Những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng – Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị
Tác giả: Vũ Văn Giang [1]
TÓM TẮT
Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ nó đã làm phương hại đến lợi ích quốc gia, làm nghèo đất nước, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng những bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Các tội phạm tham nhũng được quy định tại Mục 1 thuộc chương XXIII từ Điều 353 đến điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 (Sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015). So với các quy định về các tội phạm tham nhũng được quy định tại BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, thì tội phạm tham nhũng có một số điểm mới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc xử lý loại tội phạm này trong thời gian qua còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến những vấn đề cần chứng minh trong các vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc này trên thực tiễn.
1. Khái niệm về tội phạm tham nhũng
Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”2.
Tham nhũng có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng cơ bản là:
– Tham nhũng phải được thực hiện từ người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước hoặc các tổ chức xã hội. Những người có chức vụ, quyền hạn được quy định tại Luật phòng chống tham nhũng3, gồm: (1) Cán bộ, công chức, viên chức; (2) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân; (3) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; (4) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về người có chức vụ, quyền hạn là “Người có chức vụ… là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất trong khi thực hiện công vụ”4.
– Không phải bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện đều là hành vi tham nhũng. Chính vì thế khi định tội, để xác định có phải là tội phạm về tham nhũng hay không, ngoài các dấu hiệu là người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thì phải có dấu hiệu động cơ mục đích vụ lợi. Tất nhiên, tội phạm nói chung và những tội phạm về tham nhũng nói riêng, khi có động cơ vụ lợi thì đương nhiên tội phạm đó được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Vì vậy, các tội phạm về chức vụ được quy định trong Chương XXIII và các chương khác của Bộ luật hình sự chỉ cần thoả mãn dấu hiệu chủ thể (người có chức vụ, quyền hạn) và dấu hiệu trong mặt khách quan (lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); còn dấu hiệu động cơ mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, trừ trường hợp luật định.
Qua đó, có thể thấy các tội phạm về tham nhũng thực chất nằm trong nhóm các tội phạm về chức vụ, nhưng không phải tất cả mọi tội phạm về chức vụ đều là tội phạm về tham nhũng. Đây là điểm khác nhau duy nhất của hai nhóm tội phạm này, vì vậy, khi xác định một tội phạm được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong khi thi hành công vụ có phải là các tội phạm về tham nhũng hay không phải làm rõ được động cơ có vụ lợi hay không.
Từ đó cho chúng ta đi đến khái niệm về tội phạm tham nhũng như sau: Tội phạm về tham nhũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước hoặc cá nhân được Nhà nước uỷ quyền quản lý mà cố ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi nhằm mục đích vụ lợi, xâm hại đến sự đúng đắn trong hoạt động của cơ quan nhà nước, lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
2. Những vấn đề cần chứng minh trong các vụ án tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự được ghi nhận là cơ sở của trách nhiệm hình sự, đó là sự việc phạm tội, người thực hiện tội phạm và các tình tiết khác có liên quan đến vụ án. Theo đó, tại Điều 441 BLTTHS năm 2015 quy định về những vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải chứng minh làm căn cứ, cơ sở để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những hành vi phạm tội tham nhũng đó là:
(i) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội tham nhũng theo quy định của BLHS;
(ii) Lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội;
(iii) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
(iv) Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt;
(v) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Những nội dung trên là những vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải làm sáng tỏ trong quá trình chứng minh bản chất của vụ án liên quan đến việc xác định tội phạm tham nhũng. Theo đó, những vấn đề cần phải chứng minh đó là:
Một là, các tội phạm tham nhũng đều phải do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Do đó, các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với vai trò người thực hành trong vụ án phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, vấn đề chủ thể này không đặt ra đối với những người cùng tham gia thực hiện tội phạm với vai trò là đồng phạm giúp sức hoặc xúi giục người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn là những người được quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật cán bộ, công chức (như ở phần trên mục 1 chúng tôi đã phân tích và làm rõ).
Hai là, các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện những việc trái với quy định của pháp luật vì mục đích vụ lợi. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là hành vi làm hoặc không làm đúng chức trách, nhiệm vụ công vụ được giao vì mục đích vụ lợi. Theo đó cần chứng minh và làm rõ:
(1) Có hay không việc sử dụng trái pháp luật chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý;
(2) Chứng minh và làm rõ việc chủ thể tội phạm đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình một cách trái pháp luật, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ;
(3) Có hay không có việc người phạm tội đã thực hiện hành vi vượt quá giới hạn về quyền hạn, làm trái công vụ chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi vượt quá đó được thể hiện ở việc đã ban hành hoặc ra các quyết định vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
(4) Chứng minh người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác sử dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân;
(5) Chứng minh người phạm tội đã có hành vi thực hiện các quyết định vượt quá quyền hạn cho phép vì vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân;
(6) Hoặc chứng minh và làm sáng tỏ việc chủ thể tội phạm đã thực hiện hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào và sử dụng chức vụ, quyền hạn tạo ảnh hưởng tác động, thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm;
(7) Chứng minh làm sáng tỏ việc thực hiện hành vi sai trái là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn.
Ba là, tội phạm về tham nhũng được thực hiện với mục đích vụ lợi. Do đó, cần chứng minh và làm rõ mục đích vụ lợi của các đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội. Đó là những mưu cầu lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho bản thân người đó. Lợi ích mà người thực hiện tội phạm về tham nhũng có thể nhận được như hệ quả trực tiếp của việc thực hiện hành vi tham nhũng có thể là tiền chiếm đoạt từ tham ô tài sản, từ nhận hối lộ… hoặc là hệ quả gián tiếp từ việc thực hiện hành vi tham nhũng như: làm trái theo sự chỉ đạo trái pháp luật của cấp trên để được cấp trên xem xét cất nhắc…
Bốn là, tội phạm về tham nhũng đã xâm phạm đến khách thể được Luật hình sự bảo vệ, đó là tính đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngoài những yếu tố thuộc về bản chất vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng cần chứng minh nêu trên, là căn cứ là cơ sở để các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kết luận có hay không việc thực hiện hành vi phạm tội. Các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng cần phải chứng minh những yếu tố khác, có ý nghĩa trong việc ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Những yếu tố ảnh hưởng đó bao gồm: các tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với người phạm tội; Những yếu tố liên quan đến việc miễn hình phạt và xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của người phạm tội. Một trong những nội dung cần chứng minh đó là tính bất khả kháng của sự việc khách quan, dẫn đến cá nhân khi rơi vào hoàn cảnh đó buộc phải thực hiện hành vi bị coi là tội phạm. Qua đó, khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứng minh và làm rõ được những yếu này cũng chính là căn cứ để Các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kết luận người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong hoàn cảnh đó sẽ không có tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đòi hỏi việc chứng minh hành vi phạm tội phải trên cơ sở khách quan, toàn diện và đầy đủ, không chỉ tìm chứng cứ buộc tội mà còn phải tìm chứng cứ gỡ tội cho chủ thể đó.
3. Một số khó khăn vướng mắc trong hoạt động chứng minh tội phạm tham nhũng của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự
Mặc dù BLHS năm 2015 đã quy định rõ các hành vi phạm tội về tham nhũng, tuy nhiên việc chứng minh tội phạm tham nhũng trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
Một là, thực tế hoạt động điều tra chứng minh tội phạm tham nhũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt công tác phát hiện tham nhũng hiện nay gặp rất nhiều trở ngại. Việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đến các địa phương hầu như không có, do sợ bị trả thù, cô lập hoặc đe dọa nên hầu hết không ai dám tố cáo hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn; Số vụ tham nhũng do các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện chuyển cho Cơ quan điều tra còn rất ít, chiếm tỷ lệ không đáng kể so với các tội phạm khác. Các vụ tham nhũng do cơ quan điều tra khởi tố, điều tra được thực hiện chủ yếu tiến hành thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an hoặc qua nguồn đơn thư tố giác, tin báo về tội phạm hoặc tố cáo của người dân. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối, cần đặt ra nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục trên thực tiễn.
Hai là, các hành vi tham nhũng được thực hiện bởi những người có chức vụ, quyền hạn, họ am hiểu và nắm chắc lĩnh vực mà họ hoạt động, do đó những chủ thể thực hiện hành vi phạm tội này thường có kế hoạch từ trước và đưa ra nhiều cách thức che đậy hành vi sai trái của mình, không chịu khai báo hoặc khai báo nhỏ giọt cầm chừng, khai báo gian dối nhằm che đậy hoặc đánh lạc hướng điều tra xác minh. Hiện nay, tội phạm tham nhũng không chỉ dừng lại ở những cá nhân đơn lẻ, nó đã phát triển thành lợi ích nhóm với sự tiếp tay, giúp sức, che đậy của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức đó. Điều này đã dẫn đến việc các cơ quan chức năng rất khó phát hiện và đấu tranh với tội phạm này trên thực tiễn công tác.
Ba là, bên cạnh đó, trong các vụ án tham nhũng, thông thường sự việc phạm tội xảy ra đã lâu, hoặc cũng đã được thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với sự việc đó. Chính vì thế, nội dung sai phạm khi phát hiện trong nội bộ cơ quan, tổ chức đã được các đối tượng hợp thức, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, tài liệu nên rất khó kết luận hành vi sai phạm trong giai đoạn điều tra ban đầu. Mặt khác, do án tham nhũng khi bị phát hiện và xử lý thì rất nặng nên các đối tượng luôn quyết liệt cản trở ngay từ khi xác minh điều tra ban đầu cho đến khi vụ án đưa ra xét xử. Theo đó, người thực hiện hành vi sai trái thường có nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội của mình như: Cung cấp tài liệu không đúng; Không khai báo hoặc che giấu tài liệu nhằm kéo dài thời gian; Đưa thông tin không đúng sự thật tạo nên dư luận nhằm gây khó khăn trong chứng minh tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng,…
Bốn là, công tác giám định liên quan đến vụ việc phạm tội tham nhũng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những hoạt động giám định ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, khoa học kỹ thuật…. Thời gian giám định kéo dài, nhiều vụ việc cơ quan giám định từ chối không nhận vì không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực để thực hiện; Nhiều bản kết luận giám định không chính xác, còn thiếu phải giám định bổ sung hoặc giám định lại nhiều lần… Có vụ án thời gian giám định lên đến 13 tháng, nhiều hơn thời gian điều tra vụ án, dẫn đến việc phải tạm đình chỉ vụ án chờ kết quả giám định. Theo đó, việc xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng hiện nay đã gặp phải nhiều khó khăn, bất cập đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, xây dựng, đất đai. Đây chính là nguyên nhân mà có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua. Vấn đề này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến tội phạm tham nhũng.
Năm là, công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay gặp nhiều khó khăn, mặc dù tài sản thiệt hại rất lớn và đặc biệt lớn nhưng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng sung quỹ Nhà nước vẫn chưa thực hiện được triệt để do các khối tài sản này được tẩu tán rất tinh vi, sử dụng vào việc tiêu xài hoang phí hoặc được đứng tên người khác, trong nhiều trường hợp rất khó xác định tài sản tham nhũng, thậm chí có những khoản không tách bạch được. Đây cũng là vấn đề nan giải đặt ra cần nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục, thu hồi được nhiều tài sản về cho Nhà nước.
Sáu là, việc áp dụng quy định về tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại điểm c khoản 3 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và điểm d khoản 3 Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) là hành vi phạm tội có khung hình phạt từ 13 năm đến 20 năm (là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) chưa được thống nhất, mỗi địa phương nhận thức và áp dụng theo những cách thức khác nhau do nhận thức, đánh giá chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Dẫn đến việc tùy tiện trong xử lý hành vi phạm tội. Đây cũng là vấn đề đặt ra nghiên cứu và hoàn thiện.
Từ sự phân tích về thực trạng những khó khăn, bất cập trong hoạt động chứng minh tội phạm tham nhũng của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nêu trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác trên thực tiễn như sau:
4. Kiến nghị nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động chứng minh tội phạm tham nhũng hiện nay
Một là, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nâng cao ý thức chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng
Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng việc thực hiện chức năng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Hoạt động chứng minh tội phạm tham nhũng đòi hỏi các cán bộ làm công tác này hàng ngày phải tiếp xúc với những mặt trái của xã hội, tiếp xúc với nhiều hành vi vi phạm và tội phạm tham nhũng. Chính vì thế đòi hỏi những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải tôi luyện vững vàng, có bản lĩnh chính trị cao và phẩm chất đạo đức tốt để khắc phục những khó khăn, cám dỗ về vật chất, tinh thần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hai là, chủ động nắm tình hình, xử lý triệt để mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố làm cơ sở cho việc xác định nội dung yêu cầu mở rộng điều tra các vụ án tham nhũng
Nguồn tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành tố tụng là hết sức quan trọng, do đó các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần chủ động nắm bắt và xử lý tốt tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng ngay từ đầu. Qua đó nhằm ngăn chặn tội phạm tẩu tán tài sản, tiêu hủy chứng cứ chứng minh, đồng thời có cơ sở để mở rộng điều tra, khám phá án.
Ba là, chú trọng, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan và người có thẩm quyền xử lý các tội phạm về tham nhũng
Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiều chế độ, chính sách đối với cán bộ các cơ quan tư pháp. Trụ sở làm việc của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần được đầu tư xây dựng; Trang bị máy vi tính để làm việc, trang bị máy ảnh, máy quay để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng, như: thu thập tài liệu nghiệp vụ, nhanh chóng thu thập dấu vết, tài liệu, đồ vật liên quan đến tham nhũng; Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, thậm chí là các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, tránh được việc tẩu tán, tiêu hủy, thủ tiêu chứng cứ chứng minh.
Bốn là, thực hiện tốt quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng
Cần ban hành quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan tổ chức hữu quan. Qua đó, ràng buộc trách nhiệm, cũng như đề ra các yêu cầu trong công tác và việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ có dấu hiệu phạm tội của các cơ quan, tổ chức cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Năm là, hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để phục vụ yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chứng minh tội phạm tham nhũng
– Làm rõ yếu tố “Gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội” được hiểu như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá về sự ảnh hưởng đó. Cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, cụ thể về vấn đề này để có sự nhận thức thống nhất về quy đinh này và qua đó đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trên thực tiễn;
– Hoàn thiện các quy định về luật giám định, như thời gian giám định, người tiến hành giám định và lĩnh vực giám định…nhằm nhanh chóng xác định chính xác thiệt hại thực tế làm cơ sở xử lý hành vi phạm tội tham nhũng;
Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến ý thức pháp luật về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cũng như đến từng người dân nâng cao ý thức chống tội phạm tham nhũng. Qua việc tuyên truyền phố biến ý thức pháp luật này nhằm khích lệ, động viên tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm của người dân, khuyến khích họ phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng, khẩn trương chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết để sớm xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý tốt thông tin ban đầu này nhằm nhanh chóng thu hồi tài sản về cho nhà nước, hạn chế thất thoát tiền và tài sản của nhà nước./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ. NCS, Vụ 4 Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Khoản 2, Điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng.
- Khoản 3 Điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng.
- Điều 277 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trả lời