Mục lục
Quy chế pháp lý về doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Tác giả: Nguyễn Thanh Lý [1]
TÓM TẮT
Với tư cách là một trong những mô hình kinh doanh được sử dụng nhiều ở Việt Nam, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có một vị trí khá đặc biệt trong đạo Luật doanh nghiệp (LDN) ở Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của DNTN, bài viết phân tích khái niệm, đặc điểm, đăng ký kinh doanh, chế độ pháp lý về vốn, quản trị doanh nghiệp, giải thể và phá sản DNTN. Từ đó, bài viết đưa ra những ý kiến góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về DNTN ở Việt Nam hiện nay.
1. Khái niệm và đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Thực tiễn linh hoạt trong kinh doanh đã hình thành lên sự đa dạng về chủ thể kinh doanh có những đặc trưng pháp lý khác với các loại hình công ty và các loại hình hợp danh đó là DNTN. Bản thân thuật ngữ “DNTN” (private enterprise) không được sử dụng trong thông lệ pháp luật quốc tế. Các nước trên thế giới thường sử dụng thuật ngữ “sole proprietorship” hay “sole trader” (doanh nghiệp cá nhân, cá nhân kinh doanh) để chỉ loại chủ thể kinh doanh này.
Doanh nghiệp cá nhân (sole proprietorship) còn được gọi là doanh nghiệp một chủ là một dạng thỏa thuận kinh doanh đơn giản, trong đó, một cá nhân điều hành và sở hữu toàn bộ doanh nghiệp. Mặc dù, nhiều người sử dụng thuật ngữ này để chỉ các doanh nghiệp không có nhân viên nào khác ngoài chủ sở hữu, tuy nhiên, cách hiểu chính xác của doanh nghiệp cá nhân đề cập đến cấu trúc pháp lý của doanh nghiệp, thay vì số lượng nhân viên. Như vậy, khi thành lập doanh nghiệp cá nhân thì doanh nghiệp đó có thể chỉ có một chủ sở hữu hoặc cũng có thể bao gồm chủ sở hữu và nhân viên.
Lịch sử nền kinh tế thế giới cho thấy, chủ thể kinh doanh theo hình thức cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp cá nhân là hình thức tổ chức kinh doanh đơn giản và cổ điển nhất2, đây là hình thức kinh doanh xuất hiện sớm nhất, sớm hơn các hình thức kinh doanh theo loại hình công ty hay hợp danh. Ở Việt Nam, cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước không có những văn bản pháp luật chính thức công nhận sự tồn tại của các loại hình DNTN ngoài các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể. Sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986, với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu với các quy mô khác nhau đã dần dần được hình thành và phát triển3.
DNTN là một trong những loại hình doanh nghiệp xuất hiện sớm nhất trong thời kỳ đổi mới được đánh dấu bằng sự ra đời của Luật DNTN năm 1990, tách biệt hẳn so với Luật công ty năm 1990. Sự ra đời song song của hai đạo luật này đã hàm ý phân biệt rõ tư cách pháp lý của DNTN (thương nhân thể nhân) khác với các loại hình công ty (thương nhân pháp nhân). Tuy nhiên, sau 9 năm, LDN năm 1999 đã gộp hai đạo luật DNTN năm 1990 và Luật công ty năm 1990 làm một và dành một chương quy định về DNTN nhằm mục đích tránh sự phân biệt giữa các loại hình kinh doanh trong nền kinh tế. Cách làm này đã được duy trì ở các đạo LDN sau này: LDN năm 2005, LDN năm 2015 và hiện nay là LDN năm 2020.
Khoản 1, Điều 188 LDN năm 2020 quy định: “DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Như vậy, về bản chất định nghĩa DNTN được giữ nguyên từ năm 1990 đến nay. Từ định nghĩa trên về DNTN cùng với việc gộp quy định DNTN vào LDN dễ gây nhầm lẫn rằng DNTN là loại hình công ty một chủ sở hữu tương tự như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, xét về tính chất sở hữu, cơ cấu tổ chức, tư cách pháp lý, chế độ trách nhiệm tài sản thì DNTN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có sự khác biệt rất lớn. Bởi vậy đã có nhiều ý kiến của các nhà luật học đánh giá sự “lạc loài” của DNTN khi đặt DNTN vào LDN – một đạo luật chủ yếu điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các loại hình công ty.
Theo các tiêu chí phân loại doanh nghiệp thì DNTN (theo định nghĩa pháp lý của Việt Nam) mang bản chất là cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp một chủ, điều này được khẳng định chắc chắn hơn qua các đặc điểm sau của DNTN:
Thứ nhất, DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ.
Khác với loại hình kinh doanh là hợp danh và công ty, “DNTN không có sự liên kết góp vốn của nhiều chủ thể”4. Chủ DNTN sẽ điều hành cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa của chính họ, không có sự phân tách về quyền sở hữu tài sản của người chủ và DNTN. Đồng thời, chủ DNTN có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ tổ chức hoạt động đến việc “sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác”5.
Thứ hai, DNTN không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ sở hữu.
Việc đăng ký thành lập DNTN thể hiện rõ quyền tự đánh giá, định giá tài sản và tự khai của chủ sở hữu. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp6 cho thấy tài sản của DNTN không được tách biệt độc lập với tài sản của cá nhân chủ sở hữu.
Thứ ba, chủ DNTN phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi khoản nợ của doanh nghiệp.
“Trách nhiệm vô hạn được hiểu là sự tận cùng hay đến cùng của việc trả nợ”7. Điều này xuất phát từ sự không tách bạch giữa tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp với tài sản của doanh nghiệp. Khi thực hiện nghĩa vụ tài sản, trước tiên sẽ sử dụng tài sản của doanh nghiệp để trả nợ, nếu tài sản của doanh nghiệp không đủ để trả nợ thì chủ doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tài sản của chủ doanh nghiệp (tài sản không đầu tư vào doanh nghiệp) để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều đó có nghĩa rằng, nếu doanh nghiệp làm ăn thất bại và phát sinh nợ thì tài sản cá nhân của chủ sở hữu (bao gồm tất kỳ tài sản nào đứng tên chủ sở hữu) sẽ bị tịch thu để thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.
Thứ tư, DNTN không có tư cách pháp nhân.
Khoản 1, Điều 74, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
“(a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
(b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
(c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
(d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.
Với những đặc điểm về chế độ sở hữu và trách nhiệm vô hạn của chủ sở hữu, DNTN không thỏa mãn điều kiện (điểm c, Khoản 1, Điều 74) để trở thành pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Thành lập và đăng ký doanh nghiệp tư nhân
Khi lựa chọn một loại hình doanh nghiệp để kinh doanh, người ta thường đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của loại hình kinh doanh để làm căn cứ lựa chọn loại hình phù hợp. Mặc dù, DNTN có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng nó, nhưng trong bối cảnh, điều kiện kinh doanh cụ thể thì điểm mạnh và điểm yếu của DNTN chỉ mang tính chất tương đối. Bằng khả năng kinh doanh của mình, nhà đầu tư có thể biến hóa những điểm yếu của DNTN thành những điểm mạnh. Khi đã lựa chọn loại hình DNTN để kinh doanh, nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền như là một sự đảm bảo rằng nhà đầu tư có đủ điều kiện để làm chủ DNTN và thông qua loại hình DNTN nhà đầu tư có thể kiếm được những lợi ích nhất định.
Thành lập và đăng ký kinh doanh DNTN, nhà đầu tư cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về quyền lựa chọn loại hình kinh doanh là DNTN.
“Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”8, tức là, có quyền tự do lựa chọn loại hình kinh doanh và ngành nghề kinh doanh miễn sao không vi phạm điều cấm của pháp luật. Những ưu điểm đơn giản cơ cấu tổ chức, ít tốn kém để vận hành, DNTN rất phù hợp cho người tập kinh doanh; người khởi nghiệp, các công việc bán thời gian và hoặc công việc tại nhà… Ngược lại, với những ngành nghề có độ rủi ro cao khiến nhà đầu tư có khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý, nhà đầu tư cần có sự bảo hiểm đối với tài sản của họ thì DNTN không phải là một hình thức kinh doanh phù hợp.
Tuy vậy, vẫn có một số ngoại lệ đối với một số ngành nghề kinh doanh pháp luật yêu cầu chủ thể kinh doanh phải lựa chọn một loại hình doanh nghiệp nhất định, chẳng hạn như: Người hành nghề luật sư dưới hình thức văn phòng luật sư thì văn phòng luật sư phải được tổ chức và hoạt động theo loại hình DNTN9. Người hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp phải được tổ chức dưới dạng DNTN hoặc công ty hợp danh10. Ngoài ra, DNTN không được tham gia một số lĩnh vực do không có tư cách pháp nhân như: công chứng; quỹ đầu tư chứng khoán; tài chính ngân hàng; tư vấn, thiết kế công trình của dự án đầu tư; tư vấn đầu tư, xây dựng…
Thứ hai, đối tượng thành lập DNTN.
Xuất phát từ bản chất của DNTN là không có sự tách bạch giữa tài sản doanh nghiệp với tài sản chủ sở hữu, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi hoạt động của công ty, pháp luật quy định mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN. Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh11. Bởi chủ hộ kinh doanh và thành viên hợp danh của công ty hợp danh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của công ty, do đó, một sản nghiệp của một chủ không thể dùng để chịu trách nhiệm vô hạn đối với hai doanh nghiệp.
Thứ ba, thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Góp vốn thành lập DNTN không giống như các loại hình công ty hợp danh thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận giữa các chủ sở hữu tương lai của doanh nghiệp và tuân theo một quy trình góp vốn thành lập luật định. Thủ tục góp vốn thành lập DNTN hoàn toàn do nhà đầu tư chủ động và tự đánh giá về vốn góp. Theo quy định của Luật DNTN năm 1990 thì DNTN muốn thành lập phải có mức vốn không thấp hơn mức vốn pháp định12. Tuy nhiên, từ LDN năm 2005 đến LDN năm 2020 thì không còn hạn chế về vốn góp của DNTN nữa. Vốn đầu tư của chủ DNTN do chủ DNTN tự đăng ký. Chủ DNTN có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản13. Về mặt thủ tục, vốn đầu tư ban đầu của chủ DNTN được thể hiện trên nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ tư, tên và con dấu của DNTN.
DNTN có tên riêng. Việc đặt tên của DNTN phải tuân thủ các quy định chung về đặt tên công ty từ Điều 37 đến Điều 41 của LDN năm 2020. Ngoài ra, DNTN có con dấu riêng, mã số thuế riêng. Chính việc quy định về đăng ký vốn đầu tư của chủ DNTN, đặt tên riêng, có con dấu riêng, mã số thuế riêng làm cho “DNTN dường như đã trở thành một thực thể riêng” tách biệt dần khỏi người chủ của nó14. Có lẽ đây cũng là điểm khác biệt (về mặt hình thức) của LDN ở Việt Nam về loại hình DNTN dù rằng về bản chất DNTN không khác gì cá nhân kinh doanh (sole trader) theo thông lệ quốc tế.
3. Chế độ pháp lý về vốn của doanh nghiệp tư nhân
Chế độ pháp lý về vốn của DNTN thể hiện trên các nội dung sau:
Thứ nhất, vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Khi thành lập DNTN, chủ DNTN đã phải tự đăng ký vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Khác với các loại hình công ty, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC tại Phụ lục 4, Điểm 2.15 quy định về hóa đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển: “a.2. Trường hợp cá nhân dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, giá trị quyền sử dụng đất để thành lập DNTN, văn phòng luật sư thì không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất cho DNTN, trường hợp không có chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn của tài sản thì phải có văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp luật để làm cơ sở hạch toán giá trị tài sản cố định”. Dù vậy, toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về tăng giảm vốn đầu tư vào DNTN.
DNTN có đặc điểm là doanh nghiệp “đóng” nên mọi hoạt động liên quan đến vốn đầu tư của doanh nghiệp phải thông qua chủ sở hữu. Ngoài chủ sở hữu của doanh nghiệp, không thể huy động vốn từ các chủ thể khác. DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Đây là điểm bất lợi của DNTN so với một số công ty đối vốn điển hình như công ty cổ phần có thể tăng vốn bằng cách bán cổ phần công ty cho các nhà đầu tư công chúng.
Việc tăng giảm vốn của DNTN phải được chủ sở hữu thực hiện theo quy định: “Trong quá trình hoạt động, chủ DNTN có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ DNTN chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh”. Như vậy, chỉ khi số vốn đầu tư thấp hơn vốn đã đăng ký, chủ DNTN mới phải làm thủ tục thông báo thay đổi vốn đầu tư vào doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký15. Có lẽ xuất phát từ đặc điểm chủ DNTN phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, nên LDN đã quy định về thay đổi vốn đầu tư của chủ DNTN như trên nhằm tạo cơ chế thông thoáng và linh hoạt cho chủ doanh nghiệp. Ở các loại hình doanh nghiệp khác như: thành viên công ty hợp danh, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông công ty cổ phần có thể rút vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. DNTN với đặc điểm một chủ sở hữu duy nhất, việc rút vốn hoàn toàn của DNTN sẽ dẫn đến việc bán doanh nghiệp hoặc giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, sử dụng vốn và phân phối lợi nhuận của DNTN.
Việc tăng giảm vốn đầu tư và hoạt động của DNTN được theo dõi qua sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp tạo cảm giác dường như sản nghiệp thương mại của DNTN có phần tách biệt về kinh tế so với các loại tài sản khác của người chủ. Song, chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ sở hữu DNTN cho thấy DNTN và chủ sở hữu của nó có chung một sản nghiệp thương mại. Bởi vậy, việc sử dụng và phân phối lợi nhuận của DNTN cần lưu ý: (1) Chủ sở hữu doanh nghiệp có toàn quyền sử dụng vốn nhưng DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần; (2) Lợi nhuận sau thuế của DNTN thuộc về chủ sở hữu doanh nghiệp, do đó chủ sở hữu doanh nghiệp có toàn quyền quyết định.
4. Quản trị doanh nghiệp tư nhân
4.1. Tổ chức và quản lý doanh nghiệp tư nhân
Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức của DNTN.
So với các doanh nghiệp khác, cơ cấu tổ chức của DNTN đơn giản, không bắt buộc phải tổ chức, phân cấp quản lý với nhiều tầng lớp đại diện và bộ phận giám sát. Chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dù chủ sở hữu có ủy quyền cho người khác điều hành doanh nghiệp hoặc có thuê người quản lý, điều hành doanh nghiệp hay không thì chủ sở hữu vẫn là đại diện theo pháp luật của DNTN. Về quản trị nội bộ, DNTN không phải chịu những ràng buộc về mặt pháp lý trong thiết lập cơ cấu tổ chức quản lý, quy trình ra quyết định như đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. DNTN là mô hình doanh nghiệp đơn giản và ít tốn kém chi phí nhất cho việc thiết lập tổ chức và vận hành doanh nghiệp.
Thứ hai, về chế độ trách nhiệm của chủ sở hữu.
Về mặt tài sản, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp trong mọi trường hợp. Về mặt pháp lý, do không có tư cách pháp nhân, không phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và chủ sở hữu nên chủ DNTN được quy định là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp16. Theo quy định này, địa vị pháp lý của DNTN đã bị đánh đồng với tư cách pháp lý của người chủ sở hữu dù rằng nó là hai thực thể khác nhau. Ngoài ra, quy định này có thể dẫn đến nhiều phiền toái khi người chủ DNTN chết hoặc rơi vào tình trạng vô năng song DNTN vẫn còn tồn tại17.
Thứ ba, nghĩa vụ nộp thuế của DNTN.
Với tư cách là một công dân, chủ DNTN phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân18. Với tư cách là một doanh nghiệp, DNTN phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế19. Trong khi đó, DNTN và chủ sở hữu của nó có chung một sản nghiệp thương mại, suy cho cùng chủ sở hữu DNTN phải chịu hai lần đánh thuế. Điều này khá khác biệt so với quy định ở một số quốc gia khác, chẳng hạn luật ở Đức quy định “trong các công ty đối nhân các thành viên có tư cách thương gia độc lập và phải chịu thuế thu nhập cá nhân, bản thân công ty không bị đánh thuế. Còn các công ty đối vốn do sự tách bạch giữa thành viên và công ty nên phải chịu hai lần thuế: thuế thu nhập cá nhân đánh vào thành viên và thuế công ty đánh vào lợi nhuận chung của công ty”20.
Ngoài ra, khi quản lý, điều hành DNTN cần lưu ý: (1) Theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC tại Điều 6, Khoản 2, Điểm 2.5 quy định như sau: “d) Tiền lương, tiền công của chủ DNTN, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.” Căn cứ theo quy định này thì tiền lương, tiền công của chủ DNTN không được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (2) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng của DNTN được hiểu là “bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ DNTN hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ DNTN sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế”21.
4.2. Pháp luật về cho thuê, bán doanh nghiệp tư nhân
Chủ DNTN có quyền cho thuê một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp của mình theo hợp đồng cho thuê22. Hợp đồng cho thuê doanh nghiệp được quy định khá chặt chẽ về mặt hình thức: hợp đồng cho thuê phải được lập bằng văn bản và phải được công chứng. Trong vòng 03 ngày làm việc sau khi ký hợp đồng cho thuê DNTN, chủ DNTN phải thông báo bằng văn bản kèm theo hợp đồng cho thuê có công chứng đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế. Thông qua hợp đồng cho thuê doanh nghiệp, chủ sở hữu và người thuê có thể thỏa thuận về quyền và trách nhiệm của hai bên, nhưng trong thời hạn cho thuê, chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Đây là một trong những đặc điểm khác biệt giữa cho thuê DNTN và bán DNTN.
Chủ DNTN có quyền bán DNTN của mình cho người khác23 – bán toàn bộ sản nghiệp thương mại được tạo dựng qua DNTN cho người khác. Người mua (chủ sở hữu mới) phải làm thủ tục đăng ký thay đổi chủ DNTN24. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ DNTN vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác. Hợp đồng bán DNTN tuân thủ các quy định chung của luật thương mại và luật dân sự.
Thực tế kinh doanh cho thấy, việc bán DNTN không hề dễ dàng vì DNTN gắn liền với chủ sở hữu của nó. Chẳng hạn như: Không phân biệt giữa tài sản của chủ sở hữu và tài sản của DNTN khiến cho việc định giá DNTN trở lên khó khăn; hay những khách hàng quen với chủ sở hữu ban đầu của doanh nghiệp không dễ dàng để trở thành khách hàng của chủ sở hữu mới; việc thỏa thuận được toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ (gồm tài sản hiện có và các khoản nợ) của DNTN để chuyển sang cho chủ sở hữu mới cũng không dễ đạt được…
4.3. Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân
Loại hình DNTN được xem là lý tưởng cho người kinh doanh nhỏ, tập kinh doanh, khởi nghiệp, tuy nhiên, khi đạt được những thành công nhất định trong kinh doanh thì nhà đầu tư không nhất thiết phải giữ hình thức DNTN trong suốt cuộc đời, họ có thể chuyển đổi DNTN sang loại hình doanh nghiệp khác quy mô lớn hơn, phù hợp hơn với sự phát triển và mở rộng kinh doanh. Thực tế kinh doanh cho thấy, doanh nghiệp cá nhân (Sole Proprietorship) là loại hình kinh doanh phổ biến nhất ở Mỹ và Canada với hơn 20 triệu doanh nghiệp, tương tự đây cũng là loại hình kinh doanh chiếm phần lớn các doanh nghiệp ở Anh (khoảng 60%)… nhưng điều này lại khá trái ngược so với loại hình DNTN ở Việt Nam. Một đất nước có truyền thống kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún lại ưa chuộng loại hình kinh doanh công ty hơn là lựa chọn DNTN.
Sự tồn tại lâu đời của một doanh nghiệp góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng uy tín và thành công trong kinh doanh cho doanh nghiệp, việc chuyển đổi loại hình kinh doanh có ưu điểm là không bắt buộc doanh nghiệp phải giải thể trước khi chuyển đổi25. Rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới bắt đầu kinh doanh với tư cách là một DNTN, sau này trở thành tập đoàn lớn như: J.Willard Marriott bắt đầu kinh doanh với một DNTN như là một quầy bia, sau đó, doanh nghiệp của ông đã trở thành chuỗi nhà hàng A&W lớn; Richard Warren Sears bắt đầu bán đồng hồ và trang sức đặt hàng qua thư với tư cách là DNTN, ông đã thuê Alvah Curtis Roebuck để sửa chữa đồng hồ, hai người quyết định hợp tác và cuối cùng, Sears, Roebuck và công ty của họ đã trở thành chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ; James Cash Penney bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhân viên trong một cửa hàng bán lẻ nhỏ vào năm 1898, sau đó, ông đã mua lại cửa hàng và điều hành cửa hàng với tư cách là DNTN trong vài năm, số lượng cửa hàng tiếp tục phát triển và năm 1913, chuỗi cửa hàng được thành lập dưới tên “Công ty JC Penney”, đến năm 1929 Công ty JC Penney đã có hơn 1.000 cửa hàng hoạt động26.
Ở Việt Nam, theo quy định của LDN năm 2014, DNTN chỉ được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)27. LDN năm 2014 chỉ cho phép chuyển đổi DNTN thành công ty trách nhiệm hữu hạn mà không quy định có được chuyển đổi DNTN thành công ty hợp danh, công ty cổ phần hay không là không hợp lý. Việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty hợp danh đã được các nước thực hiện từ rất lâu và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu kinh doanh thực tế. DNTN muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần thì phải thực hiện một thủ tục hành chính trung gian – tức là chuyển đổi thành công ty TNHH và sau đó chuyển đổi từ công ty TNHH mới đó thành công ty cổ phần. Thủ tục hành chính trung gian trong trường hợp này hoàn toàn không có ý nghĩa, nhưng tốn kém thời gian, chi phí và thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, khắc phục những bất cập này, LDN 2020 đã có những sửa đổi cho phù hợp để DNTN có thể chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp khác như: công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần28.
4.4. Giải thể, phá sản doanh nghiệp tư nhân
Sự thay đổi về thành viên hay cổ đông của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhưng bất kỳ một rủi ro nào xảy ra đối với chủ sở hữu (chết, bệnh nặng, tù đày, làm ăn thất bại…) cũng có thể dẫn đến nguy cơ chấm dứt hoạt động của DNTN. Đa số sự tồn tại của DNTN không lâu hơn sự tồn tại của chủ sở hữu của nó29.
Thứ nhất, giải thể doanh nghiệp tư nhân.
DNTN có thể bị giải thể tự nguyện theo quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc có thể bị bắt buộc giải thể trong các trường hợp pháp luật quy định, ví dụ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký do giả mạo kê khai hồ sơ, do người chủ bị cấm kinh doanh, do không đăng ký mã số thuế hoặc không tuân thủ quy định báo cáo về tình hình kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh30. DNTN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài31. Chủ sở hữu DNTN phải làm thủ tục đăng ký giải thể doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh theo trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, đồng thời, chủ doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ DNTN32.
Trên thực tế, việc thực hiện các quy chế giải thể doanh nghiệp này khá khó khăn hoặc mang nặng tính hình thức bởi: (1) Đa phần doanh nghiệp không chấp hành nghĩa vụ báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chất lượng báo cáo thấp; (2) Chức năng giám sát doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh của cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực hiện được; (3) Người chủ DNTN phải chịu trách nhiệm cá nhân cho mọi khoản nợ, dù cơ sở kinh doanh có được giải thể hợp pháp, song điều ấy dường như không xóa được trách nhiệm trả nợ của người chủ DNTN đối với các khoản nợ của doanh nghiệp33.
Thứ hai, phá sản DNTN.
(1) Yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thủ tục phá sản DNTN bắt đầu được thực hiện khi DNTN mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, chủ DNTN có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp; hoặc thông qua yêu cầu mở thủ tục phá sản bằng văn bản của chủ nợ, người lao động của DNTN khi hết thời hạn 03 tháng mà DNTN mất khả năng thanh toán các khoản nợ hoặc nghĩa vụ trả lương34.
(2) Thứ tự thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Với đặc điểm chịu trách nhiệm đến cùng, toàn bộ tài sản của chủ sở hữu sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thứ tự sau: a) Chi phí phá sản; b) Khoản nợ lương; c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. Khi giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về chủ DNTN35.
(3) Tài sản dùng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Chủ sở hữu DNTN phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ của doanh nghiệp, do đó, khi tài sản của doanh nghiệp không đủ để trả nợ thì sẽ sử dụng tài sản của chủ DNTN không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh. Trường hợp chủ DNTN có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ DNTN được chia theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan36. Về nguyên tắc, mọi nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản không miễn trừ đối với chủ DNTN37. So với thành viên góp vốn trong công ty hợp danh, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên trở lên, cổ đông công ty cổ phần thì đây là một điểm vô cùng bất lợi đối với chủ DNTN. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản nếu chủ sở hữu vi phạm quy định pháp luật về phá sản thì chủ DNTN có thể bị cấm đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hoặc cấm giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp trong thời gian 3 năm kể từ ngày DNTN bị phá sản38. Kết luận, so với LDN năm 2005, năm 2014, quy chế pháp lý về DNTN ở LDN năm 2020 không có sự thay đổi căn bản ngoài quy định về chuyển đổi DNTN. DNTN cũng là một chủ thể kinh doanh đặc biệt về trong nền kinh tế khi phân tích ở cách khía cạnh từ khái niệm, đặc điểm, cơ cấu tổ chức, quản trị DNTN. Thực tế kinh doanh cho thấy, so với các loại hình doanh nghiệp khác, DNTN là loại hình kinh doanh khá phổ biến ở nước ta./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội.
- Đồng Ngọc Ba (chủ biên), Giáo trình Luật kinh tế, Trường Đại học Mở Hà Nội.
- Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Giáo trình Pháp luật Kinh tế, Nxb. Thống kê, năm 2005, tr.93.
- Đồng Ngọc Ba (chủ biên), Giáo trình Luật kinh tế, Trường Đại học Mở Hà Nội.
- Khoản 1, Điều 189 LDN năm 2020.
- Phụ lục 4, Điểm 2.15, Thông tư số 39/2014/TT-BTC
- Nguyễn Như Phát (đồng tác giả) (2002), Luật kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.39.
- Điều 33, Hiến pháp năm 2013.
- Điều 32, 33, Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
- Điều 13, Luật phá sản năm 2014.
- Khoản 3, Điều 188 LDN năm 2020.
- Điều 2, Luật DNTN năm 1990.
- Khoản 1, Điều 184 LDN năm 2014.
- Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật kinh tế, Nxb. Công an Nhân dân, tr.181.
- Điều 50, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp.
- Khoản 3, Điều 190 LDN năm 2020.
- Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật kinh tế, Nxb. Công an nhân dân, tr.182.
- Điều 2, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014).
- Điều 2, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014).
- Friedrich Fubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb. Pháp lý, tr.30-31.
- Khoản 3, Điều 15, Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
- Điều 191, LDN năm 2020.
- Điều 192, LDN năm 2020.
- Điều 47, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp.
- SIEM (2007), Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, đâu là loại hình phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn, Tài liệu tham khảo, Hà Nội, tr.26.
- Dẫn theo: Susan Ward, What is a Sole Proprietorship?, Small Business, link: https://www.thebalancesmb.com/sole-proprietorship-2947269.
- Điều 199, LDN năm 2014.
- Điều 205, LDN năm 2020.
- SIEM (2007), Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, đâu là loại hình phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn, Tài liệu tham khảo, Hà Nội, tr.27.
- Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật kinh tế, Nxb. Công an Nhân dân, tr.184.
- Điều 207, LDN năm 2020.
- K6, Điều 208, LDN năm 2020.
- Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật kinh tế, Nxb. Công an Nhân dân, tr.185.
- Điều 5, 6 Luật phá sản năm 2014.
- Điều 54, Luật phá sản năm 2014.
- Điều 64, Luật phá sản năm 2014.
- Điều 110, Luật phá sản năm 2014.
- Điều 130, Luật phá sản năm 2014.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đồng Ngọc Ba (chủ biên), Giáo trình Luật kinh tế, Đại học Mở Hà Nội.
- Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Giáo trình pháp luật kinh tế (2005), Nxb. Thống kê.
- Nguyễn Như Phát, Luật Kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
- Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb. Công an Nhân dân.
- SIEM (2007), Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, đâu là loại hình phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn, Tài liệu tham khảo, Hà Nội.
- Susan Ward, What is a Sole Proprietorship?, Small Business, link: https://www.thebalancesmb.com/sole- proprietorship-2947269.
Trả lời