Mục lục
Quyền bào chữa trong Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thực hiện: Để đảm bảo tính hợp hiến, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS về quyền bào chữa là một yêu cầu cấp bách, và đây cũng chính là một cách thức để tổ chức triển khai Hiến pháp mới – Hiến pháp năm 2013 trên thực tế.
- Những điểm mới cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCH Việt Nam 2013 – PGS.TS. Trương Đắc Linh & TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Quốc hội của Hiến pháp năm 2013 – PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp & ThS. Đinh Thị Cẩm Hà
- Những điểm mới cơ bản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
- Những điểm mới về “Chế độ chính trị” trong Hiến pháp 2013
- Những điểm mới của chương “Chính phủ” trong Hiến pháp 2013
- Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa và việc hoàn thiện BLTTHS – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Hoàn thiện các quy định về chứng minh trong TTHS nhằm đảm bảo quyền bào chữa và đảm bảo tranh tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
- Đánh giá quy định của LTTHS Việt Nam về quyền bào chữa của người chưa thành niên trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
TÓM TẮT
So với Hiến pháp năm 2013, quyền bào chữa trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) có những điểm không còn phù hợp. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp hiến, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS về quyền bào chữa là một yêu cầu cấp bách, và đây cũng chính là một cách thức để tổ chức triển khai Hiến pháp mới – Hiến pháp năm 2013 trên thực tế.
TỪ KHÓA: Quyền bào chữa, Hiến pháp 2013,
1. Đặt vấn đề
“Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là tổng hợp tất cả các quyền mà pháp luật dành cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sử dụng để chống lại sự buộc tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ”[1] .
Quyền bào chữa là giá trị chung của toàn nhân loại, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, quyền bào chữa là một chuẩn mực bắt buộc (jus cogens) trong quyền được xét xử công bằng[2] . Do đó quyền này được ghi nhận trong hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và có hiệu lực ràng buộc về nghĩa vụ pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc vào ngày 10/ 12/1948 đã khẳng định tại Điều 11: “Bất cứ ai bị cáo buộc về một hành vi phạm tội đều được quyền suy đoán vô tội cho đến khi bị chứng minh là phạm tội trước một phiên tòa công khai, nơi mà anh ta được cung cấp những bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa. Với quy định của Tuyên ngôn, quyền bào chữa được coi là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền con người. Sau đó, quyền bào chữa cũng được ghi nhận tại Điều 14 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị vào ngày 16/ 12 / 1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc với nội dung như sau:
“Một người bị cáo buộc về một hành vi phạm tội sẽ có quyền:
1- Được có khoảng thời gian hợp lý và các điều kiện đầy đủ để chuẩn bị việc bào chữa, và có quyền trao đổi với người bào chữa do mình lựa chọn;
2- Có quyền tự bào chữa hoặc thông qua người bào chữa do mình lựa chọn;
3- Trong trường hợp một người không bào chữa, người bào chữa chỉ định sẽ được cung cấp cho anh ta; vì lợi ích chung của công lý, người bào chữa sẽ được chỉ định miễn phí nếu một người không có khả năng chỉ trả cho người bào chữa….”
Những đảm bảo trên là bộ phận cấu thành của quyền bào chữa – quyền cơ bản của con người.
Việt Nam là thành viên của các điều ước quốc tế về quyền con người, đồng thời Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của quyền bào chữa, Nhà nước ta đã nội luật hóa các chuẩn mực chung về quyền bào chữa vào các quy định của Hiến pháp, pháp luật TTHS từ rất sớm và không ngừng hoàn thiện cũng như tạo ra những cơ chế đảm bảo thực hiện quyền này. Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại kỳ họp thứ Sáu – Quốc Hội khóa XIII gồm 11 Chương, 120 Điều (giảm 1 Chương và 27 Điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Đây là sự kiện chính trị – pháp lý quan trọng đánh dấu bước phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Với lần sửa đổi mới nhất này, những quy định về quyền bào chữa đã có những thay đổi nhất định, chính điều này đã dẫn đến một số quy định về quyền bào chữa trong pháp luật chuyên ngành đó là BLTTHS năm 2003 đã không còn phù hợp. Để đảm bảo tính hợp hiến, việc hoàn thiện BLTTHS về quyền bào chữa là một tất yếu khách quan và là yêu cầu cấp bách ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.Mặc khác, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành cũng là một hình thức triển khai thực hiện Hiến pháp. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập vấn đề Quyền bào chữa trong Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thực hiện
2. Nội dung
2.1. Quyền bào chữa theo Hiến pháp năm 2013
Việc nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền bào chữa vào hệ thống pháp luật quốc gia ở nước ta được thực hiện từ rất sớm. Quyền bào chữa đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp năm 1946[3] vàchế định này ngày càng hoàn thiện thông qua các bản Hiến pháp sauđó– Hiến pháp năm 1959[4] , 1980[5] vàHiến pháp năm 1992 cùng với các văn bản pháp luật chuyên ngành. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền bào chữa tiếp tục được ghi nhận và ngày càng mở rộng, hoàn thiện hơn về nội dung lẫn kỹthuật lập pháp.
Ở Hiến pháp năm 2013, quyền bào chữa được quy định tạịkhoản4 Điều 31 như sau: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Như vậy, nếu so với Hiến pháp năm 1992, chủ thể có quyền bào chữa đã được mở rộng hơn nhiều, ngoài bị cáo (theo Hiến pháp năm 1992) – người đã bị Tòa án có quyết định đưa ra xét xử; so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sungvàthayđổi cách quyđịnh về chủ thể cóquyền bào chữa, theođó“Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”sẽ có quyền bào chữa. Quyền bào chữa là một quyền gắn liền với sự buộc tội từ phía cơ quan nhà nước đối với một cá nhân. Như một chức năng tố tụng, bào chữa có thể tồn tại ở nhiều giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án hình sự, ở đâu có buộc tội, ở đó phải có bào chữa nhằm đảm bảo sự công bằng tố tụng. Mặt khác, từ “hoặc”trong quy định“Quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo, bị cáo có thể tự bào chữa hoặcnhờ người khác bào chữa cho mình”(Hiến pháp năm 1992) thay bằng dấu phẩy(,)trong“Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” (Hiến pháp năm 2013). Đây có thể được coilà một điểm tiến bộbởi lẽ cách quy định “hoặc” tại Đoạn1 Điều 132 Hiến pháp năm 1992 có thể dẫn tới hiểu lầm là khi đã tự bào chữa thì không được nhờ người bào chữa và ngược lại, nhưng cách hiểu này là không chính xác bởi quyền bào chữa bao gồm hai quyền không thể tách rời nhau và không phủ định nhau, đó là quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Người bị buộc tội có thể lựa chọn một trong hai quyền (hình thức) cũng có thể chọn cả hai (vừa tự mình bào chữa, vừa nhờ người khác bào chữa). Và điều này cũng đã được thừa nhận rộng rãi trong thực tế áp dụng pháp luật. Cụm từ “có thể”cũngđãđược thay thế bằng cụm từ “có quyền”đãgóp phần thể hiện hếtđược bản chất của quyđịnh này. Bởivì khi dùng từ “có thể” tức là sử dụng một mệnh đề có điều kiện. Là mệnh đề có điều kiện nên việc bào chữa có thể sẽ được thực hiện hoặc không được thực hiện, tùy thuộc vào việc có thỏa mãn một hoặc một số điều kiện khác hay không. Còn khi xác định là “có quyền”thì quyền này sẽ được thực hiện mà không cần kèm theo điều kiện hoặc hạn chế khác. Ngoài ra, khi Nhà nước ghi nhận đây là quyền thì Nhà nước có trách nhiệm ban hành, hoàn thiện các cơ chế đảm bảo thực thi và như thế quyền lợi của người bị buộc tội sẽ được đảm bảo hơn.[6]
Quyền bào chữa là một quyền luôn song hành cùng với việc buộc tội của cơ quan nhà nước, để đảm bảo thực hiện tốt quyền này, một yêu cầu tất yếu đó là phải tạo được sự bình đẳng giữa việc buộc tội và bào chữa, hay nói một cách khác đó chính là sự bình đẳng giữa các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng bào chữa. Sự “cọ xát” giữa các quan điểm, ý kiến một cách công bằng giữa bên buộc tội và bên bào chữa giúp cơ quan THTT xác định được chân lý khách quan, tìm ra được sự thật vụ án. Đây cũng chính là tinh thần của nguyên tắc tranh tụng. Nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, ghi nhận nguyên tắc tranh tụng là gián tiếp đặt ra một yêu cầu là phải thực hiện quyền bào chữa một cách hiệu quả. Ngược lại, thực hiện tốt quyền bào chữa chính là cơ chế, cách thức để đảm bảo tính tranh tụng. Vì vậy, việc ghi nhận vàthực hiện nguyên tắc tranh tụng tạikhoản5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 là điều kiện nhằm đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ghi nhận quyền này như là một nguyên tắc cơ bản trong Luật Tố tụng hình sự.
Hiến pháp năm 2013 đã chính thức ghi nhận quyền bào chữa trong Chương II– Chương về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đây cũng làmột thay đổi lớn về kỹ thuật lập pháp. Theo Hiến pháp năm 1992, quyền bào chữa được quy định tại Điều 132, Chương X, chương quy định về “Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân”. Việc quy định như thế cùng với việc chỉ dành quyền bào chữa cho bị cáo có thể càng củng cố một tư tưởng sai lầm đó là việc bào chữa chỉ được thực hiện ở giai đoạn xét xử và chỉ dành riêng cho bị cáo. Mặc khác, đây là một quyền cơ bản của công dân, do đó ghi nhận ở chương về Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân là chưa thật sự hợp lý về kỹ thuật lập pháp.
Với những thay đổi đáng kể như trên, quyền bào chữa của người bị buộc tội trong Hiến pháp năm 2013 đãđược quy định cụ thể hơn, đây chính là cơ chế đầu tiên đặt tiền đề cho việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, của người bị buộc tội; đây cũng là một quy định đã tiệm cận với những quy định của các công ước về quyền con người mà nước ta đã ký kết và thừa nhận; là cơ sở pháp lý vững chắc cho những thay đổi, bổ sung các quy định có liên quan trongBLTTHS.
2.2. Quyền bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
1) Chủ thể có quyền bào chữa
Điều 11 BLTTHS hiện hànhđãquyđịnh:
“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”.
Với quy định trên, chủ thể có quyền bào chữa bao gồm: bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Tuy nhiên, với chủ trương mở rộng quyền bào chữa cho cả “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”như Hiến pháp năm 2013 thì quy định này đã không còn phù hợp, cần thiết phải tiếp tục bổ sung, mở rộng chủ thể được hưởng quyền bào chữa. theo đó, quyền này còn được dành cho cả “người bị bắt”.
2) Nội dung quyền bào chữa:Điều 11 BLTTHS quy định“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.”
– Quyền tự bào chữa: Tự mìnhbào chữa là việc chính bị can, bị cáo, người bị tạm giữ tự mình sử dụng các quyền mà pháp luật quy định cho họ để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ tội cho mình. Như vậy, bị can, bị cáo, người bị tạm giữ được sử dụng những hiểu biết của mình về pháp luật để chống lại sự buộc tội không có căn cứ hoặc nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Bị can, bị cáo, người bị tạm giữ thực hiện quyền này bằng cách đưa ra những tài liệu, đồ vật, đề xuất chứng cứ, nhận xét và đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu, thực hiện việc tranh luận tại Tòa… Các quyền này được quy định rất cụ thể thông qua quy định tại Điều 48, 49, 50 BLTTHS. Tuy nhiên, một số quyền của người bị buộc tội trong luật hiện hành vẫn chưa đảm bảo quyền bào chữa của họ: quyền trình bày lời khai; quyền thu thập chứng cứ, quyền ghi chép sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án…
– Nhờ người khác bào chữa: Người bào chữa bao gồm luật sư, bào chữa viên nhân dân và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Người bào chữa trong trường hợp này cũng chỉ có quyền “thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa” và “đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu” mà không có quyền thu thập chứng cứ và đưa ra chứng cứ. Các tài liệu, đồ vật, mà người bào chữa cung cấp có được xem là chứng cứ hay không thì phải tùy vào sự quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này cũng đã hạn chế việc thực hiện chức năng gỡ tội của người bào chữa, đó là có quyền sử dụng tất cả các quyền do pháp luật quy định để chứng minh sự vô tội cho người bị buộc tội cũng như làm giảm trách nhiệm hình sự, những vấn đề trợ giúp pháp lý khác như: người bào chữa có quyền được tham gia vào một số hoạt động điều tra; người bào chữa được thu thập đồ vật, tài liệu và được đưa những gì mình thu thập, yêu cầu để “gỡ tội”; quyền được gặp gỡ với người bị buội tội; quyền được tiếp cận với những chứng cứ buộc tội; quyền được tham gia tranh tụng tại phiên tòa; quyền được kháng cáo độc lập trong một số trường hợp.[7] Nhìn chung,người bào chữa được trang bị khá nhiều “công cụ” để có thể thực hiện chức năng của mình. Tuy nhiên, qua đánh giá, nhóm tác giả nhận thấy những “công cụ”này chưa thật sự phát huy công dụng vìvẫn còn một số bất cập về chủ thể là người bào chữa, về quyền của người bào chữa như: quyền thu thập chứng cứ; quyền tham gia vào một số hoạt động điều tra …
3) Quyền có người bào chữa chỉ định
Để đảm bảo tốt nhất quyền, lợiíchcủa bị can, bị cáo là những đối tượng đặc biệt, hạn chế đến mức tối đa sự xâm hại từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý vụ án cũng như hạn chế những sai lầm trong quá trình tố tụng đối với những vụ án mà bị cáo có nguy cơ sẽ bị áp dụng hình phạt tử hình. khoản2 Điều 57 BLTTHS đã quy định:“Trong những trường hợp sau đây bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:
– Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự.
– Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.”
Quy định trên theo quan điểm của nhóm tác giả là hợp lý bởi đây là những đối tượng đặc biệt, cần có sự đảm bảo đặc biệt khi thực hiện quyền bào chữa nhằm bảo vệ một cách tốt nhất quyền, lợi ích của họ. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm tác giả quy định này có những điểm hạn chế: Thứ nhất, nếu chỉ áp dụng bào chữa bắt buộc đối với “Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”màkhôngáp dụngđối với người bị tạm giữ làngười chưa thành niên, có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là chưa triệt để, chưa phù hợp với mục đích khi áp dụng chế định bào chữa bắt buộc. Người bị tạm giữ là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất cũng là đối tượng cần sự bảo vệ đặc biệt. Hơn nữa, với sự mở rộng quyền bào chữa cho cả người bị bắt như Hiến pháp hiện hành thì việc bào chữa bắt buộc còn phải được ghi nhận cho cả người bị bắt là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Thứ hai, hình phạt tù chung thân cũng là một hình phạt mang tính nghiêm khắc, thể hiện ở việc tước bỏ sự tự do không thời hạn đối với người bị kết án. Vì vậy, nếu có sự sai lầm trong việc giải quyết vụ án, ra bản án không phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội sẽ dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp của người bị kết án. Do vậy, cần mở rộng đối tượng được hưởng quyền bào chữa bắt buộc cho cả bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhấtlàchung thân, bên cạnh trường hợp“bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình” như pháp luật hiện hành.
3. Kết luận
Công cuộc cải cách tư pháp đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng và quan tâm; bên cạnh đó, việc ra đời của Hiến pháp năm 2013 cũng đã đặt ra một yêu cầu cấp bách về việc sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản luật chuyên ngành nhằm tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật, và BLTTHS cũng không năm ngoài quy luật đó.Qua việc phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về quyền bào chữa, nhóm tác giả đã chỉ ra những điểm “chênh” so với Hiến pháp năm 2013 và những điểm chưa hợp lý trong quy định về quyền này trong BLTTHS năm 2003. Với những nội dung trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất: quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” tại khoản5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức ghi nhận tranh tụng như là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử nói chung và hoạt động xét xử hình sự nói riêng. Vì vậy, cần cụ thể hóa nội dung này vào trong văn bản pháp luật chuyên ngành bằng việc bổ sung nguyên tắc tranh tụng vào quy định của BLTTHS như là một nguyên tắc cơ bản chi phối hoạt động tố tụng của các cơ quan THTT cũng như của người THTT trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ hai:cần mở rộng chủ thể của quyền bào chữa và sửa đổi quy định tại Điều 11 BLTTHS theo hướng “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; ghi nhận tư cách tố tụng “người bị bắt”như là một trong số những người tham gia tố tụng với đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý, trong đó có cả quyền bào chữa.
Thứ ba:bổ sung cho bị can, bị cáo có quyền được đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra và được sử dụng những gì đã ghi chép, sao chụp được đưa ra trước tòa để bảo vệ quyền lợi cho mình. Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền thu thập và đưa ra chứng cứ. Cần chính thức ghi nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo cũng như quyền được từ chối khai báo khi chưa có người bào chữa để phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế; quy định bị cáo có quyền được hỏi những người tham gia phiên tòa để tìm kiếm “công cụ” bào chữa cho mình; được quyền yêu cầu triệu tập những người tham gia tố tụng khác để phục vụ cho việc thực hiện quyền bào chữa.
Thứ tư,quy định thêm một số quyền cho người bào chữa:Quyền thu thập, tìm kiếm và đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ như một “công cụ” để thực hiện chức năng gỡ tội của mình. Đồng thời BLTTHS cần quy định cụ thể về cách thức và hình thức thu thập chứng cứ của người bào chữa để đảm bảo tính hợp pháp của những chứng cứ do người bào chữa cung cấp cũng như những cơ chế hỗ trợ quá trình thu thập chứng của người bào chữa.
Thứ năm,mở rộng đối tượng bào chữa bắt buộcđối với người bị tạm giữ là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần; trường hợp bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất từ chung thân trở lên được quy định tại BLHS.
CHÚ THÍCH
*TS Luật học,
*Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Giáo trình Luật TTHS Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hội luật gia Việt Nam, năm 2012, tr. 66.
[2] Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Báo cáo quyền bào chữa trong pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn tại Việt Nam, Hà Nội, 08/2010, tr. 8.
[3] Khoản 2 Điều 67: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.
[4] Điều 101: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm”.
[5] Điều 133: “Quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và đương sự khác về mặt pháp lý”.
[6] Luật sư Minh Ngọc, Quyền bào chữa, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, http://www.baobacgiang.com.vn/304/105453/Quyen_bao_chua_quyen_bao_ve_loi_ich_hop_phap_cua_cong_dan.bgoCập nhật: 4/2/2013.
[7] Điều 58 BLTTHS năm 2003.
Tác giả: TS. Võ Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Đồng tác giả: ThS. Lê Thị Thùy Dương –
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2014, Trang 75-80
Like Fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời