Những điểm mới cơ bản trong chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân
- Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự theo BLTTHS 2015
- Sửa đổi BLTTHS bảo đảm quyền con người, quyền công dân và BPNC
TỪ KHÓA: Quyền con người, Quyền công dân,
TÓM TẮT
Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp năm 2013 là chương có số điều nhiều nhất, nhiều đổi mới cả về nội dung quy định, cả về cách thức thể hiện so với Hiến pháp năm 1992. Bài viết trình bày những điểm mới cơ bản trong chương này theo các tiêu chí: tên chương, vị trí của chương, bố cục các nhóm quyền trong chương, tư duy (nguyên tắc) lập hiến, một số quyền mới, một số quyền cơ bản của công dân được sửa đổi, bổ sung và quy định lại. Trong đó, tác giả phân tích ý nghĩa của một số điểm mới và nêu lên kiến nghị để triển khai thi hành những điểm mới trong chương này.
Trong 11 chương của Hiến pháp năm 2013 thì Chương II “Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”là chương có số điều quy định nhiều nhất (36/120 điều) (từ Điều 14 đến Điều 49) và có nhiều đổi mới nhất cả về nội dung lẫn cách thức thể hiện. Cụ thể như sau:
1. Về tên chương và vị trí của chương
Hiến pháp năm 2013 đổi tên Chương V Hiến pháp năm 1992 “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”và đưa lên vị trí trang trọng của Hiến pháp là Chương II ngay sau Chương I “Chế độ chính trị”. Việc bổ sung thêm phạm trù “Quyền con người” vào tên chương chứng tỏ các nhà lập hiến Việt Nam đã nhận thức “Quyền con người” và “Quyền công dân”là hai phạm trù tuy có mối liên hệ với nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau cả về chủ thể hưởng quyền, nội dung của quyền lẫn cách thể hiện quyền trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 quy định vấn đề quyền con người, quyền công dân ở Chương II (xếp trước các chương quy định về chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường và Chương Bảo vệ tổ quốc) chứng tỏ các nhà lập hiến đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, xem nhân quyền là mục đích tồn tại và là nội dung cơ bản của bất cứ bản Hiến pháp nào.
2. Về bố cục các nhóm quyền trong chương
Hiến pháp năm 1992 xếp các quyền công dân trong lĩnh vực chính trị ở vị trí đầu tiên; các quyền công dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở vị trí thứ 2; các quyền công dân trong lĩnh vực dân sự ở vị trí cuối cùng. Hiến pháp năm 2013 xếp các quyền trong lĩnh vực dân sự ở vị trí đầu tiên; các quyền chính trị ở vị trí thứ 2; các quyền công dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội ở vị trí cuối cùng. Cách bố cục các nhóm quyền trong Hiến pháp năm 2013 chứng tỏ các nhà lập hiến đã có cách tiếp cận các quyền dân sự phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người cũng như Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Karel Vasak, các quyền dân sự, chính trị thuộc thế hệ thứ nhất của quyền con người.[1] Các quyền dân sự, chính trị được chính thức pháp điển hóa trong luật pháp quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt với việc Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người 1948 và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị năm 1966. Với vai trò đặc biệt quan trọng của các quyền dân sự mà luật pháp quốc tế về quyền con người cũng như hiến pháp của hầu hết các nước đều đặt các quyền dân sự lên hàng đầu, không chỉ đặt trước các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (vốn thuộc thế hệ thứ hai của quyền con người) mà còn đặt trước các quyền chính trị (vốn cùng thế hệ thứ nhất với các quyền dân sự).[2] Hầu hết các điều của chương này trong Hiến pháp năm 2013 thay vì quy định “công dân” như Hiến pháp năm 1992[3] đã quy định “mọi người”, “không ai”.[4] Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức lý luận và giá trị thực tiễn khi không đồng nhất quyền con người với quyền công dân.
3. Về tư duy (nguyên tắc) lập hiến
– Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Điều 50 Hiến pháp năm 1992 đã chính thức thừa nhận phạm trù “quyền con người” thông qua việc ghi nhận nguyên tắc “tôn trọng quyền con người”. Đây được xem là một bước tiến về mặt tư duy của các nhà lập hiến. Tuy nhiên, Điều 50 Hiến pháp năm 1992 lại quy định “quyền con người… được thể hiện ở các quyền công dân”đã “thu hẹp” phạm trù “quyền con người”, bởi “quyền con người” không chỉ được thể hiện ở các quyền công dân mà còn được thể hiện thông qua quyền của nhiều chủ thể khác như quyền của người nước ngoài, người không quốc tịch. Rút kinh nghiệm này, khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc “tôn trọng quyền con người”nhưng bỏ đi đoạn “được thể hiện ở các quyền công dân”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định đầy đủ các thái độ của Nhà nước đối với “quyền con người” là: công nhận (Nhà nước thừa nhận nhân quyền thông qua hoạt động ký kết điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền con người); tôn trọng (nhà nước thừa nhận nhân quyền với thái độ trân trọng vì Điều ước quốc tế, công ước quốc tế về “quyền con người” đã trở thành văn minh nhân loại); bảo vệ (khi “quyền con người” bị xâm phạm thì Nhà nước bằng sức mạnh của mình sẽ đứng ra bảo vệ); bảo đảm (Nhà nước không chỉ ghi nhận nhân quyền mà còn có trách nhiệm tạo mọi điều kiện về vật chất và pháp lý để thực thi nhân quyền trong thực tế).
– Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận một nguyên tắc hoàn toàn mới – nguyên tắc “hạn chế quyền con người” tại khoản 2 Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nguyên tắc này xác định hình thức pháp lý của việc hạn chế quyền (bằng các đạo luật do Quốc hội ban hành) cũng như điều kiện hạn chế quyền (với lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng). Đây chính là nguyên tắc hiến định rất quan trọng về quyền con người, quyền công dân và theo nguyên tắc này, từ nay không chủ thể nào, kể cả các cơ quan nhà nước được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp.[5] Cũng từ nguyên tắc này, các quy định liên quan đến các quyền bất khả xâm phạm của con người, của công dân (như quyền được sống, quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng trước pháp luật …) là các quy định có hiệu lực trực tiếp; chủ thể của các quyền này được viện dẫn các quy định của Hiến pháp để bảo vệ các quyền của mình khi bị xâm phạm. Các quyền, tự do cơ bản khác của con người, của công dân và quyền được bảo vệ về mặt tư pháp cần phải được cụ thể hóa nhưng phải bằng luật do Quốc hội – cơ quan đại diện quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân ban hành,[6] chứ không phải quy định chung chung “theo quy định pháp luật”[7] như rất nhiều điều của Hiến pháp năm 1992 quy định…
– Thứ ba, khoản 4 điều 15 là một quy định hoàn toàn mới: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Xét về phương diện lý luận, nội dung của điều khoản hiến định trên có thể được xem là nội hàm của nguyên tắc quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân hoặc được hiểu như một nguyên tắc độc lập. Nguyên tắc này nhằm làm rõ hơn mối tương quan giữa quyền của cá nhân với quyền của người khác cũng như quyền của cộng đồng. Khi thừa nhận tính độc lập của nguyên tắc này, chúng ta muốn nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm cùng với sự chủ động của mỗi cá nhân trong việc thụ hưởng quyền, tự do. Việc quá đề cao lợi ích cá nhân trong nhiều trường hợp không chỉ ảnh hưởng đến không gian tự do của người khác mà còn xâm hại (thậm chí nghiêm trọng) những giá trị chung của cộng đồng – nền tảng của sự tồn tại và phát triển lành mạnh của đời sống xã hội.
4. Một số quyền mới
Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân mới như: quyền sống (Điều 21);quyền không bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác (khoản 2 Điều 17); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật (khoản 3 Điều 20);quyền có nơi ở hợp pháp (khoản 1 Điều 22); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41);quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42);quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43). Điều này thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển các quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới hơn 1/4 thế kỷ ở Việt Nam. Nội dung của các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong các điều của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với các Điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đây cũng chính là sự khẳng định cam kết mang tính hiến định của Nhà nước ta trước Nhân dân và trước cộng đồng quốc tế về trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.[8]
– Quyền sống(Điều 21) là quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam ghi nhận quyền con người này. Điểm mới trên của Hiến pháp hiện hành phù hợp với việc ghi nhận quyền sống trong Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948 (Điều 3) và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị năm 1966 (khoản 1, Điều 6). Để bảo vệ quyền sống, Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ các cá nhân khỏi bị tước đoạt tính mạng một cách tùy tiện, tạo những điều kiện vật chất và xã hội bảo đảm cho sự tồn tại và an ninh của con người; có những biện pháp để bảo đảm cuộc sống của người dân đặc biệt là nhóm yếu thế, ngăn chặn những thảm họa, chiến tranh… Đối với hình phạt tử hình, luật nhân quyền quốc tế không cấm các quốc gia sử dụng để ngăn ngừa và trừng trị tội phạm, nhưng khuyến khích hạn chế và bãi bỏ hình phạt khắc nghiệt này. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình nhưng quán triệt quan điểm trên, số hượng tội danh có thể bị tuyên hình phạt này giảm dần, cụ thể là từ 44 trong Bộ luật Hình sự năm 1985 sửa đổi năm 1997 xuống còn 29 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và xuống còn 22 trong lần sửa đổi năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực 01/7/2016) giảm còn 15 và thời gian tới cần nghiên cứu giảm hơn nữa.
– Quyền không bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác(khoản 2 Điều 17): Là công dân Việt Nam thì không thể bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác. Đây là một ghi nhận mới của Hiến pháp năm 2013. Trục xuất là hình phạt áp dụng với người phạm tội là người nước ngoài hoặc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam bị buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định.
– Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật(khoản 3 Điều 20): Đây là quyền nhân thân quan trọng, quyền quyết định đối với cơ thể của mình. Việc Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người mới này rất có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Hiện nay đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Tuy nhiên, Luật này hiện nay còn nhiều bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn. Hiến pháp hiện hành bổ sung một quy định hoàn toàn mới “Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”. Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 bổ sung những quy phạm về hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ng-ười nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.
– Quyền có nơi ở hợp pháp(khoản 1 Điều 22): Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền này dưới dạng quyền công dân. Công dân có quyền có nơi ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Quy định này đặt ra trách nhiệm của Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ để công dân có nơi ở hơp pháp, đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở. Nhà nước tạo môi trường, điều kiện, khung pháp lý, các giải pháp để các tổ chức, cá nhân cùng Nhà nước phát triển và thực hiện chính sách về nhà ở. Điểm lưu ý ở đây là, quyền này không phải là sự yêu cầu Nhà nước xây dựng nhà ở cho toàn bộ người dân hay Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ nhà ở cho công dân.
– Quyền được bảo đảm an sinh xã hội(Điều 34): Quán triệt nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất của phát triển kinh tế và phát triển xã hội hướng đến con người, sự ổn định và phát triển bền vững, nội luật hóa Điều 9 Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 thừa nhận mọi người được hưởng an sinh xã hội, Hiến pháp năm 2013 bổ sung thêm cho công dân một quyền mới là được bảo đảm an sinh xã hội. Quy định này đặt ra trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm an sinh xã hội cho công dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho người dân nói chung và người lao động nói riêng thực hiện quyền được hưởng an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sự công bằng và tiến bộ xã hội.
– Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa(Điều 41): lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 hiến định về “quyền văn hóa” của con người. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập bản sắc của một dân tộc, là một trong bốn thành tố của sự phát triển bền vững (kinh tế – văn hóa – xã hội – môi trường). Việc ghi nhận quyền này thể hiện sự nhìn nhận mới và xem trọng về các giá trị văn hóa của Nhà nước ta. Đồng thời, việc hiến định về quyền văn hóa phù hợp Điều 27 Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948, Điều 15 Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966. Các quyền văn hóa của con người bao gồm:
Thứ nhất, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa. Hưởng thụ giá trị văn hóa là một bao gồm việc cầu chính đáng và quyền cơ bản của con người. Hưởng thụ các giá trị văn hóa như xem, nghe, thưởng thức các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh; các lễ hội, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng… của cộng đồng, của đất nước. Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa là yếu tố góp phần xây dựng, bồi đắp, hoàn thiện những phẩm chất nhân cách cao đẹp cho con người, làm cho con người ngày càng nhân văn hơn, tiến bộ hơn.
Thứ hai, quyền tham gia vào đời sống văn hóa. Quyền tham gia vào đời sống văn hóa không phải chỉ là quyền của các văn nghệ sĩ và những người làm công tác quản lý văn hóa – văn nghệ mà đây là quyền mọi người. Mọi người tham gia các hoạt động văn hóa theo khả năng, sở thích, nhu cầu, mong muốn của mình. Việc mở rộng chủ thể tham gia vào đời sống văn hóa làm phong phú, đa dạng hơn các giá trị văn hóa, tạo điều kiện để mọi người góp phần phát triển các giá trị văn hóa.
Thứ ba, quyền sử dụng các cơ sở văn hóa. Các cơ sở văn hóa bao gồm: khu vui chơi giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, thư viện, sân vận động, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm internet công cộng… Mọi người đều có quyền sử dụng các cơ sở văn hóa này để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của mình.
Thứ tư, quyền tiếp cận các giá trị văn hóa. Mọi người đều có tiếp cận các giá trị văn hóa của dân tộc mình và của các dân tộc khác trên thế giới.
– Quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp(Điều 42): Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có 54 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ nước ta. Với đặc điểm như vậy, Hiến pháp hiện hành ghi nhận cho công dân có quyền xác định dân tộc của mình. Đồng thời, Hiến pháp thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong bảo đảm việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, công dân các dân tộc có sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
– Quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường(Điều 43): Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người được sống trong môi trường trong lành đã thể hiện sự tiếp thu, chọn lọc những quy định phù hợp của pháp luật quốc tế, đồng thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, coi con người là chủ thể, là động lực quan trọng của sự phát triển đất nước. Quyền được sống trong môi trường trong lành đã có từ lâu trong nhiều văn kiện, công ước, hiệp ước quốc tế.[9] Đặc biệt, môi trường liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe, đến quyền sinh tồn và quyền phát triển của con người. Do đó, với quan điểm coi trọng con người thì vấn đề bảo vệ môi trường càng cần được Nhà nước và xã hội quan tâm bởi bảo vệ môi trường chính là bảo vệ quyền con người. Khi Nhà nước ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người cũng có nghĩa là Nhà nước ghi nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.
5. Một số quyền cơ bản của công dân được sửa đổi, bổ sung, quy định lại
Hiến pháp năm 2013 thực hiện nguyên tắc kế thừa và phát triển: Chương II Hiến pháp đã tiếp tục ghi nhận và kế thừa các quyền trong Hiến pháp năm 1992. Nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp hiện hành sửa đổi, bổ sung, quy định lại nhằm hoàn thiện hơn như các quyền:quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (khoản 1 Điều 20); bảo vệ đời tư (Điều 21); tiếp cận thông tin (Điều 25); bình đẳng giới (Điều 26); tố tụng công bằng (Điều 31); sở hữu tư nhân (Điều 32); lao động, việc làm (Điều 35). Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quyền này có ý nghĩa rất quan trọng và cần được triển khai thi hành, cụ thể như sau:
– Quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (khoản 1 Điều 20): Hiến pháp năm 1992 quy định những hình thức vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, bao gồm: nghiêm cấm truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân. Kế thừa quy định này, Hiến pháp năm 2013 quy định khái quát, đầy đủ những hình thức này, đặc biệt còn đưa ra những bổ sung. Những bổ sung này phù hợp với khái niệm của hành vi tra tấn được quy định tại Điều 1 Công ước về Chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT, 1984).[10]
– Bảo vệ đời tư (Điều 21): Hiến pháp năm 2013 tách nội dung Điều 73 Hiến pháp năm 1992 thành hai điều luật riêng quy định về quyền bảo vệ về đời tư (Điều 21) và quyền bảo vệ về chỗ ở (Điều 22). Hiến pháp quy định chủ thể của quyền bảo vệ đời tư là mọi người. Hiến pháp xác định rõ những vấn đề liên quan đến đời tư cần bảo vệ, bao gồm: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, danh dự, uy tín của mình, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin khác. Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 mở rộng thêm các đối tượng được bảo vệ, gồm cả các hình thức trao đổi thông tin khác nhằm phù hợp với sự phát triển của các hình thức trao đổi thông tin. Trong khi Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. Để triển khai thi hành quyền bảo vệ đời tư được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận Quốc hội cần ban hành Luật Bảo vệ đời tư, đưa ra khái niệm đời tư, nội dung, phạm vi đời tư được bảo vệ, chế tài xử lý đối với những hành vi xâm phạm đời tư…
– Tiếp cận thông tin (Điều 25): Hiến pháp năm 1992 tại Điều 69 ghi nhận quyền được thông tin của công dân. Hiến pháp năm 2013 điều chỉnh thành quyền tiếp cận thông tin. Với cách quy định của Điều 69 Hiến pháp năm 1992 có thể hiểu quyền được thông tin bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận thông tin; còn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là ngoại diên của quyền phổ biến thông tin. Trong khi quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp hiện hành bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp cận và phổ biến thông tin.
Hiện nay, pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định về nguyên tắc thực hiện quyền và hạn chế quyền theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thiếu các tiêu chí để xác định thông tin được tiếp cận và thông tin không được hoặc bị hạn chế tiếp cận, thiếu tiêu chí để phân loại thông tin phải được công bố công khai rộng rãi và thông tin được cung cấp theo yêu cầu riêng của cá nhân, tổ chức.[11] Do đó, sắp tới việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin cần khắc phục những bất cập trên của pháp luật nhằm triển khai thi hành quyền tiếp cận thông tin của công dân.
– Bình đẳng giới (Điều 26): Hiến pháp năm 2013 viết lại quyền này ngắn gọn hơn, khắc phục nhược điểm của Điều 63 Hiến pháp năm 1992 là quá cụ thể, tính khả thi thấp, cụ thể Hiến pháp hiện hành quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt…”. Hiến pháp bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Hiến pháp hiện hành quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới thay cho quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ ở Hiến pháp năm 1992.
– Tố tụng công bằng (Điều 31): Liên quan đến quyền này ở Điều 72 Hiến pháp năm 1992 quy định các vấn đề: suy đoán vô tội, bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự, xử lý nghiêm minh người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp làm trái pháp luật. Đến Hiến pháp năm 2013 mở rộng hơn, bao gồm: suy đoán vô tội, xét xử kịp thời, công bằng, công minh, không bị kết án hai lần vì một tội phạm, quyền bào chữa, bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự, xử lý theo pháp luật người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp vi phạm pháp luật.
Về nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, nguyên tắc này có sự thay đổi so với trước đây, cụ thể: Một là, Hiến pháp hiện hành thay thuật ngữ “không ai” ở Hiến pháp năm 1992 bằng thuật ngữ “người bị buộc tội”. Phạm vi những người bị coi là có tội đã được thu hẹp hơn trước, chỉ xác định trong số những “người bị buộc tội”. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực 01/7/2016) đã đưa ra khái niệm “người bị buộc tội” gồm những người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Hai là, Hiến pháp bổ sung nội dung “chứng minh theo trình tự luật định”. Điều này có nghĩa nếu không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục tố tụng theo luật định thì kết quả chứng minh không có giá trị kết tội. Ba là, thời điểm được coi là có tội là khi bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Một điều kiện mới rất quan trọng đó là việc buộc tội phải được chứng minh thì mới có bản án. Để thực hiện tốt nguyên tắc này Bộ luật Tố tụng hình sự cần hoàn thiện và quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục chứng minh có tội hay vô tội, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng việc buộc tội phải được chứng minh thì mới có bản án để phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới.
Bên cạnh đó, để làm rõ hơn khoản 4 Điều 31 của Hiến pháp quy định “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra, hoặc truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực 01/7/2016) đã hướng dẫn cụ thể “người khác” bao gồm; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
– Sở hữu tư nhân (Điều 32): Chủ thể của quyền này đã được mở rộng từ “công dân” ở Hiến pháp năm 1992 sang “mọi người” ở Hiến pháp năm 2013, bao gồm cả công dân và người không có quốc tịch, người nước ngoài tại Việt Nam. Thay đổi này là hợp lý vì những đối tượng không phải công dân Việt Nam nhưng cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam cũng cần được công nhận quyền sở hữu đối với một số tài sản. Việc mở rộng chủ thể của quyền này phù hợp với Điều 17 của Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948 (quyền sở hữu là quyền con người).
Phạm vi quyền sở hữu của con người rất rộng bao gồm: thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Kế thừa Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp hiện hành mở rộng hơn phạm vi quyền sở hữu đối với cả tư liệu sản xuất, phần vốn góp. Điều này phù hợp với chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thừa nhận quyền tự do kinh doanh cho mọi người.
Điều 32 Hiến pháp quy định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Hiến pháp hiện hành sử dụng thuật ngữ “quyền sở hữu tư nhân” thay cho thuật ngữ “quyền sở hữu hợp pháp” ở Hiến pháp năm 1992. Đây là sự thay đổi rất quan trọng thể hiện việc ghi nhận quyền sở hữu tư nhân trong Hiến pháp. Cụ thể hóa quy định này, Bộ Luật Dân sự cần quy định rõ, cụ thể về hình thức “sở hữu tư nhân”.
Hiến pháp hiện hành quy định “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Quy định này đặt ra sự hạn chế nhất định đối với quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, tạo cơ sở pháp lý cho sự can thiệp của Nhà nước vào quyền này. Đồng thời, quy định này ngăn ngừa sự tùy tiện xâm phạm quyền sở hữu tư nhân của Nhà nước, thể hiện nguyên tắc tôn trọng con người, quyền công dân.
– Lao động, việc làm (Điều 35): Hiến pháp năm 2013 quy định quyền lao động, việc làm bao gồm: Một là, quyền làm việc. Quyền làm việc là quyền quan trọng nhất của công dân trong nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận dưới dạng quyền công dân, thay quyền lao động của Hiến pháp năm 1992 bằng quyền làm việc của công dân và không tiếp tục ghi nhận lao động là nghĩa vụ của công dân như Hiến pháp năm 1992. Hai là, quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Đây là quyền công dân mới, Hiến pháp năm 2013 đã đề cao quyền tự do lựa chọn: nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Với quy định này, sức lao động sẽ được giải phóng triệt để hơn trên cơ sở tự do hóa lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba là, quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Trước đây, nguyên tắc bình đẳng giới và điều kiện làm việc công bằng giữa lao động nữ và nam được quy định trong Điều 63 của Hiến pháp năm 1992. Nhận thấy sự bất cập của quy định này, Hiến pháp năm 2013 đã tách thành hai điều riêng biệt. Theo đó, Điều 26 quy định về nguyên tắc bình đẳng giới và Điều 35 khoản 2 quy định người lao động làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi./.
CHÚ THÍCH
[1] Thế hệ thứ hai của quyền con người là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Thế hệ thứ ba của quyền con người tiêu biểu là các quyền như quyền tự quyết dân tộc, quyền phát triển, quyền được sống trong hòa bình, quyền được sống trong môi trường lành mạnh… các quyền thuộc thế hệ thứ ba hiện nay vẫn đang được bổ sung.
[2] Ví dụ: Hiến pháp Thụy Điển 1974 quy định các quyền và quyền tự do cơ bản trong chương 2 có 23 điều (từ Điều 1 đến Điều 23) thì từ Điều 1 đến Điều 14 quy định về các quyền dân sự của công dân. Hiến pháp Singapore 1963 quy định các tự do cơ bản trong phần IV có 8 điều (từ Điều 9 đến Điều 16) thì từ điều 9 đến Điều 15 quy định về các quyền dân sự của công dân. Hiến pháp Liên bang Nga 1993 quy định các quyền và tự do của con người và công dân trong chương 2 có 48 điều (từ Điều 17 đến Điều 64) thì từ Điều 17 đến Điều 31 quy định về các quyền dân sự của công dân.
[3] Hiến pháp năm 1992 có 24/34 điều quy định “công dân có quyền…”, “công dân có nghĩa vụ…” kể cả các quyền, các nghĩa vụ không chỉ dành cho công dân Việt Nam mà còn cho mọi cá nhân có liên quan đang sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 71), về chỗ ở (Điều 73), nghĩa vụ đóng thuế (Điều 80) …
[4] Xem GS.TS Mai Hồng Quỳ – “Những điểm mới cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và một số kiến nghị”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1 năm 2013.
[5] Xem thêm: GS-TS Trần Ngọc Đường, “Một số nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Kỷ yếu Hội thảo Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992do Trường ĐH Luật Tp. HCM và Tạp chí Nghiên cứu lập pháptổ chức ngày 01/3/2013.
[6] Như: quyền sống (Điều 19); quyền không bị bắt, giam giữ trái luật; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác (Điều 20); quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác (Điều 21); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 22); quyền bầu cử và ứng cử (Điều 27); quyền được suy đoán vô tội, quyền được Tòa án xét xử trong thời hạn, được xét xử kín của người bị buộc tội (Điều 31); nghĩa vụ nộp thuế (Điều 47).
[7] Ở nước ta, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, UBND xã, phường cũng có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
[8] Xem thêm: GS-TS Trần Ngọc Đường, Một số nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tlđd.
[9] Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Nghị quyết của đại hội đồng Liện hợp quốc năm 1962: “Sự phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên”, Công ước quốc tế về các Quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội năm 1966, Tuyên bố Stockholm về Các vấn đề môi trường năm 1972, Tuyên ngôn Rio d’Janeiro về Môi trường và phát triển năm 1992, Tuyên bố Johannesburg năm 2002 về phát triển bền vững…
[10] Tra tấn được là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.
[11] http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=2307, truy cập ngày 12/9/2015.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng*, Phan Nguyễn Phương Thảo** – Giảng viên ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2016 (99)/2016 – 2016, Trang 35-42
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời