Mục lục
Bài viết: Những điểm mới của chương “Chính phủ” trong Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thi hành
- Bàn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ
- Vai trò của Tòa án trong việc xem xét VBQPPL của Chính phủ
- Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong các bản Hiến pháp Việt Nam
- Bàn về mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội
- Kiểm soát của lập pháp đối với hành pháp trong Hiến pháp năm 1946
TỪ KHÓA: Điểm mới của Luật, Chính phủ, Tạp chí Khoa học pháp lý
TÓM TẮT
Bài viết này tập trung phân tích những điểm mới của Chương “Chính phủ” trong Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung) về vị trí, tính chất của Chính phủ; về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; về chế độ làm việc và cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở những điểm mới đó, bài viết đã nêu ra một số ý kiến cho việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.
1. Những điểm mới của Chương “Chính phủ”trong Hiến pháp 2013
1. 1. Vị trí, tính chất của Chính phủ
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Điều 94 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ là cơ quan“thực hiện quyền hành pháp”.
Điều 43 Hiến pháp 1946 quy định: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Như vậy, theo Hiến pháp 1946 mặc dù Chính phủ được thành lập trên cơ sở của Nghị viện[1]nhưng Hiến pháp 1946 không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Nghị viện. Hiến pháp 1946 bảo đảm tính độc lập của quyền hành pháp so với quyền lập pháp thông qua việc khẳng định có tính nguyên tắc là các cơ quan Nghị viện, Chính phủ và Tòa án đều là những cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, mỗi cơ quan nhà nước nắm một bộ phận quyền lực nhà nước. Chính những quy định này đã thể hiện sự phân công quyền lực giữa các cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước khá rạch ròi[2].
Điều 71 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, và là cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Những thay đổi trong bộ máy nhà nước thời kỳ này khẳng định xu hướng quyền lực nhà nước tập trung vào hệ thống cơ quan dân cử. Có thể thấy, so với Chính phủ trong Hiến pháp 1946, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Chính phủ đã chuyển sang mô hình xã hội chủ nghĩa đề cao tính chấp hành, tính chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tính hành chính của Hội đồng Chính phủ bị lu mờ. Hội đồng Chính phủ phải căn cứ vào Hiến pháp, luật và pháp lệnh mà quy định những biện pháp hành chính, ban bố những nghị quyết, nghị định và chỉ thị để triển khai thi hành các văn bản của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thực tế cuộc sống.
Theo Hiến pháp 1980, nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa được áp dụng triệt để, cùng với nó là việc xây dựng một mô hình Quốc hội có toàn quyền. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thống nhất các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và phải thực sự trở thành “tập thể hành động”. Trong Hiến pháp 1980, chỉ có sự phân chia rõ chức năng, thẩm quyền giữa lập pháp với tư pháp, còn quyền lập pháp và hành pháp thì gần như nhập làm một. Trên tinh thần đó, Điều 104 Hiến pháp 1980 quy định: “Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và hành chính cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Quy định này cho thấy, Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan do Quốc hội lập ra và được Quốc hội giao cho chức năng quản lý nhà nước. Nhưng trong lĩnh vực này, Hội đồng Bộ trưởng không phải là cơ quan cao nhất. Quốc hội hoàn toàn có quyền can thiệp, làm thay công việc hành chính của Hội đồng Bộ trưởng. Như vậy, theo Hiến pháp 1980 thì sự phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng là chưa thật rõ ràng.
Điều 109 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Với quy định này,Chính phủ tuy vẫn là cơ quan chấp hành của Quốc hội, vẫn chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nhưng với tính cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thì Chính phủ có tính độc lập với Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, không còn là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Quốc hội mà là của cả nước. Quốc hội không “ôm đồm”, làm thay công việc quản lý của Chính phủ mà chỉ tập trung vào thực hiện tốt các chức năng của mình là lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao[3]. Đây là việc quán triệt quan điểm Quốc hội không cốt ở chỗ có toàn quyền mà phải có thực quyền. Việc quy định Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của cả nước có một ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định tính độc lập của Chính phủ so với Quốc hội. Chức năng của Chính phủ là quản lý nhà nước. Công việc này phát sinh hàng ngày, hàng giờ cho nên cần những quyết định nhanh chóng kịp thời, mang tính thời sự, cần có sự tập trung và thống nhất trong quá trình quản lý. Việc quy định Chính phủ như thế là căn cứ vào tính chất của những công việc mà Chính phủ thực hiện, từ đó mới mang lại hiệu quả trong hoạt động quản lý. Hiến pháp hiện hành đã nhận thức rằng “việc trói chân một con ngựa sẽ hoàn toàn khác với việc đóng yên cương cho nó”và đã dần thay thế cơ chế “trói chân”Hội đồng Bộ trưởng trong Hiến pháp 1980 bằng cơ chế “đóng yên cương”cho Chính phủ[4].
Hiến pháp sửa đổi 2013 tiếp tục khẳng định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”và bổ sung quy định:“Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp”. Việc bổ sung này không những thể hiện bước tiến của khoa học pháp lý ở Việt Nam trong việc phân biệt rạch ròi các khái niệm hành pháp, hành chính mà còn khẳng định hành pháp là một trong ba nhánh quyền lực (tương đối độc lập) trong việc thực hiện quyền lực nhà nước,[5]phù hợp với quan điểm và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định này có mối liên quan với các quy định: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp (Điều 69), Tòa án thực hiện quyền tư pháp (Điều 102). Hành pháp không chỉ đơn giản được hiểu theo nghĩa đơn thuần là tổ chức thi hành luật mà còn được hiểu là cơ quan chủ động khởi thảo, hoạch định chính sách quốc gia về đối nội, đối ngoại và tổ chức thực hiện các chính sách đó sau khi đã được thông qua. Hoạt động của Chính phủ là hoạt động vừa mang tính chất khởi xướng, xây dựng chính sách quốc gia (chức năng hành pháp) lại vừa phải chấp hành và điều hành chính sách quốc gia sau khi được thông qua (chức năng hành chính nhà nước)[6].
1.2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
Chính phủ được Hiến pháp năm 2013 được quy định ngắn gọn, rõ ràng hơn so với Hiến pháp năm 1992.
Cụ thể, Điều 96 bao gồm 8 khoản, ít hơn Hiến pháp năm 1992 là 3 khoản, trong đó có nhiều điểm mới như:
Một là,khoản 1 Điều 96 khẳng định vai trò của Chính phủ là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Hai là,khoản 2 quy định thêm thẩm quyền đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đăc biệt, còn quy định thêm thẩm quyền trình dự án ngân sách nhà nước trước Quốc hội.
Ba là,Hiến pháp đã quy định Chính phủ quản lý tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học… vào khoản 3, tránh việc quy định rải rác trong nhiều khoản như Hiến pháp năm 1992.
Bốn là,thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị bãi bỏ và giao về cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chính phủ chỉ thực hiện việc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc này.
Năm là,Hiến pháp cụ thể hóa vai trò cơ quan hành chính cao nhất của Chính phủ qua việc quy định Chính phủ “thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia”. Như vậy, Chính phủ là cơ quan có quyền cao nhất, đứng đầu hệ thống các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương. Quy định này đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ.
Sáu là, về mặt đối ngoại, Chính phủ có thêm quyền tổ chức đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước mà không bị giới hạn như khoản 8 Điều 112 Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Chính phủ còn có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Nhìn chung, nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ trong Hiến pháp năm 2013 được quy định nhiều hơn về mặt thẩm quyền nhưng lại tinh gọn về mặt hình thức thể hiện. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong cách quy định về mặt hình thức cũng như nội dung của các nhà lập hiến.
1.3. Về chế độ làm việc và cơ chế chịu trách nhiệm của Chính phủ
Theo Điều 95 Hiến pháp năm 2013, Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Đây là điểm mới của Hiến pháp năm 2013, khi các Hiến pháp trước đó chưa quy định về chế độ làm việc của Chính phủ mà chỉ mới quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ. Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992 và 2001 đều quy định rằng “Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể với việc đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ”. Đây là một vấn đề quan trọng, liên quan đến hoạt động của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất nên nếu chỉ quy định trong một văn bản luật sẽ không xứng tầm. Nhận thức được điều này, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về chế độ làm việc của Chính phủ. Chế độ làm việc tập thể này giúp Chính phủ dân chủ hơn trong việc đưa ra các quyết định. Tuy vậy, vai trò của Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ vẫn được thể hiện thông qua những nhiệm vụ, quyền hạn riêng được quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 2013. So với Hiến pháp năm 1992, nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ có những điểm mới sau:
Một là, khẳng định thêm vai trò lãnh đạo công tác của Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương, đảm bảo tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia (khoản 1 và khoản 2 Điều 98).
Hai là, gộp khoản 2 và 3 Điều 114 Hiến pháp năm 1992 về thẩm quyền của Thủ tướng trong việc thành lập các cơ quan cấu thành Chính phủ; việc thành lập các chức danh Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; thành lập Thứ trưởng và các chức vụ tương đương; điều động, miễn nhiệm, cách chức các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định chung tại khoản 3 Điều 98.
Ba là, gộp khoản 4 và 5 Điều 114 Hiến pháp năm1992 trong thẩm quyền xử lý các văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đối với các văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quy định chung tại khoản 4 Điều 98.
Bốn là, Hiến pháp năm 2013 đặc biệt trao thêm cho Thủ tướng thẩm quyền quyết định, chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Những điểm mới trên đã thể hiện được vai trò lãnh đạo Chính phủ của Thủ tướng, giúp Thủ tướng chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.Hiến pháp năm 2013 quy định ngắn gọn vai trò của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: bỏ đi thẩm quyền “bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật”.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Một là, với Thủ tướng Chính phủ: Hiến pháp năm 1992 quy định Thủ tướng chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, thì nay trách nhiệm của Thủ tướng được quy định rõ ràng hơn, đó là “chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao”, quy định này đã kế thừa quy định tại Điều 54 Hiến pháp 1946, “Thủ tướng chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các”, ngoài ra Điều 70 Hiến pháp năm 2013 còn quy định Thủ tướng sau khi được bầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Hai là, đối với Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ được phân công. Hiến pháp năm 2013 quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ “chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công”. So với trước đây, quy định này cụ thể hơn, rõ ràng hơn: thứ nhất là, chủ thể mà Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm; hai là, quy định Bộ trưởng chịu trách nhiệm trong phạm vi lĩnh vực mà mình phụ trách. Cũng như Thủ tướng, Bộ trưởng còn “báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý”. Những điểm mới này làm phát huy được năng lực cá nhân, quyết đoán và chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, như vậy mới đảm bảo cho các thành viên Chính phủ “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”.
2. Việc triển khai thi hành Chương “Chính phủ” trong Hiến pháp 2013
Trên tinh thần những điểm mới của Hiến pháp 2013, tác giả kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Luật Tổ chức Chính phủ như sau:
Một là, cần sửa Điều 1 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 cho phù hợp với Điều 94 Hiến pháp 2013, đó là:
“Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”
Quy định này phù hợp với Hiến pháp 2013: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện quyền lập pháp đồng thời cũng là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Hiện nay, có ý kiến cho rằng không nên quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”, nhằm mục đích nhấn mạnh tính hành pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Chính phủ vẫn do Quốc hội thành lập, thi hành các chính sách do Quốc hội thông qua… Do đó, cần quy định tính chấp hành như trong Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ khẳng định đúng đắn vị trí, tính chất của Chính phủ, phù hợp với quy định tại Điều 94 Hiến pháp 2013.
Hai là,cần giữ nguyên quy định về Điều 2 và điều 3 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 về cơ cấu tổ chức và cơ cấu thành viên của Chính phủ. Theo đó đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ chỉ gồm các Bộ và cơ quan ngang Bộ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Chính phủ gồm các thành viên là Thủ tưởng, Phó thủ tưởng và Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Số lượng các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng do Quốc hội quyết định theo đề xuất của Chính phủ. Như vậy sẽ phù hợp với Khoản 4 Điều 95 Hiến pháp 2013, đồng thời đảm bảo được sự linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước.
Ba là, sửa Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, trong đó có những điểm cần lưu ý như sau:
– Cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cho phù hợp với Hiến pháp trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước thay vì quy định chung chung là đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật như trước đây. Quy định cụ thể như vậy thể hiện được tính chấp hành trước Quốc hội của Chính phủ cũng như vai trò của Chính phủ trong việc thực hiện quyền hành pháp, mà trước hết là tổ chức thi hành quyết sách của cơ quan lập pháp.
– Bỏ các nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp năm 2013 đã không trao cho Chính phủ, cụ thể như “Quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, thay vào đó là “trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
– Cần nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, quyền hạn Hiến pháp năm 2013 trao cho Chính phủ để quản lý nhà nước và thực hiện quyền hành pháp, cụ thể nhấn mạnh đến sự hoạch định và thực thi các chính sách như “Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ; Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước”. 4. Bổ sung cho Chính phủ nhiệm vụ, quyền hạn: “Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội cần trình Quốc hội phê chuẩn; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài”.
Bốn là,quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ:
– Khẳng định vị trí của Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý nền hành chính quốc gia, cụ thể: “Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia”. Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, do đó, quản lý là công việc hàng đầu và quan trọng nhất của Chính phủ, của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng phải đảm bảo sự vận hành của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác được thống nhất, thông suốt.
– Bổ sung thêm cho Thủ tướng thẩm quyền“Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Năm là,Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủcần sửa những quy định về chế độ trách nhiệm của Thủ tướng, Phó thủ tướng và Bộ trưởng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, như sau:
“Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ”.
Đặc biệt, khoản 6 Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ cần quy định rõ ràng và cụ thể về trình tự, thủ tục và các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Sáu là,về chế độ làm việc của Chính phủ, cần sửa Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001: “Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”. Bên cạnh đó, cần đề cao nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ. Điều này có nghĩa là bên cạnh chế độ làm việc tập thể, cần khẳng định trách nhiệm cá nhân. Đặc biệt là nên giữ quy định như Điều 35 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001: trong trường hợp số phiểu biểu quyết bằng nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến Thủ tướng đã biểu quyết. Như vậy sẽ đề cao vai trò của Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ.
CHÚ THÍCH
[1] Nghị viện nhân dân bầu Chủ tịch nướctrong số các nghị viên của Nghị viện và phải được 2/3 tổng số thành viên của Nghị viện bỏ phiếu thuận, nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ thì lần thứ hai sẽ theo đa số tương đối, Chủ tịch nước có nhiệm kỳ là 5 năm, dài hơn nghị viện là 3 năm (Điều 45 Hiến pháp năm 1946). Chủ tịch nước sẽ chọn Thủ tướng trong số các nghị sỹ và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách.
[2] Trần Ngọc Đường,Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam,Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 264.
[3] Bùi Xuân Đức (chủ biên), – Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam – Nxb Tư pháp, 2004, tr. 238.
[4] Nguyễn Đăng Dung, Trương Đắc Linh, Nguyễn Mạnh Hùng, Lưu Đức Quang, Nguyễn Văn Trí: Xây dựng và bảo vệ Hiến pháp – kinh nghiệm thế giới và Việt Nam,Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011, tr. 219.
[5] Phạm Tuấn Khải, “Những bất cập về chế định Chính phủ trong Hiến pháp hiện hành”,Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, tháng 3/2012.
[6] Trần Ngọc Đường, Một số suy nghĩ về quy định, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong Hiếến pháp, Báo Điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 12/8/2012.
Tác giả: ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2014, Trang 11-17
Trả lời