Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường
Tác giả: ThS. Nguyễn Hoàng Thùy Trang
Quyền tiếp cận thông tin nói chung và quyền tiếp cận thông tin môi trường nói riêng đã được ghi nhận trong nhiều công ước, tuyên bố về quyền con người[1] và các hiệp định về môi trường[2]. Năm 1996, Hội đồng nghị viện của Hội đồng châu Âu (the Parliamentary Assembly of the Council of Europe) đã thông qua Nghị quyết 1087[3] về Hậu quả của thảm họa Chernobyl và thừa nhận quyền tiếp cận thông tin môi trường là quyền cơ bản của con người[4]. Ngoài ra, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề đáng lo ngại thì quyền tiếp cận thông tin môi trường còn có mối quan hệ mật thiết với “quyền được sống của bản thân và gia đình” được quy định trong Công ước về Nhân quyền Châu Âu (European Convention on Human Rights)[5]. Để thực hiện quyền cơ bản đã được ghi nhận này, cộng đồng quốc tế và pháp luật của từng quốc gia đã tiến hành rất nhiều nỗ lực để công chúng có thể tiếp cận được thông tin liên quan đến môi trường với mục đích nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người. Bài viết này, trên cơ sở tìm hiểu Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin[6], các quy định về tiếp cận thông tin trong pháp luật môi trường hiện hành của Việt Nam, Chỉ thị 2003/4/EC[7] (sau đây gọi là Chỉ thị) của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Liên Minh Châu Âu ngày 28/1/2003 về tiếp cận thông tin môi trường của công chúng và Công ước Aarhus 1998[8] (sau đây gọi là Công ước) về Tiếp cận thông tin môi trường, sự tham gia của công chúng vào việc ra các quyết định về môi trường và tiếp cận tư pháp đối với các vấn đề về môi trường, đề cập những vấn đề sau đây: (1) Cơ sở xác lập quyền tiếp cận thông tin về môi trường; (2) Thông tin môi trường và phạm vi thông tin được tiếp cận và (3) Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin về môi trường nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường tại Việt Nam.
Xem thêm:
- Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế – ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
- Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam – PGS.TS. Phan Huy Hồng
- Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam – TS. Phan Thị Thành Dương
- Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực tài chính công – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
- Bàn về tên gọi của “Quyền tiếp cận thông tin” trong Hiến pháp 2013 – ThS. Nguyễn Lan Hương
TỪ KHÓA: Quyền tiếp cận thông tin, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Cơ sở xác lập quyền tiếp cận thông tin về môi trường
Môi trường là tài sản chung của cộng đồng. Công chúng là chủ thể tác động và chịu sự tác động của tất cả các yếu tố cấu thành môi trường. Vì vậy, họ cần phải được tiếp cận thông tin với tư cách của chủ sở hữu chung đối với không gian tồn tại và phát triển của mình và với tư cách là thành viên của thế hệ hiện tại có trách nhiệm với thế hệ tương lai. Sẽ là không hợp lý khi biết bao ý kiến của chuyên gia, kết quả nghiên cứu, vô số các dữ liệu và thông tin được lưu trữ và quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền mà không công bố như thể môi trường là tài sản riêng của họ vậy[9].
Bên cạnh đó, tiếp cận thông tin đóng vai trò quan trọng đối với sự tham gia của công chúng vào việc ra các quyết định về môi trường. Như đã đề cập ở trên, môi trường là tài sản chung của công chúng. Do vậy, họ phải được quyền tham gia vào việc đưa ra các quyết định liên quan đến việc bảo tồn, duy trì, phát triển, định đoạt… tài sản thuộc sở hữu chung. Sự hiểu biết đúng đắn, thông tin đáng tin cậy và dữ liệu chính xác là những yếu tố quan trọng và cần thiết để có một quyết định tốt về vấn đề môi trường. Nếu thiếu thông tin, sự tham gia của họ chỉ mang tính hình thức và như “bắn súng trong bóng tối”[10].
Cuối cùng, tiếp cận thông tin đóng vai trò then chốt đối với việc thực thi và hoàn thiện các quy định pháp luật về môi trường. Điều này thể hiện ở những khía cạnh sau:
Công chúng được hiểu theo nghĩa rộng. Họ hoạt động trong xã hội với nhiều tư cách khác nhau. Họ không chỉ tiếp cận thông tin với tư cách là người thụ hưởng mà còn với tư cách là nhà đầu tư (đầu tư vào lĩnh vực, khu vực nào trên cơ sở cân nhắc về môi trường), người tiêu dùng (lựa chọn những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, cho môi trường), người bầu cử (bầu hoặc không bầu cho những ứng cử viên trên cơ sở đánh giá sự quan tâm của họ đến môi trường), người bị thiệt hại (yêu cầu bồi thường)… Do vậy, ở khía cạnh này, công chúng, trên cơ sở thông tin họ tiếp cận được, sẽ tạo áp lực lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoàn thiện và thực thi các quy định pháp luật môi trường một cách có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của công chúng;
Hoạt động bảo vệ môi trường không thể tách rời khỏi công chúng. Nhà nước dù tạo ra luật lệ đầy đủ nhằm bảo vệ môi trường nhưng nếu người dân không tham gia thì việc bảo vệ môi trường cũng không có kết quả. Họ là chủ thể có quyền và nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật và đồng thời là chủ thể có khả năng kiểm tra, giám sát các vi phạm pháp luật môi trường một cách hiệu quả nhất – điều mà các cơ quan nhà nước, vì nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan – không thể làm tròn bổn phận của mình một cách trọn vẹn.
2. Thông tin môi trường và phạm vi thông tin được tiếp cận
Mặc dù Chỉ thị có quy định cụ thể và đầy đủ hơn nhưng nhìn chung Chỉ thị và Công ước đều ghi nhận thông tin môi trường[11] là những thông tin tồn tại dưới hình thức văn bản, hình thức có thể nhìn thấy được, có thể nghe thấy được, dưới dạng dữ liệu điện tử hay bất kỳ hình thức vào về:
(a) Tình trạng các yếu tố cấu thành môi trường như không khí, khí quyển, nước, đất, và các vị trí tự nhiên bao gồm vùng đầm lầy, vùng biển, đa dạng sinh học và các thành phần của nó, bao gồm sinh vật biến đổi gien và sự tương tác giữa các yếu tố cấu thành môi trường;
(b) Các yếu tố tồn tại trong môi trường như các chất, năng lượng, tiếng ồn, phóng xạ hoặc chất thải phát thải vào môi trường tác động hoặc có khả năng tác động đến các yếu tố cấu thành của môi trường nêu tại (a);
(c) Các hoạt động hoặc biện pháp, bao gồm cả các biện pháp hành chính như chính sách, luật pháp, kế hoạch, chương trình, các cam kết về môi trường và các hoạt động có tác động hoặc có khả năng tác động đến các yếu tố cấu thành môi trường và các yếu tố tồn tại trong môi trường (quy định tại (a) và (b))[12];
(d) Các phân tích phí tổn – lợi ích, phân tích kinh tế và các giả định được sử dụng trong khuôn khổ các biện pháp và hoạt động quy định tại (c);
(e) Tác động của các yếu tố cấu thành môi trường, của các yếu tố tồn tại trong môi trường, của các hoạt động hoặc biện pháp (quy định tại b) đến tình trạng sức khỏe, sự an toàn và điều kiện sống của con người, đến các công trình văn hóa và công trình xây dựng[13].
Với những thông tin môi trường vừa nêu, trên thế giới, có 2 cách tiếp cận về phạm vi thông tin môi trường mà công chúng được tiếp cận.
Cách thứ nhất là, mọi thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ đều là bí mật và chỉ được công khai trong những trường hợp cụ thể. Cách tiếp cận này đã từng được vương quốc Anh sử dụng trong suốt một thời gian dài thông qua Luật Bí mật Nhà nước 1911 (Official Secrets Act 1911). Tuy nhiên, cùng với xu hướng quốc tế về mở rộng quyền được tiếp cận thông tin của công chúng, luật này đã được sửa đổi vào năm 1989. Tiếp theo đó, tham luận của Chính phủ 1990 về “Di sản chung” (“This Common Inheritance” 1990 – White Paper) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để công chúng tiếp cận thông tin môi trường[14]. Ngày nay, Anh đã có những tiến bộ vượt bậc về việc tăng cường quyền tiếp cận thông tin môi trường của công chúng và chuyển sang cách tiếp cận thứ hai;
Theo cách này, về nguyên tắc, mọi thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ đều có thể tiếp cận được, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Ngày nay, trong các điều ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia phát triển, cách tiếp cận thứ hai đang chiếm ưu thế nhằm mở ra nhiều cơ hội cho công chúng được tiếp cận thông tin và thực hiện quyền cơ bản của con người một cách thiết thực hơn.
Điều 4, Điều 5 Công ước và Điều 4 Chỉ thị quy định rằng công chúng được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin mà không cần giải thích về sự cần thiết hay có lợi ích về thông tin đó (trong trường hợp này cơ quan nhà nước đóng vai trò thụ động). Yêu cầu của công chúng có thể không được chấp nhận trong những trường hợp sau: (1) thông tin được yêu cầu không có; (2) yêu cầu đưa ra rõ ràng bất hợp lý và quá chung chung; (3) yêu cầu liên quan đến thông tin nội bộ về những vấn đề đang được tiến hành mà luật quốc gia hoặc thông lệ cấm không được công bố; (4) thông tin được yêu cầu có tác động tiêu cực đến quan hệ quốc tế, phòng vệ quốc gia, trật tự công cộng, quyền sở hữu trí tuệ, vị trí sinh sản của những loài quý hiếm… Tuy nhiên, những trường hợp từ chối này phải được giải tích theo nghĩa hẹp, có tính đến lợi ích của công chúng[15] được hưởng từ việc công bố và tính đến việc liệu thông tin được yêu cầu có liên quan đến việc phát thải vào môi trường hay không.
Công ước cũng quy định rằng thông tin liên quan đến hiểm họa môi trường tiềm ẩn gây ra từ những hoạt động hiện tại và những hoạt động dự định tiến hành phải được cung cấp đầy đủ cho công chúng. Trong trường hợp có mối đe dọa sắp xảy ra, công chúng phải được cung cấp toàn bộ thông tin để họ tiến hành các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu nguy hại phát sinh từ hiểm họa đó. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm thu thập và cập nhật thông tin, làm thế nào để thông tin đó được minh bạch và có thể tiếp cận được, và chủ động công bố và phổ biến báo cáo quốc gia về hiện trạng môi trường mỗi 3 hoặc 4 năm 1 lần.
Như vậy, về nguyên tắc, tất cả thông tin môi trường đều thuộc phạm vi tiếp cận. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được từ chối yêu cầu trong những trường hợp cụ thể và đã được xác định rõ.
Trong khi Công ước và Chỉ thị có cùng cách tiếp cận về phạm vi thông tin về môi trường được cung cấp cho công chúng thì pháp luật môi trường Việt Nam lại có cách tiếp cận khác. Pháp luật hiện hành chưa trực tiếp và chính thức thừa nhận quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân bằng cách thức chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin[16] mà chủ yếu phụ thuộc vào vai trò chủ động và thiện chí của các cơ quan này đối với những thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai. Những thông tin này bao gồm:
Thông tin về việc lập và công khai Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh; Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực; Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Cam kết bảo vệ môi trường; Thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại tới sức khoẻ con người và môi trường; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải[17]…
Thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường[18];
Danh mục dữ liệu biển[19];
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin không khẳng định rõ nguyên tắc tiếp cận thông tin như Công ước và Chỉ thị. Tuy nhiên, dự thảo đã có cách tiếp cận tương tự khi quy định những trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Dự thảo cũng đưa ra 2 phương thức cung cấp thông tin: cơ quan nhà nước chủ động công bố những thông tin phải công khai rộng rãi và công dân, tổ chức được quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Những thông tin nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng thuộc đối tượng thông tin phải công khai rộng rãi do người đứng đầu cơ quan nắm giữ thông tin, cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh tiến hành công khai. Những thông tin khác về môi trường không được quy định cụ thể trong dự thảo luật này mà dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật chuyên ngành[20].
Bằng việc liệt kê những thông tin phải công khai trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như trên, phạm vi thông tin môi trường được công khai theo pháp luật Việt Nam hiện hành, so với Công ước và Chỉ thị, về cơ bản là đa dạng nhưng phạm vi hẹp hơn và chưa được xác định một cách bao quát và đầy đủ, chưa có quy tắc phân định ranh giới giữa thông tin phải công khai và thông tin không được công khai. Điều này xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau nên việc liệt kê và cách thức liệt kê như trên còn nhiều hạn chế. Do vậy, hiện nay có nhiều thông tin về môi trường chưa có quy định có bắt buộc phải công khai hay không như những thông tin về đánh giá môi trường chiến lược, thông tin về tính chất và mức độ gây ô nghiễm của các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng…
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra với Việt Nam là ngay cả khi cách tiếp cận và phạm vi thông tin được tiếp cận trong pháp luật tương tự như quy định của Công ước và Chỉ thị thì phạm vi thông tin được tiếp cận còn phụ thuộc vào nội hàm của khái niệm thông tin không được tiếp cận và cách thức xác định chúng. Chẳng hạn, cùng là khái niệm “trật tự công cộng” hay “phòng vệ quốc gia” nhưng việc giải mã chúng trong pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau. Nội hàm của chúng càng rộng thì phạm vi thông tin được quyền tiếp cận sẽ càng bị thu hẹp và ngược lại. Thêm vào đó, khi có tranh chấp liên quan đến thông tin được tiếp cận và thông tin không được tiếp cận, tòa án sẽ áp dụng các quy định pháp luật đó như thế nào. Nếu câu chữ của luật tiến bộ và cởi mở nhưng chúng được thực thi bởi những con người mang tư duy cũ kỹ và lạc hậu thì quyền tiếp cận thông tin trở thành một thứ xa xỉ mà công chúng không thể thực sự với tới được.
3. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin về môi trường
Việc thừa nhận quyền tiếp cận thông tin môi trường và mở rộng phạm vi thông tin được quyền tiếp cận sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không có các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế. Trong phần này, tác giả chỉ đề cập đến một số biện pháp như sau:
3.1. Hình thức và nội dung thông tin được tiếp cận
Về hình thức cung cấp thông tin, Công ước, Chỉ thị và các văn bản pháp luật về môi trường đều quy định nhiều hình thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công chúng có thể sử dụng để tiếp cận thông tin, trong đó nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đặc biệt, Công ước và Chỉ thị đều quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cung cấp thông tin bằng hình thức mà người yêu cầu sử dụng để yêu cầu cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin yêu cầu đã được công bố rộng rãi hoặc có cơ sở cho rằng việc cung cấp bằng hình thức khác sẽ hợp lý hơn.
Về nội dung thông tin, với tính chất đặc thù của lĩnh vực môi trường, các thông tin về môi trường thường phức tạp, đa dạng và mang tính chuyên sâu. Do vậy, thông tin được tiếp cận một mặt phải đảm bảo sự minh bạch, chính xác và trung thực, mặt khác chúng cần đáp ứng được các nhu cầu về thông tin khác nhau của công chúng. Nói cách khác, cơ quan nhà nước phải sắp xếp, tổ chức, đơn giản hóa thông tin theo cách thức “có thể tiếp cận được”. Chỉ thị quy định cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng thông tin cung cấp phải dễ hiểu, chính xác và có thể so sánh được[21]. Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa đặt ra yêu cầu về chất lượng thông tin do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động công bố. Đây sẽ là rào cản đối với công chúng khi thông tin họ nhận được có khả năng không phục vụ được cho mục đích của mình.
3.2. Chi phí tiếp cận thông tin
Công chúng cần thông tin nhưng họ sẽ không sẵn lòng trả chí phí cắt cổ để có được những thông tin đó. Do vậy, tùy theo loại thông tin và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể mà công chúng có thể tiếp cận thông tin miễn phí hoặc chỉ trả một khoản chi phí hợp lý. Công ước và Chỉ thị đã khẳng định điều này. Pháp luật Việt Nam hiện hành, do chỉ quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động công bố thông tin trên website, các phương tiện thông tin đại chúng… nên vấn đề chi phí chưa được đặt ra. Tuy nhiên, Dự thảo Luật tiếp cận thông tin đã quy định về vấn đề này tương tự như Công ước và Chỉ thị[22].
3.3. Thời hạn cung cấp thông tin
Công ước và Chỉ thị quy định, trừ những thông tin phải cung cấp ngay lập tức, những thông tin khác phải được cung cấp càng sớm càng tốt và thời hạn tối đa đối với các yêu cầu thông thường là 1 tháng, kế từ ngày nhận được yêu cầu và 2 tháng đối với các trường hợp đặc biệt. Các văn bản pháp luật hiện hành không quy định về vấn đề này. Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định khá rõ về trình tự, thủ tục giải quyết yếu cầu cung cấp thông tin, theo đó, thời hạn cung cấp thông tin từ 3 đến 15 ngày, tùy vào từng trường hợp cụ thể. Về mặt lý thuyết, thời hạn này đáng hoan nghênh nhưng về mặt thực tiễn, nó sẽ là áp lực và có thể là nhiệm vụ bất khả thi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.4 Khiếu nại, khởi kiện quyết định từ chối cung cấp thông tin
Như đã đề cập ở trên, thông tin được cung cấp được giới hạn trong một phạm vi nhất định. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép không công bố thông tin mà họ cho rằng thuộc những trường hợp ngoại lệ. Để tránh trường hợp các cơ quan này dựa vào những trường hợp ngoại lệ để tùy tiện thoái thác trách nhiệm cung cấp thông tin, Công ước và Chỉ thị quy định các quyết định từ chối cung cấp thông tin phải được xem xét lại theo thủ tục hành chính hoặc tư pháp. Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin ghi nhận quyền khiếu nại của người yêu cầu trong trường hợp này[23].
Kết luận
Quyền tiếp cận thông tin môi trường là một trong những quyền cơ bản của con người. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về môi trường của người dân đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia. Thực tiễn đã chứng minh, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Pháp luật Việt Nam tuy đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Những hạn chế này được chứng minh bằng kết quả khảo sát của Tổng cục môi trường năm 2010 rằng 96% người dân mù thông tin về môi trường và thậm chí họ còn không biết được rằng mình có quyền được tiếp cận những thông tin đó[24]. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của công chúng mà còn khiến các quy định của pháp luật khó có thể “cầm cự” được trong xu hướng quốc tế đòi hỏi sự minh bạch, công khai về thông tin nói chung và thông tin môi trường nói riêng và trong xu hướng đó, thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi hoạt động của con người trong đời sống xã hội. Luật Tiếp cận thông tin chưa được ban hành và không áp dụng cụ thể đối với lĩnh vực môi trường nhưng nếu các nhà lập pháp dũng cảm tiếp nhận cách tiếp cận và tư duy được thể hiện trong dự thảo khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là về quyền tiếp cận thông tin của công chúng thì người dân có thể tin rằng họ có cơ hội để mỗi người đều trở thành “một thanh tra môi trường tích cực và sáng suốt”[25] trong công cuộc bảo vệ môi trường sống và mưu cầu hạnh phúc của mình.
CHÚ THÍCH
* ThS Luật học, Khoa Luật thương mại, Trưởng ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] The Universal Declaration of Human Rights (UDHR) (1948); The International Covenant on Civil and Political Rights (1966); The European Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms (1950); The American Convention on Human Rights (1969); The African Charter on Human and Peoples’ Rights (1981).
[2] Rotterdam Convention on the Prior Informed Consent Procedure for Certain Hazadous Chemicals and Pesticides in International Trade 1998; Convention on Persistent Organic Pollutants 2001; Convention on the Transboundary Effects of Industrial Accidents 1992; The United Nations Framework Convention on Climate Change 1992; Principle 10 of the Rio Declaration 1992; The Aarhus Convention on Access to Information, Public Participation in Decision-Making and Access to Justice in Environmental Matter 1998.
[3] EUR. PARL. ASS.,Resolution 1087 on the Consequences of the Chernobyl Disaster 1996.
[4] Svitlana Kravcheco (2009), Is Access to Environmental Information a Fundamental Human Right?, Oregon Review of International Law, Vol 11, tr. 232.
[5] Xem vụ kiện Oneryildiz v Turkey, No. 48939/99 phán quyết 2002, tại http://www.humanrights.is/the-human-rights-project/humanrightscasesandmaterials/cases/regionalcases/europeancourtofhumanrights/nr/611.
[6] Dự thảo 4, http://moj.gov.vn/dtvbpl/Lists/Danh%20sch%20d%20tho/View_Detail.aspx?ItemID=34.
[7] Chỉ thị này thay thế Chỉ thị 90/313/EEC ngày 7/6/1990 về quyền tự do tiếp cận thông tin về môi trường.
[8] Công ước Aarhus của Ủy ban kinh tế châu âu Liên hiệp quốc (The United Nations Economic Commission for Europe (UNECE)) được 39 quốc gia và Cộng đồng châu âu ký kết tại thành phố Aarhus, Đan Mạch ngày 25/6/1998 và có hiệu lực từ ngày 30/10/2001. Tính đến ngày 26/12/2012, 46 quốc gia đã tham gia Công ước, chủ yếu là các quốc gia châu âu và một số quốc gia Trung Á. Việt Nam không là thành viên của Công ước này. Xem http://www.unece.org/env/pp/ratification.html.
[9] William A. Wilcox, Jr (2001) Access to Environemntal Information in the United States and the United Kingdom, International and Comparative Law Review, No. 2, tr.122.
[10] Tlđd 8, tr.124.
[11] Xem khoản 3 Điều 2 Công ước và khoản 1 Điều 2 Chỉ thị.
[12] Chỉ thị còn bao gồm các biện pháp hoặc hoạt động được đặt ra nhằm bảo vệ các yếu tố quy định tại (a) và (b). Xem khoản 1c, Điều 2 Chỉ thị.
[13] Ngoài ra, Chỉ thị còn bao gồm Các báo cáo về việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường.
[14] Tlđd 8, tr. 125
[15] Trên thực tế, việc xác định thông tin thuộc phạm vi từ chối tiếp cận dựa trên những căn cứ đã được quy định có tính đến lợi ích của công chúng là không dễ dàng. Trong vụ kiện C-71/10, Office of Communications v. Information Commissioner 2011, Phân tòa Nữ hoàng (the Queen’s Bench Division) của Tòa Thượng thẩm (The High Court), Phân tòa Dân sự của Tòa Phúc thẩm (the Court of Appeal – Civil Division), Tòa Tối cao (The Supreme Court) đã có quan điểm trái ngược nhau và Tòa Tối cao cho rằng vụ việc này cần phải được Tòa án Công lý Châu âu (The European Court of Justice – ECJ) giải thích. ECJ quyết định rằng khi có nhiều căn cứ thuộc trường hợp thông tin không được tiếp cận thì khi so sánh với lợi ích của công chúng, các căn cứ đó phải được cộng dồn. Xem chi tiết vụ kiện tại http://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?language=en&num=C-71/10#.
[16] Điều105 Luật Bảo vệ môi trường 2005 có quy định về đối thoại trực tiếp khi có yêu cầu nhưng không quy định cụ thể trình tự, thủ tục cụ thể để tiến hành đối thoại và biện pháp bảo đảm thực thi đối với yêu cầu của các cá nhân, tổ chức. Do vậy, tác giả không nhìn thấy được ý đồ của các nhà lập pháp về việc trao quyền chủ động yêu cầu cung cấp thông tin của công chúng.
[17] Điều 103, Điều 104, Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường 2005.
[18] Điều 4 Nghị định 117/2009/NĐ – CP về xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
[19] Nghị định 101/2007 về việc thu thập, quản lí, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển.
[20] Điều 8 Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin về Mối quan hệ giữa Luật Tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan.
[21] Mục 20 Chỉ thị.
[22] Điều 23 dự thảo Luật tiếp cận thông tin.
[23] Điều 27 dự thảo Luật tiếp cận thông tin.
[24] Theo công bố kết quả khảo sát về mức độ tiếp cận thông tin môi trường của Tổng cục Môi trường đối với 1,2 triệu người thuộc 6 tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Ninh Bình. Trong đó hơn 1,1 triệu người là doanh nhân và người dân không nắm rõ thông tin về ô nhiễm môi trường, chiếm tỷ lệ khoảng 96%, do nguồn tin cung cấp còn hạn chế. 28% số người được hỏi tiếp cận được với tài liệu tuyên truyền về lĩnh vực này, 26% người tiếp cận được với chủ trương của lãnh đạo về môi trường và 36% về tiếp cận thông tin về luật pháp môi trường. Kết quả khảo sát cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. 98% ý kiến cho rằng lỗi thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, 95% số người trong khảo sát cho rằng họ thiếu thông tin là do chính quyền địa phương. http://www.vpeg.vn/news.php?cat_id=18&id=448; http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2010/12/3ba23f30/.
[25] Theo phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, tỉnh Nghệ An, Bản tổng hợp thảo luận tại Hội trường (ghi theo băng ghi âm), ngày 07/11/2011 tại buổi Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Hoàng Thùy Trang*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013 (74)/ 2013 – 2013, Trang 72-77
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý