Hoàn thiện các quy định về chứng minh trong tố tụng hình sự (TTHS) nhằm đảm bảo quyền bào chữa và đảm bảo tranh tụng: Đảm bảo cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách đúng đắn, tránh bỏ lọt, tránh oan sai…
- Quyền bào chữa trong Hiến pháp 2013 và việc triển khai thực hiện – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Lê Thị Thùy Dương
- Những quy định mới của Hiến pháp 2013 về quyền bào chữa và việc hoàn thiện BLTTHS – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Đánh giá quy định của Luật TTHS Việt Nam về quyền bào chữa của người chưa thành niên trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Sửa đổi Luật Tố tụng hành chính nhằm thực hiện nguyên tắc tranh tụng quy định trong Hiến pháp 2013 – TS. Nguyễn Thị Thương Huyền & ThS. Nguyễn Văn Thạch
- Các thuộc tính của chứng cứ trong khoa học hình sự – LS. Nguyễn Lan Anh
- Một số điểm mới về chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Trịnh Duy Thuyên
TỪ KHÓA: Quyền bào chữa, Tranh tụng,
TÓM TẮT
Để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội và đảm bảo tranh trụng trong TTHS theo Hiến pháp năm 2013 cần hoàn thiện các quy định của BLTTHS theo hướng đảm bảo cho người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bào chữa có cơ hội chứng minh bình đẳng với các chủ thể THTT. Ngoài ra, Tòa án cũng cần xác định lại nghĩa vụ chứng minh của mình sao cho phù hợp với việc thực hiện chức năng xét xử. Như vậy các điều kiện thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ cần được xem xét lại để đảm bảo cho người bào chữa thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các chứng cứ. Mặt khác, các quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ cũng cần rõ ràng hơn theo kinh nghiệm của pháp luật hình sự quốc tế và luật TTHS của nước ngoài, đảm bảo cho cơ quan THTT giải quyết vụ án một cách đúng đắn, tránh bỏ lọt, tránh oan sai.
Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định các quyền cơ bản của người bị buộc tội, trong đó có quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (khoản 4 Điều 31). Ngoài ra, lần đầu tiên Hiến pháp ghi nhận “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103). Để quyền bào chữa được phát huy vai trò của nó và tranh tụng được đảm bảo, các chủ thể trong tố tụng hình sự (TTHS) cần có cơ hội thực hiện hoạt động chứng minh bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Yêu cầu này được đảm bảo trước hết bởi hệ thống các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) điều chỉnh hoạt động chứng minh. Như vậy, việc hoàn thiện các quy định về chứng minh của BLTTHS là một bộ phận trong yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta và giúp thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 nhằm tăng cường tính tranh tụng và đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội.
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua cho thấy những người tham gia tố tụng nói chung và người bào chữa nói riêng thường gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền chứng minh mà một phần nguyên nhân là pháp luật TTHS chưa đảm bảo cho người tham gia tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách bình đẳng. Những người tham gia tố tụng chủ yếu bảo vệ quyền lợi của mình qua hệ thống chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) thu thập được. Mức độ chấp nhận các đề nghị, yêu cầu từ phía người bị buộc tội, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong quá trình thu thập, sử dụng các chứng cứ nhìn chung còn thấp và thiếu một cơ chế đảm bảo, hỗ trợ cần thiết. Những quy định về thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, chưa cụ thể đã gây ra không ít băn khoăn, tranh cãi trong quá trình xác định sự thật vụ án. Nhiều vụ án oan trong TTHS đều có liên quan đến những sai sót trong nhận thức về chứng cứ và tiến hành hoạt động chứng minh.
Có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu trong chế định chứng cứ và chứng minh. Tuy nhiên, bài viết chỉ bình luận những điểm mấu chốt còn tồn tại của BLTTHS năm 2003 về chứng minh có ảnh hưởng đến sự đảm bảo quyền bào chữa, đảm bảo tranh tụng. Để có tính thời sự và ý nghĩa lập pháp, chúng tôi còn so sánh các quy định của BLTTHS năm 2003 với Dự thảo BLTTHS.[1]
1. Một số hạn chế trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về chứng minh
1.1. Về nghĩa vụ chứng minh của Tòa án
Nguyên lý chung là bên buộc tội phải có nghĩa vụ chứng minh. Theo nguyên tắc từ luật La Mã, người buộc tội phải chứng minh cho sự buộc tội của mình.[2] Khi mô hình tố tụng thẩm vấn ra đời thay thế mô hình tố tụng tố cáo thì biện lý xuất hiện. “Biện lý là người đại diện cho quyền lực nhà vua, có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ và duy trì sự buộc tội trước tòa án”.[3] Trong tố tụng tranh tụng hiện đại, cơ quan công tố vẫn phải chịu trách nhiệm chứng minh tội phạm; bị can, bị cáo có quyền im lặng; tòa án có vai trò thụ động và vô tư như một trọng tài.
Khi quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan THTT, BLTTHS năm 2003 không giải thích rõ có sự khác biệt nào về nghĩa vụ chứng minh của Tòa án so với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, trong khi Tòa án thực hiện chức năng xét xử khác với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội.[4] Quan điểm lập pháp hiện nay hầu như vẫn theo đuổi mô hình cũ và không có một sự thay đổi đáng kể nào liên quan đến nghĩa vụ chứng minh của Tòa án (xem Điều 15 và Điều 248 Dự thảo BLTTHS). Nếu quy định chung như vậy dễ dẫn đến ngộ nhận Tòa án cũng thực hiện chức năng buộc tội làm cho việc xét xử không công bằng, khách quan.
1.2.Về hoạt động chứng minh
a. Thứ nhất, thu thập chứng cứ
Đối với hoạt động thu thập chứng cứ, các cơ quan THTT có lợi thế hơn so với những người tham gia tố tụng. Mặt khác, những gì mà người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác thu thập (tài liệu, đồ vật) chưa được công nhận ngay là chứng cứ mà chỉ là nguồn chứng cứ, do đó những tài liệu, đồ vật do những người tham gia tố tụng cung cấp phải được các cơ quan THTT tiếp tục thu thập lại, kiểm tra và đánh giá chứng cứ. Dự thảo BLTTHS lần này đã khắc phục thiếu sót trên và làm cho những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tạm yên tâm về những gì mình thu thập có thể được xem là chứng cứ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là liệu người bào chữa cũng như những người tham gia tố tụng khác có đủ điều kiện để thu thập sớm các chứng cứ của vụ án?
Theo quy định, người bào chữa muốn tham gia tố tụng (để thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ) phải qua thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa rất rườm rà và dễ bị vi phạm thời hạn xem xét, giải quyết, trong khi đòi hỏi của hoạt động thu thập chứng cứ phải nhanh chóng, kịp thời, nếu không chứng cứ có thể bị tiêu hủy. Vì vậy, cơ hội thu thập chứng cứ của người bào chữa gặp nhiều khó khăn và làm cản trở hoạt động chứng minh của họ. Về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, Dự thảo BLTTHS vẫn giữ lại thủ tục này nhưng có sự thay đổi nhỏ về tên gọi (giấy đăng ký bào chữa) và rút ngắn bớt thời hạn cơ quan THTT có nghĩa vụ xem xét giải quyết.[5]
Người bào chữa còn có nghĩa vụ giao nộp các tài liệu, đồ vật thu thập được cho các cơ quan THTT (khoản 3 Điều 58 BLTTHS năm 2003) mà lẽ ra đó chỉ là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Dự thảo BLTTHS (khoản 2 Điều 135) cũng quy định: “Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải giao kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án”. Nếu thừa nhận những gì người bào chữa thu thập là chứng cứ thì quy định này tạo ra sự mâu thuẫn. Giả sử người bào chữa không giao ngay những gì mình thu thập được thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thừa nhận đó là chứng cứ? Hơn nữa, nếu đó là chứng cứ, tài liệu bất lợi cho người bị buộc tội thì liệu người bào chữa có nghĩa vụ giao nộp cho cơ quan THTT? Chứng cứ không chỉ bao gồm những thông tin đã có trong hồ sơ vụ án. Chứng cứ cần được xem xét tại phiên tòa một cách trực tiếp bằng lời nói. Người bào chữa có quyền cung cấp chứng cứ chậm nhất tại phiên tòa, lúc này Hội đồng xét xử sẽ kiểm tra, đánh giá chứng cứ một lần nữa trước khi sử dụng để ra bản án, quyết định. Như vậy, vẫn còn tồn tại sự thiếu bình đẳng về hoạt động thu thập, chia sẻ chứng cứ giữa cơ quan THTT với chủ thể thực hiện chức năng bào chữa.Thời điểm mà người bào chữa có quyền tham gia tố tụng cũng ảnh hưởng đến khả năng thu thập chứng cứ của người bào chữa để bảo vệ cho người bị buộc tội. BLTTHS năm 2003 quy định: “Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra” (khoản 1 Điều 58 BLTTHS năm 2003). Dự thảo BLTTHS vẫn giữ nguyên quy định này (Điều 127) và hệ quả sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong TTHS vừa vi phạm quyền bào chữa do người bào chữa tham gia tố tụng bị chậm trễ.
Mặt khác, BLTTHS năm 2003 chưa xác định rõ việc thực hiện chức năng tố tụng của các chủ thể nên Tòa án đôi khi chưa làm tốt chức năng xét xử do phải tham gia thu thập chứng cứ như những chủ thể khác, làm cho hoạt động chứng minh chưa được khách quan, công bằng[6] và vì thế tranh tụng không được đảm bảo.
b. Thứ hai, kiểm tra, đánh giá chứng cứ
BLTTHS năm 2003 không quy định một điều luật riêng về kiểm tra chứng cứ, chỉ có điều luật về đánh giá chứng cứ (Điều 66). Thật ra, nội dung kiểm tra chứng cứ khác với đánh giá chứng cứ mặc dù hai hoạt động này có liên quan. Theo Điều 66 thì nội dung kiểm tra chứng cứ là một phần của Điều 66 (khoản 1). Đó là:“chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án”. Kiểm tra chứng cứ chỉ để trả lời câu hỏi những gì thu thập được có phải là chứng cứ không? Còn đánh giá chứng cứ trước hết là đánh giá từng chứng cứ để xác định giá trị chứng minh của chứng cứ đó đối với các tình tiết của vụ án, đồng thời đánh giá tổng hợp các chứng cứ để xem xét tính cần và đủ để xác định sự thật vụ án và giải quyết vụ án. Việc đánh giá chứng cứ theo nguyên tắc tự do đánh giá chứng cứ (The principle of the free evaluation (assessment) of the evidence) thường thấy trong luật TTHS của nhiều nước nhưng BLTTHS Việt Nam cũng như các dự thảo BLTTHS chưa từng ghi nhận.
Rõ ràng, một phần khoản 1 Điều 66 BLTTHS năm 2003 chỉ đề cập đánh giá tổng hợp các chứng cứ: “Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Còn khoản 2 Điều 66 quy định nguyên tắc đánh giá chứng cứ: “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án”. Nguyên tắc đánh giá chứng cứ như vậy chỉ mang tính định hướng, “kêu gọi” mà thiếu những tiêu chuẩn cụ thể. Hay nói cách khác, nguyên tắc không đưa ra một tiêu chuẩn an toàn về khả năng xác định có tội hoặc khả năng vô tội. Vì vậy, các chủ thể tham gia đánh giá chứng cứ còn lúng túng trong việc đánh giá chứng cứ đối với những vụ án phức tạp, thiếu chứng cứ theo kiểu tỷ lệ buộc tội – gỡ tội là “50-50” hoặc chứng cứ “yếu” dễ dẫn đến oan sai.
So sánh với BLTTHS năm 2003, Dự thảo BLTTHS có bổ sung cụm từ “kiểm tra chứng cứ” nhưng vẫn chung với điều luật về đánh giá chứng cứ (Điều 95 Dự thảo). Nội dung quy định không có gì thay đổi ngoài trừ bổ sung “Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo quy định của Bộ luật này”. Bổ sung này cũng chưa toàn diện, bởi còn sót quyền đánh giá chứng cứ của những người tham gia tố tụng khác, bởi họ cũng có quyền trình bày ý kiến, tranh luận.
2. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chứng minh nhằm đảm bảo tranh tụng và đảm bảo quyền bào chữa
2.1. Sửa đổi quy định về nghĩa vụ chứng minh của Tòa án
Chúng tôi đề nghị sửa điều luật về nguyên tắc xác định sự thật vụ án (Điều 10 BLTTHS năm 2003, Điều 15 Dự thảo BLTTHS) theo hướng Tòa án chỉ có nghĩa vụ kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Đây cũng là nghĩa vụ chứng minh tính có cơ sở của bản án, quyết định của Tòa án. Mô hình pháp lý của điều luật về trách nhiệm chứng minh của cơ quan THTT cần đảm bảo các nội dung:
– Cơ quan, người có thẩm quyền THTT có nghĩa vụ xác định sự thật vụ án bằng các chứng cứ;
– Tòa án có nghĩa vụ kiểm tra, đánh giá chứng cứ do các chủ thể khác thu thập được để làm căn cứ ra bản án, quyết định giải quyết vụ án;
– Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.Để đồng bộ, đề nghị bỏ quy định chủ thể thu thập chứng cứ là Tòa án tại khoản 1 Điều 65 BLTTHS năm 2003 (Điều 248 Dự thảo BLTTHS). Điều 248 Dự thảo chỉ nên giữ lại nội dung xác minh (kiểm tra) chứng cứ.
Kiến nghị trên đảm bảo cho Tòa án được vô tư khi đánh giá chứng cứ và cũng đảm bảo tranh tụng trong xét xử. Thực tế, Tòa án khó tham gia thu thập chứng cứ ngoài việc xét hỏi tại phiên tòa mà hầu như xét hỏi chủ yếu là để kiểm tra, đánh giá chứng cứ do các bên thu thập được.
2.2. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quyền chứng minh của người bào chữa
Chúng tôi kiến nghị bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo người bào chữa có quyền tự thu thập chứng cứ và đề nghị các cơ quan THTT thu thập chứng cứ và hỗ trợ thu thập chứng cứ.
So với Điều 65 BLTTHS năm 2003, Dự thảo BLTTHS có bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ của người bào chữa. Để đảm bảo khả năng thu thập chứng cứ của người bào chữa và cũng đưa ra giải pháp cho sự cân bằng trong hoạt động chứng minh giữa bên buộc tội với bên bào chữa, BLTTHS cần quy định:
– Cho phép người bào chữa tự mình thu thập chứng cứ (như Điều 77 Dự thảo): Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa (Quy định chi tiết tại Điều 128 Dự thảo về Quyền của người bào chữa).
Ngoài ra, cần bổ sung tại Điều 77 Dự thảo trường hợp: Nếu người bào chữa gặp khó khăn khi tự thu thập những chứng cứ do các các nhân, tổ chức khác đang nắm giữ thì có quyền yêu cầu các cơ quan THTT đề nghị các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp các chứng cứ đó cho người bào chữa (quy định này chưa có trong dự thảo BLTTHS).
– Trường hợp người bào chữa không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập (khoản 3 Điều 135 Dự thảo).
– Những người tham gia tố tụng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có nghĩa vụ hợp tác với người bào chữa trong hoạt động thu thập chứng cứ.
Những sửa đổi bổ sung như trên sẽ làm giảm bớt sự cách biệt quá lớn về lợi thế chứng minh giữa bên buộc tội với bên bào chữa.
2.3. Kiến nghị bỏ hoặc sửa đổi các quy định hạn chế quyền tham gia tố tụng và thu thập chứng cứ của người bào chữa
– Cần bỏ hoặc sửa quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa (Điều 56 BLTTHS năm 2003, Điều 132 Dự thảo BLTTHS gọi là giấy Đăng ký bào chữa). Trên thực tế, quy định này làm cho người bào chữa tham gia tố tụng bị chậm trễ, trong khi đó cơ quan điều tra không chờ cho đến khi nào người bào chữa có giấy chứng nhận bào chữa mới lấy lời khai. Dự thảo BLTTHS cũng quy định: “Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (Điều 188 Dự thảo). Nếu muốn tiếp tục giữ lại thủ tục cấp giấy đăng ký bào chữa thì đơn giản đến mức tối đa thủ tục như “mua vé vào cổng”. Chỉ cần người bào chữa trình thẻ luật sư hoặc văn bản cử người bào chữa và giấy đề nghị của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của những người này thì cơ quan THTT phải xem xét giải quyết ngay việc cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa mà không cần phải có một thời hạn để xem xét (3 ngày hoặc 24 giờ) như hiện nay. Người yêu cầu cấp giấy đăng ký bào chữa có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực để chứng minh mình không thuộc diện bị từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa và cam kết không vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia bào chữa. Trong thời đại công nghệ thông tin, không quá khó cho cơ quan THTT để kiểm tra dữ liệu về cá nhân người bào chữa ngay khi họ yêu cầu.
– Cần bỏ quy định “Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải giao kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án” (khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và khoản 2 Điều 135 Dự thảo BLTTHS). Như đã nhận định ở trên, người bào chữa sẽ có quyền mà không có nghĩa vụ giao nộp tất cả các chứng cứ mà mình có được cho cơ quan THTT.
– Cần bỏ quy định: “trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra” (khoản 1 Điều 58 và Điều 127 Dự thảo BLTTHS). Như đã đề cập ở trên, quy định này đã làm chậm trễ sự tham gia tố tụng của người bào chữa và hạn chế khả năng thu thập chứng cứ kịp thời từ phía người bào chữa, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật trong TTHS. Nếu người bào chữa tham gia tố tụng mà làm lộ bí mật điều tra đối với bất kỳ vụ án nào cũng bị coi là vi phạm theo điểm e khoản 3 Điều 58 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dự thảo BLTTHS cũng quy định người bào chữa có nghĩa vụ:“Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân” (điểm g khoản 2 Điều 128 Dự thảo).
2.4. Sửa đổi, bổ sung khác liên quan đến kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn
– Thứ nhất, theo chúng tôi, cần bổ sung một điều luật về kiểm tra chứng cứ trên cơ sở tách từ khoản 1 của Điều 66 BLTTHS năm 2003 (Điều 95 dự thảo BLTTHS).
Một phần khoản 1 Điều 66 (mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án) thực chất là kiểm tra chứng cứ nên được tách ra, đồng thời có sự bổ sung thêm quy định chứng cứ được sử dụng để ra bản án, quyết định của tòa án phải được kiểm tra. Điều luật nên được bổ sung như sau:
Điều… Kiểm tra chứng cứ
- Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án.
- Các chứng cứ được sử dụng để ra bản án, quyết định của Tòa án phải được kiểm tra công khai, trực tiếp tại phiên tòa.
Điều 184 BLTTHS năm 2003 có quy định “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa” nhưng chúng tôi đề nghị chuyển và bổ sung quy định này tại Điều 66 BLTTHS năm 2003 (Điều 95 Dự thảo hoặc một điều luật riêng) sẽ hợp lý hơn, bởi nó nói lên quy tắc kiểm tra chứng cứ ở một giai đoạn tố tụng quan trọng nhất. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác bình đẳng với các cơ quan có thẩm quyền buộc tội trong việc thu thập những gì được coi là chứng cứ ở các giai đoạn tố tụng trước đó. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử, chứng cứ được dùng làm căn cứ ra bản án, quyết định giải quyết vụ án phải được kiểm tra tại phiên tòa. Đó cũng là điều kiện đảm bảo tranh tụng trong xét xử. Quy định này cũng nhằm khắc phục tình trạng “án tại hồ sơ” hay “án bỏ túi” do chứng cứ không được kiểm tra lại tại phiên tòa công khai nhưng được sử dụng để ra bản án, quyết định. Ở các nước theo mô hình tố tụng tranh tụng thì vấn đề này không cần bàn luận, thậm chí các bên phải thực hiện quy trình kiểm tra chéo nhân chứng trước khi công nhận chứng cứ. Ở các nước có mô hình tố tụng tương tự Việt Nam, vấn đề kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên tòa cũng được quy định thủ tục kiểm tra chéo như trong BLTTHS của Trung Quốc.[7] Ở Đức, theo luật, không có chứng cứ nào thu thập được bên ngoài tòa án có thể được dùng làm căn cứ cho bản án.[8]
– Thứ hai, cần bổ sung quy định đánh giá tổng hợp chứng cứ theo tiêu chí rõ ràng hơn khi giải quyết vụ án.
Quy định đánh giá chứng cứ “phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự” (khoản 1 Điều 66 BLTTHS năm 2003) vẫn có thể gây tranh cãi về tính “đủ” của nó. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của thẩm phán và hội thẩm. Để khắc phục phần nào khó khăn trên, cần bổ sung thêm tiêu chí đánh giá có tội hoặc vô tội. Hiện nay, tiêu chuẩn đánh giá chứng cứ “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” (“Beyond a reasonable doubt”) đã được sử dụng trong nhiều nền tư pháp trên thế giới.[9] Thật khó để biết có bao nhiêu phần trăm niềm tin thì thẩm phán mới quyết định được vụ án. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là thẩm phán khi xét xử phải không còn bất cứ nghi ngờ nào trong việc khẳng định chắc chắn về trách nhiệm hình sự của bị cáo đối với tội danh.[10] Tức là chỉ kết tội một người khi không còn có sự nghi ngờ vô tội có căn cứ nào. Điều đó cũng có nghĩa là mọi giả thuyết hoặc sự nghi ngờ vô tội có căn cứ đã được loại bỏ. Có cách nói hơi cường điệu nhưng đáng suy nghĩ của học giả Blackstone: “để mười người phạm tội được tự do còn hơn kết án một người vô tội”.[11] Đó là sự đòi hỏi cao của chuẩn mực về đánh giá chứng cứ trong TTHS nhằm tránh oan sai. Sự đòi hỏi này khác với quy tắc đánh giá chứng cứ trong tố tụng dân sự là đánh giá dựa trên sự cân bằng về khả năng của chứng cứ (Balance of probabilities), tức là phần thắng thuộc về bên có lợi thế chứng cứ hơn . Trong pháp luật hình sự quốc tế, quy tắc “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” là một trong những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội của Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Điều 66 của quy chế Rome quy định: “Để kết tội bị cáo, tòa án phải tin lỗi của bị cáo vượt qua sự nghi ngờ hợp lý”.[12] Vì vậy, cần bổ sung quy định về một quy tắc đánh giá tổng hợp chứng cứ tại giai đoạn xét xử, thay vì quy định trừu tượng, dễ dẫn đến đánh giá chủ quan theo khoản 2 Điều 66 và dễ làm oan sai gây thiệt hại cho người vô tội. Nội dung được đề nghị bổ sung: “Chỉ kết tội bị cáo khi không còn một sự nghi ngờ có căn cứ nào”. Bổ sung này cũng chỉ áp dụng để đánh giá chứng cứ trong giai đoạn xét xử – giai đoạn trọng tâm của giải quyết vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định đánh giá tổng hợp chứng cứ khi có căn cứ khẳng định không thể kết tội. Đó là: “Không được kết tội bị can, bị cáo nếu chứng cứ của vụ án chỉ có lời nhận tội”. Bổ sung này thể hiện rõ quan điểm chưa đủ chứng cứ để kết tội nếu chỉ có chứng cứ là lời nhận tội của bị can, bị cáo trong vụ án. Khoản 2, Điều 72 của BLTTHS có quy định “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Quy định này giống nhưng không hoàn toàn đồng nhất ý nghĩa với đề nghị bổ sung đã đưa ra. Đề nghị bổ sung nội dung này cũng có ý nghĩa lịch sử, pháp lý và về bảo vệ quyền con người. Lời nhận tội của bị cáo ở thời kỳ tố tụng thẩm vấn cổ được coi là chứng cứ tốt nhất (vua của chứng cứ). Nghĩa là, nếu bị cáo nhận tội thì không phải chứng minh gì thêm. Mô hình TTHS Việt Nam hiện nay, mặc dù đã có những cải cách quan trọng theo hướng tăng cường yếu tố tranh tụng nhưng vẫn thiên về thẩm vấn. Do đó, trong ý thức lẫn tiềm thức, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán vẫn mong muốn có được lời nhận tội trong hệ thống các chứng cứ thu thập được để tin rằng đó là tội phạm, vì vậy có khi lạm dụng quyền lực tra tấn, bức cung để có lời khai nhận tội. Chúng tôi đề nghị sửa đổi nội dung điều luật như sau:
Điều… Đánh giá chứng cứ
Đánh giá chứng cứ cần căn cứ vào các quy định của pháp luật, tất cả các tình tiết của vụ án, ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm.
Đánh giá chứng cứ là xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ, mức độ cần và đủ chứng cứ để giải quyết đúng đắn vụ án. Chỉ kết tội bị cáo khi không còn một sự nghi ngờ có căn cứ nào.
Không thể kết tội bị cáo nếu vụ án chỉ có chứng cứ là lời nhận tội.
CHÚ THÍCH
[1] Dự thảo BLTTHS ngày 11/8/2015, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 40. Toàn văn dự thảo được truy cập tại địa chỉ: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=561&LanID=1121&TabIndex=1.
[2] Nguyễn Thái Phúc, “Một số vấn đề về quyền công tố của Viện kiểm sát”, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Bộ: Những vấn đề lý luận về quyền công tố và thực tiễn hoạt động công tố ở Việt Nam từ 1945 đến nay,1999, tr. 35.
[3] Đỗ Văn Đương, Chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 30.
[4] Riêng nghĩa vụ chứng minh của tòa án thì có nhiều ý kiến khác nhau giữa các luật gia Xô viết. Theo đánh giá của tác giả Xavitsky V.M. thì đây là thiếu sót về kỹ thuật lập pháp có thể dẫn tới nhận thức sai lệch, xóa nhòa và loại bỏ hoàn toàn những khác biệt trong các chức năng tố tụng do các cơ quan THTT và người tham gia tố tụng thực hiện, Xem Nguyễn Thái Phúc, tldd, tr. 35.
[5] Dự thảo BLTTHS quy định rút ngắn thời hạn Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cấp giấy đăng ký bào chữa, khoản 3 Điều 132 Dự thảo: Trong thời hạn 6 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị bắt, 12 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với trường hợp bào chữa cho bị can, bị cáo, kể từ khi nhận được đủ giấy tờ quy định.
[6] Luật Tổ chức tòa án 2014 (điểm c khoản 3): “Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Dự thảo BLTTTHS (Điều 248) cũng quy định: Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ.
[7] Điều 47 BLTTHS Trung Quốc quy định: Lời khai của nhân chứng có thể được sử dụng làm cơ sở quyết định vụ án chỉ sau khi đã hỏi cung nhân chứng và kiểm tra chéo tại Toà án trước cả hai bên là kiểm sát viên và người bị hại cũng như bị cáo và người bào chữa, và sau khi lời khai của nhân chứng của tất cả các bên đã được nghe và kiểm chứng. Nếu qua điều tra phát hiện thấy nhân chứng cố tình khai man hoặc che giấu chứng cứ, Toà án phải xử lý vấn đề theo pháp luật.
[8] Robert Esser, Criminal Procedure System of the Federal Republic of Germany, Transition of Criminal Procedure Systems, Volum II, Berislav Pavisic, Rijeka, 2004, tr. 127.
[9] Theo Công ước về Quyền con người của châu Âu, từ Điều 6 (20) về nguyên tắc suy đoán vô tội, pháp luật của các nước châu Âu xem “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” như một chuẩn mực trong đánh giá chứng cứ. Ở Italia, “không ai có thể bị kết án trong khi công tố viên không chứng minh được lỗi của bị cáo vượt qua bất kỳ sự nghi ngờ hợp lý nào”, xem Christine VAN DEN WYNGAERT (Editer), Criminal Procedure systems in the European Community, Butterworths, 1993, tr238; ở Đức, “nếu có bất kỳ sự nghi ngờ hợp lý nào còn tồn tại cho đến khi kết thúc phiên xét xử, bị cáo phải được trắng án”, xem Robert Esser, tldd, tr. 127.
[10] Liling Yue, Mô hình tố tụng hình sự của Trung Quốc trong Những mô hình tố tụng hình sự điển hình trên thế giới, Tô Văn Hòa (chủ biên), NXB Hồng Đức, 2012, tr. 130.
[11] Paul Roberts và Adrian Zuckerman, Criminal Evidence, Oxford University Press, 2004, tr. 19. Nguyên văn tiếng Anh: “better to let ten guilty men go free than to convict one innocent”.
[12] Nguyên văn tiếng Anh: “In order to convict the accused, the Court must be convinced of the guilt of the accused beyond reasonable doubt”.
Tác giả: Lê Nguyên Thanh – TS, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(93)/2015 – 2015, Trang 17-23
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời