Trách nhiệm của người quản lý và những điểm mới liên quan theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Tác giả: Đặng Phượng Lệ [1]
TÓM TẮT
Người quản lý doanh nghiệp nắm vị trí, vai trò rất quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của người quản lý sẽ làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, hoàn thiện các quy định pháp lý về trách nhiệm và quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp trở nên hết sức cần thiết. Luật doanh nghiệp năm 2020 đã đưa ra những cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, nâng cao và mở rộng hơn phạm vi chịu trách nhiệm của người quản lý cũng như đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với người quản lý doanh nghiệp. Qua đó, Luật đã tạo khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể nói người quản lý doanh nghiệp (người quản lý) giữ một vai trò hết sức quan trọng trong doanh nghiệp. Khi ở vị trí là Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên hay thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hay thành viên Ban giám đốc, người quản lý là người nắm giữ những thông tin cốt yếu và trực tiếp điều hành, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Người quản lý được ví như “người dẫn dắt” công ty. Vị trí, vai trò của người quản lý có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự thành bại của công ty, đặc biệt trong bối cảnh tham gia kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Model Business Corporation Act – American Bar Associations, tất cả các quyền lực của công ty cũng như các hoạt động kinh doanh hay công việc của công ty sẽ được thực hiện, quản lý hoặc đặt dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc, tùy vào giới hạn được quy định tại điều lệ công ty hoặc theo thỏa thuận cổ đông2. Nhắc đến vai trò của Ban giám đốc công ty, Jill Solomon và Aris Solomon cho rằng, để một công ty thành công nó phải được quản trị tốt, Ban giám đốc chính là trái tim của công ty và trái tim đó cần khỏe mạnh, cần được nuôi dưỡng cẩn thận để công ty hoạt động có hiệu quả3.
Với vai trò quan trọng của người quản lý như vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp lý về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp trở nên hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các chuẩn mực pháp lý quốc gia về trách nhiệm của người quản lý cũng cần được nâng lên cho tương đồng với các chuẩn mực pháp lý quốc tế.
Một trong những mục tiêu của Luật doanh nghiệp năm 20204 là nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tăng mức độ bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, các chủ sở hữu, các cổ đông theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Những điểm mới của Luật này đã tạo khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, hy vọng sẽ góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
1. Khái niệm về người quản lý
Theo quy định của pháp luật một số nước, khái niệm người quản lý được hiểu khá rộng. Người quản lý công ty thường được nhắc đến là Chủ tịch hay Giám đốc, thư ký công ty, là những người phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của công ty, giám sát các công việc của công ty và bảo vệ lợi ích cho các cổ đông đã góp vốn vào công ty5. Theo Luật công ty của Anh, người quản lý (officer) được định nghĩa bao gồm các Giám đốc (director), người phụ trách (manager) hoặc thư ký công ty (corporate secretary) hay bất kỳ người nào có chức năng như là “officer” của công ty không kể tên gọi là gì6. Trong khi đó, người quản lý theo Luật công ty của Singapore7 bao gồm rất nhiều đối tượng như bất kỳ Giám đốc, thư ký công ty hoặc chỉ là một người được thuê có năng lực điều hành công ty, người quản lý tài sản hay người được Tòa án chỉ định trong một số trường hợp.
Luật doanh nghiệp năm 2020 không đưa ra định nghĩa cụ thể về người quản lý mà chỉ liệt kê người quản lý bao gồm những đối tượng nào. Theo Khoản 24 Điều 4, “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty”. Đây là quy định không có khác biệt nhiều so với Luật doanh nghiệp năm 20148. Tuy vậy, theo Luật mới, “chức danh quản lý khác” sẽ không còn bắt buộc phải có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty mới được coi là người quản lý9. Do đó, Điều lệ công ty sẽ cần quy định chi tiết về các chức danh quản lý khác cũng như về trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của họ.
Người quản lý doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật là hai khái niệm khác nhau nhưng dễ bị nhầm lẫn. Người đại diện theo pháp luật cũng có những trách nhiệm cơ bản giống như người quản lý, đó là thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng và trung thành với lợi ích của doanh nghiệp10. Câu chữ của một số điều khoản trong Luật doanh nghiệp 2020 thể hiện người đại diện theo pháp luật được liệt kê bên cạnh các chức danh quản lý khác. Tuy vậy, theo quan điểm của tác giả, với cách hiểu về người quản lý dựa theo pháp luật nước ngoài như đề cập ở trên và theo tinh thần của Luật doanh nghiệp năm 2020, khi thực hiện vai trò là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba và phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp, thì người đại diện theo pháp luật có thể được hiểu là người quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt là luật yêu cầu người đại diện theo pháp luật phải nắm giữ chức danh quản lý nhất định và chức danh này phải được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty11.
2. Những điểm mới nổi bật về trách nhiệm của người quản lý theo Luật doanh nghiệp năm 2020
Thứ nhất, trách nhiệm của người quản lý được kiểm soát chặt chẽ hơn khi Luật mới bổ sung một số đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp12.
Theo Luật doanh nghiệp năm 2020, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Khi tham gia điều hành, giám sát các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, họ có thể tạo ra những rủi ro tiềm ẩn bởi khả năng nhận thức và hành động của họ bị hạn chế và vì thế, họ không thể giải quyết các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, Luật mới còn cấm những người này đảm nhiệm vị trí là người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu và của cổ đông công ty13, hoặc kiểm soát viên trong công ty cổ phần14. Bên cạnh đó, các công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam cũng không có quyền quản lý doanh nghiệp, trừ khi họ được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Quy định này nhằm tránh trường hợp họ bị sao nhãng, phân tâm khi quản trị doanh nghiệp bởi họ vẫn phải hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung và trách nhiệm nghề nghiệp rất cao của ngành công an.
Đặc biệt hơn, người đang bị tạm giam nay cũng trở thành đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp. Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn được áp dụng bởi cơ quan tiến hành tố tụng đối với bị can, bị cáo nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử khách quan và đúng đắn. Trước đây, Luật doanh nghiệp năm 2014 đã tính đến tình huống người đại diện theo pháp luật bị tam giam, thành viên còn lại của công ty sẽ được đương nhiên thay thế hoặc Hội đồng thành viên sẽ cử người khác đảm nhiệm thay vị trí này15. Mặc dù vậy, Luật doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục bổ sung quy định cho chặt chẽ hơn trường hợp người quản lý là Chủ tịch Hội đồng thành viên16 hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị17 bị tạm giam, khi đó, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị sẽ bầu một người còn lại trong số các thành viên để tạm thời thay thế người bị tam giam.
Việc bổ sung những đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp như phân tích trên đây sẽ hạn chế được rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp. Khi người quản lý rơi vào trường hợp bị cấm theo luật, doanh nghiệp sẽ có cơ sở pháp lý để tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo duy trì hoạt động bình thường, cũng là để bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu, cổ đông và các chủ thể có liên quan.
Thứ hai, phạm vi chịu trách nhiệm của người quản lý được nâng lên và mở rộng hơn.
Người quản lý trong công ty cổ phần phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.
Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích đã bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty cũng như bên thứ ba nếu họ vi phạm các nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý18. Theo quy định, ngoài thực hiện nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty, người quản lý còn cần phải trung thành và phải công khai các lợi ích liên quan. Nếu vi phạm các nghĩa vụ này, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đối với thiệt hại gây ra cho công ty.
Quyền khởi kiện của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đối với người quản lý.
Luật doanh nghiệp năm 2014 và Luật doanh nghiệp năm 2020 đều bảo vệ và tạo cơ chế cho các chủ sở hữu, thành viên và cổ đông công ty được quyền khởi kiện đối với người quản lý khi họ vi phạm các trách nhiệm, lạm dụng vị trí quản lý để tư lợi hoặc không thực hiện công việc theo đúng quyền hạn của mình. Trong công ty trách nhiệm hữu hạn, bất kỳ thành viên nào của Hội đồng thành viên cũng được quyền khởi kiện đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác19. Trong khi đó, ở công ty cổ phần, cổ đông hay nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông sẽ được thực hiện quyền khởi kiện này và đối tượng bị khởi kiện được giới hạn là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc20.
Tuy vậy, so với Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật doanh nghiệp năm 2020 đã tăng sự bảo vệ đối với tài sản, lợi ích cho cổ đông nhỏ nắm giữ từ 01% tổng số cổ phần phổ thông và đặt trách nhiệm của người quản lý cao hơn. Thêm vào đó, Luật mới cũng tạo khung khổ pháp lý để những cổ đông này được quyền yêu cầu người quản lý hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc cho người khác, trong đó cho chính cổ đông. Đặc biệt là, Luật mới không yêu cầu cổ đông hoặc nhóm cổ đông này phải sở hữu liên tục cổ phần trong thời hạn 06 tháng mới được thực hiện quyền khởi kiện. Đây là một điểm mới rất tiến bộ của Luật doanh nghiệp năm 2020 để bảo vệ kịp thời quyền lợi chính đáng của các cổ đông, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách. Đồng thời, quy định này cũng phù hợp với chế định quyền sở hữu tài sản theo Bộ luật dân sự. Khi một chủ thể có quyền sở hữu đối với tài sản của mình thì họ được pháp luật bảo vệ ngay từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu đó.
Thực tế cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường ngày càng ý thức về quyền lợi và bảo vệ tài sản đầu tư của mình với tư cách là chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty. Các vụ kiện yêu cầu bồi thường do vi phạm quyền và nghĩa vụ người quản lý dần gia tăng nhiều hơn.
Thứ ba, quy định khắt khe hơn trách nhiệm của người quản lý đối với các giao dịch có khả năng tư lợi liên quan.
Theo quy định, người quản lý (bao gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, người quản lý khác) và kiểm soát viên có trách nhiệm kê khai cho công ty về các lợi ích liên quan của mình. Lợi ích đó cần được liệt kê cụ thể, bao gồm những doanh nghiệp mà những người quản lý làm chủ hoặc sở hữu vốn, hay doanh nghiệp mà người có liên quan của họ làm chủ, sở hữu vốn trên 10% vốn điều lệ21.
Nhìn lại Luật doanh nghiệp năm 2014, các hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan (Giao dịch đặc biệt) được ký kết không đúng quy định, cụ thể là, không được Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận, sẽ bị vô hiệu chỉ khi chúng gây ra thiệt hại cho công ty22. Vậy nhưng, Luật mới đã đặt ra yêu cầu cao hơn về mức độ kiểm soát đối với các giao dịch đặc biệt này. Theo đó, cho dù thiệt hại chưa xảy ra, nhưng các giao dịch đặc biệt sẽ bị coi là vô hiệu, đồng thời không làm phát sinh hiệu lực và ràng buộc trách nhiệm của công ty nếu chúng không được ký kết theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
Nhắc đến trách nhiệm của người quản lý trong trường hợp này, họ phải có trách nhiệm công khai hóa một cách trung thực các lợi ích liên quan (nếu có), để từ đó, có thể xác định được hợp đồng, giao dịch nào là giao dịch đặc biệt cần phải có ý kiến chấp thuận bởi người có thẩm quyền trong công ty trước khi ký kết.
Vẫn liên quan đến vấn đề kiểm soát các giao dịch đặc biệt, khi mở rộng phạm vi quyền của các cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ 05% tổng số cổ phần phổ thông, Luật doanh nghiệp năm 2020 cũng chú trọng điều chỉnh chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người quản lý. Theo đó, chỉ cần nắm giữ từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên, cổ đông sẽ có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông khi xét thấy Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông và trách nhiệm quản lý. Trong số các quyền của nhóm cổ đông thiểu số này, họ có quyền được tiếp cận, xem xét, tra cứu các hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị. Đặc biệt là, họ có thể thực hiện ngay lập tức các quyền của mình mà không cần chờ hết thời hạn 06 tháng liên tục nắm giữ cổ phần23.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đối với người quản lý được Luật mới quy định khắt khe hơn nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi họ thực hiện trách nhiệm quản lý công ty. Cụ thể là trong công ty cổ phần đại chúng, doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý hay kiểm soát viên công ty24.
Nhìn chung, những thay đổi trên đây của Luật doanh nghiệp năm 2020 tuy nhỏ, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm của người quản lý được nâng cao với tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ bảo vệ tốt hơn cho các chủ sở hữu, thành viên, cổ đông trước những hành vi không đúng đắn của những người quản lý trong các giao dịch mang tính chất tư lợi.
3. Lời kết
Có thể nhận định rằng, Luật doanh nghiệp năm 2020 đã khắc phục những điểm còn chưa chặt chẽ về trách nhiệm của người quản lý cũng như về việc kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi liên quan đến họ. Đặc biệt là, Luật mới đã quy định chi tiết hơn về phạm vi chịu trách nhiệm của người quản lý đối với những tổn thất họ gây ra do vi phạm nghĩa vụ quản lý doanh nghiệp. Luật mở rộng phạm vi quyền của cổ đông thiểu số nhằm tạo cơ sở thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời, hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty.
Khung pháp lý mới trong Luật doanh nghiệp năm 2020 chặt chẽ hơn, khắt khe hơn về trách nhiệm đối với những chức danh quản lý chủ chốt của doanh nghiệp, thông qua đó, giúp tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ sở hữu, cổ đông công ty. Trên thực tế, nhiều bất đồng, tranh chấp trong quản trị nội bộ doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp chưa nhận thức và đánh giá đúng vị trí vai trò của người quản lý. Doanh nghiệp và bản thân người quản lý thậm chí còn cố ý bỏ qua các yêu cầu và tiêu chuẩn trách nhiệm quản lý doanh nghiệp được pháp luật quy định. Thêm vào đó, những quy định mang tính chất định tính khó xác định trong thực tiễn liên quan đến trách nhiệm của người quản lý như thực hiện nghĩa vụ của người quản lý một cách “trung thành”, “trung thực” hay “cẩn trọng” sẽ cần được giải thích và áp dụng bởi các luật sư, thẩm phán và các cơ quan quản lý nhà nước mới đạt được hiệu quả thực thi. Do đó, Điều lệ và các quy chế nội bộ của doanh nghiệp nên được chú trọng xây dựng chặt chẽ, chi tiết cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Bên cạnh Luật doanh nghiệp, các văn bản này sẽ trở thành những công cụ pháp lý hữu hiệu, điều chỉnh trực tiếp về vấn đề điều hành, kiểm soát, giám sát doanh nghiệp, phòng ngừa và xử lý các xung đột lợi ích và các giao dịch có tính chất tư lợi, qua đó, sẽ tạo thêm sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Luật sư thành viên, Trưởng Chi Nhánh Công ty Luật TNHH RHTLaw Việt Nam.
- Subchapter A. § 8.01. MODEL BUSINESS CORPORATION ACT, http://www.lexisnexis.com/documents/pdf/20080618091347_large.pdf, truy cập ngày 18/01/2021.
- Jill Solomon and Aris Solomon, Corporate Governance and Accountability, Chương 4 (The role of boards in corporate governance), Tr. 65.
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17/6/2020 (Luật doanh nghiệp năm 2020 hay Luật mới).
- Corporate Officer Definition: Everything You Need to Know, https://www.upcounsel.com/corporate-officer- definition#board-of-directors, truy cập ngày 14/01/2021.
- Companies Act 2006, https://www.legislation.gov.uk/ukpga/2006/46/contents, truy cập ngày 14/01/2021.
- Companies Act, https://sso.agc.gov.sg/Act/CoA1967#pr157-, truy cập ngày 14/01/2021.
- Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014 (Luật doanh nghiệp năm 2014).
- Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty”.
- Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 5 Điều 14 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 1.a) Điều 169 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014.
- Khoản 8 Điều 53 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 4 Điều 56 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 2 Điều 165 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Điều 72 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 1 Điều 166 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 2 Điều 164 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Điều 67, 86 và 162 Luật doanh nghiệp năm 2014.
- Khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Khoản 3 Điều 64, Khoản 5 Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020.
Trả lời