Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam
TÓM TẮT
Việt Nam đã ban hành Nghị định 10/2010/NĐ-CP thiết lập cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Công ty thông tin tín dụng với chức năng cung cấp thông tin tín dụng như một sản phẩm dịch vụ. Bài viết phân tích các quy định pháp luật về quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng dưới ba góc độ: quyền tìm kiếm, quyền tiếp nhận, quyền phổ biến thông tin tín dụng và các giới hạn của quyền này trong mối tương quan về quyền lợi của các chủ thể khác.
Xem thêm:
- Nguyên tắc độc lập của thư tín dụng: một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cá nhân khi ký kết hợp đồng tín dụng ngân hàng – ThS. Trần Thị Diệu Hà
- Một số kiến nghị sửa đổi quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng – ThS. Lê Thị Ngân Hà
- Xử lý tài sản thế chấp bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng – ThS. Lê Minh Thành
TỪ KHÓA: Quyền tiếp cận thông tin, Thông tin tín dụng, Công ty thông tin tín dụng, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Đặt vấn đề
Thông tin tín dụng được xem là nguồn dữ liệu quan trọng, được sử dụng để quản lý nhà nước, thực hiện hoạt động tư pháp, thẩm định khoản vay đối với khách hàng của các tổ chức tài chính trung gian và là một trong những cơ sở để đánh giá tín nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Các hoạt động gắn liền với việc tiếp cận thông tin tín dụng đều hướng đến hạn chế, ngăn ngừa hành vi vi phạm, xử lý rủi ro cho hoạt động tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tất cả những hoạt động này đều đòi hỏi phải tiếp cận được thông tin tín dụng một cách chính xác, minh bạch. Tuy nhiên, thông tin tín dụng chứa đựng các nội dung nhạy cảm có thể làm sai lệch các hoạt động liên quan, xa hơn là gây ra tác hại đến các quan hệ xã hội. Do đó, việc xác định mức độ tiếp cận thông tin tín dụng cần phải bảo đảm độ an toàn, trung thực của thông tin được tiếp cận. Việc tiếp cận thông tin tín dụng vì thế phải có cơ chế để bảo đảm thực hiện, phù hợp với tính chuyên biệt của loại thông tin này.
Nhận thức được tầm quan trọng của thông tin tín dụng, các quốc gia cho phép hình thành nên các thực thể pháp lý cung cấp thông tin tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đó là Công ty thông tin tín dụng (Credit Information Company) và/hoặc Trung tâm thông tin tín dụng trực thuộc Ngân hàng nhà nước (hay Ngân hàng trung ương). Để có thể thực hiện chức năng cung cấp thông tin tín dụng, chức năng kinh doanh chính của Công ty thông tin tín dụng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện, trước hết chính Công ty thông tin tín dụng phải có quyền tiếp cận thông tin tín dụng – là cơ sở để cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng và các dịch vụ khác liên quan theo nhu cầu của các chủ thể trong xã hội hoặc do luật định. Quyền tiếp cận thông tin tín dụng được thể hiện ở ba góc độ: quyền tìm kiếm, quyền tiếp nhận và quyền phổ biến thông tin. Như vậy, một khi nhà nước đã cho phép hình thành thực thể pháp lý thực hiện hoạt động cung cấp thông tin tín dụng thì phải đảm bảo cho thực thể đó có các quyền năng cụ thể này.
Ở Việt Nam, cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động của công ty thông tin tín dụng là Nghị định số 10/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2010 quy định về hoạt động thông tin tín dụng và Thông tư số 16/2010/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 10/2010/NĐ-CP. Tháng 5/2011 Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam là công ty thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng; đây cũng là công ty thông tin tín dụng tư nhân duy nhất ở Việt Nam tính đến nay.
2. Thông tin tín dụng và công ty thông tin tín dụng theo pháp luật Việt Nam
2.1. Thông tin tín dụng
Theo định nghĩa tại Từ điển Cambridge Business Online, thì thuật ngữ thông tin tín dụng (credit information) được hiểu là các thông tin về khả năng trả nợ của cá nhân hoặc công ty, được thẩm định bởi các ngân hàng trước khi quyết định cấp tín dụng.[1]
Theo pháp luật Ấn Độ, thì thuật ngữ thông tin tín dụng được xác định bằng cách liệt kê, theo đó thông tin tín dụng là những thông tin liên quan đến:
– Giá trị và nội dung của các khoản vay, khoản ứng trước, số dư nợ thẻ tín dụng và các phương tiện thanh toán khác cấp hoặc được cấp bởi các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay;
– Nội dung của khoản bảo đảm mà tổ chức tín dụng nhận hoặc được nhận từ bất kỳ khách hàng vay nào cho khoản tín dụng được cấp cho khách hàng vay;
– Các khoản đảm bảo đã hoàn thành hoặc các khoản thanh toán không bằng tiền mặt do tổ chức tín dụng cung cấp hoặc được cung cấp cho khách hàng vay;
– Các khoản nợ không thể thanh toán của khách hàng vay với tổ chức tín dụng;
– Các vấn đề khác mà ngân hàng Trung ương có thể xem xét nếu cần thiết để đi đến kết luận về thông tin tín dụng mà được các công ty thông tin tín dụng thu thập và lưu trữ, và đặc biệt là các thông tin được công bố.[2]
Trong Luật về thông tin tín dụng của Mông Cổ, thì thuật ngữ thông tin tín dụng không được định nghĩa trực tiếp mà được đề cập gián tiếp thông qua thuật ngữ “Lịch sử tín dụng”(Credit history), theo đó, lịch sử tín dụng là các thông tin tín dụng có giá trị được thu thập liên quan đến tín dụng của các tổ chức hoặc cá nhân, đặc biệt là các trường hợp liên quan đến việc hoàn thành hoặc không hoàn thành các nghĩa vụ của người được cấp tín dụng.[3]
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì thông tin tín dụng là những thông tin về khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng và các thông tin khác liên quan đến khách hàng trong quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, tổ chức khác hoạt động ngân hàng.[4]
Thông tin tín dụng được thể hiện dưới dạng thức là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện và tin tức liên quan của khách hàng vay tại tổ chức cấp tín dụng.
Như vậy, dù được định nghĩa dưới dạng thức khái quát hay liệt kê, thì thông tin tín dụng là toàn bộ các thông tin trực tiếp hoặc có liên quan về quan hệ tín dụng của khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng và tổ chức có hoạt động ngân hàng.
Thông tin tín dụng, trước hết, là thông tin “tư” thuộc về từng cá thể là tổ chức hoặc cá nhân có tham gia quan hệ tín dụng hoặc các quan hệ khác mang tính chất tín dụng. Thông tin này trước hết thuộc quyền sở hữu của các chủ thể thiết lập quan hệ tín dụng, chịu sự ràng buộc bởi các thỏa thuận bảo mật thông tin giữa các chủ thể tham gia. Chính vì vậy, thông tin tín dụng đòi hỏi phải được bảo mật vì quyền lợi “tư” của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thông tin. Tuy nhiên, tình trạng thông tin không minh bạch hoặc bảo mật hoàn toàn thông tin tín dụng sẽ làm cho hệ thống tín dụng mất an toàn và rộng hơn là Nhà nước sẽ mất kiểm soát tình hình tài chính, tiền tệ của một quốc gia. Vì lẽ đó, Nhà nước hình thành cơ chế pháp lý để xác lập các thông tin tín dụng nhằm biến nó thành thông tin “công”; biểu hiện qua quá trình thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin này. Thông tin tín dụng là một bộ phận của thông tin công trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nhưng khác với các loại thông tin khác trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ngay từ khi hình thành đã là thông tin công như chủ trương, chính sách, pháp luật về tài chính, tiền tệ. Thông tin tín dụng theo nghĩa hẹp này phải qua quá trình điều chỉnh thành thông tin “công”. Bằng quá trình điều chỉnh pháp luật, sau khi trở thành thông tin công, các thông tin tín dụng ấy có thể được tiếp cận bởi nhiều chủ thể khác ngoài các chủ thể tham gia quan hệ tín dụng trong tương quan giữa bảo vệ quyền riêng tư của chủ thể tham gia quan hệ tín dụng và lợi ích của xã hội.
