Mục lục
Chống tra tấn – Những cách thức tiếp cận theo Luật Nhân quyền quốc tế và Luật Hình sự quốc tế
Xem thêm bài viết về “Công ước chống tra tấn 1984”
- Cấm tra tấn và việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn 1984 – hai mặt của một đồng xu? – GS. Daniel H. Derby
- Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi gia nhập Công ước chống tra tấn 1984 của Liên hợp quốc – TS. Lê Nguyên Thanh
- Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Hình sự 1999 theo Công ước về Chống tra tấn 1984 – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Pháp luật hình sự Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn 1984 – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- Vấn đề cấm tra tấn và việc hoàn thiện pháp luật thi hành án phạt tù – ThS. Nguyễn Quang Vũ & ThS. Lê Thị Anh Nga
TÓM TẮT
Bài viết này phân tích các yếu tố của tra tấn theo luật nhân quyền quốc tế mà điển hình là định nghĩa tra tấn nêu tại Điều 1 Công ước Chống tra tấn năm 1984,cũng như các yếu tố của tra tấn trong luật hình sự quốc tế thông qua quy chế của các tòa án hình sự quốc tế và văn bản Các yếu tố cấu thành tội phạm của Tòa án Hình sự quốc tế thường trực La Haye. Các phân tích này sẽ phản ánh cách tiếp cận của các ngành luật khác nhau trong hệ thống luật quốc tế đấu tranh với tra tấn. Qua đó, những nhà lập pháp của nước ta có thể tham khảo để lựa chọn những cách tiếp cận phù hợp trong cuộc đấu tranh với tra tấn, đặc biệt là nội luật hóa các hành vi tra tấn trong luật hình sự Việt Nam.
1. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với chống tra tấn
Tra tấn là một trong các hình thức đối xử với con người tồi tệ nhất qua việc tước bỏ phẩm giá con người được[1] phản ánh trong các phương thức tra tấn mang tính phổ biến, chẳng hạn như sử dụng cùm xích ngắn, treo người ở những tư thế gây đau đớn, lột trần và đánh đập nạn nhân theo các cách thức khác nhau, sốc điện, hiếp dâm hoặc các hình thức tấn công tình dục khác.[2] Các hành vi này thường hướng đến việc tấn công vào ý chí nạn nhân để đạt được những mục đích nhất định, chẳng hạn lấy lời thú nhận hoặc các thông tin có liên quan khác.[3] Cùng với sự phát triển của luật nhân quyền quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ 2, không bị tra tấn (cũng như những sự đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp) đã sớm trở thành một trong các quyền con người tuyệt đối (“absolute human rights”) và không thể bị bất kỳ giới hạn hay cản trở cả trong thời kỳchiến tranh, khủng bố hay các tình trạng khẩn cấp tương tự đe dọa đến sự tồn tại của đất nước.[4] Việc cấm tuyệt đối tra tấn và những sự đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp có thể được tìm thấy trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế, chẳng hạn trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới 1948 (Điều 5), bốn Công ước Geneva về Luật Nhân đạo năm 1949 (Điều 3), Công ước Nhân quyền châu Âu 1950 (Điều 3 và Điều15), Bộ tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về Đối xử với tù nhân năm 1955 (Điều 31 đến Điều 34), Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 7).
Tháng 12/1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức yêu cầu Hội đồng Nhân quyền soạn bản dự thảo Công ước Chống tra tấn. Từ năm 1978 đến 1984, vượt qua những khác biệt mang tính ý thức hệ mạnh mẽ giữa các khu vực, các quốc gia liên quan đến các khái niệm về nhân quyền, nhóm công tác giữa kỳ của Hội đồng Nhân quyền đã thành công trong việc đạt được sự đồng thuận trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của Công ước. Với những sự đồng thuận đạt được, Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm[5] đã được nhất trí thông qua bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đã phát triển một số cơ chế riêng biệt chống tra tấn và hỗ trợ nạn nhân, bao gồm việc thành lập cơ chế Báo cáo viên đặc biệt về Tra tấn thông qua Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc vào năm 1985; cơ chế giám sát thông qua các cuộc thăm viếng các cơ sở giam giữ tại các quốc gia theo Nghị định thư tùy nghi của Công ước Chống tra tấn 1984; ban hành Công ước liên châu Mỹ về ngăn ngừa và trừng phạt tra tấn[6] vào năm 1985 và Công ước châu Âu về Ngăn ngừa tra tấn và sự đối xử hay trừng phạt vô nhân đạo, hạ thấp phẩm giá con người[7] năm 1987 [8] .
Bên cạnh luật nhân quyền quốc tế, luật hình sự quốc tế cũng đấu tranh mạnh mẽ với tra tấn bằng cách quy định tra tấn là hành vi khách quan của một số tội phạm quốc tế và người thực hiện hành vi tra tấn phải gánh chịu trách nhiệm hình sự.[9] Tra tấn được quy định là hành vi khách quan của tội phạm chống loài người và tội phạm chiến tranh trong quy chế của các tòa án hình sự quốc tế (TAHSQT) theo vụ việc (ad hoc) và TAHSQT thường trực La Haye. Trên thực tế các TAHSQTđã đưa ra phán quyết đối với nhiều trường hợp phạm tội cụ thể. Tuy nhiên, các yếu tố của hành vi tra tấn trong luật hình sự quốc tế có những khác biệt nhất định với luật nhân quyền quốc tế.
2. Chống tra tấn – cách tiếp cận trongluật nhân quyền quốc tế
Như đã phân tích ở trên, luật nhân quyền quốc tế ghi nhận quyền không bị tra tấn là quyền của con người, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền không bị tra tấn cho mọi người. Cụ thể hóa nội dung này, Công ước Chống tra tấn 1984 đưa ra định nghĩa tra tấn tại Điều 1 và yêu cầu quốc gia thành viên đấu tranh với tra tấn, trong đó quốcgia thành viên có nghĩa vụ nội luật hóa hành vi tra tấn trong luật hình sự. Định nghĩa nàylà tâm điểm của các tranh cãi trong lý thuyết cũng như thực tiễn pháp lý. Các yếu tố chính trong định nghĩa tra tấn[10] gồm có: sự liên quan của một công chức, cómục đích nhất định, hành vi gây tổn thương hoặc đau đớn nghiêm trọng và lỗi cố ý.
* Chủ thể của hành vi và mục đích của hành vi tra tấn
Theo Điều 1 Công ước Chống tra tấn, chủ thể của hành vi tra tấn phải là một “công chức hay người khác hành động trong phạm vi công vụ”. Trong quá trình thảo luận về Công ước Chống tra tấn đã có nhiều thảo luận nhưng không đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra định nghĩa về khái niệm “công chức”. Đã có những đề xuất cho rằng tra tấn có thể được thực hiện bởi những người không phải là công chức[11] , trong khi có nhiều ý kiến cho rằng hành vi tra tấn được thực hiện bởi công chức có sự khác biệt về bản chất– và vì vậy nghiêm trọng hơn– so với tra tấn được thực hiện bởi các cá nhân khác; và rằng việc loại bỏ hành vi tra tấn được thực hiện bởi các công chức mới là mục tiêu của Công ước.[12] Cuối cùng, quan điểm được thống nhất là tra tấn bao gồm những hành vi được thực hiện bởi, hoặc bởi sự xúi giục, hoặc với sự chấp thuận của một công chức hoặc bất cứ người nào hành động trong phạm vi công vụ (“acting in an official capacity”). Ủy ban Chống tra tấn trong khi đánh giá các báo cáo của các quốc gia thành viên khuyến nghị rằng họ nên cân nhắc đưa vào trong pháp luật hình sự một định nghĩa về tra tấn “theo đúng” Điều 1 của Công ước Chống tra tấn, theo đó cho phép phân biệt giữa hành vi tra tấn được thực hiện có liên quan đến công chức với những hành vi bạo lực theo nghĩa rộng được thực hiện bởi các chủ thể không mang tính công quyền khác (“non-State actors”). Nhìn từ góc độ bản chất của nhân quyền quốc tế, việc thu hẹp phạm vi của hành vi tra tấn chỉ liên quan đến công chức có thể được giải thích như sau:
“quốc gia vi phạm nhân quyền thông qua công chức (…) sự vi phạm nhân quyền xảy ra không phải ở những hậu quả mà hành vi gây ra, mà ở những sai sót của quốc gia trong việc sửa chữa nó. (…) người tra tấn điển hình sẽ là các công chức hành pháp hoặc nhân viên của các cơ quan phản gián hoặc an ninh… cũng có thể là một người không có thẩm quyền công vụ hành động thông đồng với, và để thúc đẩy các mục đích của, các giới chức công cộng, thường để che đậy trách nhiệm của các thành viên của giới chức đó (…) [hoặc] những người có thẩm quyền về chính trị dân sự vốn có khuynh hướng bỏ qua sự lạm quyền của các công chức hành pháp hoặc an ninh.”[13]
Về yếu tố mục đích của hành vi tra tấn, Công ước Chống tra tấn đưa ra một danh sách không đầy đủ về các mục đích nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên trong việc xác định hành vi tra tấn ngay cả khi hành vi này được tiến hành với mục đích khác với các mục đích đã được mô tả tại Điều 1. Mặc dù vậy, theo Burgers và Danelius, những từ “những mục đích như…” có nghĩa là các mục đích khác phải thực sự có những điểm chung với những mục đích đã được liệt kê.[14] Các mục đích không nhất thiết phải là bất hợp pháp, điều quan trọng là chúng có quan hệ trực tiếp – dù xa – với “các lợi ích hoặc chính sách của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc”.[15] Trong một số phán quyết của Tòa Nhân quyền châu Âu, chẳng hạn, hành vi đe dọa sẽ giao, hoặc hành vi giao một người cho một chính phủ nơi người đó có thể bị giết hoặc bị tra tấn hoặc các hình thức ngược đãi tương tự, nếu có sự liên quan/trách nhiệm trực tiếp của công chức nhưng không có những mục đích đã được liệt kê, thì sẽ không bị coi là hành vi tra tấn.[16]
* Hành vi và lỗi
Yếu tố tiếp theo về hành vi gây ra thương tổn hoặc đau đớn nghiêm trọng trong định nghĩa tra tấn có thể ở dạng hành động hoặc không hành động. Điều 1 của Công ước Chống tra tấn không loại trừ các trường hợp cố ý không cung cấp cho người bị giam giữ thức ăn, nước uống, sự chăm sóc y tế.[17] Cũng cần lưu ý rằng chỉ những hành vi gây ra những tổn thương hay đau đớn nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần mới có thể bị coi là tra tấn.[18] Yếu tố tra tấn tinh thần, trong quá trình soạn thảo, đã được đại diện của Bồ Đào Nha đề nghị thêm vào trong định nghĩa liên quan đến việc sử dụng tâm thần học vào các mục đích chính trị.[19] Tuy nhiên, có thể thấy rằng Công ước Chống tra tấn không quan tâm đến việc định nghĩa hay giải thích khái niệm tra tấn tinh thần mà chỉ tập trung vào khái niệm tra tấn; và rằng tra tấn có thể dưới 2 dạng: tra tấn thể chất và tra tấn tinh thần. Sự nghiêm trọng của tổn thương hay đau đớn mới là yếu tố quyết định thế nào là tra tấn [.[20
3. Chống tra tấn – Cách tiếp cận của luật hình sự quốc tế
Luật hình sự quốc tế đấu tranh với tra tấn bằng cách quy định tra tấn là một dạng hành vi khách quan của tội phạm chống loài người và tội phạm chiến tranh. Cụ thể, Điều 2(b) Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng quy định hành vi gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần đối với thành viên của một nhóm người với mục đích hủy diệt một phần hoặc toàn bộ nhóm người đó vì lý do chủng tộc, quốc tịch, dân tộc hay tôn giáo là một dạng hành vi khách quan của tội phạm diệt chủng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Công ước này không sử dụng thuật ngữ “tra tấn” mà chỉ mô tả nội dung của hành vi như đã đề cập. Những nội dung này chứa đựng bản chất của hành vi tra tấn là gây ra những đau đớn nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần.
Ngoài ra, Điều 5(f) Quy chế TAHSQT Yugoslavia, Điều 3(f) Quy chế TAHSQT Rwanda và Điều 7(1)(f) Quy chế TAHSQT thường trực LaHaye quy định rõ tra tấn (torture) là một dạng hành vi khách quan của tội phạm chống loài người.
Điều 2(b) Quy chế TAHSQT Yugoslavia, Điều 8(2)(a)(ii) và Điều 8(2)(c)(i) Quy chế TAHSQT thường trực LaHayecũng quyđịnh tra tấn(torture) là một dạng hành vi khách quan của tội phạm chiến tranh.[21] Điều 4(a) Quy chế của TAHSQT Rwanda quy định các hành vi đối xử tàn ác (cruel treatment), trong đó có tra tấn là hành vi khách quan của tội phạm chiến tranh.
Văn bản Các yếu tố của tội phạm của TAHSQT thường trực La Haye đã cụ thể hóa các dấu hiệu của tra tấntrong tội phạm chống loài người và tội phạm chiến tranh khá khác nhau. Nhìn chung, quy định của TAHSQT thường trực La Haye được coi là kế thừa và phát triển từ quy định của Công ước Chống tra tấn 1984. Tuy nhiên quy định của Quy chế này về hành vi tra tấn trong tội phạm chống loài người khác với Công ước Chống tra tấn 1984 ở chỗ không đòi hỏi dấu hiệu mục đích trực tiếp của hành vi tra tấn. Như đã phân tích ở trên, Công ước về Chống tra tấn 1984 đòi hỏi hành vi tra tấn phải được thực hiện với những mục đích nhất định, gồm: (i) để lấy thông tin hoặc để có được lời thú tội từ nạn nhân hoặc người thứ ba, hoặc (ii) để trừng phạt nạn nhân hoặc người thứ ba về hành vi mà họ đã thực hiện hoặc bị nghi ngờ là đã thực hiện, hoặc (iii) để đe dọa hoặc ép buộc nạn nhân hay người thứ ba, hoặc (iv) vì bất kỳ lý do nào khác liên quan đến sự phân biệt đối xử.[22] Đối với tội phạm chống loài người, hành vi tra tấn không đòi hỏi phải kèm theo một mục đích xác định nào, nhưng nó phải“được thực hiện như một phần của sự tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng chống lại dân thường”vàngười phạm tội“nhận thức về sự tấn công đó”. Trong đó, sự tấn công được hiểu là chuỗi các hành vi bạo lực. Sự tấn công có thể biểu hiện ở dạng thực hiện nhiều lần một loại hành vi hoặc thực hiện các loại hành vi khác nhau liệt kê tại Điều 7(1) Quy chế TAHSQT thường trực La Haye.[23] Tính chất của sự tấn công là có hệ thống hoặctrên diện rộng.[24] Tuy nhiên, lưu ý rằng đòi hỏi về sự tấn công là đòi hỏi về mặt chủ quan của tội phạm. Về mặt khách quan, khi người phạm tội thực hiện một hành vi (ví dụ: giết một dân thường) với sự nhận thức rằng hành vi của họ nằm trong sự tấn công có hệ thống và trên diện rộng chống lại dân thường, thì hành vi đó đã đủ thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm chống loài người.
Đối với tội phạm chiến tranh, khác với tội phạm chống loài người, hành vi tra tấn phải có mục đích như nêu tại Điều.1 của Công ước Chống tra tấn 1984. Mặt khác, tra tấn chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm chiến tranh khi nó được thực hiện trong bối cảnh xung đột vũ trang và liên quan đến xung đột vũ trang.[25] Xung đột vũ trang, theo Quy chế TAHSQT thường trực La Haye có hai loại, đó là xung đột vũ trang quốc tế và xung đột vũ trang không có tính chất quốc tế. Xung đột vũ trang quốc tế được hiểu là xung đột giữa các quốc gia, ít nhất là hai quốc gia, trong đó một trong các quốc gia có sử dụng quân đội hoặc các lực lượng quân sự khác trực tiếp tấn công lãnh thổ của quốc gia khác. Quy mô của sự tấn công không ảnh hưởng đến việc xác định tính chất quốc tế của xung đột. Xung đột vũ trang không có tính chất quốc tế là xung đột có sử dụng quân đội hoặc lực lượng quân sự khác (lực lượng vũ trang) giữa nhà nước với các nhóm vũ trang có tổ chức trong quốc gia đó hoặc giữa các nhóm vũ trang có tổ chức trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia [26] . Các nhóm vũ trang trong quốc gia phải có tổ chức ở mức độ nhất định và phải có khả năng thực hiện các hoạt động quân sự trong một thời gian. Do vậy các hành vi bạo loạn, quấy rối trật tự công cộng đơn lẻ, rời rạc, lác đác trong lãnh thổ một quốc gia không phải là tình trạng chiến tranh trong quốc gia đó và không được coi là xung đột vũ trang không có tính chất quốc tế theo ý nghĩa của Quy chế .[27]
Ngoài ra, quy định của các Quy chế TAHSQT, trong đó có Quy chế TAHSQT thường trực La Haye, khác với Công ước Chống tra tấn 1984 ở chỗ theo Công ước, người thực hiện hành vi này phải là công chức hoặc người hành động trong quyền hạn của công chức,[28] trong khi đó Quy chế của các TAHSQT trong đó có TAHSQT thường trực La Haye không đòi hỏi dấu hiệu này. Điều này có nghĩa là hành vi tra tấn trong tội phạm chống loài người và tội phạm chiến tranh có thể được thực hiện bởi bất cứ người nào đối với nạn nhân đang trong sự giam giữ của họ hoặc họ có những quyền kiểm soát nhất định.[29]
Những sự khác nhau đã nêu có lẽ xuất phát từ sự khác nhau về mục đích của hai văn bản pháp luật quốc tế này. Công ước Chống tra tấn 1984 đấu tranh với hành vi tra tấn bằng cách yêu cầu các quốc gia quy định trong luật của mình hành vi này là tội phạm, đồng thời quy định nghĩa vụ của quốc gia (bao gồm nghĩa vụ hợp tác quốc tế) trong việc ngăn ngừa và trừng phạt tội phạm này. Trong khi đó, luật hình sự quốc tế, cụ thể là Quy chế của các TAHSQT, đấu tranh với hành vi tra tấn trong bối cảnh nó là một dạng hành vi khách quan của tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh.
Ngoài những điểm khác biệt nêu trên, trong cả Công ước Chống tra tấn năm 1984 và Quy chế của các TAHSQT, hành vi tra tấn đều được hiểu là hành vi gây ra những đau đớn về thể chất hoặc tinh thần cho đối tượng bị tra tấn và được thực hiện một cách cố ý. Trong thực tiễn xét xử của các TAHSQT, để xác định hành vi nào được coi là hành vi tra tấn cần phải xem xét cách thức thực hiện hành vi và độ dài của hành vi. Trên thực tế, Tòa án đã xem những hành vi gây đau đớn về thể chất sau đây là tra tấn: nhổ răng, rút móng tay, móng chân, cho điện giật những bộ phận nhạy cảm của cơ thể, thổi vào tai gây tiếng ồn trong tai, bẻ gẫy xương, làm phỏng các bộ phận của cơ thể, cho axit vào mắt hoặc những bộ phận nhạy cảm của cơ thể, treo cơ thể lên cao, dìm cơ thể trong nước cho đến khi bị choáng, lấy máu, cắt những bộ phận trên cơ thể như tai, mũi, hiếp dâm. Hành vi tra tấn gây đau đớn về tinh thần trên thực tế cũng có biểu hiện đa dạng và Tòa án coi những hành vi sau đây là tra tấn về tinh thần: ép buộc nạn nhân chứng kiến sự tra tấn người khác, bạn bè hoặc người thân; buộc nạn nhân chôn thi thể của người thân hoặc bạn bè.[30]
4. Kết luận
Theo Điều 1 Công ước Chống tra tấn năm 1984, tra tấn bao gồm các yếu tố: hành vi gây đau đớn nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần, thực hiện với sự cố ý, có sự liên quan của một công chức và nhằm những mục đích nhất định. So sánh với luật hình sự quốc, có thể thấy rằng các yếu tố của tra tấn theo cách tiếp cận của Công ước Chống tra tấn năm 1984 có phạm vi hẹp về chủ thể của hành vi và mục đích của hành vi so với hành vi tra tấn trong tội phạm chống loài người). Mặt khác, cách tiếp cận của Công ước Chống tra tấn năm 1984 rộng hơn luật hình sự quốc tế ở chỗ, không đòi hỏi hành vi tra tấn phải được thực hiện trong sự liên quan đến xung đột vũ trang như trong tội phạm chiến tranh hoặc liên quan đến sự tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng chống lại dân thường như trong tội phạm chống loài người. Theo chúng tôi, cuộc đấu tranh chống tra tấn sẽ triệt để nếu các quốc gia tiếp cận toàn diện trên các phương diện nêu trong luật nhân quyền quốc tế và cả luật hình sự quốc tế.
CHÚ THÍCH
*TS Luật học, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền con người và quyền công dân, Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
**TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Manfred Nowak vàElizabeth McArthur,Bình luận – Công ước Chống tra tấn, Nxb Đại học Oxford, 2005, tr. 1.
[2] Xem Nowak và Mc Arthur, sđd, tr. 2.
[3] Tài liệu trên. Trước đây tra tấn được thực hiện rất phổ biến trong các nền văn hóa khác nhau trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Những ví dụ mang tính tàn bạo điển hình có thể được tìm thấy trong lịch sử thông qua thực tiễn của việc áp dụng tra tấn đối với các nô lệ và những người theo Kitô giáo trong thời kỳ La Mã, đối với những người bị tình nghi phạm tội trong thời Trung cổ, đối với các phù thủy bởi Tòa án dị giáo của Giáo hội công giáo La Mã ở châu Âu, đối với các nôlệ châu Phi ở châu Mỹ và mối với nhân dân dưới sự thống trị của thực dân từ các cường quốc châu Âu tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin.
[4] Nowak và Mc Arthur, sđd, trang v. Tài liệu giải thích này là nỗ lực đầu tiên nhằm mang lại một phân tích sâu về các quy định cơ bản, quy định về tổ chức và thủ tục của CAT và Nghị định thư không bắt buộc của nó. Tài liệu này giải thích từng điều luật của CAT dựa trên sự phân tích triệt để các tài liệu trong quá trình chuẩn bị của Hội đồng Nhân quyền và Các nhóm làm việc giữa các phiên họp của nó giữa năm 1978 và 1984 cũng như thực tiễn gần 20 năm của Ủy ban Chống tra tấn trong các báo cáo quốc gia, các khiếu nại cá nhân và các thủ tục điều tra.
[5] United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (sau đây gọi là Công ước Chống tra tấn”).
[6] Inter-American Convention to Prevent and Punish Torture.
[7] European Convention for the Prevention of Torture and Inhuman or Degrading Treatment or Punishment.
[8] Nowak và McArthur, sđd, trang vi.
[9] Cần ghi chú rằng, luật hình sự quốc tế và luật nhân quyền quốc tế đều hình thành và phát triển mạnh mẽ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong đó luật nhân quyền quốc tế ghi nhận và bảo vệ quyền con người bằng cách xác lập nghĩa vụ của quốc gia liên quan, còn luật hình sự quốc tế xác lập trách nhiệm hình sự của cá nhân thực hiện hành vi tra tấn. Liên quan đến cá nhân, luật hình sự quốc tế và pháp luật quốc tế về quyền con người như hai mặt của một vấn đề: cá nhân là chủ thể mang quyền và cũng là chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng quyền con người của các cá nhân khác. Nói cách khác, trong khi pháp luật quốc tế về quyền con người quy định quyền của cá nhân, luật hình sự quốc tế quy định trách nhiệm của cá nhân khi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người của cá nhân khác. Điều này cho thấy luật hình sự quốc tế là một công cụ góp phần bảo vệ quyền con người. Việc luật hình sự quốc tế quy định các tội phạm quốc tế và áp dụng hình phạt đối với những người thực hiện các tội phạm này thể hiện sự tham gia trực tiếp của luật hình sự quốc tế vào việc bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền không bị tra tấn, đối xử vô nhân đạo. Theo Nigel S. Rodley in “The Definition(s) of Torture in International Law” 2002 55 Current Legal Problems (Oxford University) tr .467-493, 470 “sự cấm tra tấn trong luật nhân quyền quốc tế liên quan đến trách nhiệm của nhà nước (…), [trong khi đó] tội phạm tra tấn trong luật hình sự quốc tế liên quan đến trách nhiệm hình sự của cá nhân.”
[10] Được xác định dựa trên các án lệ trước đây của Hội đồng Nhân quyền Châu Âu và Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Cũng cần lưu ý rằng ngay trong các án lệ của hai cơ quan này cũng có những quan điểm, sự đánh giá rất khác nhau về khái niệm tra tấn. Nội dung này sẽ trình bày ở phần sau.
[11] Nowak và McArthur, sđd, tr. 41, 44.
[12] Tlđd, tr. 41.
[13] Nigel S. Rodley, “The Definition(s) of Torture in International Law”2002 55, Current Legal Problems, Oxford University, pp. 467-493, tr. 488. Quan điểm này được chia sẻ bởi phán quyết của Tòa Nhân quyền liên Châu Mỹ trong vụ Velásquez Rodríguez (1988) I-A Ct. HR, Ser. C, No. 4 (Honduras), đoạn 174; vụ Godínez Cruz (1989) I-A Ct. HR, Ser. C, No. 5, đoạn 184; phán quyết của Tòa Nhân quyền Châu Âu trong vụ Aksoy v. Thổ Nhĩ Kỳ, Eur. Ct. HR, Judgment, 19 Dec. 1996, đoạn 98; vụ Kaya v. Thổ Nhĩ Kỳ, Eur. Ct. HR, Judgment, 19 Feb. 1998, các đoạn 86-92, 107; vụ Kurtv. Thổ Nhĩ Kỳ, Eur. Ct. HR, Judgment, 25 May 1998, đoạn 140.
[14] Herman Burgers vàHHans Danelius, The United Nations Convention against Torture: Handbook on the Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment. Dordrecht, 1988, trích dẫn trong Nowak và McArthur, sđd, tr. 39.
[15] Nowak và McArthur, sđd, tr. 39, 75. Điều này được hỗ trợ bởi mục tiêu của Công ước như đã đề cập trong các tài liệu chuẩn bị và trong lời nói đầu của nó, rằng nhằm chấm dứt sự tồn tại của tra tấn thông qua trách nhiệm của các cơ quan công quyền.
[16] Xem vụ Chahal v. Anh, Eur. Ct. HR, Judgment, 15 Nov. 1996, đoạn 162.
[17] Nowak vàoMcArthur, sđd,tr. 66. Liên quan đến nội dụng này trong Điều 1 của Công ước Chống tra tấn, Ủy ban nhân quyền châu Âuđãchỉ ra rằng “sự thất bại của chính phủ… trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống, sự sười ấm vào mùa đông, các trang thiết bị vệ sinh phù hợp, quần áo, chăm sóc y tế và nha khoa cho các tù nhân là một hành vi tra tấn vi phạm Điều 3 của Công ước Nhân quyền châu Âu”.
[18] Liên quan đến sự nghiêm trọng của hành vi gây tổn thương hoặc đau đớn, ngay trong cộng đồng nhân quyền quốc tế đã có sự khác biệt trong cách tiếp cận. Trong một vụ án điển hình của Ủy ban Nhân quyền Châu Âu liên quan đến Hy Lạp đã áp dụng Điều 3 của Công ước Nhân quyền châu Âu, giải thích rằng tra tấn là một hình thức “đối xử vô nhân đạo có mục đích,… và nói chung nó là một trường hợp nghiêm trọng hơn của đối xử vô nhân đạo” trong khi “đối xử vô nhân đạo” được xác định là “cố ý gây ra những đau đớn nghiêm trọng, tinh thần hoặc thể chất trong những tình huống không chính đáng”.Trong khi đó, Tòa Nhân quyền châu Âu lại cho rằng tra tấn phải được thể hiện bởi một dấu vết đặc biệt (“special stigma”) có liên quan đến “sự đối xử vô nhân đạo một cách cố ý gây ra đau đớn rất nghiêm trọng”. Xem The Greek Case(1969), 12 Yearbook of the European Convention on Human Rights, tr. 186; Xem vụ Irelandv. Anh (1976), Eur. Ct. HR, Ser. A, No. 25, 41, đoạn 162. Nowak và McArthur cho biết thêm rằng, liên quan đến nội dung này, các nhà soạn thảo Công ước chống tra tấnchia sẻ quanđiểm của Hội đồng Nhân quyền Châu Âu. Điều này dẫn đến một hậu quả pháp lý là sự khác nhau giữa những sự đối xử gây ra sự đau đớn nghiêm trọngchính đáng và không chính đáng. Xem thêm Nowak và McArthur, sđd, tr. 67-9.
[19] Theo đó, đại biểu này đề xuất thêm vào Điều 1 nội dung “việc lạm dụng tâm thần học để kéo dài thời gian giam giữ của những người bị áp dụng các biện pháp hay hình phạt liên quan đến tước tự do sẽ bị coi là tra tấn”. Đề nghị này được đánh giá là đã chỉ rõ ra các loại hành vi màtrong những tình huống nhấtđịnh cóthể cấu thành tra tấn tinh thần. Xem Nowak và McArthur, sđd, tr. 38.
[20] Theo Nowak và TMcArthur, duy nhất trong trường hợp nhất định của sự làm nhục (“particularly humiliating treatment”), việc gây ra những tổn thương hay đau đớn không nghiêm trọng bị coi làosự đối xử hoặc trừng phạt hạ thấp, vi phạm Điều 16 của Công ước chống Tra tấn. Việc đánh giá khi nào một sự đối xử tàn ác hay vô nhân đạo bị coi là tra tấn tùy thuộc vào việc có hay không sự thỏa mãn các yếu tố được ghi nhận trong định nghĩa tại Điều 1, nhất là yếu tố mục đích. Xem Nowak và McArthur, sđd, tr. 69.
[21] Cần nêu rõ rằng Quy chế Tòa án hình sự quốc tế Yugoslavia không dùng thuật ngữ “tội phạm chiến tranh”, mà quy định về các tội phạm vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva năm 1949 và pháp luật, tập quán chiến tranh; tuy nhiên nội hàm của tội phạm tương ứng với tội phạm chiến tranh trong Quy chế tòa án quân sự quốc tế Nuremberg, Quy chế của Tòa án hình sự quốc tế La Haye.
[22] Điều 1(1) Công ước về Tra tấn dã man và các hình phạt, đối xử hoặc hành vi vô nhân đạo, tàn ác khác năm 1984.
[23] Xem: Điều 7(2)(a) Quy chế Tòa án hình sự quốc tế thường trực LaHayevàNguyễn Thị Phương Hoa (2014), Luật hình sự quốc tế với việc bảo đảm quyền con người, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr. 45.
[24] Xem lời dẫn Điều 7(1) Quy chế Tòa án hình sự quốc tế thường trực LaHaye.
[25] Dấu hiệu này được liệt kê cuối cùng trong yếu tố cấu thành của mỗi trường hợp phạm tội của tội phạm chiến tranh.
[26] Xem Gerharld Werle, Sđd, tr. 364-6.
[27] Điều 8(2)(d) Quy chế Tòa án hình sự quốc tế thường trực LaHaye.
[28] Điều 1(1) Công ước Chống tra tấn và các hình phạt, đối xử hoặc hành vi vô nhân đạo, tàn ác khác năm 1984.
[29] Xem Điều 7(2)(e) Quy chế Tòa án hình sự quốc tế thường trực LaHaye và Điều 8(2)(a)(ii)-1 Văn bản Các yếu tố cấu thành tội phạm của Tòa án hình sự quốc tế thường trực LaHaye.
[30] Gerhald Werle, Principles of International Criminal Law (second edition), Nxb. M.C Asser Press, tr. 320.
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Hoa*, Hoàng Thị Tuệ Phương** – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2014 – 2014, Trang 3-9
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời