Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
TÓM TẮT
Trong bài viết, tác giả tập trung giới thiệu quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế trong lĩnh vực thuế. Bài viết phân tích, làm rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quyền này, so sánh với quy định của một số quốc gia khác như Mỹ và Nga, để đưa ra một số nhận xét về ưu điểm và hạn chế của pháp luật điều chỉnh tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra một số kiến nghị để quyền này được triển khai hiệu quả hơn trong thực tế, thực sự là công cụ hiệu quả để người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời nâng cao tính hiệu quả của quá trình hành thu thuế vào Ngân sách nhà nước.
Xem thêm:
- Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam – PGS.TS. Phan Huy Hồng
- Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam – TS. Phan Thị Thành Dương
- Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực tài chính công – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
- Bàn về tên gọi của “Quyền tiếp cận thông tin” trong Hiến pháp 2013 – ThS. Nguyễn Lan Hương
- Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường – ThS. Nguyễn Hoàng Thùy Trang
- Phát triển các hình thức hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế – Kinh nghiệm tại một số quốc gia và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam – TS. Nguyễn Thị Thanh Tú
- Nhận diện tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
TỪ KHÓA: Quyền tiếp cận thông tin, Người nộp thuế, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Sơ lược về quyền tiếp cận thông tin và quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế trong lĩnh vực thuế
1.1. Quyền tiếp cận thông tin – một nội dung của quyền con người, quyền công dân
Bên cạnh các quyền cơ bản như quyền được sống, quyền tự do… công dân cũng cần được đảm bảo quyền tiếp cận thông tin. Trong phiên họp thứ nhất, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 59, quy định:“tự do thông tin là quyền con người cơ bản và là nền tảng của tất cả các tự do khác…”. Quyền tiếp cận thông tin sau đó cũng được đề cập trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948[1] và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Quyền tiếp cận thông tin được hầu hết các quốc gia trên thế giới ghi nhận dù hình thức và mức độ ít nhiều có sự khác nhau. Tính đến nay, có khoảng trên 80 quốc gia ban hành các bộ luật riêng để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin công như: Canada ban hành năm 1983, Hungary năm 1992, Vương quốc Anh năm 2000, Nam Phi năm 2000, Mỹ năm 1966, Liên bang Nga năm 2006, Thái Lan năm 1997, Hàn Quốc năm 1998, Nhật Bản năm 2004 và Ấn Độ năm 2005, Trung Quốc năm 2007[2].
Khái niệm quyền tiếp cận thông tin xuất hiện trên thế giới từ khá sớm trong phong trào “Khai sáng”, tuy nhiên ở Việt Nam đây lại là nhóm quyền tương đối mới mẻ. Do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử, Hiến pháp1959, 1980 không có quy định về quyền này. Theo PGS. TS Nguyễn Đăng Dung, trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập, thông tin luôn được bảo mật là điều kiện quan trọng để chúng ta thành công. Các phong trào ba không: không nói, không biết, không tin trong giai đoạn đó được coi là “quốc sách”. Rồi đến thời tập trung bao cấp, cũng chỉ có thông tin một phía, một chiều từ Trung ương, Nhà nước xuống người dân[3]. Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến việc ghi nhận quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Phải đợi đến Hiến pháp 1992, quyền này mới được ghi nhận tại Điều 69, theo đó “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin nằm rải rác trong từng lĩnh vực khác nhau mà chưa được quy định thành bộ luật riêng.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển thông tin nhanh chóng, nhu cầu tiếp cận thông tin đang trở thành mong mỏi cấp bách của nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Mặt khác, cũng như quyền được sống, quyền lao động…, tiếp cận thông tin là quyền con người, quyền công dân cơ bản. Vì vậy, thiết nghĩ việc nghiên cứu nhằm triển khai áp dụng và đảm bảo trên thực tế quyền tiếp cận các nguồn thông tin là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư một cách đúng mức.
1.2. Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế
Thông tin trong nội hàm của quyền tiếp cận thông tin rất rộng, bao quát nhiều lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới hạn nghiên cứu quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế trong lĩnh vực thuế.
Trên quan điểm thuyết quyền lực nhà nước, khi người nộp thuế tham gia vào quan hệ pháp luật thuế, họ có nghĩa vụ phải nộp tiền thuế, nghĩa vụ này được đảm bảo bằng công cụ pháp luật và sức mạnh quyền lực chính trị của nhà nước. Nộp thuế là nghĩa vụ hiến định, người nộp thuế khi tham gia vào quan hệ pháp luật thuế không được lựa chọn giữa việc thực hiện và không thực hiện nghĩa vụ. Dù vậy, một khi cư dân đã đồng ý với nghĩa vụ của mình, họ cũng cần được ghi nhận những quyền lợi hợp pháp nhằm đảm bảo việc nộp thuế là thuận tiện, công bằng, chính xác, đúng luật, tránh tình trạng lạm thu thuế từ phía cơ quan công quyền. Các quyền này bao gồm quyền được hướng dẫn về trình tự, thủ tục nộp thuế, quyền hưởng các ưu đãi miễn thuế, giảm thuế, quyền được hoàn thuế, quyền được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật… Do chỉ phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa nộp thuế vào ngân sách nhà nước, chúng được gọi là các “quyền phái sinh”. Một trong những quyền phái sinh đó của người nộp thuế là quyền tiếp cận thông tin.
Quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực thuế là quan trọng vì nó là nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện các quyền còn lại. Người nộp thuế không thể thực hiện các quyền của mình một khi họ không được cung cấp thông tin đầy đủ về các quyền đó. Tương tự như thế, không có thông tin, người nộp thuế không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, việc nộp thuế vì thế cũng sẽ kém phần nhanh chóng, chính xác.
Bưng bít thông tin trong lĩnh vực thuế gây trở ngại cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ, đồng thời tạo kẽ hở cho quan chức ngành thuế hành thu tùy tiện, gây phiền hà, nhũng nhiễu. Khi đó, thuế vô tình sẽ trở thành hình thức cổ súy cho tham nhũng và là gánh nặng đè lên vai các tầng lớp dân cư.
Về phía Nhà nước, cung cấp thông tin cho người nộp thuế là nghĩa vụ đồng thời là quyền lợi: nghĩa vụ trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để cư dân đóng góp tài vật nuôi sống bộ máy nhà nước; quyền lợi vì suy cho cùng việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến người nộp thuế là điều kiện quan trọng giúp việc hành thu dễ dàng, hiệu quả và gia tăng uy tín của chính quyền trong dân cư.
Một khi đã ghi nhận quyền của người nộp thuế trong việc tiếp cận thông tin, điều đáng quan tâm là làm thế nào để triển khai áp dụng quyền này trên thực tế mà không rơi vào tình trạng chỉ có quy định hình thức nhằm làm “đẹp” thêm cho một đạo luật thuế. Để tránh được điều này, bên cạnh việc quy định quyền còn cần quy định cả trình tự, thủ tục thực thi quyền hành đó. Người nộp thuế sẽ không thể thực thi quyền tiếp cận thông tin nếu anh ta không biết mình phải bắt đầu như thế nào, với các bước ra sao và ai sẽ là người có khả năng cung cấp cho anh ta những thông tin chính xác mà anh ta muốn biết. Thêm vào đó, ghi nhận quyền của người nộp thuế cũng đồng nghĩa với ghi nhận nghĩa vụ của cơ quan công quyền. Trong trường hợp này đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin. Nếu các vi phạm của người nộp thuế đều tương ứng với một hình thức xử lý vi phạm[4] và các nguyên tắc, thủ tục để tiến hành xử lý vi phạm đó thì tương tự, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng cần tương ứng với một chế tài kèm theo trình tự, thủ tục để thi hành. Trên thực tế, cũng như quyền được cung cấp thông tin nói chung, quyền được cung cấp thông tin trong lĩnh vực thuế được đa số quốc gia thừa nhận nhưng không phải quốc gia nào cũng thực sự chú trọng việc triển khai áp dụng chúng trong thực tế.
Cơ quan thuế sẽ làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu thông tin của cư dân? Theo khảo sát của Predrag Goranovic, Tiến sỹ Trường Kinh tế, ĐH Tổng hợp Montenegro, cơ hội tiếp cận thông tin của người nộp thuế được thể hiện qua các tiêu chí như:
– Cơ quan thuế có giải thích cho người nộp thuế cách sử dụng, điền vào các biểu mẫu kê khai, nộp thuế không?
– Có hay không thông tin về quyền được miễn thuế trong tài liệu hướng dẫn?
– Có hay không các quy định chung về thuế?
– Nội dung về thuế có giảng dạy ở trường học không?
– Có hay không những hướng dẫn về thủ tục, trình tự nộp thuế, và
– Có hay không đường dây nóng miễn phí để cung cấp thông tin?
Kết quả khảo sát cho thấy, một số ít quốc gia đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này (Úc, Hà Lan, Hoa Kỳ), đa số quốc gia thỏa mãn ba tiêu chí đầu tiên (tỷ lệ 24/24 quốc gia trong bảng khảo sát), trong khi tiêu chí mà hầu hết chưa đáp ứng được đó là việc giảng dạy thuế như một chương trình đặc biệt tại trường học (17/24 quốc gia trong bảng khảo sát chưa có), việc hướng dẫn trình tự, thủ tục nộp thuế (11/24 quốc gia trong bảng khảo sát chưa có) và đặc biệt là việc có một đường dây nóng miễn phí cung cấp thông tin về thuế (19/24 quốc gia trong bảng khảo sát chưa có).[5]
Như vậy, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin phụ thuộc khá nhiều vào khả năng và cách thức triển khai áp dụng của cơ quan công quyền, trong đó có cả việc trang bị kiến thức để công dân ý thức rõ nghĩa vụ của họ với nhà nước và các quyền mà họ được nhà nước đảm bảo.
2. Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam – Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện
2.1. Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam
Thể chế hóa quy định của Hiến pháp 1992 về quyền tự do tiếp cận thông tin, pháp luật thuế Việt Nam ghi nhận việc tiếp cận thông tin từ cơ quan thuế là quyền của người nộp thuế. Quyền này được quy định cụ thể tại khoản 1,2,6 Điều 6 Luật Quản lý thuế 2006 bao gồm:
– Được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế;
– Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế; yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
– Tương ứng với quyền này, Điều 8 Luật Quản lý thuế quy định nghĩa vụ của cơ quan quản lý thuế bao gồm:
– Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế;
– Giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế; công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
– Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật;
– Giao kết luận, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế cho đối tượng kiểm tra thuế, thanh tra thuế và giải thích khi có yêu cầu.
Đồng thời, pháp luật cũng quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan quản lý thuế trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế[6].
Nhìn chung, các quy định trên cho thấy sự ghi nhận của Nhà nước về quyền của người nộp thuế và nghĩa vụ của cơ quan công quyền. Các quyền của người nộp thuế được ghi nhận khá đầy đủ, trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Pháp luật một số quốc gia cũng dành cho người nộp thuế những quyền này. Chẳng hạn, Bộ luật thuế Cộng hòa liên bang Nga, Điều 21 ghi nhận rằng người nộp thuế có quyền:
1- Được nhận không phải trả tiền từ cơ quan thuế nơi mình đăng ký thuế các thông tin, tài liệu, biểu mẫu và các văn bản pháp luật về các loại thuế, lệ phí đang có hiệu lực, kể cả các quy định liên quan đến quy trình tính thuế, kê khai thuế, nộp thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, thẩm quyền của cơ quan thuế và quan chức ngành thuế, kể cả biểu mẫu, tờ khai và được giải thích về quy trình và cách điền vào biểu mẫu.
2- Được nhận từ Bộ Tài chính Liên bang Nga giải trình bằng văn bản liên quan đến việc áp dụng và thực thi pháp luật liên quan về thuế, lệ phí; được nhận không phải trả tiền từ cơ quan tài chính chủ thể liên bang và cơ quan tài chính tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật của chủ thể liên bang, tỉnh và các giải trình về thực hiện pháp luật thuế của chủ thể liên bang và địa phương.[7]
Điều 6 Luật Bảo vệ quyền của đối tượng nộp thuế của Canada quy định người nộp thuế có “Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng và kịp thời với thứ ngôn ngữ dễ hiểu. Người nộp thuế được cung cấp thông tin thông qua điện thoại, thư tín, và trực tiếp. Các nhân viên giải đáp thông tin của Cơ quan thu thuế quốc gia được đào tạo và trang bị những công cụ hiệu quả để việc trả lời thông tin của họ được nhanh chóng và chính xác”.[8]
Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định của pháp luật thuế hiện hành cũng cho thấy, nếu nghĩa vụ của người nộp thuế được quy định cụ thể, có trình tự thủ tục tiến hành cùng biện pháp chế tài đi kèm thì các quyền của họ lại được quy định khá sơ sài về trình tự thực hiện. Luật Quản lý thuế 2006 gồm 14 chương thì 6 chương quy định trình tự thực hiện nghĩa vụ từ khâu đăng ký thuế đến kê khai, nộp thuế[9]…, 3 chương quy định về vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế[10], trong khi chỉ có hai chương quy định về trình tự thực hiện quyền, và cũng chỉ đề cập đến thủ tục thực hiện quyền được hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.[11]
Riêng với quyền tiếp cận thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin gần như thiếu vắng hoàn toàn quy định về trình tự, thủ tục để người nộp thuế yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp thông tin. Chương IX Luật Quản lý thuế với tiêu đề “Thông tin về người nộp thuế” chỉ đề cập trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin (Điều 71), trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế (Điều 72), công khai thông tin vi phạm pháp luật thuế (Điều 74). Nghĩa vụ của cơ quan quản lý thuế còn chung chung, chưa rõ ràng, gần như không có quy định cụ thể trường hợp cán bộ ngành thuế từ chối thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin thì chế tài xử lý ra sao, thông tin nào là thông tin được cung cấp, thông tin nào là thông tin cần bảo mật[12]. Những vấn đề nêu trên khiến các ghi nhận tại Điều 6, Luật Quản lý thuế 2006 phần nào trở nên hình thức.
2.2. Thực trạng công tác triển khai đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế
Với quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006, trên thực tế, không thể không ghi nhận rằng, ngày càng có nhiều biện pháp được cơ quan quản lý thuế triển khai áp dụng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người nộp thuế. Thông tin được cung cấp dưới nhiều dạng: báo hình, báo nói, báo viết… Các chi cục thuế có website thường xuyên cập nhật văn bản, chính sách ngành thuế, có mục hỏi đáp trợ giúp người nộp thuế. Tại nơi nộp thuế có hướng dẫn, giải đáp trực tiếp tại bàn. Ngoài ra, các hình thức khác như hướng dẫn, giải đáp bằng văn bản, hàng tháng mở lớp tập huấn chính sách thuế cho doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”… được triển khai đều đặn với hiệu quả đáng kể.
Hiện nay, các website cung cấp thông tin của ngành thuế thu hút lượng người truy cập ngày một đông đảo, riêng website của Tổng cục thuế tính đến thời điểm tháng 3/ 2013 thu hút tổng số truy cập gần 4 triệu lượt. Theo báo cáo tổng kết công tác thuế của Tổng cục thuế, năm 2012 cơ quan thuế các cấp đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại và tổ chức nhiều “tuần lễ lắng nghe ý kiến người người nộp thuế”, các cục thuế lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có đường dây tư vấn miễn phí cho đối tượng nộp thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế không ngừng vận dụng công nghệ thông tin vào quá trình thu nộp thuế, đến thời điểm hiện tại đã triển khai áp dụng phương pháp kê khai bắt buộc qua mạng internet, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính thuận tiện cho người nộp thuế. Nhiều cơ quan, ban ngành cũng tích cực tham gia vào quá trình tuyên truyền, phổ biến thông tin pháp luật thuế, đặc biệt là các cơ quan thông tin, báo đài.
Các biện pháp trên được triển khai một cách thường xuyên, đồng bộ, có tác dụng hỗ trợ lớn cho người nộp thuế, nâng cao hiệu quả của công tác hành thu, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo niềm tin và phản hồi tốt từ phía người nộp thuế. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc triển khai đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người nộp thuế tại Việt Nam còn nhiều hạn chế:
– Tư tưởng tồn tại từ thời kháng chiến với yêu cầu bảo mật thông tin và thời bao cấp với thói quen cung cấp thông tin một chiều còn ảnh hưởng ít nhiều đến tư duy của cán bộ ngành thuế. Tâm lý lo sợ trách nhiệm khi cung cấp thông tin, lo ngại thông tin cung cấp có khả năng gây tổn hại cho bản thân… vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ ngành thuế, gây cản trở không nhỏ cho quá trình tiếp cận thông tin;
– Lượng văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực thuế quá nhiều, đa phần là các công văn, tính công khai của các văn bản này chưa cao. Mặc dù cơ quan thuế đã nỗ lực trong việc cập nhật công văn tại các website của mình, vẫn không tránh khỏi các trường hợp văn bản cập nhật chưa kịp thời, đầy đủ gây nên khó khăn trong việc tìm kiếm văn bản cần áp dụng, chưa kể đến các trường hợp thông tin không hề được công khai, chẳng hạn thông tin thuế suất nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt;
– Thiếu vắng quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin khiến việc thực thi quyền này thiếu tính đồng bộ, công dân thực hiện quyền với tâm lý “nhờ trợ giúp” từ cơ quan thuế hơn là với tâm lý của người có quyền, cán bộ ngành thuế cung cấp thông tin với tư cách thực hiện sự giúp đỡ hơn là một nghĩa vụ bắt buộc;
– Không có chế tài cụ thể trong trường hợp người có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu, đồng thời việc pháp luật chưa phân định ranh giới rõ ràng giữa thông tin được cung cấp và thông tin cần bảo mật gây tâm lý lo lắng cho người cung cấp thông tin. Mặt khác đây lại là “lá chắn” để họ từ chối cung cấp thông tin trên thực tế;
– Trình độ áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế và công khai thông tin của ta chưa cao. Do đó, quá trình áp dụng thường xuyên vướng phải khó khăn.
2.3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế đang ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết. Hoàn thiện cơ chế đảm bảo thực thi quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực thuế không tách rời việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin nói chung. Do đó, trong phần kiến nghị của mình, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện quyền được cung cấp thông tin nói chung, xem đó là tiền đề quan trọng để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực thuế.
– Một là, nhanh chóng ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm tạo cơ sở pháp lý chung cho việc tiếp cận thông tin, trong đó có tiếp cận thông tin trong lĩnh vực thuế. Dự Luật Tiếp cận thông tin đã được đưa ra thảo luận khá sôi nổi vào năm 2009 nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, hiện nay văn bản vẫn còn nằm trong dự án của Quốc hội và chưa được thông qua. Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin hiện nay là cần thiết và cấp bách, trong đó cần đặc biệt chú trọng việc phân định ranh giới giữa thông tin cần công khai và thông tin cần bảo mật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đi kèm với quyền bảo mật thông tin. Đồng thời, cần chú trọng các quy định về nguyên tắc, thủ tục áp dụng quyền và chế tài tương ứng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;
– Hai là, quy định cụ thể nghĩa vụ của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc phối hợp tổ chức thực hiện và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tránh tình trạng quy định chung chung, khó xác định nghĩa vụ cụ thể, khó triển khai và khó xác định trách nhiệm trên thực tế như hiện nay;
– Ba là, phát huy vai trò của cơ quan thông tin báo chí vì đó là kênh cung cấp thông tin mang tính đại chúng cao, dễ truyền tải các thông tin, chính sách đến đại bộ phận dân cư. Tuy nhiên, cũng bởi tính đại chúng cao, nguồn thông tin do các cơ quan này cung cấp cần được đảm bảo tính trung thực, chính xác. Muốn vậy, cũng cần quy định chế tài cụ thể, nghiêm khắc khi họ cung cấp các thông tin sai lệch, phiến diện.
Trong lĩnh vực thuế, cần:
– Thứ nhất, nhanh chóng ban hành các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi, tính dễ dàng thuận tiện;
– Thứ hai, quy định rõ ràng, cụ thể nghĩa vụ của cơ quan quản lý thuế và cán bộ ngành thuế. Kèm theo nghĩa vụ là chế tài tương ứng trong trường hợp người có thẩm quyền từ chối thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác. Chế tài phải đảm bảo tính nghiêm khắc, tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm;
– Thứ ba, cùng với quyền tiếp cận thông tin là yêu cầu bảo mật thông tin. Do đó, pháp luật thuế cần có sự phân định rạch ròi giữa nguồn thông tin được phép tiếp cận và các thông tin mang tính bí mật nhà nước. Sự phân định này phải được công khai đến người nộp thuế, tránh trường hợp cán bộ ngành thuế viện lý do thông tin bảo mật để bưng bít thông tin cũng như vô tình tiết lộ các thông tin mật gây tổn hại quốc gia. Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng cần được cân nhắc kỹ khi phân định;
– Thứ tư, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin. Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin trên các phương tiện mang tính đại chúng: báo, đài, cổng thông tin điện tử…
Cùng với các giải pháp nói trên, cần chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ngành thuế vì họ là lực lượng giữ vai trò trực tiếp trong việc cung cấp thông tin, tránh tình trạng cung cấp thông tin không chính xác, không nhất quán do không nắm vững thông tin và các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin. Cần lưu ý đến vấn đề trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, nhất là các quốc gia có trình độ quản lý thuế tiên tiến. Từ đó, đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác các nguồn thông tin khi thực hiện nghĩa vụ thuế, đảm bảo hiệu quả của công tác hành thu thuế.
CHÚ THÍCH
* Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Điều 19 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.”
[2] Theo http://huc.edu.vn/chi-tiet/1321/.html
[3] Trích bài trả lời phỏng vấn trên báo Dân trí của PGS. TS Nguyễn Đăng Dung, đăng ngày 21/8/2009.
[4] Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 103 Luật Quản lý thuế số 78/2006, vi phạm hành chính của đối tượng nộp thuế bao gồm các nhóm sau: 1 – Vi phạm các thủ tục thuế; 2 – Chậm nộp tiền thuế; 3 – Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; 4 – Trốn thuế, gian lận thuế.
[5] “Predrag Goranovic, PhD, School of Economics, University of Montenegro, Podgorica. Taxpayers’ Rights and Tax Administration in Montenegro”.
[6] Xem quy định tại khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 15 Luật quản lý thuế số 78/2006.
[7] Đề tài NCKH “Đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong pháp luật thuế”, TS. Nguyễn Văn Vân, Trường ĐH Luật Tp.HCM, tr. 45. Nguồn gốc: 44 Bộ Luật Thuế CHLB Nga, (Phần I ban hành ngày 31/7/1998, Phần II ban hành ngày 5/8/2000. Налоговый кодекс Российской Федерации часть первая от 31 июля 1998 г. N 146-ФЗ и часть вторая от 5 августа 2000 г. N 117-ФЗ http://base.garant.ru/10900200/.
[8] Đề tài NCKH “Đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong pháp luật thuế”, TS. Nguyễn Văn Vân, Trường ĐH Luật Tp.HCM, tr. 45. Nguồn gốc: Taxpayer Bill Of Right. http://www.cra-arc.gc.ca/menu-eng.html
[9] Xem quy định từ chương II đến chương VII Luật Quản lý thuế 2006.
[10] Xem quy định từ chương X đến chương XII Luật Quản lý thuế 2006.
[11] Xem chương VII, VIII Luật Quản lý thuế 2006.
[12] Khoản 1 Điều 112 quy định: “Cơ quan quản lý thuế thực hiện không đúng theo quy định của Luật này, gây thiệt hại cho người nộp thuế thì phải bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.” Ngoài ra, không có quy định cụ thể cho trường hợp từ chối thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2013 (75)/2013 – 2013, Trang 67-72
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý