Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – Dấu ấn trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân”
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân
- Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự theo BLTTHS 2015
- Sửa đổi BLTTHS bảo đảm quyền con người, quyền công dân và BPNC
TỪ KHÓA: Quyền con người, Quyền công dân, Hiến pháp 2013,
TÓM TẮT
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua theo Nghị quyết số 64/2013/QH13 (có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2014). Hiến pháp mới năm 2013 đánh dấu sự phát triển mới của Việt Nam trong việc bảo vệ và nâng cao quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp Việt Nam đã đi tới sự hoàn thiện về bản chất – Hiến pháp là được sinh ra để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Sau nhiều lần dự thảo và lấy ý kiến toàn dân, Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua theo Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2013 (có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2014). Hiến pháp mới không chỉ là bản Hiến pháp kế thừa những nền tảng cơ bản của những bản Hiến pháp trước đây mà còn đánh dấu những thay đổi quan trọng khi hoàn thiện và ghi nhận rõ ràng hơn những quy định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính quyền địa phương và những cơ quan hiến định độc lập như Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt, Hiến pháp mới quy định thêm nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Có thể nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền con người đã được thể hiện rõ ràng và trang trọng trong Hiến pháp. Điều này thể hiện qua vị trí, cơ cấu và nội dung những quy định trong Hiến pháp.
1. Vị trí, cơ cấu của quy định về quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp
Hiến pháp bao gồm 11 chương với 120 điều. Trong đó, được xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi nhất của bản Hiến pháp, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dânđược Hiến pháp mới quy định tại Chương II với 35 điều từ Điều 14 đến Điều 49, sau chương Chế độ chính trị. Có thể nói so với các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp lần này có nhiều điều khoản nhất quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơbản của công dân. Ngoài ra, đặt “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” tại chương II cũng được xem là vị trí phù hợp nhất vì ngoài việc đề cao quyền con người, nó còn xác định bản chất của Hiến pháp như bản khế ước giữa Nhà nước và nhân dân mà theo đó, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ những quyền tự do cơ bản của con người, xem con người là trọng tâm của mọi hoạt động trong đời sống xã hội và đời sống chính trị. Bên cạnh đó, các quy định nàycũng yêu cầu Nhà nước phải thiết lập các cơ chế bảo vệ quyền nhằm bảo đảm được uy tín và tính khả thi của các nguyên tắc hiến định.
2. Khái niệm, nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp
Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là dấu ấn hết sức quan trọng trong việc nhận thức về ýnghĩa, nội dung của quyền con người. Nó cũng thể hiện kỹ thuật lập hiến hiện đại. Có thể khẳng định rằng Hiến pháp mới đã nâng cao sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, điều mà các nhà làm luật trước đây chưa nhận thức đầy đủ. Do hạn chế này mà các Hiến pháp trước chưa có quy định riêng về quyền con người mà chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong trường hợp này, các nhà lập pháp đã đánh đồng khái niệm quyền con người và quyền công dân. Hiến pháp mới đã khắc phục hạn chế này. Quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp mới được xác định là hai khái niệm khác nhau và do đó, từ ngữ sử dụng và nội dung thể hiện các điều khoản liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân khác nhau. Với cách hiểu này, Việt Nam đã tiếp cận một cách phổ biến và thống nhất các khái niệm quyền con người, quyền công dân trên thế giới.
Theo quan niệm chung, quyền con người là những bảo đảm mang tính pháp lý phổ quát nhằm bảo vệ cá nhân và các nhóm trước những hành vi và sự thiếu trách nhiệm làm xâm hại đến quyền lợi, quyền tự do cơ bản và nhân phẩm của con người.[1] Trong khi đó, khái niệm quyền công dân mang tính cụ thể hơn. Quyền công dân được hiểu là quyền của cá nhân đối với một nhà nước cụ thể mà cá nhân đó mang quốc tịch. Quyền công dân theo nghĩa này mang tính xác định hơn vì nó gắn với mỗi quốc gia và được pháp luật của quốc gia đó quy định.[2]
Với cách tiếp cận như vậy, các nhà làm luật Việt Nam cho rằng quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân là một trong những vấn đề quan trọng nhất phải được xác định và quy định trong Hiến pháp. Đây chính là sự chuyển hóa từ việc Nhà nước quyết định “trao” hay “ban phát” quyền cho công dân sang việc Nhà nước thừa nhận những quyền đó mang tính tự nhiên và Nhà nước phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Trường hợp này cũng đồng nghĩa là Nhà nước tự giới hạn quyền của mình.
Tuy vậy, trong 35 điều thuộc Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không có bất kỳ một điều khoản nào liên quan đến khái niệm quyền con người, quyền công dân. Nhưng nhìn tổng quát, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong 35 điều ấy, có khi Hiến pháp sử dụng thuật ngữ mọi người, có khi Hiến pháp sử dụng thuật ngữ công dân. Điều này cho chúng ta hiểu được là khi dùng từ mọi người thì đó là những quy định về quyền con người, khi dùng từ công dân là quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong Chương II có 13 điều khoản sử dụng từ mọi người; 12 điều khoản sử dụng tự công dân; 10 điều khoản mang tính bao hàm chung quyền con người, quyền công dân, trong đó bao gồm cả công dân, người nước ngoài và người không quốc tịch. Cũng cần lưu ý rằng việc tách bạch quyền con người và quyền công dân như trên chỉ mang tính ước lệ bởi lẽ quyền công dân cũng dựa trên những nền tảng về quyền con người.
3. Thông qua nội dung thể hiện của những điều quy định trong Chương II, chúng ta thấy những điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Tuyên ngôn về quyền và một số quyền mới được thể hiện trong nội dung Chương II
Ngay điều đầu tiên, Điều 14 của Chương II là quy định mang tính chất tuyên ngôn về quyền: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân đối với quốc gia, đối với xã hội và đối với cộng đồng. Khoản 2, Điều 14 và Điều 15 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, dân tộc, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, quyền và lợi hợp pháp của người khác.
Trên nền tảng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của các Hiến pháp trước, Hiến pháp mới năm 2013 đã bổ sung những quy định về quyền con người. Đây là dấu ấn hết sức quan trọng của tư duy về quyền con người cũng như ý thức về sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định về quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác (Điều 20); quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43).
Nhìn một cách tổng quát, Chương II Hiến pháp mới đã quy định một cách cụ thể các quyền cơ bản của con người. Trong đó nổi bật nhất là ba quyền: quyền sống, quyền bình đẳng và quyền tự do thân thể, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, cư trú.
“Quyền sống” (Điều 19) được xem là một quy định mang tính nền tảng của quyền con người. Mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống và quyền này mang tính tự nhiên, không ai ban phát và cũng không ai tùy tiện tước đoạt được. Nếu quyền sống không được ghi nhận, các quyền khác đều vô nghĩa.
Quyền bình đẳng được xem là quyền nổi bật thứ hai sau quyền sống. Hiến pháp đã khẳng định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 16) và xem đây là một trong những yêu cầu cơ bản nhất của quyền con người, không ai bị phân biệt đối xử trong tất cả những lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, Hiến pháp cũng ghi nhận sự bình đẳng về giới và cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26); quyền bình đẳng trong việc tham gia đời sống chính trị cũng như tham gia quản lý nhà nước (Điều 27, 28 và 29). Không chỉ bình đẳng khi tham gia vào các hoạt động xã hội, mọi người còn bình đẳng trong tín ngưỡng (Điều 24). Quyền tự do tín ngưỡng mang tính chất tôn giáo, tâm linh nên mọi người có quyền tự lựa cho một niềm tín ngưỡng riêng cho mình.
Đối với các quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú có thể nói rằng, bên cạnh quyền sống, các quyền “bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 20) ghi nhận sự tự do thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe cũng như danh sự, nhân phẩm. Ngoài ra, bí mật đời tư (Điều 21), tự do cư trú (Điều 22), tự do đi lại (Điều 23) cũng được Hiến pháp ghi nhận, bảo vệ.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ công dân có sự kế thừa và phát triển từ các Hiến pháp trước
Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992 đã quy định những quyền công dân cơ bản như quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bầu cử, ứng cử, các quyền về tài sản…Quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp sau thường hoàn thiện hơn Hiến pháp trước. Ví dụ Hiến pháp 1959 bổ sung một số quyền và nghĩa vụ mới mà Hiến pháp 1946 chưa quy định như quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 29), quyền người lao động được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động (Điều 32), quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật (Điều 34)…Sau đó, Hiến pháp 1980 quy định thêm quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội (Điều 56), quyền học không phải trả tiền (Điều 60), khám bệnh và chữa bệnh không phải trả tiền (Điều 61), quyền có nhà ở (Điều 62), nghĩa vụ tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân (Điều 77), nghĩa vụ tuân theo kỷ luật lao động, bảo vệ an ninh chính trị, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội (Điều 78), nghĩa vụ lao động công ích (Điều 80)…Hiến pháp 1992 gần như giữ nguyên Chương V theo Hiến pháp 1980, tuy nhiên có phát triển thêm các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Có thể thấy rằng xuyên suốt qua các Hiến pháp, việc đặt tên các chương đều là “Quyền và nghĩa vụ công dân” không phản ánh hết nội dung quyền con người. Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ công dân thường để sau hàng loạt các vấn đề khác (chỉ riêng Hiến pháp 1946 quy định “Quyền lợi và nghĩa vụ công dân” tại Chương II với 18 điều. Tuy nhiên Hiến pháp 1946 cũng không đề cập đến quyền con người); Hiến pháp 1959 quy định “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” tại Chương III với 20 điều (sau chế độ kinh tế, xã hội); Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 đều quy định “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” tại Chương V với 29 điều của Hiến pháp 1980 và 34 điều của Hiến pháp 1992 (sau chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật; bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa). Việc đặt vị trí như vậy có thể cho rằng quyền con người, quyền công dân chưa được tôn trọng đúng mức. Hơn nữa, các Hiến pháp cũng chưa thực sự chú trọng vào các quyền dân sự, chính trị.
Hiến pháp năm 2013 đã bao quát hơn, cân bằng hơn trong việc quy định về các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này thể hiện qua nội dung các điều khoản như quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); quyền không bị trục xuất của công dân (Điều 17); quyền sống (Điều 19); quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, gia đình, chỗ ở (từ Điều 21 đến Điều 36); quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 30); quyền trong tố tụng hình sự (Điều 31); quyền sở hữu (Điều 32) quyền tự do kinh doanh (Điều 33), và bổ sung quyền xác định dân tộc mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42), quyền sống trong môi trường trong lành (Điều 43).
Thứ ba, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định trong Hiến pháp phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người
Có thể thấy ngay Điều 14 của Chương II Hiến pháp mới rất tương đồng với Bộ luật quốc tế về quyền con người (bao gồm Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights – ICESCR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR)). Theo đó, cá nhân có thể bị pháp luật hạn chế các quyền và tự do đó vì các mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền tự do của người khác cũng như nhằm đảm bảo những yêu cầu về trật tự công cộng, đạo đức và phúc lợi chung trong xã hội.[3]
Bên cạnh đó, xétvề mặt khái niệm, mặc dù trong Hiến pháp mới 2013 không nêu khái niệm quyền con người, quyền công dân, tuy nhiên, như đã phân tích trên, việc phân định thuật ngữ mọi người và công dân cũng đã đáp ứng đượctinh thần của cácvăn bản pháp luật quyền con người quốc tế. Ngay lời nói đầu của Tuyên ngôn về quyền con người cũng khẳng định “một chuẩn mực chung về quyền con người cho tất cả các quốc gia, dân tộc phấn đấu thực hiện, với mục đích làm mọi cá nhân và tổ chức xã hội luôn ghi nhớ nội dung của bản Tuyên ngôn này và sử dụng nó trong giảng dạy, giáo dục để thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do của con người, và thông qua những biện pháp ở cấp độ quốc gia và quốc tế để đảm bảo người dân không chỉ ở các quốc gia thành viên mà còn ở các lãnh thổ thuộc sự quản lý của các quốc gia đó đều thừa nhận và tuân thủ phổ biến hiệu quả các quyền và tự do của con người”.[4]
Quyền sống trong pháp luật quyền con người quốc tế được xem là một trong những quyền cơ bản và nền tảng nhất của các quyền. Công ước quốc tê về các quyền dân sự chính trị có quy định rõ quyền sống và các quyền liên quan. Điều 6 Công ước quy định quyền được sống và nêu rõ quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Ngoài ra còn một điều liên quan đến quyền sống như quy định không ai có thể là nạn nhân của sự tra tấn, trừng phạt, hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục (Điều 7); không ai có thể bị bắt làm nô lệ hoặc cưỡng bức lao động (Điều 8); không ai có thể bị bắt và giam giữ vô cớ (Điều 9)…
“Quyền bình đẳng” là đề tài không mới nhưng trong tất cả các thời kỳ lịch sử đều mang tính thời sự cao. Hiến chương Liên hợp quốc 1945(Charter of the United Nations) được xem là văn bản quốc tế quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền bình đẳng. Điều 1 Hiến chương quy định: “…tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người…”.[5] Ngoài ra, Hiến chương còn quy định quyền cơ bản của con người trong các Điều 13 (1)(b) (quyền tự do cơ bản đối với mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo); Điều 55(c) (tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo); Điều 62 (2) (Hội đồng kinh tế và xã hội có quyền đưa ra những kiến nghị nhằm khuyến khích sự tôn trọng và tuân thủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người); Điều 68 (Hội đồng Kinh tế và Xã hội thành lập các ban trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội và để tăng cường các quyền con người, kể cả thành lập các ban khác cần thiết cho việc thi hành những chức năng của Hội đồng); Điều76 (c) (khuyến khích tôn trọng những quyền con người và vì các quyền tự do cơ bản cho mọi người không phân biệt sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ, hay tôn giáo, và để khuyến khích công nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới);
Bên cạnh Hiến chương Liên hợp quốc 1945, “Bộ luật quốc tế về quyền con người” cũng ghi nhận cụ thể về quyền bình đẳng. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.[6] Ngoài ra, tinh thần này còn thể hiện qua các điều 1, 2, 3, 6, 10 của Tuyên bố chung. Công ước quốc tề về quyền chính trị và dân sự 1966 cũng quy định tượng tự tại Điều 26: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.[7] Côngước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 quy định quyền bình đẳng của mọi người trong công việc, học tập và quyền về văn hóa (các Điều từ 15 – 22).
Cácvăn bản pháp lý khác như Tuyên ngôn về quyền của những người thuộc nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ 1992 (Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities) cũng xác định quyền tự do và không phân biệt đổi xử. Điều 4(1) quy định nhà nước phải bảo đảm cho các cộng đồng thiểu số có đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản, không phân biệt đối xử và được bình đẳng trước pháp luật.[8]
Đối chiếu pháp luật quốc tế về quyền bình đẳng với các quy định trong Chương II Hiến pháp mới 2013, chúng ta thấy các quy định trong Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định về các quyền tự do cư trú, tự do tín ngưỡng…cũng phù hợp với pháp luật quyền con người quốc tế.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định về các quyền tự do cư trú, tự do tín ngưỡng…Các quy định này cũng tương thích với Công ước về các quyền dân sự, chính trị 1966. Công ước ghi nhận quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi ở (Điều 12); quyền tự do tưtưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18); tự do ngôn luận (Điều 18). Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa 1966 cũng cùng chung tinh thần này như quy định quyền làm được làm việc (Điều 6); quyền được bảo vệ và trợ giúp một cách thích đáng cho bản thân và gia đình, (Điều 11); quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức độ cao nhất có thể được (Điều 12); quyền được giáo dục( Điều 13,14): quyền được tham gia vào đời sống văn hóa (Điều 15).
Thứ tư, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định trong Hiến pháp phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam
Hiến pháp năm 2013 đã đáp ứng được các mục tiêu về bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân. Các Văn kiện của Đảng như Văn kiện đại hội Đảng lần thứ 5 năm 1982 và thứ 6 năm 1986, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001 – 2010, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đều xác định lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất,[9] kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân.[10] Đặc biệt, các văn kiện gần đây xác định con người là trung tâm của chiến lược phát triển và là chủ thể của sự phát triển. Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Nhà nước và xã hội phải xác định rõ là quyền con người gắn liền với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Khi có được những xác định như vậy thì các chính sách xã hội sẽ đúng đắn, công bằng hơn và cũng sẽ phát huy được mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.[11] Trong việc phát triển kinh tế, xã hội yêu cầu phải mở rộng dân chủ,phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phải có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội nhằm phát triển một cách toàn diện và hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của mọi thành viên trong xã hội.[12]
Có thể thấy rằng Đảng đã nhận thức rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Việc phát triển quyền con người, quyền công dân luôn đóng vai trò trọng tâm trong việc phát triển kinh tế xã hội. Không chỉ tư duy về mặt lý luận, bằng đường lối, chính sách cụ thể của mình, Đảng đã đề ra những cơ chế thực tiễn để bảo đảm và thực thi quyền con người.
Tóm lại, Hiến pháp mới năm 2013 đánh dấu sự phát triển mới của Việt Nam trong việc bảo vệ và nâng cao quyền con người, quyền công dân. Đây có thể xem là một dấu ấn mang tính tiếp nối hết sức phù hợp giữa quá khứ, hiện tại và định hướng phát triển tương lai về quyền con người. Hiến pháp năm 2013 cũng đánh dấu một bước tiến mới trong việc thay đổi tư duy về một nhà nước pháp quyền, về một xã hội nơi các giá trị của con người luôn được đề cao. Hiến pháp Việt Na đã đi tới sự hoàn thiện về bản chất – Hiến pháp là được sinh ra để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
CHÚ THÍCH
[1] United Nations, Frequently Asked Questions on a Human Rights-Based Approach to Development Cooperation,(New York, 2006), tr 1.
[2] Trương Hồng Quang, “Quyền công dân và mối quan hệ với quyền con người”, trang điện tử Viện Khoa học pháp lý, http://vienkhpl.ac.vn/index.php?cid=300, (truy cập ngày 29/12/2013).
[3] Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Xem thêm Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Điều 8 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.
[4] “This Universal Declaration of Human Rightsas a common standard of achievement for all peoples and all nations, to the end that every individual and every organ of society, keeping this Declaration constantly in mind, shall strive by teaching and education to promote respect for these rights and freedoms and by progressive measures, national and international, to secure their universal and effective recognition and observance, both among the peoples of Member States themselves and among the peoples of territories under their jurisdiction”.
[5] Article 1(3): “To achieve international co-operation in solving international problems of an economic, social, cultural, or humanitarian character, and in promoting and encouraging respect for human rights and for fundamental freedoms for all without distinction as to race, sex, language, or religion”.
[6] Article 7: “All are equal before the law”.
[7] Article 26: “All persons are equal before the law”; xem thêm các Điều 6, 14, 16, 24, 27 của Công ước này.
[8] Article 4(1): “States shall take measures where required to ensure that persons belonging to minorities may exercise fully and effectively all their human rights and fundamental freedoms without any discrimination and in full equality before the law”.
[9] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam,http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=8&leader_topic=223&id=BT2540631692(truy cập ngày 29.12.2013).
[10] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=8&leader_topic=224&id=BT2440654662(truy cập ngày 29.12.2013).
[11] Bùi Thị Phương Thùy, “Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI với vấn đề phát triển quyền con người”, Tạp chí phát triển nhân lực, số 5(26)-2011, tr.31. Xem thêm Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, pháp triển năm 2011), Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam,.http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30623&cn_id=198036 (truy cập 01.03.2014).
[12] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, pháp triển năm 2011), trang 6.
Tác giả: Phan Nhật Thanh – TS Luật học, Phó Giám đốc Trung tâm thư viện Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2014, Trang 17-23
Trả lời