Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa và việc hoàn thiện BLTTHS: Bài viết phân tích và đánh giá các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền bào chữa của người bị buộc tội trong mối liên hệ với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự…
- Quyền bào chữa trong Hiến pháp 2013 và việc triển khai thực hiện – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Lê Thị Thùy Dương
- Hoàn thiện các quy định về chứng minh trong TTHS nhằm đảm bảo quyền bào chữa và đảm bảo tranh tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
- Đánh giá quy định của LTTHS Việt Nam về quyền bào chữa của người chưa thành niên trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Những điểm mới cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCH Việt Nam 2013 – PGS.TS. Trương Đắc Linh & TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Quốc hội của Hiến pháp năm 2013 – PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp & ThS. Đinh Thị Cẩm Hà
- Những điểm mới cơ bản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
- Những điểm mới về “Chế độ chính trị” trong Hiến pháp 2013
- Những điểm mới của chương “Chính phủ” trong Hiến pháp 2013
TỪ KHÓA: Điểm mới của Luật, Hiến pháp 2013, Quyền bào chữa,
TÓM TẮT
Quyền bào chữa là quyền cơ bản của người bị buộc tội được tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ trước những cáo buộc của cơ quan có thẩm quyền về một hành vi phạm tội. Bài viết phân tích và đánh giá các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền bào chữa của người bị buộc tội trong mối liên hệ với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và những nội dung liên quan trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, qua đó chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện trong quy định của pháp luật về quyền bào chữa, đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp.
1. Quyền bào chữa trong Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam trước khi ban hành Hiến pháp năm 2013
Ở khía cạnh lịch sử, những tư tưởng ghi nhận quyền bào chữa xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử hình thành và phát triển pháp luật Việt Nam. Có thể tạm chia thành các giai đoạn sau:
1.1. Giai đoạn từ 1945 đến 1954
Chỉ ít ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33 ngày 13/9/1945 về việc thành lập Tòa án quân sự, trong đó có ghi nhận: “Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bênh vực cho họ”. Tiếp đó, tinh thần này được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 với nội dung “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mời luật sư” (Điều 67). Tuy nhiên, quan niệm về quyền bào chữa trong thời kỳ này chưa được hiểu một cách đầy đủ theo đúng nghĩa như ngày nay, do đó việc thực thi quyền bào chữa của người bị buộc tội mới chỉ dừng lại ở việc nhờ luật sư bào chữa tại phiên tòa xét xử mà không phải trong mọi giai đoạn tố tụng hình sự.[1]
1.2. Giai đoạn từ 1954 đến 1988 (trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1989 ra đời và có hiệu lực)
Bản Hiến pháp năm 1959 ra đời một lần nữa ghi nhận: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm” (Điều 101). Như vậy, so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 không chỉ quy định bị cáo có quyền bào chữa mà còn khẳng định cơ chế bảo đảm quyền bào chữa cho họ. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) thời kỳ này đã ban hành Thông tư số 06/TC ngày 9/9/1967 hướng dẫn việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo. Trong văn bản này, TANDTC đã xác định rõ những trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa (NBC) cho bị cáo, mà theo chúng tôi, đây là những quy định rất tiến bộ, thậm chí so với những quy định hiện hành của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS năm 2003).[2]
Cũng trong thời kỳ này, Hiến pháp năm 1980 ra đời, một lần nữa quyền bào chữa của bị cáo được khẳng định tại Điều 133 với nội dung: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Quy định này đã khẳng định sự cần thiết không thể thiếu của tổ chức luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và các đương sự khác trong vụ án hình sự. Bên cạnh đó, quy định này còn được xem là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập tổ chức luật sư ở nước ta.
1.3. Giai đoạn từ 1989 đến trước ngày Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực pháp luật
BLTTHS đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/06/1988 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1989 (BLTTHS năm 1989). Sự kiện này được xem là một bước tiến lớn trong lịch sử tư pháp hình sự Việt Nam. Lần đầu tiên, BLTTHS quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án hình sự. Đây cũng lần đầu tiên, BLTTHS ghi nhận “bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo” là nguyên tắc cơ bản định hướng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng với nội dung: “Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ” (Điều 12). Theo quy định này, quyền bào chữa không chỉ thuộc về bị cáo mà còn là quyền của bị can ở giai đoạn điều tra. Đây là điểm rất khác biệt với các quy định trong các bản Hiến pháp trước đó về quyền bào chữa.
Mặc dù vậy, Hiến pháp năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới vẫn duy trì quy định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo” (Điều 132). Nội dung này một lần nữa tiếp tục được giữ nguyên trong chương quy định về Tòa án với nội dung tương tự tại Điều 132 trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001.
Từ khi ra đời cho đến thời điểm hiện tại, BLTTHS đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, qua các lần sửa đổi, bổ sung (tháng 6 năm 1990, tháng 12 năm 1992 và tháng 6 năm 2000), BLTTHS vẫn tiếp tục quy định quyền bào chữa chỉ được bảo đảm cho bị can và bị cáo.
Cùng với công cuộc cải cách kinh tế và cải cách hành chính, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh cải cách tư pháp và coi đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiều tư tưởng, quan điểm, định hướng về cải cách tư pháp trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đã được thể chế hóa thành pháp luật.
Đáp ứng mục đích và yêu cầu trên, việc sửa đổi BLTTHS lần thứ tư được đặt ra. Vào ngày 26/11/2003, BLTTHS sửa đổi, bổ sung lần thứ tư (tạm gọi là BLTTHS năm 2003) đã được thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XI và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. So với những lần sửa đổi trước đây, BLTTHS năm 2003 đã quy định một cách toàn diện, và ghi nhận thêm một số điều luật mới. Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng có liên quan đến quyền bào chữa được quy định tại Điều 11 với tên gọi nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. BLTTHS năm 2003 một lần nữa khẳng định việc bảo đảm quyền bào chữa là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, đồng thời mở rộng đối tượng được hưởng quyền bào chữa cả đối với người bị tạm giữ, mà không chỉ đối với bị can và bị cáo như các bản Hiến pháp và các quy định trước đó. Việc bổ sung quyền này đối với người bị tạm giữ xuất phát từ quan điểm cho rằng người bị tạm giữ được xác định là người bị tình nghi thực hiện tội phạm đối với vụ án hình sự, do vậy họ có quyền được bào chữa.[3]
Như vậy, trong cả 4 bản Hiến pháp trước khi có BLTTHS năm 2003 (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992), quyền bào chữa không được ghi nhận trong chương về quyền con người và quyền cơ bản của công dân mà chỉ là một trong những bảo đảm chức năng xét xử của Tòa án trong quá trình xét xử xét xử tại phiên tòa. Đối chiếu các quy định của các bản Hiến pháp kể trên với quy định của BLTTHS hiện hành, hẳn có một khoảng cách đáng kể giữa quy định của Hiến pháp so với đạo luật. Điều này đã thể hiện sự hạn chế trong việc tiếp nhận các giá trị cốt lõi của các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người trong pháp luật quốc gia.[4]
2. Những điểm mới cơ bản của Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa của người bị buộc tội
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định sự tôn trọng và tiếp thu các giá trị cốt lõi của cộng đồng quốc tế về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, trong đó có dung lượng đáng kể các quy định mới và bổ sung một số điều khoản liên quan đến quyền của người bị buộc tội như quyền suy đoán vô tội, quyền khiếu nại tố cáo, quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần… Đối với quyền bào chữa, những điểm mới tiến bộ được thể hiện qua những khía cạnh sau:
Thứ nhất, lần đầu tiên, quyền bào chữa được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận là một trong số các quyền con người cần được bảo vệ khi có sự cáo buộc của nhà nước đối với một người về một hành vi phạm tội. Quyền này được quy định tại khoản 4 Điều 31 Chương II về Quyền con người, quyền cơ bản của công dân với nội dung “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Đây là bước tiến quan trọng so với các bản Hiến pháp trước đó. Rõ ràng, ghi nhận này đã phản ánh việc nhìn nhận đúng đắn bản chất của tố tụng hình sự là hoạt động có tác động trực tiếp nhất đến các vấn đề về quyền con người nói chung và quyền của người bị buộc tội nói riêng. Đây chính là một trong những cách thức đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, và trách nhiệm của Nhà nước là phải cung cấp cho người bị buộc tội công cụ để họ bảo vệ mình trước sự cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, công cụ đó chính là người bào chữa. Sự tham gia của người bào chữa sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc ra phán quyết của Tòa án. Do đó, người bào chữa phải được cung cấp cho người bị buộc tội càng sớm càng tốt.
Tham chiếu pháp luật quốc tế, Ủy ban về Quyền con người của Liên hợp quốc trong nhiều trường hợp đã tuyên bố rằng quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa phải được bảo đảm trong thời gian điều tra tiền xét xử.[5] Tương tự, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) cho rằng thiếu vắng sự hỗ trợ về mặt pháp luật trong hoạt động thẩm tra người bị tình nghi có thể làm hạn chế việc thực hiện quyền bào chữa của họ.[6] Vì vậy, người bị buộc tội cũng có quyền tiếp cận luật sư ngay từ thời điểm bị cảnh sát bắt.[7] Quyền này được bảo đảm trong suốt quy trình tố tụng và tại phiên tòa.[8] Để bảo đảm cho người bị buộc tội được tiếp cận ngay lập tức với luật sư, anh ta phải được thông báo một cách phù hợp về quyền được trợ giúp bởi người bào chữa của mình. Nếu thông báo không đầy đủ, có nghĩa là người bị buộc tội chưa thực sự được tạo điều kiện để thực hiện quyền tiếp cận với sự trợ giúp pháp lý.[9]
Ở khía cạnh này, quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện mức độ hoàn thiện pháp luật so với các bản Hiến pháp trước đó về chủ thể cũng như thời điểm được bảo đảm quyền bào chữa, cũng như phản ánh mức độ hội nhập với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về quyền con người.
Thứ hai, lần đầu tiên trong Hiến pháp, tranh tụng được ghi nhận là nguyên tắc phải được tuân thủ trong hoạt động xét xử của Tòa án (Điều 103). Quy định này được cho là sự thể chế hóa các quan điểm định hướng của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp trên tinh thần tiếp thu, học hỏi những yếu tố ưu việt của mô hình tố tụng tranh tụng.[10] Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc cho định hướng hoàn thiện BLTTHS năm 2003. Theo đó, các bên trong quá trình tố tụng (bên buộc tội và bên bào chữa) phải được trao những cơ hội ngang bằng để thực hiện chức năng của mình, và người bị buộc tội cần phải được hỗ trợ bởi người bào chữa – người có đủ năng lực về kiến thức pháp luật và có thể tranh tụng công bằng với đại diện quyền lực nhà nước trong các hoạt động buộc tội.
3. Đánh giá mức độ tương thích của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành so với các quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa và những yêu cầu đặt ra cho nhiệm vụ hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Khảo sát các quy định của BLTTHS năm 2003 hiện hành cho thấy, quyền bào chữa được ghi nhận ở 3 bình diện: (1) quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong việc thực hiện quyền bào chữa; (2) quyền và nghĩa vụ của người bào chữa; (3) nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Mặc dù có những điểm tiến bộ so với các quy định và các Hiến pháp trước kia, trong khoảng thời gian dài hơn một thập kỷ kể từ lần sửa đổi vào năm 2003, BLTTHS hiện hành đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cụ thể ở những vấn đề cơ bản sau:
– Về quyền của người bị buộc tội: chưa ghi nhận quyền bào chữa đối với người bị bắt; quyền được tiếp cận với hồ sơ vụ án, quyền thu thập chứng cứ, trình bày chứng cứ, quyền được chỉ định người bào chữa miễn phí, quyền được gặp gỡ với người bào chữa bị hạn chế.
– Về quyền của người bào chữa: còn quy định rất hạn chế, thậm chí cản trở người bào chữa tham gia thực hiện vai trò tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, gặp gỡ thân chủ bị giam giữ, tiếp cận hồ sơ vụ án.
– Những quy định khác liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thể hiện rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội.
Những hạn chế kể trên có một phần nguyên nhân từ quy định chưa hoàn thiện của Hiến pháp năm 1992.[11] Chính vì vậy, trong bối cảnh ra đời của Hiến pháp 2013 và nhiệm vụ thực thi yêu cầu cải cách tư pháp được đề ra trong Nghị quyết 49/ NQ/TW ngày 2/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, việc tiếp tục mở rộng hơn nữa quyền của người bào chữa và quyền của người bị buộc tội được xem là định hướng cần đặc biệt quan tâm nhằm hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội cũng như tiến gần hơn chuẩn mực pháp lý quốc tế trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người bị buộc tội nói riêng. Theo đó, những định hướng được đề xuất trong Dự thảo BLTTHS sửa đổi sẽ phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau: (1) thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa; (2) tiếp tục sửa đổi hoàn thiện các quy định liên quan đến chế định quyền bào chữa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp; (3) tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về quyền con người liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa.
Để đưa ra những đề xuất cụ thể, việc khảo sát đánh giá Dự thảo BLTTHS sửa đổi là cần thiết. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, so với Bộ luật hiện hành, Dự thảo sửa đổi BLTTHS đã có những dự kiến khá mở rộng nhằm bảo đảm hơn quyền bào chữa của người bị buộc tội, cụ thể ở những khía cạnh:
– Bổ sung thêm chủ thể được bảo đảm quyền đối với người bị bắt cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013;
– Ghi nhận người bị buộc tội có quyền được trình bày lời khai; đọc chép và sao chụp tài liệu, biên bản tố tụng liên quan đến việc bào chữa trong từng giai đoạn tố tụng; có quyền yêu cầu triệu tập người làm chứng;
– Bổ sung thêm một chương riêng về Hoạt động bào chữa (từ Điều 108 đến Điều 117), trong đó quy định rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, cụ thể là:
+ Từ thời điểm tham gia vụ án (ngay khi có người bị bắt giữ): có quyền tham gia từ khi lấy lời khai của người bị bắt và người bị tạm giữ và khi hỏi cung bị can; có mặt trong hoạt động khám nghiệm hiện trường, kê biên tài sản; xem các biên bản tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa, sao chụp hồ sơ liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra…;
+ Có quyền triệu tập nhân chứng, tự mình thu thập chứng cứ và đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng bằng văn bản ghi nhận chứng cứ do mình thu thập;
+ Bổ sung đầy đủ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện chức năng của mình như: gặp gỡ thân chủ bị giam giữ; thông báo cho người bào chữa về thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng; tạo điều kiện cho việc sao chụp tài liệu liên quan đến hoạt động bào chữa; liên hệ người bào chữa nếu người bị giam giữ có yêu cầu nhờ người bào chữa; tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong từng giai đoạn tố tụng (trừ trường hợp tham gia bào chữa khi có người bị bắt;
+ Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách bào chữa chỉ định đối với người bị bắt và bị tạm giữ;
+ Mở rộng diện bào chữa chỉ định đối với những người phạm tội có mức nghiêm trọng có thể bị truy tố mức án chung thân.
Chúng tôi cho rằng, để hoàn thiện BLTTHS năm 2003, Ban soạn thảo cần xác định rõ 3 yêu cầu: (1) hoàn thiện theo đúng hướng cải cách tư pháp; (2) triển khai đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013; (3) tiến gần hơn với chuẩn mực pháp lý quốc tế về bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội.
4. Kiến nghị hoàn thiện
Những phân tích trên cho thấy, Dự thảo sửa đổi BLTTHS đã phần nào đã khắc phục được những hạn chế trong các quy định của BLTTHS hiện hành, đồng thời thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa, tuy nhiên, vẫn cần được tiếp tục chỉnh sửa ở những vấn đề sau:
Thứ nhất, vấn đề bào chữa bắt buộc và bào chữa chỉ định miễn phí
Quyền được có người bào chữa chỉ định được quy định trong hầu hết các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người dưới hai bình diện: (1) người bị buộc tội có quyền có người bào chữa miễn phí nếu không có khả năng tự mình thanh toán cho dịch vụ đó; (2) trách nhiệm bắt buộc phải cung cấp người bào chữa từ phía nhà nước trong những trường hợp cần thiết do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội.[12]
Ở khía cạnh thứ 2, BLTTHS Việt Nam hiện hành tại khoản 2 Điều 57 đã có những quy định đặc biệt về nghĩa vụ chỉ định người bào chữa miễn phí liên quan tới nhóm người dễ bị tổn thương như người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất, tâm thần, và người bị truy tố, xét xử với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Dự thảo sửa đổi BLTTHS cũng đã thống nhất cách hiểu những trường hợp cần thiết phải có người bào chữa tham gia tố tụng đồng nghĩa với nghĩa vụ phải chỉ định người bào chữa miễn phí của cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) trong các trường hợp trên (Điều 108). Tuy nhiên, trong cả Dự thảo sửa đổi BLTTHS thì nhà làm luật vẫn ghi nhận rất hạn chế phạm vi cần phải chỉ định người bào chữa, mặc dù đã mở rộng hơn so với Bộ luật hiện hành về mức độ nghiêm trọng của người bị buộc tội (nghiêm trọng từ 12 năm tù). Đối chiếu với tinh thần Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICPPR) và quy định tiến bộ của nhiều nước,[13] chúng tôi đề xuất hướng mở rộng đối tượng được bắt buộc chỉ định bào chữa; cần áp dụng bắt buộc quy định bào chữa đối với cả người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo tinh thần của Điều 8 Bộ luật Hình sự hiện hành về các mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Mặt khác, giống với BLTTHS hiện hành, Dự thảo vẫn chưa ghi nhận quyền bào chữa miễn phí đối với người bị buộc tội là người có hoàn cảnh khó khăn (nghèo).[14] Trên thực tế, quyền này đã được gián tiếp ghi nhận trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Các đối tượng là hộ nghèo sẽ được trợ giúp miễn phí bởi các văn phòng trợ giúp pháp lý, trong đó có hoạt động bào chữa miễn phí. Tuy nhiên, để tạo sự thống nhất và rõ ràng trong quy định của pháp luật, người được bào chữa miễn phí vẫn cần thiết phải được ghi nhận trong BLTTHS. Do vậy, chúng tôi đề xuất hướng quy định chi phí thuê người bào chữa trong trường hợp đối với người nghèo cần phải được ghi nhận trong BLTTHS và có cơ chế thực hiện rõ ràng để đảm bảo song song quyền lợi của nhà nước và quyền lợi của công dân bị buộc tội.
Thứ hai, quyền tham gia của người bào chữa trong các hoạt động tố tụng
Phần lớn các văn bản pháp lý quốc tế quy định trách nhiệm của nhà nước phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho người bị buộc tội và người bào chữa chuẩn bị công việc bào chữa.[15] Theo các định nghĩa được đưa ra ở các văn bản này, quyền được chuẩn bị cho việc bào chữa bao gồm hai khía cạnh: (1) được bảo đảm có khoảng thời gian hợp lý và (2) được tạo điều kiện cho việc chuẩn bị bào chữa.[16] Nhìn chung, các quy định trong Dự thảo đã hoàn thiện được một bước rõ nét so với những hạn chế còn tồn tại, tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, một số khía cạnh vẫn cần tiếp tục được chỉnh lý, cụ thể:
– Quyền tiếp cận hồ sơ vụ án
Việc quy định cho phép tiếp cận hồ sơ vụ án ở giai đoạn kết thúc điều tra như Điều 106 của Dự thảo là quá muộn và không linh hoạt, đồng thời hạn chế việc bào chữa hiệu quả đối với tất cả các cuộc điều tra lớn. Vì vậy, nên cho phép người bào chữa xem và sao chụp hồ sơ vụ án để phục vụ cho việc bào chữa khi thấy không có nguy cơ có thể tác động một cách trái phép vào các bằng chứng cần được thu thập (ví dụ như thông cung với các đồng phạm khi những người này không bị bắt giam hoặc sẽ là nguy cơ gây tác động lên người làm chứng).
– Quyền tiếp cận với người bị bắt giữ và tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Điều 113 của Dự thảo vẫn còn rất hạn chế khi gợi ý việc gặp gỡ thân chủ phải có đơn đề nghị của người bào chữa. Điều này chưa đúng với tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Quyền Dân sự và Chính trị và hạn chế hoạt động bào chữa.[17] Chúng tôi đề xuất chỉnh sửa lại Điều 113 như sau: “người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ được phép liên lạc tự do với người bào chữa của mình và những nội dung của việc liên lạc đó không bị giám sát. Nếu có đủ lý do nghi ngờ về việc quyền này bị lợi dụng thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được giao phụ trách vụ việc có quyền hạn chế việc liên lạc trong một khoảng thời gian nhất định. Quyết định hạn chế của điều tra viên phải được viện kiểm sát cùng cấp thông qua trong vòng 24 tiếng sau khi nhận được quyết định của điều tra viên”.
– Quyền tham gia thu thập chứng cứ
Chúng tôi nhất trí với nội dung chỉnh sửa tại Điều 114 của Dự thảo về việc thư thập chứng cứ của người bào chữa. Tuy nhiên, nếu Theo Điều 106 của Dự thảo, quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa sẽ bị hạn chế nếu quy định chỉ cho phép họ được hỏi người bị bắt giữ, bị can nếu được Điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý là không hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Quyền Dân sự và Chính trị về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Rõ ràng, nếu người bào chữa không được quyền trao đổi với thân chủ, việc ghi nhận bằng chứng trong các lần lấy lời khai, hỏi cung có thể gặp khó khăn, đặc biệt trong trường hợp cần đối chứng lời khai.
Đề xuất bổ sung Điều 179 của Dự thảo về hoạt động đối chất theo hướng cho phép bị can, bị cáo được quyền yêu cầu tiến hành đối chất với nhân chứng để khẳng định tính chính xác về chứng cứ. Đồng thời, người bào chữa nếu có, cũng cần được tham gia khi tiến hành đối chất, kể cả các trường hợp đối với những người tham gia tố tụng khác (Điều 52 về người đại diện hợp pháp của đương sự).
– Quyền tự thu thập chứng cứ
Quy định tại Điều 114 và 115 của Dự thảo, vấn đề này là chưa chặt chẽ và chưa rõ ràng về quyền của người bào chữa. Dự thảo ghi nhận người bào chữa có quyền tự thu thập bằng chứng, có quyền đề xuất chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành tố tụng có trách nhiệm hỗ trợ người bào chữa trong việc tiếp cận với cá nhân tổ chức để thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, Dự thảo cũng ghi nhận cơ quan tiến hành tố tụng cũng có quyền từ chối chứng cứ mà người bào chữa đề xuất. Chính vì thế, chúng tôi đề xuất nên quy định rõ ràng loại chứng cứ nào người bào chữa được thu thập? Người bào chữa có được gặp gỡ những người tham gia như nhân chứng, nguyên đơn… để thu thập chứng cứ không? Tất cả những điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn về nguồn chứng cứ mà người bào chữa cung cấp, đặc biệt trong trường hợp có tiêu cực từ phía cơ quan tiến hành tố tụng.
CHÚ THÍCH
[1] Trên cơ sở ghi nhận của Hiến pháp năm 1946, pháp luật đã thừa nhận việc công dân không phải là luật sư cũng có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa với điều kiện được Chánh án thừa nhận. Trong thời kỳ đầu những năm 1950, hình thức bào chữa viên nhân dân đã xuất hiện và được áp dụng phổ biến trong hoạt động xét xử. Đây là một trong những quy định mới, tiến bộ, mở rộng ghi nhận của Hiến pháp về quyền bào chữa nhằm đảm bảo thu hút lực lượng quần chúng nhân dân tham gia gia đấu tranh phòng chống tội phạm và góp phần vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị bị cáo tại phiên tòa.
[2] Cụ thể những trường hợp phải chỉ định người bào chữa bao gồm:
– Vụ án có ảnh hưởng chính trị lớn;
– Vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần;
– Vụ án mà bị cáo có thể bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình;
– Đối với những trường hợp khác, nếu bị cáo tha thiết yêu cầu thì Tòa án cũng cố gắng cử người bào chữa cho họ. Tại phiên tòa phúc thẩm cũng có thể trực tiếp chỉ định người bào chữa cho bị cáo.
[3] Vụ Công tác lập pháp (2003), Viện Khoa học Kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Những sửa đổi cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nxb. Tư pháp, tr. 29.
[4] Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (UDHR), Công ước Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước Liên hợp quốc về Chống Tra tấn (CAT), Các công ước khu vực khác như Công ước quốc tế về Quyền con người của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ latin đều ghi nhận quyền bào chữa phải được bảo đảm ở những khía cạnh sau:
(1) Quyền có đủ thời gian và điều kiện để chuẩn bị cho việc bào chữa;
(2) Quyền được tiếp cận người bào chữa;
(3) Quyền được có người bào chữa miễn phí;
(4) Quyền được liên lạc với người bào chữa;
(5) Quyền của người bào chữa được đề xuất chứng cứ và thẩm vấn người làm chứng tại phiên tòa.
Quyền bào chữa còn được giải thích bởi các văn bản pháp lý quốc tế khác có liên quan, ví dụ như Bộ Các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về Vai trò của luật sư (United Nations Basic Principles on the Role of Lawyers), Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (Rome Status of the International Criminal Court), và các giải thích của Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc (United Nations Commission on Human Rights – UNCHR).
[5] Caldas v. Uruguay, U.N. Doc. No. 40 (A/38/40) (1983); Machado v. Uruguay, UN Doc.A/39/40 (1981).
[6] ECtHR, Grand Chamber, 27 November 2008, Salduz (no. 36391/02), § 54-55; ECtHR 11 December 2008, Panovits (no. 4268/04), § 66 , 70 – 73.
[7] ECtHR 8 February 1996, John Murray v. UK (Series A 1996-I); ECtHR27 November 2008, Salduz v. Turkey (application no. 36391/02). Bên cạnh đó, Ủy ban Chống tra tấn cho rằng, việc thiếu vắng sự hỗ trợ của người bào chữa sẽ làm tăng nguy cơ bị tra tấn đối với người sau khi bị bắt và người bị giam giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. (Xem: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, The United Nation Convention Agains Torture – A Commentary, Oxford University Press (2008), tr. 403-4.)
[8] ECtHR 24 November 1993, Imbrioscia v. Switzerland (Series A, N°275, para. 36).
[9] ECtHR11 December 2008, Panovits v. Cyprus (application no. 4268/04); Płonka v. Poland 2009 (20310/02); Zhelezov v. Russia 2002 (48040/99 decision).
[10] Đảm bảo tranh tụng có ý nghĩa rất trực tiếp đến việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa. Các tài liệu nghiên cứu đều cho thấy, phiên tòa tranh tụng là một đặc trưng ưu việt trong tố tụng hình sự của các nước có truyền thống thông luật (Common Law), nơi ví tố tụng hình sự là cuộc đấu tranh giữa các bên đối trọng về lợi ích, và phiên tòa là nơi biểu đạt cao nhất tính tranh tụng của các bên, trong đó vai trò của người bào chữa luôn được coi trọng. Điều này có nghĩa là, muốn đạt được sự công bằng, cách thức chứng minh tội phạm phải dựa trên yếu tố tranh tụng công bằng (due process of law). Ngày nay, phiên tòa tranh tụng công bằng không chỉ là đặc trưng của các nước có truyền thống tố tụng tranh tụng (adversarial model) mà còn là định hướng trong rất nhiều hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa với mô hình tố tụng thẩm vấn (inquisitorial model). Xem: Malgorzata Wasek-Wiaderek, The principle of “equality arms” in criminal procedure under Article 6 of the European Convention on Human rights and its functions in criminal justice of selected European Countries- A comparative view, Leuven University Press, 2000, tr. 11.
[11] Xem các bình luận ở trên (Mục 1, tr. 1 – 3).
[12] Điều 14(3)(d) Công ước Liên hợp quốc về quyền dân sự và Chính trị (ICCPR), Điều 6(3)(d) Công ước châu Âu về quyền con người (ECHR), Điều 8(2)(e) Công ước châu Mỹ latin về quyền con người (AmCHR) và các văn kiện pháp lý khác ví dụ như Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư ban hành năm 1990 (Quy tắc 6), Điều 67.1(d) Quy chế Roma của Tòa án hình sự quốc tế… Theo đó, người bị buộc tội có quyền được trợ giúp pháp luật miễn phí với điều kiện người đó “không có đủ khả năng chi trả” và “vì lợi ích công lý” (căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hình phạt mà người đó có thể phải đối mặt mà người bị buộc tội không thể tự mình bào chữa). Ở khía cạnh thứ 2, nhiều nước trên thế giới, thậm chí còn quy định việc cung cấp người bào chữa bắt buộc cho những người bị buộc tội nghiêm trọng 2 năm tù.
[13] Xem chú thích 13.
[14] Theo tinh thần của ICCPR, một trong những tiêu chí bảo đảm có người bào chữa miễn phí là khi người bị buộc tội chứng minh được anh ta không có khả năng tài chính để thuê người bào chữa.
[15] Quyền được có đủ thời gian và điều kiện chuẩn bị cho việc bào chữa được quy định tại Điều 14(3)(b) Công ước Liên hợp quốc về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Điều 6(3)(b) Công ước châu Âu về quyền con người (ECHR), và Điều 8(2)(c) Công ước châu Mỹ latin về quyền con người (AmCHR).
[16] Theo Nhận xét chung số 13 của Ủy ban quyền con người của Liên hợp quốc, “việc xác định thế nào là “đủ thời gian” tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể” (đoạn 9). Một nhân tố quan trọng nữa là tính phức tạp của vụ việc. Đối với khái niệm “tạo điều kiện”, Ủy ban Quyền con người của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng “tạo điều kiện bao gồm việc tiếp cận đối với tài liệu và chứng cứ mà người bị buộc tội phải chuẩn bị cho lập luận của mình, cũng như cơ hội tiếp xúc và trao đổi với người bào chữa” (đoạn 9).
[17] Điều 14.3(b) ICCPR quy định người bị giam giữ có quyền được liên lạc riêng tư với người bào chữa. Ủy ban về Quyền con người của Liên hợp quốc đã lưu ý rằng quyền được tiếp cận tới người bào chữa là hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của người đang bị giam giữ (Bình luận chung số 20, đoạn 11). Tổ chức này cũng lưu ý, việc liên lạc với người bào chữa cần phải được thực hiện trong những điều kiện bảo đảm sự bí mật của việc trao đổi và “luật sư cần phải được tư vấn và đại diện cho thân chủ của mình theo các chuẩn mực nghề nghiệp đã được thiết lập mà không được có sự hạn chế, áp lực hoặc tác động không chính đáng từ bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào.” (Bình luận chung số 13, đoạn 9). Trong phần lớn các vụ việc có liên quan tới vấn đề này của Ủy ban về Quyền con người của Liên hợp quốc, quyền được liên lạc với người bào chữa được xem là điều kiện cần để bảo vệ các quyền của người bị buộc tội khi đang bị tạm giam, hay khi họ không thể thuê người bào chữa hoặc khi việc liên lạc cá nhân của người bị buộc tội bị từ chối.
Tác giả: TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh – Trưởng bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(93)/2015 – 2015, Trang 24-31
Like Fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời