• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011

Quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011

01/05/2020 22/05/2021 TS. Võ Tấn Đào Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011
  • 2. Một số bất cập trong các quy định về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011
  • 3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại
  • CHÚ THÍCH

Quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011

TÓM TẮT

Bài viết phân tích, bình luận những quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại, đồng thời chỉ ra một số điểm bất cập trong quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện quy định này, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011

Xem thêm:

  • Cơ chế pháp lý nhằm bảo đảm thực thi quyền khiếu nại, khiếu kiện hành chính ở Việt Nam – PGS.TS. Phan Trung Hiền
  • Từ thực tiễn giám sát giải quyết khiếu nại hành chính: Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám sát – ThS. Võ Phan Lê Nguyễn
  • Hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật công chức – ThS. Phan Lê Hoàng Toàn
  • Hoàn thiện các quy định pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai – ThS. Võ Phan Lê Nguyễn
  • Cần bỏ quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu khiếu nại – ThS. Võ Phan Lê Nguyễn

TỪ KHÓA: Khiếu nại, Pháp luật về Thanh tra – Khiếu nại – Tố cáo,

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam
  • Hoàn thiện các quy định pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai
  • Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
  • Cơ chế pháp lý nhằm bảo đảm thực thi quyền khiếu nại, khiếu kiện hành chính ở Việt Nam
  • Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam
  • Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế
  • Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường ở Việt Nam
  • Cần bỏ quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu khiếu nại
  • Bàn về tên gọi của “Quyền tiếp cận thông tin” trong Hiến pháp 2013
  • Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực tài chính công

Khiếu nại hành chính có đặc điểm là một bên trong tranh chấp luôn là cơ quan công quyền. Để bảo đảm một sự cân bằng nhất định giữa các bên và tạo điều kiện cho quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực sự công bằng, khách quan, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, pháp luật quy định các quyền và nghĩa vụ mà các bên phải tôn trọng, nhất là đối với người khiếu nại để họ có thể tự tin trước cơ quan nhà nước vốn luôn có nhiều ưu thế trong tranh chấp hành chính. Một trong những nội dung quan trọng mà pháp luật khiếu nại cần phải thể hiện đó là quy định về quyền được tiếp cận thông tin của người khiếu nại trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại dựa trên nguyên tắc thuận tiện, hiệu quả, minh bạch và khách quan. Khi được tiếp cận một cách đầy đủ các thông tin liên quan đến vụ việc khiếu nại như tài liệu, chứng cứ… phản ánh sự thật khách quan của vụ việc, người khiếu nại có cơ sở để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại của họ là đúng đắn, qua đó giúp nhanh chóng kết thúc vụ việc và kịp thời khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại trong trường hợp bị xâm phạm.

Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại trong pháp luật khiếu nại bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế, là công cụ, phương tiện để người khiếu nại bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng liên quan đến vấn đề này trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

1. Quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011

Hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại được thể hiện thông qua các quyền cụ thể sau đây: (i) quyền được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước (điểm d khoản 1 Điều 12); (ii) quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước (điểm đ khoản 1 Điều 12) và (iii) quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại (điểm h khoản 1 Điều 12).

– Quyền được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước

Đây là quyền “mới được đề cập trong Luật Khiếu nại năm 2011 so với Luật Khiếu nại, tố cáo trước đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền của mình và giám sát quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước”.[1] Có thể thấy, để việc giải quyết khiếu nại phản ánh đúng sự thật khách quan, đầy đủ cơ sở, lý lẽ thì tất yếu người giải quyết khiếu nại phải tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ làm cơ sở, minh chứng cho việc ra quyết định giải quyết khiếu nại. Với địa vị là chủ thể có quyền giải quyết vụ việc khiếu nại, mang tư cách là cơ quan công quyền, người giải quyết khiếu nại có nhiều thuận lợi trong việc thu thập, tập hợp những tài liệu, chứng cứ phản ánh sự thật khách quan của vụ việc. Trong khi đó, người khiếu nại với tư cách là đối tượng quản lý, việc thu thập tài liệu, chứng cứ là cực kỳ hạn chế vì những tài liệu, chứng cứ đó hầu hết do cơ quan nhà nước lưu giữ và cung cấp. Do vậy, để tạo điều kiện cho người khiếu nại được nhận thức đầy đủ và toàn diện về vụ việc khiếu nại thông qua việc tiếp cận với các tài liệu, chứng cứ khác nhau phản ánh sự thật khách quan của vụ việc, pháp luật ghi nhận người khiếu nại được quyền biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập. Cũng cần thấy rằng, đối với các tài liệu, thông tin thuộc về bí mật nhà nước thì người khiếu nại đương nhiên không thể tiếp cận. Mặt khác, với quy định trên, người khiếu nại cũng chỉ được quyền biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập chứ không bao gồm tất cả các tài liệu, chứng cứ do mọi chủ thể trong hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại thu thập được như người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan (nếu có)…

– Quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước

Quyền này của người khiếu nại được xem là quy định “tạo điều kiện cho người khiếu nại có thể tìm kiếm thêm “công cụ” và tự tin hơn trong việc thực hiện việc khiếu nại trước cơ quan công quyền”.[2] Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về mục đích mà người khiếu nại được quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu là để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại; và khoảng thời gian tối đa để các chủ thể có liên quan cung cấp là 07 ngày. Tuy nhiên, với mục đích và yêu cầu trên, pháp luật cũng thể hiện sự “nhất cử lưỡng tiện” khi vừa bảo đảm các chủ thể có những tài liệu, chứng cứ có liên quan có nghĩa vụ nhanh chóng thực hiện theo yêu cầu của người khiếu nại để họ giao nộp cho người giải quyết khiếu nại nhưng cũng vừa là cơ sở để người khiếu nại tiếp cận được các tài liệu, thông tin của vụ việc khiếu nại. Quy định theo hướng trên sẽ phần nào ràng buộc các chủ thể đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ kịp thời cung cấp cho người khiếu nại, không trì trệ vì thời hạn đã ấn định và vì để giao nộp cho người có thẩm quyền là người giải quyết khiếu nại. Lúc này quyền yêu cầu của người khiếu nại mới thực sự là quyền, bởi lẽ với việc ràng buộc trách nhiệm như trên của các chủ thể có liên quan đến việc thu thập tài liệu, chứng cứ của người khiếu nại sẽ xoá bỏ được tình trạng xin – cho bấy lâu nay trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân từ phía cơ quan công quyền. Khi giảm thiểu, giải tỏa được việc phải đợi chờ sự thiện chí từ cơ quan nhà nước, người khiếu nại dễ dàng tiếp cận được các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc khiếu nại để chứng minh cho yêu cầu của họ khi thực hiện quyền khiếu nại. Rõ ràng, đây là một điểm tiến bộ của Luật Khiếu nại năm 2011 khi chuyển từ trạng thái cung cấp hay không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người khiếu nại của cơ quan công quyền một cách tùy nghi thành nghĩa vụ bắt buộc.

– Quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại

Mục đích của người khiếu nại khi thực hiện quyền khiếu nại là yêu cầu cơ quan công quyền xem xét lại quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì lẽ đó, người khiếu nại luôn theo sát và gắn liền với vụ việc khiếu nại, mong muốn biết được các thông tin liên quan đến vụ việc khiếu nại của họ. Chẳng hạn như khiếu nại của họ có được thụ lý giải quyết hay không, việc giải quyết khiếu nại được thực hiện bao gồm các bước nào và đã thực hiện được đến khâu nào, kết luận cuối cùng được thể hiện trong quyết định giải quyết khiếu nại… Xuất phát từ nhu cầu chính đáng trên, pháp luật khiếu nại đã ghi nhận quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại của người khiếu nại tại điểm h khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011. Tương ứng với quyền trên của người khiếu nại, các chủ thể có thẩm quyền có trách nhiệm đáp ứng thông qua việc gửi văn bản thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại theo các quy định như sau tại Điều 27, 32, 36, 41 Luật Khiếu nại năm 2011:

– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại năm 2011, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại;

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại;

– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.

“Quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại được xem là quyền đương nhiên của người khiếu nại”,[3] họ không nhất thiết phải yêu cầu mà người giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có trách nhiệm gửi văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại; sau khi giải quyết khiếu nại thì phải có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại. Có thể nói đây là quyền nhằm xác lập sự ràng buộc người giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thực sự chú trọng và quan tâm đến hoạt động giải quyết khiếu nại. Họ phải có trách nhiệm nhanh chóng và kịp thời xem xét việc khiếu nại của công dân hay các yêu cầu từ phía đối tượng quản lý để quyết định tiếp nhận vụ việc khiếu nại và ra quyết định giải quyết khiếu nại trong khoảng thời gian nhất định, từ đó “tránh được tình trạng quan liêu, thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.[4] Xét trên phương diện lịch sử, khác hẳn với trước đây, “cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước thường coi việc giải quyết khiếu nại như một sự quan tâm, một sự ban ơn đối với người khiếu nại. Do đó khi giải quyết thường không có nghĩa vụ gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại”,[5] với quy định như hiện nay, đây sẽ là cơ sở bảo đảm hoạt động giải quyết khiếu nại thực sự hiệu quả và có giá trị cao trên thực tế.

