Mục lục
So sánh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
TÓM TẮT
Tại Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, Cơ quan Thi hành án dân sự là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định, biện pháp khẩn cấp tạm thời do tòa án tuyên. Cơ cấu tổ chức của cơ quan này tại CHDCND Lào có một số nét tương đồng và khác biệt so với các cơ quan tương đương tại Việt Nam. ở bài viết này, tác giả tập trung làm rõ quy định của pháp luật về Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam, so sánh đối chiếu để thấy được sự tương đồng, khác biệt nhất định giữa các cơ quan đó. Sau đó tác giả nhận xét đánh giá và đề xuất một số kiến nghị, nhằm hoàn thiện pháp luật về Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào trong tương lai.
Xem thêm bài viết về “Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung 2014)”
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 hứa hẹn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự – TS. Lê Vĩnh Châu
1. So sánh hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự của CHDCND Lào và của Việt Nam
1.1. Hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự của CHDCND Lào
Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào là cơ quan quyền lực nhà nước, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 của CHDCND Lào, hệ thống cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự gồm có ba cấp là Bộ Tư pháp; Sở tư pháp tỉnh, thành phố; Phòng Tư pháp huyện, thị xã. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự thì bao gồm hai cấp: Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh (gọi là Phòng Thi hành án dân sự) và Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện (gọi là Đội thi hành án dân sự)[1]. Ở bài này, tác giả chỉ tập trung nghiên cơ quan thi hành án dân sự.
a. Phòng thi hành án dân sự thuộc Sở Tư pháp tỉnh
Về chức năng, Phòng Thi hành án dân sự là cơ quan thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, có nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khu vực có tính phức tạp mà các đương sự đề nghị cho thi hành tại Phòng Thi hành án tỉnh, Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án Miền và Tòa án nhân dân tối cao. Bộ máy của cơ quan thi hành án dân sự tại CHDCND Lào gồm một thủ trưởng, một hoặc hai phó thủ trưởng, các chấp hành viên và một số cán bộ giúp việc về thi hành án, trong đó thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự, vừa là thủ trưởng vừa là phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh[2]. Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, Phòng Thi hành án dân sự, nghiên cứu các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án để chuẩn bị thi hành. Bên cạnh đó, Phòng Thi hành án dân sự cũng có thể đề nghị cơ quan xét xử chuyển cho mình các giấy tờ liên quan đến bản án, đề nghị Tòa án đã xét xử giải thích bằng văn bản về những vấn đề chưa được rõ ràng; ra tống đạt triệu tập đương sự để chuẩn bị thi hành án; ra quyết định cưỡng chế, lệnh tịch thu, lệnh giao nhà, lệnh trục xuất, quyết định phạt tiền do thi hành án chậm và một số quyết khác cần thiết về thi hành án dân sự; thay đổi, hoãn, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định áp dụng biến pháp cưỡng chế của Đội Thi hành án dân sự khi thấy rằng quyết định đó có sự vi phạm pháp luật hoặc đề nghị hủy bỏ công văn về thi hành án dân sự của cơ quan khác khi thấy rằng công văn đó không đúng bản án hoặc không đúng pháp luật, bên cạnh đó cũng hướng dẫn để đảm bảo cho việc thi hành án thực hiện đúng pháp luật…[3].
Trong thực tế Phòng Thi hành án dân sự, có nhiệm vụ chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, theo dõi giám sát của hoạt động của Đội Thi hành án và đề nghị Đội thi hành án chuyển cho Phòng thi hành án những bản án khó, mang tính phức tạp hoặc khi có sự đề nghị của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong những vụ việc có liên quan đến nhiều bên, có tài sản ở nhiều nơi, hoặc khi chấp hành viên tại Đội Thi hành án thi hành sai phạm thủ tục thi hành án dân sự. Hiện nay trên phạm vi CHDCND Lào đã có 18 Phòng Thi hành án dân sự (tính cả Phòng thi hành án dân sự vừa được thành lập tại tỉnh Xay Sổm Bùn, tỉnh mới được thành lập mới, trước đây gọi là khu đặc biệt Xay Sổm Bùn).
b. Đội thi hành án dân sự thuộc Phòng Tư pháp huyện
Đội thi hành án dân sự là Cơ quan Thi hành án thuộc phòng Tư pháp cấp huyện. Cũng tương tự với Phòng Thi hành án dân sự, Đội Thi hành án có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định của pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình[4]. Theo quy định tại Điều 19 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 của CHDCND Lào, ngoài việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định, Đội Thi hành án dân sự còn có nhiệm vụ báo cáo công tác thi hành án dân sự cho Phòng Tư pháp huyện và Phòng Thi hành án dân sự một cách thường xuyên. Tại CHDCND Lào hiện nay có 134 Đội Thi hành án dân sự, còn 13 huyện chưa được thành lập Đội Thi hành án dân sự. Trong 134 huyện đã có đội thi hành án dân sự, 82 huyện có Đội trưởng đội thi hành án dân sự và 52 huyện chưa có Đội trưởng Đội thi hành án dân sự, chỉ có một số cán bộ làm việc tạm thời để thực hiện việc thi hành án[5].
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 của CHDCND Lào không trực tiếp quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng phòng Thi hành án dân sự và Đội trưởng Đội thi hành án dân sự. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng Trưởng phòng Thi hành án dân sự và Đội trưởng Đội thi hành án dân sự được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng thi hành án dân sự và Đội thi hành án dân sự[6].
1.2. Hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự của CHXHCN Việt Nam
Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm 3 cấp: ở cấp Trung ương có Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; ở cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự ; ở cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) là Cơ quan Thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện, gọi chung là Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và Tổng cục Thi hành án dân sự, Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, trụ sở và tài khoản riêng[7]. Như vậy, theo quy định này thì cơ quan trực tiếp tổ chức thi hành án là Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự và Cơ quan Thi hành án quân khu.
c- Cục Thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, thực hiện chức năng thi hành án dân sự, có nhiệm vụ giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, cụ thể như: quản lý chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định …[8].
d- Chi cục Thi hành án dân sự huyện là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thực hiện chức năng thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật[9]. Cụ thể có thể thấy cơ quan này có 4 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn:trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền của mình; giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trong Luật Thi hành án dân sự và các nhiệm vụ quyền hạn khác.
2. Một số điểm tương đồng và khác biệt giữa hai hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam
2.1. Sự tương đồng
Qua nghiên cứu về hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự của CHDCND Lào và Việt Nam, thì có thể thấy rằng cơ quan thi hành dân sự của hai nước đều là cơ quan quyền lực nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp, tức là không có cơ quan thi án dân sự của tư nhân, người làm công tác thi hành án được hưởng tiền lương từ ngân sách nhà nước. Về mặt tổ chức, Cơ quan Thi hành án sự ở hai nước đều được tổ chức ở hai cấp là Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện, có chấp hành viên là công chức nhà nước làm trách nhiệm tổ chức thực hiện.
2.2. Sự khác biệt
Theo pháp luật Việt Nam thì hệ thống cơ quan thi hành án dân sự gồm có Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, Cơ quan Thi hành án dân sự huyện và Cơ quan Thi hành án dân sự quân khu[10]. Trong khi đó, ở CHDCND Lào không có quy định về Cơ quan Thi hành án quân khu. Trong thực tế, quân đội của CHDCND Lào cũng có Tòa án Quân đội và Phòng thi hành án Quân đội, nhưng Luật Thi hành án dân sự của CHDCND Lào chưa điều chỉnh vấn đề này. Bên cạnh đó, xét về mặt hệ thống quản lý thì hệ thống tổ chức các Cơ quan Thi hành án dân sự tại Việt Nam được thành lập theo hệ thống dọc từ trung ương xuống địa phương, trong đó Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý cao nhất về thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước, chịu trách nhiệm trước Bộ Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thi hành án dân sự mà không chịu sự quản lý của Sở Tư pháp về mặt tổ chức, cán bộ và Chi cục Thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh và chịu trách nhiệm trước Cục Thi hành án dân sự tỉnh mà không chịu sự quản lý của phòng Tư pháp huyện như ở CHDCND Lào. Ngoài ra Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện của Việt Nam đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền và nhiệm vụ quyền hạn của mình, trong khi các cơ quan Thi hành án dân sự ở CHDCND Lào không có những quyền này.
3. Một số nhận xét và kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào
3.1. Nhận xét
Thứ nhất, sở dĩ Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào và Việt Nam có những điểm khác nhau, là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó điều kiện địa lý, truyền thống văn hóa, tôn giáo và hoàn cảnh kinh tế – xã hội của CHDCND Lào cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự khác nhau đó. CHDCND Lào có đường biên giới giáp với nhiều lãnh thổ quốc gia khác và là một quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không giáp với biển có diện tích 236,800 km², có 49 dân tộc, giáp với Trung Quốc ở phía Bắc; giáp Cam – pu – chia ở phía Nam; giáp với Việt Nam ở phía Đông, giáp với Myanma ở phía Tây Bắc; giáp với Thái Lan ở phía Tây. Hệ thống hành chính của CHDCND Lào gồm bốn cấp: trung ương, tỉnh, huyện – thị xã và bản. Dân số của CHDCND Lào đến nay chỉ khoảng hơn 7 triệu người. Nước CHDCND Lào có nhiều núi non bao phủ bởi rừng xanh và bình nguyên, cao nguyên, công dân sinh sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chiếm tỷ lệ nhiều, việc quản lý đi lại khó khăn [11]. Với địa hình, cơ cấu dân số, địa lý và truyền thống văn hóa như trên cũng là một lý nguyên nhân làm cho hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự có một số điểm khác so với hệ thống của Việt Nam. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số huyện tại CHDCND Lào chưa thành lập Đội Thi hành án dân sự và việc thi hành án dân sự đã phải giao cho phòng Tư pháp huyện tổ chức thực hiện.
Thứ hai, về khía cạnh pháp lý, các quy định của pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào như đã nêu ở trên đây thực ra còn mang tính hết sức chung chung. Theo quy định, thủ trưởng của Cơ quan Thi hành án sẽ phải làm rất nhiều công việc, kể từ làm tống đạt triệu tập đương sự cho đến ra các quyết cưỡng chế khác… Nhiều hành vi đã thực hiện trong thực tế nhưng pháp luật lại, chưa điều chỉnh được các vấn đề một cách đúng đắn, như việc giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự. Trong thời gian qua, Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh đã thực hiện việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Cơ quan Thi hành án cấp huyện, mà pháp Luật Thi hành án dân sự hiện hành không quy định về thẩm quyền này. Bên cạnh đó, nhiều quy định về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thi hành án còn mơ hồ, chẳng hạn như quy định theo đó Cơ quan Thi hành án dân sự ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đã quy định trong Luật Thi hành án dân sự, còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định rất trừu tượng và không giới hạn rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, tại CHDCND Lào, nhà làm luật ít đề cập và nghiên cứu bình luận một cách rõ ràng hơn các quyết định các văn bản hướng dẫn nhất định.
3.2. Một số kiến nghị
Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào. hiện nay, về cơ bản nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thi hành án được pháp luật quy định khá cụ thể nhưng các quy định trên vẫn cần được hoàn thiện. Một số nội dung về thi hành án pháp luật vẫn bị bỏ ngỏ, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Theo quy định, trong hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự không có Cơ quan Thi hành án quân khu, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự chưa được đề cập. Điều này gây khó khăn trong công tác thi hành án dân sự hiện nay, khiến việc giải quyết khiếu nại tối cáo kéo dài do pháp luật không quy định thời hạn và nhiệm vụ, quyền hạn một cách cụ thể[12]. Trong một số trường hợp cấp trên chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều khi thì chưa hiểu chuyên sâu về lĩnh vực này, khi giải quyết khiếu nại tố cáo đưa ra ý kiến trái ngược nhau, làm khó khăn và kéo dài công tác thi hành án. Vì vậy, quy định của CHDCND Lào nên bổ sung thêm quy định về Cơ quan Thi hành án quân khu, đồng thời đưa ra nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định theo đó Phòng thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo của Đội Thi hành án dân sự cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại tố cáo của Phòng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Thứ hai, hiện nay, Hội nghị toàn quốc về Công tác thi hành án dân sự năm 2011 và năm 2012 đặt ra mục tiêu theo đó Cơ quan Thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước phải quyết tâm thi hành án dân sự đạt tỷ lệ trên 60% số vụ việc đã thụ lý. Với chủ trương trên, pháp Luật Thi hành án nên quy định theo hướng cơ quan thi hành án dân sự có 3 cấp như cơ quan quản lý thi hành án dân sự: cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Nói cách khác, nên xây dựng hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự theo hệ thống dọc, có Tổng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ tư pháp, cục Thi hành án dân sự tỉnh và Phòng Thi hành án huyện, trong Tổng cục Thi hành án dân sự nên thành lập sở thi hành án hoặc có bộ phận phụ trách thi hành án dân sự, đồng thời quy định cụ thể rõ ràng thẩm quyền cho Cơ quan Thi hành án từng cấp. Trường hợp thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có tài sản liên quan đến nhiều tỉnh, vụ việc khó thi hành ở cấp tỉnh thì Tổng Cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền rút vụ việc lên để thi hành; đối với vụ việc khó thi hành ở cấp huyện thì Cục Thi hành án cấp tỉnh có thẩm quyền rút lên để thi hành. Quan điểm xây dựng hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự theo hệ thống dọc và có chức năng vai trò ngang tầm với các cơ quan hữu quan cũng được Phu Ngân Pá Sợt nghiên cứu trong Tạp chí Pháp luật và Tư pháp của Bộ Tư pháp CHDCND Lào. Theo đó, để nâng cao chức năng, vai trò của Cơ quan Thi hành án dân sự thì nên tách Cơ quan Thi hành án thành cơ quan độc lập có thẩm quyền ngang tầm với cơ quan tố tụng khác trong hoạt động xét xử[13]. Chỉ có như vậy mới kiểm tra được vụ việc cụ thể từ địa phương đến trung ương và đảm bảo được tính thống nhất trong quản lý hoạt động công tác thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước, đồng thời thi hành có hiệu quả bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.
CHÚ THÍCH
* NCS tại Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Điều 13 Luật số 04/QH-2008, ngày 25/07/2008 về thi hành án dân sự tại CHDCND Lào.
[2] Điều 15 Luật số 04/QH-2008, ngày 25/07/2008 về thi hành án dân sự tại CHDCND Lào.
[3] Điều 16 Luật số 04/QH-2008, ngày 25/07/2008 về thi hành án dân sự tại CHDCND Lào.
[4] Điều 17, Điều 19 Luật số 04/QH-2008, ngày 25/07/2008 về thi hành án dân sự tại CHDCND Lào.
[5] Bài tổng kết Công tác thi hành án dân sự năm 2013 và bài tổng kết công tác thi hành án dân sự 9 tháng năm 2014 của Cục Quản lý công tác thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào.
[6] Điều 20 Luật số 04/QH-2008, ngày 25/07/2008 về Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào.
[7] Điều 13 Luật thi hành án dân sự Việt Nam năm 2008 và Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/09/2009, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự về quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.
[8] Điều 14 Luật thi hành án dân sự Việt Nam năm 2008.
[9] Theo Điều 16 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Điếu 7 Nghị định của Chính phủ số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/09/2009.
[10] Điều 13 Luật Thi hành án dân sự Việt Nam 2008.
[11] http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A0o.
[12] Điều 27 Luật Giải quyết khiếu nại năm 2005 và Điều 28 Luật Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào.
[13] Xem Tạp chí Pháp luật và Tư pháp số 28, tháng 11-12 năm 20014 “Nâng cao chức năng, vai trò của cơ quan thi hành án dân sự”. tr. 25.
- Tác giả: TS. Kham Tay Keopaseuth*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015 (86)/2015 – 2015, Trang 76-80
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời