Bình luận một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về công ty cổ phần
Tác giả: Phạm Quý Đạt [1]
TÓM TẮT
Luật doanh nghiệp (LDN) năm 2020 của Việt Nam dù không có những sửa đổi, bổ sung mang tính bước ngoặt hay đột phá nhưng thật sự là những sửa đổi, bổ sung rất cần thiết và kịp thời, tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư và cho cả các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập và bình luận cũng như làm rõ những điểm mới cơ bản trong LDN năm 2020 về công ty cổ phần để phần nào nâng cao nhận thức cũng như hiệu quả thực thi đối với loại hình DN này.
1. Tổng quan sửa đổi, bổ sung liên quan đến công ty cổ phần
Mục tiêu sửa đổi, bổ sung.
Trong phạm vi mục tiêu tổng quát của dự án LDN (sửa đổi)2, các sửa đổi, bổ sung liên quan đến công ty cổ phần (CTCP) nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể là “Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN; thúc đẩy quản trị DN đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới)”3.
Thêm nữa, việc sửa đổi khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” (DNNN) nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12/NQ- TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN (Nghị quyết số 12/NQ-TW)4 dẫn đến trường hợp CTCP là DNNN và đòi hỏi phải có quy định đặc thù cho CTCP thuộc phạm trù này.
Sự kế thừa và phát triển.
Dự án LDN (sửa đổi) dựa trên quan điểm “Tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các LDN năm 1999, năm 2005 và năm 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của LDN gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN”5.
Dựa trên quan điểm đó, LDN (sửa đổi) đã kế thừa các quy định tạo nên các đặc điểm cơ bản của loại hình CTCP cũng như cấu trúc điều chỉnh các vấn đề pháp lý của loại hình công ty này trong các LDN trước đó.
Các sửa đổi lần này chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi hơn nữa cho công ty trong việc huy động nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cho cổ đông trong việc thực hiện quyền của cổ đông; nâng cao trách nhiệm của người quản lý công ty; bổ sung quy định đặc thù cho CTCP là DNNN.
Các sửa đổi, bổ sung chính.
So với LDN năm 2014, LDN năm 2020 có nhiều hơn 04 Điều và tổng cộng 66 Điều quy định về CTCP. Trong 4 điều được bổ sung chỉ có 1 điều có nội dung hoàn toàn mới (Điều 161. Ủy ban kiểm toán), 3 điều được bổ sung còn lại là do quy định chi tiết hơn vấn đề sẵn có (Điều 129. Trình tự, thủ tục chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ; Điều 130. Quyết định chào bán trái phiếu riêng lẻ) hoặc do tách kỹ thuật (Điều 139. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông). Nhưng tất cả các điều khoản riêng về CTCP trong LDN năm 2014 đều được sửa đổi khi được tiếp nhận vào LDN năm 2020, dù một số điều khoản chỉ được biên tập về câu chữ nhưng cũng giúp nội dung được sáng tỏ, rõ ràng và khái quát hơn.
Các sửa đổi, bổ sung quy định về CTCP trong LDN năm 2020 có thể được phân thành các nhóm chính như sau:
Sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho công ty trong việc huy động các nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh;
Sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện quyền của cổ đông;
Sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng tổ chức quản trị DN theo thông lệ quốc tế tốt;
Sửa đổi, bổ sung liên quan đến CTCP là DNNN6.
2. Sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho công ty trong việc huy động các nguồn lực của các nhà đầu tư
Quy định CTCP có quyền phát hành trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty như một đặc điểm cơ bản của loại công ty này.
Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho CTCP trong việc huy động các nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, trước hết LDN năm 2020 bổ sung vào quy định chung về loại hình công ty này tại Điều 111 quy định, theo đó “công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty”. Mặc dù quy định này không hoàn toàn mới7, nhưng cũng không chỉ có ý nghĩa mở rộng quyền của CTCP được phát hành các loại chứng khoán khác, mà hơn thế nữa nó khẳng định quyền phát hành trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty như một đặc điểm cơ bản của loại hình công ty này. Quy định này tuy không quá mới nhưng khái quát hơn chứ không mang tính liệt kê như LDN năm 2014.
Quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của CTCP không phải là công ty đại chúng.
LDN năm 2020 sửa Điều 127 của LDN năm 2014 thành Điều 128 LDN năm 2020 với một nội dung quan trọng về trái phiếu riêng lẻ, LDN năm 2020 còn bổ sung 02 Điều (Điều 129,130) quy định chi tiết về phát hành trái phiếu riêng lẻ, áp dụng cho CTCP không phải là công ty đại chúng, bao gồm quy định về:
(i) Điều kiện phát hành;
(ii) Điều kiện về đối tượng mua;
(iii) Trình tự, thủ tục chào bán và chuyển nhượng;
(iv) Thẩm quyền quyết định chào bán trái phiếu riêng lẻ.
Luật chứng khoán năm 2019 quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ áp dụng cho công ty đại chúng, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng. Qua đó, lần đầu tiên LDN năm 2020 tạo cơ sở pháp lý riêng về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của CTCP không phải là công ty đại chúng. Tất nhiên để tạo sự liên kết, thống nhất trong nhận thức và thi hành, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết về loại trái phiếu, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ; công bố thông tin; phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế (Khoản 5 Điều 129). Việc phát hành trái phiếu DN hiện tại đã được quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục tại Luật chứng khoán và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành riêng lẻ trái phiếu DN. Việc sửa đổi Điều 127 LDN năm 2014 nhằm đảm bảo sự tương thích giữa các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu DN. LDN chỉ quy định về phát hành riêng lẻ trái phiếu của các công ty không phải đại chúng.
Quy định về phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Trong quy định về các loại cổ phần (Điều 114), LDN năm 2020 bổ sung quy định, theo đó “Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết” và “Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết”. Thực tế quốc tế hiện nay cho thấy có hai vấn đề cần thiết phải được thể chế hóa vào LDN:
Thứ nhất, nhiều nước trên thế giới và xung quanh nước ta đã có cơ chế về Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết (Non-voting Depository Receipt, viết tắt là NVDR) để giải quyết vấn đề là vừa đảm bảo thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mà có giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Thái Lan đã cho phát hành và niêm yết Thai NVDR trên thị trường chứng khoán Thái lan từ khoảng năm 2012. NVDR của Thái Lan là một loại chứng chỉ do Thai NVDR là công ty của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan phát hành. NVDR của Thái Lan được phát hành theo tỷ lệ 1:1 tương ứng với các cổ phiếu mà Thai NVDR đang nắm giữ. Người mua NVDR có đầy đủ và quyền lợi kinh tế của cổ phiếu tương ứng, nhưng không có quyền biểu quyết. Do đó, NVDR sẽ giúp thu hút được thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trên giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước do việc nhà đầu tư sở hữu NVDR không có quyền biểu quyết, nên không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.
Thứ hai, cổ phiếu “đặc biệt” theo đó trong một số trường hợp, cổ đông có thể nắm giữ một số lượng ít cổ phần, nhưng lại được hưởng quyền “đa số” hoặc “chi phối” việc ra quyết định trong công ty do nhiều lý do khác nhau; mặc dù lợi ích kinh tế thì tương đương với số cổ phần nắm giữ. Cổ phần này thường hay được gọi với tên là cổ phần “vàng”.
Do đó, Điều 113 được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa 2 định chế nói trên vào LDN, cụ thể:
(1) Bổ sung quy định nêu rõ đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức mà Chính phủ chỉ định nắm giữ thì không có hạn chế về thời hạn và không hạn chế số lượng tối đa quyền biểu quyết tương ứng. Quy định này sẽ cho phép, trong một số trường hợp, các cổ đông có thể thoả thuận để phát hành loại cổ phần “vàng” như nêu trên.
(2) Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), theo đó xác định rõ người sở hữu NVQR có đầy đủ lợi ích kinh tế tương ứng số cổ phần ký quỹ để phát hành NVQR, nhưng loại trừ (không có) quyền biểu quyết. Quyền biểu quyết sẽ do tổ chức phát hành NVQR nắm giữ và thực hiện biểu quyết theo quy định tại Điều lệ công ty, pháp luật chứng khoán.
3. Sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ các nhà đầu tư là cổ đông của công ty
Sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện quyền của cổ đông.
Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của quy định về khung quản trị DN. Việc hoàn thiện quy định về bảo vệ cổ đông sẽ đóng góp quan trọng làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy đầu tư, tinh thần đầu tư mà còn giúp huy động đầu tư tốt hơn, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.
So với LDN năm 2005, LDN năm 2014 đã tạo ra một đột phá về nội dung này. Theo đó, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89 trên 190 quốc gia (so với thứ hạng 117 năm 2014, thứ hạng 169 năm 2013). Mặc dù vậy, nếu so sánh với các quốc gia xung quanh, thì mức độ bảo vệ nhà đầu tư theo pháp luật nước ta còn thấp xa so với Indonesia – quốc gia tương đồng nhất; thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore và Malaysia. Và thực tế thực hiện LDN cho thấy một số quy định của LDN chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền của mình; thậm chí một số quy định “vô hình” tạo rào cản cho cổ đông trong bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình hoặc bị cổ đông lớn, công ty lạm dụng gây thiệt hại cho cổ đông. Ví dụ, như các hạn chế của LDN về yêu cầu cổ đông phải sở hữu một lượng cổ phần nhất định và trong thời hạn nhất định mới được thực hiện các quyền như đề cử, tiếp cận thông tin, yêu cầu đình chỉ quyết định của công ty…
Mục tiêu quan trọng việc sửa đổi LDN năm 2020 theo hướng mở rộng quyền cổ đông; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện các quyền của mình và bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm; nâng cao trách nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và người quản lý công ty…
Do đó, Khoản 2 Điều 114 được sửa đổi nhằm mục tiêu nêu trên, cụ thể là mở rộng quyền của cổ đông thông qua:
(1) Giảm bớt yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm từ 10% xuống 3%; bãi bỏ điều kiện “phải sở hữu liên tục ít nhất 06 tháng”. Như vậy, sửa đổi Khoản 2 Điều 114 sẽ trao quyền cho phạm vi đối tượng cổ đông lớn hơn.
(2) Bổ sung quyền cho cổ đông trong việc yêu cầu Tòa án, trọng tài cho phép cổ đông có liên quan tiếp cận thông tin cần thiết để dễ dàng hơn trong thực hiện quyền của mình.
Mở rộng phạm vi đối tượng cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ và quyền của đối tượng này.
Nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi LDN lần này là mở rộng quyền cổ đông, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện các quyền của mình và bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm8, LDN năm 2020 đã mở rộng phạm vi đối tượng cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ được hưởng một số quyền nhất định.
Điều 115 LDN năm 2020 chia đối tượng được hưởng một số quyền nhất định thành 02 nhóm, bao gồm:
(i) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty và
(ii) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Đối với hai nhóm đối tượng này quy định về điều kiện sở hữu cổ phần “trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” của LDN năm 2014 bị bãi bỏ.
Trong đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông của công ty có các quyền như “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” theo quy định của LDN năm 2014, ngoại trừ quyền để cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. So với LDN năm 2014, đối tượng này còn được mở rộng quyền xem xét, tra cứu, trích lục tài liệu của công ty đối với cả “hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty” (điểm a Khoản 2 Điều 115).
Còn quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát vẫn chỉ dành cho nhóm đối tượng là “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” (Khoản 5 Điều 115).
Như vậy, việc mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ bởi LDN năm 2020 có thể được xem là một bước tiến đến “chuẩn mực theo thông lệ tốt phổ biến trong khu vực và quốc tế”, bởi vì Luật của Liên minh châu Âu từ lâu đã có quy định yêu cầu các quốc gia thành viên khi quy định về việc cổ đông, nhóm cổ đông có quyền yêu cầu bổ sung chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và quyền đề xuất dự thảo nghị quyết về các vấn đề được nghị sự phải nắm giữ một số lượng cổ phiếu tối thiểu, thì mức đó không được vượt quá 5% vốn điều lệ của công ty9.
Gỡ bỏ rào cản trong việc khởi kiện người quản lý công ty.
LDN năm 2014 lần đầu tiên thiết lập quyền khởi kiện thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (GĐ –TGĐ) cho “cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng”. Tuy nhiên việc thực hiện quyền khởi kiện này gặp khó khăn trong thực tế, do những thông tin cần thiết chứng minh cho yêu cầu khởi kiện nằm trong tay chính những người quản lý công ty, trong khi cổ đông không có cơ sở pháp lý để yêu cầu họ cung cấp.
Khắc phục sự cản trở này, LDN năm 2020 đã trao thêm cho cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện “quyền xem xét, tra cứu, trích lục thông tin cần thiết theo quyết định của Tòa án, Trọng tài trước hoặc trong quá trình khởi kiện” (Khoản 4 Điều 166). Sự bổ sung này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quyền khởi kiện của cổ đông đối với người quản lý công ty.
LDN năm 2020 cũng đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng có quyền khởi kiện bằng việc bãi bỏ điều kiện về thời hạn sở hữu cổ phần “liên tục trong thời hạn 06 tháng”.
4. Sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng tổ chức quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tốt
LDN năm 2020 kế thừa quy định của LDN năm 2014 về quyền lựa chọn và các mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của CTCP. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao chất lượng tổ chức quản trị DN theo thông lệ quốc tế tốt, Luật này đã có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng như sau:
Thứ nhất, đối với mô hình tổ chức quản lý và hoạt động có Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), HĐQT, GĐ-TGĐ thì LDN năm 2020 (Điều 137) yêu cầu CTCP phải có Ủy ban kiểm toán thuộc HĐQT thay vì Ban kiểm toán nội bộ thuộc HĐQT như LDN năm 2014. Thêm nữa, trong khi LDN năm 2014 không có quy định cụ thể hơn về Ban kiểm toán nội bộ thì LDN năm 2020 bổ sung 01 Điều (Điều 161) quy định chi tiết địa vị pháp lý, cơ cấu, điều kiện thành viên, thể thức thông qua quyết định cũng như quyền và nghĩa vụ của Ủy ban kiểm toán. Thực tiễn áp dụng quy định mô hình quản trị công ty cổ phần theo điểm b Khoản 1 Điều 134 LDN năm 2014 cho thấy mấy vấn đề phát sinh sau đây:
(1) Thuật ngữ “Ban kiểm toán nội bộ” trùng tên gọi với cơ quan tương tự ở nhiều DN, nhưng khác về chức năng, nhiệm vụ vì thuộc Giám đốc hoặc Ban giám đốc; mặc dù Ban kiểm toán nội bộ theo điểm b Khoản 1 Điều 134 LDN là hoàn toàn khác cả về địa vị pháp lý (thuộc Hội đồng quản trị) và chức năng, nhiệm vụ. Trên thực tế, khi sử dụng thuật ngữ “Ban kiểm toán nội bộ’ thì luôn được hiểu là “Ban kiểm toán nội bộ” thuộc ban điều hành. Nhiều công ty trên thực tế sử dụng tên khác là “Ủy ban kiểm toán” để thay thế cho tên gọi theo Luật hiện nay.
(2) Việc trùng tên gọi giữa hai cơ quan trong DN như nêu trên cũng phần nào dẫn đến hạn chế áp dụng mô hình quản trị theo điểm b Khoản 1 Điều 134; dẫn đến hiểu nhầm hoặc nhầm lẫn trên thực tế nếu DN sử dụng đúng thuật ngữ theo LDN. Do đó, sửa đổi Điều 134 nhằm thay thế tên gọi “Ban kiểm toán nội bộ” bằng “Ủy ban kiểm toán” để phù hợp với tên gọi phổ biến hiện nay và thông lệ quốc tế tốt (tiếng Anh thường gọi là Audit Committee); tránh nhầm lẫn, thúc đẩy mô hình quản trị mới, hiện đại, phổ biến theo thông lệ quốc tế tốt10.
Thứ hai, so với quy định của LDN năm 2014 (Khoản 2 Điều 135) về quyền và nghĩa vụ của ĐHĐCĐ, theo quy định của LDN 2020 (khoản 2 Điều 138) ĐHĐCĐ còn có: (i) Quyền quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích kinh tế khác cho HĐQT, Ban kiểm soát (BKS); (ii) Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động của HĐQT, BKS; (iii) Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết. Các bổ sung này một mặt nhằm khẳng định rõ ràng những vấn đề này thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, mặt khác còn khắc phục được tình trạng HĐQT “vừa đá bóng vừa thổi còi” (như tự ban hành Quy chế hoạt động của mình) hay “lạm quyền” (như ban hành Quy chế hoạt động của BKS).
Thứ ba, LDN năm 2020 (Khoản 4 Điều 153) đã sửa quy định tại Khoản 4 Điều 149 LDN năm 2014 và làm rõ rằng, cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉnh thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT trong trường hợp nghị quyết, quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết của ĐHĐCĐ, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty. Qua đó, LDN năm 2020 khắc phục được sự thiếu rõ ràng của LDN năm 2014 rằng liệu cổ đông có được yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT hay không nếu HĐQT không tự đình chỉ hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của mình khi được cổ đông yêu cầu.
Thứ tư, về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT, LDN năm 2020 (Điều 155) bổ sung quy định áp dụng cho thành viên HĐQT của CTCP là DNNN và công ty con của DNNN và thành viên độc lập HĐQT trong mô hình tổ chức quản lý và hoạt động không có Ban kiểm soát. Theo đó, ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn như LDN năm 2014 quy định, theo LDN năm 2020 thành viên độc lập HĐQT còn không được là người đang làm việc trong công ty mẹ hoặc đã từng làm việc cho công ty mẹ ít nhất trong 03 năm liền trước đó. Bổ sung này là kết quả rà soát các trường hợp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính độc lập của thành viên Hội đồng quản trị loại này.
Thứ năm, bên cạnh hình thức tham dự và bỏ phiếu tại cuộc họp của thành viên HĐQT thông qua hội nghị trực tuyến đã được quy định lần đầu tiên bởi LDN năm 2014, LDN năm 2020 còn bổ sung quy định về “bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác”. Sự bổ sung này nhằm thừa nhận các hình thức tham gia họp và bỏ phiếu khác mà sự phát triển của công nghệ có thể mang lại.
Thứ sáu, về biên bản họp HĐQT, LDN năm 2020 (Khoản 2 Điều 158) bổ sung quy định, “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều này thì biên bản này có hiệu lực”. Quy định này giúp tháo gỡ bế tắc trong một tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn.
Thứ bảy, về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên HĐQT, LDN năm 2020 (Khoản 3 Điều 160) còn mở rộng quyền của ĐHĐCĐ bằng quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”. Quy định này nhằm khẳng định quyền tối cao của ĐHĐCĐ với tư cách cơ quan của chủ sở hữu công ty trong việc quyết định ai là người quản lý công ty của mình.
Thứ tám, LDN năm 2020 (Khoản 5 Điều 162) bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với GĐ – TGĐ áp dụng đối với công ty đại chúng11, theo đó ngoài điều kiện chung áp dụng đối với người quản lý DN là không được là người không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam, thì còn: (i) Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý DN, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; (ii) Phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh. Với quy định này, LDN năm 2020 là LDN đầu tiên chú trọng đến điều kiện, tiêu chuẩn của GĐ – TGĐ công ty đại chúng.
Thứ chín, LDN năm 2020 bổ sung vào quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty, theo đó thành viên HĐQT, GĐ -TGĐ và người quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty thì phải chịu trách nhiệm các nhân hoặc liên đới đến đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba (Khoản 2 Điều 165). Do LDN năm 2014 (Điều 160) chỉ quy định về “trách nhiệm của người quản lý công ty” dưới dạng nghĩa vụ mà không quy định về hậu quả pháp lý mà người quản lý công ty phải gánh chịu do vi phạm nghĩa vụ nên bổ sung này trong LDN năm 2020 được xem là cần thiết nhằm “tạo thuận lợi hơn cho cổ đông khởi kiện người quản lý và Tòa án, Trọng tài trong xử lý tranh chấp có liên quan; phù hợp với thông lệ quốc tế tốt về quản trị DN”12.
Thứ mười, LDN năm 2020 (Điều 167) sửa đổi quy định về chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan của LDN năm 2014 (Điều 162) theo hướng mở rộng phạm vi thẩm quyền chấp thuận của ĐHĐCĐ cũng như “siết chặt” điều kiện có hiệu lực của loại hợp đồng, giao dịch cần được chấp thuận này. Cụ thể, hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của công ty ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó sẽ thuộc thẩm quyền chấp thuận của ĐHĐCĐ.
Theo quy định của LDN năm 2020 (Khoản 5 Điều 167), hợp đồng, giao dịch thuộc trường hợp phải được HĐQT hoặc ĐHĐCĐ chấp thuận thì chỉ cần “được ký kết mà không được chấp thuận theo trình tự thủ tục” được quy định thì đã có thể bị tuyên vô hiệu, mà không cần phải “gây thiệt hại cho công ty” như quy định của LDN năm 2014.
Thứ mười một, đối với điều kiện làm Trưởng Ban kiểm soát, LDN năm 2020 (Điều 168) không còn yêu cầu người này phải là “kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và làm việc chuyên trách tại công ty” như LDN năm 2014, mà chỉ yêu cầu “phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN”. LDN năm 2020 cũng không đòi hỏi điều kiện cao hơn đối với Kiểm soát viên của CTCP niêm yết và CTCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ như LDN năm 2014. Việc không đòi hỏi Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên được cho là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CTCP tìm kiếm người làm Trưởng Ban kiểm soát, do thực tế số lượng người có chứng chỉ hành nghề kế toán viên, kiểm toán viên và sẵn sàng làm Trưởng Ban kiểm soát của CTCP không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn13. Tuy nhiên, khác với LDN năm 2014, LDN năm 2020 (Điều 169) đặt ra yêu cầu về chuyên môn đối với Kiểm soát viên CTCP nói chung, theo đó Kiểm soát viên phải “được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN”.
Thứ mười hai, Khoản 5 Điều 152 LDN năm 2020 quy định về thư ký công ty có một số sửa đổi và làm rõ những vấn đề còn tồn tại. Những sửa đổi lại này để đảm bảo phù hợp với thông lệ quản trị tốt về thư ký công ty; theo đó, thư ký công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm chứ không phải là thư ký riêng của Chủ tịch HĐQT như quy định tại LDN năm 2014; đồng thời, thư ký công ty không phải là người được tuyển dụng mới mà được bổ nhiệm từ một người đang làm việc tại công ty, am hiểu, nắm rõ các vấn đề của công ty để đảm bảo hiệu quả và chất lượng đối với những công việc mà thư ký phải đảm nhiệm, có thể kiêm nhiệm hoặc làm việc chuyên trách.
Tóm lại, LDN năm 2020 mặc dù không có những sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá hay bước ngoặt nhưng đó là những sửa đổi, bổ sung hết sức kịp thời và cần thiết góp phần từng bước nâng cao hiệu quả thực thi và tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp LDN của các nhà đầu tư lựa chọn mô hình kinh doanh là công ty cổ phần. Bên cạnh đó, những thay đổi này thể hiện quan điểm của các nhà làm luật cũng nhưng định hướng cho các công ty cổ phần hướng đến những yếu tố của quản trị tốt, từng bước xây dựng mô hình quản trị công ty cổ phần ngày càng hoàn thiện hơn để bảo vệ các cổ đông, các bên liên quan và thu hút hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào loại hình DN này./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Nghiên cứu sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu so sánh Luật Công, Viện luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Tờ trình số 442/TTr-CP ngày 04/10/2019 của Chính phủ về LDN (sửa đổi) (Tờ trình LDN(sửa đổi)), mục II.1: “Mục tiêu tổng quát là xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị DN đạt chuẩn mực thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển DN, thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN-4”.
- Tờ trình LDN (sửa đổi), mục II.1.
- Nghị quyết số 12/NQ-TW nêu rõ: “DN nhà nước là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổn phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”.
- Tờ trình LDN (sửa đổi), mục II.2.
- Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ không đề cập đến DNNN và CTCP là DNNN.
- Vì Khoản 1 Điều 127 LDN năm 2014 đã quy định “Công ty có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định pháp luật và Điều lệ công ty”.
- Bản thuyết minh chi tiết về Dự án LDN (sửa đổi) kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019 (sau đây: Bản thuyết minh), thuyết minh sửa đổi bổ sung Điều 114 LDN năm 2014.
- Directive 2007/36/EC of the European Parliament and of the Council of 11 July 2007 on the exercise of certain rights of shareholders in listed companies, Official Journal L 184, 14/07/2007 P. 0017-0024. Vấn đề này xem thêm Phan Huy Hồng, “Tạo thuận lợi hơn cho việc thực hiện quyền cổ đông trong Luật Liên minh châu Âu và Luật Đức- Kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3958)/2010, tr.33-42.
- Bản thuyết minh, sửa đổi Điều 134 LDN năm 2014.
- Khoản 5 Điều 162 gộp chung quy định áp dụng cho cả công ty đại chúng, CTCP là DNNN và CTCP là công ty con của DNNN, nhưng có điều kiện chỉ có thể áp dụng cho công ty đại chúng hoặc CTCP là DNNN hoặc CTCP là công ty con của DNNN.
- Bản thuyết minh, sửa đổi bổ sung Điều 160 LDN năm 2014.
- Bản thuyết minh, sửa đổi Điều 164 LDN năm 2014.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tờ trình số 442/TTr-CP ngày 04/10/2019 của Chính phủ về LDN (sửa đổi).
- Bản thuyết minh chi tiết về Dự án LDN (sửa đổi) kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Directive 2007/36/EC of the European Parliament and of the Council of 11 July 2007 on the exercise of certain rights of shareholders in listed companies, Official Journal L 184, 14/07/2007 P. 0017-0024.
- Phan Huy Hồng, “Tạo thuận lợi hơn cho việc thực hiện quyền cổ đông trong Luật Liên minh châu Âu và Luật Đức- Kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3958)/2010, tr.33-42.
Trả lời