Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
TÓM TẮT
Bài viết phân tích sự cần thiết của quy định pháp luật về thanh tra lao động trong Bộ luật Lao động. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra những quy định về thanh tra lao động trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chưa bảo đảm sự đồng bộ với những quy định pháp luật về thanh tra ở Việt Nam và chuẩn mực quốc tế. Từ đó, bài viết đề xuất hướng hoàn thiện quy định về thanh tra lao động trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Xem thêm:
- Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị – ThS. Hà Thị Hoa Phượng
- Tổ chức đại diện người sử dụng lao động: Một số vấn đề pháp lý đặt ra và hướng hoàn thiện – TS. Đào Mộng Điệp
- Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về lao động cưỡng bức – ThS. Mai Đăng Lưu
- Bàn về cai thầu lao động theo quy định pháp luật – TS. Lê Ngọc Thạnh
- Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) – ThS. Đoàn Công Yên
- TỪ KHÓA: Tiêu chuẩn quốc tế, Thanh tra, Thanh tra lao động, Tạp chí Khoa học pháp lý
Vấn đề thanh tra lao động đã được quy định tại Điều 237 và Điều 238 Bộ luật Lao động năm 2012. Dự thảo Bộ luật Lao động 2019 (sửa đổi) (Sau đây gọi tắt là Dự thảo) tiếp tục quy định về thanh tra lao động tại các Điều 214, Điều 215 và Điều 216 Chương XVI. Chúng tôi đồng tình việc Dự thảo tiếp tục điều chỉnh trực tiếp về thanh tra lao động, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của thanh tra lao động đối với quản lý nhà nước về lao động và tính đặc thù của hoạt động này so với các lĩnh vực quản lý khác mặc dù tổ chức và hoạt động của thanh tra nhà nước về lao động đã được quy định bởi Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những quy định về thanh tra lao động trong Dự thảo vẫn chưa phản ánh hết tầm quan trọng của thanh tra lao động đối với quản lý nhà nước và trong việc góp phần thực thi hiệu quả Bộ luật Lao động trong tương lai.
1. Quy định về Chế định Thanh tra lao động trong BLLĐ
Hiện nay, tổ chức và hoạt động của thanh tra nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được quy định bởi Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quản lý nhà nước về lao động là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, có tính đặc thù. Vì vậy, thanh tra lao động cần phải được quy định trực tiếp trong Bộ luật Lao động năm 2012.
Thứ nhất, chúng ta có thể khẳng định rằng thanh tra lao động là một khâu cơ bản, là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước về lao động. Thanh tra lao động là công cụ phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về lao động góp phần bảo đảm tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh. Thực tiễn công tác thanh tra trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Cụ thể, từ năm 2013 – 2015, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thanh tra vùng và kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động tại 228 doanh nghiệp, ban hành 2333 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp thực hiện để khắc phục sai phạm, ra 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.[1] Năm 2018, Thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai 6.979 cuộc thanh tra (tăng 3,1% so với năm 2017). Qua thanh tra, ban hành 41.446 kiến nghị (giảm 09% so với năm 2017); 1.076 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (giảm 4,8% so với năm 2017) với tổng số tiền xử phạt là 32,234 tỷ đồng (tăng 19,39% so với năm 2017); kiến nghị cắt, thu hồi số tiền do sai phạm là 187,086 tỷ đồng (tăng 335% so với năm 2017); phát hiện 25 cán bộ thực hiện sai chính sách, quy định của pháp luật (giảm 72% so với năm 2017).[2]
Qua thực tiễn thanh tra, các cơ quan thanh tra lao động đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động ở nơi được thanh tra, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động. Từ đó cho thấy Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục kế thừa Bộ luật Lao động năm 2012 về thanh tra lao động là điều cần thiết, hợp lý.
Thứ hai, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, thị trường lao động tăng trưởng cả về quy mô và số lượng nhưng cũng diễn biến đa dạng, phức tạp. Trong đó, các vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về lao động ngày càng phổ biến, tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự quản lý nhà nước về lao động, Hiện nay, tình hình tai nạn lao động có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp, môi trường lao động ở nhiều doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo thông báo tình hình tai nạn lao động năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội[3] thì toàn quốc đã xảy ra hơn 7.981 vụ tai nạn lao động làm trên 8.251 người bị nạn, trong đó, số người chết là 862 người, số người bị thương nặng là 1.952 người, nạn nhân là lao động nữ là 2.371 người. So với năm 2015, số vụ tai nạn lao động tăng gần 5% và số người chết do tai nạn lạo động tăng gần 7%.
Thực tiễn trên cho thấy nhu cầu đối với thanh tra lao động càng cấp thiết. Việc tăng cường công tác thanh tra lao động nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về lao động, bảo đảm tuân thủ pháp luật nghiêm minh, thị trường lao động lành mạnh, an toàn.
Thứ ba, thanh tra lao động không chỉ nhằm mục đích “phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật” mà còn hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam: “mọi người thường chỉ coi thanh tra lao động là những người thi hành luật, xử phạt các vi phạm tại nơi làm việc nhưng cách tiếp cận mới của thanh tra lao động còn đề cao vai trò tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển một hệ thống tự tuân thủ dựa trên các thông tin và hướng dẫn của thanh tra”.[4] Đây là hướng tiếp cận mới, đúng đắn về vai trò của thanh tra lao động. Do đó, việc thể chế hóa thanh tra lao động trong Bộ luật Lao động năm 2012 không chỉ cần thiết đối với chủ thể quản lý nhà nước về lao động, người lao động mà còn rất cần thiết đối với các doanh nghiệp – người sử dụng lao động.
Thứ tư, Việt Nam là thành viên của Công ước số 81 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO)[5] về thanh tra lao động. Yêu cầu đặt ra là việc nội luật hóa cam kết quốc tế này về thanh tra lao động trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện nay, tổ chức và hoạt động của thanh tra lao động ở Việt Nam được điều chỉnh bởi Nghị định số 110/2017/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành lao động – thương binh và xã hội và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Như vậy, về mặt tổ chức, Việt Nam hoàn toàn nội luật hóa đầy đủ về thanh tra lao động, bảo đảm thanh tra toàn diện trong lĩnh vực lao động. Trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần phải nội luật hóa một cách toàn diện về thanh tra lao động để phù hợp với Công ước 81 bằng cách tiếp tục điều chỉnh về thanh tra lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).
2. Bất cập trong quy định về Thanh tra lao động
Thanh tra lao động được quy định tại các Điều 214, Điều 215 và Điều 216 Chương XVI của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo đã giữ lại toàn bộ những quy định về thanh tra lao động tại Điều 237 (Nhiệm vụ thanh tra nhà nước về lao động) và Điều 238 (Thanh tra lao động) Chương XVI của Bộ luật Lao động năm 2012 thành hai điều luật tương ứng là Điều 214 và Điều 215, đồng thời thêm một điều luật mới đó là Điều 216 (Quyền của Thanh tra viên lao động).
Xem xét từ tên gọi cho đến nội dung các điều luật này, chúng tôi nhận thấy Dự thảo đã không quy định toàn diện về tổ chức và hoạt động của thanh tra lao động.
Thứ nhất, về kỹ thuật lập pháp thì những quy định liên quan đến thanh tra lao động trong Dự thảo chứa đựng nhiều bất cập. Điều 214 Dự thảo quy định về Nhiệm vụ thanh tra nhà nước về lao động. Quy định này có 02 điểm hạn chế: một là, không chỉ dẫn chủ thể có thẩm quyền thanh tra lao động (tức là về mặt tổ chức) mà lại trực tiếp quy định nhiệm vụ của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động; hai là, chỉ quy định nhiệm vụ mà không quy định quyền hạn của các cơ quan này. Một cơ quan nhà nước khi thực hiện các hoạt động thuộc chức năng của mình thì được pháp luật quy định nhiệm vụ đồng thời cũng phải có những quyền hạn nhất định mà chúng ta thường gọi là “thẩm quyền”.[6]
Ngoài ra, Điều 215 Dự thảo có tên gọi là “Thanh tra lao động” thực chất là đề cập hoạt động thanh tra lao động là thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, nội dung điều luật này lại không quy định chuyển tiếp là giao cho “Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra chuyên ngành lao động” nên không tạo cơ sở pháp lý cho các văn bản hướng dẫn thi hành về thanh tra lao động của Bộ luật Lao động sửa đổi sau khi có hiệu lực thi hành.
Điều 216 của Dự thảo quy định về Quyền của thanh tra viên lao động nhưng tên gọi của Điều 216 không bảo đảm tính logic vì khi thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành thì thanh tra viên lao động không chỉ thực hiện quyền mà còn đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ. Về nội dung, thực chất Điều 216 quy định về thời gian, địa điểm thanh tra và tính chất bất ngờ trong thanh tra lao động (không báo trước), những quy định này nhằm bảo đảm sự tương thích với Công ước 81 của ILO (Điều 12).[7] Tuy nhiên, nội dung của Điều 216 xét về phạm vi là chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về thẩm quyền của thanh tra viên theo pháp luật thanh tra hiện hành (Điều 54 Luật Thanh tra năm 2010, Điều 31 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP).
Thứ hai, quy định về cơ quan có thẩm quyền thanh tra lao động trong Dự thảo không đồng bộ, gây mâu thuẫn với các văn bản pháp luật thanh tra hiện hành, nhất là là Luật Thanh tra năm 2010.
Theo Dự thảo thì chủ thể có thẩm quyền thanh tra lao động là cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm ở Trung ương có Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở địa phương có Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Quy định này của Dự thảo không chỉ không đồng bộ với Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành mà còn không phản ánh đúng thực tế hoạt động thanh tra chuyên ngành về lao động. Theo Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành thì trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, ngoài các cơ quan thanh tra nhà nước được thành lập ở các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực (thanh tra bộ, thanh tra sở) còn có một số tổng cục, cục thuộc bộ, Chi cục thuộc sở, Chi cục thuộc Cục được quyền thực hiện thanh tra chuyên ngành. Theo đó, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về lao động thì ngoài Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn có Tổng cục Dạy nghề, Cục Quản lý Lao động ngoài nước có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về lao động. Bên cạnh đó, Nghị định số 110/2017/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành lao động – thương binh và xã hội còn quy định thêm cơ quan có quyền thanh tra chuyên ngành về lao động là Cục An toàn lao động.
Thứ ba, Điều 216 Dự thảo quy định về quyền thanh tra viên lao động không hợp lý về chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thanh tra tại chỗ trong thanh tra chuyên ngành về lao động. Điều này rất mâu thuẫn với Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản pháp luật về thanh tra có liên quan. Cụ thể:
Điều 6 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Hoạt động thanh tra do Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện”. Tương ứng là hai phương thức thanh tra trong thanh tra chuyên ngành: thanh tra chuyên ngành bằng cách thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện hoạt động thanh tra[8] hoặc phân công Thanh tra viên chuyên ngành, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện độc lập (gọi tắt là thanh tra độc lập).
Theo đó, thực tiễn thanh tra chuyên ngành về lao động hiện nay không chỉ do cá nhân Thanh tra viên lao động thực hiện theo phương thức thanh tra độc lập mà rất nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành được tiến hành bởi các đoàn thanh tra mà Thanh tra viên là thành viên trong đó. Vì thế, quy định như tại Điều 216 của Dự thảo là không đầy đủ, không bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc được thực hiện thanh tra tra chuyên ngành về lao động.
Ngoài ra, hoạt động thanh tra được thực hiện theo 03 hình thức cơ bản là: thanh tra theo chương trình, kế hoạch; thanh tra đột xuất; thanh tra thường xuyên (gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh thanh tra chuyên ngành).[9] Trong đó, đối với hình thức thanh tra theo chương trình kế hoạch thì quyết định thanh tra phải gửi trước cho đối tượng thanh tra trước khi đến thanh tra còn thanh tra đột xuất thì không cần phải báo trước. Do đó, Điều 216 quy định cho phép thanh tra viên lao động thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành về lao động không cần phải báo trước cho đối tượng thanh tra thì không phải lúc nào cũng hợp lý.
Thứ tư, Dự thảo chưa thể hiện đầy đủ về vấn đề nội luật hóa pháp luật quốc gia để phù hợp với Công ước 81 của ILO.
Như đã đề cập, về mặt tổ chức, hiện nay pháp luật Việt Nam quy định các cơ quan thực hiện thanh tra về lao động, đáp ứng yêu cầu của Công ước 81. Tuy nhiên, khi xây dựng quy định về nhiệm vụ của cơ quan thanh tra về lao động thì Dự thảo chưa phản ánh được hết các nhiệm vụ trọng tâm của thanh tra lao động theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều 214 của Dự thảo quy định:
“Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động;
- Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm an toàn, vệ sinh lao động;
- Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật;
- Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về lao động”.
Xem các quy định trên về nhiệm vụ của thanh tra nhà nước về lao động, chúng tôi thấy rằng những quy định này chưa thể hiện triệt để hai chức năng rất quan trong của thanh tra lao động theo Công ước 81 là: (i) cung cấp thông tin và góp ý kiến về kỹ thuật cho người sử dụng lao động và người lao động về cách thức hữu hiệu nhất để tuân thủ các quy định pháp luật; (ii) lưu ý cơ quan có thẩm quyền về những khiếm khuyết hay những sự lạm dụng mà các quy định pháp luật hiện hành chưa đề cập cụ thể.[10] Trong đó, khoản 3 Điều 214 dù có đề cập việc thanh tra lao động “tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động” nhưng không bao quát hết chức năng “hướng dẫn” việc tuân thủ pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động theo tinh thần của Công ước 81. Hơn nữa, Điều 214 hoàn toàn không quy định nhiệm vụ của thanh tra lao động là kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những bất cập hạn chế của chủ trương, chính sách, pháp luật về lao động để người có thẩm quyền kịp thời khắc phục, sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về lao động.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Qua những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị một số vấn đề mang tính khái quát như sau:
Thứ nhất, về logic các Điều 214, 215 và 216 cần phải được quy định lại với tên gọi và nội dung phù hợp. Cụ thể: Điều 214. Tổ chức thanh tra về lao động; Điều 215. Hoạt động của thanh tra về lao động; Điều 216. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, Thanh tra viên lao động, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành lao động
Thứ hai, Điều 214 phải nêu rõ được hai vấn đề quan trọng: (i) cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng thanh tra lao động bao gồm Cơ quan thanh tra nhà nước về lao động (gồm Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) và Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lao động; (ii) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra lao động chứ không chỉ quy định nhiệm vụ thanh tra như tại Dự thảo. Trong đó, cần phải phản ánh đầy đủ những yêu cầu về chức năng của thanh tra lao động theo Công ước 81 của ILO.
Thứ ba, Điều 215 cần quy định Hoạt động thanh tra lao động và giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành lao động, qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra lao động khi Dự thảo được thông qua và có hiệu lực.
Thứ tư, Điều 216 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Về nội dụng, cần phải quy định thêm những quyền khác bên cạnh các quyền được quy định như trong Dự thảo và phải bổ sung những quy định về nghĩa vụ của các chủ thể này. Về góc độ pháp lý, không thể tồn tại việc cán bộ, công chức nhà nước thực hiện công vụ nhà nước chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ.
CHÚ THÍCH
[1] Bộ Lao động – thương binh và Xã hội, Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, ngày 31/01/2018.
[2] Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Hội nghị Tổng kết năm 2018, Phương hướng nhiệm vụ năm 2019, ngày 18/12/2018, http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=28926, truy cập ngày 04/10/2019.
[3] Thông báo số 1152/TB-BLĐTBXH ngày 28/3/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Thông báo tình hình tai nạn lao động.
[4] Tổ chức Lao động quốc tế (tại Việt Nam), “Thanh tra lao động: xử phạt hay tư vấn để doanh nghiệp phát triển bền vững?”, Trang thông tin điện tử của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngày 25/3/2016, https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/feature-articles/WCMS_463262/lang–vi/index.htm, truy cập ngày 04/10/2019.
[5] Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có Công ước số 81 (năm 1947) về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại; Công ước số 129 (năm 1969) về thanh tra lao động trong nông nghiệp; Công ước số 178 (năm 1996) về thanh tra các điều kiện làm việc và sinh hoạt của thuyền viên. Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên của Công ước số 81.
[5] Nguyễn Cửu Việt, “Cải cách hành chính: về khái niệm thẩm quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 8, năm 2005.
[6] Điều 12 Công ước số 81 của ILO, 1947: “1). Các thanh tra viên lao động mang theo những giấy tờ chứng minh về chức vụ của mình sẽ được quyền: a) Tự do vào không phải báo trước, bất kể giờ nào, ngày cũng như đêm, bất cứ cơ sở nào dưới quyền kiểm soát của thanh tra; b) Vào ban ngày tất cả các phòng ban mà họ có thể có lý do hợp lệ để cho rằng các phòng ban đó thuộc quyền kiểm soát của thanh tra; c) Tiến hành mọi cuộc xét nghiệm, kiểm tra hoặc điều tra xét thấy cần thiết để bảo đảm rằng các quy định pháp luật được thi hành chặt chẽ, nhất là: i) Hỏi riêng rẽ hoặc trước mặt các nhân chứng, người sử dụng lao động hoặc các nhân viên của cơ sở, về tất cả các vấn đề có liên quan đến việc thi hành những quy định của pháp luật; ii) Yêu cầu cho xem mọi sổ sách, tài liệu mà trong pháp luật hoặc pháp quy về điều kiện làm việc có quy định phải lập, để kiểm tra xem có phù hợp với những quy định pháp luật không, để sao chép, làm trích lục các sổ sách, tài liệu đó; iii) Đòi niêm yết thông báo mà pháp luật đã quy định phải niêm yết; iv) Lấy và mang đi để phân tích các mẫu của các vật liệu và các chất đã sử dụng hoặc thao tác, miễn là người sử dụng lao động hoặc đại diện của người đó được báo cho biết rằng các vật liệu, các chất đã được lấy mang đi vì mục đích đó. 2. Khi đến thanh tra, các thanh tra viên phải thông báo cho người sử dụng lao động hoặc đại diện của người đó biết sự có mặt của mình, trừ khi thanh tra viên cho là việc báo như vậy có thể phương hại đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ”.
[7] Hiện nay, phương thức thanh tra theo Đoàn thanh tra được quy định chi tiết tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
[8] Điều 37 Luật Thanh tra năm 2010.
[9] Điểm b, c khoản 1 Điều 3 Công ước 81 của ILO về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại, 1947.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Lao động – thương binh và Xã hội, Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, ngày 31/01/2018 [trans: Ministry of Labor – Invalids and Social Affairs, Summary report on implementation of Labor Code 2012, January 31, 2018]
[2] Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 (Dự thảo lần 6) [trans: The Draft of amended Labor Code 2019 (6th Draft)]
[3] Tổ chức Lao động quốc tế (tại Việt Nam), “Thanh tra lao động: xử phạt hay tư vấn để doanh nghiệp phát triển bền vững?”, Trang thông tin điện tử của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) [trans: The International Labor Organization (in Vietnam), Labor Inspectorate: penalizing or advising enterprises to develop sustainably ?, The International Labor Organization (ILO)], https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/feature-articles/WCMS_463262/lang–vi/index.htm, accessed on 04/10/2019
[4] Thanh tra Bộ Lao động -Thương binh và xã hội, Hội nghị Tổng kết năm 2018, Phương hướng nhiệm vụ năm 2019, ngày 18/12/2018 [trans: Inspectorate of Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, Reviewing Conference 2018, Mission directions for 2019, December 18, 2018], http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=28926, accessed on 04/10/2019
- Tác giả: PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – ThS. Nguyễn Văn Trí
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09/2019 (130)/2019 – 2019, Trang 97 – 104
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời