Mục lục
Sửa đổi, bổ sung pháp luật tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013
- Quốc hội của Hiến pháp năm 2013 – PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp & ThS. Đinh Thị Cẩm Hà
- Bàn về mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội theo pháp luật hiện hành – ThS. Trần Thị Thu Hà
- Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội: Thực trạng và kiến nghị – ThS. Trần Thị Thu Hà
TÓM TẮT
Bài viết này đề cập việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội trên các khía cạnh: 1. Rà soát, bổ sung các nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội để phù hợp với nội dung của Hiến pháp mới; 2. Xây dựng cơ chế cụ thể để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” đối với một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội; minh thị một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội; 3. Rà soát, bổ sung các nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội để phù hợp với nội dung của Hiến pháp mới; tường minh một số nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội; 4. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo định hướng bảo đảm “sứ mệnh” đại diện của Quốc hội; và 5. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần tập trung vào đổi mới tổ chức, hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.
TỪ KHÓA: Hiến pháp 2013, Quốc hội, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2014
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/ 2013 đã kết tinh được trí tuệ của ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Với bố cục 11 chương, 120 điều, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Xây dựng một bản Hiến pháp “tráng lệ, vang vọng tiếng dân” đã khó, nhưng khó khăn hơn là việc triển khai thi hành Hiến pháp, đưa các điều khoản của Hiến pháp vào thực tiễn của cuộc sống; và đó mới là mục đích của việc xây dựng Hiến pháp. Chính vì vậy, tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của cả một hệ thống chính trị trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Đối với Quốc hội, mặc dù Hiến pháp mới đã có hiệu lực, nhưng tổ chức và hoạt động của thiết chế này vẫn chủ yếu dựa vào Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi năm 2007). Theo Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/ 11/ 2013 của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có Luật tổ chức Quốc hội cần được tiến hành khẩn trương và trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 (khoảng tháng 10 năm 2015).
Hiệu quả của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các bộ phận cấu thành, bao gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các thiết chế khác của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Do vậy, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 có hiệu quả, Luật tổ chức Quốc hội mới và các văn bản hướng dẫn cần chú ý các nội dung được trình bày dưới đây.
1. Rà soát, bổ sung các nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội để phù hợp với nội dung của Hiến pháp năm 2013
Nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, trong đó có một số nhiệm vụ, quyền hạn mới được bổ sung: Quốc hội quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ (khoản 4); Quyết định thành lập, bãi bỏ đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật (khoản 9); Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội(khoản 14); Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia (khoản 7). Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp (khoản 7).
Những nội dung trên không những cần được bổ sung trong Luật tổ chức Quốc hội mới, mà còn được thể hiện trong các đạo luật và các văn bản pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế…
2. Xây dựng cơ chế cụ thể để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” đối với một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội; minh thị một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội
Một là, cần xây dựng cơ chế chi tiết và cụ thể để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” đối với một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội.
Thực tiễn ở Việt Nam trong những năm qua, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội không được thực hiện, mang tính hình thức, hoặc thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, ví dụ: Quốc hội xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 70); Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (khoản 10 Điều 70); Quyết định đại xá (khoản 11 Điều 70); Quyết định trưng cầu ý dân (khoản 12 Điều 70).
Do vậy, cần xây dựng các đạo luật và cơ chế cụ thể để thực hiện, hoặc thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn các nhiệm vụ, quyền hạn này.
Hai là, minh thị một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội.
Mặc dù Hiến pháp quy định rõ một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nhiệm vụ quyền hạn này lại do các cơ quan khác thực hiện, hoặc “lạm quyền”, hoặc vai trò của Quốc hội còn mờ nhạt và rất hình thức.
Ví dụ: Quốc hội Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (khoản 3 Điều 70); Quyết định chính sách dân tộc Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước (khoản 5 Điều 70).
Những nhiệm vụ, quyền hạn trên, vai trò của Quốc hội rất mờ nhạt (thực quyền từ phía Chính phủ); hay Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo của Nhà nước (khoản 5), nhưng trên thực tế, chính sách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định (bằng Pháp lệnh).
3. Rà soát, bổ sung các nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội để phù hợp với nội dung của Hiến pháp năm 2013; tường minh một số nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội
So với Hiến pháp năm 1992, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Điều 74 Hiến pháp năm 2013, trong đó có một số nhiệm vụ, quyền hạn mới được bổ sung: Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (khoản 8) (thẩm quyền này theo Hiến pháp năm 1992 thuộc Chính phủ); Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước (khoản 6); Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 12).
Khi xây dựng Luật tổ chức Quốc hội mới, hay Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cần bổ sung những thẩm quyền trên. Mặt khác, các đạo luật liên quan như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hay các văn bản pháp luật khác liên quan, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định trên.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với một số nhiệm vụ, quyền hạn như: giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (khoản 2); Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập (khoản 3); Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 4); Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội (khoản 5).
Một điều cần chú ý là: để Hiến pháp được tuân thủ và thực thi – yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền, trong thời gian tới, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn tới việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (khoản 2), đặc biệt là giải thích Hiến pháp năm 2013 – một nội dung rất quan trọng trong hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
4. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần bảo đảm “sứ mệnh” đại diện của Quốc hội
Từ đầu thế kỷ XX, nhất là thời gian gần đây đang xảy ra những nghịch lý trong quá trình phát triển của các thiết chế đại diện: mặc dù các thiết chế này ngày càng trở thành những thiết chế trung tâmcủa chế độ dân chủ ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng cũng chính giai đoạn này đã chứng kiến sự quan liêu, xơ cứng, tính mất cân đối và thiếu tính hiệu quả trong hoạt động của các thiết chế đó, nhất là trong hoạt động lập pháp của Nghị viện/Quốc hội. Nhà chính trị học nổi tiếng người Italia Norberto Bobbio đã gọi Nghị viện là thiết chế của “những lời hứa hão” (broken promises), tức là đã xảy ra sự trái ngược giữa “cái được hứa và sự thật hiện hữu”[1] . Pier Ferdinando Casini, Chủ tịch tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho rằng sự phát triển của các thiết chế đại diện đang đối mặt với sự khủng hoảng trong hoạt động lập pháp[2] . Người dân ở nhiều quốc gia đã đặt ra câu hỏi: các thiết chế đại diện, đặc biệt là Nghị viện/ Quốc hội có thực sự nói lên tiếng nói của họ, có đại diện cho họ và thực sự quan tâm đến họ trong sự đa dạng của cộng đồng dân cư hay không?[3] Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trên diễn đàn quốc tế, trong một thời gian dài, chức năng lập pháp được xác định là một chức năng quan trọng duy nhất của Nghị viện/ Quốc hội [4] . Sau đó, ở nhiều nước, cùng với lập pháp, giám sát trở thành chức năng chính của Nghị viện[5] . Hiện nay chức năng của Quốc hội cũng chưa được nhận thức thống nhất: ở phương Tây, người ta cho rằng Nghị viện/ Quốc hội có ba chức năng chính: chức năng lập pháp, chức năng giám sát và chức năng đại diện[6] . Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng “Quốc hội có chức năng và nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước [7] ; có ý kiến nhấn mạnh chức năng lập pháp, nhưng cho rằng ngoài chức năng lập pháp, Quốc hội còn thực hiện nhiều chức năng khác [8] ; phổ biến nhất hiện nay có lẽ là quan điểm cho rằng Quốc hội có ba chức năng: chức năng lập pháp, chức năng quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước [9] .
Không loại trừ nguyên nhân do chưa thống nhất về mặt thuật ngữ, nhưng rõ ràng, hiện nay vẫn chưa có sự nhận thức chính xác và thấu đáo về “tính” đại diện của thiết chế này. Và như vậy, tất yếu dẫn đến một hệ quả là vai trò của Quốc hội trong bộ máy nhà nước chưa được “đặt” đúng vị trí của nó.
Các đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra, thì họ là người đại diện cho nhân dân. Có lẽ vì bầu cử Nghị viện/ Quốc hội ra đời sớm và phổ biến hơn so với bầu cử các chức danh trong hành pháp và tư pháp, nên thuật ngữ cơ quan đại diện hiện nay được sử dụng với nghĩa phổ biến là chỉ Nghị viện/ Quốc hội. Tính đại diện của thiết chế này gắn liền với chức năng lập pháp – chức năng khởi thủy khi sinh ra nó. Chức năng lập pháp của thiết chế này tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới[10] . Đại diện là trung tâm của các lý do vì sao Quốc hội tồn tại[11] và là tiêu chí đầu tiên khi bàn về Quốc hội.[12]
Thời kỳ đầu khi Nghị viện ra đời, lập pháp thường được xác định là một chức năng duy nhất của thiết chế này; lúc đó có thể đồng nhất giữa tính đại diện với chức năng lập pháp. Sau đó, lập pháp không còn là chức năng duy nhất; những chức năng khác, như giám sát hành pháp hay quyết định ngân sách quốc gia lần lượt ra đời, thì việc đồng nhất giữa tính đại diện với chức năng lập pháp không còn chính xác nữa. Do vậy, quan điểm coi chức năng đại diện tồn tại bên cạnh chức năng lập pháp, chức năng quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, chức năng giám sát[13] cần được bàn luận, bởi lẽ nếu coi đại diện là chức năng của Quốc hội, thì chức năng này không thể “cùng hàng” với lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao. Lôgic của vấn đề là ở chỗ: Quốc hội là thiết chế đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền lập pháp; đại diện cho nhân dân để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, và đại diện cho nhân dân để giám sát tối cao. Như thế đại diện không thể “cùng vai” với lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao, mà đại diện là thuộc tính bao trùm, chi phối các hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đức, “Chức năng đại diện cần phải coi là trung tâm, quyết định sự tồn tại và phát triển của các Nghị viện/Quốc hội nói chung. Nếu chức năng đại diện không được chú trọng thì các chức năng khác của Quốc hội như lập pháp, quyết định những vấn đề cơ bản và giám sát khó có thể vận hành tốt vì khi đó, ý chí của người dân và lợi ích của họ khó có thể được phản ánh một cách đúng đắn trong các quyết sách của Quốc hội”[14] . Mark Freeman cho rằng nếu coi đại diện là chức năng (function) của Quốc hội, thì lập pháp được gọi là vai trò (role) của thiết chế này. Ở hầu hết các quốc gia, lập pháp là vai trò chính và vai trò của thiết chế này có thể được mở rộng ở một số nước, như giám sát hành pháp, thông qua ngân sách. Tuy nhiên, tất cả các vai trò, dù là vai trò chính, mang tính khởi thủy là lập pháp, hay các vai trò được mở rộng sau này như giám sát hành pháp, đều phải xuất phát từ chức năng đại diện[15] và việc thực thi các vai trò là góp phần thực hiện chức năng đại diện của Quốc hội.
Suy nghĩ theo hướng đó, chúng tôi cho rằng, tiến trình dân chủ hóa, sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân đang và sẽ diễn ra ở Việt Nam, một trong những mắt xích quan trọng nhất là cần đổi mới Quốc hội, vì Quốc hội là hiện thân của dân chủ, là phương thức quan trọng bậc nhất thực hiện quyền lực nhân dân. Bên cạnh đó, vì Quốc hội là thiết chế đại diện mà thông qua đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nên Quốc hội phải là tấm gương phản chiếu các cơ cấu xã hội. Nói cách khác, Quốc hội Việt Nam phải là thiết chế nói lên tiếng nói của tất cả các bộ phận xã hội sinh sống trên đất nước Việt Nam. Để làm được điều đó, trước hết cần đổi mới từ nơi gốc rễ là chế độ bầu cử. Trong Cuốn sách Electoral System Design: The New International IDEA Handbookdo nhiều học giả uy tín biên soạn, có tính chất hướng dẫn về bầu cử đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đã khẳng định: bầu cử có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiến tạo chế độ dân chủ[16] . Muốn có Quốc hội thực sự của dân, do dân và vì dân, thì chế độ bầu cử, trên đó Quốc hội hình thành phải thực sự tự do, tiến bộ và công bằng. Tuy nhiên, cần chú ý rằng đổi mới chế độ bầu cử mới chỉ là tiền đề (điều kiện cần), việc làm tiếp theo là đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội mà một trong những nội dung đổi mới thiết chế này là phải thực sự coi các ủy ban của Quốc hội là trụ cột (bên cạnh việc nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của từng đại biểu Quốc hội), đổi mới nhận thức về chức năng đại diện của Quốc hội để Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
5. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần tập trung vào đổi mới tổ chức, hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có các chức năng cơ bản: lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Để bảo đảm các chức năng nói trên không bị chệch hướng, Quốc hội Việt Nam trước hết cần bảo đảm tính đại diện. Nói cách khác, đại diện (representation) là “sứ mệnh” của Quốc hội; sứ mệnh này bao trùm lên hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhưng ai, chủ thể nào giúp Quốc hội thực hiện sứ mệnh đó? Rõ ràng, các ủy ban của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải là những chủ thể chính có trách nhiệm trả lời các câu hỏi đó. Tất cả các chủ thể khác chỉ mang tính tổ chức, nghiệp vụ, cùng với các ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để thực hiện sứ mệnh đó. Nói cách khác, các thiết chế trụ cột của Quốc hội, trong đó Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng nhất trong việc bảo đảm tính đại diện của Quốc hội.
Trong hoạt động của nghị viện ở các nước, các ủy ban đóng vai trò nòng cốt. W. Wilson, Tổng thống thứ hai mươi tám của Hoa Kỳ đã phát biểu: “Quốc hội tại kỳ họp toàn thể là Quốc hội trình diễn; Quốc hội trong các Ủy ban là Quốc hội làm việc”[17] .
Ở Việt Nam, trong điều kiện Quốc hội hoạt động không thường xuyên, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, thì hiệu quả hoạt động của Quốc hội càng phụ thuộc vào hoạt động của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Để thực hiện được vai trò trên, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần đổi mới theo các tiêu chí sau đây:
Một:tăng cường vai trò, sự chủ động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và từng đại hội Quốc hội trong việc phác họa chương trình, kế hoạch xây dựng Luật, pháp lệnh trong từng nhiệm kỳ, trong từng năm. Đây là tiêu chí rất quan trọng, vì hoạt động này có vai trò lớn trong việc định hướng hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội. Cần đánh giá cụ thể về số lượng, chất lượng, thứ tự ưu tiên đối với các dự án luật, pháp lệnh.
Hai: Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã chủ động khởi xướng đối với việc xây dựng mới, sửa đổi Hiến pháp hay chưa? Mức độ chủ động đến đâu? Sự tham gia, vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào tiến trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp trong từng công đoạn cụ thể được thể hiện như thế nào? Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động khởi xướng (sáng kiến lập pháp) và trình các dự án luật, dự ánh pháp lệnh hay chưa? Cần đánh giá về mức độ, số lượng, tần suất, sự cân đối giữa các lĩnh vực của các đạo luật, luật, pháp lệnh được các thiết chế này khởi xướng, phát động và xây dựng. Theo chúng tôi, đây là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là định hướng đổi mới trong thời gian tới.
Ba: Các kiến nghị cụ thể của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh.
Bốn: Hoạt động thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh với tính chất là cơ quan phản biện: sự đánh giá đúng sai, tính hợp lý hay không hợp lý, vai trò trong việc góp ý, điều chỉnh, ngăn ngừa.
Năm: Vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc giải thích, cung cấp thông tin cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, báo chí, các phương tiện truyền thông và các tầng lớp nhân dân.
Sáu: Vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật đối với từng dự án luật, dự án pháp lệnh. Đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thì việc bảo đảm chủ quyền nhân dân, phát huy trí tuệ các tầng lớp nhân dân được thể hiện thông qua vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như thế nào?
Bảy:Vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo đảm tính đồng bộ, tính toàn diện, tính minh bạch, tính khả thi, kỹ thuật lập pháp như thế nào?
Tuy nhiên, cần chú ý rằng, việc giải quyết các vấn đề nói trên không xuất phát từ một lực lượng, một cơ cấu xã hội nào, mà cần dựa vào tính đại diện, xuất phát từ chủ quyền nhân dân, ý chí và nguyện vọng của nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam như phần trên đã phân tích.
Chẳng hạn, đối với tiêu chí Một ở trên, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tự mình đề xuất xây dựng các dự án luật hay pháp lệnh cụ thể nào? Họ đã chủ động đề xuất hay thuyết phục Quốc hội đưa vào thứ tự ưu tiên để xây dựng và thông qua, thực thi các luật liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức của họ, hay mới chỉ tâm đến các đạo luật phục vụ cho hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước? Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ý kiến gì và quan điểm ra sao khi một loạt các dự án đạo luật đã được khởi động và xây dựng, nhưng bị hoãn lại, như Dự án Luật Trưng cầu ý dân, Dự án Luật về hội…?
Ngoài ra, một nội dung rất quan trọng là cần chú ý đến quy định tại Điều 84 Hiến pháp năm 2013 “1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Nói cách khác, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải là những chủ thể quan trọng trong việc chủ động khởi xướng sáng kiến lập pháp, xây dựng các dự án Luật. Tăng cường và nâng cao hiệu quả của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong lĩnh vực này không chỉ có ý nghĩa trong việc khởi động và phát động cỗ xe “Quốc hội” trong hoạt động xây dựng pháp luật, mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp luật được ban hành là của chính Quốc hội, chứ không phải là của Chính phủ hay các chủ thể khác – một hiện tượng phổ biến hiện nay ở Việt Nam.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS Luật học, Trưởng khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Xem: David Beetham,Parliament and democracy in the twenty-first century a guide to good practice, Inter- Parliamentary Union , 2006, tr.viii, 1, hoặc xem: Văn phòng quốc hội, Thiết chế nghị viện những khái niệm cơ bản, Chương trình Dự án VIE/02/007 “Tăng cường Năng lực các cơ quan dân cử ở Việt Nam”- Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Hà Nội – Việt Nam 2005, tr. 1.
[2] David Beetham,tlđd, tr.viii, 1; hoặc xem: Văn phòng quốc hội, tlđd,tr. vii.
[3] David Beetham,tlđd, tr.viii, 1. hoặc xem: Văn phòng quốc hội, tlđd, tr. vii.
[4] Văn phòng Quốc hội Việt Nam- Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Thiết chế Nghị viện -Những khái niệm cơ bản,Dự án VIE/02/007, Hà Nội – Việt Nam 2005, tr. 5.
[5] Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, , tr. 22.
[6] PGS.TS Bùi Xuân Đức, “Nhận thức về chức năng đại diện và thực hiện chức năng đại diện của Quốc hội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2(117), tháng 2/2008, tr. 5.
[7] Xem: PTS. Phan Trung Lý, Giáo trình Luật Nhà nước Việt Nam – Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hà Nội, 1994, tr. 272.
[8] Xem: PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam(PGS.TS. Bùi Xuân Đức Chủ biên) – Khoa Luật,Viện Đại học mở Hà Nội, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2004, tr. 278.
[9] Xem: Phạm Đức Bảo, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam(PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng, TS. Vũ Hồng Anh đồng Chủ biên) – Trường Đại học luật Hà Nội, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 336; Nguyễn Thanh Bình, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam(PGS.TS. Bùi Xuân Đức, PGS.TS. Võ Khánh Vinh đồng chủ biên) – Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Huế, Huế, 1997, tr. 257; PGS.TS Bùi Xuân Đức, Nhận thức về chức năng đại diện và thực hiện chức năng đại diện của Quốc hội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2(117), tháng 2/2008, tr. 5.
[10] Making reconciliation work: the role of parliaments(Handbook for Parliamentarians N°10 – 2005), tr. 10.
[11] Văn phòng Quốc hội Việt Nam – Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Thiết chế Nghị viện – Những khái niệm cơ bản,Dự án VIE/02/007, Hà Nội 2005, tr. 28.
[12] “The first criterion of a democratic parliament is that it should be representative of the people. In the first instance this means that parliament should reflect the popular will as expressed in the choices electors make for their representatives and for the political parties in whose name they stand”. Xem: David Beetham, Parliament and Democracy in the twenty-first Century a Guide to Good Practice, Inter-Parliamentary Union , 2006, tr. 13;Mark Freeman, Making reconciliation work: The role of Parliaments, International IDEA/ IPU, 2005, tr. 10.
[13] Văn phòng Quốc hội Việt Nam- Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Thiết chế Nghị viện -Những khái niệm cơ bản, Dự án VIE/02/007, Hà Nội – Việt Nam 2005.
[14] PGS.TS Bùi Xuân Đức, Nhận thức về chức năng đại diện và thực hiện chức năng đại diện của Quốc hội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2(117), tháng 2/2008, tr. 8.
[15] Mark Freeman (2005), Making reconciliation work: the role of parliaments, International IDEA/ IPU, 2005, tr. 10.
[16] Andrew Reynolds, Ben Reilly and Andrew Ellis, With José Antonio Cheibub, Karen Cox, Dong Lisheng, Jørgen Elklit, Michael Gallagher, Allen Hicken, Carlos Huneeus, Eugene Huskey, Stina Larserud, Vijay Patidar, Nigel S. Roberts, Richard Vengroff, Jeffrey A. Weldon, Electoral System Design: The New International IDEA Handbook, International Institute for Democracy and Electoral Assistance 2005, tr. 1.
[17] “Congress in session is Congress on public exhibition, whilst Congress in its committee rooms is Congress at work” Xem: Woodrow Wilson, Congressional Government Baltimore, the Johns Hopkins University Press, 1981, tr. 69.
Trả lời