2.2. Công ty thông tin tín dụng
Trong xu hướng minh bạch hóa thông tin và lành mạnh hóa nền kinh tế, các quốc gia cũng tiến hành thiết lập cơ chế pháp lý để hình thành các tổ chức cung cấp thông tin tín dụng. Chẳng hạn, năm 2008, Philipinnes đã ban hành Luật về thông tin tín dụng số 9510 nhằm mục đích thiết lập cơ sở pháp lý để tiến hành tập hợp thông tin tín dụng từ các tổ chức tài chính cho việc kiểm tra khả năng thanh toán các khoản tín dụng; thành lập công ty thông tin tín dụng trung ương là chủ thể thu thập dữ liệu từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các đơn vị thành viên, công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty phát hành thẻ, tổ chức cấp tín dụng của chính phủ cũng như các tổ chức cung cấp phương tiện tín dụng khác. Công ty này có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu về tín dụng cho các tổ chức tín dụng, các thực thể liên quan và những dịch vụ thông tin khác liên quan. Tương tự như vậy, loại hình công ty này cũng được hình thành và công nhận ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước thuộc Cộng hòa Liên bang Nga… Quy định về vấn đề này thường có một điểm chung, đó là đều xác định công ty thông tin tín dụng là một loại hình công ty thành lập theo quy định của Luật Công ty mà được cấp thêm giấy đăng ký hoạt động thông tin tín dụng bởi Ngân hàng trung ương.[5]
Theo pháp luật Việt Nam, Công ty thông tin tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, thực hiện hoạt động thông tin tín dụng bao gồm: thu thập, xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng và cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng.[6]
Mục đích của hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng là để chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng và phát triển hoạt động tín dụng; hỗ trợ khách hàng vay trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các tổ chức cấp tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.[7] Như vậy, thông qua tổ chức được Nhà nước thừa nhận, một phần nội dung của thông tin về tiền tệ, ngân hàng là thông tin tín dụng được chuyển tới các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong khuôn khổ luật định nhằm đảm cho việc tiếp cận thông tin tín dụng phục vụ cho quá trình thực hiện các hoạt động hoặc các giao dịch liện quan.
Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng theo pháp luật Việt Nam, tổ chức phải thỏa mãn điều kiện: (1) Đủ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; (2) Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỉ đồng; (3) Có đội ngũ quản lý là người có trình độ chuyên môn về tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin; (4) Có phương án kinh doanh khả thi và không được kinh doanh ngành nghề nào khác ngoài nội dung hoạt động thông tin tín dụng; (5) Có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các ngân hàng này không cam kết với công ty thông tin tín dụng khác; (6) Có văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa Công ty thông tin tín dụng với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết.[8]
Tên gọi của doanh nghiệp được phép thực hiện hoạt động thông tin tín dụng phải thể hiện nội dung “công ty thông tin tín dụng”. Nếu một doanh nghiệp hình thành trước khi đăng ký hoạt động thông tin tín dụng, thì có thể phải làm thủ tục điều chỉnh tên gọi nếu tên gọi hiện hữu không thể hiện nội dung này.[9] Ngành nghề kinh doanh hoạt động thông tin tín dụng có thể được bổ sung (sub-registration) hoặc hình thành mới khi thành lập. Tuy vậy, dù có thể bổ sung sau khi thành lập, nhưng để tránh xung đột về lợi ích từ việc nắm giữ thông tin tín dụng, các ngành nghề khác mà công ty thông tin tín dụng được thực hiện (nếu có) cũng không thể khác biệt hoặc vượt ra khỏi nội dung hoạt động thông tin tín dụng.
Các điều kiện để hoạt động thông tin tín dụng phải được duy trì suốt thời gian hoạt động của công ty thông tin tín dụng. Bất kỳ điều kiện nào không được đảm bảo sẽ là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc tạm thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng. Công ty thông tin tín dụng cũng có thể bị thu hồi hoặc tạm thu hồi giấy chứng nhận hoạt động thông tin tín dụng trong trường hợp thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng hay không có bất kỳ hoạt động thông tin tín dụng nào trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Công ty thông tin tín dụng phải tiến hành thủ tục giải thể trong vòng 6 tháng kể từ khi Ngân hàng nhà nước ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng vĩnh viễn.[10] Thông tin tín dụng lưu trữ tại công ty thông tin tín dụng được xem là tài sản, nhưng là loại tài sản đặc biệt không thể trở thành sở hữu riêng của chủ sở hữu công ty khi xử lý tài sản giải thể. Do đó, khi giải thể, tài sản này phải được chuyển tiếp hoặc tiêu hủy khi giải thể công ty, bằng cách: (1) chuyển nhượng cho Công ty thông tin tín dụng khác nhưng phải được sự đồng ý của các tổ chức cấp tín dụng đã cung cấp thông tin tín dụng; (2) nếu không chuyển nhượng, công ty thông tin tín dụng có thể chuyển giao cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam hoặc tự tổ chức tiêu hủy dưới sự giám sát của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.[11]
Như vậy, để tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin tín dụng cho các chủ thể trong xã hội, nhà nước đã cho phép công ty thông tin tín dụng được hình thành và cung cấp thông tin tín dụng dưới dạng thức là một sản phẩm thông tin về tín dụng. Các tổ chức, cá nhân trong phạm vi luật định phù hợp với giới hạn giữa quyền năng công cộng và quyền riêng tư có thể tiếp cận thông tin này bằng phương thức trả phí để có được các thông tin cần thiết theo luật định. Do đó, với tư cách chủ thể có quyền tiếp cận thông tin tín dụng, bản thân công ty thông tin tín dụng cũng phải được trao quyền năng này một cách đầy đủ nhất.
3. Thực hiện quyền tiếp cận thông tin tín dụng của Công ty thông tin tín dụng theo pháp luật Việt Nam
3.1. Quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin
Quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin của các tổ chức, cá nhân nói chung và của công ty thông tin tín dụng nói riêng được công nhận một cách gián tiếp thông qua các quy định về nhiệm vụ thông tin của Ngân hàng nhà nước. Theo đó, Ngân hàng nhà nước có nhiệm vụ: (1) Tổ chức thu nhận, sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin phù hợp với quy định của pháp luật; (2) Tổ chức, giám sát việc cung cấp thông tin tín dụng của khách hàng có quan hệ với tổ chức tín dụng; (3) Hướng dẫn việc cung cấp thông tin và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, để xác định giới hạn tiếp cận thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các chủ thể trong xã hội, tránh tình trạng lạm dụng thông tin, gây rối loại đời sống xã hội, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm: (1) lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; bảo vệ bí mật của Ngân hàng Nhà nước và của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; (2) được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin mật về tiền tệ và ngân hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (3) cán bộ, công chức Ngân hàng nhà nước phải giữ bí mật thông tin hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng nhà nước, của các tổ chức tín dụng và bí mật tiền gửi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ này có ý nghĩa trong việc xác lập hệ thống dữ liệu thông tin tín dụng từ các nguồn “tư” thành hệ thống tổng thể mang tính chất là tài sản “công”. Mặt khác, Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm công bố theo thẩm quyền các thông tin: (a) chủ trương, chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; (b) quyết định điều hành của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về tiền tệ và ngân hàng; (c) tình hình diễn biến tiền tệ và ngân hàng; (d) thông báo liên quan đến việc thành lập, mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản hoặc giải thể tổ chức tín dụng; (e) kết quả tài chính và hoạt động của Ngân hàng nhà nước. Việc công bố những nội dung thông tin này cho phép các tổ chức, cá nhân và công ty thông tin tín dụng nói riêng có thể thực hiện việc tìm kiếm và tiếp nhận thông tin liên quan đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng bao gồm cả thông tin tín dụng.[12]
Việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức và cung cấp thông tin của Ngân hàng nhà nước với tư cách cơ quan đại diện Nhà nước quản lý lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được tiến hành thông qua Trung tâm tín dụng thuộc Ngân hàng nhà nước – một đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng nhà nước thực hiện nhiệm vụ này.
Quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin tín dụng của Công ty thông tin tín dụng được ghi nhận là quyền trực tiếp thông qua việc giao kết hợp đồng với các tổ chức và cá nhân để thu thập và tiếp nhận thông tin tín dụng.
Công ty thông tin tín dụng được thu thập thông tin tín dụng trong giới hạn gồm 5 nhóm thông tin, bao gồm:
a) Thông tin định danh của khách hàng vay và những người có quan hệ với khách hàng vay (nếu có), gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con;
b) Thông tin về lịch sử cấp tín dụng, thuê tài sản, mua hàng trả góp, trả chậm và các giao dịch khác có điều kiện về lãi suất, thời hạn phải trả, tiền thuê;
c) Thông tin về lịch sử trả nợ, số tiền đã đến hạn hoặc chưa đến hạn, thời hạn phải trả, hạn mức tín dụng của khách hàng vay;
d) Thông tin về bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay;
đ) Các thông tin khác liên quan nhưng phải bảo đảm không vi phạm quyền của khách hàng vay, không bao gồm những thông tin về tài khoản tiền gửi và thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
3.1.1. Tìm kiếm và tiếp nhận thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng
Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) là đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện các dịch vụ thông tin ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật.[13]
CIC là đầu mối quản lý, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hoạt động thông tin tín dụng theo thẩm quyền; xây dựng và hướng dẫn hệ thống mã số, chỉ tiêu thông tin, mẫu file điện tử và các chuẩn chung liên quan đến hoạt động thông tin tín dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin tín dụng; thu nhận, xử lý thông tin tín dụng và tổ chức, xây dựng, quản lý kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia; cung cấp thông tin tín dụng cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước theo quy định; cung cấp các dịch vụ thông tin tín dụng cho các đối tượng luật định.
Từ đó, CIC nhân danh Ngân hàng nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức tham gia hoạt động thông tin tín dụng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các chỉ tiêu báo cáo thông tin tín dụng theo quy định; chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng trong việc thực hiện hoạt động thông tin tín dụng; kiểm tra việc báo cáo và chất lượng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng; được từ chối cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng đối với những đối tượng không chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Các thông tin tín dụng được xử lý tại CIC thông qua việc kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo tính tin cậy của thông tin đầu vào và phân tích, tổng hợp thông tin, bao gồm cả việc phân tích xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, cho điểm tín dụng đối với cá nhân tiêu dùng, để tạo lập các sản phẩm thông tin tín dụng. CIC cung cấp các sản phẩm thông tin tín dụng và được thu tiền dịch vụ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng.
Như vậy, công ty thông tin tín dụng có nhu cầu khai thác sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng của CIC phải gửi yêu cầu khai thác sử dụng thông tin tín dụng đến CIC và phải tuân thủ các quy định về sử dụng thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật. Ở khía cạnh pháp lý, trong trường hợp này, công ty thông tin tín dụng thực hiện quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin thông tin tín dụng đã được “công hóa” của CIC bằng cách mua dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng của CIC.
3.1.2. Tìm kiếm và tiếp nhận thông tin từ tổ chức cấp tín dụng
Để bảo đảm tính chính xác của thông tin tín dụng và cơ sở kiểm chứng, thông tin tín dụng sẽ được cung cấp bởi các tổ chức cấp tín dụng, từ thực tế hoạt động của các tổ chức này. Trên cơ sở hợp đồng đã giao kết, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho công ty thông tin tín dụng. Việc cung cấp thông tin như vậy của tổ chức cấp tín dụng phải được thông báo cho khách hàng vay biết về việc ký kết hợp đồng với Công ty thông tin tín dụng và những nội dung thông tin cung cấp. Do vậy, các quy định pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng không quy định về thu thập và tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân thông thường. Điều này không bắt buộc phải hiểu rằng họ không được quyền thu thập thông tin từ nguồn này, tuy nhiên các thông tin từ nguồn như vậy hoàn toàn mang tính chất thông tin “tư” nên giá trị pháp lý của nó không được bảo đảm, cũng như chưa được chuyển hoá thành thông tin “công” nên không đảm bảo cho việc tạo lập nên các sản phẩm thông tin tín dụng có giá trị.3.2. Quyền phổ biến thông tin tín dụng
Với tư cách là một chủ thể kinh doanh, chịu sự quản lý nhà nước về hoạt động thông tin tín dụng, Công ty thông tin tín dụng có quyền phổ biến thông tin tín dụng thông qua các sản phẩm thông tin tín dụng, như Báo cáo thông tin tín dụng hoặc các sản phẩm gia tăng khác như đánh giá tín dụng, công cụ cảnh báo sớm… cho các đối tượng: (1) tổ chức cấp tín dụng có cung cấp thông tin cho Công ty thông tin tín dụng để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay, kiểm soát các khoản tín dụng, thu hồi nợ và mục đích khác được pháp luật cho phép; (2) khách hàng vay để kiểm tra thông tin về bản thân tại kho dữ liệu của Công ty thông tin tín dụng hoặc làm tài liệu bổ sung cho việc xin cấp tín dụng; (3) công ty thông tin tín dụng khác để phục vụ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; (4) cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.[14]
Vì là sản phẩm dịch vụ, nên việc thực hiện quyền này đi kèm với quyền thu phí cung cấp dịch vụ của Công ty thông tin tín dụng. Mặt khác, dù là sản phẩm dịch vụ, nhưng do đặc tính của thông tin tín dụng hình thành từ quá trình chuyển hóa thành thông tin công, nên chủ thể có quyền tiếp cận thông tin tín dụng được Công ty tín dụng cung cấp bị giới hạn để bảo đảm tính bảo mật cho thông tin tín dụng, trừ trường hợp vì mục đích công cộng.
4. Hạn chế trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin của Công ty thông tin tín dụng
4.1. Phạm vi thông tin tín dụng được tiếp cận
Để bảo đảm quyền bảo mật thông tin cá nhân, hoặc nhằm để bảo đảm trật tự công cộng, một số các quy định về giới hạn tiếp cận thông tin tín dụng cũng được hình thành. Theo đó, Công ty thông tin tín dụng không được thu thập thông tin về tài khoản tiền gửi và thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật nhà nước.
Trong trường hợp quyền thu thập thông tin hình thành từ hợp đồng với các tổ chức cấp tín dụng, thì các thông tin của khách hàng vay do các tổ chức cấp tín dụng cung cấp cho Công ty thông tin tín dụng trong giới hạn được đề cập ở trên cũng chỉ được thực hiện khi đã có sự thỏa thuận với khách hàng vay. Ngoài ra, do giới hạn quyền cung cấp thông tin của các tổ chức cấp tín dụng, nên bản thân mỗi tổ chức cấp tín dụng chỉ được cam kết cung cấp thông tin tín dụng cho một công ty thông tin tín dụng. Hiện nay, theo thống kê đến tháng 6/2012, Việt Nam có 48 Ngân hàng thương mại, 01 ngân hàng chính sách, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.[15] Do Công ty thông tin tín dụng phải đạt được cam kết trao đổi thông tin với ít nhất 20 ngân hàng thương mại, nên nếu không đạt được thỏa thuận với một số các ngân hàng/tổ chức cấp tín dụng hoặc do các tổ chức này đã ký thỏa thuận với Công ty thông tin tín dụng khác thì thông tin tín dụng mà Công ty thông tin tín dụng thu thập từ nguồn này sẽ bị hạn chế và sẽ không thể hiện một cách đầy đủ nhất toàn cảnh quan hệ tín dụng trên thị trường. Điều này cũng mang đến hệ quả là số lượng doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký đủ điều kiện kinh doanh thông tin tín dụng sẽ bị hạn chế.
4.2. Thời hạn sử dụng thông tin
Thông tin tín dụng về khách hàng vay được lưu giữ tối thiểu trong 05 năm kể từ ngày Công ty thông tin tín dụng tiếp nhận được. Công ty thông tin tín dụng chỉ được phép sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng vay tối đa 05 năm gần nhất để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng. Như vậy khi thực hiện quyền phổ biến thông tin thì các sản phẩm để phổ biến thông tin phải hình thành từ thông tin tín dụng trong 5 năm gần nhất. Các thông tin cũ hơn 5 năm vẫn có thể được phổ biến, nhưng không được dùng để hình thành sản phẩm thông tin tín dụng.
4.3. Phạm vi phổ biến thông tin
Với các quy định hiện hành, thông tin tín dụng mà Công ty thông tin tín dụng có được khi tạo thành sản phẩm thông tin tín dụng cũng bị giới hạn về đối tượng được phổ biến thông tin. Như vậy, mặc dù đây là hoạt động kinh doanh được phép, nhưng Công ty thông tin tín dụng không có quyền cung cấp các sản phẩm này cho mọi chủ thể. Các tổ chức, cá nhân không liên quan trong quan hệ tín dụng không là đối tượng được phổ biến các thông tin dưới dạng thức sản phẩm thông tin tín dụng mà công ty thông tin tín dụng cung cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
Đối với thông tin tín dụng được thu thập từ CIC dưới dạng thức sản phẩm thông tin tín dụng, Công ty thông tin tín dụng cũng không được quyền sử dụng sản phẩm này để cung cấp lại cho các tổ chức, cá nhân khác. Điều này được hiểu rằng, với các thông tin thu thập được từ CIC, Công ty thông tin tín dụng muốn phổ biến thì phải tạo thành một sản phẩm thông tin tín dụng mới.
5. Kết luận
Công ty thông tin tín dụng là một tổ chức chuyên kinh doanh thông tin tín dụng; qua hoạt động của tổ chức này, Nhà nước cho phép đa dạng hóa sản phẩm thông tin tín dụng cũng như các chủ thể tiếp cận thông tin này dưới dạng thức dịch vụ thông tin. Theo đó, Công ty thông tin tín dụng được Nhà nước xác lập hành lang pháp lý để thực hiện quyền tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin. Các quyền năng này khi được thiết lập phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác, bảo đảm bảo mật quyền được bảo mật đối với một số thông tin tín dụng tư và duy trì trật tự công cộng. Các thông tin tín dụng được tiếp cận ở đây đã được chuyển từ dạng thức “tư” sang dạng thức “công”, sau đó chuyển hóa thành các sản phẩm thông tin tín dụng để phổ biến cho các đối tượng giới hạn và trong một phạm vi giới hạn các thông tin được tiếp cận. Với đặc thù của mình, số lượng Công ty thông tin tín dụng sẽ rất hạn chế, việc cung cấp dịch vụ thông tin cũng sẽ khó có thể cạnh tranh với CIC. Sản phẩm thông tin tín dụng của các công ty thông tin tín dụng không dừng lại ở việc cung cấp thông tin hay số liệu thuần túy mà sản phẩm đánh giá tín nhiệm có thể sẽ là sản phẩm trọng yếu của các công ty này.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] http://dictionary.cambridge.org/dictionary/business-english/credit-information?q=credit+information (truy cập 9AM, 09/11/2012).
[2] Điểm (d) Đoạn 2 chương 1 Luật số 30/2005 của Ấn Độ điều chỉnh về Công ty thông tin tín dụng.
[3] Điểm (e) Điều 3 Luật về thông tin tín dụng Mông Cổ.
[4] Điều 3.1- Quy chế hoạt động thông tin tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 51/2007/QĐ-NHNN.
[5] Ví dụ: quy định tại điểm e khoản 2 Chương 1 Luật số 30/2005 của Ấn độ.
[6] Khoản 6 Điều 3 Nghị định 10/2010/NĐ-CP.
[7] Điều 4 Nghị định 10/2010/NĐ-CP.
[8] Điều 4 Thông tư số 16/2010/TT-NHNN.
[9] Ví dụ: Công ty Cổ Phần thông tin tín dụng Việt nam tiền thân là Công ty cổ phần đầu tư PCB, sau khi được Ngân hàng nhà nước cấp đăng ký hoạt động thông tin tín dụng thì đổi thành tên gọi này.
[10] Điều 9 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP.
[11] Điều 9 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP.
[12] Điều 37, 38 Luật Ngân hàng nhà nước 2010.
[13] Website Trung tâm thông tin tín dụng http://www.cicb.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=51&Itemid=160 (truy cập 9AM ngày 09/11/2012).
[14] Điều 14 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP.
[15] Thống kê từ số liệu công bố trên website của Ngân hàng nhà nước http://www.sbv.gov.vn/ (truy cập 10AM ngày 27/06/2013).
Tác giả: Phan Thị Thành Dương* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2013 (77)/2013 – 2013, Trang 55-61
Nguồn: Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com