• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam

Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam

20/05/2020 28/03/2021 PGS.TS. Phan Huy Hồng

Mục lục

  • 1. Đặt vấn đề
  • 2. Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế
    • Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền
    • Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
    • Các công ước khu vực về quyền con người
    • Công ước Aarhus
  • 3. Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong luật nước ngoài
  • 4. Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật Việt Nam
  • CHÚ THÍCH

Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam

Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam

Xem thêm:

  • Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng – TS. Phan Thị Thành Dương
  • Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực tài chính công – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
  • Bàn về tên gọi của “Quyền tiếp cận thông tin” trong Hiến pháp 2013 – ThS. Nguyễn Lan Hương
  • Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường – ThS. Nguyễn Hoàng Thùy Trang
  • Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế – ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
  • Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường ở Việt Nam – TS. Thái Thị Tuyết Dung

TỪ KHÓA: Quyền tiếp cận thông tin, Công pháp quốc tế, Tạp chí Khoa học pháp lý

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị[1] và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội[2] từ năm 1982[3], đánh dấu sự hội nhập quốc tế trên phương diện chính trị – pháp lý trong vấn đề bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Đây cũng là cơ sở pháp lý quốc tế cho việc hiến định các quyền cơ bản của con người, quyền công dân tại bản Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam. Về phía mình, bản Hiến pháp năm 1992 là căn cứ pháp lý cao nhất cho việc phát triển và hoàn thiện các chế định pháp lý nhằm bảo đảm hay bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam
  • Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực tài chính công
  • Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường ở Việt Nam
  • Quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011
  • Bàn về tên gọi của “Quyền tiếp cận thông tin” trong Hiến pháp 2013
  • Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế
  • Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

Riêng đối với “quyền được thông tin” hiến định[4], một dự án “Luật Tiếp cận thông tin” đã từng được đưa vào chương trình chuẩn bị của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011)[5]. Trong nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, dự án này đã từng được đẩy nhanh, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, sau đó dự án luật này được lại được đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII. Cuối năm 2011, Quốc Hội Khóa XIII một lần nữa đưa dự án “Luật Tiếp cận thông tin” vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII (2012-2015)[6]. Điều đó, một mặt cho thấy Việt Nam đang có những nỗ lực lập pháp để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin với tư cách là một quyền cơ bản của con người, nhưng mặt khác cũng cho thấy tính phức tạp của vấn đề khi cần phải cụ thể hóa cơ chế pháp lý đảm bảo sự thực thi quyền này một cách có hiệu quả. Như vậy, sẽ còn cần một khoảng thời gian nữa cho đến khi chúng ta có một đạo luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, mặc dù trong chừng mực nhất định quyền này đã được nhiều đạo luật chuyên ngành cùng điều chỉnh.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp lý về “quyền được thông tin” hay “quyền tiếp cận thông tin”, bài viết này trình bày về sự hình thành cơ sở pháp pháp luật quốc tế, về việc nội luật hóa luật quốc tế về quyền tiếp cận thông tin hay quyền tự do thông tin tại các quốc gia trên thế giới, sự thực thi “quyền được thông tin” hiến định cũng như nhu cầu ban hành Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam.

2. Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế

Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền

Trong Luật quốc tế, quyền tiếp cận thông tin được bao hàm trong quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận lần đầu tiên được ghi nhận tại Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền[7], theo đó “mọi người đều có quyền tự do quan điểm và ngôn luận; quyền này bao gồm sự tự do chính kiến mà không bị cản trở và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới (quốc gia)”[8]. Tuy nhiên, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền không phải là một nguồn luật quốc tế có tính ràng buộc[9], bởi vì theo Hiến chương Liên hợp quốc thì chỉ có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, trong khi không có quy định tương ứng về giá trị pháp lý của Nghị quyết của Đại hội đồng[10]. Bản Tuyên ngôn chứa đựng các nhận thức chung cơ bản của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết khẳng định các quyền cơ bản nhất mà mỗi người đều phải được có, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, giàu nghèo, giống nòi hay địa vị xã hội.[11] Tuyên ngôn này, vì vậy, đã đặt nền tảng chính trị cho các nỗ lực quốc tế về nhân quyền trong các thập kỷ tiếp theo.

Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Sau này, tại Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), danh mục quyền con người của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền không chỉ được tiếp nhận, mà còn được mở rộng, và hơn thế nữa trở thành nguồn luật quốc tế ràng buộc đối với các quốc gia tham gia ký kết và gia nhập[12]. Trong đó, việc thực thi ICCPR được được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee). Tại ICCPR, quyền tự do ngôn luận được chi tiết hóa thêm một bước, theo đó “mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, hay thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”[13]. Quy định này không chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận ở khía cạnh nội dung, mà còn bao hàm cả phương tiện biểu đạt. Về mặt nội dung, tự do ngôn luận được thể hiện là một quyền đa diện, bao gồm không chỉ quyền được biểu đạt hay phát tán thông tin và tư tưởng, mà còn bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin, tư tưởng.[14] Trong đó quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin là các khía cạnh của quyền tự do thông tin hay quyền tiếp cận thông tin mà về sau này ngày càng được nhìn nhận như một quyền tương đối độc lập với quyền tự do ngôn luận.

Các công ước khu vực về quyền con người

Ở bình diện khu vực, một số nhóm các quốc gia cũng đã đạt được các công ước về nhân quyền, như Công ước châu Âu về quyền con người[15] của Hội đồng châu Âu, Hiệp ước châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc[16], Công ước châu Mỹ về quyền con người[17]. Điều đáng nói là các tổ chức quốc tế khu vực này đều thiết lập được cơ chế giám sát việc thực thi các công ước này thông qua tòa án tư pháp. Đối với Công ước châu Âu về quyền con người là Tòa án châu Âu về nhân quyền (European Court of Human Rights) có trụ sở tại Luxembourg, đối với Hiệp ước châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc là Tòa án châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc (African Court on Human and Peoples’ Rights) có trụ sở tại Arusha, Tanzania, đối với Công ước châu Mỹ về quyền con người là Tòa án liên Mỹ về nhân quyền (Inter-American Court of Human Rights) có trụ sở tại San José, Costa Rica.

Trong phạm vi hiệu lực của Công ước châu Âu về quyền con người, mọi cá nhân, nhóm cá nhân hay tổ chức dân sự đều có quyền khiếu nại tới Tòa án châu Âu về nhân quyền với lý do bị nhà nước xâm phạm đến các quyền được Công ước này cũng như các nghị định thư bổ sung công nhận; các quốc gia thành viên công ước không được cản trở việc thực hiện một cách có hiệu quả quyền khiếu nại này.[18] Tuy nhiên, Tòa án này chỉ xem xét khiếu nại trong trường hợp người khiếu nại đã sử dụng hết các phương tiện pháp lý trong nước và việc khiếu nại được thực hiện trong thời hạn 6 tháng sau khi quyết định trong nước cuối cùng có hiệu lực[19]. Riêng đối với khiếu nại về vi phạm quyền tự do ngôn luận (Điều 10 Công ước), trong thời gian từ năm 1959 đến 2011, Tòa án châu Âu về nhân quyền đã phán quyết các quốc gia thành viên vi phạm quyền này trong 479 trường hợp[20].

Về quyền tự do ngôn luận, Công ước châu Âu về quyền con người ghi nhận, “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do giữ chính kiến và tự do nhận và truyền đạt thông tin và tư tưởng mà không có sự can thiệp của cơ quan công quyền và bất kể biên giới (quốc gia). Quy định này không ngăn cản các quốc gia đặt ra yêu cầu cấp phép đối với doanh nghiệp phát thanh, truyền hình hay chiếu phim”[21]. Từ quy định này, có thể thấy quyền tự do ngôn luận được cấu thành bởi (i) quyền tự do biểu đạt ý kiến, (ii) quyền tự do thông tin, (iii) quyền tự do báo chí và (iv) quyền tự do phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, Công ước này cũng đồng thời ghi nhận các hạn chế của quyền tự do ngôn luận, theo đó “sự thực hiện các quyền tự do này gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm; bởi vậy có thể phải tuân thủ các quy định về thủ tục, điều kiện, hạn chế hoặc chế tài theo quy định pháp luật và trong một xã hội dân chủ là cần thiết đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ hoặc trật tự công cộng hay nhằm giữ gìn trật tự hay phòng ngừa tội phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe hay đạo đức, bảo vệ danh dự hay quyền của người khác, nhằm ngăn chặn việc tiết lộ các thông tin bảo mật hay nhằm bảo vệ uy tín và sự khách quan của các cơ quan tư pháp”.[22]

Tương tự Công ước châu Âu về quyền con người, quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Công ước châu Mỹ về quyền con người như sau: “Mọi người đều có quyền tự do chính kiến và ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và tư tưởng, mà không giới hạn bởi biên giới quốc gia, bằng lời nói, chữ viết, bản in, dưới hình thức nghệ thuật hay bằng bất kỳ phương tiện nào theo sự lựa chọn”.[23] Nhưng Công ước này không chỉ còn quy định về giới hạn quyền tự do ngôn luận, mà cũng còn quy định các giới hạn của sự can thiệp của nhà nước đối với quyền tự do ngôn luận. Theo đó, quyền tự do ngôn luận chỉ được giới hạn bằng quy định rõ ràng trong luật nhằm bảo đảm sự tôn trọng quyền hoặc danh dự của người khác hoặc nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay sức khỏe cộng đồng hay đạo đức. Mặt khác, “quyền tự do ngôn luận không được hạn chế bằng các phương pháp hay phương tiện gián tiếp như sự lạm dụng sự kiểm soát của nhà nước hay tư nhân đối với báo chí, tần số phát vô tuyến hay đối với các thiết bị truyền tin, hay bằng các biện pháp khác nhằm ngăn cản thông tin và truyền đạt các tư tưởng và chính kiến”, các biện pháp kiểm duyệt chỉ được nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đạo đức của thanh thiếu niên[24].

Trong khi đó, tại Hiệp ước châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc thì quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin được thể hiện như hai quyền độc lập. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Hiệp ước này thì “mọi cá nhân đều có quyền được nhận thông tin”[25]. Còn khoản 2 Điều này quy định: “Mọi cá nhân đều có quyền biểu đạt và phổ biến các quan điểm của mình trong phạm vi pháp luật”.[26] Dựa trên cấu trúc của Điều 9 Hiệp ước này có thể nhận thấy các nhà làm luật châu Phi nhìn nhận quyền được thông tin của con người và việc thực thi quyền đó là cơ sở để con người có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Công ước Aarhus

Không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền tự do thông tin hay quyền tiếp cận thông tin với tư cách là một quyền cơ bản của con người, cộng đồng quốc tế còn có nhiều nỗ lực cụ thể hóa quyền này trong các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, vào ngày 25/6/1998, tại thành phố Aarhus, Đan Mạch, đại diện của 39 quốc gia thuộc châu Âu và Trung Á đã ký kết bản Công ước của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc cho châu Âu (UNECE) về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng vào việc ban hành các quyết sách và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường (“UNECE Convention” hay “Aarhus Convention” hay “Công ước Aarhus”) [27]. Đến nay đã có 46 quốc gia tham gia Công ước này.[28] Đây được xem là công ước quốc tế đầu tiên ghi nhận quyền của con người trong vấn đề bảo vệ môi trường. Như tên gọi của nó, về mặt nội dung, Công ước này có ba trụ cột, bao gồm: (i) Quyền được tiếp cận thông tin trong các vấn đề về môi trường, (ii) quyền được tham gia của công chúng vào các quyết sách về các vấn đề môi trường và (iii) quyền tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường. Trong đó, Điều 4 Công ước này quy định cụ thể về quyền của mỗi người được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin.

Các trình bày trên đây cho thấy, trong luật quốc tế quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin đang có xu hướng được nhìn nhận như một quyền con người cơ bản và độc lập với quyền tự do ngôn luận hoặc là một cấu thành tiên quyết của quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, quyền tiếp cận thông tin cũng còn có thể là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện một quyền cơ bản khác của con người, như quyền tiếp cận thông tin về các vấn đề môi trường đối với quyền của con người được sống trong môi trường trong lành.

3. Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong luật nước ngoài

Trên bình diện quốc gia, có sự cách biệt đáng kể trong sự phát triển và truyền thống pháp luật của các quốc gia khác nhau liên quan đến quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền được thông tin nói riêng.

Có thể nói đạo luật đầu tiên trên thế giới đề cập đến quyền được thông tin (hay quyền tiếp cận thông tin) là Luật về tự do báo chí của Thụy Điển, được ban hành năm 1766[29]. Lịch sử ghi nhận công lao của Anders Chydenius, một nhà truyền giáo và là nghị sĩ người Phần Lan (vào thời kỳ này Phần Lan chịu sự cai trị của Thụy Điển), người đã tạo nên sự đột phá bằng kiến nghị đưa quyền được tiếp cận các tài liệu của cơ quan hành chính vào đạo luật này. Và tại đạo luật này, lần đầu tiên nguyên tắc công khai trong hành pháp (tiếng Thụy Điển: Offentlighetsprincipen) được ghi nhận và có giá trị trong hành pháp từ đó đến nay. Nguyên tắc công khai đòi hỏi rằng, mọi thông tin và tài liệu mà một cơ quan hành chính tạo ra hoặc nhận được phải được để cho mọi người có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ đối với một số loại thông tin và tài liệu, như thông tin và tài liệu của các cơ quan an ninh và quân đội. Nguyên tắc công khai được ghi nhận trong đạo luật này là sự phản ứng trước sự bảo mật nghiêm ngặt các thông tin, tài liệu của các cơ quan hành pháp cũng như sự kiểm duyệt báo chí khắt khe trong quá khứ.

Với truyền thống pháp luật đó, sau này Thụy Điển luôn là quốc gia rất tích cực trong các nỗ lực quốc tế về ghi nhận và bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin của con người. Tuy nhiên, Thụy Điển là quốc gia tiên phong nhưng “đơn độc” trong vấn đề quyền tiếp cận thông tin trong gần hai thế kỷ tiếp theo.

Đến nửa cuối thế kỷ thứ 20, một số quốc gia mới lần lượt ban hành luật về tiếp cận thông tin: Phần Lan năm 1951, Hoa Kỳ năm 1966[30], Đan Mạch và Na Uy năm 1970, Pháp năm 1978, Hà Lan năm 1980, Canada năm 1985, Canton Bern (Thụy Sỹ) năm 1993, Bỉ năm 1994, một số bang của Đức và Thụy Sỹ từ năm 1988 trở đi, Liên minh châu Âu năm 2001, Thụy Sỹ (liên bang) năm 2004[31], Anh năm 2005, Đức năm 2005[32].

Đến nay trên thế giới đã có trên 80 quốc gia ban hành luật về quyền tiếp cận thông tin với các tên gọi khác nhau, như Luật về tự do thông tin (Freedom of Information Act) như ở Hoa Kỳ hay Anh, Luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin (Auskunftspflichtgesetz) như ở Áo, Luật về nguyên tắc công khai trong hành chính (Gesetz über das Öffentlichkeitsprinzip der Verwaltung) như ở Thụy Sỹ, Luật về tiếp cận thông tin của Liên bang (Gesetz zur Regelung des Zugangs zu Informationen des Bundes) như ở Đức. Ở các quốc gia mà – theo Hiến pháp – đơn vị hành chính xã, phường có quyền tự chủ hành chính thì các đơn vị xã, phường đó còn có thể ban hành điều lệ về tự do thông tin hay điều lệ về tiếp cận thông tin.

Như vậy, mặc dù số lượng các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) cũng như các Công ước khu vực về quyền con người như Công ước châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc (ACHPR) hay Công ước liên Mỹ về quyền con người (ACHR) là rất lớn, nhưng còn có nhiều quốc gia thành viên của các công ước này vẫn chưa ban hành luật về tự do thông tin hay luật về tiếp cận thông tin. Điều đó, một mặt cho thấy có sự khác biệt trên bình diện quốc tế trong nhận thức về quyền được thông tin. Theo đó quyền được thông tin có thể được hiểu chỉ bao gồm quyền được tiếp cận các thông tin được cung cấp rộng rãi. Ngay ở nhiều nước châu Âu, cho đến khi các nước này ban hành luật về tự do thông tin thì nguyên tắc bảo mật công vụ (official secrecy) vẫn là nguyên tắc chủ đạo trong hoạt động hành chính. Theo đó, mọi thông tin được cơ quan nhà nước tạo ra hay nhận được đều không được cung cấp rộng rãi; chỉ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi hành vi hay quyết định hành chính mới có quyền được tiếp cận các thông tin như vậy trong một phạm vi và theo một trình tự thủ tục nhất định mà thôi.

Bởi vậy, nói đến quyền tự do thông tin hay quyền tiếp cận thông tin chủ yếu là đề cập đến quyền của mọi người được thông tin hay được tiếp cận thông tin đối với các thông tin mà cơ quan nhà nước trong hoạt động của mình tạo ra hoặc nhận được, mà không phụ thuộc vào tính liên quan của thông tin đó tới người được thông tin. Trong phạm vi đó các cơ quan nhà nước có thể có nghĩa vụ công bố các thông tin về hồ sơ, thủ tục mà mình nắm giữ hay thực hiện (nguyên tắc công khai), hay bảo đảm để mọi người có thể tiếp cận (nguyên tắc minh bạch) và để thực hiện nhiệm vụ này các cơ quan đó có thể có nghĩa vụ quy định các tiêu chí có tính ràng buộc về công bố thông tin hay đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.

Với cách nhìn nhận như vậy, quyền tự do thông tin hay quyền tiếp cận thông tin trong các quốc gia khác nhau đã có thể được đảm bảo đối với một số lĩnh vực kể cả khi không có luật về tự do thông tin hay luật về tiếp cận thông tin. Chẳng hạn, trong lĩnh vực lập pháp, ở các quốc gia khác nhau các văn bản pháp luật đều phải được công bố và mọi người có thể tiếp cận được từ các nguồn thông tin khác nhau; thông thường chỉ tồn tại sự khác biệt trong việc công bố và tiếp cận các thông tin về tài liệu lập pháp. Trong hoạt động tư pháp, nhìn chung các quốc gia đều quy định nguyên tắc công khai đối với phần lớn các loại vụ việc dân sự, hành chính và cả hình sự; và thông thường chỉ tồn tại sự khác biệt trong quy định về ngoại lệ.

Như vậy, phạm vi điều chỉnh của luật về tự do thông tin hay về quyền tiếp cận thông tin chủ yếu nhằm vào các loại thông tin về hoạt động của các cơ quan hành chính, cũng như các thông tin mà các cơ quan này tạo ra hay nhận được. Các quốc gia ban hành luật tự do thông tin hay luật về tiếp cận thông tin đều quy định nguyên tắc mọi người có quyền được thông tin và tiếp cận thông tin do cơ quan hành chính nhà nước tạo ra hoặc nhận được cũng như các thông tin về quy trình, thủ tục thực hiện các hoạt động hành chính của họ. Các luật như vậy cũng đồng thời quy định các ngoại lệ đối với quyền tự do thông tin. Các ngoại lệ phổ biến là thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin mà việc tiết lộ có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích quốc gia khác, cũng như thông tin thuộc bí mật đời tư (quyền riêng tư) hay thông tin thuộc bí mật kinh doanh. Quy định về phạm vi các ngoại lệ thường là vấn đề tranh cãi trong các quốc gia khác nhau. Ngay ở Hoa Kỳ, trong thời gian gần đây đã dậy lên đề tài thảo luận về mối quan hệ giữa quyền tự do thông tin và an ninh quốc gia cũng như với bí mật kinh doanh[33].

Xét về đối tượng áp dụng, các luật như vậy đều quy định chủ thể có quyền được thông tin và tiếp cận thông tin là cá nhân, tổ chức dân sự, không phụ thuộc vào tính liên quan của thông tin đến người được thông tin hay được quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Phần lớn các luật về tự do thông tin hay tiếp cận thông tin quy định cá nhân hay tổ chức có quyền yêu cầu và cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi được yêu cầu trong những trường hợp luật định. Tuy nhiên, riêng ở Áo, quyền tiếp cận thông tin không bao gồm quyền tiếp cận hồ sơ hành chính, bởi vì tại quốc gia này nguyên tắc bí mật công vụ (“Amtsverschwiegenheit”) là nguyên tắc hiến định[34].

Còn nghĩa vụ công bố thông tin hay cung cấp thông tin theo yêu cầu trước hết thuộc về các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, cá nhân hay tổ chức được nhà nước ủy quyền hay ủy thác thực hiện các hành vi công vụ cũng có thể có nghĩa vụ công bố hay cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Các luật về tự do thông tin hay về quyền tiếp cận thông tin cũng đều quy định về nghĩa vụ cũng như phạm vi, phương thức, thời hạn công bố hay cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước đối với các loại thông tin khác nhau. Đối với yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân, tổ chức, các luật như vậy cũng đều quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu.

Đặc biệt, vấn đề thường gây tranh cãi trong nội bộ các quốc gia ban hành luật tiếp cận thông tin là vấn đề phí cung cấp thông tin: loại thông tin nào được cung cấp miễn phí hay có phí và mức phí bao nhiêu đối với mỗi loại thông tin được cung cấp như vậy. Về vấn đề này quy định ở các quốc gia là khác nhau, và thường cũng khác nhau ngay trong phạm vi của các nhà nước liên bang. Các loại thông tin mà cơ quan nhà nước có nghĩa vụ công bố rộng rãi không phụ thuộc vào yêu cầu của cá nhân đều miễn phí và không chịu bất kỳ một loại phí gián tiếp nào phản ánh trong các loại thuế hay phí khác. Các thông tin mà cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp cho cá nhân, tổ chức là đương sự trong các thủ tục hành chính cũng miễn phí. Nhưng các loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu, đặc biệt của cá nhân hay tổ chức không được coi là liên quan thì thường phải chịu một mức phí nhất định. Bởi vì để đảm bảo tự do thông tin hay quyền tiếp cận thông tin, nhà nước phải bỏ ra một chi phí hành chính có thể rất đáng kể. Ở Hoa Kỳ, trong phạm vi liên bang có khoảng 5.000 công chức được giao nhiệm vụ xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin; các chi phí cung cấp thông tin ước tính khoảng 300 triệu USD mỗi năm[35]. Ở Đức, để trang trải chi phí, các luật về tiếp cận thông tin của liên bang cũng như của các tiểu bang đều quy định về phí cung cấp thông tin. Tuy nhiên, mức phí được quy định theo nguyên tắc đảm bảo người yêu cầu cung cấp thông tin có thể thực hiện quyền của mình một cách có hiệu quả[36]. Mặc dù vậy, mức phí được ấn định cụ thể thường bị chỉ trích là quá cao. Đặc biệt, tiểu bang Sachsen-Anhalt (Saxony-Anhalt) quy định mức phí cung cấp thông tin cao nhất lên tới 1.000 Euro và được coi là bang thu mức phí cao nhất ở Đức[37].Thực tiễn thi hành các luật về tự do thông tin hay luật về tiếp cận thông tin cho thấy mức độ sử dụng các quyền này ở các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt.

Ở Đức, theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Liên bang, trong năm đầu tiên thi hành Luật về tiếp cận thông tin của Liên bang[38] (01/01 – 31/12/2006) các cơ quan chức năng nhận được 2.278 đơn yêu cầu cung cấp thông tin. Trong đó có hơn một nửa số đơn (1.379) đã được chấp nhận hoàn toàn hoặc một phần; 401 đơn yêu cầu bị từ chối cung cấp thông tin. Người yêu cầu cung cấp thông tin đã khiếu nại khoảng 5% (142) quyết định từ chối hoặc từ chối một phần yêu cầu cung cấp thông tin; trong đó có 62 khiếu nại không được chấp nhận và 27 người yêu cầu cung cấp thông tin trong số đó đã khởi kiện. Trong số các đơn được chấp nhận cung cấp thông tin có khoảng 5% (114) trường hợp phải nộp phí, trong đó có 50% trường hợp mức phí chỉ dưới 50 Euro. Các đơn yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối toàn bộ hoặc một phần vì nhiều lý do khác nhau được quy định trong luật, đặc biệt vì lý do (i) bảo vệ thông tin cá nhân, (ii) bảo vệ bí mật kinh doanh, cũng như (iii) bảo vệ quá trình ra quyết định của cơ quan chức năng. Người yêu cầu cung cấp thông tin phần lớn là cá nhân; đại diện báo chí yêu cầu cung cấp thông tin trong 92 trường hợp; có 4 nghị sỹ quốc hội liên bang cũng đã sử dụng quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên này, chưa thể xác định được chủ đề hay các chủ đề trọng tâm được yêu cầu cung cấp thông tin.

Trong khi đó ở Hà Lan, Luật về tự do thông tin có hiệu lực từ năm 1980 và được sửa đổi bổ sung năm 2005, nhưng trong suốt thời gian đó mỗi năm chỉ có trung bình 1.000 đơn yêu cầu cung cấp thông tin và vì vậy được coi là ít được sử dụng[39].

Còn ở Mexico, sau khi Vicente Fox Quesada (đảng Partido Acción Nacional (PAN)) đắc cử tổng thống và kết thúc sự cầm quyền hơn 70 năm (1929-2000) của đảng Partido Revolucionario Institucional (PRI), quốc hội nước này đã thông qua Luật liên bang về minh bạch hóa và tiếp cận thông tin của chính quyền[40]. Luật này trao cho công dân quyền tiếp cận tất cả các thông tin của chính phủ, quốc hội và của tất cả các cơ quan liên bang, trừ những thông tin được đưa vào diện thông tin mật (confidencial). Một cơ quan chuyên trách mới được thành lập nhằm đảm bảo thực thi đạo luật này là Cơ quan liên bang về tiếp cận thông tin (Instituto Federal de Acceso a la Información Pública, IFAI). Nhằm tạo điều kiện cho công dân được tiếp cận thông tin một cách được dễ dàng hơn, chính phủ Mexico đã thiết lập một hệ thống điện tử để công dân có thể nêu các yêu cầu cung cấp thông tin qua hệ thống này. Ngay trong năm 2004 hệ thống này đã tiếp nhận 39.000 yêu cầu cung cấp thông tin, trong số đó đã có 3/4 yêu cầu được trả lời.[41]

Các trình bày trên đây phần nào cho thấy, trên thế giới các quốc gia đang ngày càng ý thức tốt hơn về nghĩa vụ quốc tế đã cam kết đối với vấn đề bảo đảm quyền tự do thông tin hay quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đến năm 2006 đã có khoảng 70 quốc gia ban hành Luật về tự do thông tin hay Luật về tiếp cận thông tin, khoảng 50 quốc gia đang trong quá trình soạn thảo luật[42]. Đến tháng 9/2012 đã có ít nhất 93 quốc gia trên thế giới ban hành các đạo luật như vậy[43]. Tuy nhiên, như vậy cũng còn cần nhiều thời gian cho đến khi tất các quốc qua thành viên của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị ban hành luật về tự do thông tin hay luật về tiếp cận thông tin để đảm bảo thực thi các cam kết của họ.

4. Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cũng như Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa vào ngày 24/9/1982. Như vậy, Việt Nam cũng đã cam kết và phải thực hiện cam kết của mình về việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của con người. Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên đã ghi nhận công dân “có quyền được thông tin”[44]. Để đảm bảo quyền được thông tin của công dân, bản Hiến pháp này cũng đồng thời thể chế hóa các chính sách như: “Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác” (Điều 33); “Nhà nước mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao” (Điều 43). Đồng thời để đảm bảo quyền của công dân được thông tin về những vấn đề hệ trọng của đất nước, bản Hiến pháp còn quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết” (khoản 6 Điều 114).

Việc đảm bảo quyền được thông tin của công dân luôn được Đảng quan tâm và đề ra các chính sách thực hiện xuyên suốt và nhất quán qua các thời kỳ[45].

Ngày 21/11/2007 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 11/2007/NQ-QH12 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008. Tại Nghị quyết này lần đầu tiên dự án Luật Tiếp cận thông tin được đưa vào chương trình chuẩn bị. Trên cơ sở đó Bộ Tư pháp được giao chủ trì dự thảo luật này. Trong tiến trình lập pháp, dự thảo luật này đã từng được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2009)[46] và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7[47], tuy nhiên sau đó được chuyển ra khỏi chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 7[48], đến năm 2011 mới lại được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII là dự án thuộc chương trình chuẩn bị[49].

Như vậy, sẽ còn một số năm nữa trôi qua cho đến khi Việt Nam có Luật Tiếp cận thông tin. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở Việt Nam người dân không được tiếp cận thông tin về các hoạt động của cơ quan nhà nước hay về các thông tin mà cơ quan nhà nước tạo ra hay nhận được.

Theo nghiên cứu của Bộ Tư pháp, đến thời điểm lập Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin[50], đã có 40 luật, pháp lệnh có quy định về thông tin phải được công khai rộng rãi. Có thể kể đến các luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế có quy định thông tin phải được công khai rộng rãi như: Luật Kế toán, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, v.v..

Tuy nhiên, trong số 40 luật, pháp lệnh có quy định về thông tin phải được công khai rộng rãi thì chỉ có 10 luật, pháp lệnh có quy định cụ thể về hình thức công khai rộng rãi thông tin và một pháp lệnh quy định hình thức “công bố thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng”. Và trong số 40 luật, pháp lệnh đó cũng chỉ có 6 luật có quy định về cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, đó là: (i) Luật Phòng, chống tham nhũng, (ii) Luật Đấu thầu, (iii) Luật Doanh nghiệp, (iv) Luật Bảo hiểm y tế, (v) Luật Hóa chất, (vi) Luật Hoạt động chữ thập đỏ. Nhưng trong 6 luật này lại chỉ có duy nhất Luật Đấu thầu có quy định về hình thức yêu cầu cung cấp thông tin và hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Kết quả rà roát này cho thấy, mặc dù đã có khá nhiều luật, pháp lệnh có quy định về thông tin phải được công khai rộng rãi, nhưng lại chỉ có ít văn bản trong số đó có quy định cụ thể về hình thức công khai rộng rãi thông tin, có ít hơn nữa các luật có quy định về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu nhưng đa số trong đó lại không có quy định cụ thể về hình thức yêu cầu cung cấp thông tin và hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu. Như vậy, mặc dù vấn đề quyền được thông tin và quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được quan tâm, nhưng tính khả thi của các quy định liên quan còn rất thấp. Các quy định về thông tin phải được công khai rộng rãi và về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu cũng không căn cứ trên những nguyên tắc chung được xác định một cách thống nhất.

Bởi vậy, rất cần thiết có một đạo luật về tiếp cận thông tin nhằm thiết lập một khung pháp lý chung dựa trên các nguyên tắc được xác định một cách thống nhất nhằm đảm bảo quyền được thông tin và quyền tiếp cận thông tin của công dân trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước đối với xã hội.

Việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin sẽ có tác động tích cực tới công cuộc phòng chống tham nhũng. Bởi vì, việc không công khai rộng rãi thông tin là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số người lợi dụng vị trí đặc quyền trong tiếp cận thông tin để trục lợi[51]. Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cũng là điều kiện để công dân thực hiện quyền giám sát, phản biện đối với hoạt động quản lý nhà nước, có khả năng tác động hạn chế việc áp dụng pháp luật không thống nhất; việc cung cấp thông tin chính thức trung thực giúp giảm tình trạng và tác động tiêu cực của tình trạng loan tin bịa đặt nhằm mục đích trục lợi[52].

Vì vậy, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin không chỉ đem lại lợi ích cho người dân mà cả cho hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội. Người dân sẽ có khả năng tự bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các doanh nghiệp được khả năng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, được cạnh tranh một cách công bằng hơn. Đối với cơ quan nhà nước, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng sẽ góp phần làm minh bạch, công khai hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức; thông tin phản hồi từ phía người dân sẽ giúp các cơ quan nhà nước cân nhắc, lựa chọn và đưa ra những chính sách, quyết định đúng đắn hơn, phù hợp với lòng dân hơn, tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.[53]

Một đạo luật về tiếp cận thông tin cần quy định rõ các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, các phạm vi thông tin được công khai rộng rãi hay được cung cấp theo yêu cầu, phương thức cung cấp thông tin, hình thức yêu cầu cung cấp thông tin và hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu, thời điểm, thời hạn công khai thông tin rộng rãi hay cung cấp thông tin theo yêu cầu, quyền khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi hoặc quyết định từ chối cung cấp thông tin, phí cung cấp thông tin theo yêu cầu. Luật tiếp cận thông tin có thể được thiết kế theo dạng luật khung, làm cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định về đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.

Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin còn đòi hỏi nhà nước phải tạo lập được cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực thi, bao gồm nhân sự công bố thông tin, xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu, phương tiện cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu thông tin. Điều đó đòi hỏi thời gian và phương tiện tài chính. Bởi vậy, để đảm bảo luật có thể thực thi ngay khi có hiệu lực, có thể quy định khoảng thời gian từ thời điểm ban hành đến thời điểm Luật này có hiệu lực dài hơn so các luật khác.

Kinh nghiệm quốc tế còn cho thấy, việc thiết lập một cơ quan chuyên trách giám sát việc thực thi Luật này là hữu ích đối với hiệu quả thực thi luật.

CHÚ THÍCH

* PGS-TS Luật học, Phó khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), được thông qua ngày 16/12/1966 tại New York (General Assembly resolution 2200A (XXI), có hiệu lực từ ngày 23/3/1976.

[2] International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR), được thông qua ngày 16/12/1966 tại New York (General Assembly resolution 2200A (XXI), có hiệu lực từ ngày 23/3/1976.

[3] Việt Nam tham gia cả hai Công ước này vào ngày 24/9/1982.

[4] Điều 69 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001.

[5] Nghị quyết của Quốc hội số 11/2007/NQ-QH12 ngày 21/11/2007 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và năm 2008.

[6] Nghị quyết của Quốc hội số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

[7] Universal Declaration of Human Rights (UDHR), được thông qua bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 10/12/1948 tại Paris (General Assembly Resolution 217 A (III)), http://www.un.org/en/documents/udhr/index.shtml.

[8] Điều 19 UDHR: “Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers”.

[9] H.J. Steiner/P. Alston (eds.), International Human Rights in Context, 2nd ed., Oxford 2000, tr. 151.

[10] Xem Điều 25 Hiến chương Liên hợp quốc.

[11] Xem Điều 2 UDHR.

[12] Tính đến 19/12/2012 ICCPR có 167 quốc gia thành viên (http://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-4&chapter=4&lang=en#top), ICESCR có 160 quốc gia thành viên (http://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-3&chapter=4&lang=en).

[13] Khoản 2 Điều 19 ICCPR: “Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice”.

[14] Andrew Puddephatt, Freedom of Expression, The essentials of Human Rights, Hodder Arnold, 2005, tr. 128.

[15] European Convention on Human Rights (ECHR), được ký kết ngày 04/11/1950 tại Rome, có hiệu lực từ ngày 03/9/1953, thành viên của Công ước là tất cả 47 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu (Council of Europe).

[16] African Charter on Human and Peoples’ Rights (ACHPR), được nhất trí thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh các nước của Tổ chức châu Phi thống nhất (Organization of African Unity, OAU) ngày 27/6/1981 tại Nairobi, có hiệu lực từ ngày 21/10/1986, đến nay đã có 53/54 quốc gia thành viên của OAU phê chuẩn và vì vậy được coi là cơ chế khu vực bảo vệ quyền con người lớn nhất trên thế giới.

[17] American Convention on Human Rights (ACHR), được ký kết tại San José (Costa Rica) ngày 22/11/1969 (còn được gọi là “Pact of San José”), có hiệu lực từ ngày 18/7/1978, đến năm 2010 đã được 24/35 quốc gia thành viên của Tổ chức các nước châu Mỹ (Organization of American States, OAS) phê chuẩn.

[18] Điều 34 ECHR.

[19] Khoản 1 Điều 35 ECHR.

[20] Registry of the European Court of Human Rights: Annual Report 2011, Strassbourg 2011.

[21] Khoản 1 Điều 10 ECHR.

[22] Điều 10 ECHR.

[23] Khoản 1 Điều 10 ACHR: “Everyone has the right to freedom of thought and expression. This right includes freedom to seek, receive, and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing, in print, in the form of art, or through any other medium of one’s choice”.

[24] Khoản 3, 4 Điều 10 ACHR.

[25] Khoản 1 Điều 9 ACHPR: “Every individual shall have the right to receive information”.

[26] Khoản 2 Điều 9 ACHPR: “Every individual shall have the right to express and disseminate his opinions within the law”.

[27] The UNECE Convention on Access to Information, Public Participation in Decision-making and Access to Justice in Environmental Matters, adopted on 25th June 1998 (Aarhus  Convention)

[28] http://www.unece.org/env/pp/ratification.html, truy cập ngày 19/12/2012.

[29] Tryckfrihetsförordningen năm 1766 (Freedom of the Press Act), được thay thế bằng đạo luật cùng tên năm 1949.

[30] Freedom of Information Act (FOIA).

[31] Bundesgesetz über das Öffentlichkeitsprinzip der Verwaltung (BGÖ) vom 17. Dezember 2004.

[32] Gesetz zur Regelung des Zugangs zu Informationen des Bundes (Informationsfreiheitsgesetz, IFG) vom 5. September 2005 (BGBl. I S. 2722).

[33] Tobias Bräutigam, Das deutsche Informationsfreiheitsgesetz aus Perspektive des US-amerikanischen und finnischen Rechts, Yliopistopaino, Helsinki 2008 (ISBN 978-952-92-4667-0).

[34] Điều 20 Hiến pháp Áo (Bundesverfassungsgesetz). Tham khảo thêm: Rudolf Feik (Institut für Verfassungs- und Verwaltungsrecht Universität Salzburg), „Die Amtsverschwiegenheit“, http://www.konvent.gv.at/K/DE/AVORL-K/AVORL-K_00303/fnameorig_017343.html, truy cập ngày 19/12/2012.

[35] Xem: Informationsfreiheit, http://de.wikipedia.org/wiki/Informationsfreiheit, truy cập ngày 19/12/2012.

[36] Điều 10 Luật về tiếp cận thông tin ngày 05/9/2005 của Đức (Gesetz zur Regelung des Zugangs zu Informationen des Bundes vom 5. September 2005 (BGBl. I S. 2722)).

[37] Xem: Nghị định về phí cung cấp thông tin (Kostenverordnung (IZG LSA KostVO)) thi hành Luật về tiếp cận thông tin của tiểu bang Sachsen-Anhalt (Informationszugangsgesetz Sachsen-Anhalt (IZG LSA)).

[38]http://www.bmi.bund.de/cln_104/SharedDocs/Pressemitteilungen/DE/2007/01/ein_jahr_ifg.html/.

[39] Xem: Roger Vleugels, “The Dutch FOIA: a 25 year old toddler”, http://www.freedominfo.org.

[40] Ley Federal de Transparencia y Acceso a la Información Pública Gubernamental, có hiệu lực từ ngày 12/6/2003, sửa đổi, bổ sung lần gần đây nhất vào ngày 08/6/2012.

[41] Tham khảo thông tin trên website của Instituto Federal de Acceso a la Información Pública, http://www.ifai.org.mx.

[42] Mazhar Siraj (2010), “Exclusion of Private Sector from Freedom of Information Laws: Implications from a Human Rights Perspective”, Journal of Alternative Perspectives on Social Sciences 2 (1), tr. 213.

[43] Xem: “Access to Information Laws: Overview and Statutory Goals”, http://www.right2info.org/access-to-information-laws/access-to-information-laws-overview-and-statutory#_ftn7, truy cập ngày 19/12/2012.

[44] Điều 69 Hiến pháp năm 1992.

[45] Xem: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung năm 2011)”, “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 do Đại hội Đảng lần thứ IX thông qua”, “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 do Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua”; “Nghị quyết Trung ương 8 khoá 7”, “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…”

[46] Nghị quyết của Quốc hội số 27/2008/QH12 ngày 15/11/2008 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011).

[47] Nghị quyết của Quốc hội số 31/2009/QH12 ngày 17/6/2009 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

[48] Nghị quyết của Quốc hội số 48/2010/QH12 ngày 19/6/2010 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII.

[49] Nghị quyết của Quốc hội số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

[50] Xem: Phụ lục rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tiếp cận thông tin của Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin của Bộ Tư pháp, http://moj.gov.vn/dtvbpl/Lists/Danh%20sch%20d%20tho/View_Detail.aspx?ItemID=34.

[51] Xem Dự thảo Tờ trình về Dự án Luật tiếp cận thông tin của Bộ Tư pháp, http://moj.gov.vn/dtvbpl/Lists/Danh%20sch%20d%20tho/View_Detail.aspx?ItemID=34.

[52] Như chú thích trên.

[53] Như chú thích trên./.

  • Tác giả: PGS.TS. Phan Huy Hồng
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013 (74)/ 2013 – 2013, Trang 62-71
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
7 Nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
Mối quan hệ giữa Luật Quốc tế và Luật Quốc gia
Mối quan hệ giữa Luật Quốc tế và Luật Quốc gia
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam

Chuyên mục: Công pháp quốc tế/ Quốc tế Từ khóa: Luật Quốc tế/ Quyền tiếp cận thông tin/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013

Previous Post: « Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực
Next Post: Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường »

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng