Bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Tác giả: Đỗ Thị Thu Hằng [1] & Vũ Thị Thu Thủy [2]
TÓM TẮT
Trước yêu cầu đặt ra mạnh mẽ từ sự phát triển của kinh tế thị trường, từ xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, loại bỏ các rào cản, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm các quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền tự do gia nhập thị trường của chủ thể kinh doanh. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Bài viết phân tích những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, đánh giá tác động của những quy định này đối với doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường hiện nay.
1. Khái quát chung về bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường
Quyền tự do gia nhập thị trường là quyền quan trọng đầu tiên của quyền tự do kinh doanh. Khi các cá nhân, tổ chức thỏa mãn các điều kiện về năng lực pháp luật, năng lực hành vi và ngành nghề kinh doanh không thuộc những ngành nghề mà pháp luật cấm thì Nhà nước phải công nhận và bảo đảm quyền gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không được cản trở, ngăn cấm việc thực hiện quyền. Quyền tự do gia nhập thị trường là quá trình nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh, trong đó có việc đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục pháp lý quan trọng, ghi nhận tư cách pháp lý của doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp thực hiện tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường thì Luật Doanh nghiệp cần quy định: (i) Xây dựng đa dạng các mô hình tổ chức kinh doanh để các nhà đầu tư lựa chọn; (ii) Đơn giản hóa điều kiện, thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tránh mất thời gian, phiền hà trong việc thành lập doanh nghiệp; (iii) Quy định cụ thể về trách nhiệm công khai thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường kinh doanh không có nghĩa là bảo đảm cho mọi người được kinh doanh trong mọi lĩnh vực ngành nghề mà việc bảo đảm quyền của chủ thể này phải đặt trong mối quan hệ hài hòa lợi ích chính đáng của chủ thể khác trong xã hội và lợi ích công cộng. Vì vậy, trong các quy định nội dung pháp luật về bảo đảm quyền tự do kinh doanh nói chung và bảo đảm quyền gia nhập thị trường còn có những quy định về cấm một số tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp cũng như quy định những ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, nhiều quy định mới được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường. Việc quy định đơn giản hóa điều kiện thành lập đã tạo động lực để phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao số lượng thành lập doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Thực tiễn tình hình đăng ký thành Luật Doanh nghiệp cho thấy số lượng thành lập doanh nghiệp mới liên tục tăng mạnh. Theo số liệu từ Cục quản lý đăng ký kinh doanh, năm 2014: 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷ đồng; Năm 2015: 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 601.519 tỷ đồng; Năm 2016: 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng; Năm 2017: 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng”3.
Trong năm 2019 tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 177.560 doanh nghiệp (tăng 7,4% so với năm 2018), bao gồm: 138.139 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,2%) và 39.421 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 15,9%). Trung bình mỗi tháng có 14.797 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường4.
Với số liệu doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường qua các năm liên tục tăng mạnh cho thấy môi trường gia nhập thị trường đã thông thoáng, quyền gia nhập thị trường kinh doanh của doanh nghiệp đã được bảo đảm tốt hơn, tạo dựng niềm tin và thu hút sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế.
2. Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Kế thừa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 đã có nhiều quy định tiến bộ nhằm bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Cụ thể: Nhằm bảo đảm quyền cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung các đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp gồm: “Công nhân công an; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị tạm giam; tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật hình sự”5. Về cơ bản, việc bổ sung các nhóm đối tượng trên vào diện không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là để tương thích với các liên quan như Luật phòng, chống tham nhũng (công nhân công an), Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Dù vậy, để xác định các nhóm đối tượng trên thì cần phải có căn cứ theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có quyết định tuyên bố của Tòa án; pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh thì cũng phải thuộc trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội và có Bản án có hiệu lực của Tòa án. Các trường hợp cấm thành lập doanh nghiệp xuất phát từ mục tiêu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và lợi ích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp vẫn được quyền góp vốn vào doanh nghiệp, trừ trường hợp họ thuộc đối tượng bị cấm góp vốn vào doanh nghiệp theo Khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Đây là tiền đề quan trọng để bảo đảm việc thực hiện các quyền khác thuộc nội dung quyền tự do kinh doanh.
Để bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có nhiều quy định mới nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho chủ thể kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường. Cụ thể: Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau: “1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; 2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp; 3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật”. Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung hình thức con dấu bằng chữ ký số bên cạnh quy định hình thức con dấu khắc. Việc bổ sung này là một bước ghi nhận phù hợp với tình hình thực tế và xu thế cách mạng công nghiệp hiện nay, bởi lẽ chữ ký điện tử vốn đã được doanh nghiệp sử dụng trên thực tế từ rất lâu; Luật giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2015 đã có quy định về chữ ký điện tử. Nhờ đó, giúp cho doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử. Bên cạnh đó Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bãi bỏ quy định phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng. Mặc dù đã có bước sửa đổi đáng kể nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn chưa xác định rõ ràng doanh nghiệp có bắt buộc phải có con dấu hay không.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 trước đây và các quy định của pháp luật liên quan cũng như thực tế hiện nay thì doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải có con dấu vì cần phải sử dụng dấu “trong các giao dịch theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 bãi bỏ Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quy định phải thông báo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2014 yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Thực tế cho thấy quy định này đã gây khó khăn ít nhiều cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với công ty cổ phần khi mà việc thay đổi các thông tin liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị cũng phải thông báo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phát sinh thêm các thủ tục hành chính vốn không cần thiết. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bãi bỏ quy định này, góp phần cắt giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, một vấn đề được quan tâm là các thông tin về người quản lý doanh nghiệp đã được lưu trữ và công bố trên cổng thông tin quốc gia sẽ được giải quyết như thế nào, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin hay mặc nhiên cơ quan đăng ký kinh doanh tự động điều chỉnh bỏ thông tin người quản lý doanh nghiệp này?
Về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung thêm đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật phòng, chống tham nhũng. Điều này không chỉ đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quản lý phần vốn góp được hiệu quả, hạn chế được sự biến động của nguồn vốn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm, trong đó có việc thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có nhiều quy định tiến bộ, tạo thuận lợi cho chủ thể kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường. Việc quy định đơn giản hóa điều kiện thành lập, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, tạo ra khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện, tạo động lực để phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao số lượng thành lập doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát huy nội lực trong nước và thu hút dầu tư nước ngoài, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Bên cạnh những ưu điểm, Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn còn có một số điểm bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, quy định về bỏ ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn mâu thuẫn với quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về điều lệ công ty. Nếu như Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh, thì tại Khoản 3 Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại quy định nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bắt buộc phải có ngành nghề kinh doanh và điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định nội dung điều lệ doanh nghiệp phải có nội dung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Với quy định như trên thì doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp khi tiến hành đăng ký doanh nghiệp.
Thứ hai, quy định về công khai thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Sau khi thành lập phải thực hiện công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, do bất cập quy định về thẩm quyền đăng ký doanh nghiệp, vì thế một số doanh nghiệp thành lập theo pháp luật chuyên ngành không thực hiện thủ tục công khai thông tin trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, dẫn đến nhà đầu tư không thể tra cứu thông tin doanh nghiệp trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện một cách thống nhất. Do đó, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể bị trả lại vì lý do vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, gây mất thời gian cho nhà đầu tư.
Có thể nói, Nhà nước ta đã và đang nỗ lực ban hành nhiều chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho chủ thể kinh doanh được gia nhập thị trường một cách nhanh chóng. Luật Doanh nghiệp năm 2020 với nhiều quy định mới như cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh tạo rào cản cho chủ thể kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường, cắt giảm các chi phí đầu tư vào sản xuất kinh doanh… đã tạo cơ sở pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh được phát triển và đảm bảo được quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì một số quy định của Luật Doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần hoàn thiện. Để bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp được thực thi trên thực tế thì việc hoàn thiện về chính sách, pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ cùng với việc thực thi các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường là vấn đề cấp thiết và là trách nhiệm của các chủ thể bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, nếu có một hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, khách quan, nhưng trên thực tế việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan không thực hiện trách nhiệm bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường thì chủ thể kinh doanh sẽ không được thụ hưởng, thực hiện, bảo vệ quyền tự do gia nhập thị trường của mình một cách đầy đủ. Vì vậy việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao nhận thức hành cộng của cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ là vấn đề cốt lõi, thường xuyên và liên tục, là cơ sở để bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh được thực hiện trong thực tiễn và nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học và Trị sự Tạp chí Nghề luật, Học viện Tư pháp.
- Thạc sỹ, Chuyên viên, Phòng Quản lý khoa học và Trị sự Tạp chí Nghề luật, Học viện Tư pháp.
- Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (2019), DN thành lập mới tại Việt Nam lại có một năm phá đỉnh, nguồn: http://vneconomy.vn/so-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-tai-viet-nam-lai-co-mot-nam-pha-dinh- 20190102194243287.htm, truy cập ngày 03/01/2019.
- Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (2019), Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2019, .nguồn :https: // dang ky kinh doanh .gov.vn /vn/tin-tuc/597/5051/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-nam-2019.aspx, truy cập ngày 10/12/2020.
- Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Trả lời