Những điểm mới về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Huệ [1]
TÓM TẮT
Luật doanh nghiệp (LDN) số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 (LDN năm 2014) đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, LDN năm 2014 còn một số tồn tại nhất định, trong số đó có những quy định bất cập về quản trị công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Nhận diện các bất cập đó, Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (LDN năm 2020) đã có những quy định góp phần nâng cao cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, thành viên của công ty cổ phần, công ty TNHH, nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế. Bài viết này tập trung vào việc nhận diện, giới thiệu và luận giải một số điểm mới quan trọng trong quản trị công ty cổ phần, công ty TNHH theo LDN năm 2020.
1. Một số điểm mới về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Về việc xử lý trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ (Khoản 4 Điều 56 LDN năm 2020): LDN năm 2020 đã có những quy định mới góp phần xử lý được những trường hợp đã và đang xảy ra khá phổ biến trên thực tế liên quan đến việc Chủ tịch thành viên không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Theo Khoản 4 Điều 56 LDN năm 2020, nếu xảy ra một trong các trường hợp nêu trên thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên.
Về cơ cấu tổ chức (Điều 57 LND năm 2020): Cơ cấu công ty TNHH hai thành viên trở lên có sự thay đổi cơ bản như sau:
Ban kiểm soát (Điều 57 và Điều 65 LDN năm 2020): Theo LDN năm 2014 “Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát”. Tuy nhiên, LDN năm 2020 chỉ đặt ra nghĩa vụ phải thành lập Ban kiểm soát đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 88 LDN năm 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 của LDN năm 2020. Nội dung sửa đổi nêu trên nhằm để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đối với các công ty TNHH hai thành viên khác, thì việc thành lập Ban kiểm soát tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng thành viên. Công ty có thể thuê công ty tư vấn thực hiện chức năng kiểm soát, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của công ty. Bên cạnh đó, Điều 65 LDN năm 2020 quy định về Ban kiểm soát và kiểm soát viên – đây là quy định mới hoàn toàn so với LDN năm 2014 hướng đến việc nâng cao hiệu lực quản trị đối với doanh nghiệp đặc biệt là đối với các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
– Người đại diện theo pháp luật (Điều 57 LDN năm 2020): Theo Điều 57 LDN năm 2020, công ty THNH hai thành viên trở lên phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Sở dĩ LDN năm 2020 đặt ra quy định mới này nhằm hạn chế việc nhà đầu tư lạm dụng vỏ bọc công ty thuê người khác làm người đại diện theo pháp luật để thực hiện kinh doanh, gây thiệt hại cho các bên có liên quan.
Về Biên bản họp Hội đồng thành viên (Khoản 3 Điều 60 LDN năm 2020): Trên thực tế có nhiều trường hợp chủ tọa và thư ký cuộc họp Hội đồng thành viên không hợp tác, không ký biên bản khiến cho công ty không thể thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai Nghị quyết đã được Hội đồng thành viên thông qua, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, LDN năm 2020 bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều 60 LDN năm 2020: “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên”.
Về hiệu lực Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên (Điều 62 LDN năm 2020): LDN năm 2020 lần đầu tiên có quy định về việc “Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua Nghị quyết, Quyết định đó không được thực hiện đúng quy định”. Trong thời gian qua, có nhiều Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ nhưng có những thiết sót về trình tự, thủ tục thông qua nên không được thừa nhận về hiệu lực hoặc bị khiếu nại dẫn đến việc phải tổ chức lại rất tốn kém thời gian và công sức của các thành viên. Do đó, LDN năm 2020 đã khắc phục bằng quy định nêu trên theo hướng tôn trọng ý chí, nội dung của các thành viên dự họp.
2. Một số điểm mới về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Về việc thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 78 LDN năm 2020): LDN năm 2020 bổ sung một số trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân có thể ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty, đó là các trường hợp “đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc”. Khoản 4 Điều 78 LDN năm 2020 có quy định rõ ràng và dẫn chiếu cụ thể đến các quy định của pháp luật dân sự trong việc xử lý phần vốn góp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị mất tích.
Về cơ cấu tổ chức của công ty TNHH một cá nhân do tổ chức làm chủ sở hữu (Điều 79 LDN năm 2020): Cơ cấu công ty TNHH một thành viên có sự thay đổi cơ bản như sau:
– Kiểm soát viên (Khoản 1 Điều 79 LDN năm 2020)
Nếu so sánh cơ cấu tổ chức của loại hình công ty TNHH một thành viên theo LDN năm 2014 và LDN năm 2020 có thể thấy LDN năm 2020 không đưa chức danh kiểm soát viên vào cơ cấu bắt buộc trong tổ chức quản lý và hoạt động của cả hai mô hình công ty TNHH một thành viên. Cơ sở của sự thay đổi này xuất phát từ thực tế là đa phần các công ty tổ chức hoạt động theo loại hình này là các công ty 100% vốn ngoài nhà nước. Quy định của LDN năm 2014 bắt buộc phải có kiểm soát viên hạn chế công ty thiết lập mô hình kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải là ban kiểm soát/kiểm soát viên vì lợi ích của chủ sở hữu. Kiểm soát viên trong nhiều trường hợp hoạt động hình thức, chỉ để tuân thủ pháp luật. LDN năm 2020 chỉ đặt ra việc bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát đối với công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 của LDN năm 2020. Khoản 2 Điều 79 LDN năm 2020 sửa đổi theo hướng chuyển từ bắt buộc phải có kiểm soát viên trong cơ cấu tổ chức sang cơ chế giao quyền cho chủ sở hữu quyết định và lựa chọn cơ chế giám sát, phù hợp với trường hợp cụ thể của doanh nghiệp (có thể thành lập Ban kiểm soát/kiểm soát viên hoặc thuê kiểm toán độc lập). Sửa đổi này góp phần giảm chi phí và tạo linh hoạt cho công ty TNHH một thành viên trong việc tổ chức bộ máy hoạt động.
– Người đại diện theo pháp luật (Khoản 3 Điều 79 LDN năm 2020)
Khoản 3 Điều 79 LDN năm 2020 bổ sung quy định: “Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Lý do dẫn đến sự thay đổi này tương tự như sự thay đổi của Điều 57 LDN năm 2020 như đã được phân tích ở trên.
– Về cơ cấu tổ chức của công ty TNHH một cá nhân do tổ chức làm chủ sở hữu (Điều 85 LDN năm 2020)
LDN năm 2020 quy định rõ ràng việc “Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty”. Quy định này gắn trách nhiệm quản trị công ty TNHH một thành viên là cá nhân vào chủ sở hữu và hạn chế việc nhà đầu tư lạm dụng vỏ bọc công ty thuê người khác làm Chủ tịch công ty để thực hiện kinh doanh, gây thiệt hại cho các bên có liên quan.
– Về việc thông qua Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên (Khoản 6 Điều 80 LDN năm 2020)
Nếu như Khoản 6 Điều 79 LDN năm 2014 quy định: “Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua khi có hơn một nửa số thành viên dự họp tán thành. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất ba phần tư số thành viên dự họp tán thành”. Quy định này không điều chỉnh được những trường hợp một tổ chức có thể cử nhiều đại diện với tỷ lệ đại diện về vốn khác nhau và trường hợp có số thành viên sự họp không nhiều hơn một nửa số thành viên của Hội đồng thành viên nhưng sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết, tán thành thông qua Nghị quyết/Quyết định của Hội đồng thành viên.
Khắc phục bất cập của Khoản 6 Điều 79 LDN năm 2020 nêu trên, Khoản 6 Điều 80 LDN năm 2020 quy định: “Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất 75% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên tán thành. Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày ghi tại Nghị quyết, Quyết định đó, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”.
3. Một số điểm mới về quản trị công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp năm 2020
Về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần (Điều 137 LDN năm 2020): Về cơ bản cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo LDN năm 2020 không có thay đổi lớn, chỉ có một số thay đổi và bổ sung cụ thể hơn về Ủy ban kiểm toán và người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần, cụ thể:
– Đối với mô hình công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (điểm b Khoản 1 Điều 137 LDN năm 2020)
Với mô hình tổ chức này, LDN năm 2020 quy định: “Ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.
Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành”. Theo quy định này, lần đầu tiên LDN năm 2020 quy định tên gọi mới của một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần là Ủy ban kiểm toán. Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành. Mô hình tổ chức công ty cổ phần có Ủy ban kiểm toán là mô hình tổ chức phù hợp với thông lệ thế giới và tên Ủy ban kiểm toán đã phản ánh đúng thuật ngữ tiếng Anh là “Audit Committee”. Theo điểm b Khoản 1 Điều 134 LDN năm 2014, công ty cổ phần có Ban kiểm toán nội bộ và thực tế là tổ chức này gây ra nhầm lẫn với Ban kiểm toán theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 21/01/2019 về kiểm toán nội bộ. Do đó, LDN năm 2020 đã có sự thay đổi để đảm bảo sự xác định đúng chức năng của Ủy ban kiểm toán và tránh những hiểu lầm không đáng có.
– Người đại diện theo pháp luật (Khoản 2 Điều 137 LDN năm 2020): Theo Khoản 2 Điều 137 LDN năm 2020
“Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Lý do dẫn đến sự thay đổi này tương tự như sự thay đổi của Điều 57 LDN năm 2020 như đã được phân tích ở trên.
– Về việc bổ sung quyền cho Đại hội đồng cổ đông (Điều 138 LDN năm 2020)
LDN năm 2020 bổ sung thêm 03 quyền mới cho Đại hội đồng cổ đông, bao gồm: (i) Quyền quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (ii) Quyền phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (iii) Quyền phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết. Đây là các quyền có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến quyền và lợi ích của chính các cổ đông. Nên theo thông lệ quản trị công ty tốt, thì cổ đông phải có quyền tham gia thảo luận và quyết định về những vấn đề như: Quyết định kiểm toán độc lập, quyết định thù lao và ngân sách hoạt động cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Việc sửa đổi này cũng nhằm mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của cổ đông, hạn chế tình trạng cổ đông lớn lạm dụng quyền hạn để chèn ép, chiếm đoạt lợi ích của cổ đông nhỏ.
– Về việc mời họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 143 LDN năm 2020)
Quy định về mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp tại điểm c Khoản 3 Điều 139 LDN năm 2014 đã được bãi bỏ. Lý do LDN năm 2020 không quy định vấn đề này là do có nhiều công ty cổ phần lạm dụng quy định về ban hành và gửi mẫu chỉ định đại diện uỷ quyền cho cổ đông, để nhằm hạn chế quyền dự họp của cổ đông bằng các cách thức như thường xuyên thay đổi, gửi mẫu dự họp sát thời gian họp… gây khó khăn hoặc thậm trí khiến cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông nước ngoài, không kịp đủ thời gian để ủy quyền cho người khác dự họp, vì các thủ tục hành chính như ủy quyền, hợp pháp hóa lãnh sự. Điều 143 LDN năm 2020 không còn quy định về mẫu chỉ định đại diện do công ty phát hành để cho các cổ đông công ty cổ phần có quyền thực hiện ủy quyền theo hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật dân sự. Cách tiếp cận này hướng đến một trong những mục tiêu quan trọng của LDN năm 2020 là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông.
Về việc thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 144 LDN năm 2020): LDN năm 2020 có một số quy định mới so với LDN năm 2014 liên quan đến quyền dự họp Đại hội cổ đông của cổ đông, cụ thể:
– Quyền ủy quyền của cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức cho cá nhân, tổ chức khác tham gia cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (Khoản 1 Điều 144 LDN năm 2020)
Nếu như LDN năm 2014 không đề cập đến người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức (một đối tượng khá điển hình có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông) thì LDN năm 2020 đã đề cập đến đối tượng này nhằm đảm bảo sự phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, LDN năm 2020 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cổ đông khi cho phép cổ đông được quyền ủy quyền cho một số cá nhân, tổ chức tham gia cuộc họp Đại hội đồng cổ đông – điều mà trước đây các cổ đông không thể thực hiện được do Khoản 1 Điều 140 LDN năm 2014 quy định: “Cổ đông có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một người khác dự họp hoặc thông qua một trong các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều này”.
– Về hình thức của văn bản ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông (Khoản 2 Điều 144 LDN năm 2020)
Do LDN năm 2020 không còn quy định về mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp tại điểm c Khoản 3 Điều 139 LDN năm 2014 nên đã bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 144 LDN năm 2020 về hình thức của văn bản ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông. Theo đó: “Việc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật về dân sự và phải nêu rõ tên cá nhân, tổ chức được ủy quyền và số lượng cổ phần được ủy quyền. Cá nhân, tổ chức được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp”.
– Về điều kiện tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (Khoản 1 Điều 145 LDN năm 2020)
Khoản 1 Điều 145 LDN năm 2020 quy định cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện “trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định” – quy định này tạo điều hiện thuận lợi hơn cho công ty cổ phần trong việc tổ chức cuộc họp Đại hội đổng cổ đông so với LDN năm 2014. Bởi lẽ, theo Khoản 1 Điều 141 LDN năm 2014: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.
– Về điều kiện để Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua (Điều 148 LDN năm 2020)
Đối với các Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông mà không cần số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành thông qua thì LDN năm 2020 quy định rằng Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi có số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành (Điều 144 LDN năm 2014 quy định cần có số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp tán thành).
Điều 148 LDN năm 2020 có thêm một quy định bảo vệ quyền lợi của cổ đông cổ tức – quy định này mới hoàn toàn so với LDN năm 2014. Theo Khoản 6 Điều 148 LDN năm 2020, “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua Nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản”. Do các cổ đông sở hữu cổ phần cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông nên nếu Đại hội đồng cổ đông có quyết định gì làm thay đổi bất lợi quyền lợi của cổ đông cổ tức thì cổ đông cổ tức sẽ không có điều kiện, cơ chế để bảo vệ quyền lợi của mình nếu pháp luật không có quy định đặc thù. Quy định mới này của LDN năm 2020 là một quy định góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông ưu đãi cổ tức.
– Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 150 LDN năm 2020)
Trên thực tế có nhiều trường hợp chủ tọa và thư ký cuộc họp Đại hội đồng cổ đông không hợp tác, không ký biên bản khiến cho công ty không thể thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai Nghị quyết đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, LDN năm 2020 bổ sung quy định tại điểm 1 Khoản 1 Điều 150 LDN năm 2020 như sau: “Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp”.
– Về việc đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị (Điều 153 LDN năm 2020)
Trường hợp Nghị quyết, Quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì LDN năm 2020 bổ sung thêm cơ chế yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ Nghị quyết, Quyết định nói trên.
– Về các tiêu chuẩn và điều kiện thành viên độc lập Hội đồng quản trị (Khoản 2 Điều 155 LDN năm 2020)
LDN năm 2020 sửa đổi một số điều kiện áp dụng đối với thành viên độc lập Hội đồng quản trị để đảm bảo cho các thành viên này đảm bảo và thực hiện được tốt nhất sự độc lập, khách quan khi tham gia vào các cuộc họp của Hội đồng quản trị. Cụ thể, thành viên độc lập của Hội đồng quản trị không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty (theo điểm d Khoản 2 Điều 151 LDN năm 2014 là 1%); Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ (điểm d Khoản 2 Điều 151 LDN năm 2014 không quy định về trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ).
– Về việc xử lý trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ (Khoản 4 Điều 156 LDN năm 2020)
LDN năm 2020 đã có những quy định mới góp phần xử lý được những trường hợp đã và đang xảy ra khá phổ biến trên thực tế liên quan đến việc Chủ tịch Hội đồng quản trị không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Theo Khoản 4 Điều 156 LDN năm 2020, nếu xảy ra một trong các trường hợp nêu trên thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị. LDN năm 2014 đã không quy định cụ thể, đầy đủ về các trường hợp nêu trên khiến cho nhiều công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn, thậm chí lâm vào tình trạng không thể hoạt động được do không có Chủ tịch Hội đồng quản trị (nhất là trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật).
– Về hiệu lực Nghị quyết của Đại hội cổ đông (Điều 152 LDN năm 2020)
Tương tự như sự thay đổi tại Điều 62 LDN năm 2020, Điều 152 LDN năm 2020 lần đầu tiên ghi nhận hiệu lực Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông khi được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mặc dù trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua Nghị quyết đó vi phạm quy định của LDN năm 2020 và Điều lệ công ty.
– Về Biên bản cuộc họp Hội đồng quản trị (Điều 158 LDN năm 2020)
LDN năm 2020 cũng có một cách tiếp cận mới, thực tế và hợp lý hơn khi ghi nhận hiệu lực cuộc họp Hội đồng quản trị trong trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 158 LDN năm 2020.
Bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (Khoản 2 Điều 160 LDN năm 2020): Nếu như Khoản 2 Điều 155 LDN năm 2020 chỉ có quy định khá chung chung là: “Thành viên Hội đồng quản trị có thể bị bãi nhiệm theo Nghị quyết của Đại hội đổng cổ đông” thì LDN năm 2020 đã có quy định cụ thể về các trường hợp Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng, theo Khoản 2 Điều 160 LDN năm 2020: “Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây: a) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 160 LDN năm 2020 vẫn quy định trường hợp: “Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.
Qua việc nhận diện, giới thiệu và luận giải các điểm mới của LDN năm 2020 về quản trị công ty cổ phần, công ty TNHH có thể nhận thấy LDN năm 2020 đã ghi nhận và cụ thể hóa các mục tiêu tổng quát và mục tiêu chi tiết của việc sửa đổi LDN năm 2014 góp phần tạo nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.
Trả lời