Mục lục
Một số vấn đề về chứng cứ trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế – Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài – vụ án dân sự hay việc dân sự
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài và tranh chấp đầu tư quốc tế của Việt Nam
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong Luật Biển quốc tế
- Nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam
- Các thuộc tính của chứng cứ trong khoa học hình sự
- Một số điểm mới về chứng cứ trong BLTTHS năm 2015
- Đánh giá chứng cứ trường hợp các kết luận giám định khác nhau
- Nguồn chứng cứ trong pháp luật hình sự là gì?
- Phân loại chứng cứ và ý nghĩa của việc phân loại chứng cứ
TỪ KHÓA: Chứng cứ, Thủ tục, Giải quyết tranh chấp, Cơ quan tài phán, Công pháp quốc tế, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2016,
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu khái niệm, phân loại, đặc điểm của chứng cứ và vai trò của chứng cứ trong giải quyết tranh chấp; tìm hiểu các quy tắc liên quan đến việc cung cấp chứng cứ của các bên và chấp nhận chứng cứ của cơ quan tài phán quốc tế. Từ đó, bài viết đưa ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong chuẩn bị hồ sơ tranh tụng trong trường hợp Việt Nam sử dụng cơ chế tư pháp nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế của mình, cụ thể là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1. Đặt vấn đề
Chứng cứ và việc cung cấp chứng cứ là những vấn đề quan trọng trong mọi cơ chế giải quyết tranh chấp. Về nguyên tắc, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thường thuộc về các bên tranh chấp (nguyên tắc actori incumbit probatio)vàcác bên cóquyềnđệ trình tất cả những bằng chứng mà họ cho là cần thiết. Tuy nhiên, việc các chứng cứ có được chấp nhận hay không, mức độ liên hệ đến vụ việcvàgiá trị pháp lý của chúng sẽ do tòa quyết định. Do vậy, xác định những chứng cứ nào cần được đưa ra trong quá trình tranh tụng là một hoạt động tư duy mang tính chiến thuật nhằm phục vụ một cách có hiệu quả các luận cứ, lập trường của mình, đồng thờinhằm bác bỏ một cách xác đáng những luận cứ, bằng chứng của bên tranh chấp kia. Chính vì vậy, việc xác định, phân loại và đệ trình chứng cứ có ý nghĩa quyết định đảm bảo sự thành công của vụ kiện.
Việt Nam hiện có một số lượng lớn các bằng chứng ở dưới dạng văn bản, tài liệu lưu trữ và những chứng cứ gián tiếp khác khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán trong các vùng biển tại biển Đông thiết lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Mặc dù vậy, phía Trung Quốc cũng dựa trên cơ sở của rất nhiều bản đồ cũng như các bằng chứng thám hiểm hàng hải để biện hộ cho luận cứ của họ về chủ quyền lịch sử (historical title)đối với hai quần đảo này. Vấn đề là những chứng cứ này có giá trị pháp lý đến đâu trong luật quốc tế và trong thực tiễn phân xử của các cơ quan tài phán quốc tế?
2. Các vấn đề liên quan đến chứng cứ tại các cơ quan tài phán quốc tế
2.1. Khái quát chung
Các cơquan tài phán quốctế (baogồm Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế, sau đây sẽ gọi chung là “Tòa”) thường định nghĩacụ thể về “chứng cứ” (evidence)[1] màchúng được suy ra từ quy tắc tố tụng của các Tòa. Theo Điều 38(2) Quy tắc Tố tụng của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) thì hồ sơ khởi kiện cần phải bao gồm “…các tình tiết và cơ sở mà đơn kiện đã dựa vào”. Cũng theo quy tắc này, mỗi bên tranh chấpsẽ thông báocho Tòatrước khi tiến hành phiên tranh tụng “những thông tin liên quan đến bất kỳ chứng cứ nào mà bên tranh chấp này có ý định sẽ đưa ra hoặc những có ý định yêu cầu Tòa tiếp nhận” (Điều 57). Tòa sẽ quyết định việc các bên“có thể trình bày các lập luận của mình trước hoặc sau việc cung cấp các chứng cứ (Điều 58).Tương tự, theo Điều 27 Quy tắc tố tụng của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye(PCA) năm 2012[2] thì “mỗi bên có nghĩa vụ chứng minh các tình tiết mà dựa vào đó để ủng hộ cho lập luận hay bào chữa của mình”.[3] Điều 19 của Quy tắc UNCITRAL quy định rằng mỗi bên tranh chấp có nghĩa vụ chứng minh các tình tiết mà họ dựa vào đó để ủng hộ cho yêu sách của mình.
Như vậy, “chứng cứ” có thể được hiểu là tất cả những tình tiết và cơ sở mà các bên sử dụng cho lập luận của mình trước cơ quan tài phán quốc tế. Chúng được thểhiện trong hồ sơ khởi kiện, các bài biện hộ, phản biện và những tài liệu có giá trị chứng minh khác được các bên đưa ra trong quá trình tranh tụng.
Nhìn chung, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ luôn được xác định thuộc về các bên tranh chấp[4] và các bên phải cónghĩa vụchứng minh cholập luận của mình. Trong vụ Nicaragua, Tòa ICJ đã khẳng định “…bên khởi kiện có trách nhiệm nhằm thiết lập các tình tiết là bên có nghĩa vụ chứng minh chúng”. Đâycũng yêu cầu đặt ra đối với Vương quốc Anh và Bắc Ailen năm 1949 trong vụCorfou Channel hay đối vớiNicaragua trong vụ Nicaraguanăm 1984.
2.2. Thẩm quyền của Tòa về chứng cứ
Khác với các cơ quan tài phán trong nước, Tòa có quyền riêng biệt (discretion)trong việc xem xét chấp nhận những chứng cứ nào và giá trị pháp lý của chúng. Trong vụ Shufeldt Claim(United States v. Guatemala) năm 1929, trọng tài viên Herbert Sisnett (UK) đã khẳng định “khi xem xét các vụ việc do các bên đưa ra …các cơ quan tài phán quốc tế… không thể bị ràng buộc bởi các quy tắc quốc gia về vấn đề tiếp nhận và đồng ý với các chứng cứ. Giá trị làm bằng chứng của các chứng cứ đưa ra sẽ do các cơ quan tài phán quốc tế quyết định dựa trên tất cả những tình tiết của vụ kiện”.[5] Tương tự,trong vụ Oscar Chinn, Pháp viện thường trực quốc tế “không bị ràng buộc bởi bất kỳ hệ thống xác định chứng cứ nào… nhiệm vụ của Tòa là kết hợp nhằm đạt đến tính khách quan của sự thật”.[6]
Về nguyên tắc, việc đưa ra các chứng cứ là không có sự giới hạn, các bên hoàn toàn tự do trong việc đệ trình bất kỳ chứng cứ nào mà họ cho rằng sẽ giúp cho việc làm rõ các luận điểm và ủng hộ cho các yêu sách của mình.[7] Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận trao thẩm quyền phân xử tranh chấp cho Tòa, các bên sẽ phải tôn trọng đặc quyền của Tòa trong việc xem liệu những chứng cứ đó có thể được chấp nhận hay không. Tại Điều 27 Quy tắc tố tụng của Tòa trọng tài La Hay thì tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình phân xử, Hội đồng Trọng tài có thể yêu cầu các bên cung cấp các tài liệu, vật trưng bày hoặc những chứng cứ khác được xem xét trong quá trình phân xử. Hội đồng cũng có thể thực hiện việc kiểm tra thực địa, sau khi tư vấn với các bên. Hội đồng trọng tài sẽ xem xét về khả năng được chấp nhận, sự liên quan, tính cụ thể và mức độ quan trọng của các chứng cứ được đưa ra.Còn theo Quy tắc số 34 của Trung tâm Quốc tế về Giải quyết các tranh chấp về đầu tư (ICSID) thì “Hội đồng xét xử sẽ đánh giá về khả năng chấp nhận của bất kỳ chứng cứ nào và giá trị sử dụng của nó”. Điều 26(6) của Quy tắc UNCITRAL quy định rằng “một khi một bên đưa ra các chứng cứ nhằm chứng minh những thực tế mà họ dựa vào, Hội đồng sẽ “xem xét khả năng áp dụng, sự liên hệ, sự cụ thể và giá trị của những chứng cứ được đệ trình”.
Như đã trình bày, việc xem xét các chứng cứ này có thể được chấp nhận hay không, sự liên hệ đến vụ việc và giá trị pháp lý của các chứng cứ là do Tòa tự mình quyết định (nguyên tắc jura novit curia – Tòa biết luật).[8] Chính vì vậy, một số chứng cứ do các bên đệ trình có thể bị Tòa bác bỏ hoặc không chấp nhận (inadmissible)hoặc chúng cũng có thể được Tòa loại ra nếu trùng lắp;ngụy tạo hoặc Tòa không chấp nhận nếu như hoàn toàn không liên quan đến vấn đề đang phân xử.[9] Thực tiễn phân xử của Tòa cho thấy, Tòa có khuynh hướng chấp nhận các chứng cứ được đệ trình hơn là tuyên bố không chấp nhận đối với chung. Cũng không có quy tắc cụ thể nào xác định một thứ bậc về giá trị pháp lý của các chứng cứ. Tòa có quyền yêu cầu chứng cứ vào bất kỳ lúc nào và như đã trình bày, hoàn toàn tự do trong việc xác định giá trị pháp lý của chúng. Ngoài ra, cũng không có quy tắc cụ thể liệt kê những chứng cứ có thể được Tòa xem xét, do đó chứng cứ có thể bao gồm cả những nguồn có tính kỹ thuật như phim, ảnh, thậm chí là từ bài báo hoặc trích dẫn từ sách cũng có thể được sử dụng, như trong vụ Nicaragua.[10]
Đáng lưu ý là, khi Tòa có thẩm quyền tuyệt đối trong việc xác định và chấp nhận chứng cứ, những quyết định này mang tính chủ quan rất cao. Bởi lẽ, các thẩm phán, trọng tài viênđến từ các hệ thống pháp luật khác nhau, do vậy việc đánh giá chứng cứ tùy thuộc vào cách tiếp cận riêng của họ trên cơ sở lý luận về chứng cứ trong hệ thống pháp luật nước mình.[11] Thực tiễn phân xử tranh chấp quốc tế cho thấy tiêu chuẩn về sự cân bằng của các khả năng (balance of probabilities)chiếm ưu thế hơn.[12] Theo thực tiễn của ICJ, các chứng cứ cần phải bảo đảm một “mức độ chắn chắn thích hợp về mức độ nghiêm trọng của những cáo buộc”.[13]
2.3. Phân loại và sự chấp nhận của Tòa đối với chứng cứ
Mặc dù vậy, chứng cứ mà các bên đưa ra trước Tòa có thể chia thành 2nhóm chính: (i) các chứng cứ dưới dạng văn bản; (ii) các bản ghi lời khai của nhân chứng và các lời khai đối chất. Ngoài ra, chứng cứ có thể được phân loại thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp.
Thông thường, Tòa sẽ coi các tài liệu dưới dạng văn bản là chứng cứ trực tiếp. Loại chứng cứ này có thể bao gồm lời khai hay sự đối chất của các nhân chứng về một tình huống hoặc sự kiện. Trong khi đó những chứng cứ được sao chép lại hoặc những bản khai (testimony)của các nhân chứng được coi là các chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có ý nghĩa xác định mức độ quan trọng của chứng cứ mà không làm ảnh hưởng đến việc chúng có thể được Tòa chấp nhận hay không. Trong trường hợp không có các chứng cứ trực tiếp thì các chứng cứ gián tiếp có thể được Tòa xem xét để sử dụng chúng thay thế cho các chứng cứ trực tiếp nếu như việc đánhgiá cho thấy chúng có cơ sở và có sự liên hệ giữa các bằng chứng với nhau.
Dù không có quy tắc pháp lý rõ ràng về thứ bậc giá trị pháp lý của các chứng cứ, thực tiễn phân xử của các Tòa cho thấy những chứng cứ dưới dạng văn bản thường có vị trí ưu tiên nhất và nhìn chung những tài liệu này sẽ luôn được Tòa chấp nhận.[14] Tiếp đó là các bằng chứng có thể chứng thực được do các bên đưa ravàcác lời khai vàbản khai của nhân chứng cũng được Tòa xem xét. Trong trường hợp các bên đệ trình các bằng chứng dưới hình thức đối chất, việc xem xét có thể tiến hành dưới sự giám sát của Tòa, có thể có sự tham gia của luật sư phía bên kia và cũng có thể có mặt các chuyêngia nhằm cho biết ý kiến về những vấn đề mang tính kỹ thuật hoặc những vấn đề khác có tính chuyên môn.[15] Mặc dù vậy, Tòa vẫn sẽ độc lập, khách quan và không chịu sự ràng buộc bởi các ý kiến của các chuyên gia.
Cũng trong trong trường hợp thiếu vắng các chứng cứ trực tiếp, Tòa có thể giả định hoặc suy diễn từ những tình tiết dựa trên cơ sở của những chứng cứ gián tiếp đã được chứng minh hoặc được Tòa chấp nhận. Thông thường, những giả định hoặc suy đoán này sẽ căn cứ vào hành vi của một bên. Trong trường hợp đó, bên còn lại có nghĩa vụ chứng minh ngược lại những giả định và suy đoán này, nếu không thì có thể bị coi là đồng ý với chúng trong trường hợp cần phải có hành động tích cực đối phó lại. Điều này cũng có thể tạo nên cơ sở cho việc áp dụng nguyên tắc estoppel (không nói ngược lại những gì đã nói trước đó). Mặc dù vậy, một bên tranh chấp không có nghĩa vụ phải đệ trình những chứng cứ không có lợi cho mình trừ khi họ được Tòa yêu cầu phải làm như vậy. Trong trường hợp một bên được Tòa yêu cầu cung cấp thêm các chứng cứ đã được biết hoặc được cho là bên này có thể cung cấp chứng cứ nhưng không thực hiện nghĩa vụ này, Tòa có thể giả định hoặc suy đoán một cách bất lợi cho bên đó.
– Các tài liệu văn bản
Mặc dù các chứng cứ trực tiếp cũng như các chứng cứ gián tiếp đều có thể được xem xét, các tài liệuvăn bảnđược lưu trữthường có độ tin cậy cao, đặc biệt là những tài liệu được ghi nhận lại hoặc đãtồn tại vào lúc thời điểm phát sinh sự kiện trong vụ tranh chấp, những tài liệu nhằm chứng minh tình hình liên quan đến đến vấn đề tranh chấp hoặc những tài liệu có tính khách quan liên quan đến vụ việc tranh chấp. Docác chứng cứ dưới dạng tài liệu văn bản lưu trữ thường chiếm số lượng lớn và là nguồn chứng cứ chủ yếu nhất, các bên khi đưa ra chứng cứ cần tập hợp một cách có hệ thống và rà soát cẩn thận nhằm tránh khảnăng có sự trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn giữa các chứng cứ của mình.
Về nguyên tắcTòasẽ chỉ xem xét đến những văn bản có tính pháp lý (mang tính nhà nước), ví dụ như những sắc lệnh của nhà nước ban hành, kể cả những văn bản có từ lâu đời trong lịch sử. Trong vụ Minquiers and Ecrehos,ICJ chủ yếu dựa vào những hành động liên quan đến việc thực thi chủ quyền và vấn đề cai quản đối với các đảo và đá này trên cơ sở các văn bản pháp luật được ban hành có liên quan đến chúng. Dựa trên những xem xét đó, cuối cùng Tòa đã tuyên bố chủ quyền thuộc về nước Anh bởi lẽ những bằng chứng mà phía Anh nêu ra là có sức thuyết phục hơn. Trong vụ Eastern Greenland, Đan Mạch đã đưa ra các bằng chứng về các điều ước quốc tế mà nước này ký với Na Uy, trong đó bao hàm cả đòi hỏi về chủ quyền của Đan Mạch đối với toàn bộ lãnh thổ Greenland. Từ đó ICJ công nhận chủ quyền của Đan Mạch đối với vùng lãnh thổ Eastern Greenland. Các vụ phân xử của ICJ cũng cho thấy Tòa có thể sẽ xem xét những hành động thể hiện bằng chứng về chủ quyền, những cuộc tiếp xúc và trao đổi ngoại giao khác nhau, các ghi chép và những bản đồ được vẽ ra.
– Các bản đồ
Các bản đồ luôn được các bên tranh chấp đưa ra và chiếm một tỷ lệ lớn trong hồ sơ khởi kiện và thường được sử dụng chủ yếu trong các lập luận mà các bên đưa ra.Tầm quan trọng của các bản đồ đã được khẳng định trong các phán quyết của ICJ. Trong vụ Burkina Faso v. Mali, ICJ đã cho rằng các bản đồ được coi như những bằng chứng có thể xem xét đến và cùng với những loại bằng chứng thực tiễn khác, có giá trị thiết lập hoặc tái khẳng định những sự kiện thực sự. Trong vụ Cameroon v Nigeria, Tòa đã cho rằng, các bản đồ đi kèm với những điều ước thể hiện đường biên giới đã được phân định sẽ được coi như những bằng chứng quyết định.[16]
Mặc dù các bản đồ, đặc biệt là những bản đồ cổ, và những tài liệu tương tự(similar documentations)cómột giá trị rất quan trọng trong yêu sách về chủ quyền của các quốc gia tranh chấp, thực tiễn phân xử của ICJ cho thấy chúng không phải là những chứng có tính thuyết phục duy nhất về sự thể hiện hành vi chủ quyền (acts of sovereignty)cũng như việc quản lý đối với những lãnh thổ tranh chấp. Trong vụ Land, Island and Maritime Frontier Dispute,ICJ đã cho rằng, các bản đồ và những tài liệu tương tự chỉ được sử dụng như là những “bằng chứng vững chắc”vàchúng sẽ không được sử dụng với mục đích thiết lập nên các quyền về lãnh thổ. Cũng trong vụ Frontier Disputegiữa Burkina Faso và Mali, một vụ tranh chấp biên giới tương tự, ICJ đã cho rằng các bản đồ chỉ có tác dụng tạo ra thông tin và chúng không thể tạo ra danh nghĩa về lãnh thổ như là một văn bản của luật quốc tế có giá trị pháp lý nhằm mục đích thiết lập chủ quyền lãnh thổ.[17] Trong vụ Pedra Branca/ Pulau Batu Puteh[18] giữa Singapore và Malaysia, ICJ đã xem xét gần 100 bản đồ do cả hai bên đưa ra, trong đó đặc biệt là các bản đồ do Malaya(tên cũ thời thuộc địa của Malaysia) và Malaysia ban hành từ năm 1962 đến 1975 và đã cho rằng những tấm bản đồ này đãthể hiện sự khẳng định của Malaysia rằng Pedra Branca/ Pulau Batu Puteh thuộc về chủ quyền của Singapore.
– Lời khai của nhân chứng (written witness statements)
Lời khai của các nhân chứng có thể được chuyển thành các bản ghi để nộp cho Tòa trước khi tiến hành phiên tranh tụng. Ngoài ra, các bằng chứng đối chất có thể được Tòa sử dụng toàn bộ hay từng phần trong việc đưa ra các phán quyết. Tòa có thể giám sát việc đưa ra các chứng cứ này với sự tham gia của luật sư, hoặc cho tiến hành đối chất có sự tham gia của luật sư phía bên kia và các bên có thể tiến hành tranh luận phản biện (rebuttal)về lời khai của nhân chứng của bên nguyên đơn và bị đơn. Bên cạnh đó, các bên có thể cung cấp cho Tòa các bản khai của các nhân chứng dưới hình thức viết, tuy nhiên các nhân chứng được yêu cầu phải xuất hiện trong phiên tranh tụng hoặc đối chất hoặc khi Tòa hỏi. Việc các nhân chứng không có mặt trong các trường hợp trên có thể làm giảm đi mức độ đánh giá chứng cứ hoặc các chứng cứ này có thể không được chấp nhận.
– Một số vấn đề về thủ tục
Theo quy tắc tố tụng, khi nộp bản biện hộ (memorial)của mình bên nguyên đơn đồng thời phải nộp kèm theo đó tất cả những tài liệu mà họ đang có được và cho là cần thiết nhằm chứng minh cho các sự kiện và tình huống trong tranh chấp. Sau đó bên bị đơn sẽ nộp bài phản biện (counter-memorial)đồng thời họ cũng phải nộp tất cả các chứng cứ tài liệu họ sử dụng nhằm biện hộ hoặc lập luận phản kiện của mình. Các bên cũng có cơ hội nộp cho Tòa những nhận xét về chứng cứ mà bên kia đưa ra.
Một bên tranh chấp cũng có thể yêu cầu bên kia đưa ra chứng cứ miễn là nó được xác định có độ chính xác một cách hợp lý hoặc cũng có thể đề nghị Tòa yêu cầu bên kia đưa ra các chứng cứ đó, trong trường hợp này việc có đưa ra một yêu cầu đó hay không là thuộc thẩm quyền của Tòa và bên được yêu cầu cũng có quyền từ chối.
Trong việc đệ trình các chứng cứ, việc yêu cầu các bên tranh chấp đưa ra các chứng cứ gốc không phải là bắt buộc, nhìn chung vấn đề này được áp dụng trên cơ sở nguyên tắc “chứng cứ tốt nhất” (best evidence rule).Tuy nhiên, các bên vẫn có thể yêu cầu tính xác thực của văn bản chứng cứ,do đó bên đưa ra phải chứng minh sự xác thực của nó bằng bất kỳ chứng cứ nào thích hợp. Phương pháp xác định độ xác thực sẽ được Tòa quyếtđịnhtùy thuộc vào từng loại văn bản chứng cứ và hoàn cảnh cụ thể.
Điều quan trọng là các chứng cứ mà các bên đưa ra nhằm phục vụ cho lập luận của mình cần phải được đưa ra trước khi kết thúc thủ tục viết (written proceedings)vàtrước khi tiến hành thủ tục tranh tụng(oral proceedings). Tuy nhiên, các chứng cứ và tài liệu có thể được đưa ra trong quá trình tranh tụng và trong trường hợp đặc biệt có thể đưa ra sau khi kết thúc giai đoạn tranh tụng. Nhìn chung chứng cứ mà một bên đưa ra sau khi kết thúc thủ tục viết sẽ không được Tòa chấp nhận,trừ khi chúng được sự đồng ý của bên tranh chấp kia. Trong trường hợp không có sự đồng thuận, Tòa vẫn có thẩm quyền chấp nhận chúng, nếu như Tòa xem những chứng cứ đó là cần thiết (Điều 56 Quy tắc Tố tụng của ICJ). Như vậy, nếu những chứng cứ được đưa ra sau khi kết thúc thời hạn của thủ tục viết sẽ được coi là không được chấp nhận. Thêm vào đó, Tòa có thể sử dụng những chứng cứ từ các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, nếu những đàm phán này thất bại, những chứng cứ đó cũng không được chấp nhận. Chẳng hạn, trong vụ Chorzow Factory Case,[19] các tính toán vềbồi thường trong cuộc đàm phán giữa hai nước trước đó đã không được ICJ sử dụng.
3. Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Để có thể đưa ra các lập luận có tính thuyết phục cao bảo vệ yêu sách chủ quyền, Việt Nam cần nắm vững quy trình tố tụng của Tòa Trọng tài và cần lưu ý rằng các cơ quan tài phán quốc tế trước tiên sẽ xem xét và đánh giá những chứng cứ có tính pháp lý hoặc lịch sử – pháp lý. Để chuẩn bị và đệ trình hồ sơ khởi kiện, các chứng cứ cần được phân loại, hệ thống căn cứ theo các tiêu chí về: (i) pháp lý, (ii) lịch sử – pháp lý, và (iii) lịch sử và những bằng chứng khác. Trong đó, những chứng cứ “pháp lý” là những tài liệu, văn bản, vật chứng… chứng minh cho một luận điểm pháp lý, thông thường là những bằng chứng có tính chất chính thức, hay tính chất nhà nước, chẳng hạn như các luật, quyết định, tuyên bố, sắc lệnh, thông cáo… Đây là những chứng cứ có giá trị cao nhất. Những chứng cứ “lịch sử – pháp lý” là những bằng chứng về bản chất là những tài liệu lịch sử nhưng đồng thời cũng có giá trị minh chứng về mặt pháp lý, phục vụ cho các luận điểm mà bên tranh chấp dựa vào đó trong hồ sơ của mình. Những bằng chứng còn lại là những bằng chứng thuần túy lịch sử, chúng thường có giá trị lịch sử hơn là phục vụ cho một lập luận pháp lý cụ thể và thường là những chứng cứ có tính chất cá nhân, ví dụ như các cuốn nhật ký, hồi ký, các kỷ vật…
Một số những bằng chứng có tính pháp lý rõ ràng mà Việt Nam nên tập trung khai thác vì đây sẽ là chứng cứ có giá trị nhất, có thể kể đến là:
– Các sắc lệnh do các triều đại phong kiến Việt Nam đã ban hành nhằm thể hiện sự công nhận chủ quyền và sự cai quản đối với lãnh thổ. Đây là những chứng cứ có giá trị cao nhất, đặc biệt là những sắc lệnh về sáp nhập các quần đảo vào quản lý hành chính của các nhà nước phong kiến Việt Nam, ví dụ như các Sắc lệnh của Chúa Nguyễn thành lập các Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải, của vua Gia Long, Minh Mạng về việc chiếm hữu, cắm cờ, bia chủ quyền vào các năm 1816 và 1853…
– Các tài liệu thể hiện hành động chủ quyền nhà nước đối với hai quần đảo của chính quyền thực dân Pháp. Đây lànhững văn bản chính thức do Pháp ban hànhsau khi hoàn tất việc xâm chiếm thuộc địa đối với Việt Nam bắt đầu từ sau Hiệp ước Paternotre với Nhà Nguyễn. Những bằng chứng có thể kể đến là lệnh của Toàn quyền Pháp về xây dựng đèn biển tại Hoàng Sa năm 1899.[1] Ngoài ra, có thể kể đến Tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ của Pháp năm 1925vàcác văn kiện khác tuyên bố quyền quản lý của nước này đối với hai quần đảo kể từ năm 1930 đến 1939; đáng chú ý làCông hàm vào năm 1931 phản đối Trung Quốc đến sứ quán nước này tại Paris về việc đã đồng ý với một hợp đồng nhượng quyền đối với Hoàng Sa và đề xuất đưa vụ kiện ra trước cơ quan tài phán quốc tế. Đây là những văn kiện có tính pháp lý khẳng định sự tuyên bố quản lý và thực thi trên cơ sở nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong thời kỳ thuộc địa.[2]
– Các văn bản thể hiện sự quản lý nhà nước của Pháp đối với hai quần đảo, bao gồm sự từ chối của chính quyền Pháp trước đề nghị khai thác quần đảo Hoàng Sa của công ty Nhật Bản Mitsui Busan năm 1920; Tuyên bố của Toàn quyền Đông Dương về việc coi Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp năm 1930; Sắc lệnh sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên năm 1932 và Trường Sa với tỉnh Bà Rịa năm 1933; thể hiện sự chuyển giao lại chủ quyền cho Việt Nam mà đại diện là chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), như Sắc luật giao Nam Kỳ cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Tổng thống Pháp Vincent Auriol năm 1951.
– Các văn bản thể hiện sự tiếp quản, quản lý và bảo vệ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ví dụ tuyên bố của Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo vào năm 1956; Sắc lệnh sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam năm 1961 và quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy năm 1973; các lệnh điều động về việc đưa quân đội quản lý như các điều động quân nhân ra thay quân trấn giữ ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1969; Phiếu trình của Bộ Nội vụ gửi Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa về việc sáp nhập các đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào đơn vị hành chính nội địa (ngày 25/1/1973)…[3]
– Các tuyên bố chính thức trên phương diện quốc tế của đại diện chính quyền VNCH sẽ là những bằng chứng pháp lý xác đáng như Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong Hội nghị ký Hòa ước tại San Francisco trước 51 đại biểu tham dự hội nghị;[4] Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng hòaTrần Văn Lắm khẳng định hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 13 tháng 7 năm 1971 tại Hội nghị ASPEC (Conseil de l’Asie et du Pacifique)tại Manila; Tuyên bố khẳng định hai quần đảo là lãnh thổ của Việt Nam của Phái đoàn Việt Nam Cộng hòangày 30 tháng 3 năm 1974 tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng kinh tế Liên hợp quốc về Châu Á và Viễn Đông (ECAPE) tại Colombo (Sri Lanka); việc tố cáo hành vi xâm chiếm của Trung Quốc tại kỳ họp thứ 2 của Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển (UNCLOS III) tại Caracas (20/6/1974-29/8/1974) của chính quyền VNCH.
– Các tuyên bố chính thức của nhà nước Việt Nam sau ngày thống nhất năm 1975 là những bằng chứng pháp lý quan trọng khẳng định sự tiếp nối về chủ quyền, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của nhà nước và hành động công khai, chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Có thể kể đến là Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN ngày 12/5/1977; Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982; Luật biên giới quốc gia năm 2003; khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam khi Quốc hội phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 ngày 23/06/1994; các phản đối trước những hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục từ sau năm 1975 đến nay.
– Các bản đồ đặc biệt là các bản đồ chính thức do nhà nước ban hành của Việt Namtrong đó thể hiện vị trí, tên gọi và chủ quyền nhà nước đối với hai quần đảo. Những bản đồ loại này có thể sử dụng như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư năm 1686, trong Hồng Đức Bản Đồ, Toàn Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn năm 1776 trong đó có sự mô tả cụ thể vị trí địa lý, khoảng cách của địa danh Bãi Cát vàng (Hoàng Sa) hoặc ghi rõ về những hoạt động chủ quyền tại đây như việc thành lập các Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải thời chúa Nguyễn hay Đại Nam nhất thống toàn đồ đời Minh Mạng (1820 – 1841).
– Các bản đồ chính thức do nhà nước Trung Quốc ban hành, đặc biệt là trước thời điểm nảy sinh đòi hỏi về lãnh thổ của nước này, trong đó chúng đã không đề cập hoặc không thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc, ví dụ như Hoàng Triều nhất thống dư địa tổng đồ ban hành năm 1894 trong đó đều xác định cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và không nhắc đến địa danh Xisha qundao (quần đảo Hoàng Sa). Việc sử dụng chính những bản đồ chính thức của nhà nước Trung Quốc là cơ sở để phản bác lập luận về chủ quyền của Trung Quốc.[5] Đây là những cơ sở phục vụ cho lập luận về sự chiếm hữu hòa bình, không có tranh chấp của Việt Nam đối với hai quần đảo, đồng thời cho thấy các bằng chứng có tính pháp lý là các bản đồ mà Trung Quốc đã ban hành trước đây trong đó không thể hiện hai quần đảo này là lãnh thổ Trung Quốc, chúng có giá trị khẳng định sự chính thức không liên quan của nước này đến việc đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bên cạnh các bằng chứng có tính pháp lý hoặc lịch sử – pháp lý, các tài liệu lịch sử khác như cách sách, ghi chép… của các tác giả trong và ngoài nước cũng có thể được sử dụng nhằm cung cấp các bằng chứng khẳng định chủ quyền. Có thể kể đến là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776; Sách Đại nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ thời Gia Long; Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư năm 1686, trong Hồng Đức Bản Đồ, Toàn Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn năm 1776 trong đó có sự mô tả cụ thể vị trí địa lý, khoảng cách của địa danh Bãi Cát vàng (Hoàng Sa) hoặc ghi rõ về những hoạt động chủ quyền tại đây như việc thành lập các Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải thời chúa Nguyễn.[6] Việt Nam cũng có thể dựa vào chính những tài liệu cổ của phía Trung Quốc như sách “Hải ngoại kỷ sự” của nhà sư Thích Đại Sán thế kỷ XVIII hoặc các tài liệu ghi chép của các tác giả phương Tây…
Ngoài ra, trong trường hợp Việt Nam đưa vụ kiện ra trước Tòa Trọng tài Thường trực theo Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982, các bằng chứng nên phục vụ cho việc chứng minh vi phạm của Trung Quốc trong việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982 thay vì phục vụ cho yêu sách chủ quyền. Cụ thể, đó là các bằng chứng về việc xác lập đường cơ sở của Trung Quốc, bản đồ xác định vị trí của các đảo, đá, bãi cạn…, các bản đồ thể hiện vị trí của các vụ vi phạm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ trước đến này và mới đây là giàn khoan HD 981; các bằng chứng cho thấy hành vi cản trở hoạt động chấp pháp của các lực lượng chức năng của Việt Nam cũng như hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam trên biển Đông.
4. Kết luận
Đối với Việt Nam, việc chuẩn bị các phương án, trong đó có vấn đề khởi kiện trước cơ quan tài phán quốc tế là một khả năng mà Việt Nam cần tính tới trong tương lai. Để có thể chuẩn bị tốt nhất hồ sơ khởi kiện cũng như quá trình tranh tụng, chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu những vấn đề kỹ thuật, cụ thể là nghiên cứu kinh nghiệm của việc xác định và đệ trình các bằng chứng từ những án lệ của các cơ quan tài phán quốc tế mà chủ yếu là Tòa án Công lý của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung vào những bằng chứng có tính pháp lý do nhà nước ban hành trong khi những bằng chứng lịch sử – pháp lý khác cũng cần được lưu tâm.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, P. Trưởng Bộ môn Anh văn Pháp lý, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] George M. von Mehren and Claudia T. Salomon. ‘Submitting Evidence in an International Arbitration: The Common Lawyer’s Guide’, Journal of International Arbitration, Volume 20 (3) 2003, tr. 285.
[2] Quy tắc này được Tòa Thường trực ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 17/12/2012 là một Quy tắc có tính chọn lựa (optional).
[3] Vấn đề này cũng được quy định tại Quy tắc Tố tụng chọn lựa của Tòa Trọng tài về giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia. Permanent Court of Arbitration Optional Rules for Arbitrating Disputes between Two States, PCA Website <http://www.pca-cpa.org/showfile.asp?fil_id=195>.
[4] Bin Cheng, General Principles of Law Applied by International Courts and Tribunals,Cambridge, 2006.
[5] Shufeldt Claim(United States v. Guatemala) 1932.
[6] The Oscar Chinn Case(Britain v. Belgium) [1937] , PCIJ (Ser. A/B) No. 70.
[7] Điềuđóxuất phát từ triết lý về tố tụng trong hệ thống thông luật rằng Tòa nên lắng nghe và xem xét mọi thứ mà các bên phải trình bày về vụ kiện của mình. Quyđịnh này vốn dĩ đã được trọng tài viên Max Huber đề cập trong vụ kiện Las Palmas năm 1925, theo đó ông cho rằng “các bên có thể đưa ra bất kỳ chứng cứ nào mà họ cho là hữu dụng, và Tòa sẽ hoàn toàn tự do trong việc xem các chứng cứ ấy là thích hợp”.
[8] Theo đó, Tòa có đầy đủ kiến thức về luật và Tòa có khả năng quyết định những vấn đề pháp lý bằng việc áp dụng luật mà không được đưa ra bởi bất kỳ bên tranh chấp nào.
[9] George C. Economou, ‘Admissibility and Presentation of Evidence in International Commercial Arbitration’ <http://www.cyprusarbitration.com.cy/userfiles/files/Seminars/Nov2012/AdmissibilityAndPresentationOfEvidence_Nov2012.pdf>.
[10] Military and Paramilitary Activities in and Against Nicaragua(Nicaragua v. United States), ICJ 1984.
[11] Chẳng hạn như theo hệ thống thông luật, Tòa thường áp dụng tiêu chuẩn về sự cân bằng của các khả năng (balance of probabilities),trong khi hệ thống luật Châu Âu lục địa áp dụng tiêu chuẩn về sự chấp nhận của thẩm phán (“l’intime conviction du juge).
[12] George M. von Mehren and Claudia T. Salomon.tlđd, tr. 291.
[13] ICJ, Application of the Genocide Convention2007.
[14] George C. Economou, tlđd.
[15] Đây làtrường hợp của việc xem xétđến sự cómặt của các chuyên gia như vụ Gabčíkovo-Nagymaros Project(Hungary/Slovakia); Elettronica Sicula Spa(ELSI) hay Pulp Mills…của Tòa ICJ.
[16] Frontier Dispute (Burkina Faso/Mali) (1986) ICJ Reports, p. 554, 582; Cameroon v. Nigeria, para. 101.
[17] Frontier Dispute[Burkina Faso v. Mali] ICJ Reports 1986, p.586, para. 54
[18] Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge(Malaysia/Singapore), 2008.
[19] Factory at Chorzów (Germany v. Poland) PCIJ Reports 1927.
[20] Trong một số án lệ về tranh chấp lãnh thổ của mình, Tòa ICJ đã cho rằng việc xây dựng các đèn biển là có sự liên hệ pháp lý nhằm khẳng định bằng chứng về sự chiếm hữu thực sự Vụ Minquiers và Eucrehos năm 1953; Maritime Delimitation and Territorial Questions (Qatar v Bahrain)2001; Pulau Ligitan and Pulau Sipadan năm 2002.
[21] Điều này cũng đã được khẳng định trong các vụ việc được phân xử bởi Tòa ICJ, chẳng hạn như vụ tranh chấp giữa El Salvador và Honduras năm 1992.
[22] Tuần Việt Nam, ‘Chủ quyền Hoàng Sa của VN chưa bao giờ đứt đoạn’ (2014).
[23] Trong đó nhấn mạnh “…vì cần phải thành thực lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Nguyễn Quốc Thắng, Hoàng Sa – Trường Sa, Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 155.
[24] Trong vụPedra Branca/Pulau Batu Puteh Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge(Malaysia/Singapore) năm 2008. Tòa ICJ đã cho rằng những tấm bản đồ mà các bên đưa rađã thể hiện sự khẳng định của Malaysia rằng Pedra Branca/ Pulau Batu Puteh thuộc về chủ quyền của Singapore.
[25] Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, luận án Tiến sĩ lịch sử, Trường Đại học KHXHNV, 2002.
- Tác giả: Trần Thăng Long*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(96)/2016 – 2016, Trang 52-60
Nguồn: Fanpage Luật sư Online