Bên cạnh đó, điều này không chỉ thể hiện được tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết khiếu nại, mà còn nhằm bảo đảm cho người khiếu nại nhận thức được việc mình khiếu nại có được chấp nhận hay không, để từ đó tiếp tục có những động thái phù hợp hơn trong vụ việc khiếu nại của mình. Sở dĩ như vậy là vì khi nhận được văn bản thụ lý giải quyết khiếu nại, nghĩa là việc khiếu nại của họ được chấp thuận để tiến hành giải quyết, đây là bước đầu tiên của một quy trình giải quyết khiếu nại và tiếp theo sau đó họ sẽ được quyền thực hiện các quyền cụ thể của mình trong quá trình giải quyết khiếu nại nhằm minh chứng cho yêu cầu của họ là có cơ sở hoặc xem xét rút khiếu nại, thay đổi, bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại… Hoặc cũng có thể là căn cứ vào văn bản thông báo thụ lý, người khiếu nại có cơ sở để biết thời hạn vụ việc của mình được giải quyết, nếu quá thời hạn đó mà không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra Toà án. Tương ứng như vậy, việc nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, chứng tỏ thời điểm kết thúc của một hoạt động giải quyết khiếu nại, từ đó giúp cho người khiếu nại biết được việc khiếu nại của mình có được chấp thuận hay không, tiếp đến là việc suy xét khiếu nại lần hai hoặc đưa vụ việc ra Toà án nhân dân hay chấp nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai.

Tựu trung lại, quy định trên đã phần nào “góp phần xóa bỏ sự cách biệt trong các quan hệ về khiếu nại hành chính giữa người khiếu nại và cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại”[6] khi luôn có sự công khai, minh bạch về thông tin trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc và ràng buộc trách nhiệm giữa người giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với người khiếu nại.

2. Một số bất cập trong các quy định về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011

Bên cạnh những điểm tiến bộ, tích cực như đã đề cập ở trên thì quy định của pháp luật hiện hành về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại vẫn còn những vướng mắc nhất định và thiết nghĩ cần được sửa đổi để hoàn thiện pháp luật như sau.

Thứ nhất, Luật Khiếu nại năm 2011 chưa ghi nhận người khiếu nại được quyền biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan…. thu thập là điểm còn hạn chế

Như đã phân tích quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011, đối với các tài liệu, chứng cứ không phải do người giải quyết khiếu nại thu thập thì người khiếu nại chưa có cơ sở để có thể tiếp cận, không thể biết, đọc, sao chụp, sao chép (chẳng hạn như người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan…). Có thể thấy, để “thực hiện cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách hiệu quả, mọi người cần phải được tiếp cận thông tin”;[7] vì vậy, người khiếu nại cũng cần phải được tiếp cận thông tin một cách đa diện, nhiều chiều từ nhiều phía chủ thể khác nhau trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại để trước hết họ có thể nhìn nhận tổng thể, đầy đủ về vụ việc khiếu nại đang theo đuổi, từ đó có những động thái và giải pháp phù hợp, “cân đo đong đếm” thiệt hơn và tính chính đáng của yêu cầu mà họ đưa ra nhằm đi đến quyết định có tiếp tục theo đuổi vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lựa chọn một giải pháp ôn hòa bằng cách rút khiếu nại nếu nhận thấy yêu cầu của mình là không có cơ sở. Tuy nhiên, với hạn chế trên, pháp luật khiếu nại chưa tạo điều kiện tối đa để người khiếu nại có thể tiếp cận được các nguồn thông tin, tài liệu, chứng cứ từ nhiều phía khác nhau để có thể bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bất cập này được thể hiện thông qua vụ việc như sau:

Ngày 08/7/2004, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long ban hành một quyết định chung số 2016 về việc thu hồi 163,2 ha đất tại 2 ấp Mỹ Hưng 2 và ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ Hòa) để giao cho Ban quản lý dự án khu công nghiệp xây dựng khu công nghiệp Bình Minh.

Ông Huỳnh Văn Sung (sinh năm 1931, ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa) là một trong những hộ dân chịu sự tác động của quyết định số 2016 và có đến 9.116m2 đất bị ảnh hưởng thu hồi theo quyết định trên nhưng ông Huỳnh Văn Sung không được mời họp lấy ý kiến cũng như không nhận được bất cứ thông báo nào về việc thu hồi đất này. Sau đó, ông đã nhiều lần khiếu nại các cấp chính quyền và đề nghị cung cấp quyết định thu hồi đất của từng hộ cá nhân và bản thân gia đình ông nhưng không được đáp ứng. Trong vòng gần 08 năm kể từ thời điểm quyết định số 2016 được ban hành và ông Huỳnh Văn Sung có yêu cầu được nhận quyết định trên thì UBND tỉnh Vĩnh Long hoàn toàn im lặng và không có sự phản hồi đối với yêu cầu của người khiếu nại.[8]

Như vậy, có thể thấy xuất phát từ việc pháp luật chưa quy định về việc người khiếu nại được quyền biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ của người bị khiếu nại thu thập nên trong tình huống trên, dẫu người khiếu nại có yêu cầu được biết quyết định thu hồi đất thì cũng chưa có cơ sở để giải quyết.

Thứ hai, pháp luật khiếu nại mới chỉ dừng lại ở việc quy định một cách khái quát người khiếu nại được quyền sao chụp, sao chép và yêu cầu các chủ thể có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ nhưng chưa quy định cụ thể hình thức, điều kiện, cách thức sao chụp, sao chép và yêu cầu chủ thể có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu

Trên thực tế có những vụ việc khiếu nại mà “tài liệu, chứng cứ thu thập được từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương lên đến hàng ngàn trang thì việc cung cấp cho người khiếu nại khi họ yêu cầu cần có thời gian và kinh phí nhưng chưa có quy định hướng dẫn. Hơn nữa cũng chưa có hướng dẫn cách thức để thực hiện quyền sao chụp tài liệu như thế nào, chẳng hạn như một người được thực hiện quyền sao chụp bao nhiêu lần, có phải trả phí sao chụp hay không?….”.[9] Thêm vào đó, “thực tế vừa qua ở nhiều địa phương, cách thức thực hiện cũng khác nhau: có nơi yêu cầu phải làm đơn xin đọc, sao chụp tài liệu, cung cấp thông tin; có nơi chỉ lập biên bản ký nhận; thậm chí có nơi chỉ cho phép sao chụp một số loại thông tin, tài liệu, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, qua nhiều giai đoạn giải quyết”.[10] Đặc biệt, báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2013 của Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã chỉ ra rằng, mặc dù “người khiếu nại có quyền được biết, đọc, sao chụp tài liệu, chứng cứ do người giải quyết thu thập nhưng hiện nay cách thức thực hiện còn khác nhau do chưa có hướng dẫn”.[11] Chính bất cập trên dẫn đến quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại còn bị hạn chế bởi hiện tượng còn lúng túng, chưa biết phải thực hiện các thủ tục, các bước như thế nào để yêu cầu của người khiếu nại được chấp nhận bởi chủ thể đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ.

Thứ ba, pháp luật khiếu nại chưa quy định về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ trong trường hợp không cung cấp hoặc có cung cấp nhưng không đáp ứng trọn vẹn theo yêu cầu của người khiếu nại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do

Như trên đã phân tích, để bảo đảm quyền của người khiếu nại là được yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, pháp luật ràng buộc các chủ thể có liên quan phải có trách nhiệm cung cấp trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Tuy nhiên, pháp luật vẫn còn chưa quy định về trường hợp mà các chủ thể trên trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu từ phía người khiếu nại nhưng không cung cấp, đồng thời cũng không giải thích vì sao không cung cấp. Hoặc trong trường hợp có cung cấp nhưng lại không đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của người khiếu nại và không nêu rõ nguyên do. Dưới đây là một ví dụ cho bất cập của pháp luật về vấn đề này và hệ quả kèm theo.

Vào khoảng năm 1944, cụ Châu (là ông nội của ông Trần Văn Được – trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bắt đầu quản lý và sử dụng hai thửa đất liền kề nhau là thửa số 3 có diện tích 2 sào 14 thước và thửa số 21 có diện tích 7 sào. Năm 1968, cụ Châu đã tự nguyện hiến cho Hợp tác xã nông nghiệp Đức Lân thửa đất ruộng số 21 có diện tích 7 sào, còn lại thửa số 3 có diện tích 2 sào 14 thước gia đình vẫn quản lý sử dụng từ đó đến nay.

Tuy nhiên, trên bản đồ địa chính năm 2001 thể hiện hai thửa đất trên được xác định là thửa đất số 344, diện tích 2.166 m2, tờ bản đồ số 20. Đến năm 2004, gia đình ông Trần Văn Được phát hiện có nhầm lẫn, sai lệch này nên đã khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị sửa chữa. Trong các văn bản trả lời, dù không có căn cứ chứng minh nhưng UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong và UBND xã Yên Phụ lại luôn khẳng định thửa đất trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND xã Yên Phụ. Không đồng ý với nội dung trên, gia đình ông Trần Văn Được tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền khác.

Sau một thời gian dài chờ đợi việc giải quyết khiếu nại, gia đình ông Trần Văn Được nhận được Công văn số 2368/UBND-NC ngày 02/10/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết đơn khiếu nại trong đó có nội dung xác định: “Ngày 03/12/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 113/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao cho UBND xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, diện tích đất bị thu hồi theo quyết định trong đó có thửa ao số 344, tờ bản đồ số 20, bản đồ địa chính năm 2001, diện tích 2.166 m2”. Đây là lần đầu tiên gia đình ông Trần Văn Được biết đến việc Quyết định số 113/QĐ-UBND là quyết định thu hồi đất của gia đình ông (cùng một số hộ khác trong xã). Do vậy, gia đình ông Trần Văn Được đã nhiều lần yêu cầu được nhận cũng như tiếp cận Quyết định số 113/QĐ-UBND nói trên nhưng không nhận được phản hồi. Phải cho đến gần một năm sau, ngày 07/5/2015, gia đình ông Trần Văn Được mới nhận được bản photo Quyết định số 113/QĐ-UBND thông qua một kênh trung gian khác chứ không phải từ phía UBND.[12]

Thông qua tình huống trên, có thể thấy rằng vì pháp luật chưa quy định ràng buộc trách nhiệm phải thông báo nên người đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ chưa cung cấp kịp thời và thậm chí là im lặng. Từ đó làm cho người khiếu nại không thể tiếp cận được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để tự bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình và cũng chính từ sự chờ đợi vô hạn định như trên mà đôi khi trên thực tế, những thiệt hại xuất phát từ việc thực thi các QĐHC, HVHC của người khiếu nại càng trở nên trầm trọng và sâu sắc hơn.

Thứ tư, pháp luật chưa quy định rõ ràng về cách thức gửi thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại

Xét trên phương diện đáp ứng quyền, quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại của người khiếu nại là một quyền mang tính thụ động, mức độ và khả năng quyền này được thực thi hiệu quả trên thực tế hay không xuất phát từ trách nhiệm và sự thiện chí của chủ thể có thẩm quyền. Vì lẽ đó, việc pháp luật khiếu nại ràng buộc trách nhiệm thông báo và gửi các văn bản trên đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật khiếu nại lại chưa làm rõ được cách thức gửi các văn bản trên để chứng tỏ rằng người khiếu nại đã nhận được. Từ hạn chế trên, khả năng người khiếu nại không thể được hưởng một cách trọn vẹn quyền này trên thực tế là rất lớn. Bởi vì, thực khó xác định được trên thực tế việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm thủ tục thông báo hoặc gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại… nhưng bị thất lạc, với việc cơ quan đó không thực hiện các thủ tục này. Bên cạnh đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thường giao về cho nhân sự trong cơ quan mình chuyển giao văn bản, có một số nơi chuyển giao thông qua việc gửi về tổ dân phố nơi công dân cư trú, giao cho tổ trưởng một quyển sổ ghi nhận khi tổ trưởng giao văn bản cho công dân thì sẽ có ký nhận. Tuy nhiên việc áp dụng như vậy còn lỏng lẻo nếu như người khiếu nại và người thực hiện khiếu nại là khác nhau, không trực tiếp nhận được văn bản. Ngoài ra, giữa Luật Khiếu nại năm 2011 với Thông tư số 07/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính (Thông tư số 07/2013/TT-TTCP) có những quy định mâu thuẫn nhau liên quan đến vấn đề này. Theo đó, theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP, người giải quyết khiếu nại bắt buộc phải thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc; trong khi quy định về nội dung này của Luật Khiếu nại hiện hành lại là 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ…). Thậm chí, cho đến năm 2016, khi Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 02/2016/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 20/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư trên (Thông tư số 02/2016/TT-TTCP), trong đó cũng có sửa đổi, bổ sung nội dung tại Điều 5 nhưng nội dung trái luật trên vẫn được giữ nguyên.

Từ các lỗ hổng như trên, nhiều khi trên thực tế, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể ban hành thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại chậm trễ và thậm chí là không ban hành. Dưới đây là một ví dụ.

Năm 2008, bà Trần Thị Kim Lan mua miếng đất gần 90 m2 tại hẻm 186 Trường Chinh (quận 12, TP. Hồ Chí Minh). Lô đất này nằm trong một miếng đất lớn, trên thực tế chưa có đường đi nhưng trong bản đồ phân lô bán nền, chủ đất có chừa đường đi thông ra hẻm 186 đã được UBND quận 12 công nhận. Tuy nhiên, nơi thông ra hẻm trên trên thực tế bị một bức tường chắn ngang và không có lối đi vào phần đất nhà bà Lan. Sau đó để xây nhà, bà Lan đặt vấn đề đập bỏ bức tường thì ông N.K.K – chủ căn nhà ở sát bức tường không cho đập. Ông K yêu cầu bà Lan phải “mua” đường đi. Không đồng tình, bà Lan đã đưa vụ việc đến khiếu nại tại UBND quận 12 và được tiếp nhận nhưng sau đó nhận được trả lời rằng vụ việc của bà Lan thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, yêu cầu bà khởi kiện ra Tòa.

Không đồng tình, bà Lan làm đơn khiếu nại công văn trả lời của UBND quận 12 vào tháng 11/2011. Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 2012 bà Lan vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND quận 12, UBND quận cũng không có thông báo trả lời có thụ lý giải quyết khiếu nại hay không mặc dù đã quá thời hạn luật định. Mãi sau đó, vì quá bức xúc do phải chờ đợi sự im lặng từ chính quyền, bà Lan gửi đơn phản ánh đến Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thì Văn phòng tiếp công dân thành phố đã có công văn yêu cầu UBND quận 12 “phải kiểm tra vụ việc, trả lời công dân theo quy định”, lúc này khiếu nại của bà Lan mới được xem xét.[13]

Cũng tương tự như quyền nhận văn bản thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, quyền nhận quyết định giải quyết khiếu nại của người khiếu nại còn bị xâm phạm một cách trầm trọng và phổ biến hơn nữa trên thực tế khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không kịp thời giải quyết vụ việc khiếu nại, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại và dẫn đến hệ quả cuối cùng là cũng không gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại. Đơn cử như vụ việc thực tế dưới đây.

Ông Tiếu Hoa Năng, nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, là người đấu tranh với tiêu cực của lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh này. Vào ngày 16/01/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định kỷ luật buộc thôi việc số 166 đối với ông Tiếu Hoa Năng. Sau đó, ông Năng đã khiếu nại vì cho rằng quyết định này có những quy kết không đúng và trái luật. Mãi cho đến tháng 05/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vẫn im lặng và chưa có dấu hiệu giải quyết vụ việc trên. Vào cuối tháng 05/2016, Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh này sớm ra quyết định giải quyết khiếu nại theo luật định nhưng vụ việc vẫn im hơi lặng tiếng. Đặc biệt, vào đầu tháng 02/2017, Thanh tra Bộ Nội vụ vừa có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật trên. Đáng chú ý, đây là lần thứ 2, Bộ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định. Lần thứ nhất là văn bản của Bộ vào ngày 03/8/2016.

Như vậy, kể từ thời điểm ông Năng khiếu nại cho đến nay hơn 2 năm vẫn chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh, bất chấp các yêu cầu của cơ quan trung ương, địa phương và nguyện vọng chính đáng của một cán bộ có dấu hiệu bị hàm oan.[14]

Có thể thấy, xuất phát từ các kẽ hở như trên, một mặt đây chính là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng thực thi quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại, mặt khác, đó có thể là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng khiếu nại đông người đã và đang diễn ra hiện nay. Sẽ có những người khiếu nại tiếp tục chờ đợi sự phản hồi từ phía cơ quan công quyền, nhưng sẽ có những số khác chủ động lựa chọn một giải pháp thay thế bằng cách khiếu nại lên cấp trên, thậm chí là liên kết lại để khiếu nại đông người. Trong các báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, những năm gần đây hiện tượng khiếu nại đông người vẫn diễn ra phổ biến và đáng báo động. Đặc biệt, các báo cáo của Thanh tra Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2016 đã cho thấy được tổng thể tiến trình và sự gia tăng một cách mạnh mẽ việc khiếu nại đông người của công dân. Theo đó, từ năm 2008 đến năm 2011, tỷ lệ khiếu nại đông người đã tăng đến 64,5%; từ năm 2011 đến năm 2016, tỷ lệ này tăng đến 62,4% so với giai đoạn 2008 – 2011.[15]

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại

Thứ nhất, bổ sung quy định cho phép người khiếu nại được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan… thu thập

Xuất phát từ bất cập đã đề cập tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011, thiết nghĩ rằng quy định trên nên được điểu chỉnh như sau: “Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan (nếu có)… thu thập, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước”.

Khi quy định như vậy, người khiếu nại có cơ hội tiếp cận đa dạng các loại tài liệu, chứng cứ phản ánh mọi khía cạnh của vụ việc. Đây chính là một trong những nhân tố góp phần tạo cơ hội cho các bên có thể trao đổi, tranh luận về tính đúng đắn, khách quan của vụ việc thông qua các tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập để đi đến một giải pháp và cách ứng xử khả thi nhất. Người khiếu nại có thể rút khiếu nại nếu thông qua các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được họ nhận thấy việc làm của chủ thể công quyền là thuyết phục. Hoặc khi có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, người khiếu nại sẽ khẩn trương cung cấp cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để họ sớm kết luận vụ việc khiếu nại. Bởi lẽ suy cho cùng, khi tài liệu, chứng cứ càng đa dạng và thể hiện đầy đủ bản chất của vụ việc thì trách nhiệm xác minh, làm rõ các tình tiết của vụ việc cũng như việc giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại càng được diễn ra nhanh chóng, giản đơn hơn.

Mặt khác, quy định như trên sẽ triệt tiêu được hạn chế trong giai đoạn giải quyết khiếu nại lần đầu. Vì ở giai đoạn này, hầu hết người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là người bị khiếu nại,[16] nếu họ cố tình che dấu tài liệu, chứng cứ bất lợi và gây sức ép, buộc người giải quyết khiếu nại (cơ quan thanh tra, cơ quan chuyên môn…) không được để người khiếu nại biết được các tài liệu, chứng cứ gây phương hại đến họ thì rõ ràng lúc này tính khách quan của vụ việc đã không được bảo đảm, việc giải quyết khiếu nại có thể không thể hiện đúng bản chất của sự việc.

Thứ hai, Luật Khiếu nại năm 2011 cần bổ sung điều khoản quy định về hình thức, điều kiện, cách thức người khiếu nại được quyền yêu cầu các chủ thể có liên quan cho phép sao chụp, sao chép, cung cấp tài liệu, chứng cứ

Như trong phần trên đã phân tích, việc thực hiện quyền này của người khiếu nại trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn xuất phát từ việc pháp luật khiếu nại chưa hướng dẫn một cách minh thị về nội dung này. Tác giả cho rằng cần bổ sung một điều khoản ghi nhận quyền này như sau:

“Điều…: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp và cho phép sao chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ

Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp và cho phép sao chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ. Khi yêu cầu, đương sự phải làm đơn ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp, sao chép, sao chụp; lý do yêu cầu cung cấp, sao chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp, sao chép, sao chụp.

Đương sự thực hiện việc ghi chép, sao chụp bằng máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác của họ. Các tài liệu chứng cứ đó phải liên quan đến vụ việc khiếu nại, không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật đời tư…

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu biết”.

Khi quy định như vậy, về cơ bản sẽ giải quyết triệt để được một lúc hai vấn đề, đó là người khiếu nại sẽ không phải rơi vào trạng thái bị động mà nhận thức rõ được thủ tục phải thực hiện như thế nào; sao chép, sao chụp thông qua các phương tiện gì và các nội dung cần phải thể hiện trong đơn yêu cầu để được các chủ thể có liên quan chấp nhận. Mặt khác, việc ghi nhận minh thị như trên cũng tạo điều kiện để các chủ thể đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ khi tiếp nhận yêu cầu có cơ sở giải quyết hoặc từ chối, tránh vấp phải sự lúng túng và phản ứng tiêu cực từ các chủ thể.

Ngoài ra, khi ấn định rõ các loại tài liệu không được phép tiếp cận, sao chép, sao chụp như trên, hiện tượng người khiếu nại bị gây khó dễ thông qua việc giới hạn số lượng tài liệu, chứng cứ một cách bất hợp lý cũng được giảm thiểu. Thêm vào đó, việc khẳng định nghĩa vụ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do nếu không cung cấp cho người có yêu cầu biết không những góp phần xóa bỏ sự im lặng khi có yêu cầu từ phía người khiếu nại của các chủ thể đang nắm giữ thông tin, tài liệu mà còn tránh được tâm lý chờ đợi từ phía người khiếu nại. Qua đó giúp họ chủ động có những cách thức giải quyết phù hợp hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thay vì đợi chờ sự thiện chí từ các chủ thể khác.

Thứ ba, pháp luật khiếu nại cần làm rõ được cách thức người có thẩm quyền gửi thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại đến người khiếu nại, đồng thời loại bỏ mâu thuẫn về thời hạn thông báo

Điều 27, 32, 36, 41 Luật Khiếu nại năm 2011 liên quan đến việc gửi thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại cần bổ sung quy định như sau: “văn bản này phải được giao trực tiếp cho người khiếu nại; người khiếu nại hoặc người được ủy quyền phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản. Đồng thời, UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm chuyển giao các văn bản trên khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại và phải thông báo kết quả việc chuyển giao đó cho người giải quyết khiếu nại”. Bên cạnh đó, để loại bỏ mâu thuẫn về thời hạn thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại giữa các văn bản pháp luật khác nhau, tránh tồn tại những quy định dưới luật có tính chất trái luật như quy định tại Điều 5 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP và Điều 1 Thông tư số 02/2016/TT-TTCP, thiết nghĩ cần thống nhất áp dụng như quy định tại Điều 27 và Điều 36 Luật Khiếu nại năm 2011. Nghĩa là thời hạn để người có thẩm quyền thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại sẽ chỉ là 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ…) mà không phải là ngày làm việc như các văn bản trên đề cập. Từ đó, cần bãi bỏ quy định tại Điều 5 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP và Điều 1 Thông tư số 02/2016/TT-TTCP.

Có thể thấy rằng, quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại của người khiếu nại là một quyền mang tính thụ động, có tính trái ngược với một phần tâm lý của người giải quyết khiếu nại. Trong khi người giải quyết khiếu nại mong muốn thụ lý và giải quyết vụ việc một cách cẩn trọng thì quyền được nhận các văn bản trên của người khiếu nại lại đòi hỏi cần có sự đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn luật định đặt ra. Do tính chất đối lập như vậy nên đôi khi trên thực tế, mặc dù luật pháp ràng buộc trách nhiệm gửi thông báo thụ lý và quyết định giải quyết khiếu nại của chủ thể có thẩm quyền một cách tường minh nhưng thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy khả năng thực thi và việc đáp ứng nội dung trên là không cao, quyền này của người khiếu nại vẫn bị xâm phạm. Do vậy, việc tiếp tục bổ sung các quy định như trên liên quan đến nội dung này nhằm lấp đầy các kẽ hở, minh thị hóa cách thức gửi các văn bản để loại bỏ tình trạng chậm trễ trong việc ban hành các văn bản trên từ phía cơ quan công quyền là cần thiết.

Mặt khác, việc sửa đổi như trên sẽ tránh được tình trạng trì hoãn thụ lý và gửi thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại của chủ thể có thẩm quyền, từ đó góp phần tạo nên ý thức chủ động trong việc sớm giải quyết vụ việc khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Thêm vào đó, điều này vừa bảo đảm người khiếu nại có cơ sở để bám sát quá trình tiếp nhận vụ việc của chủ thể có thẩm quyền nhằm chủ động lựa chọn tiếp tục theo đuổi vụ việc hay đưa vụ việc ra Tòa án nhân dân, vừa tránh được hiện tượng mất quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính của công dân, cơ quan, tổ chức vì hết thời hiệu khiếu nại hoặc khởi kiện mà một trong những nguyên do lại xuất phát từ sự cố tình không gửi các văn bản trên của chủ thể có thẩm quyền.

CHÚ THÍCH

[1] Thanh tra Chính phủ, Hỏi đáp pháp luật về khiếu nại (Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn), Đề án 1 -1133/QĐ-TTg, Hà Nội, 2014, tr. 13.

[2] Đinh Văn Minh, Khiếu nại hành chính – Lịch sử phát triển và những vấn đề thực tiễn (so sánh với Pháp, Trung Quốc và một số nước trên thế giới), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 225.

[3] Lê Việt Sơn – Võ Tấn Đào, “Quyền của người khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 05, 2017, tr. 16.

[4] Đinh Văn Minh, Tìm hiểu Luật Khiếu nại, tố cáo (tái bản có sửa chửa, bổ sung), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 55.

[5] Lê Bình Vọng, Tìm hiểu Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1991, tr. 136.

[6] Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Đặc san tuyên truyền pháp luật số 05/2012 – Chủ đề Pháp luật về khiếu nại, Hà Nội, 2012, tr. 76.

[7] Thái Thị Tuyết Dung, Quyền tiếp cận thông tin của công dân ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 17.

[8] Hạnh Nguyễn, “Vĩnh Long: Tỉnh sai sẽ không cưỡng chế, dân sai sẽ cưỡng chế”, Báo Tuổi trẻ, http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170705/vinh-long-tinh-sai-se-khong-cuong-che-dan-sai-se-cuong-che/1343686.html, truy cập ngày 18/06/2017.

[9] Nguyễn Thắng Lợi, “Giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã: Đâu là hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/5745/Giai_quyet_khieu_nai_to_cao_o_cap_xa_Dau_la_han_che_nguyen_nhan_va_giai_phap_khac_phuc, truy cập ngày 20/7/2017.

[10] Đỗ Gia Thư, “Thực trạng luật sư tham gia giải quyết khiếu nại hành chính”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 09, 2016, tr. 30 – 31.

[11] Báo cáo số 2804/BC-UBPL13 của Ủy ban pháp luật của Quốc hội ngày 14/11/2014 báo cáo kết giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, tr. 30.

[12] Anh Thế, “Đề nghị làm rõ khiếu nại của công dân trong việc thu hồi đất tại Bắc Ninh”, Báo Dân trí,.http://dantri.com.vn/ban-doc/de-nghi-lam-ro-khieu-nai-cua-cong-dan-trong-viec-thu-hoi-dat-tai-bac-ninh-20150903080737059.htm, truy cập ngày 28/6/2017.

[13] Trần Thị Kim Lan – Dương Ngọc Hà, “Biết gõ chỗ nào cho cửa quan mở?”, Báo Dân trí, http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20131006/biet-go-cho-nao-cho-cua-quan-mo/572865.html, truy cập ngày 29/7/2017.

[14] Thanh Hải, “Chuyện động trời ở Bình Thuận: Bị trù dập vì chống tiêu cực”, Báo Tiền Phong, http://www.tienphong.vn/phap-luat/chuyen-dong-troi-o-binh-thuan-bi-tru-dap-vi-chong-tieu-cuc-1006112.tpo, truy cập ngày 01/8/2017; Nguyễn Tường, “Vụ cách chức oan cán bộ: Mòn mỏi chờ quyết định hợp tình”, Báo Dân Việt, http://danviet.vn/ban-doc/vu-cach-chuc-oan-can-bo-mon-moi-cho-quyet-dinh-hop-tinh-743635.html, truy cập ngày 01/8/2017.

[15] Báo cáo số 1198/BC-TTCP ngày 16/5/2012 của Thanh tra Chính phủ về tình hình, kết quả công tác tiếp công, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 đến năm 2011 và giải pháp trong thời gian tới, tr. 01; Báo cáo số 3537/BC-TTCP ngày 30/12/2016 của Thanh tra Chính phủ về tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, tr. 05.

[16] Hoàng Ngọc Dũng, Giải quyết khiếu nại hành chính trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Học viện hành chính quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 105.

  • Tác giả: TS. Võ Tấn Đào
  • Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(118)/2018 – 2018, Trang 20-29
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Những điểm mới trong quy định pháp luật về khiếu nại và khởi kiện liên quan đến kiểm toán nhà nước
Những điểm mới trong quy định pháp luật về khiếu nại và khởi kiện liên quan đến kiểm toán nhà nước
Hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam - Thực tiễn và một số giải pháp
Hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam – Thực tiễn và một số giải pháp
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị

Chuyên mục: Hành chính/ Luật Hành chính Việt Nam Từ khóa: Khiếu nại/ Luật Khiếu nại 2011/ Người khiếu nại/ Pháp luật về Thanh tra - Khiếu nại - Tố cáo/ Quyền tiếp cận thông tin/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2018

Previous Post: « Khái niệm và sự cần thiết kiểm soát của tư pháp đối với quyền hành pháp
Next Post: Nghĩa vụ hạn chế tổn thất và vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Pháp luật thương mại »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng