Những điểm mới về đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2020
Tác giả: Lê Ngọc Cẩm [1] & Chu Thị Thanh Hương [2]
TÓM TẮT
Mặc dù không thể phủ nhận những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi của Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2014, nhưng thực tiễn sau 05 năm thực hiện LDN năm 2014 đã cho thấy tồn tại những bất cập nhất định. Vì vậy, LDN năm 2020 đã có những sửa đổi, bổ sung về đăng ký thành lập doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh, góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam lên ít nhất 25 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới. Trong bài viết này, tác giả sẽ liệt kê và phân tích những điểm mới đáng chú ý của LDN năm 2020 về đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014 (LDN năm 2014) đã tạo ra những bước đột phá lớn, quan trọng đối với các quy định về thành lập, đăng ký doanh nghiệp. Các quy định trong LDN năm 2014 đã tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: Yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Bên cạnh đó, các quy định về con dấu cũng có những cải cách quan trọng theo hướng doanh nghiệp được quyền tự quyết về số lượng, hình thức và nội dung con dấu3.
Với việc thực hiện LDN năm 2014, theo Doing Business 2020, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam đạt 69.8 điểm, xếp hạng 70 trên tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ về sự dễ dàng thực hiện hoạt động kinh doanh4 thay vì hạng 99/189 như trước đây5, trong đó chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã giảm xuống còn 8 thủ tục trong thời gian 16 ngày6, thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây7. Chi phí cho khởi sự kinh doanh của Việt Nam cũng đã ở mức khá thấp, chiếm 5.6% thu nhập bình quân đầu người theo cách tính của Ngân hàng thế giới8 thay vì 7.7% thu nhập bình quân đầu người như trước đây9.
Xu hướng tăng nhanh trong số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở giai đoạn 2014 – 2020 cũng thể hiện những đóng góp của LDN trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sau khi LDN năm 2014 có hiệu lực vào tháng 7/2015, so với giai đoạn 2014 – 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 30% vào năm 2016, đạt hơn 110.000 doanh nghiệp10. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh vào năm 2017, 2018 và 2019, lần lượt đạt 126.859 và 131.275, 138.13911 doanh nghiệp và giảm nhẹ vào năm 2020 với 134.941 doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-1912. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020 so với giai đoạn 2014 – 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 51,3%13.
Mặc dù không thể phủ nhận những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi của LDN năm 2014, nhưng nhìn vào thực tiễn sau 05 năm thực hiện LDN năm 2014 cho thấy: Có thủ tục hành chính đã trở nên không còn cần thiết, không còn mục tiêu quản lý nhà nước rõ ràng; phương thức nộp hồ sơ qua mạng vẫn chưa được điện tử hóa hoàn toàn; một số quy định chưa đồng bộ với các pháp luật khác được ban hành trước đó.
Với việc đặt ra mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam lên ít nhất 25 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới14 thì việc tiếp tục thực hiện cải cách các thủ tục hành chính và đồng bộ hóa các quy định của LDN với các quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật là điều cần thiết. Vì vậy, tại LDN số 59/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2020 (LDN năm 2020), nội dung về đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi nhất định. Dưới đây là các phân tích về những điểm mới đáng chú ý của LDN năm 2020 về vấn đề này:
1. Về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân (Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020)
So với các quy định của LDN năm 2014, LDN năm 2020 mở rộng thêm các chủ thể dưới đây sẽ bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
Một là, công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam.
Cho đến Dự thảo LDN năm 2020 lần thứ 3 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2019, đối tượng này vẫn chưa được đưa vào danh sách các chủ thể bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam15. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 15/11/2019 và ngày 20/11/2019, để đảm bảo phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 đã được Quốc hội ban hành ngày 20/11/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung đối tượng này vào danh sách các chủ thể không được thành lập doanh nghiệp16.
