Nhận diện tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
TÓM TẮT
Thương mại quốc tế tất yếu dẫn đến sự ra đời của nhóm chủ thể là thương nhân nước ngoài, trong đó có tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh. Tại Việt Nam, sự xuất hiện ngày càng phổ biến nhóm chủ thể này vừa là cơ hội phát triển kinh tế, cũng là thách thức về phía quản lý nhà nước nói chung, quản lý nghĩa vụ thuế nói riêng. Nhận diện chính xác tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ thuế là cơ sở quan trọng cho việc hình thành các quy định pháp luật đặc thù điều chỉnh nghĩa vụ thuế của nhóm chủ thể đặc biệt này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thu thuế.
Xem thêm:
- Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế – ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
- Phát triển các hình thức hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế – Kinh nghiệm tại một số quốc gia và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam – TS. Nguyễn Thị Thanh Tú
TỪ KHÓA: Doanh nghiệp, Doanh nghiệp nước ngoài, Đối tượng nộp thuế, Tổ chức nước ngoài, Thuế nhà thầu, Tạp chí Khoa học pháp lý
Mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập song hành với nguồn vốn đầu tư kinh doanh vào thị trường Việt Nam ngày một gia tăng. Tính chung trong năm 2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm vào thị trường Việt Nam đạt 22,35 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2012.[1] Hình thức đầu tư, kinh doanh theo đó cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Riêng với các tổ chức nước ngoài, bên cạnh việc kinh doanh thông qua hiện diện pháp nhân tại Việt Nam như góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam, góp vốn thành lập mới công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài…, họ còn có thể thực hiện nhiều dạng thức kinh doanh khác làm phát sinh thu nhập hoặc các khoản lợi ích vật chất tại Việt Nam mà không cần thông qua hiện diện pháp nhân. Chẳng hạn, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng giữa các bên không hình thành pháp nhân, ủy quyền cho phía Việt Nam cung ứng hàng hóa tại Việt Nam mà tổ chức nước ngoài vẫn là chủ sở hữu với hàng hóa, kinh doanh theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ… Sự xuất hiện các dạng thức kinh doanh này đặt ra thách thức cho công tác quản lý, thu thuế từ phía nhà nước. Vì lẽ, so với các hình thức đầu tư bài bản, có đăng ký, có hình thành pháp nhân kinh doanh, chịu sự quản lý tương đối chặt chẽ từ phía Nhà nước theo quy định của pháp luật, việc thu thuế tổ chức nước ngoài khi họ tiến hành các hoạt động kinh doanh này khó xác định, khó quản lý hơn xuất phát từ đặc trưng chung là không có hiện diện pháp nhân tại Việt Nam khi kinh doanh. Nhận diện, thu thuế đối với các tổ chức nước ngoài trong trường hợp kể trên là cần thiết, nhằm:
– Đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước, tránh tình trạng thất thu thuế hoặc thu thừa thuế do không nhận diện chính xác đối tượng nộp thuế;
– Đảm bảo công bằng trong việc điều tiết nghĩa vụ thuế của các chủ thể khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
– Từ việc nhận diện chính xác tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế, có thể hình thành các quy định pháp luật đặc thù điều chỉnh nghĩa vụ thuế của họ nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác hành thu thuế.
1. Một vài cơ sở lý luận để nhận diện tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam
Hiện nay, khi tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thông qua hiện diện pháp nhân, toàn bộ nghĩa vụ thuế mà họ phải thực hiện thường được gọi là nghĩa vụ thuế nhà thầu hay nghĩa vụ thuế với nhà thầu nước ngoài. Điều này được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu[2] và có cơ sở pháp lý tại Điều 16 Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 106/2010/NĐ-CP:
“Điều 16: Khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc thuế thu nhập cá nhân) của tổ chức (hoặc cá nhân) nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (gọi là nhà thầu nước ngoài); khai thuế khấu trừ và nộp thay cho các hãng vận tải nước ngoài.
1- Khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc thuế thu nhập cá nhân) của nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (sau đây gọi là thuế nhà thầu nước ngoài) quy định như sau: …”
Tại một số quốc gia, thuế nhà thầu còn được gọi là thuế khấu trừ đối với nhà thầu nước ngoài (foreign contractor with holding tax). Chẳng hạn, tại Singapore, thuế khấu trừ với nhà thầu nước ngoài là thuế tính cho một công ty, cá nhân nước ngoài không cư trú khi họ cung cấp dịch vụ hoặc làm việc ở Singapore. Lúc này, công ty hoặc cá nhân tại Singapore trước khi thanh toán cho phía nước ngoài phải giữ lại một khoản tiền thuế nhất định và bàn giao cho Cơ quan Thuế nội địa của Singapore (IRAS) gọi là khấu trừ[3]. Tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh cụ thể, nghĩa vụ thuế nhà thầu có thể bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với nhà thầu nước ngoài là tổ chức, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân với nhà thầu là cá nhân cùng với một số khoản thuế khác. Dù vậy, với sự giới hạn chủ thể nước ngoài là tổ chức, thuế nhà thầu được đề cập trong bài viết này chủ yếu bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nhận diện đối tượng nộp thuế nhà thầu là nhận diện các dấu hiệu hình thành tư cách đối tượng nộp thuế GTGT, thuế TNDN của nhà thầu nước ngoài là tổ chức khi họ thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
1.1. Tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại thị trường Việt Nam
Cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại thị trường Việt Nam là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, đối tượng chịu thuế GTGT là tất cả hàng hóa, dịch vụ được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam, ngoại trừ 25 trường hợp không chịu thuế được liệt kê tại Điều 5 Luật thuế GTGT năm 2008, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 31/2013[4]. Vì vậy, khi thực hiện các hành vi này, tổ chức nước ngoài được xem là đã tác động lên đối tượng chịu thuế GTGT, hình thành tư cách đối tượng nộp thuế GTGT. Đồng thời, một trong các điều kiện bắt buộc để một tổ chức trở thành đối tượng nộp thuế TNDN cũng là, tổ chức có thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam[5]. Do đó, hành vi kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cũng là cơ sở hình thành nghĩa vụ thuế TNDN của họ.
Tuy nhiên, khi xem xét cơ sở này, cần lưu ý đến tư cách của tổ chức nước ngoài khi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Vì lẽ, trên thực tế, tổ chức nước ngoài có thể thực hiện hoạt động kinh doanh với danh nghĩa chính mình, hoặc thông qua hiện diện pháp nhân tại Việt Nam. Kinh doanh với danh nghĩa chính mình được hiểu là việc tổ chức tự mình, hoặc thông qua các đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng điều hành…) để thực hiện hoạt động kinh doanh. Kinh doanh thông qua hiện diện pháp nhân tại Việt Nam là trường hợp mà tổ chức nước ngoài cũng bỏ vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh, thậm chí nắm quyền quyết định, chi phối toàn bộ hành vi, chiến lược kinh doanh, nhưng khi thực hiện các hoạt động này, họ không nhân danh chính mình mà sử dụng danh nghĩa của một chủ thể khác. Chẳng hạn, tổ chức nước ngoài góp vốn với phía Việt Nam thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, bỏ vốn thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp này, nhìn từ góc độ kinh tế, tổ chức nước ngoài đang thực hiện hoạt động kinh doanh gián tiếp thông qua các pháp nhân kinh doanh mới mà họ thành lập tại Việt Nam. Dù vậy, ở góc độ pháp lý, đây không còn được xem là hoạt động kinh doanh của tổ chức nước ngoài mà là hoạt động kinh doanh của chính các pháp nhân mới hình thành. Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, pháp nhân do tổ chức nước ngoài thành lập tại Việt Nam có tư cách pháp lý độc lập, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh và nhân danh chính mình trong các quan hệ pháp luật.[6]
Tổ chức nước ngoài được xem là tự mình thực hiện hoạt động kinh doanh trong các trường hợp sau:
– Một là, kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam. Lúc này, hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu (nếu có) do cơ sở thường trú tại Việt Nam trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, với tư cách là một đơn vị phụ thuộc, cơ sở thường trú được cho là tiến hành hoạt động kinh doanh nhân danh doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động của cơ sở thường trú cũng là hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, tổ chức nước ngoài mới là chủ thể có nghĩa vụ thuế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập, bao gồm:
- a) Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;
- b) Ðịa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;
- c) Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hay một tổ chức, cá nhân khác;
- d) Ðại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;
đ) Ðại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam[7].
– Hai là, kinh doanh không thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam mà trực tiếp thực hiện giao kết hợp đồng với phía Việt Nam. Chẳng hạn, tổ chức nước ngoài có thể kinh doanh theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ, thuê phía Việt Nam phân phối hàng hóa thay mình hoặc giao kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ… Trong trường hợp này, việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải được tổ chức nước ngoài tiến hành tại Việt Nam, nơi mà quyền đánh thuế của nhà nước được thể hiện. Trường hợp việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tư cách đối tượng nộp thuế của tổ chức nước ngoài không hình thành. Chẳng hạn, trường hợp tổ chức nước ngoài giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài, người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam. Trong ví dụ này, phía nước ngoài đã chuyển quyền sở hữu và rủi ro liên quan đến hàng hóa trước khi hàng vào đến lãnh thổ Việt Nam, vì vậy, việc cung ứng hàng hóa không được xem là thực hiện tại Việt Nam.
Như vậy, tổ chức nước ngoài chỉ là đối tượng nộp thuế khi thực hiện hoạt động kinh doanh nhân danh chính mình. Trường hợp họ kinh doanh thông qua hiện diện pháp nhân tại Việt Nam, với tư cách pháp lý độc lập của mình, chính pháp nhân hiện diện tại Việt Nam mới là đối tượng nộp thuế.
Ngoài ra, hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam phải là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Hiện nay, trừ một số sắc thuế tương đối đặc biệt[8], Nhà nước chỉ điều tiết nghĩa vụ thuế của các chủ thể khi hành vi kinh doanh của họ là hợp pháp. Kinh doanh hợp pháp được hiểu ở hai góc độ: một là, hàng hóa, dịch vụ sử dụng để kinh doanh phải được phép sản xuất, lưu thông và không thuộc các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật; hai là, hàng hóa, dịch vụ phải có từ các giao dịch hợp pháp, hành vi của chủ thể tác động lên hàng hóa, dịch vụ cũng phải là hành vi hợp pháp. Trong đó, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ được xác định bởi các quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp tổ chức nước ngoài không thỏa mãn tính hợp pháp của hành vi kinh doanh, nghĩa vụ thuế của họ không được hình thành.
1.2. Tổ chức nước ngoài có các khoản thu nhập hợp pháp phát sinh tại Việt Nam
Về mặt lý luận, sở hữu thu nhập chịu thuế là điều kiện đủ để một tổ chức trở thành đối tượng nộp thuế TNDN[9]. Tuy nhiên, với tổ chức nước ngoài, thu nhập này phải phát sinh tại Việt Nam hoặc phát sinh ở nước ngoài nhưng liên quan tới hoạt động của cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Theo quy định pháp luật, thuế TNDN là loại thuế có nhiệm vụ điều tiết trên phần thu nhập hợp pháp của các tổ chức thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng như pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, Nhà nước thu thuế TNDN dựa trên hai cơ sở: quốc tịch (nơi cư trú) của tổ chức và nơi thu nhập phát sinh. Trường hợp tổ chức mang quốc tịch Việt Nam, thẩm quyền đánh thuế của Nhà nước không giới hạn địa điểm phát sinh thu nhập. Điều này xuất phát từ phương diện quyền lực tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ. Tất cả đối tượng cư trú và hoạt động diễn ra trên lãnh thổ quốc gia đều thuộc quyền lực này[10]. Điều này có nghĩa là, tổ chức mang quốc tịch Việt Nam phải chịu thuế với cả các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ở nước ngoài. Trong khi đó, với tổ chức mang quốc tịch nước ngoài, quyền đánh thuế của Nhà nước chỉ được thiết lập khi thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc phát sinh ở nước ngoài nhưng liên quan tới hoạt động của cơ sở thường trú tại Việt Nam. Lý do Nhà nước thu được thuế với thu nhập phát sinh ở nước ngoài trong trường hợp này là vì nó liên quan tới hoạt động của cơ sở thường trú đặt tại Việt Nam, được xem là có nguồn gốc tại Việt Nam. Cơ sở xác định quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh[11]. Do vậy, trường hợp tổ chức nước ngoài thành lập các pháp nhân kinh doanh mới tại Việt Nam như công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài, các pháp nhân này mang quốc tịch Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước với tư cách là doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, các dạng trụ sở được xem là cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như mục 2.1 đã đề cập là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập như chi nhánh, văn phòng điều hành…
Cũng cần lưu ý thêm, thu nhập được xem là phát sinh tại Việt Nam khi nó có nguồn gốc từ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại Việt Nam không phân biệt nơi thực tế chi trả thu nhập. Đồng thời, biên giới quốc gia dùng để xác định nơi khoản thu nhập phát sinh là biên giới hành chính lãnh thổ.
2. Quy định pháp luật về tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ thuế nhà thầu tại Việt Nam
2.1. Những trường hợp làm phát sinh nghĩa vụ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài
Dựa trên quy định về đối tượng nộp thuế trong từng đạo luật thuế cụ thể, hiện nay, các văn bản hướng dẫn chuyên biệt quy định tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế nhà thầu trong các trường hợp sau đây:[12]
– Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa nhà thầu nước ngoài với nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của hợp đồng nhà thầu
Trường hợp này, cơ sở để nhà nước tiến hành điều tiết nghĩa vụ thuế là có khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Đối tượng nộp thuế là tổ chức nước ngoài có thu nhập. Trường hợp tổ chức nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, việc kê khai, nộp thuế được thực hiện thông qua cơ sở thường trú. Trường hợp tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, phía Việt Nam chi trả thu nhập là người có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài đó.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam
Đối với trường hợp cung cấp hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ, cơ sở để Nhà nước thu thuế là việc tổ chức nước ngoài đã thực hiện hoạt động cung ứng hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Hoạt động này làm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT. Bên cạnh đó, hành vi kinh doanh có khả năng làm phát sinh các khoản thu nhập hợp pháp, thu nhập này phát sinh tại Việt Nam, do đó, Nhà nước có quyền thu thuế TNDN trên khoản thu nhập đó. Riêng đối với hoạt động gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức nước ngoài, thu nhập thuộc về phía Việt Nam gia công, hàng hóa không được sử dụng tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài không có nghĩa vụ thuế.
Trường hợp tổ chức nước ngoài cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam, nhìn từ góc độ lợi ích, bên bán chỉ thực sự đạt được mục tiêu bán hàng và nhận các khoản lợi ích liên quan tại thời điểm chuyển rủi ro. Do đó, trong trường hợp mà theo điều khoản Incoterms các bên sử dụng, người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam thì khoản thu nhập mà người bán nhận được được cho là phát sinh tại Việt Nam. Người bán trở thành đối tượng nộp thuế nhà thầu. Đây cũng là quy định mới của Thông tư 103/2014. Quy định này tạo tính khái quát cao hơn cho việc xác định đối tượng nộp thuế nhà thầu so với việc liệt kê các điều khoản Incoterms cụ thể trong các văn bản hướng dẫn trước đó.[13]
– Tổ chức nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó tổ chức nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp ủy quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam
Với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại hiện nay của Việt Nam (đặc biệt từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong lĩnh vực thương mại, đã xuất hiện nhiều phương thức cung cấp hàng hóa/dịch vụ mới, hoàn toàn khác với phương thức giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa truyền thống trước đây (là nhà xuất khẩu chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu và rủi ro cho nhà nhập khẩu tại biên giới). Cụ thể, các công ty nước ngoài được quyền phân phối hàng hóa tại Việt Nam (vẫn giữ quyền sở hữu và rủi ro với hàng hóa) mà không nhất thiết phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Công ty nước ngoài có thể sử dụng các doanh nghiệp logistics chuyển hàng vào Việt Nam và sử dụng hệ thống bán lẻ/hoặc bán qua mạng để bán hàng đến tay người tiêu dùng. Công ty nước ngoài vẫn giữ quyền sở hữu và chịu rủi ro với hàng hóa của mình (có thể thuê các đối tác khác nhau thực hiện các công đoạn quảng cáo, tiếp thị, tìm hiểu thị trường, giao hàng, bảo hành…). Thông qua phương thức này, các công ty nước ngoài đã tiến hành kinh doanh/cung cấp hàng hóa vào Việt Nam và phát sinh lợi nhuận từ hoạt động này tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế và quy định tại luật thuế TNDN, Việt Nam có quyền đánh thuế đối với các khoản thu nhập và hoạt động kinh doanh này của công ty nước ngoài. [14]
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.
Đây cũng là các trường hợp mới xuất hiện tại thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Việc thu thuế trong các trường hợp này dựa trên hai cơ sở cơ bản là tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh và phát sinh thu nhập tại Việt Nam.
2.2. Những trường hợp không hình thành nghĩa vụ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài
Bên cạnh các trường hợp chịu thuế, pháp luật cũng quy định cụ thể các trường hợp mà tổ chức nước ngoài không có nghĩa vụ thuế.[15] Việc không chịu thuế chủ yếu xuất phát từ việc hành vi kinh doanh của tổ chức nước ngoài không hội đủ các cơ sở thu thuế theo quy định pháp luật Việt Nam hoặc hoạt động kinh doanh thông qua pháp nhân mới độc lập, cụ thể bao gồm:
(i) Tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng;
(ii) Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:
– Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
– Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
Trong cả hai trường hợp này, thu nhập từ việc bán hàng hóa của tổ chức nước ngoài không được xem là phát sinh tại Việt Nam. Đối với dịch vụ bảo hành kèm theo, mặc dù dịch vụ do tổ chức nước ngoài cung ứng tại Việt Nam, song dịch vụ này được cho là gắn liền với trách nhiệm của nhà sản xuất, là nghĩa vụ mang tính tiến bộ nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động bán hàng. Trước nhiều quan điểm cho rằng việc thu thuế nhà thầu có khả năng tạo tâm lý e ngại từ phía nhà sản xuất trong việc thực hiện nghĩa vụ này, là bước thụt lùi trong xu hướng thế giới nói chung, Thông tư 103/2014 quy định trường hợp dịch vụ kèm theo chỉ là bảo hành mà không có các dịch vụ khác như lắp đặt, chạy thử… thì không phải nộp thuế nhà thầu với dịch vụ này.
(i) Tổ chức nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam;
(ii) Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài như:
– Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;
– Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);
– Xúc tiến đầu tư và thương mại;
– Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
– Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến);
– Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông; chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính, các điều ước quốc tế về bưu chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam;
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.
3. Kết luận
Thuế nhà thầu chỉ là tên gọi tổng hợp nghĩa vụ thuế mà nhà thầu nước ngoài phải thực hiện khi kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, việc nhận diện tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ thuế chủ yếu dựa trên quy định về đối tượng nộp thuế được đề cập trong các đạo luật thuế cụ thể. Dù vậy, đặc thù của nhóm chủ thể này vẫn đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu nhằm nhận diện chính xác tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ thuế. Điều này một mặt đảm bảo việc thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước, mặt khác, đảm bảo quy chế đối xử bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh lạnh mạnh với tất cả các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là yếu tố góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam.
CHÚ THÍCH
* Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – đầu tư http://fia.mpi.gov.vn/News.aspx?ctl=newsdetail&aID=1557.
[2] Phạm Quang Huy, 2009, Thuế nhà thầu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Luận văn Th.s kinh tế – Trường Đại học kinh tế Tp.HCM, tr. 5,6; Phạm Lê Ninh, 2013, Nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo pháp luật Việt Nam, Luận văn th.s luật học – Trường ĐH Luật Tp.HCM, tr.11. .
[3] Theo http://www.iras.gov.sg/irasHome/page01.aspx?id=758.
[4] Điều 3 Luật Thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12..
[5] Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, 2012, Giáo trình Luật thuế, Nxb Hồng Đức, Hội luật gia Việt Nam, tr. 273.
[6] Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập hợp pháp;
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”.
[7] Theo khoản 3 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.
[8] Hiện nay, thuế sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng đất phi nông nghiệp là 2 sắc thuế trong hệ thống pháp luật thuế Việt Nam mà Nhà nước thu thuế không đòi hỏi tính hợp pháp của hành vi sử dụng (Điều 1 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993; Điều 4 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12).
[9] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, 2012, Giáo trình Luật thuế, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, tr. 273.
[10] Trường Đại học Luật Hà Nội, 2006, Giáo trình Luật quốc tế, Nxb Công an nhân dân Hà Nội, tr. 162.
[11] Theo khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11.
[12] Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
[13] Khoản 2 Điều 1 Thông tư 60/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam quy định tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế nhà thầu trong trường hợp cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng DDP, DAT, DAP.
[14] Trích thuyết minh các nội dung sửa đổi tại thông tư thuế nhà thầu của Bộ tài chính .
[15] Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2015 (87)/2015 – 2015, Trang 12-17
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý