Mục lục
Triển khai quy định “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp năm 2013 trong BLHS và BLTTHS.
TÓM TẮT
Khoản 3 Điều 31 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ làm rõ nội dung của quy định đã nêu, đồng thời khảo sát, đánh giá quy định hiện hành của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam trong việc cụ thể hóa quy định này. Trên cơ sở tham khảo quy định của các văn kiện quốc tế về quyền con người và kinh nghiệm lập pháp của một số nước, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định liên quan của Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013.
- Quyền im lặng của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự – TS. Võ Minh Kỳ – ThS. Nguyễn Phương Anh
- Trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong BLTTHS Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp 2013 và sửa đổi TTHS – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Lê Thị Thùy Dương
- Nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền được im lặng trong Tố tụng hình sự – Một số vấn đề đặt ra – ThS. Trịnh Tuấn Anh – ThS. Nguyễn Thị Thanh Nhã
- Bàn về quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp 2013 và vấn đề sửa đổi một số quy định liên quan trong BLTTHS 2003 – TS. Võ Thị Kim Oanh & Lê Thị Thùy Dương
TỪ KHÓA: Tội phạm,
1. Dẫn nhập
Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền con người và quyền công dân, trong đó có quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm của bị can, bị cáo. Đây là quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người bị kết án, nhất là trong trường hợp một người mà hành vi của họ đã có quyết định đình chỉ vụ án hoặc có bản ản có hiệu lực tuyên bố họ vô tội; hoặc họ phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, hành vi này thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam và họ đã bị kết án ở nước ngoài về hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, quy định “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp năm 2013 chỉ mang tính nguyên tắc chung nên nhà làm luật cần cụ thể hóa quy định này trong các chế định cụ thể của luật hình sự và luật tố tụng hình sự.
Hiện nay ở nước ta chưa có giải thích chính thức cũng như bình luận khoa học về quyền “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Vì vậy, trong quá trình triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013, chúng tôi nghiên cứu quy định này trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; trong các văn kiện pháp lý quốc tế khác và pháp luật nước ngoài về vấn đề này nhằm học hỏi kinh nghiệm trong việc đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để triển khai thực hiện quy định này của Hiến pháp năm 2013.
2. Nhận thức về quy định “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”
Trước Hiến pháp năm 2013, ở Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định về quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm. Ngày 24/9/1982, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, trong đó quy định: “Không ai bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi nước.”[1] Đây là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, làm cơ sở để Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm.
Trong khoa học luật hình sự thế giới đã tồn tại thuật ngữ “ne bis in idem” hoặc“double jeopardy”để nói về quyền không bị kết án hoặc chịu hình phạt hai lần về một hành vi phạm tội. Trong các văn kiện pháp lý quốc tế hoặc pháp luật một số quốc gia, quyền không bị kết án hai lần đối với một hành vi phạm tội được giới hạn ở hai phạm vi sau đây:
Thứ nhất, quyền không bị kết án hai lần đối với một hành vi phạm tội chỉ được áp dụng trong phạm vi một quốc gia(single sovereignty double jeopardy)[2] .
Theo quan điểm này, quyền không bị kết án lần thứ hai về cùng một tội phạm được hiểu là khi một nhà nước đã có một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật tuyên bố một người phạm tội hoặc không phạm tội thì nhà nước đó không có quyền kết án người phạm tội lần thứ hai về cùng hành vi phạm tội này, trừ những trường hợp đặc biệt.[3] Điều ước quốc tế điển hình thể hiện quan điểm này như Nghị định thư số 7 của Công ước về bảo vệ quyền con người và quền tự do cơ bản của Châu Âu quy định: “1. Không ai bị kết án hoặc bị trừng phạt lần thứ hai trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của cùng một nhà nước về một tội phạm mà cuối cùng họ đã được tuyên vô tội hoặc đã bị kết án theo pháp luật và tố tụng hình sự của quốc gia đó. 2. Quy định trên không cản trở việc mở lại vụ án theo quy định của pháp luật và thủ tục hình sự của nhà nước đó, nếu có bằng chứng về các sự kiện mới hoặc mới được phát hiện, hoặc nếu có một lỗi cơ bản trong tố tụng trước, mà có thể ảnh hưởng đến kết quả của vụ án” (Điều 4).
Việc giới hạn quyền không bị kết án hai lần về cùng một tội phạm được áp dụng thuần túy trong phạm vi một quốc gia dẫn đến tình trạng một hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có quốc gia đã xét xử hành vi này thì (các) quốc gia còn lại vẫn được quyền xét xử người phạm tội về cùng hành vi phạm tội đó mà không bị coi là vi phạm quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm. Ví dụ: Điều 10 BLHS Trung Quốc quy định: “Người phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định của Bộ luật này, thì dù đã bị xét xử ở nước ngoài vẫn có thể bị truy cứu theo quy định của Bộ luật này. Tuy nhiên, nếu người đó đã chịu hình phạt ở nước ngoài thì có thể được miễn hình phạt hoặc được áp dụng một hình phạt nhẹ hơn”. Hoặc Điều 5 BLHS Nhật Bản quy định: “Thậm chí khi bản án không thể hủy bỏ đã được tuyên ở nước ngoài đối với hành vi phạm tội của một người thì nó không loại trừ việc người đó phải chịu thêm hình phạt ở Nhật Bản về cùng hành vi đó. Tuy nhiên, khi hình phạt được tuyên ở nước ngoài đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì việc thi hành hình phạt ở Nhật Bản được giảm hoặc được miễn”.
Chúng tôi cho rằng việc giới hạn quyền không bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội như trên chưa bảo đảm triệt để quyền con người và không công bằng cho một số người phạm tội. Bởi lẽ, nếu một người thực hiện hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của một quốc gia thì họ chỉ bị kết án một lần với một bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng nếu hành vi phạm tội của họ thuộc thẩm quyền xét xử của nhiều quốc gia khác nhau thì họ có thể bị kết án nhiều lần với nhiều bản án cùng có hiệu lực pháp luật nên họ có xu hướng bị trừng phạt nặng hơn. Điều đó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người phạm tội và xâm phạm nhân quyền của người có hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của nhiều quốc gia.
Thứ hai, quyền không bị kết án hai lần đối với một hành vi phạm tội được thực hiện trong phạm vi các quốc gia(dual sovereignty double jeopardy)[4] .
Theo phạm vi này, quyền không bị kết án lần thứ hai về cùng một tội phạm được hiểu là khi một hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của nhiều quốc gia, nếu một quốc gia tuyên một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì không những quốc gia đó sẽ không xét xử hành vi phạm tội này lần thứ hai mà các quốc gia khác cũng sẽ không xét xử lại hành vi phạm tội này. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Công ước thực thi Hiệp định Schengen (CISA). Điều 54 CISA quy định: “Một người đã có quyết định có hiệu lực tại một Bên ký kết có thể không bị truy tố ở một Bên ký kết khác về cùng một hành vi nếu một hình phạt đã được áp dụng, đã được thi hành, thực sự đang được thi hành hoặc có thể không còn được thi hành theo pháp luật của Bên kết án.” Quy định này hướng tới việc xác định thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội thuộc quyền tài phán của nhiều quốc gia khác nhau, nếu một trong số các quốc gia đó đã có một phán quyết có hiệu lực pháp luật thì hành vi phạm tội đó có thể không bị xét xử bởi các quốc gia khác.
Luật hình sự của một số quốc gia đã đề cập nguyên tắc không ai bị kết án hai lần về một tội phạm trong phạm vi các quốc gia. Do đó, cùng một hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của nhiều quốc gia, nếu một trong các quốc gia đó đã có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì các quốc gia khác sẽ không xét xử lần thứ hai. Khoản 1 và khoản 3 Điều 12 BLHS Nga quy định: Công dân Nga, người nước ngoài và người không quốc tịch phạm tội ở ngoài lãnh thổ Liên bang Nga mà BLHS Nga có hiệu lực áp dụng thì phải chịu TNHS theo BLHS Nga với điều kiện họ“chưa bị kết án ở nước ngoài” về hành vi phạm tội đó. Cùng về vấn đề này, BLHS Thụy Điển quy định: nếu một hành vi phạm tội đã có bản án có hiệu lực pháp luật của nước ngoài thì bị cáo có thể không bị truy tố về hành vi đó tại Thụy Điển nếu người đó đã được tuyên vô tội; hoặc phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt; hoặc đã (hoặc đang) chấp hành hình phạt; hoặc hình phạt đã tuyên bị mất hiệu lực theo pháp luật quốc gia đó.[5] Đây là quy định mang tính chất tùy nghi vì BLHS Thụy Điển quy định một số trường hợp loại trừ của quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm như nếu hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Thụy Điển, hoặc chống lại nhà nước Thụy Điển, hoặc cướp máy bay, tàu biển… thì mặc dù hành vi đó đã bị kết án ở nước ngoài vẫn có thể bị truy tố tại Thụy Điển khi có lệnh của Chính phủ[6] . Những trường hợp phạm tội không áp dụng quyền không bị kết án hai lần về một tội phạm này đều có tính nguy hiểm cao cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, an ninh quốc gia và nhà nước Thụy Điển.
Trong luật hình sự quốc tế, quyền không bị kết án hai lần vì một hành vi phạm tội cũng được nêu trong Quy chế Rome năm 1998 của Tòa án Hình sự quốc tế thường trực (“Quy chế Rome”): “Ngoại trừ theo quy định tại Quy chế này, không ai bị kết án trước Tòa án về một hành vi cấu thành tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc được tuyên bố trắng án bởi Tòa án. Không ai bị kết án bởi tòa án khác về một tội phạm quy định tại Điều 5 mà người đó đã bị kết án hoặc được tuyên bố trắng án bởi Toà án.”[7] Quy định này không chỉ cấm việc kết án lần thứ hai về một hành vi phạm tội của chính Tòa án Hình sự quốc tế thường trực mà còn cấm cả việc một Tòa án khác kết án lần thứ hai về cùng một hành vi phạm tội đã bị Tòa án Hình sự quốc tế thường trực xét xử. Như vậy, Quy chế đã đề cập nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một hành vi phạm tội theo cả hai phạm vi nêu trên. Ngoài ra, Quy chế còn nêu ra các trường hợp loại trừ của quyền không bị kết án hai lần vì một hành vi phạm tội. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Quy chế: “Không ai đã bị kết án bởi một tòa án khác về một hành vi cũng bị cấm theo Điều 6, 7 hoặc 8 sẽ bị kết án bởi Tòa án về cùng một hành vi, trừ khi thủ tục tố tụng tại tòa án khác: (a) đã nhằm bảo vệ người có liên quan đến trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm thuộc thẩm quyền của Toà án; hoặc (b) đã không được thực hiện độc lập hoặc khách quan phù hợp với các quy định theo đúng thủ tục được công nhận bởi pháp luật quốc tế và đã được tiến hành theo cách thức, trong các trường hợp, trái với mục đích mang lại công lý cho người có liên quan.”Quy định này nhằm ngăn chặn trường hợp một tòa án khác đã xét xử một hành vi phạm tội để ngăn cản việc xét xử của Tòa án Hình sự Quốc tế hoặc thực thi công lý.
Qua việc khảo sát quy định của một số điều ước quốc tế và pháp luật của một số quốc gia về quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm, chúng tôi thấy rằng hiện nay các quốc gia áp dụng quyền này ở hai phạm vi khác nhau như đã phân tích. Việc hiểu và áp dụng quyền này theo phạm vi rộng nêu trên sẽ bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền bình đẳng của người phạm tội.
Với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966, Việt Nam có nghĩa vụ quy định quyền không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm trong hệ thống pháp luật của mình. Việc Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận quyền này trong Hiến pháp năm 2013 là sự khởi đầu quan trọng cho quá trình nội luật hóa Điều 14(7) của Công ước. Hiện nay trên thế giới các quốc gia có xu hướng mở rộng việc áp dụng quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm trong thẩm quyền của các quốc gia, nhất là các nước trong Liên minh châu Âu. Đây là một xu hướng tiến bộ và bảo đảm tối ưu quyền của người phạm tội. Vì vậy, chúng tôi cho rằng khoản 3 Điều 31 Hiến pháp: “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”nên được triển khai vào các quy định của BLHS và BLTTHS theo phạm vi rộng nêu trên. Ngoài ra, chúng ta không nên áp dụng nguyên tắc này một cách tuyệt đối và cứng nhắc mà trong một số trường hợp, Nhà nước quy định vẫn có thể kết án lần thứ hai đối với một hành vi phạm tội: (1) Nếu có bằng chứng về các sự kiện mới hoặc mới được phát hiện, hoặc nếu có một lỗi cơ bản trong tố tụng trước, mà có thể ảnh hưởng đến kết quả của vụ án[8] ; (2) Hoặc nhằm bảo đảm an ninh quốc gia; hoặc có căn cứ cho rằng bản án của tòa án nước ngoài không đảm bảo tính khách quan, trung thực và công bằng.[9]
3. Đánh giá quy định hiện hành của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và kiến nghị
3.1 Pháp luật hình sự
Điều 6 BLHS Việt Nam năm 1999 quy định: “1. Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này. Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2.Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.”
Như vậy, nhà làm luật chỉ tuyên bố BLHS Việt Nam năm 1999 có thể được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không thể hiện rõ hành vi phạm tội đó đã bị kết án ở nước ngoài hay chưa. Quy định trên đang bỏ ngỏ khả năng (“có thể”) áp dụng BLHS Việt Nam năm 1999 đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam và đã bị kết án ở nước ngoài. Điều đó dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho người bị kết án, làm cho họ có thể bị kết án và phải chịu hình phạt hai lần vì một tội phạm, tạo ra tình trạng không công bằng giữa những người thực hiện hành vi phạm tội ở trong nước và ở nước ngoài.
Để giải quyết tình trạng này, chúng ta cần cụ thể hóa quyền “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp vào trong quy định của BLHS. Theo đó, Điều 6 BLHS nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng: một tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu người phạm tội đã bị kết án ở nước ngoài thì sẽ không bị xét xử lần thứ hai ở Việt Nam, trừ trường hợp hành vi phạm tội này xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam; hoặc việc xét xử ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho người phạm tội không phải gánh chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam hoặc việc xét xử không được tiến hành một cách độc lập, khách quan và việc xét xử không đúng với mục đích đưa người phạm tội ra trước công lý.Quy định này một mặt đảm bảo tối ưu quyền con người của người bị kết án, mặt khác trong trường hợp cần thiết vẫn đảm bảo được lợi ích của quốc gia và vấn đề thực thi công lý.
3.2. Pháp luật tố tụng hình sự
Tuy ra đời trước Hiến pháp năm 2013 nhưng BLTTHS năm 2003 đã có những quy định liên quan đến quyền “không bị kết án hai lần về cùng một tội phạm”. Cụ thể, khoản 4 Điều 107 BLTTHS năm 2003 quy định những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, trong đó có trường hợp người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu vụ án đã được khởi tố, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 164 BLTTHS 2003 về đình chỉ điều tra, khi xác định người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra, chấm dứt quá trình tố tụng. Khi xem xét hồ sơ vụ án để quyết định truy tố, theo quy định tại khoản 1 Điều 169 BLTTHS 2003, nếu Viện kiểm sát phát hiện thấy người mà mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật thì Viện kiểm sát phải quyết định đình chỉ vụ án. Nếu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, trong quá trình chuẩn bị xét xử nếu Tòa án phát hiện người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 180 BLTTHS năm 2003. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, theo quy định tại Điều 251 BLTTHS năm 2003, Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ vụ án nếu có căn cứ xác định người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, theo các quy định đã nêu của BLTTHS 2003, nếu một hành vi phạm tội đã có quyết định đình chỉ vụ án hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam sẽ không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử lại đối với hành vi phạm tội đó nữa và các cơ quan tiến hành tố tụng phải đình chỉ điều tra (nếu trong giai đoạn điều tra) hoặc đình chỉ vụ án (nếu trong giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm). Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nếu người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật của tòa án nước ngoài thì đây có phải là một căn cứ để chấm dứt quá trình tố tụng đối với người này? Hiện nay, các văn bản hướng dẫn BLTTHS năm 2003 hoàn toàn “im lặng” về vấn đề này và trong khi pháp luật nước ta đã có những quy định khá rõ ràng về việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án nước ngoài thì trong lĩnh vực hình sự, chúng ta không quy định về công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài mà chỉ quy định về hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao phạm nhân đang thi hành án phạt tù vì mục đích nhân đạo.
Với quy định tại khoản 3 Điều 31 Hiến pháp năm 2013, một lần nữa, vấn đề đặt ra là chúng ta cần hiểu nội dung “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” như thế nào. Như đã trình bày, chúng tôi ủng hộ quan điểm áp dụng quyền này ở phạm vi rộng. Vì vậy, bên cạnh việc đề xuất sửa đổi, bổ sung BLHS như trên, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, chúng tôi kiến nghị việc hiểu và áp dụng khoản 4 Điều 107, điểm a khoản 2 Điều 164, khoản 1 Điều 169, Điều 180 và Điều 251 BLTTHS năm 2003 nên mở rộng đến các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài. Tuy nhiên, cách hiểu và áp dụng theo hướng này cũng đồng nghĩa với việc nước ta công nhận các bản án, quyết định về hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng nước ngoài một cách “tự động” mà không cần phải kiểm tra, xem xét về giá trị hiệu lực của các bản án, quyết định đó. Điều này có thể dẫn đến tình trạng người phạm tội đã bị xét xử bởi một tòa án nước ngoài, nhưng việc xét xử chỉ nhằm mục đích bảo vệ họ không phải gánh chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam hoặc việc xét xử không được tiến hành một cách độc lập hoặc khách quan và việc xét xử không đúng với mục đích đưa người phạm tội ra trước công lý.
Vì vậy, học tập kinh nghiệm của Quy chế Tòa án Hình sự quốc tế thường trực và pháp luật hình sự một số nước, chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 4 Điều 107 BLTTHS năm 2003 như sau:
“Điều 107. Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: …
4- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợphành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực của tòa án nước ngoài nhưng hành vi phạm tội đó xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam hoặc có căn cứ cho rằng việc xét xử ở nước ngoài chỉ nhằm bảo vệ cho người phạm tội không phải gánh chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam hoặc việc xét xử không được tiến hành một cách độc lập, khách quan và việc xét xử không đúng với mục đích đưa người phạm tội ra trước công lý.
Hơn nữa, quyền “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” là quyền Hiến định của con người và chi phối toàn bộ các giai đoạn tố tụng hình sự, từ khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm vụ án hình sự; đồng thời quyền này còn chi phối các hành vi tố tụng quan trọng như quyết định không khởi tố vụ án, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị trong các nguyên tắc quy định tại Chương 2 BLTTHS năm 2003 cần bổ sung nguyên tắc “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”.
Các quy định nhân đạo và tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 về việc bảo đảm quyền của người bị buộc tội chỉ thực sự phát sinh hiệu lực khi được cụ thể hóa trong các quy định của BLHS và BLTTHS. Vì vậy, trong tiến trình sửa đổi hai bộ luật này, nhà làm luật cần có sự sửa đổi và bổ sung các quy định liên quan nhằm bảo đảm quyền “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của người phạm tội trong Hiến pháp năm 2013 có tính khả thi.
CHÚ THÍCH
[1] Điều 14.7 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, năm 1966.
[2] Roy W. Sears (1960), Illinois Double Jeopardy Act: An Empty Gesture, Criminal Law Comments and Abstracts, Vol.51, tr. 236.
[3] Đây là những trường hợp xem xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong tố tụng hình sự.
[4] Roy W. Sears (1960), tr. 236.
[5] Điều 5a Chương 2 BLHS Thụy Điển.
[6] Điều 5a Chương 2 BLHS Thụy Điển.
[7] Khoản 1, 2 Điều 20 Quy chế Tòa án hình sự quốc tế Rome.
[8] Tham khảo Điều 4.2 Nghị định thư số 7 của Công ước về Bảo vệ quyền con người và quền tự do cơ bản của Châu Âu.
[9] Tham khảo: Điều 20 Quy chế Tòa án hình sự quốc tế Rome; Điều 5a Chương 2 BLHS Thụy Điển; TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, “Hoàn thiện quy định về hiệu lực theo không gian của BLHS Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 03(82)/2014.
Like fanpage tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Hoa – PGS.TS. Phó trưởng Khoa Luật Hình sự, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền con người và quyền công dân, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
Đồng tác giả: Vũ Thị Thúy – ThS Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2014, Trang 69-74
Trả lời