Hai là, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Đây là một đối tượng mới được quy định trong Bộ luật dân sự (BLDS) số 91/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 24/11/2015. Theo quy định của BLDS năm 2015, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên dù chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự nhưng họ có tình trạng thể chất hoặc tinh thần không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình, cần được giám hộ17. Vì vậy, việc đưa chủ thể này vào danh sách những người bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp, không chỉ để đảm bảo tương thích với BLDS năm 201518 mà về mặt thực tế còn giúp giảm thiểu rủi ro, khó khăn trong môi trường kinh doanh.
Ba là, người bị tạm giam.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày ngày 27/11/2015, các đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam là các bị can, bị cáo thuộc một số trường nhất định để đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử khách quan và đúng đắn hoặc để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Do đó, việc LDN năm 2020 hạn chế đối tượng này thành lập và quản lý doanh nghiệp là đúng đắn, góp phần nhất quán các quy định tại LDN với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Bốn là, pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật hình sự.
Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 27/11/2015 (BLHS năm 2015) đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là một hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại khi phạm một số tội nhất định theo BLHS năm 2015. Vì vậy, việc đưa các pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của BLHS vào danh sách các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam là phù hợp để góp phần đảm bảo được sự đồng bộ, nhất quán giữa các quy định của LDN năm 2020 và BLHS năm 2015.
Ngoài việc mở rộng thêm các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, LDN năm 2020 cũng quy định thêm về trường hợp dù là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam nhưng vẫn được quyền thành lập doanh nghiệp. Đó là những người quản lý tại doanh nghiệp nhà nước. Lý giải về điều này, các nhà lập pháp cho rằng cần bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế tại một số doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quốc phòng. Theo đó, ở các doanh nghiệp này, một số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được phân công đảm nhiệm một số vị trí quản lý doanh nghiệp mặc dù không phải là người đại diện phần vốn19.
2. Về Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp (Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2020)
Có hai nội dung được sửa đổi trong quy định về Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp.
Một là, tại Khoản 2, sửa đổi từ “Trường hợp doanh nghiệp được thành lập” thành “Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tại Khoản 3, sửa đổi từ “Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập” thành “Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Hai là, quy định thêm về nghĩa vụ buộc các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ trong Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp đã ký kết theo quy định của BLDS khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên cơ sở hồ sơ dự án sửa đổi LDN năm 2014, hai nội dung sửa đổi trên đây chưa được đưa vào Dự thảo LDN năm 2020 lần thứ 5 (Dự thảo cuối cùng được công bố công khai) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, tháng 5- 6/202020. Vì vậy, hiện nay chưa có giải thích chính thức nào từ phía cơ quan có thẩm quyền được công bố về lý do sửa đổi điều khoản này. Tuy vậy, dựa trên nội dung được sửa đổi cho thấy:
Thứ nhất, có thể suy đoán rằng các nhà làm luật mong muốn quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thời điểm phát sinh việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ trong Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp đã được ký kết từ người thành lập doanh nghiệp sang doanh nghiệp.
Thật vậy, việc xác định khi nào doanh nghiệp được thành lập là tương đối mơ hồ. Thời điểm đó là khi các bên thống nhất được điều lệ thành lập doanh nghiệp; hay là khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hay là khi doanh nghiệp hoàn thành tất cả các điều kiện để được bắt đầu kinh doanh như xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; xin cấp các giấy phép kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; làm dấu; mở tài khoản ngân hàng; hoàn tất thủ tục về hóa đơn; nộp lệ phí môn bài; kê khai việc sử dụng lao động với cơ quan quản lý lao động…? Giải pháp do các nhà làm luật lựa chọn trong LDN năm 2020 là thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đây là một cách tương đối thông dụng để xác định thời điểm một doanh nghiệp được thành lập bởi sự rõ ràng, dễ xác định, dễ kiểm chứng của cách thức này thay vì chọn những thời điểm khác như đề cập trên đây.
Thứ hai, việc các nhà làm luật viện dẫn đến BLDS trong trường hợp này cũng là một kỹ thuật lập pháp tương đối phổ biến bởi chế định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng là một trong những chế định cơ bản của pháp luật về nghĩa vụ trong BLDS. BLDS năm 2015 dành hẳn một chương với 07 điều khoản (từ Điều 365 đến Điều 371) để quy định riêng rẽ về vấn đề này. Việc viễn dẫn các quy định chung, bao quát hơn trong đạo luật có tính nền tảng để điều chỉnh trường hợp cụ thể trong đạo luật chuyên ngành là hợp lý, không chỉ có ý nghĩa giảm thiểu các quy định mang tính chất lặp lại về nội dung, mà còn đảm bảo sự thống nhất pháp luật, làm nổi bật vai trò là đạo luật tư gốc của BLDS.
Tuy nhiên, đặt trong văn cảnh tại Điều 18 LDN năm 2020, cách quy định này làm phát sinh một vấn đề. Nếu như theo quy định tại Điều 19 LDN năm 2014, doanh nghiệp mới thành lập sẽ đương nhiên kế thừa quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp đã ký kết kể từ thời điểm doanh nghiệp đó được thành lập. Nhưng theo cách quy định tại Điều 18 LDN năm 2020, thời điểm chuyển giao quyền và nghĩa vụ trở lên khó xác định hơn. Liệu rằng, thời điểm đó là khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp hay là thời điểm các bên đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện thế quyền và thế nghĩa vụ theo quy định tại BLDS? Đây thực sự sẽ là vấn đề rủi ro có thể gây tranh chấp trên thực tế nếu các bên không thỏa thuận rõ ràng trong Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp nội dung này.
3. Về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (Điều 21, 22 Luật Doanh nghiệp năm 2020)
LDN năm 2020 yêu cầu bổ sung thông tin của người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký thành lập. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH và công ty cổ phần phải nộp cả bản sao giấy tờ pháp lý (thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác) của người đại diện theo pháp luật của công ty. Lý giải về điều này, các nhà làm luật cho rằng người đại diện theo pháp LDN là một chức danh quan trọng trong công ty21. Người đại diện theo pháp luật là đại diện cho doanh nghiệp là người sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, Tòa án22. Vì vậy, việc xác minh chính xác danh tính của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, đảm bảo lợi ích của các chủ thể có liên quan đến doanh nghiệp đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc quản lý nhà nước về doanh nghiệp.
4. Về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020)
So với Điều 27 LDN năm 2014, Điều 26 LDN năm 2014 đã quy định cụ thể, chi tiết về các phương thức thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Hiện nay, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp cũng đã có hiệu lực thay thế Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử không phải phương thức mới để thực hiện đăng ký doanh nghiệp, các quy định về phương thức này trong LDN năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành LDN năm 2020 cũng không có quá nhiều khác biệt so với LDN năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành LDN năm 2014. Hai điểm khác biệt lớn nhất đó là:
Thứ nhất, nâng các quy định về phương thức đăng ký doanh nghiệp đặc biệt là phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử ở mức Nghị định lên tầm Luật.
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp sử dụng phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, doanh nghiệp sẽ được cấp đăng ký kinh doanh qua mạng khi hồ sơ đăng ký được xác nhận là hợp lệ mà không cần người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thực tiễn thi hành LDN năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, trường hợp doanh nghiệp muốn nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản giấy), người thực hiện thủ tục vẫn phải lên Cơ quan đăng ký kinh doanh để nhận giấy này. Trường hợp được uỷ quyền thì người được uỷ quyền phải mang theo Giấy uỷ quyền hợp pháp và giấy tờ pháp lý của cá nhân để được nhận chứng nhận đăng ký doanh nghiệp23.
Bên cạnh đó, hiện nay, không có quy định nào về giá trị pháp lý tương đương của kết quả đăng ký kinh doanh do Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp qua mạng so với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, trên thực tế, các bên vẫn tới Cơ quan đăng ký kinh doanh để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay vì sử dụng bản được cấp qua mạng.
Tuy vậy, quy định hiện nay về phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử vẫn được đánh giá cao, được coi như bước tiến mới trong quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp tục giảm thiểu thời gian, chi phí và các nguồn lực khác để thực hiện công việc này. Ngoài ra, việc quy định như vậy cũng thể hiện sự thích nghi của pháp luật đối với thực tiễn phát triển thương mại điện tử trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
5. Về dấu của doanh nghiệp (Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020)
Quy định về dấu của doanh nghiệp theo LDN năm 2020 so với trước đây có ba điểm mới quan trọng:
Một là, ghi nhận chữ ký số theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử cũng là dấu.
Hai là, không quy định về nội dung bắt buộc của dấu. Doanh nghiệp được trao toàn quyền quyết định về loại dấu, số lượng, hình thức, nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc khác của doanh nghiệp; tự quyết định việc quản lý, sử dụng và lưu giữ dấu.
Ba là, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp tới Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Có thể thấy, việc cải cách về dấu của doanh nghiệp trong LDN năm 2020 thể hiện hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất, mặc dù không tuyên bố một cách cụ thể, rõ ràng nhưng quy định tại LDN năm 2020 thể hiện bản chất dấu là một công cụ định danh doanh nghiệp, và con dấu được làm tại cơ sở khắc dấu không phải công cụ duy nhất để thực hiện việc định danh này cũng như con dấu đó càng không phải “ngọc tỷ” để nắm quyền chi phối doanh nghiệp24.
Xu hướng thứ hai, trao toàn quyền quyết định mọi vấn đề về dấu cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không can thiệp, không quản lý vì xét thấy không còn cần thiết cần phải can thiệp vào việc làm dấu, sử dụng dấu của doanh nghiệp25.
Cải cách này được kỳ vọng sẽ có nhiều tác động tích cực đến cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, giúp giảm thiểu các hậu quả phát sinh từ cách thức quản lý dấu cũ26. Mặc dù, điều này không loại trừ các tình huống giả mạo doanh nghiệp để tham gia giao dịch; buộc doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của đối tác khi thực hiện một giao dịch hay ký kết một văn bản; đồng thời tạo sức ép cho các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng rà soát các quy định về dấu có liên quan để xử lý triệt để các rủi ro phát sinh từ tư duy quản lý con dấu theo cách thức trước đây. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích to lớn có thể nhìn thấy được do quy định này mang lại, có thể kể đến một số lợi ích chính sau:
Thứ nhất, giảm thiểu chi phí, nguồn lực cho xã hội. Thật vậy, các nhà làm luật ước tính, việc bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu giúp giảm thiểu trung bình 120.000 lượt thủ tục hành chính mỗi năm tương đương với việc tiết kiệm cho doanh nghiệp 36 tỷ đồng lệ phí/năm. Chi phí này chưa bao gồm chi phí khi doanh nghiệp thay đổi mẫu dấu. Không chỉ doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước cũng được hưởng lợi từ việc loại bỏ các thủ tục hành chính này do giảm bớt được thời gian, nhân lực, chi phí trong việc tổ chức thực hiện các quy định có liên quan27.
Thứ hai, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn hơn về mặt pháp lý. Cụ thể, tâm lý trước nay thường bất chấp thẩm quyền của người ký, cứ thấy có “dấu đỏ, mực son” là yên tâm28. Tuy nhiên, trong bối cảnh, con dấu không còn được quản lý bởi cơ quan chức năng, không còn được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, để tránh bị lừa đảo, lợi dụng đặc biệt tránh đối mặt với các trường hợp dấu giả, đóng dấu khống…, doanh nghiệp buộc phải quen với tư duy mới, giảm nhẹ giá trị của con dấu của đối tác trong việc xác định tính hợp pháp của giao dịch, thay vào đó doanh nghiệp sẽ nâng cao cảnh giác, chú trọng khai thác từ nhiều kênh khác nhau để tìm hiểu rõ mình đang làm việc, giao dịch với chủ thể nào, người đó có thẩm quyền gì trong việc quyết định các vấn đề và ký tá các văn bản liên quan đến giao dịch.
Thứ ba, thúc đẩy tinh thần thiện chí giữa các bên trong giao dịch. Cụ thể, khi con dấu đã do mỗi bên toàn quyền quản lý, rào cản trong việc nắm bắt các quy định nội bộ của đối tác sẽ khiến các bên sẽ có xu hướng cảnh giác hơn khi tham gia giao dịch. Vì vậy, để giữ uy tín, tạo dựng lòng tin với đối tác, thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, doanh nghiệp buộc phải có ý thức hơn trong việc chủ động chứng minh thẩm quyền đại diện, qua đó nâng cao sự thiện chí của mỗi bên khi tham gia các giao dịch.
Thứ tư, giảm thiểu sự phức tạp trong các tranh chấp nội bộ. Hiện nay nhiều tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp kéo dài và nhiều trường hợp không thể giải quyết dứt điểm do con dấu bị chiếm giữ bởi một bên; dẫn tới, doanh nghiệp không thể làm dấu mới, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách bên tranh chấp, mà còn gây ảnh hưởng đến ngừng trệ hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động29.
Thứ năm, phù hợp với xu hướng phát triển của các nền kinh tế khác trên thế giới. Cụ thể, nhiều quốc gia đã không còn sử dụng con dấu theo các quy định cứng do nhà nước đặt ra (về nội dung, hình thức, kích thước, số lượng, quản lý …) và bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Việc tiếp tục mạnh tay nhằm thay đổi cách tiếp cận về con dấu góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ sáu, nâng cao chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo bậc xếp hạng của Ngân hàng thế giới. Theo Doing Business 2020, thông báo mẫu dấu được tính như một thủ tục làm gia tăng 01 ngày trong chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam30. Việc cắt giảm thủ tục này là một giải pháp trực tiếp giúp Việt Nam nâng điểm chỉ số khởi sự kinh doanh góp phần hoàn thành mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam thêm 25 bậc như đã kỳ vọng khi thực hiện Dự án sửa đổi LDN.
Trên đây là những điểm mới đáng chú ý về đăng ký thành lập doanh nghiệp theo LDN 2020. Hy vọng rằng, những nỗ lực cải cách này sẽ tạo ra những bước đột phá mới trong hoạt động khởi sự kinh doanh tại Việt Nam; giảm thiểu những rào cản, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường một cách dễ dàng, thuận lợi hơn; thu hút đầu tư; qua đó góp phần phát triển thị trường kinh doanh ở Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
CHÚ THÍCH
- Giảng viên Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư Pháp.
- Thạc sỹ, Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư Pháp.
- Báo cáo ngày 28 tháng 10 năm 2019 về tổng kết tình hình thực hiện LDN năm 2014 và định hướng xây dựng LDN (sửa đổi) (ban hành kèm theo Tờ trình số 533/TTr-CP ngày 28/10/2019 của Chính phủ).
- World Bank Group (2020), Doing Business 2020: Comparing Business Regulation in 190 Economies, trang 4, link website: http://documents1.worldbank.org/curated/en/688761571934946384/pdf/Doing-Business-2020-Comparing- Business-Regulation-in-190-Economies.pdf, truy cập 18/01/2021.
- World Bank Group (2014), Doing Business 2014: Economy Profile of Vietnam, trang 5, link website: https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/18438/830080Vietnam0VNM0Box 0382128B00PUB LIC0.pdf?sequence=1&isAllowed=y,truy cập ngày 18/1/2021.
- World Bank Group (2020), Doing Business 2020: Economy Profile of Vietnam, trang 6, link website: https://www.doingbusiness.org/content/dam/doingBusiness/country/v/vietnam/VNM.pdf, truy cập 18/01/2021.
- World Bank Group (2014), Doing Business 2014: Economy Profile of Vietnam, trang 10, link website: https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/18438/830080Vietnam0VNM0Box 0382128B00PUBLIC0.pdf?sequence=1&isAllowed=y, truy cập ngày 18/1/2021.
- World Bank Group (2020), Doing Business 2020: Economy Profile of Vietnam, trang 6, link website: https://www.doingbusiness.org/content/dam/doingBusiness/country/v/vietnam/VNM.pdf, truy cập 18/01/2021.
- World Bank Group (2014), Doing Business 2014, trang 10, link website:https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/18438/830080Vietnam0VNM0Box0382128B00PUB LIC0.pdf?sequence=1&isAllowed=y, truy cập ngày 18/1/2021.
- Báo cáo ngày 28 tháng 10 năm 2019 về tổng kết tình hình thực hiện LDN năm 2014 và định hướng xây dựng LDN (sửa đổi) (ban hành kèm theo Tờ trình số 533/TTr-CP ngày 28/10/2019 của Chính phủ).
- Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Tình hình đăng ký DN 2019, đăng ngày 30/12/2019, Link website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/5051/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-nam-2019.aspx,truy cập ngày 19/1/2021.
- Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Infographic về tình hình đăng ký DN năm 2020, Đặng Tiến Đạt, đăng 31/12/2020, link website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/5275/infographic-ve-tinh-hinh-dang-ky- doanh-nghiep-nam-2020.aspx, truy cập ngày 19/1/2021.
- Tổng hợp số liệu thống kê từ Báo cáo ngày 28 tháng 10 năm 2019 về tổng kết tình hình thực hiện LDN 2014 và định hướng xây dựng LDN (sửa đổi) (ban hành kèm theo Tờ trình số 533/TTr-CP ngày 28/10/2019 của Chính phủ); Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Tình hình đăng ký DN 2019, đăng ngày 30/12/2019, Link website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/5051/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-nam-2019.aspx và Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Infographic về tình hình đăng ký DN năm 2020, Đặng Tiến Đạt, đăng 31/12/2020, link website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/5275/infographic-ve-tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep- nam-2020.aspx, truy cập ngày 19/1/2021. /830080Vietnam0VNM0Box0382128B00PUBLIC0.pdf?sequence=1 &isAllowed=y, truy cập ngày 18/1/2021.
- Tờ trình số 533 /TTr-CP về LDN (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 28/10/2019.
- Toàn văn Dự thảo LDN năm 2020 lần thứ 3 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2019, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021.
- Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án LDN (sửa đổi) số 534/BC-UBTVQH14 ngày/20/5/2020, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021.
- Điều 23, BLDS năm 2015.
- Bản thuyết minh chi tiết về Dự án LDN (sửa đổi), kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021.
- Bản thuyết minh chi tiết về Dự án LDN (sửa đổi), kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021
- Toàn văn Dự thảo LDN 2020 lần thứ 5 trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, tháng 5-6/2020, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021.
- Bản thuyết minh chi tiết về Dự án LDN (sửa đổi), kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021.
- Điều 12 LDN năm 2020.
- Hữu Đức, (2021), thành lập DN qua mạng không phải lên Phòng đăng ký kinh doanh?, link truy cập https://luatvietnam.vn/doanh-nghiep/dang-ky-kinh-doanh-qua-mang-561-28724-article.html, đăng 27/01/2021, truy cập 28/1/2021.
- Lê Xuân Hiền, Cải cách về con dấu doanh nghiệp: nguyên nhân và giải pháp, đăng 15/06/2015, link truy cập https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/3934/cai-cach-ve-con-dau-doanh-nghiep–nguyen-nhan-va-giai- phap-.aspx, truy cập ngày 28/1/2021.
- Bản thuyết minh chi tiết về Dự án LDN (sửa đổi), kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019, link truy cập: http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 25/1/2021
- Báo cáo số 535/BC-CP ngày 28/10/ 2019 của Chính phủ về đánh giá tác động chính sách của Dự thảo LDN (sửa đổi).
- Báo cáo số 535/BC-CP ngày 28/10/ 2019 của Chính phủ về đánh giá tác động chính sách của Dự thảo LDN (sửa đổi).
- Lê Xuân Hiền, Cải cách về con dấu DN: nguyên nhân và giải pháp, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, đăng ngày 15/6/2015, link truy cập: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/3934/cai-cach-ve-con-dau-doanh- nghiep–nguyen-nhan-va-giai-phap-.aspx , truy cập 18/1/2021.
- Báo cáo số 535/BC-CP ngày 28 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về đánh giá tác động chính sách của Dự thảo LDN (sửa đổi)
- World Bank Group (2020), Doing Business 2020: Economy Profile of Vietnam, trang 6, link website: https://www.doingbusiness.org/content/dam/doingBusiness/country/v/vietnam/VNM.pdf, truy cập 18/01/2021.
Trả lời