Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài
TÓM TẮT
Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cũng như xuất phát từ tình hình giải quyết yêu cầu trong thực tiễn thời gian vừa qua bài viết đã làm rõ những hạn chế của pháp luật đồng thời đề xuất một số giải pháp cụ thể góp phần hoàn thiện pháp luật để đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực pháp lý quốc tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Xem thêm:
- Hạn chế của điều kiện về quyền tài phán của tòa án nước ngoài trong việc công nhận, thi hành bản án dân sự, thương mại của tòa án nước ngoài trong BLTTDS năm 2015 – ThS. Dư Ngọc Bích
- So sánh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của CHDCND Lào và của CHXHCN Việt Nam – ThS. Kham Tay Keopaseuth
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự năm 2008 hứa hẹn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự – ThS. Lê Vĩnh Châu
- Hạn chế của điều kiện về quyền tài phán của tòa án nước ngoài trong việc công nhận, thi hành bản án dân sự, thương mại của tòa án nước ngoài trong BLTTDS năm 2015 – ThS. Dư Ngọc Bích
TỪ KHÓA: Công nhận, Công nhận và cho thi hành Bản án quyết định tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý
Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã và đang làm phát sinh ngày càng nhiều quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Các quan hệ này có thể được xác lập tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài. Song song với việc nảy sinh các quan hệ trên, nhu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ban hành ngày càng nhiều. Vấn đề đặt ra là pháp luật Việt Nam điều chỉnh vấn đề này như thế nào và việc hoàn thiện pháp luật đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu ra sao để tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới và bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của công dân Việt Nam nói riêng.
1. Pháp luật hiện hành về nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ 2000) quy định: “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… xem xét công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài …”. Tương tự, khoản 4 Điều 104 của luật này quy định: “Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Thời điểm năm 2000 việc công nhận bản án, quyết định của nước ngoài được tiến hành theo Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài ngày 17/4/1993 và Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Từ thời điểm Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004 (BLTTDS 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) có hiệu lực thi hành, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được điều chỉnh theo luật này. Như vậy, hiện nay, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình được được điều chỉnh bởi Luật HNGĐ 2000 và BLTTDS 2004. Trong đó, với vị trí là luật chung, BLTTDS 2004 quy định tương đối cụ thể các nguyên tắc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nói chung, bản án, quyết định trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói riêng. Đây là đặc điểm khác biệt so với việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài trong các lĩnh vực khác bởi lẽ ngoài Luật HNGĐ 2000, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có văn bản pháp luật chuyên ngành nào quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài trong một lĩnh vực cụ thể.
Điều 343 BLTTDS 2004 quy định các nguyên tắc công nhận và cho thi hành như sau:
1.1. Việc công nhận và cho thi hành phải dựa trên cơ sở điều ước quốc tế (điểm a khoản 1 Điều 343 BLTTDS 2004)
Theo nguyên tắc này, Việt Nam sẽ xem xét công nhận và cho thi hành những bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài nếu giữa Việt Nam và nước đó có ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này. Ví dụ: giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự năm 1998[1] . Thực tiễn cho thấy đây là một nguyên tắc phù hợp với yêu cầu bảo vệ trật tự công cộng, lợi ích quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình chỉ có yêu cầu công nhận mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì việc áp dụng nguyên tắc này làm phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn. Theo quy định tại khoản 5 Điều 343 BLTTDS 2004, chỉ những nước đã ký kết với Việt Nam hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành thì những bản án, quyết định dân sự không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam mới được đương nhiên công nhận tại Việt Nam mà không cần phải trải qua một thủ tục pháp lý đặc biệt nào. Như vậy, đối với những nước chưa ký kết với Việt Nam hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành thì nguyên tắc này sẽ không được áp dụng. Thực tiễn cho thấy phần lớn bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thường là những nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam (CH Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia …). Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay, các hiệp định tương trợ tư pháp (Hiệp định TTTP) giữa Việt Nam với các nước có quy định về vấn đề này chiếm số lượng không nhiều như Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Điều 51), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Mông Cổ (Điều 42), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ukraina (Điều 41), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Kazakhstan (Điều 23).
Việc pháp luật Việt Nam quy định như trên dẫn đến việc hầu hết các bản án, quyết định ly hôn không kèm theo yêu cầu về tài sản của nước ngoài đều không thể được công nhận tại Việt Nam; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam có liên quan bị ảnh hưởng. Thật ra những tồn tại này đã có từ trước khi ban hành BLTTDS 2004 vì theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh về công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài năm 1993, Tòa án Việt Nam chỉ xem xét để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài trong các trường hợp giữa Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về vấn đề này. Đây là quy định có nhiều hạn chế và đã được tháo gỡ thông qua quy định ghi chú vào Sổ đăng ký hộ tịch các việc ly hôn theo quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch.
Như vậy, trước khi có BLTTDS 2004, trên thực tế Việt Nam đã công nhận về mặt pháp lý các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được yêu cầu công nhận tại Việt Nam (kể cả những nước chưa ký kết với Việt Nam điều ước quốc tế có liên quan) mà không yêu cầu bất cứ một thủ tục tố tụng đặc biệt nào. Cụ thể, Việt Nam đã công nhận về mặt pháp lý các quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau và giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thông qua việc cho phép ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch do kết hôn, ly hôn, chấm dứt việc nuôi con nuôi (mà chủ yếu là các thay đổi về kết hôn, ly hôn) đã được đăng ký trước các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (không chỉ là Tòa án mà là cả các cơ quan hộ tịch của nước ngoài) trên nguyên tắc có điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi có lại (đối với những nước chưa có điều ước quốc tế với Việt Nam).
Tuy nhiên, sau khi BLTTDS 2004 có hiệu lực thi hành (01/01/2005) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 Về đăng ký và quản lý hộ tịch thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998. Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã không có quy định nào về việc ghi chú hộ tịch những thay đổi về hộ tịch như Nghị định số 83/1998/NĐ-CP vì lý do BLTTDS 2004 đã quy định vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Với việc áp dụng nguyên tắc công nhận và cho thi hành theo quy định tại BLTTDS 2004, kể từ thời điểm Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các hồ sơ yêu cầu ghi vào Sổ đăng ký hộ tịch đã tiến hành ở nước chưa ký kết với Việt Nam điều ước quốc tế về vấn đề trên không còn được áp dụng như trước đây. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp xin công nhận bản án ly hôn của nước ngoài đã bị Tòa án Việt Nam từ chối do không đủ các điều kiện do BLTTDS 2004 quy định. Cụ thể: tháng 5/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết trường hợp ông LVN yêu cầu công nhận bản án của Tòa án gia đình Wolfenbutter (Đức) cho ông được ly hôn với bà TTN với lý do bà N. đang sinh sống tại Đức và không có tài sản ở Việt Nam; Tháng 01/2010, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận bản án ly hôn của tòa án nước ngoài của bà DTNH với lý do người chồng là ông DHT đang cư trú ở nước ngoài, không có tài sản ở Việt Nam nên trường hợp của bà H. không đủ điều kiện. Trước đó, tháng 8/2008, Tòa án Tối cao British Columbia (Canada) cho bà H. được ly hôn với ông DHT theo bản án số E080672 (hai người không có con chung và tài sản chung)[2].
Nhằm tạm thời khắc phục tình trạng trên, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, ngày 08/10/2010, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BTP (Thông tư 16) “Hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài”. Tuy nhiên, Thông tư này quy định hai điều kiện ghi chú: thứ nhất, chỉ ghi chú hộ tịch nếu bản án đó là của các nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về vấn đề này. Thứ hai, nếu là bản án của các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc ghi chú hộ tịch do bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định (sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao) theo nguyên tắc có đi có lại. Đây chỉ là giải pháp tạm thời và cũng chỉ áp dụng đối với vấn đề ly hôn mà chưa thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề liên quan đến các bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài nói chung.
1.2. Việc công nhận dựa trên cơ sở có đi có lại (khoản 3 Điều 343 BLTTDS 2004)
Nguyên tắc này đã mở rộng phạm vi các bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng tồn tại nhiều hạn chế. Nguyên tắc có đi có lại thường được dùng để dành cho thể nhân hoặc pháp nhân nước khác một chế độ pháp lý nhất định giống như chế độ pháp lý mà thể nhân và pháp nhân của nước này được hưởng tại nước khác. Chế độ pháp lý này thông thường là chế độ tối huệ quốc hoặc chế độ đãi ngộ quốc gia và áp dụng đối với những nước chưa tham gia điều ước quốc tế với Việt Nam về vấn đề này.
Thực tiễn cho thấy số lượng hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài xuất phát từ nước chưa tham gia hoặc ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các nước đã có ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam. Ví dụ: Số lượng hồ sơ yêu cầu đến từ Đức, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Canada, Australia… nhiều hơn rất nhiều so với hồ sơ yêu cầu đến từ Liên bang Nga, Lào, Mông Cổ, Cuba, CHDCND Triều Tiên… (là những nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam). Nguyên nhân chính của tình trạng này là những nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam là những nước có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Điều này cũng có nghĩa là trên thực tế Việt Nam sẽ phải thường xuyên áp dụng nguyên tắc có đi có lại nếu muốn công nhận và cho thi hành các bản án, quyết địnhvề hôn nhân và gia đình của nước ngoài. Tuy nhiên, sau nhiều năm thi hành BLTTDS 2004, nguyên tắc có đi có lại vẫn chưa thể áp dụng trên thực tế bởi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, điều kiện cũng cơ chế áp dụng như (Ngoại trừ trường hợp Tòa án thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2083/QĐST-KDTM ngày 19/11/2007 về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án số 2004 Na 10655 ngày 30/9/2005 của Tòa phúc thẩm DAECHEON, Hàn Quốc nhưng đây không phải là bản án về hôn nhân và gia đình). Bên cạnh đó, Luật Tương trợ tư pháp 2007 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2008) giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp công bố danh sách các nước áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam nhưng cho đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa thể triển khai công tác này. Điều này được lý giải là xác định một quốc gia để áp dụng nguyên tắc có đi có lại là một việc phức tạp. Nó không chỉ phụ thuộc vào quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và quốc gia đó mà còn phụ thuộc vào việc áp dụng công nhận và cho thi hành tại cơ quan có thẩm quyền giữa các nước.
Tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới cho thấy ở nhiều nước không đặt ra vấn đề có đi có lại như là một nguyên tắc bắt buộc trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước khác. Theo pháp luật của Đức, về nguyên tắc, phán quyết dân sự, thương mại của Tòa án nước ngoài sẽ được công nhận tại Đức mà không cần có một thủ tục đặc biệt nào kể cả đối với những nước chưa ký kết hay tham gia với Đức điều ước quốc tế có liên quan; việc công nhận sẽ là điều kiện tiên quyết để xem xét việc cho thi hành[3]. Pháp luật của Liên bang Nga cũng không đặt ra nguyên tắc có đi có lại trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài[4]. Tại Việt Nam đã có quan điểm đề nghị không quy định nguyên tắc có đi có lại như một điều kiện để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án mọi quốc gia, trừ trường hợp bản án, quyết định đó rơi vào một trong những trường hợp mà pháp luật Việt Nam quy định là căn cứ để từ chối việc công nhận[5].
Pháp luật Việt Nam quy định nguyên tắc có đi có lại là điều kiện bắt buộc để xem xét việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của những nước chưa có điều ước quốc tế với Việt Nam làm cho quy định của pháp luật trở nên cứng nhắc, không bảo vệ được lợi ích hợp pháp của chủ thể Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực thi nguyên tắc này dẫn đến việc áp dụng pháp luật gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể áp dụng. Điều này làm cho tính thực tiễn của pháp luật không cao, mục đích điều chỉnh của pháp luật trên thực tế không đạt được.
1.3. Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành
Đây là nguyên tắc hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nói chung, bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình nói riêng, và được pháp luật nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Vấn đề đặt ra là theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, bên cạnh cơ chế công nhận của Tòa án theo BLTTDS 2004 còn có cơ chế công nhận của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đối với một số quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài trong những trường hợp cụ thể (Ví dụ: cơ chế ghi vào Sổ đăng ký những thay đổi về hộ tịch theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Thông tư 16) nhưng pháp luật hiện hành lại không có bất cứ một quy định nào về mối liên hệ của hai cơ chế này. Chính điều này đã gây ngộ nhận tại Việt Nam có hai cơ chế công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài. Xét theo hiệu lực pháp lý thì những quy định của BLTTDS 2004 có hiệu lực pháp lý cao hơn LHNGĐ 2000 và Thông tư 16. Như vậy, cơ chế công nhận theo BLTTDS 2004 sẽ có giá trị cao hơn và cơ chế công nhận thứ hai là không có giá trị pháp lý. Vấn đề đặt ra là có những bản án, quyết định của nước ngoài dù có yêu cầu nhưng sẽ không thể xem xét việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu căn cứ vào những quy định của BLTTDS 2004 và như vậy những bản án, quyết định này sẽ không thể thi hành trên thực tế được. Chính vì vậy, những quy định của LHNGĐ 2000 và Thông tư 16 có thể xem là những quy định “nối dài” của BLTTDS 2004 nhằm khắc phục những “chỗ trống” do BLTTDS 2004 để lại. Vậy ta có thể hiểu cơ chế mà LHNGĐ 2000 và Thông tư 16 chính là nội dung “cho thi hành” của BLTTDS 2004 hay không?
Để hiểu rõ vấn đề hơn chúng ta có thể xem xét trường hợp thực tiễn sau đây: Ngày 28/02/2007, bà Ngô Veronika Andriivna có gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Giám đốc cơ quan hộ tịch nhà nước Ukraina về việc chấp thuận ly hôn giữa bà và ông Ngô Tấn Dũng (địa chỉ: quận Ba Đình, Hà Nội). Kèm theo đơn là “Giấy chứng nhận ly hôn” do Phòng Đăng ký hộ tịch số 3, Sở Tư pháp quận Primorsikiy, thành phố Odessa, Ucraina chứng nhận. Trong đơn yêu cầu ghi rõ “Việc công nhận và cho thi hành quyết định trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn”. Tại Công văn số 1641/BTP-PLQT ngày 11/4/2007, Bộ Tư pháp căn cứ vào Điều 41 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ukraina đã trả lời bà Ngô Veronika Andriivna (thông qua người đại diện hợp pháp tại Việt Nam) như sau:
“1- Nếu đương sự muốn làm các thủ tục để đăng ký kết hôn mới tại Việt Nam thì theo khoản 2 Điều 41 của Hiệp định trên đương sự chỉ cần trình bản gốc Giấy chứng nhận ly hôn của cơ quan hộ tịch Ukraina kèm theo bản dịch được chứng thực hợp pháp và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, không phải làm thủ tục qua Tòa án Việt Nam để công nhận và cho thi hành quyết định.
2- Nếu đương sự muốn Tòa án Việt Nam công nhận để làm căn cứ pháp lý chia tài sản thì phải tuân theo quy định tại khoản 1, Điều 41 của Hiệp định, tức là phải được Tòa án Ukraina xét xử cho ly hôn sau đó mới làm các thủ tục cần thiết đề nghị Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành quyết định đó”.
Sau khi có công văn trả lời của Bộ Tư pháp Việt Nam, ngày 23/4/2007, bà Ngô Veronika Andriivna tiếp tục gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành Quyết định ly hôn số 2-1958/2005 ngày 11/4/2005 của Tòa án quận Shevohenko, thành phố Kiev, Ukraina giữa bà và ông Ngô Tấn Dũng. Nội dung đơn yêu cầu này chỉ khác đơn yêu cầu trước đó ở một điểm: thay vì yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Giám đốc cơ quan hộ tịch nhà nước Ukraina về việc chấp thuận ly hôn thì yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định ly hôn nói trên. Tại Quyết định số 90/2007/QĐST ngày 27/9/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Quyết định ly hôn số 2-1958/2005 ngày 11/4/2005 của Tòa án quận Shevohenko, thành phố Kiev.
Ngày 01/7/2007, ông Dũng đã kháng cáo Quyết định số 90/2007/QĐST ngày 27/9/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với lý do ông mới là người phải thi hành Quyết định ly hôn số 2-1958/2005 ngày 11/4/2005 của Tòa án quận Shevohenko và ông đã thi hành toàn bộ quyết định này. Ông Dũng còn đề nghị Hội đồng giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành của Tòa án nhân dân thành phồ Hà Nội yêu cầu bà Ngô Veronika Andriivna phải giải thích rõ yêu cầu thi hành về vấn đề gì. Trong phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm bác yêu cầu của ông Dũng với lý do quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài chỉ quyết định về vấn đề ly hôn mà không quyết định về vấn đề tài sản và con cái. Vì vậy, yêu cầu của bà Ngô Veronika Andriivna là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Kết quả sau cùng, tại Quyết định số 112/2008/QĐ-PT ngày 27/5/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo của ông Dũng, giữ nguyên Quyết định số 90/2007/QĐST ngày 27/9/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với cùng quan điểm của Viện kiểm sát.
Qua vụ việc chúng ta thấy mấu chốt vấn đề chính là ở việc xác định yêu cầu của bà Ngô Veronika Andriivna là “có tính chất phải thi hành” hay không chứ không phải ở việc có công nhận và cho thi hành quyết định của Giám đốc cơ quan hộ tịch nhà nước Ukraina hay Quyết định ly hôn số 2-1958/2005 ngày 11/4/2005 của Tòa án quận Shevohenko hay không. Nếu xác định rằng yêu cầu của bà Ngô Veronika Andriivna chỉ bao gồm việc công nhận thì quyết định ly hôn của bà đương nhiên được công nhận tại Việt Nam mà không cần tiến hành bất cứ thủ tục tố tụng nào (theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ukraina, khoản 5 Điều 343 BLTTDS 2004); nếu xác định rằng yêu cầu của bà Ngô Veronika Andriivna bao gồm cả việc thi hành thì việc chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết là hợp lý. Trong đơn bà Ngô Veronika Andriivna ghi: “việc công nhận và cho thi hành quyết định trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tiến hành phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn”, trong khi Quyết định ly hôn của Tòa án Ukraina chỉ quyết định cho hai bên ly hôn mà không quyết định về tài sản và con chung. Như vậy, nội dung đơn của bà Ngô Veronika Andriivna là chưa rõ ràng về việc yêu cầu thi hành vấn đề gì tại Việt Nam và đây là một nội dung bắt buộc trong đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam (theo điểm c khoản 1 Điều 350 BLTTDS 2004). Có lẽ ở đây Tòa án Việt Nam đã chọn giải pháp an toàn, thừa nhận rằng bà Ngô Veronika Andriivna có yêu cầu thi hành tại Việt Nam Quyết định ly hôn của Tòa án Ukraina nên đã quyết định công nhận và cho thi hành quyết định này. Đối chiếu nguợc lại với nguyên tắc bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành chúng ta thấy hai quyết định của Tòa án Hà Nội và Tòa án nhân dân tối cao là không vi phạm về mặt tố tụng.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu những quy định của BLTTDS 2004 trong vụ việc này với những quy định của LHNGĐ 2000, Thông tư 16, chúng ta sẽ không giải thích được mối liên hệ giữa hai cơ chế này. Bởi theo các quy định này Quyết định ly hôn của Tòa án Ucraina vẫn có thể được công nhận tại Việt Nam mà không cần phải tiến hành các thủ tục theo quy định của BLTTDS 2004. Vậy nguyên tắc bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phải được giải thích cụ thể hơn để xem xét tính hợp pháp của cơ chế công nhận theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Cụ thể, nếu hiểu nội dung “cho thi hành” không bao gồm hoạt động ghi chú về hộ tịch thì quy định của Thông tư 16 là hợp pháp; nếu hiểu nội dung “cho thi hành” bao gồm hoạt động ghi chú hộ tịch thì quy định của Thông tư 16 là trái với BLTTDS 2004 bởi vì hành vi pháp lý này đã được tiến hành bởi Tòa án có thẩm quyền. Đây là vấn đề cần phải làm rõ trong pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài.
2. Giải pháp kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật
2.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ban hành trong giai đoạn hiện nay
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tương đối đông và cư trú ở nhiều nước trên thế giới. Việc ban hành và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của công dân Việt Nam cũng như người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài là một trong những yêu cầu quan trọng của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Điều này không những có ý nghĩa về mặt điều chỉnh pháp luật mà còn góp phần thực thi chính sách đối ngoại huy động mọi nguồn lực của người Việt Nam trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong các quan hệ pháp luật thường xuyên phát sinh trong cuộc sống thì quan hệ về hôn nhân và gia đình là một trong những quan hệ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì vậy, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài là một nhu cầu tất yếu và phải được giải quyết một cách triệt để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam trở về nước sinh sống, tham gia các quan hệ pháp luật tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài cũng là một trong những quan hệ pháp luật cần phải được điều chỉnh và việc công nhận, cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài trong những trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể tham gia cũng như duy trì trật tự xã hội.
Thực tiễn tại Việt Nam những năm vừa qua cho thấy các yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài luôn chiếm một số lượng lớn trong tổng số các hồ sơ và liên quan đến những nước có đông người Việt Nam sinh sống như Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Tuy nhiên, những nước này lại chưa ký kết Hiệp định TTTP với Việt Nam nên việc vận dụng các quy định của văn bản pháp luật trong nước, cụ thể là BLTTDS 2004 và các văn bản pháp luật khác có liên quan để giải quyết đã làm phát sinh nhiều vấn đề trên thực tế như đã phân tích ở trên. Vì vậy, việc sửa đổi các quy định của văn bản pháp luật là vấn đề tất yếu trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài có những đặc thù riêng so với việc thi hành bản án, quyết định của nước ngoài trong các lĩnh vực khác là các quyết định không có tính chất tài sản (những quyết định chỉ có yêu cầu công nhận mà không có yêu cầu thi hành). Trong khi đó, các bản án, quyết định của nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại thường xuyên gắn với vấn đề tài sản và có yêu cầu thi hành trên lãnh thổ Việt Nam. Trước đây, Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ quy định cơ chế ghi chú vào Sổ đăng ký hộ tịch các việc ly hôn ở nước ngoài cũng như việc Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BTP ngày 08/10/2010 đã minh chứng cho tính đặc thù này. Tuy nhiên, những quy định của BLTTDS 2004, với tư cách là luật chung, chưa thể điều chỉnh một cách hiệu quả và triệt để điểm đặc thù này. Điều 102 và Điều 104 Luật HNGĐ 2000 mới dừng lại ở quy định chung mà chưa cụ thể hóa được cơ chế riêng cho việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của nước ngoài trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình. Vì vậy, việc cụ thể hóa những nguyên tắc chung của BLTTDS 2004 vào Luật HNGĐ là điều hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Cụ thể hơn: những quy định tại Điều 102 và Điều 104 Luật HNGĐ 2000 cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với những đặc thù riêng của việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của nước ngoài trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình trên cơ sở các nguyên tắc chung của BLTTDS 2004.
2.2. Giải pháp cụ thể
Xuất phát từ các hạn chế về nội dung cũng như thực tiễn áp dụng đã phân tích ở trên, theo quan điểm của chúng tôi, quy định của pháp luật hiện hành cần được hoàn thiện theo định hướng sau đây:
Thứ nhất, chỉ những bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam mới căn cứ vào điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước đó ký kết để giải quyết. Việt Nam chấp nhận nguyên tắc đương nhiên công nhận các bản án, quyết định của nước ngoài chỉ có yêu cầu công nhận tại Việt Nam mà không đòi hỏi giữa Việt Nam và nước đó có điều ước quốc tế. Giải pháp này căn cứ trên các cơ sở sau đây:
– Kinh nghiệm lập pháp quốc tế: Các điều ước quốc tế đa phương cũng như pháp luật của nhiều nước trên thế giới đều chấp nhận nguyên tắc đương nhiên công nhận các bản án, quyết định của nước ngoài chỉ có yêu cầu công nhận mà không có yêu cầu thi hành. Theo quy định tại Điều 26 Công ước Brussels ngày 27 tháng 12 năm 1968 về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài và thi hành phán quyết của Tòa án về vấn đề dân sự, thương mại thì bản án, quyết định được tuyên tại một quốc gia là thành viên công ước sẽ được công nhận tại các quốc gia ký kết khác mà không đòi hỏi bất kỳ một thủ tục tố tụng đặc biệt nào. Khoản 1 Điều 33 Luật số 44/2001 ngày 22/12/2000 của Cộng đồng châu Âu quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án và vấn đề công nhận, cho thi hành phán quyết về dân sự, thương mại của Tòa án cũng quy định tương tự. Tham khảo kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới chúng ta cũng thấy đối với bản án, quyết định của nước ngoài chỉ có yêu cầu công nhận thì sẽ được đương nhiên công nhận tại nước có yêu cầu mà không đòi hỏi giữa hai nước phải có điều ước quốc tế về vấn đề này. Cụ thể: Điều 22 Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ quy định: những phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài sẽ được công nhận tại Bỉ mà không cần phải áp dụng các thủ tục đối với việc giải quyết yêu cầu thi hành tại Tòa án (quy định tại Điều 23) nếu không có yêu cầu thi hành ở Bỉ. Khoản 1 Điều 413 Bộ Luật TTDS của Liên bang Nga quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không cần phải cưỡng chế thi hành thì được Tòa án công nhận mà không phải mở phiên tòa, nếu người có liên quan không phản đối quyết định đó”. Theo pháp luật Thụy Điển, trong vấn đề hôn nhân và gia đình các bản án, quyết định ly hôn do Toà án nước ngoài tuyên đều có thể được xem xét, công nhận tại Thụy Điển (không phụ thuộc việc nước đó có ký kết hay cùng tham gia với Thụy Điển điều ước quốc tế về vấn đề này hay không) ở các nội dung: công nhận về mặt nhân thân (công nhận hai người đã chấm dứt quan hệ vợ chồng); công nhận các quyết định về con nuôi; công nhận các quyết định về cấp dưỡng (nghĩa là những quyết định không có tính chất tài sản). Việc công nhận không cần phải trải qua bất cứ thủ tục pháp lý đặc biệt nào trừ khi bản án, quyết định rơi vào những trường hợp từ chối công nhận như: bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài không có căn cứ xác đáng để xem xét việc ly hôn ở nước đó, việc công nhận các bản án của Toà án nước ngoài đi ngược lại với lợi ích công của Thụy Điển …[6]
– Yêu cầu của tình hình thực tiễn: theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ có những bản án, quyết định không có yêu cầu thi hành của những nước đã ký kết Hiệp định TTTP với Việt Nam mới được đương nhiên công nhận tại Việt Nam (khoản 5 Điều 343 BLTTDS 2004). Tuy nhiên, chỉ có một số Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký kết chấp nhận nguyên tắc này do đó, nguyên tắc này đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thậm chí, trong một số trường hợp, cản trở công dân Việt Nam thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc áp dụng nguyên tắc đương nhiên công nhận sẽ đảm bảo pháp luật phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.
– Đảm bảo tính thống nhất của pháp luật: do một số Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước đã chấp nhận nguyên tắc đương nhiên công nhận các bản án, quyết định không mang tính chất tài sản (chỉ có yêu cầu công nhận) nên giữa quy định của BLTTDS 2004 với tư cách là đạo luật quan trọng nhất của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam với các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên không có sự thống nhất. Bên cạnh đó, để tạm thời giải quyết yêu cầu công nhận các quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật quy định cơ chế ghi chú các thay đổi về hộ tịch do kết hôn, ly hôn, chấm dứt việc nuôi con nuôi (mà chủ yếu là các thay đổi về kết hôn, ly hôn) được đăng ký trước các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Mặc dù giải pháp này đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, thiếu đồng bộ và không phù hợp với các quy định của BLTTDS 2004. Điều này càng góp phần làm cho pháp luật Việt Nam thiếu tính thống nhất. Chính vì vậy, việc chấp nhận nguyên tắc đương nhiên công nhận các bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình không mang tính chất tài sản và chỉ có yêu cầu công nhận tại Việt Nam sẽ loại bỏ được cơ chế ghi chú thay đổi hộ tịch, qua đó góp phần nâng cao tính thống nhất của pháp luật.
Thứ hai, chỉ những bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì việc công nhận mới thực hiện trên cơ sở có đi có lại đối với những nước chưa ký kết hoặc cùng gia nhập với Việt Nam điều ước quốc tế về vấn đề này. Điều này đồng nghĩa với việc các bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình nước ngoài chỉ có yêu cầu công nhận tại Việt Nam được đương nhiên công nhận như đã đề xuất ở trên. Giải pháp này căn cứ trên các cơ sở sau đây:
– Bản chất của nguyên tắc có đi có lại: trong pháp luật quốc tế, nguyên tắc có đi có lại là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên chủ thể của pháp luật quốc tế khi họ chưa chịu sự ràng buộc của cam kết quốc tế. Nếu được sử dụng đúng và phù hợp, nguyên tắc có đi có lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các bên thiết lập quan hệ quốc tế với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Việc tạo điều kiện thuận lợi để bản án, quyết định của nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi cho bản án, quyết định của Việt Nam được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất của nguyên tắc có đi có lại là các biện pháp trả đũa công bằng, nguyên tắc này cũng thường xuyên được áp dụng để gây khó khăn, cản trở việc công nhận và cho thi hành lẫn nhau bản án, quyết định dân sự của Tòa án các một quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng một cách khoa học và chính xác nguyên tắc này trong văn bản pháp luật sẽ có ý nghĩa quan trọng để nguyên tắc này phát huy hiệu quả trên thực tế.
– Điều kiện hiện tại của Việt Nam: Việt Nam mới bắt đầu quá trình hội nhập quốc tế, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay của Việt Nam, việc áp dụng các kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới chắc chắn gặp nhiều trở ngại nhất định so với các nước phát triển, đã có quá trình xây dựng pháp luật lâu dài. Việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nói chung, bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình nói riêng là còn cần thiết nhưng phải có sự điều chỉnh phù hợp để nguyên tắc này phát huy hiệu quả trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc đề nghị Tòa án công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài tại Việt Nam khi có yêu cầu.
– Yêu cầu của tình hình thực tiễn: thực tiễn công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của nước ngoài tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới cho thấy việc công nhận một bản án, quyết định không có tính chất tài sản không ảnh hưởng nhiều đến trật tự xã hội như các bản án, quyết định có tính chất tài sản. Chính vì vậy, pháp luật các nước đều quy định các điều kiện để công nhận bản án của nước ngoài dễ dàng hơn các điều kiện dành cho thi hành chúng. Trong khi đó,
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** ThS Luật, Khoa Luật, Đại học Kinh tế – Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Xem Điều 51, Điều 52 của Hiệp định.
[2] Nguồn: http://www.tand.hochiminhcity.gov.vn.
[3] Thomasrauscher (Đại học Tổng hợp Leipzip, CHLB Đức), “Công nhận và thi hành phán quyết về tài sản của Tòa án nước ngoài ở Đức”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3/2005.
[4] Bộ Luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga năm 2003 (bản dịch tiếng Việt của TS. Nguyễn Ngọc Khánh. Hiệu đính: TS. Trần Văn Trung), Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2005.
[5] Đặng Hoàng Oanh (Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tư pháp), “Hoàn thiện các quy định của Bộ Luật TTDS 2004 về nguyên tắc công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài”, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (dowload ngày 14/12/2012).
[6] Dương Thị Bích Đào (Vụ Pháp luật quốc tế – Bộ Tư pháp), Tìm hiểu pháp luật một số nước về tương trợ tư pháp, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (Dowload ngày 10/12/2012).
- Tác giả: TS. Nguyễn Văn Tiến * – ThS. Bành Quốc Tuấn**
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2013 (77)/2013 – 2013, Trang 46-54
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời