Quy định mới về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và một số kiến nghị
Tác giả: Hoàng Thái Duy [1]
TÓM TẮT
Trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp, bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010, Luật THAHS năm 2019 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác thi hành án hình sự, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo đảm quyền con người, bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Bài viết nghiên cứu các quy định mới về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong Luật THAHS năm 2019, qua đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính được quy định tại Khoản 1 Điều 32 và Điều 36 của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015). Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật THAHS giám sát, giáo dục người chấp hành án tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; khấu trừ một phần thu nhập sung quỹ nhà nước, giám sát việc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật2. Như vậy, đặc trưng của hình phạt này là người bị kết án không buộc phải cách ly khỏi đời sống xã hội mà được giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục với sự phối hợp của gia đình, qua đó phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong cải tạo, giáo dục người phạm tội.
1. Những quy định mới về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ
Nội dung về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong Luật THAHS năm 2019 được quy định tại Chương V, Mục 3 (gồm 11 điều, từ Điều 96 đến Điều 106). Như vậy, so với Luật THAHS năm 2010, Luật THAHS năm 2019 đã bỏ 01 điều (quy định về bổ sung hồ sơ thi hành án), bổ sung 02 điều (quy định về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án và giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ); đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể liên quan đến cải tạo không giam giữ.
Thứ nhất, về quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 96) và thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 97).
Luật THAHS năm 2019 (Điều 96) đã bổ sung thêm 02 đối tượng mà Tòa án phải gửi quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, gồm: người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi và Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. Quy định này góp phần nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong việc ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; đồng thời bảo đảm vai trò tham gia, phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội cũng như người đại diện (đối với người dưới 18 tuổi). Đây là những chủ thể có vai trò quan trọng và trực tiếp hỗ trợ người chấp hành án trong quá trình cải tạo, thay đổi bản thân tại địa phương nơi cư trú.
Nội dung về thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong Luật THAHS năm 2019 (Điều 97) đã được chỉnh sửa một số kỹ thuật lập pháp phù hợp và sửa đổi, bổ sung so với quy định tại Luật THAHS năm 2010, cụ thể: (1) Bổ sung trách nhiệm của người chấp hành án, người đại diện của người chấp hành án phải có mặt theo giấy triệu tập (trừ trường hợp bất khả kháng); (2) Bổ sung trách nhiệm của Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập hoặc không cam kết việc chấp hành án3; (3) Bổ sung các tài liệu cụ thể cần có trong hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án; (4) Cụ thể hóa thời điểm cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ (từ “ngay khi” hết thời hạn chấp hành án thành “vào ngày cuối cùng” của thời hạn chấp hành án); (5) Bổ sung quy định để giải quyết trường hợp người chấp hành án chết (Tòa án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án). Trên thực tế, tình trạng người chấp hành án không có mặt đúng thời hạn, thậm chí trốn khỏi địa phương và không tuân thủ giấy triệu tập vẫn tồn tại và gây không ít khó khăn cho các cơ quan thi hành án4. Vì vậy, việc đưa ra các quy định cụ thể để xử lý trường hợp này là rất cần thiết, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, là cơ sở để cơ quan chức năng đưa ra các hình thức xử phạt và các biện pháp cưỡng chế thích đáng, kịp thời. Ngoài ra, một số chỉnh sửa về mặt kỹ thuật cũng giúp quy định tại điều này được cụ thể, khả thi hơn trong quá trình áp dụng trên thực tế.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 98).
Để phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, Luật THAHS năm 2019 (Điều 98) đã bỏ quy định nhiệm vụ phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án, xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Việc không phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án cũng giúp giảm tải áp lực về nhân sự cho cơ quan chức năng ở địa phương và đề cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, cơ quan, trường học trong việc hỗ trợ người chấp hành án. Đồng thời, Luật THAHS năm 2019 cũng sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết hơn một số nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã, phù hợp với thực tiễn thi hành án hình sự như: (1) Bổ sung nhiệm vụ bàn giao hồ sơ giáo dục người chấp hành án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án; (2) Tổ chức giám sát người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng (phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015, trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ); (3) Bổ sung thời hạn phải nhận xét bằng văn bản về quá trình chấp hành án của người chấp hành án là “hằng tháng”. Việc quy định cụ thể thời hạn nhận xét khiến các cơ quan chức năng phải thường xuyên nắm bắt được tình hình cải tạo của người chấp hành án, những khó khăn, vướng mắc trên thực tế để kịp thời đưa ra các biện pháp khắc phục, hỗ trợ người chấp hành án.
Đối với nhiệm vụ của Công an cấp xã, Luật THAHS năm 2019 đã sửa đổi, quy định nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên là của Công an cấp xã (thay vì là của Trưởng Công an cấp xã như quy định tại Luật THAHS năm 2010). Quy định mới phù hợp hơn về tổ chức bộ máy các cấp, cũng như bảo đảm khả năng áp dụng trên thực tiễn, tránh kéo dài các thủ tục hành chính trong một số tình huống cụ thể.
Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án cũng được quy định tương tự như đối với Ủy ban nhân dân cấp xã (quy định tại các điểm a, b, c, g, i, k, l Khoản 1 Điều 98), đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ so với Luật THAHS năm 2010 để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giám sát, giáo dục người bị kết án5.
Thứ ba, về nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 99) và giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 100).
Để phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 và bảo đảm cho việc thi hành hiệu quả quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Luật THAHS năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn so với Luật THAHS năm 2010 về nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ: (1) có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 97; (2) thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khẩu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật; (3) chấp hành các quy định của Luật THAHS về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc; (4) đối với thời hạn phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án, rút ngắn từ “ba tháng một lần” xuống “hằng tháng” để phù hợp với thời hạn Ủy ban nhân dân cấp xã có nhận xét bằng văn bản về quá trình chấp hành án. Những nội dung bổ sung trên đều nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của người chấp hành án trong toàn bộ quá trình cải tạo, cũng như thường xuyên liên hệ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về quá trình thi hành án phạt của mình.
Quy định về giải quyết việc vắng mặt hay thay đổi nơi cư trú, làm việc của người chấp hành án là điều luật hoàn toàn mới, được bổ sung trong Luật THAHS năm 2019 (Điều 100)6 để bảo đảm quyền tự do cư trú, thay đổi nơi làm việc của người chấp hành án. Trên thực tế, nhiều người chấp hành án có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi làm thuê, làm lao động ở nhiều địa phương khác nhau, thường xuyên di chuyển và không có nơi cư trú rõ ràng gây khó khăn cho công tác quản lý thi hành án. Quy định này cũng góp phần bảo đảm án phạt cải tạo không giam giữ được thực thi nghiêm minh, nâng cao quan hệ phối hợp, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền đối với người chấp hành án7.
Thứ tư, về việc lao động, học tập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 101); giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 102) và thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 103).
Phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015, Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung quy định mới (Khoản 5 Điều 101) liên quan đến việc người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng. Theo đó, quy định chi tiết về thời hạn, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân, Công an các cấp trong việc xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện các công việc lao động cụ thể trong khoảng thời gian nhất định8. Đồng thời, trên cơ sở các quy định tại Điều 63 BLHS năm 2015 về giảm mức hình phạt đã tuyên và Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 16/8/2012 (hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại), Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung điều luật mới (Điều 102)9 quy định chi tiết các điều kiện, tiêu chuẩn, thời hạn để người chấp hành án có thể được Tòa án cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án. Đây là những quy định nhằm khuyến khích, động viên người chấp hành án thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, tích cực học tập, lao động, cải tạo để có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Đối với thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, Luật THAHS năm 2019 (Điều 103) đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án trong việc rà soát người đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành án, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan. Đồng thời, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét giảm thời hạn chấp hành án cũng được quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp với thực tiễn hơn so với quy định tại Điều 77 của Luật THAHS năm 2010, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng khả thi, hiệu quả các thủ tục này.
Thứ năm, về xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều105) và trách nhiệm giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và gia đình đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 106).
Để bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh trong quá trình thi hành án, ngoài quy định về tổ chức kiểm điểm trường hợp người chấp hành án cố ý vi phạm nghĩa vụ, Luật THAHS năm 2019 (Điều 105) đã nâng mức độ xử lý vi phạm lên cao hơn so với Luật THAHS năm 2010 (Điều 79) bằng việc bổ sung quy định cụ thể. Theo đó, người chấp hành án đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại Điều 99 của Luật THAHS thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, trên cơ sở phù hợp với quy định tại Điều 36 BLHS năm 2015 và kế thừa các quy định của Luật THAHS năm 2010 (Điều 81) về trách nhiệm phối hợp giám sát của gia đình người chấp hành án, Luật THAHS năm 2019 (Điều 106) đã sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án lao động, học tập10. Đây là những nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn vì việc thi hành các hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ thực sự hiệu quả và có ý nghĩa giáo dục, cải tạo người chấp hành án khi có sự quan tâm, phối hợp hành động của cả gia đình và xã hội.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Các quy định mới về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong Luật THAHS năm 2019 thể hiện những kỹ thuật lập pháp tiến bộ, phù hợp với các quy định mới về hình phạt này trong BLHS năm 2015, cơ bản khắc phục một số tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật THAHS năm 2010, đặc biệt là giải quyết việc vắng mặt, thay đổi nơi cư trú của người chấp hành án. Trong những năm qua, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Để tiếp tục góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong công tác thi hành án hình sự, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất dựa trên những vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Thứ nhất, mặc dù các Điều 97, 105 Luật THAHS năm 2019 và các Điều 7, 13 Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng đã đưa ra các chế tài giải quyết trường hợp người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập, tuy nhiên chưa quy định thời hạn cụ thể để áp dụng các chế tài này (sau bao lâu kể từ khi “lập biên bản vi phạm nghĩa vụ” mà người chấp hành án vẫn cố ý vắng mặt thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức truy nã, truy bắt). Trên thực tế, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án mất nhiều thời gian hoặc không thể triệu tập người chấp hành án do đối tượng cố tình vắng mặt, trì hoãn có mặt với lý do không chính đáng, thậm chí bỏ trốn khỏi nơi cư trú mà không trình báo với các cơ quan quản lý, giám sát. Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật THAHS năm 2019 (các Điều 97, 105) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về thời hạn cụ thể có thể tiến hành các biện pháp phù hợp như truy nã, truy bắt, cưỡng chế thi hành án đối với người chấp hành án cố ý không có mặt theo giấy triệu tập, tránh gây khó khăn, kéo dài cho công tác thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Thứ hai, Khoản 3 Điều 97 Luật THAHS năm 2019 quy định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày triệu tập người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phải lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án. Tuy nhiên, thành phần hồ sơ bao gồm các tài liệu do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập và sao gửi, trong khi Khoản 2 Điều 97 Luật THAHS năm 2019 lại không quy định giới hạn thời gian phải lập và sao gửi các tài liệu này. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện các thủ tục hành chính, tránh việc lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến công tác thi hành án, cần nghiên cứu sửa đổi Khoản 2 Điều 97 và quy định thời hạn thích hợp (ví dụ: 04 ngày làm việc) kể từ ngày triệu tập người chấp hành án, hồ sơ thi hành án phải được lập và sao gửi cho cơ quan chức năng ở địa phương, cụ thể: “2. Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày triệu tập người chấp hành, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ thi hành án và sao gửi cho…”.
Thứ ba, Khoản 2 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó”. Như vậy, có thể hiểu cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú là các chủ thể độc lập có thẩm quyền giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, Luật THAHS năm 2019 không đưa ra các quy định về trình tự, thủ tục giao người chấp hành án cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát mà chỉ quy định “trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án”11. Vì vậy, để phù hợp với các quy định của BLHS năm 2015 và thực tiễn thi hành án hình sự, cần nghiên cứu, bổ sung cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập (trong trường hợp họ được tiếp tục công tác, học tập) là đối tượng mà Tòa án phải gửi quyết định thi hành án cũng như trình tự, thủ tục để cơ quan, tổ chức tiếp nhận người chấp hành án. Đồng thời bổ sung một điều luật mới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (tương ứng với các quy định tại Điều 98 của Luật THAHS năm 2019).
Thứ tư, Khoản 3 Điều 36 BLHS năm 2015 và Khoản 3 Điều 99 Luật THAHS năm 2019 đã đưa ra các quy định người chấp hành án có nghĩa vụ nộp một phần thu nhập (từ 05% đến 20%) để sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, Tòa án có thể gặp một số khó khăn vì không đủ cơ sở xác định chính xác thu nhập, hoàn cảnh của người phạm tội để đưa ra con số khấu trừ hay miễn khấu trừ thu nhập phù hợp, đặc biệt đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc và thu nhập ổn định. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về điều tra, thu thập thông tin về việc làm, thu nhập, hoàn cảnh kinh tế của bị can ngay từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự để Tòa án có cơ sở đưa ra đánh giá toàn diện, quyết định hình phạt phù hợp, công bằng, nghiêm minh. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phối hợp hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện khấu trừ thu nhập của người chấp hành án, tránh tình trạng người chấp hành án tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ này theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, đối với những trường hợp người chấp hành án là lao động thường xuyên di chuyển đến nhiều địa phương để tìm việc hoặc làm các công việc theo vụ mùa, không có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, rất khó để Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục ban đầu có thể nhận xét bằng văn bản hằng tháng về quá trình chấp hành án của họ. Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định tại Điều 100 Luật THAHS năm 2019 về trách nhiệm của người chấp hành án phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chuyển đến lao động, cư trú để cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục ban đầu có nhận xét về quá trình chấp hành án, bảo đảm hồ sơ giám sát, giáo dục đầy đủ, đúng quy định, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, không hạn chế quyền tự do công dân của họ.
Thứ sáu, mặc dù Khoản 5 Điều 101 Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục quyết định cho người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, tuy nhiên thực tế có thể xuất hiện vướng mắc khi người chấp hành án lại có được việc làm mới trong thời gian thực hiện công việc lao động phục vụ cộng đồng. Vì vậy, để tránh gây khó khăn trong công tác thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, đồng thời tạo điều kiện cho người chấp hành án có thời gian làm công việc mà họ mới có được, cần nghiên cứu, bổ sung Điều 101, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định miễn trừ nghĩa vụ lao động phục vụ cộng đồng cho người chấp hành án khi họ có việc làm mới.
Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cần tiếp tục tham khảo các quy định có liên quan của pháp luật quốc tế12, pháp luật một số quốc gia phát triển trên thế giới về hệ thống giám sát, các điều kiện cần tuân thủ đối với người chấp hành án và chế tài xử lý vi phạm13. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong giám sát, hỗ trợ người chấp hành án như sử dụng vòng theo dõi điện tử, thực hiện báo cáo trực tuyến kết quả cải tạo thông qua các cổng thông tin điện tử, góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, giúp họ sớm hoàn thành thời gian giám sát, giáo dục và tái hòa nhập tại địa phương nơi cư trú.
Tóm lại, có thể khẳng định việc ban hành Luật THAHS năm 2019 thay thế cho Luật THAHS năm 2010 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói chung và thi hành án phạt cải tạo không giam giữ nói riêng; qua đó thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành án, bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định có liên quan là đặc biệt cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong thực tiễn.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Điều 3 Luật THAHS năm 2019.
- Cùng đó, Khoản 5 Điều 13 Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng cũng quy định chế tài xử lý cụ thể: “Trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế cố tình vi phạm nghĩa vụ đã bị xử lý nhưng vẫn cố tình vi phạm thì Công an cấp xã tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp xã để đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự”.
- Nguyễn Thị Ánh Hồng (2018), “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ”, Khoa học pháp lý, số 8/2018, tr. 26 – 31.
- Cụ thể: (1) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết cho người chấp hành án được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật thi hành án hình sự và pháp luật về cư trú; (2) Phối hợp với gia đình và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú trong việc giám sát, giáo dục người đó; (3) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án, miễn chấp hành án.
- Người chấp hành án có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại Khoản 2 Điều 100, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 30 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian chấp hành án, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó. Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người chấp hành án khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Việc giải quyết trường hợp người chấp hành án thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc trong quân đội thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật THAHS năm 2019. Trường hợp người chấp hành án vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan. Ngoài ra, người chấp hành án không được xuất cảnh trong thời gian chấp hành án.
- Phan Minh Thuận, “Quy định về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ theo Luật thi hành án hình sự năm 2019”, http://congan.travinh.gov.vn/ch10/810-Quy-dinh-ve-thi-hanh-hinh-phat-cai-tao-khong-giam- giu-theo-Luat-Thi-hanh-an-hinh-su-nam-2019.html, truy cập ngày 14/12/2020.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người chấp hành án được xác định là không có việc làm hoặc bị mất việc làm, Công an cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng. Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện. Căn cứ quyết định buộc người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng dưới sự giám sát của Công an cấp xã.
- Về điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án: (1) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt; (2) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật THAHS; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng; (3) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự./ Về thời hạn và số lần xét giảm thời hạn chấp hành án: Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng. Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án./ Về xét giảm thời hạn chấp hành án đối với một số đối tượng đặc biệt: Người chấp hành án đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án. Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.
- Cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án. Gia đình người chấp hành án có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, giáo dục và thông báo kết quả chấp hành án của người chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục khi có yêu cầu; phải có mặt tại cuộc họp kiểm điểm người chấp hành án theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.
- Khoản 1 Điều 106 Luật THAHS năm 2019.
- Như Các Quy tắc chuẩn, tối thiểu của Liên hợp quốc về những biện pháp không giam giữ (Các Quy tắc Tokyo) năm 1990. Nội dung tại Mục V về thực hiện các biện pháp không giam giữ gồm: giám sát người phạm tội; thời hạn áp dụng biện pháp không giam giữ; các điều kiện người phạm tội phải tuân thủ; quá trình cải tạo tội phạm; kỷ luật và hành vi vi phạm các quy định.
- Điều 50 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định: “…Trong trường hợp nếu người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt lao động cải tạo, Tòa án có thể thay đổi hình phạt này thành hình phạt tù, cứ 01 ngày tù tính bằng 03 ngày lao động cải tạo…”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật hình sự Liên bang Nga, năm 2011 NXB. Công an nhân dân, Hà Nội.
- Các Quy tắc chuẩn, tối thiểu của Liên hợp quốc về những biện pháp không giam giữ – Các Quy tắc Tokyo năm 1990 (United Nations Standard Minimum Rules for Non-custodial Measures – The Tokyo Rules 1990).
Trả lời