh-toa-an-hien-phap-duoi-goc-nhin-cua-chuyen-gia-phap-ly-lb-nga-a76530.html(truy cập 30/09/2013).
[12] Trương Đắc Linh, “Bàn về tài phán hiến pháp và thẩm quyền của cơ quan tài phán hiến pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lýsố 3(40), 2007.
[13] Wang Wenjing và Wang Xiaorui, “Comparative Analysis on Constitutional Supervison Modes”, Cross-Culturral Communication, vol 8, No. 5 (2012), tr. 115.
[14] Bộ Ngoại Giao, Việt Nam thực hiện tốt các công ước quốc tế về quyền con người (2005) <http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns050224134028?b_start:int=5>.
[15] Vũ Công Giao, “Cơ quan nhân quyền quốc gia, vị trí của nó trong hiến pháp trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp(4/2012).
[16] Shubhankaw Dam, Lessons from National Human Rights Institutions around the World for State and Local Human Rights Commissions in the United States(2007), Harvard University, tr. 1.
[17] Anica Tomsik-Stojkovska và Donce Moskovski, National Mechanism on Human Rights Protection(2011), tr. 39.
[18] Vũ Công Giao, “Cơ quan nhân quyền quốc gia, vị trí của nó trong hiến pháp trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp(4/2012).
Tác giả: Phan Nhật Thanh – TS Luật học, Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2014 (85)/2014 – 2014, Trang 03-09
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời